Hán thư - Tây Vực truyện

 

TÂY VỰC TRUYỆN

Hán thư – quyển 96

 

(*Nguyên văn được chia thành hai quyển thượng hạ, ở đây gộp làm một).

 

***

 

Tựa

 

Tây Vực vào thời Hiếu Vũ đế bắt đầu thông [với Trung Quốc]. Vốn có 36 nước, về sau chia làm hơn 50, đều ở phía tây Hung Nô, phía nam Ô Tôn. Phía nam và bắc có núi lớn, ở giữa có sông, bề đông tây dài hơn 6.000 lí, bề nam bắc hơn 1.000 lí. Phía đông thì tiếp giáp Hán ở Ngọc Môn, Dương Quan, phía tây thì giới hạn bởi Thông Lĩnh (蔥嶺). Nam Sơn ở đây bắt đầu từ Kim Thành phía đông, nối liền Nam Sơn ở Hán. Sông ở đây có hai nguồn, một bắt đầu từ núi Thông Lĩnh, một bắt đầu từ Vu Điền. Vu Điền nằm dưới chân Nam Sơn, sông chảy về bắc, hợp với sông Thông Lĩnh, đổ vào biển Bồ Xương (蒲昌) phía đông. Biển Bồ Xương còn tên là Diêm Trạch, cách Ngọc Môn, Dương Quan hơn 300 lí, rộng 200 lí. Nước ở đây lắng đọng, đông hay hè đều không tăng không giảm, người ta đều cho rằng chảy ngầm dưới đất, phía nam đổ ra Tích Thạch (積石), là sông Hà ở Trung Quốc vậy.

 

Từ Ngọc Môn, Dương Quan đi Tây Vực có hai đường. Từ Thiện Thiện (鄯善) men theo sườn phía bắc Nam Sơn, vượt sông đi về tây đến Sa Xa (莎車) là đường phía nam. Đường phía nam đi về tây qua Thông Lĩnh là ra Đại Nguyệt Thị, An Tức. Từ đình của Xa Sư Tiền vương đi theo Bắc Sơn, vượt sông đi về tây đến Sớ Lặc (疏勒) là đường phía bắc. Đường phía bắc đi về tây qua Thông Lĩnh là ra Đại Uyển, Khang Cư, Yêm Thái, Yên Kỳ.

 

Các nước Tây Vực đại để sống định cư, có thành quách, ruộng đồng, súc vật, tục khác với Hung Nô, Ô Tôn, nên đều dịch thuộc Hung Nô. Nhật Trục vương ở biên giới phía tây Hung Nô đặt ra chức Đồng bộc Đô úy, sai thống lĩnh Tây Vực, thường sống ở vùng Yên Kỳ (焉耆), Nguy Tu (危須), Úy Lê (尉黎), đánh thuế các nước, thu của cải.

 

Từ khi nhà Chu suy, dân Nhung Địch lánh về phía bắc sông Kinh, sông Vị. Đến khi Tần Thủy hoàng đánh đuổi Nhung Địch thì xây Trường Thành làm biên giới Trung Quốc, nhưng phía tây không quá Lâm Thao.

 

Từ khi nhà Hán hưng cho đến thời Hiếu Vũ, đã lo dẹp Tứ Di, mở rộng uy đức, nhưng Trương Khiên mới là người mở đường sang Tây Vực đầu tiên. Về sau Phiêu Kỵ tướng quân đánh phá đất hữu phương của Hung Nô, thu hàng Hỗn Tà vương, Hưu Đồ vương, rồi bỏ trống đất ấy, bắt đầu xây dựng từ Lệnh Cư về tây. Ban đầu đặt quận Tửu Tuyền, về sau dần dời dân đến lấp đầy, chia đặt bốn quận Vũ Uy, Trương Dịch, Đôn Hoàng, giữ hai cửa ải. Từ khi Nhị Sư tướng quân phạt Đại Uyển về sau, Tây Vực kinh sợ, đa phần khiển sứ đến cống hiến; sứ Hán đi Tây Vực được thêm chức tước. Vì thế từ Đôn Hoàng về tây đến Diêm Trạch thường dựng đình, rồi Luân Đài (輪台), Cừ Lê (渠犁) đều có lính làm ruộng mấy trăm người, đặt sứ giả, hiệu úy trông giữ để cấp người đi sứ ngoại quốc.

