Tam quốc chí - Tây Nhung liệt truyện

 

Tây Nhung liệt truyện

Tam quốc chí – quyển 30

 

Phần liệt truyện về Tây Nhung của Tam quốc chí trích dẫn nguyên văn từ sách Ngụy lược đã thất lạc, viết về các quốc gia và dân tộc ở miền tây Trung Quốc, Trung Á, Nam Á và Tây Á đương thời. Bên cạnh những thông tin đã được ghi chép trong Sử ký, Hán thưHậu Hán thư, tác giả của Ngụy lược còn bổ sung thêm những kiến thức địa chí mới mà mình thu thập được. Tuy có một số chi tiết mang tính huyễn tưởng hoặc không chính xác do sai sót trong quá trình khảo cứu và biên tập, nhưng liệt truyện này vẫn có giá trị rất lớn, phản ánh nhận thức của giới học giả Trung Hoa đương thời về thế giới bên ngoài. Trong bản dịch bên dưới, tiêu đề mỗi đoạn là do người dịch tự thêm vào.

 

***

 

Người Đê

 

Người Đê () đã có vương từ lâu. Từ khi nhà Hán mở châu Ích, đặt quận Vũ Đô, chủng người ấy bị đánh đuổi nên chia nhau trốn vào núi non, có kẻ ở Phúc Lộc, có kẻ ở hai sườn tả hữu núi Khiên, núi Lũng. Chủng người này không thống nhất. Họ xưng là hậu duệ Bàn Hoạch, có dân gọi là Thanh Đê (青氐), có dân gọi là Bạch Đê (白氐), có dân gọi là Nhiêm Đê (蚺氐), đấy là gọi theo các loài sâu bọ. Người Trung Quốc dựa vào phục sức mà gọi tên họ, còn họ tự gọi nhau là Hạp Trĩ (盍稚). Mỗi dân đều có vương hầu, đa phần nhận chức tước Trung Quốc. Thời Kiến An gần đây, Đê vương A Quý (阿貴) ở Hưng Quốc (興國), Đê vương Thiên Vạn (千萬) ở Bạch Hạng (白項) đều có hơn vạn bộ lạc, đến năm thứ 16 (211) theo Mã Siêu làm loạn. Sau khi Siêu thua, A Quý bị Hạ Hầu Uyên đánh diệt, Thiên Vạn chạy về tây nam vào đất Thục, bộ lạc của hắn không chạy được nên đều hàng. Nước nhà đồ những kẻ trước sau hai lòng đến Phù Phong, Mĩ Dương, nay do quan Hộ quân hai bộ An Di, Phủ Di cai quản. Những kẻ giữ lương thiện được chia ra ở lại vùng Thiên Thủy, Nam An, nay do quận Quảng Ngụy canh giữ.

 

Về tục dân này, thì tiếng nói không giống với Trung Quốc mà giống với người Khương, người Hồ. Ai nấy đều có họ, giống như họ ở Trung Quốc. Y phục chuộng màu xanh và đỏ thẫm. Biết dệt vải, giỏi gieo trồng. Nuôi lợn, bò, ngựa, lừa, la. Đàn bà khi cưới mặc áo hở vạt, viền áo trang trí tựa như áo người Khương, vạt hở giống áo bào Trung Quốc. Ai nấy đều búi tóc. Nhiều người biết tiếng Trung Quốc, vì từng sống tạm ở Trung Quốc, còn khi trở về bộ lạc thì dùng tiếng Đê. Việc cưới xin tựa như người Khương. Đây có lẽ là giống dân xưa kia được gọi là Tây Nhung ở vùng Nhai, , Nguyên Đạo. Nay tuy lệ thuộc vào quận quốc, nhưng vốn có vương hầu riêng ở giữa làng xóm. Ở hai bên phố Âm Bình tại đất Vũ Đô cũng có hơn vạn bộ lạc.

