Hậu Hán thư - Tây Vực liệt truyện

 TÂY VỰC LIỆT TRUYỆN

Hậu Hán thư  – quyển 88

Hậu Hán thư là bộ chính sử về thời Đông Hán, do Phạm Diệp (398-446) biên soạn. Nội dung phần liệt truyện về Tây Vực tiếp nối những gì đã ghi chép tại Hán thư, thuật lại lịch sử của các thành bang vùng bồn địa Tarim kể từ sau thời Vương Mãng, đồng thời bổ sung thêm thông tin về các nước ở Trung và Tây Á. Đặc biệt, đây là nguồn đầu tiên của Trung Hoa có miêu tả về đế quốc La Mã đương thời, dưới tên gọi “Đại Tần”.

 ***

Thời Vũ đế, ở Tây Vực có 36 nước nội thuộc, nhà Hán vì thế đặt sứ giả, hiệu úy lĩnh việc bảo hộ. Tuyên đế đổi thành chức Đô hộ. Nguyên đế lại đặt hai viên Mậu hiệu úy và Kỷ hiệu úy, làm đồn điền ở đình của Xa Sư Tiền vương. Trong thời Ai đế, Bình đế, tự phân liệt thành 55 nước. Khi Vương Mãng soán ngôi, biếm đổi vương hầu. Do vậy Tây Vực oán rồi làm phản, tuyệt giao với Trung Quốc, đều dịch thuộc Hung Nô trở lại. Hung Nô vơ vét nặng nề, các nước không chịu nổi nên trong thời Kiến Vũ đều khiển sứ xin nội thuộc, nguyện xin đặt Đô hộ. Quang Vũ đế thấy thiên hạ mới định, chưa rỗi tính chuyện ngoài nên rốt cuộc không cho. Gặp lúc Hung Nô suy yếu, Sa Xa vương là Hiền () tru diệt các nước. Sau khi Hiền chết, [các nước] công phạt lẫn nhau: Tiểu Uyển, Tinh Tuyệt, Nhung Lư, Thả Mạt bị Thiện Thiện thôn tính; Cừ Lặc, Bì Sơn bị Vu Điền thống trị, thu hết đất đai; Uất Lập, Đơn Hoàn, Cô Hồ, Ô Tham Ti Lệ bị Xa Sư tiêu diệt. Về sau các nước ấy đều được lập lại.

 

Trong thời Vĩnh Bình, giặc Bắc ép các nướp cùng cướp các quận huyện Hà Tây, nên các thành phải đóng cửa sớm. Năm thứ 16 (73), Minh đế bèn mệnh tướng soái Bắc chinh Hung Nô, lấy đất Y Ngô Lư (伊吾盧), đặt Tuyên hòa Đô úy để làm đồn điền, rồi thông với Tây Vực. Các nước như Vu Điền đều khiển con vào hầu. Tây Vực từ khi tuyệt giao, sau 65 năm mới lại thông được. Năm sau (74), bắt đầu đặt Đô hộ và Mậu Kỷ Hiệu úy.

 

Khi Minh đế băng, Diên Kỳ, Quy Từ đánh giết Đô hộ Trần Mục, diệt hết quân lính; Hung Nô, Xa Sư vây Mậu Kỷ Hiệu úy. Mùa xuân năm Kiến Sơ thứ 1 (76), Tửu Tuyền Thái thú Đoàn Bành đại phá Xa Sư ở thành Giao Hà. Tuyên đế không muốn Trung Quốc phải mỏi mệt vì việc Di Địch, bèn đón Mậu Kỷ hiệu úy về, không khiển Đô hộ nữa. Năm thứ 2 (77), lại bãi đồn điền ở Y Ngô. Hung Nô nhân đó khiển binh giữ đất Y Ngô. Bấy giờ Quân tư mã Ban Siêu ở lại Vu Điền chiêu tập các nước.

 

Năm Vĩnh Nguyên thứ 1 triều Hòa đế (89), Đại tướng quân Đậu Hiến đại phá Hung Nô. Năm thứ 2 (90), Hiến nhân đó khiển Phó hiệu úy Diễm Bàn đem hơn 2.000 kỵ tập kích Y Ngô, phá được. Năm thứ 3 (91), Ban Siêu bình định Tây Vực, nên lấy Siêu làm Đô hộ, đóng ở Quy Từ. Lại đặt Mậu Kỷ Hiệu úy, lĩnh binh 500 người, ở thành Cao Xương tại bộ Xa Sư Tiền. Lại đặt Mậu bộ hầu, ở thành Hầu của Xa Sư Hậu bộ, cách nhau 500 lí. Năm thứ 6 (94), Ban Siêu lại đánh phá Diên Kỳ. Vì thế hơn 50 nước đều nộp con tin xin nội thuộc. Các nước Điều Chi, An Tức cho đến bốn vạn lí ngoài biển khơi cũng đều lặn lội cống hiến.

 

Năm thứ 9, Ban Siêu khiển duyện lại [1] Cam Anh đến Tây Hải rồi về. Đấy đều là những nơi đời trước chưa đến, Sơn [Hải] kinh chưa rõ, chẳng thể ghi đủ về phong thổ, truyền lại sự kỳ thú. Vì thế các nước xa như Mông Kỳ (蒙奇), Đâu Lặc (兜勒) đều đến quy phục, khiển sứ cống hiến.

 

Khi Hiếu Hòa đế lên ngôi, Tây Vực làm phản. Năm Vĩnh Sơ thứ 1 triều An đế (107), chúng vây đánh bọn Đô hộ Nhậm Thượng, Đoàn Hy. Triều đình thấy đất ấy xa xăm, không ứng phó nhau được, nên xuống chiếu bãi chức Đô hộ. Từ đấy bỏ Tây Vực. Bắc Hung Nô liền thu phục các nước, cùng nhau cướp bóc biên giới hơn mười năm. Đôn Hoàng Thái thú Tào Tông lo chúng gây hại, nên vào năm Nguyên Sơ thứ 6 (119) xin khiển Hành trưởng sử Tác Ban đem hơn 1.000 người đến đóng ở Y Ngô để chiêu phủ. Vì thế Xa Sư Tiền vương và Thiện Thiện vương đến hàng. Được mấy tháng, Bắc Hung Nô lại đem Xa Sư Hậu bộ vương cùng đánh giết bọn Ba, rồi đánh đuổi Tiền vương nước ấy. Thiện Thiện nguy cấp, cầu cứu Tào Tông. Tông nhân đó xin xuất binh đánh Hung Nô báo thù cho Tác Ban, lại muốn tiến lấy Tây Vực. Đặng thái hậu không cho, chỉ lệnh đặt Hộ Tây Vực Phó hiệu úy ở Đôn Hoàng, lại đóng 300 binh để ràng buộc mà thôi. Về sau giặc Bắc liên tiếp cùng Xa Sư vào cướp Hà Tây, triều đình không chế ngự được. Nghị giả vì thế muốn đóng Ngọc Môn, Dương Quan để dứt mối lo ấy.

 

Năm Diên Quang thứ 2 (123), Đôn Hoàng Thái thú Trương Đang dâng thư trình bày ba kế sách, cho rằng:

Giặc Bắc là Hô Diên vương thường qua lại vùng Bạc Loại, Tần Hải, khống chế Tây Vực, cùng làm cướp bóc. Nay nên lấy hơn hai nghìn lại sĩ Tửu Tuyền họp ở ải Côn Lôn, đánh Hô Diên vương trước, cắt đứt gốc rễ, rồi phát binh Thiện Thiện 5.000 người uy hiếp Xa Sư hậu bộ; đấy là thượng kế. Nếu không thể xuất binh, nên đặt Quân tư mã, cầm 500 lính, bốn quận cung cấp trâu cày, lương thực để ra chiếm Liễu Trung; đấy là trung kế. Nếu như lại không thể, thì nên bỏ thành Giao Hà, thu hết dân Thiện Thiện bắt vào trong ải; đấy là hạ kế.”