 

Đến thời Tuyên đế, khiển Vệ tư mã bảo hộ nhiều nước từ Thiện Thiện về tây. Đến khi phá Cô Sư, chưa diệt hẳn mà chia ra làm Xa Sư Tiền và Hậu vương, cùng với sáu nước phía bắc núi. Bấy giờ Hán chỉ bảo hộ đường phía nam, chưa thể lấy hết được đường phía bắc, nhưng Hung Nô không dám yên tâm. Về sau Nhật Trục vương phản Thiền vu, đem dân đến hàng, được sứ giả bảo hộ từ Thiện Thiện về tây là Quách Cát nghênh đón. Khi đến Hán, phong Nhật Trục vương làm Quy Đức hầu, Cát làm An Viễn hầu. Năm ấy là năm Thần Tước thứ 3 (59 TCN). Bèn nhân đó sai Cát bảo hộ luôn đường phía bắc, nên hiệu là Đô hộ. Chức Đô hộ bắt đầu đặt từ Cát. Đồng bộc Đô úy vì thế bị bãi, Hung Nô yếu thêm, không đến gần Tây Vực được. Vì thế đặt đồn điền, làm ruộng ở Bắc Tư Kiện (北胥鞬), che chở cho đất Sa Xa. Chức Đồn điền Hiệu úy ban đầu thuộc quyền của Đô hộ. Đô hộ đôn đốc giám sát động tĩnh các nước bên ngoài như Ô Tôn, Khang Cư, có biến thì báo, giữ yên được thì giữ yên, đánh được thì đánh. Đô hộ cai trị thành Ô Lũy (烏壘), cách Dương Quan 2.738 lí, gần chỗ quan trông ruộng ở Cừ Lê. [Ô Lũy] đất đai màu mỡ, nằm giữa Tây Vực, nên Đô hộ trị ở đấy.

 

Bản đồ Tân Cương với các địa danh cổ trong Hán thư

Đến thời Nguyên đế lại đặt Mậu Kỷ Hiệu úy, làm đồn điền ở đình của Xa Sư Tiền vương. Bấy giờ Đông Bạc Loại vương của Hung Nô là Từ Lực Chi (茲力支) đem dân chúng hơn 1.700 người hàng Đô hộ. Đô hộ chia về ở đất Ô Tham Ti Lệ (烏貪訾離) phía tây Xa Sư Hậu vương.

 

Từ sau thời Tuyên đế và Nguyên đế, Thiền vu xưng làm phiên thần, Tây Vực cũng quy phục. [Thế nên] đất đai, sông núi, vương hầu, hộ khẩu, đường sá xa gần ở đây có thể chép rõ.

 

Nước Nhược Khương

 

Rời Dương Quan, bắt đầu từ nơi gần nhất là Nhược Khương (婼羌). Nhược Khương quốc vương hiệu là Khứ Hồ Lai vương [1]. Cách Dương Quan 1.800 lí, cách Trường An 6.300 lí, nằm phía tây nam, không theo đạo Khổng. Hộ 450, khẩu 1.750, binh lính 500 người. Phía tây giáp với Thả Mạt (且末). Đi theo cỏ nước để chăn súc vật, không làm ruộng, trông cậy vào ngũ cốc của Thiện Thiện, Thả Mạt. Núi có sắt, tự làm binh khi. Binh có cung, mâu, đao, kiếm, giáp. Đi về tây bắc là Thiện Thiện, nằm ở giữa đường.

 

Nước Thiện Thiện

 

Nước Thiện Thiện vốn tên là Lâu Lan. Vương trị ở thành Hu Nê (扞泥). Cách Dương Quan 1.600 lí, cách Trường An 6.100 lí. Hộ 1.570, khẩu 14.100, binh lính 2.912 người. Phụ Quốc hầu, Khước Hồ hầu, Thiện Thiện Đô úy, Kích Xa Sư Đô úy, tả hữu Thả cừ, Kích Xa Sư quân mỗi chức 1 người, Dịch trưởng 2 người. Phía tây bắc cách trị sở Đô hộ 1.785 lí, cách nước Mặc Sơn (墨山) 1.365 lí, tây bắc cách Xa Sư 1.890 lí. Đất nhiều cát mặn, ít ruộng, trông cậy vào ngũ cốc của các nước bên cạnh. Trong nước sản xuất ngọc. Nhiều lau sậy, sanh liễu, hồ đồng, bạch thảo. Dân di cư theo cỏ nước để chăn súc vật, có lừa, ngựa, nhiều lạc đà. Biết làm binh khí, giống với Nhược Khương.