 

Người Ti Lỗ

 

Ti Lỗ (貲虜) vốn là người Hung Nô (Hung Nô gọi nô tì là ti). Đầu thời Kiến Vũ, Hung Nô suy nên vứt bỏ nô tì của mình. Họ chạy trốn đến sông Hắc ở miền bắc Kim Thành, Vũ Uy, Tửu Tuyền cũng như miền đông và tây Tây Hà, đi theo cỏ nước để chăn gia súc, đánh cướp châu Lương, bộ lạc dần đông đến hàng vạn, không giống với người Tiên Ty ở đông bộ. Chủng này không thống nhất mà có người Đại Hồ, có người Đinh Linh, có nơi người Khương sống lẫn, vì vốn là nô tì bỏ trốn vậy. Cuối thời Hán đầu thời Ngụy, có đại nhân tên là Đàn Chá (檀柘). Sau khi chết, đại nhân của một nhánh dời về nam gần ranh giới Quảng Ngụy, Lệnh Cư. Có tên Ngốc Khôi Lai (禿瑰來) nhiều lần làm phản, nên bị châu Lương giết. Nay có Thiệu Đề (劭提), lúc đến hàng lúc chạy trốn, thường gây hoạn nạn cho đường sá các châu phía tây.

 

Người Khương

 

Vùng Nam Sơn ở Đôn Hoàng, Tây Vực, từ Nhược Khương (婼羌) đến Thông Lĩnh (婼羌) mấy nghìn lí, có chủng Nguyệt Thị còn sót là Thông Sài Khương (蔥茈羌), Bạch Mã (白馬), Hoàng Ngưu Khương (黃牛羌), đều có tù trưởng. Phía bắc tiếp giáp các nước, không biết khoảng cách xa hay gần. Nghe nói trong dân Hoàng Ngưu Khương có một chủng loại mang thai sáu tháng thì sinh, nằm gần Bạch Mã Khương phía nam.

 

Các nước Tây Vực

 

Các nước Tây Vực vào lúc nhà Hán mới mở đường gồm 36 nước, về sau chia thành hơn 50. Từ thời Kiến Vũ đến nay thôn tính tiêu diệt lẫn nhau, đến giờ chỉ còn 20.

 

Từ ải Ngọc Môn ở Đôn Hoàng vào Tây Vực, trước kia có hai đường, sau này có ba đường. Từ ải Ngọc Môn đi về tây, qua Nhược Khương, rẽ sang tây, vượt Thông Lĩnh, qua Huyện Độ (縣度), vào Đại Nguyệt Thị (大月氏), là đường phía nam. Từ ải Ngọc Môn đi về tây, bắt đầu từ vũng Đô Hộ, vòng về phía bắc qua Tam Lũng Sa (三隴沙), đi qua kho Cư Lư (居盧), từ vũng Sa Tây (沙西) rẽ sang tây bắc, qua Long Đồi (龍堆), đến đất Lâu Lan (樓蘭) cũ, rẽ sang tây đến Quy Từ (龜茲), tới Thông Lĩnh, là đường giữa. Từ ải Ngọc Môn đi về tây bắc, qua Hoành Khanh (橫坑), bỏ Tam Lũng Sa và Long Đồi mà từ Ngũ Thuyền (五船) đi về bắc, đến trị sở của Mậu Kỷ Đô úy tại Cao Xương (高昌) ở đất Xa Sư (車師), hợp với đường giữa ở Quy Từ, là đường mới. Sản vật của Tây Vực sử trước chép đủ, nên nay bỏ qua.

 

Các tuyến giao thương Đông-Tây, vào khoảng cuối thời Đông Hán.

Đường phía nam

 

Đường phía nam đi về tây có nước Thả Chí (且志), nước Tiểu Uyển (小宛), nước Tinh Tuyệt (精絕), nước Lâu Lan, đều lệ thuộc Thiện Thiện (鄯善). Nước Nhung Lư (戎盧), nước Hãn Mi (扞彌), nước Cừ Lặc (渠勒), nước Bì Sơn (皮山) đều lệ thuộc Vu Điền (于寘). Nước Kế Bân (罽賓), nước Đại Hạ (大夏), nước Cao Phụ (高附), nước Thiên Trúc (天竺) đều lệ thuộc Đại Nguyệt Thị.

