Nam Man, Tây Nam Di liệt truyện
Hậu Hán thư – quyển 86
***
NAM MAN
Vũ Lăng Man
Xưa Cao Tân thị [1] gặp phải giặc
Khuyển Nhung [2]. Vua lo chúng xâm bạo, mà chinh phạt không thắng, bèn mộ trong
thiên hạ người có thể lấy đầu Ngô tướng quân của Khuyển Nhung, treo thưởng vàng
nghìn nén, ấp vạn nhà, lại gả cho con gái nhỏ. Bấy giờ vua có nuôi một con chó
lông ngũ sắc tên là Bàn Hoạch (槃瓠). Sau khi hạ lệnh, Bàn Hoạch liền ngậm
đầu người đến cửa khuyết. Quần thần thấy lạ nên xem thử, thì là đầu Ngô tướng
quân. Vua cả mừng, nhưng thấy Bàn Hoạch không thể cưới con gái được, lại không có
cách phong tước, muốn báo đáp mà chưa biết nên làm sao. Người con gái nghe được,
cho rằng đế hoàng đã hạ lệnh, không thể để mất chữ tín, vì thế xin đi. Vua bất
đắc dĩ đem con gái gả cho Bàn Hoạch. Bàn Hoạch có được người con gái, cõng đi về
núi nam, dừng ở chốn Thạch Thất. Nơi ấy xa xăm, không có vết người. Vì thế người
con gái cởi bỏ xiêm áo, kết tóc như người gánh muối, mặc áo như kẻ phu phen. Vua
thương nhớ nên khiển sứ tìm kiếm, liền gặp mưa to gió lớn, sứ giả không tiến được.
Sau ba năm, sinh 12 đứa con, 6 trai 6 gái. Bàn Hoạch về sau chết. [Các con]
nhân đấy tự lấy nhau làm vợ chồng, dệt vỏ cây làm sợi, dùng cỏ để nhuộm. Họ ưa
y phục ngũ sắc, luôn may kèm hình cái đuôi. Người mẹ sau quay về, đem sự trạng
bạch với vua, vì thế sai đón các con về. Nhưng họ xiêm áo loang lổ, tiếng nói khác
biệt, thích vào núi non, không ưa đất bằng. Vua thuận theo ý, ban cho núi cao đầm rộng. Về sau sinh sôi nảy
nở, gọi là Man Di. Bên ngoài ngây ngô, bên trong lanh lợi, sống định cư, trọng tục
cũ. Vì ông tổ có công, mẹ là con gái của vua, nên người làm ruộng hay mua bán không bị tra
xét khi qua cầu đường, không phải nộp tô thuế. Các ấp có quân trưởng, đều được
ban ấn thao, mũ làm bằng da rái cá. Gọi cự soái là tinh phu (精夫), gọi nhau là ương đồ (姎徒). Nay là người Man ở Trường Sa, Vũ
Lăng.
Vào thời Đường Ngu, cùng nhau lập lời thề, nên gọi là yêu phục.
Thời Hạ, Thương, dần trở thành mối lo nơi biên giới. Tới đời Chu, bè đảng đông
đúc. Khi Tuyên vương trung hưng [3], mới mệnh Phương Thúc đánh xứ Man phương nam, nên thi nhân gọi
là “Ra uy với Man, Kinh” vậy. Lại
nói: “Man, Kinh ngu xuẩn/Thù với nước lớn.”
Chúng biết rõ bè đảng mình đông đúc, vì thế chống cự các nước Hoa Hạ.
Khi Bình vương dời về đông, người Man xâm bạo thượng quốc. Tấn
Văn hầu phụ chính, cử Thái Cộng hầu đánh phá được. Đến thời Sở Vũ vương, người
Man cùng La Tử
[4] đánh bại quân Sở,
giết tướng Khuất Hà. Trang vương mới lập, dân đói binh yếu, nên lại bị cướp
bóc. Sau khi quân Sở chấn chỉnh, chúng lại quy phục, từ đấy lệ thuộc vào Sở. Lần
ra quân ở Yên Lăng [5], người Man và Cung vương hợp binh đánh Tấn. Khi Ngô Khởi làm tướng quốc cho Điệu vương, phía nam thôn tính
Man Việt, rồi lấy
được Động Đình, Thương Ngô. Tần Chiêu vương sai Bạch Khởi đánh Sở, chiếm được
Man Di, mới đặt quận Kiềm Trung. Nhà Hán hưng, đổi làm quận Vũ Lăng, hằng năm lệnh
người lớn nộp một
tấm vải, trẻ con nộp một trượng vải, gọi là vải tung (賨).
Tuy có lúc làm trộm cướp, nhưng không đáng làm mối lo cho các quận quốc.
Khi Quang Vũ trung hưng [6], người Man Di ở Vũ Lăng càng thịnh.
Năm Kiến Vũ thứ 23 (47), bọn tinh phu
Tương Đơn Trình (相單程) chiếm cứ nơi hiểm trở, cướp bóc các
quận huyện. Khiển Vũ Uy tướng quân Lưu Thượng phát binh Nam Quận, Trường Sa, Vũ
Lăng hơn vạn người, đi thuyền ngược dòng sông Nguyên vào Vũ Khê đánh chúng. Thượng
khinh địch, đi vào chỗ hiểm, núi sâu sông xiết, thuyền bè không đi ngược được.
Họ Man biết Thượng thiếu lương mà đi xa, lại không hiểu đường sá, bèn đóng giữ
chỗ hiểm. Thượng hết thức ăn nên dẫn quân về. Người Man chặn đường đón đánh,
quân của Thượng đại bại, đều mất sạch cả. Năm thứ 24 (48), Tương Đơn Trình xuống
đánh Lâm Nguyên. Khiển Yết giả Lý Tung, Trung Sơn Thái thú Mã Thành đi đánh, không thắng
được. Mùa xuân năm sau (49), khiển Phục Ba tướng quân Mã Viện, Trung lang tướng
Lưu Khuông, Mã Vũ, Tôn Vĩnh cầm binh đến Lâm Nguyên đánh phá. Bọn Đơn Trình đói
khổ, nênxin hàng. Gặp
lúc Viện bệnh mất, Yết giả Tông Vận cho thụ hàng cả. Vì thế đặt lại ty, các dân
Man lại bình.
Năm Vĩnh Sơ thứ 1 triều Túc Tông (76), người Man vùng Lễ
Trung quận Vũ Lăng là bọn Trần Tòng (陳從)
làm phản, chạy vào xứ Man ở Linh Dương. Mùa đông ấy, người Man Linh Dương là tinh
phu ở Ngũ Lý giúp quận đánh phá Tòng; bọn Tòng đều hàng. Mùa đông năm thứ 3
(78), người Man ở Lâu Trung là Đàm Nhi Kiện (覃兒健)
lại phản, đốt phá trong vùng Linh Dương, Tác Đường, Sàn Lăng. Mùa xuân năm sau
(79), phát lại sĩ được miễn tội đồ ở bảy quận Kinh châu và Nhữ Nam, Dĩnh châu
hơn 5.000 người đóng giữ Linh Dương, mộ tinh phu người Man không làm phản ở đất Ngũ Lý vùng
Sung Trung được 4.000 người, đánh giặc Lễ Trung. Mùa xuân năm thứ 5 (80), Đàm
Nhi Kiện xin hàng; [triều đình] không chấp nhận. Quận nhân đó tiến binh đánh chúng ở Hoằng Hạ,
đại phá được, chém đầu Nhi Kiện. Số còn lại đều bỏ doanh trại chạy về Lâu
Trung, rồi khiển người xin hàng, bèn nhận. Vì thú bãi lính đóng ở Vũ Lăng, ban
thưởng có khác nhau.
Mùa đông năm Vĩnh Nguyên thứ 4 triều Hòa đế (92), người Man ở
Lâu Trung, Lễ Trung là Đàm Nhung (潭戎)
làm phản, đốt cháy bưu đình [7], giết chóc lại dân; khi binh quận đánh phá thì hàng. Năm
Nguyên Sơ thứ 2 triều An đế (115), người Man Lễ Trung thấy quận huyện đánh thuế
không công bằng nên nuôi oán hận, rồi liên kết với các chủng ở Sung Trung được hơn 2.000 người,
công thành, giết trưởng lại. Châu quận mộ binh người Man ở Ngũ Lý, Lục Đình đuổi
đánh, phá được, nên chúng đều tan rã và ra hàng. Ban cự soái ở Ngũ Lý, Lục Đình vàng lụa
có khác nhau. Mùa thu năm sau (116), 4.000 người Man Lâu Trung, Lễ Trung cùng
làm trộm cướp. Lại có người Man Linh Lăng là bọn Dương Tôn (羊孫), Trần Thang (陳湯)
hơn nghìn người đội mũ đỏ, xưng làm tướng quân, đốt sở quan, cướp bóc trăm họ.
Châu quận mộ người Man lương thiện đánh dẹp chúng.
Năm Vĩnh Hòa thứ 1 triều Thuận đế (136), Vũ Lăng Thái thú dâng thư, nói Man Di quy phục
có thể coi như người Hán, nên tăng tô phú của họ. Nghị giả đều cho là đúng. Một
mình Thượng thư lệnh Ngu Hủ tâu rằng: “Từ
xưa thánh vương không bắt kẻ khác tục làm thần, không phải đức không đến được,
uy không gia được, mà là biết tâm chúng tham lam như thú, khó giữ bằng lễ. Thế
nên ràng buộc để vỗ về, theo thì nhận mà không đón, phản thì bỏ mà không đuổi.