 

Ban đầu Vũ đế nghe lời Trương Khiên, bằng lòng thông sứ với các nước như Đại Uyển. Sứ giả gặp nhau trên đường, một năm trung bình nhiều đến hơn mười đoàn. Lâu Lan, Cô Sư nằm giữa đường, chịu khổ, nên đánh cướp sứ Hán là bọn Vương Khôi; lại nhiều lần làm tai mắt cho Hung Nô, giúp quân chúng chặn đường sứ Hán. Sứ Hán nhiều người nói các nước ấy có thành ấp, binh yếu dễ đánh. Vì thế Vũ đế khiển Tòng Phiêu hầu Triệu Phá Nô đem mấy vạn kỵ thuộc quốc và binh các quận đánh Cô Sư. Vương Khôi nhiều lần bị Lâu Lan làm khổ, nên Hoàng thượng lệnh Khôi giúp Phá Nô cầm binh. Phá Nô cùng 700 khinh kỵ đến trước, bắt Lâu Lan vương, rồi phá Cô Sư, nhân đó khoe binh uy để kinh động các nước Ô Tôn, Đại Uyển. Khi về, phong Phá Nô làm Trác Dã hầu, Khôi làm Hạo hầu. Vì thế Hán đặt đình canh đến tận Ngọc Môn.

 

Lâu Lan đã hàng phục cống hiến, Hung Nô nghe tin nên phát binh đánh. Vì thế Lâu Lan khiển một con trai làm tin ở Hung Nô, một con trai làm tin ở Hán. Về sau quân của Nhị Sư [tướng quân] đánh Đại Uyển, Hung Nô muốn cản đường nhưng thấy binh Nhị Sư thịnh, không dám đối đầu, liền khiển kỵ đến Lâu Lan dò la khi sứ Hán đi qua sau, hòng chặn không cho thông. Bấy giờ Quân chính Nhậm Văn của Hán cầm binh đóng ở Ngọc Môn quan làm hậu viện cho Nhị Sư, bắt sống được chúng nên biết sự trạng, đem báo lên. Hoàng thượng xuống chiếu cho Văn tiện đường dẫn binh bắt Lâu Lan vương đem đến cửa khuyết. [Hoàng thượng] quở trách, thì vương đáp rằng: “Tiểu quốc nằm giữa đại quốc, không thuộc cả hai thì không thể yên tâm. Mong dời nước vào sống ở đất Hán.” Hoàng thượng khen lời ấy, cho về nước, cũng nhân đó sai dò la Hung Nô. Hung Nô từ đấy không còn quá thân tín với Lâu Lan nữa.

 

Năm Chinh Hòa thứ 1 (92 TCN), Lâu Lan vương chết, người trong nước đến xin người con làm tin ở Hán, hòng lập lên. Người con đang mắc tội với Hán, phải chịu cung hình ở tàm thất [2], nên không cho về. [Hán] báo rằng: “Thị tử [3] được Thiên tử yêu quý, không cho về được. Hãy đổi sang lập con thứ nào xứng đáng.” Khi Lâu Lan đã lập vương khác, Hán lại đòi con tin, nên cũng khiển một con trai làm tin ở Hung Nô. Về sau vương lại chết, Hung Nô biết tin trước nên cho người con về, được lập làm vương. Hán khiển sứ ban chiếu cho tân vương, lệnh vào chầu, Thiên tử sẽ ban thưởng hậu. Lâu Lan vương vốn lấy mẹ kế làm vợ; người vợ nói với vương rằng: “Tiên vương khiển hai con trai làm tin ở Hán đều không về, sao lại muốn đến triều nữa?” Vương nghe kế ấy, tạ lỗi với sứ rằng: “Mới lập, nước chưa định, mong đợi đến năm sau sẽ vào gặp Thiên tử.” Nhưng Lâu Lan là nước lớn nhất ở cõi đông, gần Hán, sát đồi Bạch Long, thiếu cỏ nước, thường làm chủ việc dẫn đường, gánh nước vác lương đưa đón sứ Hán, lại nhiều lần bị lại tốt cướp bóc, nên trừng phạt thì không tiện cho Hán. Về sau [Lâu Lan] lại làm phản gián cho Hung Nô, nhiều lần chặn giết sứ Hán. Em trai vương là Úy Đồ Kỳ (尉屠耆) hàng Hán, kể hết sự trạng.