 

Nước Lâm Nhi (臨兒)

 

Kinh Phù Đồ viết vương nước này sinh ra Phù Đồ (浮屠), nên Phù Đồ là thái tử. Cha là Tiết Đầu Da (屑頭邪), mẹ là Mạc Da (莫邪). Phù Đồ mình mặc áo vàng, tóc xanh như tơ, khi còn nhỏ có lông xanh, mình đỏ như đồng. Ban đầu Mạc Da nằm mơ thấy voi trắng rồi có thai. Khi sinh thì chui ra từ sườn mẹ, mới sinh đã có búi tóc, xuống đất đi được bảy bước.

 

Nước này nằm giữa thành Thiên Trúc. Thiên Trúc lại có thần nhân tên là Sa Luật (沙律). Xưa vào năm Nguyên Thọ thứ 1 triều Hán Ai đế (2 TCN), Bác sĩ đệ tử Cảnh Lư nghe sứ của Đại Nguyệt Thị vương là Y Tồn (伊存) nói về kinh Phù Đồ, rằng kẻ lập ra là người này. Phù Đồ nói về lâm bồ tắc (臨蒲塞), tang môn (桑門), bá văn (伯聞), sớ vấn (疏問), bạch sớ gian (白疏間), tỳ khâu (比丘), thần môn (晨門), đều là hiệu của đệ tử [1]. Lời dạy của Phù Đồ có khác chút ít so với kinh của Lão Tử ở Trung Quốc, có lẽ là vì Lão Tử rời ải đi về tây, qua Thiên Trúc ở Tây Vực dạy người Hồ. Biệt hiệu của các đệ tử của Phù Đồ tổng cộng có 29, không chép rõ được, nên tóm lược như trên.

 

Nước Xa Ly (車離) [2]

 

Còn tên là Lễ Duy Đặc (禮惟特) hay Phái Lệ Vương (沛隷王), nằm hơn 3.000 lí về phía đông nam Thiên Trúc. Đất này ẩm thấp nóng bức. Vương nước này trị thành Sa Kỳ (沙奇), lại có mấy chục thành khác. Người dân yếu đuối, bị Nguyệt Thị, Thiên Trúc đánh bại rồi thu phục. Đất này đông tây nam bắc rộng mấy nghìn lí. Người dân dù nam hay nữ đều cao 1 trượng 6 thước. Cưỡi voi và lạc đà để chiến đấu. Nay lao dịch, nộp thuế cho Nguyệt Thị.

 

Nước Bàn Việt (盤越)

 

Còn tên là Hán Việt Vương (漢越王), nằm mấy nghìn lí về phía đông nam Thiên Trúc, gần với bộ Ích. Người nước này nhỏ ngang người Trung Quốc. Người Thục đến đây mua bán.

 

Đường phía nam đi đến cực tây rồi rẽ sang đông nam, là chấm hết.

 

Đường giữa

 

Đường giữa đi về tây qua nước Úy Lê (尉梨), nước Nguy Tu (危須), nước Sơn Vương (山王), đều lệ thuộc Yên Kỳ (焉耆); nước Cô Mặc (姑墨), nước Ôn Túc (溫宿), nước Úy Đầu (尉頭) đều lệ thuộc Quy Từ; nước Trinh Trung (楨中), nước Sa Xa (莎車), nước Kiệt Thạch (竭石), nước Cừ Sa (渠沙), nước Tây Dạ (西夜), nước Ỷ Năng (依耐), nước Mãn Lê (滿犁), nước Ức Nhược (億若), nước Du Lệnh (榆令), nước Quyên Độc (損毒), nước Hưu Tu (休脩), nước Cầm () đều lệ thuộc Sớ Lặc (疏勒).