Điển cũ của tiên đế, cống thuế ít hay nhiều đều có nguyên do từ lâu rồi. Nay đột
nhiên tăng, chúng ắt sinh oán mà phản. Tính ra cái được không đủ bù phí, ắt về
sau hối hận.” Hoàng đế không nghe. Mùa đông năm ấy người Man Lâu Trung, Lễ
Trung quả nhiên tranh cãi thuế vải không đúng giao ước cũ, rồi giết hương lại [8], đem cả chủng làm phản. Mùa xuân năm
sau (137), 20.000 người Man vây Sung Thành, 8.000 người cướp Di Đạo. Khiển Vũ
Lăng Thái thú Lý Tiến
đánh phá, chém mấy trăm thủ cấp, còn lại đều hàng phục. Tiến bèn chọn lựa lại
viên giỏi, nắm được lòng dân. Tiến ở quận 9 năm. Khi Lương thái hậu lâm triều,
xuống chiếu tăng trật cho Tiến lên hạng nhị thiên thạch, ban 200.000 tiền.
Mùa thu năm Nguyên Gia thứ 1 triều Hoàn đế (151), người Man
Vũ Lăng là bọn Đạm Sơn (詹山) hơn 4.000 người làm phản, bắt giữ huyện lệnh, đóng ở núi
sâu. Đến năm Vĩnh Hưng thứ 1 (153), Thái thú Ứng Phụng dùng ân tín chiêu dụ, đều
đầu hàng cả.
Tháng 11 năm Vĩnh Thọ thứ 3 (157), người Man Trường Sa làm phản,
đóng ở Ích Dương. Đến mùa thu năm Diên Hy thứ 3 (160), chúng cướp bóc trong quận,
đông đến hơn vạn người, giết chóc trưởng lại. Người Man Linh Lăng lại vào Trường
Sa. Mùa đông, hơn 6.000 người Man Vũ Lăng cướp Giang Lăng. Kinh châu Thứ sử Lưu Độ, Yết giả Mã
Mục, Nam quận Thái thú Lý Túc đều bỏ chạy. Chủ bạ của Túc là Hồ Sảng níu đầu ngựa,
can rằng: “Man Di thấy quận không có
phòng bị nên mới dám thừa sơ hở tiến đánh. Minh phủ là đại thần của nước, thành
liền nghìn dặm, dựng cờ đánh trống thì có mười vạn người hưởng ứng, sao lại ủy
thác trọng trách binh phù cho kẻ khác mà làm người bỏ trốn?” Túc rút kiếm
chĩa vào Sảng nói: “Duyện lại tránh ra!
Thái thú lệnh gấp, sao rỗi tính
chuyện ấy.” Sảng ôm ngựa, cố can; Túc bèn giết Sảng rồi
chạy. Hoàng đế nghe chuyện, nên gọi Túc về, bêu ngoài chợ. Độ và Lục được giảm
tội một bậc so với mức tử hình. Làm lại nhà cửa cho Sảng, cho một người nhà làm
lang. Thế rồi lấy Hữu hiệu
lệnh Độ Thượng làm Kinh châu Thứ sử, đánh giặc Trường Sa, bình được. Lại khiển
Xa Kỵ tướng quân Phùng Hỗn đánh người Man Vũ Lăng, đều hàng cả. Khi quân về, giặc
lại ra cướp, Quế Dương Thái thú Liêu Tích bỏ chạy. Người Man Vũ Lăng cũng tấn công quận ấy, Thái
thú Trần Phụng đem lại sĩ đánh phá, chém hơn 3.000 thủ cấp, thu hàng hơn 2.000 người.
Đến năm Trung Bình thứ 3 triều Linh đế (186), người Man Vũ
Lăng lại phản, cướp trong quận. Châu quận đánh phá được.
Giao Chỉ
Bộ Giao Chỉ thời Hán, với các quận Nam Hải (Nanhai), Thương Ngô (Cangwu), Uất Lâm (Yulin), Hợp Phố (Hepu), Giao Chỉ (Jiaozhi), Cửu Chân (Jiuzhen) và Nhật Nam (Rinan). |
Lễ ký nói: “Phương nam gọi là
Man, trán khắc hình, ngón chân giao.” Tục xứ ấy nam nữ tắm chung một sông,
nên gọi là Giao Chỉ. Phía tây có nước ăn thịt người, khi sinh con đầu lòng liền
mổ ra mà ăn, gọi là tuyên đệ (宜弟). Vị ngon thì
đem tặng cho vua, vua thích thì thưởng cho người cha. Lấy vợ đẹp thì nhường cho
anh. Nay là người Ô Hử (烏滸) [9].
Phía nam Giao Chỉ có nước Việt
Thường. Chu công nhiếp chính sáu năm, chế lễ tác nhạc, thiên hạ hòa bình. Việt
Thường đi ba con voi, qua nhiều lần phiên dịch đến hiến chim trĩ trắng, nói rằng:
“Đường sá xa xôi, sông núi hiểm
trở, tiếng sứ không thông, nên lặn lội đến chầu.”
Thành vương đem tặng Chu công, thì công nói:
“Đức không
ban phát rộng thì quân tử không hưởng được chất, chính không thi hành rộng thì
quân tử không phục được người. Ta hà dĩ lấy vật ấy!”
Sứ ấy xin rằng:
“Tôi nhận mệnh
người già nước tôi rằng: ‘Lâu rồi trời không có gió dữ mưa giông, ý là Trung Quốc
có thánh nhân sao? Có thì phải đến chầu.’ ”
Chu công bèn đem trả cho vương, nói là nhờ thần linh của
tiên vương mà có, nên đem dâng lên tông miếu. Khi đức triều Chu suy, dần dần
tuyệt giao.
Khi Sở tử xưng bá [10], được Bách
Việt triều cống [11]. Nhà Tần thôn tính thiên hạ, thu phục Man Di, mở mang Lĩnh
Ngoại, đặt các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng. Khi nhà Hán hưng, Úy Đà tự lập
làm Nam Việt vương, truyền nước năm đời. Đến năm Nguyên Đỉnh thứ 5 triều Vũ đế (111
TCN) thì diệt nước ấy, chia làm chín quận, đặt Giao Chỉ Thứ sử thống lĩnh.
Hai quận Châu Nhai, Đam Nhĩ nằm
trên đảo giữa biển, bề đông tây dài 1.000 lí, nam bắc rộng 500 lí. Cự soái ở đây
có tai dài, dái tai xỏ khuyên, thõng xuống vai đến ba tấc. Cuối thời Vũ đế,
Châu Nhai Thái thú Tôn Hạnh là người Cối Kê, bắt dân nộp vải khổ ngang. Người
Man không chịu, bèn tấn công quận, giết Hạnh. Con trai Hạnh là Báo tập hợp người
lương thiện quay lại đánh phá chúng, rồi tự lĩnh việc quận, đánh dẹp dư đảng, sau
mấy năm mới bình. Báo khiển sứ là Phong trả lại ấn thao [cho triều đình], dâng
thư kể sự trạng. Xuống chiếu lấy ngay Báo làm Châu Nhai Thái thú. Báo thi hành
uy chính, hằng năm cống hiến. Nhưng người Trung Quốc tham của cải đất này, dần
xâm lấn nhau, nên cứ mấy năm lại phản. Năm Sơ Nguyên thứ 3 triều Nguyên đế
(50), bèn bãi quận ấy. Quận lập được 65 năm.
Khi Kiến vương Mãn phụ chính, vào
năm Nguyên Thủy thứ 2 (2) nước Hoàng Chi (黃支) phía nam Nhật
Nam đến hiến tê ngưu.
Các xứ do Giao Chỉ thống lĩnh tuy
đặt quận huyện nhưng ngôn ngữ đều khác, phải phiên dịch mới thông. Người ở đây
như cầm thú, lớn bé không khác gì. Búi tóc sau gáy, đi chân trần, dùng vải vấn
đầu. Về sau tội nhân Trung Quốc bị đồ đến ở lẫn tại đấy, mới dần biết ngôn ngữ,
thấm ướt lễ hóa [của Trung Quốc].
Khi Quang Vũ trung hưng, Tích
Quang làm Giao Chỉ Thái thú, Nhâm Diên làm Cửu Chân Thái thú. Vì thế dạy dân
cày cấy, chế tác mũ giày, đặt ra mai mối, chỉ cách cưới xin, kiến lập trường học,
dạy dỗ lễ nghĩa.
Năm Kiến Vũ thứ 15 (39), người
Man Lý ngoài cõi Cửu Chân là Trương Du (張游) đem người trong
chủng mộ hóa nội thuộc, được phong làm Quy Hán Lý quân. Năm sau, người Man Di
ngoài cõi Nam Việt hiến chim trĩ trắng, thỏ trắng.
Đến năm thứ 16 (40), người đàn bà
Giao Chỉ là Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị làm phản, tấn công quận. Trưng Trắc
là con gái Hùng tướng huyện Mê Linh, cưới chồng người Chu Diên là Thi Sách, rất
kiêu dũng. Giao Chỉ Thái thú Tô Định dùng pháp luật ràng buộc, Trắc phẫn oán
nên phản. Vì thế người Man Lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng, lấy
được tất cả 65 thành, tự lập làm vương. Giao Chỉ Thứ sử và các Thái thú chỉ biết
tự thủ. Quang Vũ bèn xuống chiếu cho Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe
thuyền, sửa cầu đường, thông khe ngòi, trữ lương thực. Năm thứ 18 (42), khiển
Phục Ba tướng quân Mã Viện, Lâu Thuyền tướng quân Đoàn Chí phát binh Trường Sa,
Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô hơn vạn người đánh dẹp. Mùa hè tháng 4 năm sau
(43), Viện phá Giao Chỉ, chém Trưng Trắc, Trưng Nhị, còn lại đều ra hàng và tan
rã. Tiến đánh giặc Cửu Chân là Đô Dương (都陽), thu hàng chúng.