Triều đình giao xuống bàn, thì Thượng thư Trần Trung dâng sớ nói:

Thần nghe nói Bát Di đều là cướp, chẳng phải mỗi giặc Bắc. Khi nhà Hán hưng, Cao Tổ chịu quẫn bách trong trận vây Bình Thành, Thái Tông phải khuất mình vì nỗi nhục cung phụng [2]. Thế nên Hiếu Vũ phẫn nộ, lo nghĩ đến kế lâu dài, mệnh khiển hổ thần [3] vượt sông Hà, xuyên Đại Mạc, phá hết đình của giặc. Trong chiến dịch ấy, đầu dân rơi ở bắc Lang Vọng, tiền của rớt ở hang Lư Sơn; kho tàng cạn kiệt, thoi trục trống không, tốn nhiều thuyền xe, hại cả lục súc. Đấy há có phải không tiếc, mà chỉ vì lo chuyện lâu dài vậy! Thế rồi mở bốn quận Hà Tây, cắt đứt Nam Khương, thu ba mươi sáu nước, chặt đứt cánh tay phải của Hung Nô. Thế nên Thiền vu lẻ loi, chạy xa như chuột. Đến thời Tuyên đế, Nguyên đế chúng xưng làm phiên thần, quan ải không phải đóng, hịch văn không phải ban. Lấy đấy mà xét thì Nhung Địch có thể dùng uy khuất phục, khó dùng giáo hóa áp chế. Tây Vực nội phụ lâu ngày, nhiều kẻ khư khư trông về đông, gõ cửa quan ải, đấy là dấu hiệu cho thấy chúng không ưa Hung Nô nên mộ Hán vậy. Nay giặc Bắc đã phá Xa Sư, tất sẽ xâm lấn Thiện Thiện phía nam, bỏ mà không cứu thì các nước sẽ đi theo chúng. Nếu vậy thì giặc của cải thêm tăng, gan góc thêm bạo, ra uy với Nam Khương, cùng liên lạc với chúng. Như thế bốn quận Hà Tây sẽ nguy. Hà Tây đã nguy, không thể không cứu, thì phải hưng dịch gấp trăm lần, phát phí nhiều không xuể. Nghị giả chỉ nghĩ rằng Tây Vực xa xôi, nếu thương xót thì tổn phí, mà không thấy cái ý khổ tâm cần lao của đời trước. Hiện nay việc thủ ngự biên cảnh không tinh, chuyện vũ vệ nội quân không sửa. Đôn Hoàng nguy khốn nên đến cáo cấp, mà lại không giúp đỡ, thì bên trong không có gì để úy lạo cho lại dân, bên ngoài không có gì để ra uy với Bách Man. Chuyện mất nước giảm đất, trong kinh sách có lời răn nghiêm. Thần cho rằng Đôn Hoàng nên đặt Hiệu úy, tăng thêm đồn binh bốn quận so với trước để an phủ các nước phương tây. Có thế mới đủ sức khống chế vạn dặm, đe dọa Hung Nô.”

Hoàng đế nghe theo lời ấy, bèn lấy Ban Dũng làm Tây Vực Trưởng sử, đem 500 lính được miễn tội đến đóng tại Liễu Trung phía tây. Dũng bèn dẹp tan Xa Sư.

 

Từ thời Kiến Vũ đến Diên Quang, Tây Vực ba lần thông ba lần tuyệt. Năm Vĩnh Kiến thứ 2 triều Thuận đế (127), Dũng lại đánh phá Diên Kỳ. Vì thế 17 nước gồm Quy Từ, Sớ Lặc, Vu Điền đều đến quy phục, còn từ Ô Tôn, Thông Lĩnh về tây vẫn tuyệt giao. Năm thứ 6 (131), Hoàng đế thấy đất Y Ngô trước kia màu mỡ, kề cận Tây Vực, Hung Nô dựa vào đấy để làm cướp bóc, nên lại lệnh mở đồn điền như chuyện thời Vĩnh Nguyên, đặt một viên Y Ngô Tư mã.

 

Từ thời Dương Gia về sau, uy vũ triều đình giảm dần, các nước kiêu ngạo. Năm Nguyên Gia thứ 2 (152), Trưởng sử Vương Kính bị Vu Điền giết. Năm Vĩnh Hưng thứ 1 (153), Xa Sư Hậu vương lại làm phản đánh đồn dinh. Tuy có kẻ ra hàng, nhưng chưa từng sửa đổi, từ đấy dần trở nên khinh nhờn. Ban Cố chép về phong thổ, nhân tục các nước, đều đã viết rõ ở sách trước. Nay chọn các việc lạ so với đời trước từ thời Kiến Vũ về sau để làm thành Tây Vực truyện, đều do Ban Dũng chép cuối thời An đế.

 

Các nước Tây Vực nội thuộc, bề đông tây dài hơn 6.000 nghìn lí, bề nam bắc hơn 1.000 lí. Đông giáp Ngọc Môn, Dương Quan, tây đến Thông Lĩnh. Phía đông bắc tiếp giáp với Hung Nô, Ô Tôn. Nam và bắc có núi lớn, ở giữa có sông. Nam Sơn ở đây kéo về đông đến Kim Thành, nối với Nam Sơn ở Hán. Sông ở đây có hai nguồn, một bắt đầu từ dòng phía đông Thông Lĩnh, một bắt đầu từ dòng phía bắc dưới chân núi ở nam Vu Điền, hợp với sông Thông Lĩnh, đổ về đông vào biển Bồ Xương. Biển Bồ Xương còn tên là Diêm Trạch, cách Ngọc Môn hơn 300 lí.

 

 Đôn Hoàng đi về tây, ra Ngọc Môn, Dương Quan, qua Thiện Thiện, đi về bắc đến Y Ngô là hơn 1.000 lý; từ Y Ngô đi về bắc đến thành Cao Xương của bộ Xa Sư Tiền là 1.200 lí. Đấy là cửa ngõ của Tây Vực, nên Mậu Kỷ Hiệu úy thay nhau đặt ở đấy. Đất Y Ngô hợp ngũ cốc, dâu tằm, gai, nho. Phía bắc lại có Liễu Trung, đều là đất màu mỡ, nên Hán thường tranh Xa Sư, Y Ngô với Hung Nô để khống chế Tây Vực.

 

Từ Thiện Thiện qua Thông Lĩnh ra các nước phía tây thì có hai đường. Men theo rìa bắc Nam Sơn, đi qua sông về tây đến Sa Xa là đường phía nam. Đường phía nam đi về tây qua Thông Lĩnh là ra các nước Đại Nguyệt Thị, An Tức. Từ đình của Xa Sư Tiền vương theo Bắc Sơn, vượt sông đi về tây đến Sớ Lặc là đường phía bắc. Đường phía bắc đi về tây qua Thông Lĩnh là ra Đại Uyển, Khang Cư, Yêm Thái.

 

Rời Ngọc Môn, qua Thiện Thiện, Thả Mạt, Tinh Tuyệt hơn 3.000 nghìn lí là đến Câu Mi.

 

Bản đồ các nước Trung và Tây Á đương thời, dựa theo các địa danh trong Hậu Hán thư
 (một số vị trí do người dịch tự phỏng đoán)

Nước Câu Mi

 

Nước Câu Mi nằm ở thành Ninh Mi. Cách nơi ở của Trưởng sử tại Liễu Trung 4.900 lí, cách Lạc Dương 12.800 lí. Lĩnh 2.173 hộ, 7.251 khẩu, binh lính 1.760 người.

