BỔ AN NAM LỤC DỊ ĐỒ KÝ
- Niên đại: 882.
- Tác giả: Thôi Trí Viễn.
Thôi Trí Viễn (857-?), hay Choe Chiwon
(chữ Hán: 崔致遠), là một học giả
người Triều Tiên sinh sống vào khoảng nửa sau thế kỉ thứ IX và đầu thế kỉ X. Mặc
dù sinh ra ở nước Tân La trên bán đảo Triều TIên, ông được gia đình gửi đến du
học ở Trung Hoa từ khi còn thiếu niên và đỗ tiến sĩ trong khoa thi năm 874 của
nhà Đường. Trí Viễn về sau trở thành quan phụ tá cho Hoài Nam Tiết độ sứ Cao Biền
và có quan hệ khá thân mật với Biền. Năm 884, Trí Viễn xin thôi chức để quay về
Tân La, và tiếp tục được triều đình nước này trọng dụng cho đến khi qua đời.
Bổ An Nam lục dị đồ ký là tác phẩm
mà Thôi Trí Viễn viết trong thời gian phục vụ dưới trướng Cao Biền, nhằm bổ
sung thông tin cho một tấm bản đồ mà một viên quan khác là Ngô Giáng
vẽ. Tấm bản đồ ấy hiện nay đã không còn, nhưng bài văn của Trí Viễn vẫn còn nguyên
vẹn. Nội dung của nó ngoài miêu tả sơ lược về An Nam Đô hộ phủ (tức miền bắc nước
ta ngày nay) thì tập trung chủ yếu vào ca ngợi công lao của Cao Biền. Trong tác
phẩm có một số đoạn chú thích gốc của tác giả, ở dưới sẽ được thể hiện bằng chữ
nhỏ màu xanh dương.
***
Bốn cõi Giao
Chỉ trong địa đồ, kinh sách đã ghi chép rõ. Nhưng mà trong cõi có nhiều dân Sinh
Lão [1], lại kề cận các nước Phiên [2], nên chọn lọc lời đàm luận để nêu rõ địa
chí.
Phủ An Nam
cai trị 12 quận gồm: Phong, Hoan, Diễn, Ái,
Lục, Trường Quận, Lạng, Vũ Định, Vũ An, Tô, Mậu, Ngu Lâm [3], 58 châu ki mi. Phủ thành cách biển nam hơn 400 lí về phía tây. Có dãy
núi chắn ngang, kéo dài nghìn lí, khe sâu vực thẳm, là hang ổ của người Lão.
Sáu chủng người dân Man, Đản [4] sống lẫn với nhau. Có 21 khu giáp giới các nước
Phiên, tương ứng với 21 bọn người Sinh Lão. Đường thủy phía tây nam thông đến
các nước Chà Bà, Đại Thực; đường bộ phía tây bắc nối tiếp các lộ Nữ Quốc
[5], Ô Man [6]. Không có đình trạm nên chẳng xét được lộ trình, kẻ trèo non thì
đếm ngày tính kỳ, kẻ lội biển thì trông gió làm dấu.
Chó gà kêu
vang khắp 21 nước [7]. Lối ăn mặc đại lược giống nhau. Dân Sinh Lão trong cõi
hay gọi là “sơn đề” (山蹄), có kẻ vấn
tóc xăm mình, có kẻ xỏ ngực đục răng, tiếng nói líu lo, mặt mày gian trá. Trong
đấy có những dân rất lạ, như nằm ngủ thì đầu bay lên [8], uống nước bằng lỗ mũi
[9], dùng da khoác mình hay lấy mai rùa che thân. Giã sợi gỗ để làm áo Áo người Lão hay làm bằng vỏ cây, giã nhuyễn đến
khi mịn như bông, bện lạt tre để
làm cánh. Khi nuôi con thì vợ chồng thay nhau chăm, trưởng thành rồi cha con
tranh hùng. Phải có phiên dịch mới thông hiểu được. Cũng không có nghề trồng
dâu nuôi tằm, chỉ dệt các thứ tơ tạp thành vải, hay may thành áo vạt ngắn. Có kẻ
không mặc áo, không ăn gạo. Đám ma không mặc tang phục, cưới xin không có mai mối.