Đồ bọn cự soái hơn 300 người đến Linh Lăng. Vì thế Lĩnh Biểu [12] đều bình.
Năm Nguyên Hòa thứ 1 triều Túc
Tông (84), Man Di ngoài cõi Nhật Nam là hào trưởng ấp Cứu Bất Sự Nhân (究不事人) [13] hiến
tê ngưu, chim trĩ trắng. Mùa hè tháng 4 năm Vĩnh Nguyên thứ 12 triều Hòa đế
(100), hơn 2.000 người Man Di huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam cướp bóc trăm họ, đốt
cháy sở quan. Các quận huyện phát binh đánh dẹp, chém cự soái, quân còn lại bèn
hàng. Vì thế đặt Trưởng sử cầm binh ở Nhật Nam để phòng hoạn nạn.
Năm Vĩnh Sơ thứ 1 triều An đế
(107), người Man Di Dạ Lang (夜郎) [14] ngoài cõi Cửu Chân đem đất nội
thuộc, mở cõi 1.840 lí.
Năm Nguyên Sơ thứ 2 (115), người Man
Di ở Thương Ngô làm phản. Năm sau (116), chúng lại chiêu dụ mấy nghìn người Man
và Hán ở Uất Lâm, Hợp Phố tấn công quận Thương Ngô. Đặng thái hậu khiển Thị ngự
sử Nhâm Trác ban chiếu xá tội, giặc đều đầu hàng.
Năm Diên Quang thứ 1 (122), người
Man ngoài cõi Cửu Chân xin nội thuộc. Năm thứ 3 (124), người Man ngoài cõi Nhật
Nam lại đến nội thuộc. Năm Vĩnh Kiến thứ 6 triều Thuận đế (131), vương nước Diệp
Điều (葉調) ngoài cõi Nhật Nam là Tiện (便) khiển
sứ cống hiến. Hoàng đế ban Điều Tiện ấn vàng thao tía.
Năm Vĩnh Hòa thứ 3 (138), Man Di
ngoài cõi huyện Tượng Lâm quận Nhật Nam là bọn Khu Liên (區憐) gồm mấy
nghìn người tấn công huyện Tượng Lâm, đốt thành trì, giết trưởng lại. Giao Chỉ Thứ
sử Phàn Diễn phát binh hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân hơn vạn người đi cứu. Binh
sĩ ngại đi xa nên làm phản, tấn công phủ. Hai quận tuy đánh phá được kẻ làm phản,
nhưng thế giặc chuyển thịnh. Gặp lúc Thị ngự sử Cổ Xương đi sứ Nhật Nam, liền
cùng châu quận dốc sức đánh dẹp nhưng bất lợi, rồi bị vây đánh hơn một năm, binh
lương cạn dần. Hoàng đế lấy làm lo. Năm sau (139), gọi các quan công khanh và
duyện thuộc bốn phủ [15] đến hỏi phương lược, đều bàn khiển đại tướng, phát
quân Kinh, Dương, Duyện, Dự 40.000 người đi đánh. Đại tướng quân Tòng sự Lang
trung Lý Cố bác bỏ rằng:
“Nếu Kinh,
Dương không có chuyện thì có thể phát. Nay hai châu đạo tặc đông đúc chưa tản,
Man Di ở Vũ Lăng, Nam Quận chưa hàng. Trường Sa, Quế Dương mấy lần trưng phát,
nếu như lại nhiễu động ắt sinh họa. Đấy là một điều không thể.
Binh
lính ở Duyện bị trưng phát, đi xa vạn dặm, không biết khi nào về. Nếu chiếu thư
ép gấp tất sẽ đến nỗi làm phản bỏ trốn. Đấy là hai điều không thể.
Miền nam
sông núi nóng bức, có nhiều chướng khí, đến nỗi chết tới bốn năm phần mười. Đấy
là ba điều không thể.
Đi xa vạn
lí, sĩ tốt khổ nhọc, có đến Lĩnh Nam cũng không chiến đấu nổi. Đấy là bốn điều
không thể.
Quân mỗi
ngày đi 30 lí, mà cách Nhật Nam hơn 9.000 lí, thì 300 ngày mới đến. Tính gạo mỗi
người 5 thưng thì phải dùng 60.000 đấu, chưa kể thức ăn cho tướng lại, lừa ngựa.
Chỉ có nước tự thân vác giáp, phí tổn như thế. Đấy là năm điều không thể.
Đặt quân
ở đấy tử vong rất nhiều mà đã không đủ chống địch, nếu lại phát thêm thì là cắt
bỏ tim gan để bổ tứ chi. Đấy là sáu điều không thể.
Cửu
Chân, Nhật Nam cách nhau nghìn lí, phát lại dân ở đấy vẫn còn không kham nổi,
huống hồ là làm khổ lính bốn châu để lặn lội vạn lí sao! Đấy là bảy điều không
thể.
Trước
kia Trung lang tướng Doãn Tựu đánh người Khương làm phản ở Ích châu, Ích châu
có ngạn ngữ rằng: “Giặc đến còn khá, Doãn đến chết ta.” Tựu bị gọi về, đem binh
giao Thứ sử Trương Kiều. Kiều dựa vào tướng lại, trong khoảng tuần tháng đã phá
tan giặc giã. Đấy là gương phát tướng vô ích, châu quận lo được. Nên đổi sang
tuyển người dũng lược nhân huệ nhận chức tướng soái, lấy làm Thứ sử, Thái thú,
rồi sai cùng sang Giao Chỉ. Nay quận Nhật Nam đơn độc không có lương, thủ thì
không đủ, đánh lại không được. Nên nhất thiết dời lại dân về bắc dựa vào Giao
Chỉ, sau khi việc đã yên lại mệnh trở về. Man Di theo về thì cho đánh lẫn nhau,
chuyên chở vàng lụa lấy làm phần thưởng. Có ai biết phản gián đến đầu thú, thì
hứa sẽ phong hầu chia đất để thưởng. Cố Bình châu Thứ sử Chúc Lương là người
Trường Sa, tính hay dũng mãnh; lại có Trương Kiều người Nam Dương trước kia ở
Ích châu có công phá giặc, đều có thể sử dụng. Xưa Thái Tông gia Ngụy Thượng
làm Vân Trung Thái thú, Ai đế bái Cung Xá làm Thái Sơn Thái thú. Nên bái ngay bọn
Lương, tiện đường đến nhận chức.”
Bốn phủ đều nghe theo lời bàn của Cố, liền bái Chúc Lương
làm Cửu Chân Thái thú, Trương Kiều làm Giao Chỉ Thứ sử. Kiều đến, úy dụ rõ ràng,
[quân làm phản] đều hàng phục cả. Lương đến Cửu Chân, một mình đi xe vào chỗ giặc,
bày phương lược, dùng uy tín chiêu dụ. Mấy vạn người đầu hàng, rồi cùng xây phủ
thự cho Lương. Vì thế Lĩnh Ngoại lại bình.
Năm Kiến Khang thứ 1 (144), hơn
nghìn người Man Di ở Nhật Nam lại đốt phá các ấp trong huyện, rồi quấy nhiễu Cửu
Chân, liên kết với nhau. Giao Chỉ Thứ sử Hạ Phương khai ân chiêu dụ, giặc đều
hàng phục. Bấy giờ Lương thái hậu lâm triều, khen công của Phương, dời làm Quế
Dương Thái thú.
Năm Vĩnh Thọ thứ 3 triều Hoàn đế
(157), Cư Phong huyện lệnh tham bạo vô độ, người trong huyện là bọn Chu Viễn (朱達) cùng
Man Di họp nhau đánh giết huyện lệnh, quân đông đến bốn năm nghìn người, tiến
công Cửu Chân. Cửu Chân Thái thú Nhi Thức tử trận. Xuống chiếu ban 600.000 tiền,
bái hai người con trai của Thức làm lang. Khiển Cửu Chân Đô úy Ngụy Lãng đánh
phá chúng, chém 2.000 thủ cấp. Cự soái vẫn đóng giữ Nhật Nam, thế quân chuyển
thịnh. Năm Diên Hy thứ 3 (160), xuống chiếu lại bái Hạ Phương làm Giao Chỉ Thứ
sử. Phương vốn có uy huệ, giặc Nhật Nam nghe tiếng, nên hơn 20.000 người kéo
nhau đến chỗ Phương hàng.
Năm Kiến Ninh thứ 3 triều Linh đế
(170), Uất Lâm Thái thú Cốc Vĩnh dùng ân tín chiêu hàng hơn 100.000 người Ô Hử
nội thuộc, đều trao mũ đai, mở thêm 7 huyện. Mùa đông tháng 12 năm Hy Bình thứ
2 (173), nước ngoài cõi Nhật Nam lặn lội đến cống.
Năm Quang Hòa thứ 1 (178), người
Man Ô Hử ở Giao Chỉ, Hợp Phố làm phản, chiêu dụ Cửu Chân, Nhật Nam, hợp được mấy
vạn người, tấn công quận huyện. Năm thứ 2 (179), Thứ sử Chu Tuấn đánh phá được.
Năm thứ 6 (183), nước ngoài cõi
Nhật Nam lại đến cống hiến.