 

Năm Nguyên Phụng thứ 4 (77 TCN), Đại tướng quân Hoắc Quang Bạch khiển Bình Lạc giám Phó Giới Tử hành thích vương nước này. Giới Tử đem lính dũng cảm trang bị nhẹ, mang vàng lụa, nói phao là ban cho ngoại quốc để làm cớ. Khi đến Lâu Lan, lừa vương nước này là muốn ban. Vương vui mừng, uống rượu cùng Giới Tử. Khi say, dẫn vương ra nói riêng, hai người tráng sĩ theo sau giết chết. Quý nhân, tả hữu đều bỏ chạy. Giới Tử cáo dụ rằng: “Vương mang tội với Hán, Thiên tử khiển ta tru vương, rồi đổi sang lập em trai vương là Úy Đô Kỳ đang ở Hán. Hán binh sắp đến, chớ manh động, tự khiến nước bị diệt!” Giới Tử bèn chém đầu vương Thường Quy (嘗歸), phi ngựa đưa đến cửa khuyết, treo đầu dưới cửa khuyết phía bắc. Phong Giới Tử làm Nghĩa Dương hầu. Lập Úy Đồ Kỳ làm vương, đổi tên nước này thành Thiện Thiện, được khắc ấn chương, ban cung nữ làm phu nhân, chuẩn bị ngựa xe hàng hóa, Thừa tướng đem các quan đưa tiễn đến ngoài cửa dinh, tế thần đường [4] rồi cho về. Vương tự xin với Thiên tử rằng: “Thân ở Hán đã lâu, nay về thì đơn độc yếu ớt, mà con trai của vương trước vẫn còn nên sợ bị giết. Trung Quốc có thành Y Tuần (伊循), đất đai màu mỡ. Mong Hán khiển hai viên tướng đặt đồn điền tích ngũ cốc, để thần được nương tựa uy trọng.” Vì thế Hán khiển Tư mã 2 người, lại sĩ 40 người làm ruộng ở Y Tuần để trấn phủ; về sau đổi sang đặt Đô úy. Quan ở Y Tuần bắt đầu đặt từ đấy.

 

Thiện Thiện nằm giữa đường của Hán, phía tây cách Thả Mạt 720 lí. Từ Thả Mạt trở đi đều trồng ngũ cốc. Đất đai, cây cỏ, súc vật, binh khí đại lược giống Hán, có gì khác sẽ chép.

 

Nước Thả Mạt

 

Thả Mạt quốc vương trị thành Thả Mạt, cách Trường An 6.820 lí. Hộ 230, khẩu 1.610, binh lính 320 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, dịch trưởng mỗi chức 1 người. Tây bắc cách trị sở Đô hộ 2.258 lí, bắc giáp Úy Lê, nam cách Tiểu Uyển (小宛) khoảng ba ngày đi đường. Có các thứ quả như nho. Phía tây cách Tinh Tuyệt (精絕) 2.000 lí.

 

Nước Tiểu Uyển

 

Tiểu Uyển quốc vương trị thành Hu Linh (扜零), cách Trường An 7.210 lí. Hộ 150, khẩu 1.050, binh lính 200 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Đô úy mỗi chức 1 người. Tây bắc cách trị sở Đô hộ 2.558 lí, đông giáp Nhược Khương. Lệch về nam, không nằm trên đường.