 

Năm Vĩnh Kiến thứ 4 triều Thuận Đế (129), Vu Điền vương Phóng Tiền (放前) giết Câu Mi vương Hưng (), tự lập con mình làm Câu Mi vương, rồi khiển sứ giả cống hiến cho Hán. Đôn Hoàng Thái thú Từ Do dâng sớ xin đánh, nhưng Hoàng đế xá tội cho Vu Điền, lệnh trả lại nước Câu Mi. Tiền Phóng không nghe. Năm Dương Gia thứ 1 (132), Từ Do khiển bề tôi của Sớ Lặc vương là Bàn () phát 20.000 người đánh Vu Điền, phá được, chém mấy trăm thủ cấp, thả binh cướp bóc, lập họ hàng của Hưng là Thành Quốc (成國) làm Câu Mi vương rồi về. Đến năm Hy Bình thứ 4 triều Linh đế (175), Vu Điền vương An Quốc (安國) đánh Câu Mi, đại phá được, giết vương nước này, rất nhiều người chết. Mậu Kỷ Hiệu úy và Tây Vực Trưởng sử đều phát binh giúp lập thị tử [4] của Câu Mi là Định Hưng (定興) làm vương. Bấy giờ dân chúng còn có nghìn khẩu.

 

Nước này phía tây cách Vu Điền 390 lí.

 

Nước Vu Điền

 

Nước Vu Điền nằm ở Tây Thành, cách nơi ở của Trưởng sử 5.300 lí, cách Lạc Dương 11.700 lí. Lĩnh 32.000 hộ, 83.000 khẩu, binh lính hơn 30.000 người.

 

Cuối thời Kiến Vũ, Sa Xa vương Hiền cường thịnh, đánh chiếm Vu Điền, dời vương nước này là Du Lâm (俞林) làm Li Quy vương. Thời Vĩnh Bình triều Minh đế, tướng Vu Điền là Hưu Mạc Bá (休莫霸) phản lại Sa Xa, tự lập làm Vu Điền vương. Khi Hưu Mạc Bá chết, con trai của anh hắn là Quảng Đức (廣德) lên ngôi. Về sau tiêu diệt Sa Xa, nên nước này chuyển thịnh, 13 nước từ Tinh Tuyệt về tây bắc đến Sớ Lặc đều quy phục. Nhưng Thiện Thiện vương cũng bắt đầu cường thịnh, nên từ đấy đường phía nam từ Thông Lĩnh về đông chỉ có hai nước này là lớn.

 

Năm Vĩnh Kiến thứ 6 triều Thuận đế (131), Vu Điền vương Phóng Tiền khiển thị tử đến cửa khuyết cống hiến. Năm Nguyên Gia thứ 1 (151), Trưởng sử Triệu Bình mắc bệnh nổi nhọt rồi mất ở Vu Điền, con trai Bình rước tang đi qua Câu Mi. Câu Mi vương Thành Quốc vốn có hiềm khích với Vu Điền vương Kiến (建), bèn bảo con trai Bình rằng: “Vu Điền vương lệnh thầy thuốc người Hồ bỏ thuốc độc vào vết thương, nên mới chết.” Con trai Bình tin lời, trở về quan ải báo cho Đôn Hoàng Thái thú Mã Đạt. Năm sau (152), lấy Vương Đôn thay làm Trưởng sử. Đạt lệnh Đôn ngầm xét hạch việc ấy. Đôn trước tiên đi qua Câu Mi, thì Thành Quốc bảo rằng: “Người nước Vu Điền muốn lấy ta làm vương. Nay có thể nhân tội ấy tru Kiến, Vu Điền tất sẽ phục.” Đôn tham lập công danh, lại nghe theo lời Thành Quốc, nên đến Vu Điền trước, rồi bày cỗ tiệc mời Kiến, nhưng ngầm mưu [giết đi]. Có kẻ đem mưu của Đôn báo cho Kiến; Kiến không tin, nói rằng: “Ta vô tội, sao Vương trưởng sử lại muốn giết?” Buổi sáng, Kiến cùng mấy chục quan thuộc đến chỗ Đôn. Khi đã ngồi, Kiến dứng dậy rót rượu. Đôn quát gọi tả hữu bắt lấy, nhưng lại sĩ đều không có ý giết Kiến, quan thuộc đều chạy thoát cả. Bấy giờ quan Chủ bạ của Thành Quốc là Tần Mục (秦牧) theo Đôn tới hội, cầm đao ra ngoài nói rằng: “Đại sự đã định, sao còn nghi ngờ?” Rồi lập tức chém Kiến. Hầu tướng Vu Điền là bọn Thâu Bặc (輸僰) hội binh đánh Đôn. Đôn cầm đầu của Kiến lên lầu, tuyên cáo rằng: “Thiên tử sai ta tru Kiến.” Các hầu tướng Vu Điền bèn đốt dinh thự, thiêu chết lại sĩ, lên lầu chém Đôn, treo đầu ở chợ. Thâu Bặc tự lập làm vương, nhưng bị người trong nước giết, rồi lập con trai Kiến là An Quốc (安國). Mã Đạt nghe tin, muốn đem binh các quận rời ải đánh Vu Điền, nhưng Hoàn đế không cho mà triệu Đạt về, rồi lấy Tống Lượng thay làm Đôn Hoàng Thái thú. Khi Lượng đến, chiêu mộ Vu Điền, lệnh tự chém Thâu Bặc. Bấy giờ Thâu Bặc đã chết cả tháng, nên [Vu Điền] chém đầu người chết đưa đến Đôn Hoàng mà không nói sự trạng ra sao. Lượng về sau biết là dối trá, nhưng rốt cuộc không thể xuất binh. Vu Điền cậy vào đấy nên kiêu ngạo.

 

Từ Vu Điền đi qua Bì Sơn là đến Tây Dạ, Tử Hợp, Đức Nhược.

 

Nước Tây Dạ

 

Nước Tây Dạ còn tên là Phiêu Sa (漂沙), cách Lạc Dương 14.400 lí. Hộ 2.500, khẩu hơn 10.000, binh lính 3.000 người. Đất đai sản sinh cây bạch thảo, có độc, người trong nước nấu nó thành thuốc để bôi đầu mũi tên, ai trúng sẽ chết ngay. Hán thư viết nhầm rằng Tây Dạ, Tử Hợp là một nước, nay đều có vương riêng.

 

Nước Tử Hợp

 

Nước Tử Hợp nằm ở thung lũng Hô Kiện, cách Sớ Lặc 1.000 lí. Lĩnh 350 hộ, 4.000 khẩu, binh lính 1.000 người.

 

Nước Đức Nhược (德若)

 

Nước Đức Nhược lĩnh hơn 100 hộ, 670 khẩu, binh lính 350 người. Phía đông cách nơi ở của Trưởng sử 3.530 lí, cách Lạc Dương 12.150 lí. Tiếp giáp với Tử Hợp, tục hai nước giống nhau.

 

Từ Bì Sơn đi về tây nam qua Ô Trà, vượt Huyện Độ, Kế Tân, đi hơn 60 ngày là đến nước Ô Dặc Sơn Lệ, bấy giờ đã đổi tên thành Bài Trì (排持). Lại đi ngựa về tây nam hơn 100 ngày là đến Điều Chi.

 

Nước Điều Chi

 

Thành của nước Điều Chi nằm trên núi, chu vi hơn 40 lí. Kề Tây Hải, nước biển vây quanh mặt phía nam và đông bắc nước ấy. Ba bề đều không có đường, chỉ có góc tây bắc thông được đường bộ. Đất đai nóng ẩm. Sản sinh sư tử, tê ngưu, bò u, chim công, chim đại tước [5]. Chim đại tước trứng to như cái vò.

 

Chuyển hướng từ bắc sang đông, lại đi ngựa hơn 60 ngày là đến An Tức. Về sau [An Tức] dịch thuộc Điều Chi, đặt ra đại tướng trông coi các thành nhỏ.

 

Nước An Tức

 

Nước An Tức nằm ở thành Hòa Độc (和櫝), cách Lạc Dương 25.000 lí. Phía bắc giáp Khang Cư, nam giáp Ô Dặc Sơn Lệ. Đất rộng mấy nghìn lí, có mấy trăm thành nhỏ, hộ khẩu, binh lính cực kì đông đúc. Miền đông có thành Mộc Lộc (木鹿), gọi là Tiểu An Tức, cách Lạc Dương 20.000 lí.