Ba Man
Người Man ở các quận Ba và Nam vốn
có năm họ: họ Ba (巴), họ Phàn (樊), họ Thẩm (瞫), họ
Tương (相), họ Trịnh
(鄭), đều
xuất xứ từ núi Chung Li ở Vũ Lạc. Núi ấy có hai hang đỏ đen, con họ Ba sinh ở
hang đỏ, con bốn họ kia sinh ở hang đen. Ban đầu chưa có quân trưởng, nhưng đều
thờ quỷ thần, nên cùng vứt kiếm xuống hang đá, hẹn rằng ai ném trúng sẽ tôn làm
vua. Một mình con họ Ba là Vụ Tương (務相) ném trúng, ai
nấy đều thán phục. Lại lệnh mỗi người đi thuyền đất, hẹn rằng ai nổi được thì
đáng làm vua. Các họ kia đều chìm, chỉ Vụ Tương là nổi. Vì thế cùng lập [Vụ
Tương], gọi là Lẫm quân (廩君). [Lẫm quân] bèn đi thuyền đất theo
sông Di đến Diêm Dương. Sông Diêm có thần nữ, bảo Lẫm quân rằng: “Đất này rộng
lớn, sản sinh cá muối, xin ở lại cùng.” Lẫm quân không chịu. Diêm thần ưa
thích nên muốn giữ lại, buổi sáng hóa thành con bọ, cùng lũ côn trùng bay rợp
trời, che khuất ánh nắng, trời đất tối mịt. Sau hơn mười ngày, Lẫm quân lo lắng
nên bắn chết đi, trời lại tỏa sáng. Lẫm quân vì thế làm vua ở thành Hô Di (乎夷), bốn họ
đều làm thần. Khi Lẫm quân chết, hồn phách đời đời làm hổ trắng. Họ Thục cho là
hổ uống máu người, nên đem người tế chúng.
Khi Tần Huệ vương thôn tính Ba
Trung, thấy họ Ba là quân trưởng Man Di, nhiều đời cưới con gái nước Tần, nên dân
ấy được giữ tước không đổi, có tội thì trừ tước đi. Quân trưởng xứ này hằng năm
nộp phú 2.016 tiền, cứ ba năm nộp một lần nghĩa phú là 1.800 tiền; các hộ dân nộp
8 trượng 2 thước vải giá (幏) và 30 chiếc
lông gà. Khi nhà Hán hưng, Nam quận Thái thú Cận Cường xin dựa theo lệ cũ thời
Tần.
Đến năm Kiến Vũ thứ 23 (47), người
Man núi Đồ ở Nam quận là Lôi Thiên (雷遷) mới làm phản,
cướp bóc trăm họ. Khiển Vũ Uy tướng quân Lưu Thượng đem hơn vạn người đánh phá,
đồ hơn 7.000 người chủng ấy đến vùng Giang Hạ, nay là người Man Miện Trung.
Năm Vĩnh Nguyên thứ 13 triều Hòa
đế (101), người Vu Man (巫蠻) là bọn Hứa Thánh (許聖) thấy
quận thu thuế không công bằng nên nuôi oán hận, bèn tụ họp làm phản. Mùa hè năm
sau (102), khiển sứ giả đốc binh các quận Kinh châu hơn vạn người đánh dẹp. Bọn
Thánh nương cậy nơi hiểm trở, lâu ngày không phá được. Các quân bèn chia đường
cùng tiến, theo nhiều đường từ quận Thục và Ngư Phúc tấn công. Người Man bèn
tháo chạy. Chém cự soái của chúng, thừa thắng đuổi theo, đại phá bọn Thánh. Bọn
Thánh xin hàng, nên lại đồ đến Giang Hạ.
Năm Kiến Ninh thứ 2 triều Linh đế
(169), người Man ở Giang Hạ làm phản; châu quận đánh dẹp được. Năm Quang Hòa thứ
2 (179), người Man Giang Hạ lại phản, liên kết với giặc Lư Giang là Hoàng
Nhương (穰), có
hơn 100.000 người, đánh chiếm bốn huyện, cướp bóc nhiều năm. Lư Giang Thái thú
Lục Khang đánh phá được, còn lại đều đầu hàng.
Bản Thuẫn Man Di
Vào thời Tần Huệ vương có một con
hổ trắng thường cùng bầy hổ nhiều lần vào cõi Tần, Thục, Ba, Hán, hại hơn nghìn
người. Chiêu vương bèn mộ người trong nước có thể giết hổ, thưởng ấp vạn nhà,
vàng trăm nén. Bấy có người Di ở Lãng Trung quận Ba biết làm nỏ tre trắng, bèn
lên lầu bắn chết hổ trắng. Chiêu vương khen ngợi, nhưng thấy là người Di nên không
muốn gia phong, bèn khắc đá thề rằng người Di có ruộng một khoảnh không phải chịu
tô, có mười vợ cũng không bị tính, đả thương người được bỏ qua, giết người được
dùng tiền đảm (倓) chuộc tội. Thề rằng: “Tần phạm Di thì nộp một cặp
rồng vàng, Di phạm Tần thì nộp một chén rượu trong.” Người Di yên lòng.
Đến khi Cao Tổ làm Hán vương,
phát người Di đi đánh Tam Tần. Đất Tần đã định, bèn cho về Ba Trung, cho bảy họ
cự soái là La (羅), Bốc (朴), Đốc (督), Ngạc
(鄂), Độ (度), Tịch
(夕), Cung (龔) không
chịu tô phú, các hộ còn lại hằng năm nộp tiền tung (賨), mỗi khẩu
40 tiền. Người đời gọi là Bản Thuẫn Man Di. Lãng Trung có sông Du, người ở đấy
sống nhiều ven hai bờ sông, bản tính dũng mãnh, ban đầu làm tiên phong cho Hán,
nhiều lần phá trận. Tục ưa hát múa, Cao Tổ xem thì nói rằng: “Đấy là lời hát
Vũ vương phạt Trụ.” Bèn mệnh nhạc nhân học theo, gọi là “Ba du vũ”. Thế
rồi đời đời phục tòng [Trung Quốc].
Đến thời trung hưng, quận thú thường
đem [dân ấy] đi chinh phạt. Đời Hoàn đế,
Bản Thuẫn nhiều lần phản, Thục quận Thái thú Triệu Ôn dùng ân tín hàng phuc.
Năm Quang Hòa thứ 3 triều Linh đế (180), Bản Thuẫn ở quận Thục lại phản, cướp
bóc các quận Tam Thục [16] và Hán Trung. Linh đế khiển Ngự sử Trung thừa Tiêu
Viện đốc binh Ích châu đánh dẹp, nhiều năm không thắng được. Hoàng đế muốn phát
đại binh, bèn hỏi kế lại viên ở Ích châu, khảo phương lược chinh thảo. Trình
Bao ở Hán Trung dâng kế rằng:
“Bản Thuẫn có bảy họ, bắn chết hổ trắng lập
công, đời trước lại là kẻ có nghĩa. Người xứ ấy dũng mãnh, giỏi về chiến trận.
Xưa vào thời Vĩnh Sơ, người Khương vào Hán Châu, quận huyện bị tàn phá, nhờ Bản
Thuẫn cứu mà người Khương thua trận chết sạch, nên gọi là thần binh. Người
Khương khiếp sợ, căn dặn chủng loài chớ được đi xuống nam nữa. Đến năm Kiến Hòa
thứ 2 (148), người Khương lại tràn vào, thực nhờ Bản Thuẫn mà liên tiếp phá tan
được. Trước kia Xa Kỵ tướng quân Phùng Cổn nam chinh Vũ Lăng, tuy nhận lính
tinh nhuệ ở Đan Dương, nhưng cũng dựa vào Bản Thuẫn mới thành công. Gần đây các
quận Ích châu loạn, Thái thú Lý Ngung cũng lấy Bản Thuẫn đánh dẹp mà bình. Họ
mang ân công như thế, nên vốn không có ác tâm. Vì trưởng lại, hương đình thu
phú nặng nề, khi lao dịch thì đánh đập, khổ hơn giặc giã, nên cũng có kẻ phải gá
vợ bán con, hoặc đến nỗi tự cắt cổ. Tuy kêu oan đến châu quận, nhưng mục thú
không chịu thông lý. Chốn khuyết đình xa xăm, họ không tự báo được nên nuôi oán
ngút trời, đau lòng cùng cực. Sầu khổ vì phú dịch, khốn nạn vì hình pháp, nên
làng ấp tụ nhau để đến nỗi làm phản, chứ không phải có mưu tiếm hiệu, tính kế bất
nghĩa. Nay nên tuyển mục thú trong sạch, sẽ tự nhiên yên ổn, không phiền đến
chinh phạt.”
Hoàng đế nghe theo lời ấy, khiển Thái thú Tào Khiêm tuyên
chiếu xá tội. Chúng liền hàng phục cả. Đến năm Trung Bình thứ 5 (188), giặc
khăn vàng ở quận Thục nổi lên, người Man Di Bản Thuẫn nhân đấy lại phản, cướp
bóc thành ấp. Khiển Tây Viên thượng quân Biệt bộ Tư mã Triệu Cấn đánh dẹp được.
TÂY NAM DI
Tây Nam Di nằm ngoài cõi quận Thục.
Có nước Dạ Lang (夜郎), đông giáp Giao Chỉ, tây có nước Điền
(滇), bắc
có nước Cùng Đô (邛都), đều lập quân trưởng. Người nước ấy đều
búi tóc hình cái vồ, mặc áo vạt trái, sống trong làng ấp, biết cày ruộng. Bên
ngoài lại có các bộ lạc Huề (巂), Côn Minh (昆明), cực tây có Đồng
Sư (同師), đông
bắc là Diệp Du (葉榆), đất rộng mấy nghìn lí. Không có quân
trưởng, bện tóc, thường hay di cư theo súc vật. Từ Huề về đông bắc có nước Tạc
Đô (莋都), phía
đông bắc có nước Nhiễm Mang (冉駹), có dân định cư, có dân di cư theo súc
vật. Từ Nhiễm Mang về đông bắc có nước Bạch Mã (白馬), là chủng người
Đê (氐). Ba nước
đấy cũng có quân trưởng.