 

Từ đấy về tây có Đại Uyển (大宛), An Tức (安息), Điều Chi (條支), Ô Dặc (烏弋). Ô Dặc còn tên là Bài Đặc (排特). Bốn nước ấy nằm ở phía tây, là nước gốc, không tăng giảm. Đời trước nhầm rằng Điều Chi ở phía tây Đại Tần (大秦); nay kỳ thực ở phía đông. Đời trước nhầm là mạnh hơn An Tức; nay phải dịch thuộc An Tức, được gọi là biên giới phía tây An Tức. Đời trước lại nhầm là Nhược Thủy [3] nằm phía tây Điều Chi; nay Nhược Thủy nằm phía tây Đại Tần. Đời trước lại nhầm là từ Điều Chi đi hơn 200 ngày về phía tây là đến gần nơi mặt trời lặn; nay phía tây Đại Tần gần nơi mặt trời lặn.

 

Nước Đại Tần

 

Còn tên là Lê Kiền (犂靬), nằm phía tây biển lớn ở tây An Tức, Điều Chi, gió lặng thì đi mất một năm, không có gió đi mất ba năm. Nước này nằm phía tây biển, nên tục gọi là Hải Tây. Có sông bắt nguồn ở nước này. Phía tây lại có biển lớn. Hải Tây có thành [Ô] Trì Tản (烏遲散). Từ nước này đi thẳng về bắc là đến thành Ô Đan (烏丹), phía tây nam lại có một con sông, đi thuyền một ngày là qua được. Phía tây nam lại có một sông, mất một ngày mới qua được. Có tất cả ba đô thành lớn. Từ thành An Cốc (安谷) đi đường bộ thẳng về bắc đến Hải Bắc, lại đi thẳng về tây đến Hải Tây, lại đi thẳng về nam qua thành Ô Trì Tản, sẽ gặp một con sông, đi thuyền một ngày là qua. Lòng vòng quanh biển, tổng cộng vượt biển lớn sáu ngày là đến nước này.

 

Nước này có tất cả hơn 400 thành ấp nhỏ, đông tây nam bắc rộng mấy nghìn lí. Trị sở của vương nước nằm cạnh sông và biển, thành quách xây bằng đá. Đất này có tùng, bách, hòe, tử, tre, sậy, dương liễu, hồ đồng, bách thảo. Người dân trồng trọt ngũ cốc. Súc vật có ngựa, la, lừa, lạc đà. Biết trồng dâu nuôi tằm. Có nhiều kẻ diễn trò, phun lửa ra từ miệng, tự trói tự cởi, tung 12 quả bóng xảo diệu. Nước này không có chúa cố định, trong nước có tai dị liền đổi sang lập người hiền làm vương, rồi phóng thích cố vương; cố vương cũng không dám oán. Người nước này cao lớn ngay thẳng tựa người Trung Quốc, nhưng mặc y phục Hồ. Họ tự nói vốn cũng là một Trung Quốc riêng, thường muốn thông sứ sang Trung Quốc, nhưng An Tức muốn giữ mối lợi nên không cho qua. Biết viết chữ Hồ [4]. Về chế độ, thì nhà cửa công tư đều xây nhiều tầng, cắm cờ đánh trống, đi xe nhỏ mái trắng, đặt bưu, dịch, đình như Trung Quốc. Từ An Tức đi vòng qua Hải Bắc đến nước này, người dân nương tựa nhau, cứ 10 lí có 1 đình, 30 lí có nhà trạm. Chẳng hề có trộm cướp, song có hổ dữ, sư tử làm hại, đi đường không theo nhóm thì không qua được.