 

Nước Tinh Tuyệt

 

Tinh Tuyệt quốc vương trị thành Tinh Tuyệt, cách Trường An 8.820 lí. Hộ 480, khẩu 3.360, binh lính 500 người. Tinh Tuyệt đô úy, tả hữu tướng, dịch trưởng mỗi chức 1 người. Phía bắc cách trị sở Đô hộ 2.723 lí, phía nam cách nước Nhung Lư (戎盧) bốn ngày đi đường. Đất đai nhỏ hẹp. Phía tây cách Vu Mi (杅彌) [5] 460 lí.

 

Nước Nhung Lư

 

Nhung Lư quốc vương trị thành Tỳ Phẩm (卑品), cách Trường An 8.300 lí. Hộ 240, khẩu 1.610, binh lính 300 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 2.858 lí, đông giáp Tiểu Uyển, nam giáp Nhược Khương, tây giáp Cừ Lặc (渠勒). Lệch về nam, không nằm trên đường.

 

Nước Vu Mi

 

Vu Mi quốc vương trị thành Vu Mi, cách Trường An 9.280 lí. Hộ 3.340, khẩu 2.040, binh lính 3.540 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, tả hữu Đô úy, tả hữu Kỵ quân mỗi chức 1 người, dịch trưởng 2 người. Phía đông bắc cách trị sở Đô hộ 3.553 lí, phía nam giáp Cừ Lặc, đông bắc giáp Quy Từ (龜茲), tây bắc giáp Cô Mặc (姑墨), tây cách Vu Điền 390 lí. Nay tên là Ninh Mi (寧彌).

 

Nước Cừ Lặc

 

Cừ Lặc quốc vương trị thành Kiện Đô (鞬都), cách Trường An 9.950 lí. Hộ 310, khẩu 2.170, binh lính 300 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 3.852 lí, đông giáp Nhung Lư, tây giáp Nhược Khương, bắc giáp Vu Mi.

 

Nước Vu Điền

 

Vu Điền quốc vương trị ở Tây Thành, cách Trường An 9.670 lí. Hộ 3.300, khẩu 19.300, binh lính 2.400 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, tả hữu Kỵ quân, Đông Tây thành trưởng, Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 3.947 lí, nam giáp Nhược Khương, bắc giáp Cô Mặc (姑墨). Phía tây Vu Điền sông đều chảy về tây, đổ vào Tây Hải; phía đông, sông chảy về đông, đổ vào Diêm Trạch, là đầu nguồn sông Hà. Nhiều ngọc thạch. Phía tây cách Bì Sơn (皮山) 380 lí.

 

Nước Bì Sơn

 

Bì Sơn quốc vương trị thành Bì Sơn, cách Trường An 10.050 lí. Hộ 500, khẩu 3.500, binh lính 500 người. Tả hữu tướng, tả hữu Đô úy, Kỵ quân, Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 4.292 lí, tây nam cách nước Ô Trà (烏秅) 1.340 lí, nam giáp Thiên Đốc (天篤), bắc cách Cô Mặc 1.450 lí, tây nam nằm trên đường đến Kế Tân (罽賓), Ô Dặc Sơn Lệ (烏弋山離), tây bắc cách Xa Sa 380 lí.

 

Nước Ô Trà

 

Ô Trà quốc vương trị thành Ô Trà, cách Trường An 9.950 lí. Hộ 490, khẩu 2.733, binh lính 740 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 4.892 lí, bắc giáp Tử Hợp (子合), Bạc Lê (蒲犁), tây giáp Nan Đâu (難兜). Sống trên núi, ruộng nhiều đá. Có cây bạch thảo. Xếp đá làm nhà. Dân uống rượu cùng nhau. Sản sinh ngựa vó nhỏ, có lừa, không có bò. Phía tây thì có Huyện Độ (縣度), cách Dương Quan 5.888 lí, cách trị sở Đô hộ 5.200 lí. Huyện Độ là núi đá, không có khe ngòi để thông, phải dùng dây thừng dẫn nhau mà qua.

 

Nước Tây Dạ

 

Tây Dạ quốc vương hiệu là Tử Hợp vương, trị ở thung lũng Hô Kiền (呼犍), cách Trường An 10.250 lí. Hộ 350, khẩu 4.000, binh lính 1.000 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 5.046 lí, đông giáp Bì Sơn, tây nam giáp Ô Trà, bắc giáp Sa Xa, tây giáp Bạc Lê. Bạc Lê và các nước Y Năng (依耐), Vô Lôi (無雷) đều cùng chủng loại với Tây Dạ. Tây Dạ khác với người Hồ, cùng chủng loại với người Khương, Đê. Là nước di cư, đi theo cỏ nước để chăn súc vật. Đất đai Tử Hợp sản sinh ngọc thạch.