Dạ Lang
Dạ Lang ban đầu có người đàn bà
giặt áo ở sông Độn (遯), có
cây trúc lớn ba đốt trôi đến giữa chân, nghe bên trong có tiếng kêu, bổ trúc ra
xem thì thấy một đứa con trai, nên đem về nuôi. Khi lớn có tài võ, tự lập làm Dạ
Lang hầu, lấy “Trúc” làm họ. Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 triều Vũ đế (111 TCN), bình
Nam Di, đặt quận Tang Kha. Dạ Lang hầu ra hàng. Thiên tử ban cho ấn thao của bậc
vương, nhưng về sau lại giết đi. Người Di Lão đều cho rằng Trúc vương không
sinh ra từ khí huyết, rất trọng hắn, nên xin được lập hậu duệ. Khi Tang Kha
thái thú Bá báo lên, Thiên tử bèn phong ba đứa con trai tước hầu. Khi chết, được
thờ chung với cha. Nay huyện Dạ Lang có thần Trúc Vương Tam Lang.
Điền
Hiện vật thạp đồng thuộc văn hóa Điền |
Ban đầu vào thời Sở Khoảnh Tương
vương, khiển tướng Trang Kiều theo sông Nguyên đánh Dạ Lang. Quân đến Thả Lan (且蘭), đậu
thuyền ở bờ rồi lên bộ đánh. Diệt xong Dạ Lang, nhân đó ở lại làm vương hồ Điền.
Thấy chỗ đậu thuyền ở Thả Lan là xứ Tang Kha (牂柯), bèn đổi tên
thành Tang Kha. Đất Tang Kha lắm mưa dầm, tục ưa thờ các thứ quỷ cấm kỵ, ít súc
vật, lại không có dâu tằm, nên là quận nghèo nhất. Huyện Câu Đinh có cây quang
lang, khả dĩ làm bột, nên được trăm họ mua về. Thời Công Tôn Thuật, các họ lớn
là Long (龍), Phó (傅), Doãn (尹), Đổng
(董) cùng
Công tào Tạ Xiêm của quận giữ cõi cho Hán, nên khiển sứ theo sông Phiên Ngung đến
cống. Quang Vũ khen ngợi, ban thưởng cho cả bọn. Thời Hoàn đế, người trong quận
là Doãn Trân (尹珍) tự thấy mình sống nơi hoang vu, không
biết lễ nghĩa, bèn theo học kinh thư, đồ vĩ từ Hứa Thận, Ứng Phụng ở Nhữ Nam,
khi thành đạt về làng xóm dạy dỗ, vì thế cõi nam bắt đầu có học. Trân làm quan
đến chức Kinh châu Thứ sử.
Điền vương là hậu duệ của Trang
Kiều. Năm Nguyên Phong thứ 2 (109), Vũ đế bình được, lấy đất ấy làm quận Ích
Châu, cắt các huyện Tang Kha, Việt Huề gộp vào. Mấy năm sau, lại thôn tính đất
Côn Minh, đều đem lệ thuộc vào châu quận. Có hồ chu vi hơn 200 lí, nước trong,
sâu rộng, nhưng chưa từng khô cạn, tựa như có dòng chảy ngược, nên gọi là hồ Điền.
Đất đai bằng phẳng, sản sinh nhiều chim vẹt, chim công. Có nghề làm muối, cày
ruộng, đánh cá, lắm vàng bạc, súc vật. Phong tục hào sảng. Kẻ làm quan đều giàu
đến nhiều đời.
Khi Vương Mãn làm loạn, người Di
quận Ích Châu là Đống Tàm (棟蠶), Nhược Đậu (若豆) khởi
binh giết quận thú, người Di Cô Phục (姑復) ở Việt Huề là
Đại Mâu (大牟) cũng đều phản, giết chóc lại dân. Mãng
khiển Ninh Thủy tướng quân Liêm Đan phát lại sĩ Ba, Thục và lính vác binh lương
hơn mười vạn người đi đánh. Lại sĩ đói khổ, nhiều năm không thắng nên về. Lấy
Văn Tề ở Quảng Hán làm Thái thú, xây dựng hồ đập, khai thông kênh mương, mở hơn
2.000 khoảnh ruộng, chỉnh đốn binh mã, tu sửa quan ải, thu hàng các Di, rất được
lòng dân. Khi Công Tôn Thuật chiếm đất Ích [17], Tề cố thủ nơi hiểm trở. Thuật
bắt vợ con Tề, hứa sẽ phong hầu, nhưng Tề không chịu hàng. Tề nghe tin Quang Vũ
lên ngôi, bèn khiển sứ đi đường vòng tự báo lên. Khi đất Thục bình, gọi về làm
Trấn Viễn tướng quân, phong Thành Nghĩa hầu. Tề mất dọc đường, nên xuống chiếu
xây từ đường, người trong quận lập miếu thờ.
Năm Kiến Vũ thứ 18 (42), cự soái
người Di là Đống Tàm (棟蠶) cùng các chủng Cô Phục, Diệp Du, Lung
Đống (梇棟), Liên
Nhiên (連然), Điền
Trì, Kiến Liên (建怜), Côn Minh làm phản, giết trưởng lại.
Ích Châu Thái thú Bàn Thắng đánh nhau với chúng nhưng thua, chạy về giữ Chu Đề.
Năm thứ 19 (43), khiển Vũ Uy tướng quân Lưu Thượng phát binh Quảng Hán, Kiền
Vi, Thục và người Di Chu Đề, hợp lại được 13.000 người đi đánh. Quân của Thượng
bèn vượt sông Lư vào Ích Châu. Người Di nghe tin đại binh đến đều bỏ lũy tháo
chạy. Thượng bắt được bọn yếu ớt và ngũ cốc, súc vật. Năm thứ 20 (44), tiến
binh đánh bọn Đống Tàm liên tiếp mấy tháng, đều phá được. Tháng giêng năm sau
(45), đuổi đến Bất Vy, chém soái Đống Tàm, bắt sống hơn 7.000 người, thu được
5.700 sinh khẩu, 3.000 con ngựa, hơn 30.000 bò, dê. Các dân Di đều bình.
Trong thời Nguyên Hòa triều Túc
Tông, Vương Truy ở quận Thục làm Thái thú, chính hóa khác thường. Có bốn con ngựa
thần xuất hiện ở giữa sông Điền Trì, cam lộ giáng [18], quạ trắng hiện. Bắt đầu
xây dựng trường học, dần thay đổi tục xứ ấy. Năm Hy Bình thứ 5 triều Linh đế
(176), các dân Di làm phản, bắt Thái thú Ung Trắc. Khiển Ngự sử Trung thừa Chu
Quy đánh dẹp, không thắng được. Triều đình bàn rằng quận ở ngoài biên giới, Man
Di hay phản, nhọc quân đi xa, chi bằng bỏ đi. Thái úy duyện Lý Ngung là người
quận Thục, bày kế sách đánh dẹp, nên bái Ngung làm Ích Châu Thái thú, cùng Thứ
sử Bàng Chi phát người Man Bản Thuẫn đánh phá, bình được, cứu Ung Trắc về. Sau
khi Ngung mất, người Di lại phản. Lấy Cảnh Nghị ở Quảng Hán làm Thái thú đánh dẹp,
định được. Lúc Cảnh đến quận, một hộc gạo giá tới vạn tiền. Cảnh dần dùng nhân
tín [vỗ về], trong vòng mấy năm gạo chỉ còn giá mấy chục tiền.
Ai Lao Di
Tổ tiên người Di Ai Lao (哀牢) [19]
là người đàn bà tên Sa Nhất (沙壹), sống ở núi Lao. Thường bắt cá dưới
sông, đụng khúc gỗ chìm thì bỗng động lòng, nên có thai. Mười tháng sau, sinh mười
đứa con trai. Về sau khúc gỗ chìm hóa thành rồng, hiện lên mặt nước. Sa Nhất hốt
hoảng, nghe rồng nói rằng: “Đã sinh con cho ta, nay ở đâu cả rồi?” Chín
đứa con thấy rồng thì sợ hãi bỏ chạy, chỉ một mình đứa con út không chạy được,
ngồi lên lưng rồng. Rồng vì thế liếm lấy. Người mẹ nói tiếng chim, gọi lưng là cửu
(九), gọi ngồi
là long (隆), vì thế đặt tên con là Cửu Long. Về sau khôn lớn,
các anh thấy Cửu Long được bố liếm nên thông tuệ, bèn cùng suy tôn làm vương. Về
sau dưới chân núi Lao có một vợ một chồng, sinh được mười đứa con gái, anh em Cửu
Long đều lấy làm vợ. Về sau dần sinh sôi nảy nở. Giống người ấy đều xăm vẽ trên
thân, vẽ hình rồng, áo đều buộc đuôi. [Sau khi] Cửu Long chết, đời đời tiếp nối.
Lại chia đặt tiểu vương, thường ở trong ấp, tản mác nơi núi non. Nằm ở cõi xa
xăm, sông núi cách trở, từ khi có người ở đến nay chưa từng giao thông với
Trung Quốc.
Năm Kiến Vũ thứ 23 (47), vương nước
này là Hiền Lật (賢栗) khiển binh dùng thuyền bè đi về nam đến
sông Giang, sông Hán, đánh người Di Lộc Đa (鹿茤) ở gần quan ải.
Người Lộc Đa yếu, bị chúng bắt giữ. Vì thế sấm giật mưa lớn, gió nam thổi mạnh,
nước chảy ngược dòng, sóng cuộn hơn 200 lí, thuyền bè chìm đắm, quân Ai Lao chết
đuối mấy nghìn người. Hiền Lật lại khiển sáu vương đem vạn người đi đánh Lộc Đa.