Đánh nhau thì dùng khiên đao, bệnh tật thì không có thuốc men. Vốn cậy hiểm trở,
nên kẻ nào cũng xưng là tù hào.
Từ triều
Hán xưa cho đến cuối triều Tùy nhiều lần gây họa nơi biên giới, phải đánh dẹp
xa xôi. Lúc Mã tướng quân cắm cột trở về đã phân chia địa giới; sau Sử tổng
quản [10] đảo bia đi qua cũng dẹp yên góc biển. Đến đầu thời Hàm Thông
(860-874), Phiêu Tín dấy vạ, tướng soái phá luật [11]. Cú kêu ở đất diều rơi, lợn
rống ở đường buộc ngựa [12].
Diệt hung
thì cần phải vội chặn họng, cứu yếu thì chỉ nên lo nắm tay. Tiên đế thấy
Hoài Hải Thái úy Yên công ngày nay uy vang đại mạc, tiếng lừng Thượng Đô
Bấy giờ ông phòng ngự Tần Thành, dẹp yên giặc dữ,
trở về cạnh vua rồi ra trấn An Nam, bèn cho
ra trấn Long Biên, trổ tài lược hổ báo để dẹp bọn xăm trán dễ như đập trứng, giúp
dân đầu đen được hưởng ấm no. Dựng tường lũy dưới một ngọn cờ, mở cương giới đến
tận vạn dặm. Kẻ nào đục khoét đều bị trừ bỏ, ai có oan ức cũng được nêu ra Chu Đạo Cổ nuôi gian ở ngoài, Đỗ Tồn Lăng ngang ngược
ở trong, đều là mối lo lớn với An Nam, ông bèn tru diệt tận gốc. Cố lệnh công
Trữ Lương trốn đến Nhật Nam rồi chết, con cháu tản mác, nên ông bấy giờ dâng biểu
xin rửa tội cho. Sau đấy lại sai Điện Mẫu, Lôi Công mở đường từ cõi ngoài đến chầu trời,
sai sơn linh thủy thần trấn yên sóng lớn biển khơi Cửa
kênh Thiên Uy ở An Nam nhờ sức thần mới mở được, nối liền xa gần [13]. Thế rồi được tin gián điệp Man dòm ngó mặt bắc, mà quân lính Hán vẫn
ở miền nam, nên truyền chiếu gọi về, phải lặn lội lên đường. Đến như dân Lão
trong động, người Man ngoài biển, chẳng ai không say ơn no nghĩa, từ xa hướng về
cửa khuyết để xin lập đền thờ sống. Thế mới biết là những việc tốt ông đã làm
cũng đủ để răn dụ người phương xa. Thấy ngựa cũng như dê mà không lấy [14], để
kiến to như voi mà nào lo [15]. Đủ để nghiệm thấy Tứ Di có lúc không chịu phục,
cửu mục [16] có người không đúng chức.
Nhu Viễn
quân Tòng sự Ngô Giáng từng biên tập tấm địa đồ này, tên là Lục dị. Lời
tựa viết rằng: “Trông coi phên dậu xa xôi từ lâu, được mục kích hình thế lạ
lẫm, nên tự đề lại việc gốc. Nhưng nếu tin thì cứ tin, dùng được thì cứ dùng.”
Đã duyệt lời trước, nhưng gần đây than rằng: “Trộm nghĩ, những thứ sở
dĩ được coi là lạ, là vì những thứ khác người ta không coi là lạ, mà cho là nằm
trong lục hợp [17]. Nhưng vậy phải bỏ thứ gì? Đến như thịt chuột vạn
cân, râu tôm một trượng đều là sản vật nam bắc, mà xưa nay vẫn còn nghi ngờ mãi.
Thế thì họ hợp tan như thú, tụ tập như chim cũng thực không có gì lạ vậy.” Gần
đây Thái úy Yên công nhận ơn vua ba lần, dùng kế lạ sáu bận, khiến kẻ hung hãn
quy phục, biên thùy yên ổn. Nay khi Thánh thượng tuần du thì Mông vương [18] dâng
lễ, không dám mở miệng sủa với vua Nghiêu, mà mãi lo giữ lòng trừ nhà Hạ [19].