 

Năm Chương Hòa thứ 1 triều Chương đế (87), [An Tức] khiển sứ hiến sư tử, phù bạt. Phù bạt hình dáng tựa con lân nhưng không có sừng. Năm Vĩnh Nguyên thứ 9 triều Hòa đế (97), Đô hộ Ban Siêu khiển Cam Anh đi sứ Đại Tần (大秦). Đến Điều Chi thì gặp biển lớn, muốn qua, nhưng thuyền nhân ở miền tây An Tức bảo Anh rằng: “Biển khơi rộng lớn, người đi lại nếu gặp gió tốt thì ba tháng là qua được, còn gặp gió nghịch cũng có khi mất hai năm, nên ai ra biển đều mang theo lương thực đủ ba năm. Người ta đi ra giữa biển hay nhớ nhung quê nhà, có nhiều kẻ chết rồi.” Anh nghe vậy bèn dừng. Năm thứ 13 (101), An Tức vương Mãn Khuất lại hiến sư tử và chim lớn Điều Chi, bấy giờ gọi là chim “An Tức tước”.

 

Từ An Tức đi về tây 3.400 lí là đến nước A Man. Từ A Man đi về tây 3.600 là đến nước Tư Tân. Từ Tư Tân đi về nam, vượt sông, lại đi về tây nam là đến nước Vu La, cách 960 lí, là cực tây biên giới An Tức. Từ đấy đi về nam, vượt biển là tới Đại Tần. Đất này có nhiều thứ của hiếm vật lạ ở Hải Tây.

 

Nước Đại Tần

 

Nước Đại Tần còn tên là Lê Kiền, vì nằm ở phía tây biển nên cũng gọi là nước Hải Tây. Đất rộng mấy nghìn lý, có hơn 400 thành. Có mấy chục tiểu quốc lệ thuộc. Thành quách xây bằng đá. Có đặt bưu đình [6], tường đều trát màu trắng. Có các loài cây cối bách thảo như tùng bách. Người nước này chăm chỉ làm ruộng, trồng nhiều thứ cây và dâu tằm. Ai nấy đều cắt tóc ngắn, mặc áo thêu hoa văn, đi xe nhỏ lợp mái trắng. Ra vào thì đánh trống, dựng tinh kỳ cờ xí.

 

[Vương] ở trong thành ấp chu vi hơn trăm lí. Trong thành có năm cung, mỗi cung cách nhau mười lí. Cột trong cung thất đều làm bằng thủy tinh [7], chén bát cũng vậy. Vương nước này hằng ngày đến một cung nghe chính sự, cứ năm ngày là hết một vòng. Thường sai một người cầm túi đi theo xe vương, ai có tâu việc gì thì ném thư vào trong túi, khi vương đến cung sẽ đổ ra xem xét đúng sai. Cung nào cũng đặt quan coi văn thư. Có 36 viên tướng, đều cùng bàn việc nước. Vương nước này không phải người thường mà đều là người hiền được chọn để lập lên. Trong nước có tai dị hay mưa gió trái mùa, liền phế vương đi rồi lập mới, người bị phế cam chịu không oán. Người dân nước này đều cao lớn ngay thẳng, giống với Trung Quốc, nên gọi là Đại Tần.

 

Đất này sản sinh nhiều vàng bạc châu báu. Có ngọc bích dạ quang, ngọc minh nguyệt, tê dọa gà [8], san hô, hổ phách, lưu li, lang can [9], chu sa, ngọc bích xanh, vải thêu kim tuyến, đồ len dệt thêu kim tuyến, lụa ngũ sắc. Biết cách thếp vàng và làm vải hỏa hoãn [10]. Lại có thứ vải mịn, nghe nói là làm từ lông dê nước [11] hoặc kén của tằm dại. Người ta trộn lẫn các thứ hương dược rồi nấu lên, gọi thứ nước ấy là tô hợp [12]. Phàm các thứ trân dị ở nước ngoài đều bắt nguồn từ đây.

 

Dùng vàng bạc làm tiền, mười tiền bạc đáng giá một tiền vàng. Mua bán với An Tức, Thiên Trúc ở giữa biển, thu lợi đến mười phần. Người nước này ngay thẳng, đi chợ không phải trả giá. Lương thực rẻ mạt, quốc dụng dư dả. Sứ các nước láng giềng đến đầu biên giới thì đi theo các dịch trạm để đến vương đô, khi tới nơi được cấp tiền vàng.

 

Vương nước này thường muốn thông sứ với Hán, nhưng An Tức muốn đem tơ lụa Hán bán lại cho Đại Tần, nên cản trở không cho đến. Tới năm Diên Hy thứ 9 thời Hoàn đế (166), Đại Tần vương An Đôn (安敦) [13] khiển sứ từ ngoài cõi Nhật Nam đến dâng ngà voi, sừng tê, đồi mồi. Đấy là lần thông sứ đầu tiên. Các thứ đồ cống đều không có gì mới lạ, nên nghi là lời kể có nói quá.

 

Có kẻ nói phía tây nước này có Nhược Thủy, Lưu Sa, gần nơi Tây Vương Mẫu sống, là nơi mặt trời lặn. Hán thư viết: “Từ Điều Chi đi về tây hơn 200 ngày là đến gần nơi mặt trời lặn”, thì so với sách ngày nay có khác. Đời trước sứ Hán đều đến Ô Dặc rồi về, chưa có ai đến Điều Chi cả.” Lại có kẻ nói: “Từ An Tức đi đường bộ vòng quanh biển về phía bắc, ra Hải Tây là đến Đại Tần. Người dân đông đúc, cứ 10 lí có một ngôi đình, 30 lí có một dịch trạm. Không có đạo tặc cước bóc, nhưng đường nhiều hổ dữ, sư tử làm hại khách lữ hành. Phải đi hơn trăm người, mang theo binh khí để tránh bị ăn thịt.” Lại nói rằng: “Có phi kiều dài mấy trăm lí, có thể đi qua phía bắc biển.” Các thứ ngọc thạch kỳ lạ sản sinh ở các nước đa phần là quỷ quái chưa từng thấy, nên không chép vào.

 

Nước Đại Nguyệt Thị

 

Nước Đại Nguyệt Thị nằm ở thành Lam Thị. Tây giáp An Tức, cách 49 ngày đường; đông cách nơi ở của Trưởng sử 6.537 lí, cách Lạc Dương 16.370 lí. Hộ 100.000, khẩu 400.000, binh lính hơn 100.000 người.

 

Ban đầu Nguyệt Thị bị Hung Nô diệt, nên dời đến Đại Hạ, chia nước ấy thành năm bộ Hấp hầu, gồm Hưu Mật, Song Mi, Quý Xương, Phụ Đốn (駙頓), Đô Mật (都密) [14]. Hơn trăm năm sau, Quý Xương hấp hầu Khâu Tựu Khước (丘就卻) công diệt bốn Hấp hầu kia, tự lập làm vương, quốc hiệu là Quý Xương vương. [Nguyệt Thị] xâm lấn An Tức, lấy đất Cao Phụ; lại diệt Bộc Đạt, Kế Tân, chiếm hết các nước ấy. Khâu Tựu Khước hơn 80 tuổi thì chết, con trai là Diêm Cao Trân (閻膏珍) thay làm vương, lại diệt Thiên Trúc, đặt một viên tướng coi sóc nước ấy. Nguyệt Thị từ đấy về sau cực kì phú thịnh, các nước đều gọi là Quý Xương vương. Hán vốn theo hiệu cũ, nên gọi là Đại Nguyệt Thị.