 

Nước này đặt mấy chục tiểu vương. Trị sở của vương là một ngôi thành chu vi hơn trặm lí, có quan coi văn thư. Vương có năm cung, mỗi cung cách nhau mười lí. Vương sáng sớm nghe chính sự ở một cung, khi mặt trời lặn thì nghỉ, hôm sau đến cung khác, cứ năm ngày là hết một vòng. Đặt 36 viên tướng, mỗi khi bàn việc có một tướng không đến thì không bàn. Khi vương ra ngoài thường sai tùy tùng cầm một cái túi da theo sau, có kẻ tâu việc thì nhận thư từ của họ bỏ vào trong túi, về cung mới xem xét để xử lí. Dùng thủy tinh làm cột trong cung và đồ dùng. Biết làm cung tên.

 

Các tiểu quốc được phong riêng là Trạch Tản vương (澤散), Lư Phân vương (驢分), Thả Lan vương (且蘭), Hiền Đốc vương (賢督), Dĩ Phục vương (汜復), Vu La vương (于羅). Các tiểu vương quốc còn lại rất nhiều, không thể chép rõ hết.

 

Nước này sản xuất vải mịn. Đúc tiền vàng bạc, một tiền vàng đáng giá mười tiền bạc. Có thứ vải dệt mịn, nghe nói là làm bằng lông dê nước, tên là vải Hải Tây. Súc vật ở nước này đều sinh ra từ nước. Có kẻ nói không chỉ dùng lông dê, mà cũng dùng vỏ cây hoặc kén tơ hoang để làm, dệt thành các thứ cù du (氍毹), tháp đăng (毾㲪) [5], trướng len, đều rất tốt, màu sắc lại rực rỡ như đồ làm ở các nước phía đông biển. Lại thường thu được tơ Trung Quốc, kéo ra để làm lụa Hồ, nên mua bán nhiều với các nước An Tức ở giữa biển. Núi sản sinh ngọc thạch cửu sắc, một là xanh, hai là đỏ, ba là vàng, bốn là trắng, năm là đen, sáu là lục, bảy là tía, tám là hồng, chín là lam thẫm. Nay trong núi Y Ngô có đá chín màu, là loại ấy. Năm Dương Gia thứ 3 (134), bề tôi của Sớ Lặc vương là Bàn () hiến một viên đá xanh Hải Tây và một chiếc đai. Sách Tây Vực cựu đồ nói các nước Kế Tân, Điều Chi sản sinh đá quý, tức là ngọc thạch vậy.

 

Đại Tần có nhiều vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc; rùa thần, ngựa trắng, ngựa lông đỏ, tê dọa gà [6], đồi mồi, gấu đen, xích ly [7], chuột kháng độc, vỏ sò lớn, xà cừ, mã não, nam kim [8], lông cánh chim bói cá, ngà voi; ngọc phù thái, ngọc trai sáng như trăng, ngọc trai dạ quang, ngọc trai trắng muốt, hổ phách, san hô; lưu li mười màu đỏ trắng đen lục vàng xanh lam trắng xanh, hồng, tía; cầu lâm, lang can, thủy tinh [9]; mai khôi, hùng hoàng, thư hoàng; ngọc bích, ngọc ngũ sắc; mười loại cù du màu vàng, trắng, đen, lục, tía, hồng, đỏ thắm, xanh thẫm, kim hoàng, trắng xanh, vàng đen; cù du ngũ sắc; tháp đăng thủ hạ ngũ sắc hoặc cửu sắc; vải thêu kim tuyến, lụa tạp sắc, vải thếp vàng, vải phi trì (緋持), vải phát lục (發陸), vải phi trì cừ (緋持渠), vải hỏa hoãn [10], vải a la đắc (阿羅得), vải ba tắc (巴則), vải độ đại (度代), vải ôn túc (溫宿), vải đào ngũ sắc; trướng thêu kim tuyến màu đỏ thẫm, đấu trướng ngũ sắc; gỗ nhất vy (一微), tô hợp (蘇合) [11], địch đề (狄提), mê mê (迷迷), đâu nạp (兜納[12], bạch phụ tử, huân lục (薰陸), uất kim (郁金), vân giao (芸膠), và 12 giống cây cỏ thơm.