Đấy đều là do Yên công lấy Giao châu, trấn quận Thục, uy vang đến loài yêu ma
quỷ quái, lập công chốn lũy đồng hào sôi [20]. Đấy gọi là hiểu điều đã thấy trước,
nắm việc chưa xảy ra, hít thở mà âm dương bất trắc, đặt chân mà quỷ thần tháo
chạy. Thực là công trời, mà người lại làm được, đấy thực đúng là lạ vậy. Xin tạm
gửi nhờ cửa khuyết để lưu cho tương lai. Bấy giờ là năm thứ ba từ khi xa giá đến
Thục [21].
***
Chú thích:
1. Sinh Lão: Một tên gọi xưa dành cho các dân tộc
thiểu số sinh sống ở miền núi phía bắc nước ta. “Lão” (獠) là phiên âm từ “Rau”, tên gọi của nhiều sắc dân thuộc ngữ hệ Kra-Dai ở
nam Trung Quốc và Đông Nam Á, và cũng là nguồn gốc tên các dân tộc Lào hay Cơ
Lao. Trong thư tịch cổ Trung Hoa, từ “sinh” (生, nghĩa đen là “còn sống, chưa chín”) được đặt phía trước tên các dân tộc
thiểu số với hàm ý họ vẫn còn lối sống nguyên thủy, cư trú ở nơi núi rừng và
không chịu sự quản lí của chính quyền trung ương, đối lập với “thục” (孰, “đã chín”) là những nhóm nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền.
2. Phiên: Nghĩa là các nước ngoại quốc, xét trong mối
quan hệ với Trung Hoa. Từ “phiên” (蕃) nghĩa gốc
là “hàng rào, phên dậu”. Quan niệm Trung Hoa xưa coi các nước khác là chư hầu của
mình và đóng vai trò bảo vệ cho Thiên tử khỏi những mối đe dọa từ bên ngoài,
nên mới gọi là “phiên”.
3. Theo Tân Đường thư, An Nam Đô hộ phủ chia
làm 12 châu lớn là Giao, Phong, Trường, Phúc Lộc, Ái, Hoan, Diễn, Lục, Thang,
Chi, Vũ Nga và Vũ An, trong đó 7 châu đầu thuộc lãnh thổ nước ta ngày nay, còn
lại nằm trên địa phận Quảng Tây. Các châu ki mi, tức vùng lãnh thổ biên viễn do
tù trưởng địa phương tự trị, thì có tổng cộng 41. Ở đây Bổ An Nam lục dị đồ ký
cũng liệt kê 12 châu lớn (mà tác giả gọi là “quận”), nhưng không có Phúc Lộc, Lục,
Thang, Chi, Vũ Nga, mà thay vào đó là các châu ki mi Lạng, Vũ Định, Tô, Mậu và
một châu không có tên trong sử Đường là Ngu Lâm.
4. Man, Đản: Man là một tên gọi xưa dành cho các
dân tộc phi-Hoa Hạ, đặc biệt là ở phía nam Trung Quốc. Đản là một sắc dân ở ven
biển đông nam Trung Quốc và Việt Nam, với lối sống đặc trưng là cư trú và sinh
hoạt ngay trên thuyền bè.
5. Nữ Quốc: Còn gọi là Đông Nữ, là một tiểu quốc của
người Khương ở vùng đông bắc cao nguyên Thanh-Tạng, vì có quân chủ là nữ nên
mang tên gọi này.
6. Ô Man: Một trong các nhóm người Khương vào thời
Đường, cư trú trên địa phận Tứ Xuyên, Quý Châu và Vân Nam ngày nay.
7. Nguyên văn là “nhị thập nhất quốc”, nhưng đúng
ra là phải là 21 khu như đã viết ở trước.
8. Trong quan niệm mê tín ở nhiều nước Đông Nam Á,
ma lai là một dạng hồn ma nữ chỉ có phần đầu nối liền với ruột mà không có
thân. Thư tịch Trung Hoa cũng ghi chép lại sự tích này và gán nó với các dân tộc
thiểu số miền núi ở nước ta lúc bấy giờ.
9. Tục uống nước bằng mũi vẫn còn được một số dân tộc
ở Việt Nam như người Kháng lưu giữ đến ngày nay.