 

Nước Cao Phụ

 

Nước Cao Phụ nằm phía tây nam Đại Nguyệt Thị, cũng là nước lớn. Tục nước này tựa Thiên Trúc, nhưng yếu đuối, dễ hàng phục. Giỏi mua bán, trong nước giàu của cải. Không thường lệ thuộc vào ai, ba nước Thiên Trúc, Kế Tân, An Tức mạnh thì có được, yếu thì để mất, nhưng chưa từng thuộc Đại Nguyệt Thị. Hán thư cho rằng là một trong năm Hấp hầu, thực ra không đúng. Về sau thuộc An Tức, đến khi Nguyệt Thị phá An Tức mới lấy được Cao Phụ.

 

Nước Thiên Trúc

 

Nước Thiên Trúc còn tên là Thân Độc, cách Đại Nguyệt Thị mấy nghìn lí về phía đông nam. Tục giống với Nguyệt Thị, nhưng ẩm thấp nóng bức. Nước này nằm ven sông lớn. Cưỡi voi để chiến đấu. Người nước này yếu hơn Nguyệt Thị, tu đạo Phù Đồ [15], không giết chóc, nên dần thành tục. Từ các nước Nguyệt Thị, Cao Phụ về tây, phía nam đến Tây Hải, phía đông đến nước Bàn Khởi (磐起), đều là đất Thân Độc. Thân Độc có mấy trăm thành, mỗi thành đều đặt tôn trưởng; có mấy chục nước, mỗi nước đều đặt vương. Tuy có khác biệt nhỏ, nhưng đều lấy tên là Thân Độc. Bấy giờ đều thuộc Nguyệt Thị. Nguyệt Thị giết các vương rồi đặt tướng, mệnh lệnh nằm trong tay người ấy.

 

Đất này sản sinh voi, tê, đồi mồi, vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc. Phía tây thông với Đại Tần, nên có được vật lạ từ Đại Tần. Lại có vải mịn, nệm lông tốt, hương dược, thạch mật, hồ tiêu, gừng, muối đen.

 

Thời Hòa đế, nhiều lần khiển sứ cống hiến. Về sau Tây Vực làm phản nên tuyệt giao. Đến năm Diên Hy thứ 2 (159), thứ 3 (160)) triều Hoàn đế, lại từ ngoài cõi Nhật Nam đến hiến.

 

Người đời kể rằng Minh đế mơ thấy người vàng cao lớn, trên đỉnh đầu có ánh sáng, nên đem hỏi quần thần. Có kẻ đáp: “Phương tây có thần tên là “Phật”, mình cao sáu thước mà có màu vàng.” Hoàng đế vì thế khiển sứ đến Thiên Trúc hỏi về đạo pháp của Phật, rồi vẽ lại hình tượng ở Trung Quốc. Sở vương Anh Thủy tin thuật ấy, nên Trung Quốc từ đấy dần có người thờ đạo ấy. Về sau Hoàn đế ưa thần, nhiều lần cầu Phù Đồ, Lão Tử. Bách tính dần có người thờ phụng, nên về sau chuyển thịnh.

 

Nước Đông Li (東離)

 

Nước Đông Li nằm ở thành Sa Kỳ (沙奇), cách Thiên Trúc hơn 3.000 lí về phía đông nam, là nước lớn. Khí hậu, vật loại giống với Thiên Trúc. Có mấy chục thành, đều xưng vương. Đại Nguyệt Thị đánh nước ấy, nên thần phục cả. Nam nữ đều cao tám thước, nhưng yếu đuối. Cưỡi voi và lạc đà để đi lại sang các nước láng giềng. Có giặc thì cưỡi voi chiến đấu.

 

Nước Túc Dặc

 

Nước Túc Dặc (栗弋) [16] thuộc Khang Cư. Sản xuất ngựa tốt, bò dê và quả nho. Nước này thủy thổ tốt, nên có tiếng về rượu nho.

 

Nước Nghiêm

 

Nước Nghiêm () nằm phía bắc Yêm Thái, thuộc Khang Cư. Sản sinh da chuột, dùng để nộp cống.

 

Nước Yêm Thái

 

Nước Yêm Thái nay đổi tên thành nước A Lan Liêu (阿蘭聊). Sống trong thành đất, thuộc Khang Cư. Khí hậu ôn hòa, nhiều cây trinh, cây tùng, bạch thảo. Tục dân, y phục giống với Khang Cư.

 

Nước Sa Xa

 

Từ nước Sa Xa đi về tây qua Bạc Lê, Vô Lôi là đến Đại Nguyệt Thị. Phía đông cách Lạc Dương 10.950 lí.

 

Hung Nô thiền vu nhân loạn Vương Mãng chiếm lấy Tây Vực, chỉ có Sa Xa vương Diên () là mạnh nhất, không chịu phụ thuộc. Thời Nguyên đế, [Diên] từng làm thị tử, lớn lên ở kinh sư, nên hâm mộ Trung Quốc, lại tham khảo điển pháp Hán. Thường răn các con rằng phải đời đời phụng sự nhà Hán, không được phụ lại. Năm Thiên Phụng thứ 5 (18), Diên chết, thụy là Trung Vũ vương. Con là Khang () lên thay.

 

Đầu thời Quang Vũ, Khang đem các nước bên cạnh chống lại Hung Nô, bảo vệ lại sĩ và vợ con của cố Đô hộ gồm hơn nghìn người, gửi thư cho Hà Tây hỏi về động tĩnh của Trung Quốc, tự trần rằng mình ái mộ nhà Hán. Năm Kiến Vũ thứ 5 (29), Hà Tây đại tướng quân Đậu Dung bèn thừa thể chế lập Khang làm Hán Sa Xa Kiến Công Hoài Đức vương, Tây Vực Đại đô úy. Năm mươi lăm nước đều lệ thuộc Khang.

 

Năm thứ 9 (33), Khang chết, thụy là Tuyên Thành vương. Em trai là Hiền lên thay, công phá các nước Câu Mi, Tây Dạ, giết vương hai nước ấy, rồi lập hai con trai của anh mình Khang làm vương Câu Mi, Tây Dạ. Năm thứ 14 (38), Hiền cùng Thiện Thiện vương An () đều khiển sứ đến cửa khuyết cống hiến. Vì thế Tây Vực lại thông, các nước từ Thông Lĩnh về đông đều lệ thuộc. Năm thứ 17 (41), Hiền lại khiển sứ phụng hiến, xin chức Đô hộ. Thiên tử đem hỏi Đại tư không Đậu Dung, thì cho rằng cha con anh em Hiền thay nhau thờ Hán, lại nạp khoản tỏ lòng thành, nên gia hiệu vị để trấn an hắn. Hoàng đế bèn giao sứ nước này ban cho Hiền ấn thao Tây Vực Đô hộ, cùng với cờ cắm xe và gấm thêu vàng. Đôn Hoàng Thái thú Bùi Tuân dâng tấu rằng: “Di Địch không thể vay mượn đại quyền, lại khiến các nước thất vọng.” Xuống chiếu thu hồi ấn thao Đô hộ, đổi sang ban Hiền ấn thao Đại tướng quân của Hán. Sứ nước này không chịu đổi, nên Tuân ép buộc nhận. Hiền do vậy mới hận, rồi tự trá xưng là Đại đô hộ, gửi thư cho các nước. Các nước đều phục thuộc hắn, gọi Hiền là Thiền vu. Hiền càng thêm kiêu ngạo, đòi phú thuế nặng, nhiều lần đánh các nước như Quy Từ. Các nước đều lo sợ.