 

Đường ở Đại Tần thông với đường bộ ở Hải Bắc, lại men theo biển đi về nam là đến đất người Di bên ngoài bảy quận Giao Chỉ. Lại có đường thủy thông tới Vĩnh Xương ở châu Ích, nên Vĩnh Xương có sản vật lạ. Đời trước chỉ bàn là có đường thủy, không biết có đường bộ, nay tóm lược như vậy. Hộ khẩu của người dân không chép rõ hết được. Từ Thông Lĩnh về tây, nước này là lớn nhất, đặt rất nhiều tiểu vương, nên chỉ chép các thuộc quốc lớn thôi.

 

Nước Trạch Tản

 

Trạch Tản vương thuộc Đại Tần, trị sở nằm giữa biển, phía bắc giáp Lư Phân, đi đường thủy mất nửa năm, gió mạnh thì có khi một tháng là đến. Gần nhất với thành An Cốc của An Tức. Đi về hướng tây nam là đến kinh đô Đại Tần, không rõ bao nhiêu lí.

 

Nước Lư Phân

 

Lư Phân vương thuộc Đại Tần, trị sở cách kinh đô Đại Tần 2.000 lí. Từ thành Lư Phân đi về tây đến Đại Tần phải vượt biển, có phi kiều dài 230 lí. [Sau khi] vượt biển đi về tây nam, men theo bờ biển rồi đi thẳng về tây.

 

Nước Thả Lan

 

Thả Lan vương thuộc Đại Tần. Từ nước Tư Đào (思陶) đi thẳng về nam qua sông, rồi đi thẳng về tây 3.000 lí là đến Thả Lan. Đường này bắt đầu từ phía nam sông rồi đi về tây. Từ Thả Lan lại đi về tây 600 lí là đến nước Dĩ Phục. Đường phía nam hội ở Dĩ Phục, rồi đi về tây nam đến nước Hiền Đốc. Từ Thả Lan, Dĩ Phục đi thẳng về nam thì có Tích Thạch (積石), phía nam Tích Thạch lại có biển lớn, sản sinh san hô, ngọc trai. Phía bắc Thả Lan, Dĩ Phục, Tư Tân (斯賓), A Man (阿蠻) có một dãy núi chạy theo chiều đông tây. Phía đông Đại Tần, Hải Tây đều có một dãy núi chạy theo hướng nam bắc.

 

Nước Hiền Đốc

 

Hiền Đốc vương thuộc Đại Tần. Từ trị sở nước này đi về đông bắc 600 lí là đến Dĩ Phục.

 

Nước Dĩ Phục

 

Dĩ Phục vương thuộc Đại Tần. Từ trị sở nước này đi về đông bắc 340 lí là đến Vu La, phải vượt biển [13].

 

Nước Vu La

 

Vu La thuộc Đại Tần, trị sở nằm ở phía đông bắc Dĩ Phục, cách một con sông. Từ đông bắc Vu La vượt sông là đến Tư La, đi tiếp về đông bắc lại phải vượt sông.

 

Nước Tư La

 

Nước Tư La (斯羅) thuộc An Tức, tiếp giáp với Đại Tần.

 

Viễn Tây

 

Phía tây Đại Tần có biển, phía tây biển có sông, phía tây nam và tây bắc sông có núi lớn, phía tây có Xích Thủy, phía tây Xích Thủy có núi Bạch Ngọc. Núi Bạch Ngọc có Tây Vương Mẫu. Phía tây Tây Vương Mẫu có Lưu Sa trải dài, phía tây Lưu Sa có nước Đại Hạ, nước Kiên Sa (堅沙), nước Thuộc Dao (屬繇), nước Nguyệt Thị. Phía tây bốn nước ấy có sông Hắc, nghe đồn là tận cùng phương tây [14].