Lộc Đa đánh với chúng, giết được sáu vương. Kỳ lão Ai Lao cùng chôn sáu vương, nhưng
đến đêm hổ lại đào xác lên mà ăn. Số quân còn lại kinh hãi bỏ chạy. Hiền Lật
khiếp sợ, bảo kỳ lão rằng: “Bọn ta vào biên ải từ xưa đã có. Nay đánh Lộc Đa
liền bị trời phạt, là vì Trung Quốc có thánh đế sao? Trời giúp đỡ chúng, sao biết
rõ được!” Năm thứ 27 (51), bọn Hiền Lật bèn đem chủng mình gồm 2.770 hộ,
17.659 khẩu đến hàng Việt Huề Thái thú Trịnh Hồng, xin nội thuộc. Quang Vũ
phong Hiền Lật làm quân trưởng, từ đấy hằng năm đến triều cống.
Năm Vĩnh Bình thứ 12 (69), Ai Lao
vương Liễu Mạc (柳貌) khiển con trai đem chủng mình nội thuộc,
nói rằng có 77 ấp vương, 51.890 hộ, 553.711 khẩu, cách Lạc Dương 7.000 về hướng
tây nam. Hiển Tông lấy đất ấy đặt hai quận Ai Lao, Bác Nam, cắt sáu huyện dưới
quyền Ích Châu quận Tây bộ Đô úy hợp vào thành quận Vĩnh Xương. Bắt đầu thông đường
đến núi Bác Nam, vượt sông Lan Thương, đi lại khó khăn. Có câu hát rằng: “Đức
Hán rộng, mở không xa. Qua Bác Nam, vượt Lan Luật. Qua Lan Thương, thành người
khác.”
Người Ai Lao đều xỏ mũi, kéo dài
tai. Cự soái tự gọi mình là vương, dái tai đều rũ quá vai 3 tấc, thứ dân thì rũ
đến vai là thôi. Đất đai màu mỡ, hợp ngũ cốc, dâu tằm. Biết làm vải thêu nhuộm
màu, chăn len, vải bông, vải mịn “lan can” (蘭干), dệt thành hoa
văn như gấm lụa. Có cây ngô đồng, dùng để xe sợi dệt vải, khổ rộng năm tấc, trắng
tinh, không dây cáu bẩn; trước kia dùng để liệm người chết, nhưng về sau dùng
làm áo. Tre ở đây đốt cách nhau một trượng, tên là tre bộc (績). Sản
xuất đồng, sắt, chì, thiếc, vàng, bạc, ngọc sáng, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, vỏ
sò, ngọc trai, chim công, lông bói cá, tê, voi, tinh tinh [20], mạch thú [21].
Huyện Vân Nam có hươu thần hai đầu, ăn được cỏ độc.
Trước kia, Tây bộ Đô úy Trịnh Chuẩn
cai trị trong sạch, cảm hóa Di Mạch, quân trưởng đều mộ, hiến thổ sản, tụng mĩ
đức. Thiên tử khen ngợi, liền lấy làm Vĩnh Xương Thái thú. Chuẩn cùng người Di
Ai Lao giao ước, hào trưởng các ấp hằng năm nộp hai chiếc áo chui đầu và một đấu
muối, lấy làm mức thuế thông thường, nên người Di yên lòng. Chuẩn tự làm Đô úy,
Thái thú, sau mười năm thì mất.
Năm Kiến Sơ thứ 1 (76), Ai Lao
vương Loại Lao (類牢) phẫn uất với quan thú lệnh, bèn giết
thú lệnh rồi lảm phản, tấn công Đường Thành ở Việt Huề. Thái thú Vương Tầm chạy
đến Diệp Du. Hơn 3.000 người Ai Lao tấn công Bác Nam, đốt phá nhà dân. Túc Tông
phát 9.000 người Di và Hán ở Việt Huề, Ích Châu, Vĩnh Xương đánh dẹp. Mùa xuân
năm sau (77), người Di Côn Minh ở huyện Tà Long là bọn Lỗ Thừa (鹵承) hưởng ứng,
đem người trong chủng cùng binh quận đánh Loại Lao ở Bác Nam, đại phá, chém được
hắn, đưa đầu đến Lạc Dương. Ban Lỗ Thừa vạn tấm lụa, phong làm Phá Lỗ Biên Ấp hầu.
Năm Vĩnh Nguyên thứ 6 (94), vương
nước Đôn Nhẫn Ất (敦忍乙) ngoài
cõi quận là Mạc Diên (莫延) mộ nghĩa, khiển sứ đến hiến tê ngưu,
voi lớn. Năm thứ 9 (97), người Man ngoài cõi và vương nước Đàn (撣) là Ung
Do Điều (雍由調) khiển sứ đem vật quý nước mình đến
dâng. Hòa đế ban cho ấn vàng thao tía, các tiểu quân trưởng đều được gia ấn
thao, tiền lụa.
Năm Vĩnh Sơ thứ 1 (107), giống
người Di lùn ngoài cõi là bọn Lục Loại (陸類) hơn 3.000
nghìn đến xin nội phụ, hiến ngà voi, trâu nước, bò u. Năm Vĩnh Vinh thứ 1 (120),
Đàn quốc vương Ung Do Điều lại khiển sứ đến cửa khuyết triều hạ, hiến người
chơi nhạc và diễn trò, biết biến hóa, nuốt lửa, tự cởi trói tay chân, đổi chỗ đầu
trâu ngựa, lại giỏi tung bóng, nhiều đến hàng nghìn. Họ tự nói mình là người Hải
Tây. Hải Tây tức Đại Tần, nước Đàn phía tây nam thông đến Đại Tần [22]. Tết
Nguyên Đán năm sau, Hoàng đế tác nhạc ở sân, phong Ung Do Điều làm Hán Đại đô
úy, ban ấn thao, vàng bạc, lụa ngũ sắc đều có khác nhau.
Cùng Đô Di
Thời Vũ đế mở cõi đến đất người
Di Cùng Đô, lấy làm huyện Cung Đô. Đất đai ở đây hầu hết là đầm lầy, nên gọi là
đầm Cùng, người phương nam gọi là sông Cùng. Về sau lại làm phản. Năm Nguyên Đỉnh
thứ 6 (111 TCN), quân Hán từ Việt Huề theo đường thủy đến đánh, lấy làm quận Việt
Huề. Nơi này đất đai bằng phẳng, có ruộng lúa nước. Núi Ngung Đồng ở huyện
Thanh Linh có gà ngọc, ngựa vàng, thỉnh thoảng xuất hiện ánh sáng. Tục ưa du
đãng, nhưng thích hát hò, đại lược giống với Tang Kha. Hào soái phóng túng, khó
chế ngự được.
Thời Vương Mãng, quận thú Mai Căn
lấy người Cùng là Trường Quý (長貴) làm Quân hầu. Năm Canh Thủy thứ 2 (24),
Trường Quý đem người cùng chủng đánh giết Mai Căn, tự lập làm Cùng Cốc vương (邛穀王), lĩnh
việc thái thú, rồi hàng Công Tôn Thuật. Khi Thuật thua, Quang Vũ phong Trường
Quý làm Cùng Cốc vương. Năm Kiến Vũ thứ 14 (38), Trường Quý khiển sứ dâng sổ
sách ba năm trước, nên Thiên tử lập tức trao ấn thao Việt Huề Thái thú. Năm thứ
19 (43), Vũ Uy tướng quân Lưu Thượng đánh người Di Ích Châu, đi theo đường Việt
Huề. Trường Quý nghe tin, nghi Thượng dẹp xong biên giới phía nam ắt thi hành
uy pháp, mình không phóng túng được nữa, liền họp binh, dựng dinh đài, kêu gọi
các quân trưởng, nấu nhiều rượu độc, hòng dùng để hại quân trước rồi tập kích
Thượng. Thượng biết mưu ấy, liền chia binh chiếm trước Cùng Đô, rồi ập đến giết
Trường Quý, đồ gia thuộc đến Thành Đô.
Năm Vĩnh Bình thứ 1 (58), người
Di Cô Phục lại phản. Ích châu Thứ sử phát binh đánh phá, chém cự soái, đưa đầu
đến kinh sư. Về sau Ba quận Thái thú Trương Hấp chính hóa thanh bình, được lòng
người Di. Hấp ở quận 17 năm thì mất, người Di yêu mến nên để tang như cha mẹ. Hơn
200 người Sưu (叟) ở Tô Kỳ (蘇祈) đem bò dê đưa
tang đến quê của Hấp là huyện An Hán, đắp mộ tế tự. Xuống chiếu khen ngợi, lập
từ đường thờ.