 

Mùa đông năm thứ 21 (45), 18 nước gồm Xa Sư Tiền vương, Thiện Thiện, Diên Kỳ cùng khiển con vào chầu, hiến báu vật. Khi được yết kiến, đều khóc lóc dập dầu, xin đặt Đô hộ. Thiên tử thấy Trung Quốc mới định, biên giới phía bắc chưa yên, nên trả lại thị tử các nước ấy, ban thưởng hậu cho họ. Bấy giờ Hiền tự cậy binh mạnh, muốn thôn tính Tây Vực, nên càng đánh cướp nhiều. Các nước nghe nói Đô hộ không đến mà thị tử về cả nên rất lo sợ, bèn cùng Đôn Hoàng Thái thú giữ cõi, nguyện giữ lại thị tử để cho Sa Xa thấy, nói rằng thị tử vẫn còn ở lại, Đô hộ sắp đến, hòng mong hắn bãi binh. Bùi Tuân đem sự trạng báo lên, nên Thiên tử đồng ý. Năm thứ 22 (46), Hiền biết Đô hộ không đến nên gửi thư cho Thiện Thiện vương, lệnh tuyệt giao với Hán. An không nhận thư mà giết sứ nước này. Hiền cả giận, phát binh đánh Thiện Thiện. An chặn đánh nhưng thua trận, trốn vào trong núi. Hiền cướp giết hơn nghìn người rồi về. Mùa đông ấy, Hiền lại đánh giết Quy Từ vương, rồi chiếm nước này. Thị tử các nước Thiện Thiện, Diên Kỳ ở lại Đôn Hoàng lâu, lo sợ nên bỏ về cả. Thiện Thiện vương dâng thư xin lại được khiển con vào chầu, đồng thời xin đặt Đô hộ; nếu Đô hộ không đến sẽ đi theo Hung Nô. Thiên tử báo rằng: “Nay sứ giả và đại binh chưa thể xuất được. Nếu các nước lực bất tòng tâm, thì đông tây nam bắc tự tại vậy.” Vì thế Thiện Thiện, Xa Sư lại theo Hung Nô, còn Hiền càng ngang ngược.

 

Quy Tắc vương (媯塞王) tự cho rằng nước mình xa, định giết sứ giả của Hiền. Hiền đánh diệt nước ấy, lập quý nhân trong nước là Tứ Kiện (駟鞬) làm Quy Tắc vương. Hiền lại tự lập con mình Tắc La (則羅) làm Quy Từ vương. Hiền thấy Tắc La còn nhỏ, bèn chia Quy Từ thành nước Ô Lũy, dời Tứ Kiện đến làm Ô Lũy vương, rồi đổi sang lập quý nhân làm Quy Tắc vương. Người nước Quy Từ cùng giết Tắc La, Tứ Kiện, rồi khiển sứ sang Hung Nô xin lập vương. Hung Nô lập quý nhân Quy Từ là Thân Độc (身毒) làm Quy Từ vương. Quy Từ do vậy thuộc Hung Nô.

 

Hiền thấy Đại Uyển cống thuế ít ỏi, nên tự đem mấy vạn binh các nước đánh Đại Uyển. Đại Uyển vương Đình Lưu (延留) ra hàng. Hiền nhân đó đem về nước, dời Câu Mi vương Kiều Tắc Đề (橋塞提) làm Đại Uyển vương. Nhưng Khang Cư nhiều lần đánh nước ấy, Kiều Tắc Đề ở nước hơn một năm thì bỏ chạy về. Hiền lại lấy hắn làm Câu Mi vương, rồi cho Đình Lưu về Đại Uyển, bắt cống hiến như thường. Hiền lại dời Vu Điền vương Du Lâm làm Li Quy vương, lập em trai Du Lâm là Vị Thị (位侍) làm Vu Điền vương. Hơn một năm sau, Hiền nghi các nước định làm phản nên triệu Vị Thị và các vương của Câu Mi, Cô Mặc, Tử Hợp đến, giết cả đi, rồi không đặt vương nữa, chỉ khiển tướng trấn thủ các nước ấy. Con trai Vị Thị là Nhung () bỏ sang hàng Hán, được phong làm Thủ Tiết hầu.

 

Tướng Sa Xa là Quân Đắc (君得) ở Vu Điền bạo ngược, bách tính khổ sở. Năm Vĩnh Bình thứ 3 triều Minh đế (60), đại nhân nước này là Đô Mạt (都末) ra khỏi thành, thấy con lợn lòi nên định bắn nó. Lợn bỗng nói rằng: “Chớ bắn ta. Ta sẽ giúp ngươi giết Quân Đắc.” Đô Mạt nhân đấy liền cùng anh em giết Quân Đắc. Thế rồi đại nhân Hưu Mạc Bá lại cùng người Hán là bọn Hàn Dung giết anh em Đô Mạt, tự lập làm Vu Điền vương; lại cùng người nước Câu Mi đánh giết tướng Sa Xa ở Bì Sơn rồi dẫn binh về. Vì thế Hiền khiển thái tử, quốc tướng đem 20.000 binh các nước đánh Hưu Mạc Bá. Bá chặn đánh chúng, binh Sa Xa thua chạy, bị giết hơn vạn người. Hiền lại phát mấy vạn người các nước, tự làm tướng đánh Hưu Mạc Bá. Bá lại phá được, chém giết đến quá nửa. Hiền thoát thân chạy về nước. Hưu Mạc Bá tiến đến vây Sa Xa, trúng tên lạc mà chết, nên binh rút lui.

 

Quốc tướng Vu Điền là bọn Tô Du Lặc (蘇榆勒) cùng lập con của anh Hưu Mạc Bá là Quảng Đức làm vương. Hung Nô cùng các nước như Quy Từ đánh Sa Xa, không hạ được. Quảng Đức thừa lúc Sa Xa mỏi mệt, sai em trai là Phụ Quốc hầu Nhân () đem binh đánh Hiền. Hiền liên tiếp gặp chuyện binh đao, bèn khiển sứ hòa với Quảng Đức. Trước kia cha Quảng Đức bị giữ lại Sa Xa mấy năm, vì thế Hiền trả lại cha Quảng Đức, rồi lấy con gái gả cho Quảng Đức, kết làm anh em. Quảng Đức dẫn binh về. Năm sau, bọn quốc tướng Sa Xa là Thả Vận (且運) lo Hiền kiêu ngạo, bí mật mưu đem thành hàng Vu Điền. Vu Điền vương Quảng Đức bèn đem 30.000 binh các nước đánh Sa Xa. Hiền thủ thành, sai sứ bảo Quảng Đức rằng: “Ta trả lại cha ngươi, cho ngươi vợ, mà ngươi đến đánh ta là sao?” Quảng Đức nói: “Vương là cha vợ ta, lâu ngày không gặp nhau, nên xin mỗi bên hai người hội ở ngoài thành kết minh.” Hiền đem hỏi Thả Vận, thì Thả Vận nói: “Quảng Đức là con rể thân thiết, nên ra gặp.” Hiền bèn ra ngoài, nên bị Quảng Đức bắt. Thế rồi bọn Thả Vận nhân đó trấn áp binh ở trong, bắt vợ con Hiền rồi chiếm nước ấy. Trói Hiền đem về, hơn một năm sau giết đi.

 

Hung Nô nghe nói Quảng Đức diệt Sa Xa, nên khiển năm tướng phát hơn 30.000 binh 15 nước gồm Diên Kỳ, Úy Lê, Quy Từ vây Vu Điền. Quảng Đức xin hàng, lấy thái tử làm con tin, giao ước hằng năm cấp cho len dạ. Mùa đông, Hung Nô lại khiển binh đem đứa con làm tin của Hiền là Bất Cư Trưng (不居徵) lập làm Sa Xa vương. Quảng Đức lại đánh giết hắn, đổi sang lập em trai là Tề Lê (齊黎) làm Sa Xa vương. Năm Nguyên Hòa thứ 3 triều Chương đế (86), Trưởng sử Ban Siêu phát binh các nước đánh Sa Xa, đại phá được; do vậy Sa Xa hàng Hán (việc đã chép ở truyện về Ban Siêu).

 

Từ Sa Xa đi về đông bắc là đến Sớ Lặc.

 

Nước Sớ Lặc

 

Nước Sớ Lặc cách nơi ở của Trưởng sử 5.000 lí, cách Lạc Dương 10.300 lí. Lĩnh 21.000 hộ, binh lính hơn 30.000 người.