 

Nước Bạc Lê

 

Bạc Lê quốc vương trị ở thung lũng Bạc Lê, cách Trường An 9.550 lí. Hộ 650, khẩu 5.000, binh lính 2.000 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 5.396 lí, đông cách Sa Xa 540 lí, bắc cách Sớ Lặc 550 lí, nam giáp Tây Dạ Tử Hợp, tây cách Vô Lôi 540 lí. Hầu, Đô úy mỗi chức 1 người. Trông cậy vào ruộng ở Sa Xa. Chủng loài, tập tục giống với Tử Hợp.

 

Nước Y Năng

 

Trị sở của Y Năng quốc vương cách Trường An 10.150 lí. Hộ 125, khẩu 670, binh lính 350 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 2.730 lí, cách Xa Sa 540 lí, cáchVô Lôi 540 lí; bắc cách Sớ Lặc 650 lí; nam giáp Tử Hợp, tập tục tương đồng. Ít ngũ cốc, trông cậy vào ruộng ở Sớ Lặc, Xa Sa.

 

Nước Vô Lôi

 

Vô Lôi quốc vương trị thành Vô Lôi, cách Trường An 9.950 lí. Hộ 1.000, khẩu 7.000, binh lính 3.000 người. Phía đông cách trị sở Đô hộ 2.465 lí, nam cách Bạc Lê 540 lí, nam giáp Ô Trà, bắc giáp Quyên Độc (捐毒), tây giáp Đại Nguyệt Thị. Y phục giống Ô Tôn, tục giống Tử Hợp.

 

Nước Nan Đâu

 

Trị sở của Nan Đâu quốc vương cách Trường An 10.150 lí. Hộ 5.000, khẩu 31.000, binh lính 8.000 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 2.850 lí, tây cáchVô Lôi 340 lí, tây nam cách Kế Tân 330 lí, nam giáp Nhược Khương, bắc giáp Hưu Tuần (休循), tây giáp Đại Nguyệt Thị. Trồng ngũ cốc và nho. Có bạc, đồng, sắt, binh khí giống với các nước. Thuộc Kế Tân.

 

Nước Kế Tân

 

Kế Tân quốc vương trị thành Tuần Tiên (循鮮), cách Trường An 12.200 lí. Không thuộc quyền Đô hộ. Hộ khẩu, binh lính đều nhiều, là nước lớn. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 6.840 lí, đông cách nước Ô Trà 2.250 lí, đông bắc cách nước Nan Đâu chín ngày đường, tây bắc giáp Đại Nguyệt Thị, tây nam giáp Ô Dặc Sơn Lệ.

 

Xưa Hung Nô phá Đại Nguyệt Thị; người Đại Nguyệt Thị đi về tây, làm vua Đại Hạ, còn Tắc vương làm vua Kế Tân phía nam. Giống người Tắc () sống phân tán, thường chia làm nhiều nước. [Các nước] từ Sớ Lặc về tây bắc như Hưu Tuần, Quyên Độc đều là giống người Tắc.

 

Kế Tân đất bằng, ôn hòa, có mục túc, cỏ tạp, gỗ lạ, đàn, hòe, tử, tre, sơn. Trồng ngũ cốc và nho, dùng phân bón ruộng vườn. Đất ẩm thấp, trồng được lúa, mùa đông trồng rau. Dân nước này khéo léo, biết điêu khắc hoa văn, xây cung thất, dệt len, thêu gấm hoa văn. Thích uống rượu. Có vàng, bạc, đồng, thiếc, lấy làm đồ dùng. Nhiều chợ. Dùng vàng bạc làm tiền, mặt ngửa là hình kỵ mã, mặt sấp là hình mặt người. Sản sinh bò u, trâu nước, voi, chó lớn, khỉ, chim công, ngọc trai, san hô, hổ phách, ngọc bích, lưu ly. Súc vật còn lại giống với các nước khác.