Năm Nguyên Sơ thứ 3 triều An đế
(116), tám chủng người Di ngoài cõi quận gồm chủng Đại Dương (大羊) đem 31.000
hộ, 167.620 khẩu mộ nghĩa nội thuộc. Bấy giờ quận huyện thu thuế phiền nhiễu, nên
vào năm thứ 5 (118) người chủng Đại Ngưu (大牛) dân Quyển Di (卷夷) là bọn Phong Li (封離) làm phản,
giết Toại Cửu huyện lệnh. Năm sau (117), người Di ở Vĩnh Xương, Ích Châu và quận
Thục đều hưởng ứng làm phản, quân đông hơn mười vạn, phá hoại hơn 20 thành, giết
trưởng lại, đốt quận đình, cướp bóc trăm họ, hài cốt chất đống, suốt nghìn dặm
không có bóng người. Xuống chiếu cho Ích châu Thứ sử Trương Kiều tuyển người đủ
sức đi theo đánh dẹp. Kiều bèn khiển quan tòng sự Dương Tủng cầm binh đến Diệp
Du đánh chúng, nhưng thấy giặc mạnh chưa dám tiến, nên trước hết đem chiếu thư
báo cho ba quận, bí mật trưng tập võ sĩ, treo thưởng lớn. Thế rồi tiến quân
đánh với bọn Phong Li, đại phá được, chém hơn 300 thủ cấp, bắt sống 1.500 người,
của cải hơn 4.000 vạn, đem thưởng hết cho quân sĩ. Bọn Phong Li khiếp sợ, chém
cự soái đồng mưu đem đến chỗ Tủng xin hàng. Tủng thưởng hậu, tiếp nhận. Ba mươi
sáu chủng còn lại đều đến hàng. Tủng nhân đó nêu tên 90 trưởng lại gian hoạt,
xâm phạm Man Di, nhưng đều được tha chết. Trong châu luận công chưa báo lên trên,
gặp lúc Tủng đột ngột đổ bệnh mất, Trương Kiều thương nhớ công tích, bèn khắc
đá tạc bia, vẽ lại tranh. Thiên tử thấy Trương Hấp vẫn còn được dân yêu mến,
bèn bái con trai là Thoan làm Thái thú. Người Di vui mừng, đón rước dọc đường,
nói rằng: “Lang quân dung mạo giống phủ quân ta.” Về sau Thoan dần mất
lòng họ, có kẻ muốn phản, thì kỳ lão người Di bảo nhau rằng: “Sẽ thành phủ
quân trước thôi”, nên được yên ổn. Về sau khoảng thời Thuận đế, Hoàn đế,
Phùng Hạo ở Quảng Hán làm Thái thú, chính hóa rất nhiều tích lạ.
Tạc Đô Di
Vào thời Vũ Đế mở cõi đến đất người
Di Tạc Đô, lấy làm huyện Tạc Đô. Người xứ này đều vấn tóc, mặc áo vạt trái,
ngôn ngữ có nhiều tiếng hay, nơi ở đại lược giống với người Di núi Mân. Đất đai
sản sinh thuốc thần lâu năm, là nơi ở của tiên nhân Sơn Đồ [23]. Năm Nguyên Đỉnh
thứ 6 (111 TCN), lấy làm quận Trầm Lê. Đến năm Thiên Hán thứ 4 (103), gộp vào
Tây bộ quận Thục, đặt hai Đô úy, một ở Mao Ngưu làm chủ dân Di ngoài cõi, một ở
Thanh Y làm chủ người Hán.
Thời Vĩnh Bình, Ích châu Thứ sử Chu
Phụ là người nước Lương [24], ưa lập công danh, thích thảng, có chí lớn. Phụ ở
châu mấy năm, tuyên thị đức nhà Hán, ra uy với người Di phương xa. Từ núi Mân về
tây đời trước chưa ai đến, lịch chính sóc không ban tới được. Hơn trăm nước như
Bạch Lang (白狼), Bàn Mộc (槃木), Đường
Tưu (唐菆) [25]
có hơn 1.300.000 hộ, trên 6.00.000 khẩu, đều đem cả chủng dâng cống, xưng làm
tôi tớ. Phụ dâng sớ nói rằng:
“Thần nghe
Kinh Thi nói: “Đi đến núi Kỳ, có đường người Di.” Tả truyện viết: “Đường núi Kỳ
tuy hẹp, nhưng người không đi xa được.” Thi nhân ngâm vịnh, cho là đúng đắn.
Nay bọn Bạch Lang vương Đường Tưu mộ hóa quy nghĩa, làm ba bài thơ. Đường qua đất
Cùng đến dốc Linh Cao ở núi lớn cheo leo hiểm trở gấp trăm lần núi Kỳ, già trẻ
phải cõng nhau đi như mẹ địu con. Tiếng nói của người Di phương xa, lời lẽ khó ngay
thẳng, giống như cây cỏ khác chủng, chim thú khác loài. Có duyện lại quận Kiền
Vi là Điền Cung quen biết với họ, hiểu rõ được tiếng, nên thần thường lệnh hỏi
han phong tục, phiên dịch ngôn ngữ. Nay khiển Tòng sự lại Lý Lăng cùng Cung hộ
tống họ đến cửa khuyết, cùng dâng các bài thơ nhạc ấy. Thánh đế thời xưa múa nhạc
của Tứ Di, thì Hoàng thượng ngày nay đã có được một.”
Hoàng đế khen ngợi, giao việc xuống quan lại ghi chép các
bài hát ấy. Bài Viễn Di lạc đức ca viết rằng:
Đại Hán
thị trị, dư thiên hợp ý.
Lại dịch
bình đoan, bất tòng ngã lai.
Văn
phong hướng hóa, sở kiến kỳ dị.
Đa tứ
tăng bạch, cam mĩ tửu thực.
Xương lạc
nhục phi, khuất thân tất bị.
Man Di bần bạc, vô sở báo tự.
Nguyện chúa trường thọ, tử tôn xương
xí [26].
Bài Viễn Di mộ đức ca viết rằng:
Man Di sở xứ, nhật nhập chi bộ.
Mộ nghĩa hướng hóa, quy nhật xuất
chúa.
Thánh đức thâm ân, dư nhân phú hậu.
Đông đa sương tuyết, hạ đa hòa vũ.
Hàn ôn thời địch, bộ nhân đa hữu.
Bộ nguy lịch hiểm, bất viễn vạn lí.
Khứ tục quy đức, tâm quy từ mẫu [27].
Bài Viễn Di hoài đức ca viết rằng:
Hoang
phục chi ngoại, thổ địa xao xác.
Thực nhục y bì, bất kiến diêm cốc.
Lại dịch truyền phong, Đại Hán an lạc.
Huề phụ quy nhân,
xúc mạo hiểm thiệp.
Cao sơn kỳ tuấn,
duyên nhai bàn thạch.
Mộc bạc phát gia,
bách bộ đáo Lạc.
Phụ tử đồng tứ,
hoài bao thất bạch.
Truyền cáo chủng
nhân, trường nguyện thần bộc [28].
Thời Túc Tông, Phụ có tội, bị miễn chức. Bấy giờ phủ thự của
quận úy có điêu khắc hình thần linh sông núi, chim thú kỳ dị để huyễn hoặc, nên
người Di càng e sợ. Năm Vĩnh Nguyên thứ 12 triều Hòa đế (100), vương của các
dân Bạch Lang, Lâu Bạc (樓薄) ngoài cõi Mao Ngưu là bọn Đường Tăng (唐繒) đem 170.000 khẩu trong chủng quy
nghĩa nội thuộc. Xuống chiếu ban ấn vàng thao tía, các hào trưởng nhỏ được ban
tiền lụa có khác nhau.
Năm Vĩnh Sơ thứ 1 triều An đế (107), người Di chủng Tam Tương (三襄) ở quận Thục cùng chủng Hu Diễn (汙衍) ngoài cõi hợp binh hơn 3.000 người
làm phản, công thành Tàm Lăng, giết trưởng lại.
Năm thứ 2 (108), ấp trưởng người Di là Trường Lệnh Điền (長令田) ở đạo Thanh Y cùng 310.000 khẩu của ba chủng người Di ngoài cõi dâng vàng
và áo lông bò, đem đất
nội thuộc. An đế tăng tước hiệu của Lệnh Điền thành Phụng Thông ấp quân.
Mùa xuân năm Diên Quang thứ 2 (123), người Di Mao Ngưu (旄牛) làm phản, đánh Linh Quan, giết trưởng
lại. Ích châu Thứ sử Trương Kiều cùng Tây bộ Đô úy đánh phá chúng. Vì thế chia
đặt Thục quận Thuộc quốc Đô úy, lĩnh bốn huyện như Thái thú. Năm Vĩnh Thọ thứ 2
triều Hoàn đế (156), người Di quận Thục làm phản, bắt giết lại dân. Năm Diên Hy
thứ 2 (159), người Di Tam Tương quận Thục cướp Tàm Lăng, giết trưởng lại. Năm
thứ 4 (161), người Di thuộc quốc ở Kiền Vi vào cướp trong ranh giới quận. Ích
châu Thứ sử Sơn Dục đánh phá chúng, chém hơn 1.400 thủ cấp, còn lại đều tan rã.
Thời Linh đế, lấy các thuộc quốc ở quận Thục làm quận Hán Gia.
Nhiễm Mang Di
Thời Vũ đế mở cõi đến đất người Di Nhiễm Mang. Năm Nguyên Đinh thứ 6 (111
TCN), lấy làm quận Mân Sơn. Đến năm Địa Tiết thứ 3 (71), người Di cho rằng từ khi lập quận
đánh thuế nặng, nên Tuyên đế bèn gộp vào Bắc bộ Đô úy ở quận Thục. Núi ở đây có
sáu chủng người Di, bảy chủng Khương, chín chủng Đê, đều có bộ lạc. Vương hầu xứ
này ít biết văn thư, nhưng pháp luật rất nghiêm khắc. Quý đàn bà, theo họ mẹ.
Chết thì đốt xác. Khí hậu hay rét, lúc giữa hè băng vẫn không tan, nên người Di
vào mùa đông phải đi tránh rét, vào đất Thục làm thuê; mùa hè thì đi tránh
nóng, trở về
làng ấp. Nơi ở đều tựa vào núi, xếp đá thành nhà, cao đến hơn mười trượng, gọi
là cùng lộng (邛籠)
Đất
đai lại cứng và mặn, không trồng được ngũ cốc hay cây gai, cây đậu, chỉ trồng
được lúa mạch, nhưng hợp chăn súc vật. Có bò lông, không có sừng, còn tên là đồng
ngưu (童牛),
thịt nhiều đến cả nghìn cân, lông có thể dùng làm áo len.