 

Năm Vĩnh Bình thứ 16 triều Minh đế (73), Quy Từ vương Kiến đánh giết Sớ Lặc vương Thành (成), tự lấy Tả hầu nước Quy Từ là Đâu Đề (兜題) làm Sớ Lặc vương. Mùa đông, Hán kiển Quân tư mã Ban Siêu bắt giữ Đâu Đề, rồi lập con trai của anh Thành là Trung () làm Sớ Lặc vương. Trung về sau làm phản, bị Siêu chém chết (đã chép ở truyện về Siêu).

 

Thời Nguyên Sơ triều An đế, Sớ Lặc vương An Quốc (安國) thấy người cậu là Thần Bàn (臣磐) có tội nên đày đến Nguyệt Thị. Nguyệt Thị vương quý mến hắn. Về sau An Quốc chết, không có con trai, mẹ nắm quốc chính, cùng người trong nước lập em cùng mẹ của Thần Bàn là Di Phúc (遺腹) làm Sớ Lặc vương. Thần Bàn nghe tin, xin Nguyệt Thị vương rằng: “An Quốc không có con, họ hàng yếu đuối. Nếu lập họ mẹ thì tôi là cậu Di Phúc, tôi phải được làm vương.” Nguyệt Thị bèn khiển binh đưa về Sớ Lặc. Người trong nước vốn kính yêu Thần Bàn, lại sợ hãi Nguyệt Thị, liền cùng đoạt ấn thao của Di Phúc, rước Thần Bàn về lập làm vương, đổi sang lấy Di Phúc làm Bàn Cảo thành hầu (磐稿城侯). Về sau Sa Xa phản Vu Điền đi theo Sớ Lặc. Sớ Lặc nhờ đấy mạnh, nên trở thành địch quốc với Quy Từ, Vu Điền.

 

Năm Vĩnh Kiến thứ 2 triều Thuận đế (127), Thần Bàn khiển sứ phụng hiến. Hoàng đế bái Thần Bàn làm Hán Đại đô úy, con trai của anh hắn là Thần Huân (臣勳) làm Thủ quốc Tư mã. Năm thứ 5 (130), Thần Bàn khiển thị tử đi cùng sứ Đại Uyển, Sa Xa đến cửa khuyết cống hiến. Năm Dương Gia thứ 2 (133), Thần Bàn lại hiến sư tử, phong ngưu.

 

Đến năm Kiến Ninh thứ 1 triều Linh đế (168), Sớ Lặc vương Hán Đại đô úy Vu Lạp Trung (于獵中) bị người chú là Hòa Đắc (和得) bắn chết. Hòa Đắc tự lập làm vương. Năm thứ 5 (172), Lương châu Thứ sử Mạnh Đà khiển Tòng sự Uông Bộ đem 500 binh Đôn Hoàng, cùng Mậu Kỷ Tư mã Tào Khoan, Tây Vực Trưởng sử Trương Yến và các nước Diên Kỳ, Quy Từ, hai bộ Xa Sư Tiền, Hậu, hợp được hơn 30.000 người đi đánh Sớ Lặc. Công thành Trinh Trung (楨中) hơn 40 ngày không hạ được, nên dẫn quân về. Về sau Sớ Lặc vương liên tiếp giết hại nhau, triều đình cũng không cấm được.

 

Đi về đông bắc qua Úy Đầu, Ôn Túc, Cô Mặc, Quy Từ là đến Diên Kỳ.

 

Nước Diên Kỳ

 

Diên Kỳ quốc vương sống ở thành Nam Hà, phía bắc cách nơi ở của Trưởng sử 800 lí, phía đông cách Lạc Dương 8.200 lí. Hộ 15.000, khẩu 52.000, binh lính hơn 20.000 người. Nước này bốn bề có núi lớn, nối liền với Quy Từ, đường hiểm trở dễ thủ. Nước sông chảy quanh co giữa bốn núi, vòng quanh thành ấy hơn 40 lớp.

 

Cuối thời Vĩnh Bình, Diên Kỳ và Quy Từ cùng đánh giết Đô hộ Trần Mục, Phó hiệu úy Quách Tuân, giết hơn 2.000 lại sĩ. Đến năm Vĩnh Nguyên thứ 6 (94), Đô hộ Ban Siêu phát binh các nước đánh Diên Kỳ, Nguy Tu, Úy Lê và Sơn, chém đầu hai vương Diên Kỳ, Úy Lê đưa đến kinh sư, treo ở nhà khách cho sứ Man Di. Siêu bèn lập Tả hầu của Diên Kỳ là Nguyên Mạnh (元孟) làm vương; các nước Úy Lê, Nguy Tu và Sơn đều lập vương mới. Đến thời An đế, Tây Vực bội phản. Thời Diên Quang, con trai Siêu là Dũng làm Tây Vực Trưởng sử, lại đánh dẹp các nước. Nguyên Mạnh cùng Úy Lê, Nguy Tu không chịu hàng. Năm Vĩnh Kiến thứ 2 (127), Dũng cùng Đôn Hoàng Thái thú Trương Lãng đánh phá các nước này. Nguyên Mạnh bèn khiển con đến cửa khuyết cống hiến.

 

Nước Bạc Loại

 

Nước Bạc Loại vốn là nước lớn. Trước kia Tây Vực thuộc Hung Nô, mà vương nước này đắc tội với Thiền vu, Thiền vu giận nên dời hơn 6.000 người Bạc Loại đến đất A Ác (阿惡) ở hữu bộ của Hung Nô, nhân đó gọi là nước A Ác. Phía nam cách Xa Sư Hậu bộ hơn 90 ngày đi ngựa. Nhân khẩu nghèo đói, lẩn trốn trong chốn núi non, nên giữ lại làm nước.

 

Nước Di Chi (移支)

 

Nước Di Chi nằm ở đất Bạc Loại. Hộ hơn 1.000, binh lính hơn 1.000 người. Người nước này dũng mãnh quả cảm, hay làm chuyện cướp bóc. Ai nấy đều vấn tóc, đi theo cỏ nước để chăn súc vật, không biết làm ruộng. Sản vật đều giống Bạc Loại.

 

Nước Đông Thả Mi

 

Nước Đông Thả Mi phía đông cách nơi ở của Trưởng sử 800 lí, cách Lạc Dương 9.250 lí. Hộ hơn 3.000, khẩu hơn 5.000, binh lính hơn 2.000 người. Ở trong lều tranh, đi theo cỏ nước, ít biết làm ruộng. Sản vật cũng giống với Bạc Loại. Không sống cố định.

 

Nước Xa Sư

 

Xa Sư Tiền vương sống ở thành Giao Hà. Nước sông chia dòng vây quanh thành, nên gọi là Giao Hà. Cách nơi ở của Trưởng sử tại Liễu Trung 80 lí, phía đông cách Lạc Dương 9.120 lí. Lĩnh hơn 1.500 hộ, hơn 4.000 khẩu, binh lính 2.000 người.

 

Hậu vương sống ở thung lũng Vụ Đồ (務塗), cách nơi ở của Trưởng sử 500 lí, cách Lạc Dương 9.620 lí. Lĩnh hơn 4.000 hộ, hơn 15.000 khẩu, binh lính hơn 3.000 người.

 

Hai bộ Tiền, Hậu cùng với Đông Thả Mi, Tỳ Lục, Bạc Loại, Di Chi là sáu nước Xa Sư, phía bắc giáp Hung Nô. Tiền bộ phía tây thông đến đường phía bắc ở Diên Kỳ, Hậu bộ thông với Ô Tôn.