 

Đường phía bắc

 

Đường mới phía bắc đi về tây, đến nước Đông Thả Mi (東且彌), nước Tây Thả Mi (西且彌), nước Đơn Hoàn (單桓), nước Tất Lục (畢陸), nước Bồ Lục (蒲陸), nước Ô Tham (烏貪), đều lệ thuộc Xa Sư Hậu bộ. Vương trị ở thành Vu Lại (于賴). Nhà Ngụy ban cho vương Nhất Đa Tập (壹多雜) chức Thị trung, hiệu là Đại đô úy, nhận ấn vương của Ngụy.

 

Rẽ về tây bắc thì có Ô Tôn, Khang Cư, là nước gốc, không tăng giảm. Nước Bắc Ô Y Biệt (北烏伊別) nằm ở phía bắc Khang Cư. Lại có nước Liễu (柳), nước Nham (巖), nước Yêm Thái (奄蔡) hay còn tên là A Lan (阿蘭), đều đồng tục với Khang Cư. Phía tây tiếp với Đại Tần, phía đông nam tiếp với Khang Cư. Những nước này có nhiều chồn, đi theo cỏ nước để chăn súc vật, sống cạnh đầm lớn. Thời xưa ràng buộc vào Khang Cư, nay không thuộc nữa.

 

Nước Hô Đắc

 

Nước Hô Đắc (呼得) nằm phía bắc Thông Lĩnh, tây bắc Ô Tôn, đông bắc Khang Cư. Binh lính hơn vạn người, di cư theo súc vật, sản xuất ngựa tốt và chồn.

 

Nước Kiên Côn

 

Nước Kiên Côn (堅昆) nằm phía tây bắc Khang Cư. Binh lính 30.000 người, di cư theo súc vật, cũng có nhiều chồn và ngựa tốt.

 

Nước Đinh Linh

 

Nước Đinh Linh (丁令) nằm phía bắc Khang Cư. Binh lính 60.000 người, di cư theo súc vật, sản xuất da chuột nổi tiếng, da côn tử trắng và da côn tử xanh.

 

Trong ba nước kể trên thì Kiên Côn nằm giữa, đều cách đình của thiền vu Hung Nô ở sông An Tập (安習) 7.000 lí, phía nam cách sáu nước Xa Sư 5.000 lí, tây nam cách biên giới Khang Cư 3.000 lí, tây cách trị sở của Khang Cư vương 8.000 lí. Có kẻ cho rằng Đinh Linh này là Đinh Linh phía bắc Hung Nô, nhưng Bắc Đinh Linh nằm phía tây Ô Tôn, khác với chủng ấy. Phía bắc Hung Nô lại có nước Hỗn Dũ (渾窳), nước Khuất Xạ (屈射), nước Đinh Linh, nước Cách Côn (隔昆), nước Tân Lê (新梨), thì rõ ràng phía nam Bắc Hải cũng có Đinh Linh, không phải Đinh Linh phía tây Ô Tôn vậy.

 

Nước Mã Hĩnh

 

Trưởng lão Ô Tôn nói Bắc Đinh Linh có nước Mã Hĩnh (馬脛). Người nước này tiếng nói tựa như tiếng chim nhạn thét, từ đầu gối trở lên là người, đầu gối trở xuống mọc lông mao, cẳng ngựa, móng ngựa, không cưỡi ngựa mà chạy nhanh như ngựa, là chủng người dũng kiện, chiến đấu quả cảm vậy [15].

 

Nước Đoản Nhân

 

Nước Đoản Nhân (短人) nằm phía tây bắc Khang Cư, nam nữ đều cao 3 thước, người dân rất đông, cách các nước như Yêm Thái rất xa. Trưởng lão Khang Cư đồn rằng thường có lái buôn đi qua nước ấy. Cách Khang Cư hơn vạn lí.

 

Chú thích

 

1. Đây là các danh xưng dành cho người tu tập Phật giáo, được tác giả của Ngụy lược phiên âm lại từ tiếng Sankrit. Ngoài sớ vấn 疏聞 (phát âm Hán cổ: /*sra mun/) nhiều khả năng phiên âm từ “sramana”, và tỳ khâu 比丘 (/*pi kʰʷɯ/) từ “bhikkhu”, các từ còn lại chưa xác định được rõ.