Sản xuất ngựa tốt. Có linh dương, có thể trị được độc. Lại có loài hươu ăn cây thuốc, lúc hươu con còn trong bụng mẹ, phân trong
ruột cũng có thể trị độc. Lại có dê năm sừng, xạ hương, chim trĩ lông ngắn,
tinh tinh. Người xứ này biết làm chăn lông, vải len đốm, thanh đốn (?), thảm len, lông cừu. Đặc biệt có nhiều
thứ thuốc. Đất này có vùng nhiễm mặn, [người
ta] nấu lên để làm muối, hươu dê bò ngựa ăn vào đều
béo tốt.
Phía tây lại có giặc Tam
Hà (三河), Bàn Vu (槃于),
phía bắc có người Hồ như Hoàng Thạch (黃石),
Bắc Địa (北地),
Lư Thủy (盧水).
Chốn này là cõi ngoài [của Trung Quốc]. Thời Linh đế, lại
chia Bắc bộ của quận Thục thành quận Mân Sơn.
Bạch Mã Đê
Năm Nguyên Đỉnh thứ 6 triều Vũ đế (111
TCN), chia Tây bộ quận Quảng Hán, hợp làm quận
Vũ Đô. Đất đai hiểm trở, có ruộng trồng gai, sản xuất ngựa tốt, bò, dê, sơn, mật.
Người Đê dũng mãnh nhưng ngu dốt, tham của cải, sẵn sàng chết vì lợi. Sống ở hồ
Hà Trì (河池), còn tên là Cừu
Trì (仇池), rộng trăm khoảnh,
bốn bề cheo leo. Nhiều lần cướp bóc biên giới, khi các quận huyện đánh dẹp thì
cậy vững tự thủ. Năm Nguyên Phong thứ 3 (108 TCN),
người Đê làm phản. Khiển binh phá chúng, đồ đến quận Tửu Tuyền. Năm Nguyên Phụng
thứ 1 triều Chiêu đế (80 TCN),
người Đê lại phản. Khiển Chấp kim ngô Mã Địch Kiến, Long Đâu hầu Hàn Tăng, Đại
hồng lô Điền Quảng Minh đem quân Tam phụ, Thái thường đánh
phá được.
Khi Vương Mãn soán ngôi làm loạn, người
Đê cũng phản. Đầu thời Kiến Vũ, người Đê quy phụ cả vào Lũng, Thục. Đến khi
Ngôi Hiêu [31] bị diệt, bọn tù
hào của dân này bèn bỏ Công Tôn Thuật sang hàng Hán. Lũng Tây Thái thú Mã Viện
xin phục tước cho vương hầu, quân trưởng của chúng, ban cho ấn thao. Về sau họ
hàng Hiêu là Ngôi Mậu làm phản, giết Vũ Đô Thái thú. Hào trưởng lớn người Đê là
Tề Chung Lưu được chủng loài kính trọng tin cậy, uy phục các hào trưởng khác,
cùng quận thừa Khổng Phấn đánh Mậu, phá tan, chém được hắn. Về sau cũng có lúc
làm trộm cướp, nhưng các quận huyện
đánh phá được.
***
Chú thích:
1. Cao Tân thị: Một bộ lạc cổ trong huyền sử Trung Hoa.
Quân chủ của Cao Tân thị là Đế Khốc thường được xếp làm một trong Ngũ Đế.
2. Khuyển Nhung: Một sắc dân du mục ở Trung Hoa xưa, cư
trú tại vùng bắc Thiểm Tây và Ninh Hạ, Cam Túc ngày nay.
3. Tuyên vương trung hưng: Chỉ công cuộc kiến thiết đất
nước và đánh dẹp các sắc dân Man Di dưới thời Chu Tuyên vương.
4. La Tử: Tên nước cổ, nay nằm trên địa bàn La Sơn, Hà
Nam, Trung Quốc. Sở Vũ vương từng sai tướng tấn công nước La Tử nhưng bất
thành.
5. Chỉ trận Yên Lăng giữa hai nước Sở và Tấn vào năm 575
TCN.
6. Quang Vũ trung hưng: Tức việc Hán Quang Vũ đế khôi phục
nhà Hán sau cơn biến loạn thời Vương Mãng.
7. Bưu đình: Chỗ nghỉ chân dành cho người đi đưa công văn
thời xưa.
8. Hương lại: Quan lại ở làng xã.
9. Ô Hử: Một sắc dân cư trú ở miền tây nam Quảng Tây và
đông bắc Việt Nam thời xưa.
10. Sở tử xưng bá: Chỉ thời kì cai trị của Sở Trang
vương, khi nước Sở có ảnh hưởng lớn nhất trong các chư hầu của nhà Chu.
11. Nguyên văn: “cập Sở tử xưng bá triều cống Bách Việt”,
nếu dịch sát ngữ pháp thì nghĩa là nước Sở triều cống cho Bách Việt, nhưng như
vậy không hợp với ngữ cảnh. Nay đảo ngược nghĩa lại.
12. Lĩnh Biểu: Tức là vùng phía nam núi Ngũ Lĩnh, còn gọi
là Lĩnh Nam hay Lĩnh Ngoại, bao gồm hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và miền bắc
Việt Nam ngày nay.
13. Nguyên văn: “Nhật Nam kiêu ngoại Man Di cứu bất sự
nhân ấp hào hiến sinh tê bạch trĩ ” (日南徼外蠻夷究不事人邑豪獻生犀白雉). “Cứu
bất sự nhân” không rõ là tên người, tên sắc tộc hay địa danh. Ở đây dịch sát
theo ngữ pháp.
14. Quận Cửu Chân nằm
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nước ta ngày nay, nên “ngoài cõi Cửu Chân” hẳn phải
là vùng núi phía tây Thanh Hóa và nước Lào. Tuy nhiên vị trí của nước Dạ Lang lại
được xác định nằm chủ yếu trên địa bàn tỉnh Quý Châu của Trung Quốc, cách rất
xa vùng Thanh Hóa. Đây là vấn đề còn chưa có lời giải.
15. Bốn phủ: Tức là bốn chức Thái úy, Tư đồ, Tư không và
Đại tướng quân thời Đông Hán.
16. Tam Thục: Tức ba quận Thục, Quảng Hán và Kiền Vi thời
Hán, vì tách ra từ quận Thục nên có tên này.
17. Công Tôn Thuật là sứ quân đầu thời Đông Hán, cát cứ
Ích Châu. Về sau bị nhà Hán đấnh bại.
18. Cam lộ là hiện tượng một số loại côn trùng để lại chất
lỏng ngọt đọng trên mặt lá cây, giống như giọt sương. Quan niệm thời xưa cho rằng
đây là điềm tốt lành.
19. Ai Lao ở đây là một sắc dân cư trú tại miền tây Vân
Nam thời xưa, không nên nhầm lẫn với nước Lào hiện đại, vốn cũng được gọi là Ai
Lao.
20. Tinh tinh: Tên một loài linh trưởng ở miền nam Trung
Quốc xưa, không rõ chính xác là loài gì. Về sau cái tên này được tái sử dụng để
chỉ loài linh trưởng chimpanzee ở châu Phi.
21. Mạch thú: Một loài thú trong sách cổ Trung Hoa, được
cho là có thể ăn kim loại. Có thuyết cho rằng là tên khác của gấu trúc.
22. Đại Tần: Tên gọi trong sử Trung Quốc xưa dành cho
vùng Cận Đông thuộc Đế quốc La Mã đương thời. Xem Tây Vực truyện.
23. Sơn Đồ: Tên một vị tiên trong truyền thuyết Trung
Hoa.
24. Nước Lương: Một trong các phiên quốc thời Hán, trung
tâm nằm ở Khai Phong, Hà Nam ngày nay.
25. Ở đây viết Đường Tưu là tên tiểu quốc/sắc tộc, nhưng
lời tấu ở dưới xác định Đường Tưu là tên người, thủ lĩnh của sắc dân Bạch Lang.
26. Dịch nghĩa: “Đại Hán cai trị là điều hợp với ý trời.
Quan lại ngay thẳng, không đối đãi tệ với bọn ta. Vì nghe tiếng nên hướng về đức
hóa, được thấy những điều mới mẻ. Được ban cho lụa là, được tiếp đãi rượu và thức
ăn ngon. Được cho nghe nhạc xem múa, được chu cấp đầy đủ. Man Di nghèo khó nên
không có gì để báo đền. Chỉ xin chúc chúa Hán trường thọ, có thật nhiều con
cháu.”
27. Dịch nghĩa: “Xứ sở Man Di là nơi mặt trời lặn. Vì mộ
nghĩa nên hướng về đức hóa, như hướng về phía mặt trời. Thánh nhân ban ân đức
sâu nặng, khiến ai nấy đều được giàu đủ. Đất này mùa đông nhiều sương tuyết,
mùa hè lắm mưa rào. Có lúc giá rét có lúc ấm áp, nhưng bộ chúng vẫn đông đúc. Lặn
lội hiểm trở, không quản vạn dặm. Bỏ tục hủ lậu mà về với đức hóa, như về với mẹ
hiền.”
28. Dịch nghĩa: “Ngoài cõi hoang phục đất đai cằn cỗi.
Người ta ăn thịt và mặc áo da, không biết đến muối hay ngũ cốc. Quan lại kể rằng
Đại Hán an lạc. Thế nên mang đồ lỉnh kỉnh để về với nhân nghĩa, không quản ngại
hiểm trở. Núi non cheo leo, vách đá sừng sững. Đi trăm ngày mới tới Lạc Dương.
Cha con đều được ban thưởng cho rất nhiều gấm lụa. Sẽ về báo cho người cùng chủng,
nguyện mãi làm tôi tớ.”
1.
Comments
Post a Comment