 

Năm Kiến Vũ thứ 21 (45), [Xa Sư] cùng Thiện Thiện, Diên Kỳ khiển con vào chầu. Quang Vũ trả về, nên các nước này đi theo Hung Nô. Năm Vĩnh Bình thứ 16 triều Minh đế (73), Hán lấy đất Y Ngô Lư, thông Tây Vực, thì Xa Sư lại nội thuộc đầu tiên. Hung Nô khiển binh đánh nước này, nên lại hàng giặc Bắc. Năm Vĩnh Nguyên thứ 2 triều Hòa đế (90), Đại tướng quân Đậu Hiến phá Bắc Hung Nô. Xa Sư kinh sợ, Tiền vương và Hậu vương đều khiển con dâng cống và làm tin, nên ban ấn thao, vàng lụa cho cả hai. Năm thứ 8 (96), Mậu Kỷ Hiệu úy Tác Quần muốn phế Hậu bộ vương Trác Đê (涿鞮), lập Phá Lỗ hầu Tế Trí (細緻). Trác Đê oán Tiền vương Úy Ty Đại (尉卑大) bán đứng mình, nên quay ra đánh Úy Ty Đại, bắt vợ con hắn. Năm sau (97), Hán khiển Tướng binh Trưởng sử Vương Lâm phát binh sáu quận Lương châu và người Khương, Hồ gồm hơn 20.000 để đánh Trác Đê, bắt hơn 1.000 tên giặc. Trác Đê chạy sang Bắc Hung Nô, quân Hán đuổi đánh, chém được hắn, rồi lập em trai Trác Đê là Nông Kỳ (農奇) làm vương.

 

Đến năm Vĩnh Ninh thứ 1 (120), Hậu vương Quân Tựu (軍就) và mẹ là Sa Ma (沙麻) làm phản, giết Hậu bộ Tư mã và quan hành sự của Đôn Hoàng. Đến năm Diên Quang thứ 4 triều An đế (125), Trưởng sử Ban Dũng đánh Quân Tựu, đại phá được, chém hắn. Năm Vĩnh Kiến thứ 1 triều Thuận đế (126), Dũng đem con trai Hậu vương Nông Kỳ là Gia Đặc Nô (加特奴) và bọn Bát Cốt (八滑) phát tinh binh đánh giặc Bắc là Hô Diên vương, phá được. Dũng vì thế xin lập Gia Đặc Nô làm Hậu vương, Bát Cốt làm Hậu bộ Thân Hán hầu.

 

Mùa hè năm Dương Gia thứ 3 (134), Xa Sư Hậu bộ Tư mã đem bọn Gia Đặc Nô gồm 1.500 người chặn đánh Bắc Hung Nô tại thung lũng Xương Ngô Lục (閶吾陸), phá hủy làng mạc của chúng, chém mấy trăm thủ cấp, bắt mẹ, cô của Thiền vu và mấy trăm người đàn bà, hơn 100.000 con bò dê, hơn 1.000 cỗ xe, cùng rất nhiều binh khí, của cải. Mùa xuân năm thứ 4 (135), Hô Diên vương của Bắc Hung Nô cầm binh xâm lấn Hậu bộ. Hoàng đế thấy sáu nước Xa Sư kề cận giặc Bắc, che chở cho Tây Vực, bèn lệnh Đôn Hoàng Thái thú phát binh các nước, cùng với Ngọc Môn Quan hầu và Y Ngô Tư mã hợp lại được hơn 6.300 kỵ đến cứu, chặn đánh giặc Bắc tại núi Lặc (), nhưng quân Hán bất lợi. Mùa thu, Hô Diên vương lại đem 2.000 người đánh Hậu bộ, phá được.

 

Năm Nguyên Gia thứ 1 triều Hoàn đế (151), Hô Diên vương đem hơn 3.000 kỵ cướp Y Ngô. Y Ngô Tư mã Mao Khải khiển 500 binh lính đánh với Hô Diên vương ở phía đông biển Bạc Loại, đều mất sạch cả. Hô Diên vương bèn đánh thành Y Ngô. Mùa hè, khiển Đôn Hoàng Thái thú Tư Mã Đạt đem hơn 4.000 lại sĩ Tửu Tuyền, Trương Dịch và các thuộc quốc đến cứu, rời ải đến biển Bạc Loại. Hô Diên vương nghe tin nên dẫn quân về. Hán quân không lập được công nên cũng về.

 

Năm Vĩnh Hưng thứ 1 (153) Xa Sư Hậu bộ vương A La Đa (阿羅多) và Mậu bộ hầu Nghiêm Cảo không được lòng nhau, nên [A La Đa] phẫn uất rồi làm phản, vây đánh đồn điền Hán tại thành Thả Cố (且固), sát thương lại sĩ. Hậu bộ hầu Thán Già (炭遮) đem số còn lại phản A La Đa, đến hàng quan Hán. A La Đa bức bách, đem mẹ, vợ con và hơn trăm kỵ chạy sang Bắc Hung Nô. Đôn Hoàng Thái thú Tống Lượng xin lập người con làm tin của cố Hậu bộ vương Quân Tựu là Tỳ Quân (卑君) làm Hậu bộ vương. Về sau A La Đa lại theo Hung Nô trở về, tranh nước với Tỳ Quân, dần thu phục được người trong nước. Mậu hiệu úy Diêm Tường lo hắn chiêu dẫn giặc Bắc, sẽ gây loạn cho Tây Vực, bèn cáo dụ để tỏ chữ tín, hứa lập lại làm vương. A La Đa bèn đến chỗ Tường để hàng. Vì thế đoạt lại ấn thao đã ban cho Tỳ Quân, đổi sang lập A La Đa làm vương, rồi đưa Tỳ Quân về Đôn Hoàng, lấy 300 người Hậu bộ dịch thuộc dưới trướng Tỳ Quân, ăn thuế dân ấy. Trướng giống như số hộ ở Trung Quốc vậy.

 

***

 

Chú thích:

1. Duyện lại: Là chức quan phụ tá cho trưởng quan.

2. Ý nói đến chính sách hòa thân vào đầu thời Hán, khi nhà Hán phải biếu tặng của cải và gả công chúa cho Hung Nô để giữ quan hệ tốt. Thái Tông là miếu hiệu của Hán Văn đế.

3. Hổ thần: Nghĩa đen là “người bề tôi dũng mãnh như hổ”, hàm ý chỉ tướng soái.

4. Thị tử: Tức là con cái các nước chư hầu được gửi đến làm tin ở triều đình Trung Quốc, dưới danh nghĩa là hầu hạ cho hoàng đế.

5. Chim đại tước: Tức là đà điểu.

6. Bưu đình: Chỗ tạm nghỉ cho người đi đưa công văn thời xưa.

7. Thủy tinh: Ở đây chỉ loại đá có độ trong suốt cao.

8. Tê dọa gà: Quan niệm Trung Hoa xưa coi sừng tê là vật linh dị, gà không dám tới gần, nên gọi là “hãi kê tê” – tê dọa gà.

9. Lang can: Tên một loại đá quý trong sách Trung Hoa xưa, không xác định được rõ.

10. Vải hỏa hoãn: Nghĩa đen là “vải giặt bằng lửa”, tức là thứ vải dệt bằng sợi amiang, có độ kháng lửa cao nên nếu đem đốt vết bẩn sẽ bị tẩy đi mà vải không cháy.

11. Đây có lẽ là loại vải dệt từ sợi của loài sò Pinna nobillis ở Địa Trung Hải, được gọi là “sea silk”.

12. Tô hợp: Một thứ hương dược làm từ nhựa một số loài cây trong chi Styrax.

13. An Đôn: Có thể là hoàng đế Antoninus Pius (mất năm 161) hoặc người kế nhiệm ông, Marcus Antonius Aurelius.

14. So với Hán thư thì danh sách này có hai chỗ khác: Hật Đốn (肸頓) được viết thành Phụ Đốn ((駙頓), và Cao Phụ được thay thế bởi Đô Mật.

15. Đạo Phù Đồ: Tức là Phật giáo. “Phù đồ” là phiên âm từ tiếng Phạn “Buddha”.

16. Nguyên văn viết nhầm chữ “túc” (粟) thành chữ “lật” (栗)


 

Comments