 

Từ thời Vũ đế bắt đầu thông với Kế Tân. [Nước này] tự cho mình xa xôi, Hán binh không đến được, nên vương Ô Đầu Lao (烏頭勞) nhiều lần cướp giết sứ Hán. Khi Ô Đầu Lao chết, con trai lên thay, khiển sứ phụng hiến. Hán sai Quan đô úy Văn Trung đưa sứ nước ấy về, nhưng vương lại muốn hại Trung. Trung phát giác, bèn cùng con trai Dung Khuất vương (容屈王) là Âm Mạt Phó (陰末赴) hợp mưu, tấn công Kế Tân, giết vương nước ấy. Lập Âm Mạt Phó làm Kế Tân vương, trao cho ấn thao. Về sau Quân hầu Triệu Đức đi sứ Kế Tân, nhưng Đức và Âm Mạt Phó không ưa lẫn nhau. Âm Mạt Phó trói Đức bằng xích, giết từ phó sứ trở xuống hơn 70 người, rồi khiển sứ giả dâng thư tạ lỗi. Hiếu Nguyên đế thấy là cõi hẻo lánh không được ghi chép, nên cho sứ giả về Huyện Độ, rồi tuyệt nhiên không thông sứ nữa.

 

Thời Thành đế, lại khiển sứ dâng lời tạ tội. Hán muốn khiển sứ giả nghênh đón sứ nước ấy, thì Đỗ Khâm bảo Đại tướng quân Vương Phụng rằng:

Trước kia Kế Tân vương Âm Mạt Phó vốn được Hán lập, về sau lại phản nghịch. Việc đức chẳng gì lớn bằng có con dân của nước, tội lỗi chẳng gì lớn bằng bắt giết sứ giả. Sở dĩ [Kế Tân] không đền ơn, không sợ bị tru là vì tự biết mình xa xôi, binh không đến được vậy. Chúng khi cầu xin thì dùng lời bề dưới, không muốn thì khinh nhờn, rốt cuộc không thể hoài phục. Phàm Trung Quốc thông sứ hậu đãi Man Di, chiều chuộng đòi hỏi của chúng, là vì có lợi hơn so với để chúng cướp bóc. Nay mối nguy ở Huyện Độ, với Kế Tân không thể vượt qua được. Chúng có hướng mộ cũng không đủ để giữ yên Tây Vực, dẫu không theo về cũng không thể làm nguy đến [các nước] thành quách. Trước kia chúng gần gũi kẻ nghịch, tàn bạo với Tây Vực, nên tuyệt nhiên không thông sứ. Nay đã đến hối lỗi, nhưng không có quý nhân thân thuộc nào, kẻ dâng hiến đều là bọn lái buôn hèn mọn, muốn đem hàng mua bán nên lấy cớ là dâng hiến thôi. Thế nên nếu phiền sứ giả tiễn đến Huyện Đô, sợ rằng là trái thực tế.

Phàm khiển sứ tiễn khách là hòng phòng hộ cướp hại. Từ Bì Sơn về nam có bốn năm nước không thuộc Hán, lính trinh sát hơn trăm người, ban đêm chia làm năm phiên đánh kẻng [6] tự thủ, mà vẫn có lúc bị xâm cướp. Súc vật gánh lương phải đợi các nước cho ăn mới được no đủ; trong nước có kẻ nghèo không cho ăn được, hoặc ngang ngạnh không chịu cấp, thì sẽ tổn hại khí tiết của Cường Hán, khiến [sứ giả] chịu đói nơi núi non. Nếu không thể xin xỏ thì trong vòng một hai tuần người và súc vật sẽ không về được mà bỏ mạng ngoài đồng nội. Lại phải đi qua các núi Đại Đầu Thống (大頭痛), Tiểu Đầu Thống (小頭痛), các đèo Xích Thổ (赤土), Thân Nhiệt (身熱) [7], khiến người ta sốt cao đến mức trắng bạch, đau đầu đến mức nôn mửa, cả súc vật cũng thế. Lại có các đèo Tam Trì, Bàn Thạch, đường hẹp chỉ có sáu bảy tấc, dài đến tận ba mươi lí. Lúc đi qua nơi chót vót bất trắc, người đi ngựa và đi bộ phải nắm lấy nhau hay nối dây để dẫn nhau. Đi hơn 2.000 lí mới đến Huyện Độ, thì súc vật hẳn thất lạc gần một nửa nơi núi non, người hẳn rơi rụng đến mức không màng ngoảnh lại nhặt xác nữa. Hiểm trở nguy hại nhiều không kể xiết.