10. Sử tổng quản: Tức Sử Vạn Tuế (549-600), làm chức
Hành quân tổng quản thời Tùy. Vạn Tuế khi đi đánh dẹp ở Vân Nam bắt gặp bia đá do
Gia Cát Lượng dựng xưa kia, viết rằng: “Sau vạn năm nữa, ai thắng ta mới được
đi qua đây.” Vạn Tuế thấy chữ trên bia giống tên mình (“vạn tuế”) nên sai người
lật ngược nó rồi đi tiếp.
11. “Phiêu tín” là danh hiệu của quân chủ nước Nam
Chiếu ở vùng Vân Nam đương thời. Năm 858, một số thủ lĩnh miền núi ở An Nam vì
bất mãn với cách cai trị của Đô hộ Lý Tượng Cổ nên dẫn đường cho Nam Chiếu vào xâm
lược, buộc nhà Đường phải sai Cao Biền đánh dẹp.
12. Khi Mã Viện đi đánh Trưng vương, đóng quân ở
Lãng Bạc, thấy diều hâu đang bay thì rơi xuống nước nên cho là vùng đất lam chướng.
Từ đó “diều hâu rơi” được dùng để chỉ môi trường khắc nghiệt ở nước ta. Cả câu
này hàm ý miêu tả sự điêu tàn của An Nam khi bị Nam Chiếu chiếm đóng.
13. Theo sử Đường, Cao Biền sau khi đánh đuổi Nam
Chiếu bèn cho người khai thông đường thủy từ An Nam đến Quảng Châu. Khi công việc
đang gặp khó khăn vì địa chất phức tạp thì đột nhiên có sấm sét đánh vỡ đá, nên
đặt tên nơi ấy là kênh Thiên Uy. Ở đây tác giả đang dùng lối nói phóng đại để
ca ngợi Cao Biền, cho rằng Biền được thần linh phù trợ.
14. Điển tích thời Hán. Trương Hoán (104-181) làm
quan nhà Hán, đem quân giúp người Khương đánh đuổi giặc Hung Nô. Khi người
Khương dâng ngựa và vàng để tạ ơn, Hoán nói: “Ta coi ngựa như dê, không lấy
vào chuồng; coi vàng như thóc, không lấy vào kho” rồi trả hết lại. Ở đây chỉ
sự thanh liêm của quan lại.
15. Lấy ý từ bài thơ Chiêu hồn của Tống Ngọc
thời Xuân Thu: “Xích nghĩ nhược tượng, huyền phong nhược hồ tá. Ngũ cốc bất
sinh, tùng gian thị thực tá.” (dịch nghĩa: “Kiến đỏ to như voi, ong đen to
như trái bầu. Ngũ cốc không mọc được, phải lấy cỏ rơm mà ăn”). Chỉ tình cảnh khốn
khổ.
16. Cửu mục: Chỉ quan lại địa phương. Từ thời Đông
Hán đặt chức Thứ sử đứng đầu các châu trong nước, còn gọi là châu mục. Ở đây
dùng từ “cửu mục” để tương ứng với Cửu Châu là 9 vùng đất thời nhà Hạ trong huyền
sử Trung Hoa, còn trên thực tế lãnh thổ nhà Hán chia làm 12 châu.
17. Lục hợp: Tức sáu phương hướng là trên, dưới,
đông, tây, nam, bắc, hiểu rộng ra là toàn thể vũ trụ.
18. Mông vương: Tức vua Nam Chiếu. Nước Nam Chiếu vốn
do sáu tiểu quốc hợp thành, trong đó Mông Xá lớn mạnh nhất, thu phục các tiểu
quốc còn lại, nên quân chủ Nam Chiếu còn được gọi là Mông vương.
19. Chỉ việc Thành Thang đánh đổ vua Hạ Kiệt, lập
ra nhà Thương.
20. Lũy đồng hào sôi: Tức là thành lũy làm bằng đồng
và hào chứa nước sôi, là cách nói ví von chỉ sự phòng thủ rất kiên cố.
21. Nguyên văn: “thúy hoa hạnh Thục”. “Thúy hoa” chỉ
cờ hiệu của vua chúa, vì làm bằng lông chim bói cá (“thúy”, 翠) nên có tên này. Lúc bấy giờ quân nổi dậy của Hoàng Sào đã đánh chiếm
kinh đô Trường An, vua Đường Hy Tông phải chạy đến đất Thục lánh nạn.
Comments
Post a Comment