2. Xa Ly: Hậu Hán thư viết là Đông Ly. Chữ “xa” () và chữ “đông” () có tự dạng gần giống nhau)

3. Nhược Thủy: Tên một con sông trong thần thoại Trung Quốc, nằm cạnh núi Côn Lôn nơi Tây Vương Mẫu sống.

4. Chữ Hồ: Chỉ chung các loại chữ viết phi-Hán ở Trung Á và Tây Á xưa kia.

5. Cù du, tháp đăng: Đây là các từ mượn từ tiếng nước ngoài, chỉ các loại thảm thêu để trải sàn hoặc trưng bày trong nhà.

6. Tê dọa gà: Quan niệm Trung Hoa xưa cho rằng sừng tê là vật linh dị, gà không dám đến gần, nên gọi là “hãi kê tê” – tê dọa gà.

7. Xích ly: Nghĩa là con ly màu đỏ. Ly là một loài vật tưởng tượng trong thần thoại Trung Hoa, hình dáng tựa con rồng.

8. Nam kim: Nghĩa gốc là “vàng phương nam”, vì miền nam Trung Hoa thường có nhiều mỏ vàng. Ở đây có lẽ chỉ chung loại vàng chất lượng cao.

9. Cầu lâm, lang can, thủy tinh: Tên một số loại đá quý ở Trung Hoa xưa, không xác định rõ được.

10. Vải hõa hoản: Nghĩa đen là “vải giặt bằng lửa”, tức thứ vải dệt bằng sợi amiang, có độ kháng lửa cao nên khi đốt vết bẩn sẽ bị tẩy sạch mà vải vẫn không cháy.

11. Tô hợp: Một loại hương dược làm từ nhựa cây Liquidambar orientalis.

12. Đâu nạp: Phiên âm từ tiếng Sankrit dhuna, một loại hương dược làm từ cây sa la (Shorea robusta).

13. Nguyên văn viết là “độ hải”, nhưng ở ngay câu sau về nước Vu La lại viết là “độ hà” (vượt sông). Dựa theo ngữ cảnh thì “vượt sông” có lẽ chính xác hơn.

14. Ở đoạn này tác giả đã mắc nhầm lẫn lớn vì cố biên tập những thông tin địa lí cũ cho khớp với thông tin mới. Quan niệm của người Trung Hoa ban đầu cho rằng núi Côn Lôn nơi Tây Vương Mẫu sống nằm ở khoảng đầu nguồn sông Hoàng Hà, và phía tây Côn Lôn là các nước như Đại Hạ (Bactria), Nguyệt Thị (Kushan). Tuy nhiên sau khi nhà Hán đã thám hiểm tường tận vùng bồn địa Tarim mà không tìm ra ngọn núi trong truyền thuyết ấy, các tác gia Trung Hoa bắt đầu cho rằng vị trí của nó hẳn phải nằm xa hơn về phía tây, và rốt cuộc đặt nơi ở của Tây Vương Mẫu ở tận vùng viễn tây của La Mã (Đại Tần). Tác giả của Ngụy lược tuy có chung quan điểm “Tây Vương Mẫu ở phía tây Đại Tần”, nhưng lại chép nhầm những chi tiết về “Đại Hạ, Nguyệt Thị ở phía tây Tây Vương Mẫu”, vốn chỉ hợp lí với giả thuyết cũ rằng núi Côn Lôn nằm ở đầu nguồn sông Hoàng Hà. Vì vậy toàn bộ đoạn văn này hoàn toàn không chính xác.

15. Những ghi chép trong đoạn này dựa vào các truyền thuyết ở vùng thảo nguyên Âu-Á về nhân mã (sinh vật nửa người nửa ngựa), không có giá trị thực tế.

 


Comments