Thánh vương chia Cửu Châu, chế ngũ phục [8], lo thịnh vượng bên trong, không mưu cầu đến ngoài. Nay khiển sứ giả thừa mệnh chí tôn, đi tiễn lái buôn Man Di, là nhọc sức của lại sĩ, lặn lội đường nguy nan, dấn vào khó khăn để làm việc vô dụng, không phải kế lâu dài vậy. Sứ giả nếu đã nhận cờ tiết, thì nên đi đến Bì Sơn rồi về.

Vì thế Phụng bạch lại lời Khâm. Kế Tân tham lợi từ ban thưởng và mua bán, sứ nước ấy mấy năm lại đến một lần.

 

Nước Ô Dặc Sơn Lệ

 

Ô Dặc Sơn Lệ quốc vương cách Trường An 2.200 lí. Không thuộc Đô hộ. Hộ khẩu và binh lính đều như các nước lớn. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 60 ngày đường, đông giáp Kế Tân, bắc giáp Phác Thiêu (撲挑), tây giáp Lê Kiền, Điều Chi.

 

Đi khoảng hơn trăm ngày là đến Điều Chi. Nước này nằm ven Tây Hải, nóng bức, trồng lúa. Có chim lớn, trứng to như cái hũ. Dân chúng rất đông, thường hay có tiểu quân trưởng. An Tức dịch thuộc nước này, lấy làm ngoại quốc. Giỏi diễn trò. Trưởng lão An Tức đồn rằng Điều Chi có Nhược Thủy, Tây Vương Mẫu, nhưng cũng chưa từng thấy. Từ Điều Chi đi thuyền về tây khoảng hơn trăm ngày là đến gần nơi mặt trời lặn.

 

Đất Ô Dặc là đồng cỏ nóng bức. Các thứ cây cỏ, súc vật, ngũ cốc, rau quả, ẩm thực, cung thất, chợ búa, tiền của, binh khí, vàng ngọc đều giống với Kế Tân, nhưng có đào bạt [9], sư tử, tê ngưu. Tục trọng giết chóc. Tiền nước này mặt ngửa là đầu người, mặt sấp là kỵ mã. Dùng vàng bạc khảm gậy. Vì xa xôi nên sứ Hán hiếm đến. Từ Ngọc Môn, Dương Quan theo đường phía nam qua Thiện Thiện rồi đi về nam là đến Ô Dặc Sơn Lệ, là điểm cuối của đường phía nam.

 

Nước An Tức

 

An Tức quốc vương trị thành Phiên Đâu (番兜), cách Trường An 11.600 lí. Không thuộc Đô hộ. Bắc giáp Khang Cư, đông giáp Ô Dặc Sơn Lệ, tây giáp Điều Chi. Đất đai, khí hậu, vật loại sở hữu, tục dân giống với Ô Dặc, Kế Tân. Cũng dùng bạc làm tiền, mặt ngửa chỉ có mặt vương, mặt sấp là mặt phu nhân; vương chết liền đúc tiền mới. Có chim đại mã tước [10]. Có mấy trăm thành nhỏ lệ thuộc, đất rộng mấy nghìn lí, là nước rất lớn. Nằm ven sông Quy, lái buôn dùng xe thuyền đi đến các nước bên cạnh. Viết chữ trên da thú theo hàng ngang để làm ghi chép.

 

Lúc Vũ đế mới khiển sứ đến An Tức, vương lệnh tướng đem 20.000 kỵ đến đón ở biên giới phía đông. Biên giới phía đông cách vương đô mấy nghìn lí, đi đến đấy phải qua mấy chục thành, người dân sống chen chúc. [An Tức] nhân đó phát sứ theo sứ giả Hán đến xem đất Hán, lấy trứng chim lớn và người diễn trò Lê Kiền hiến cho Hán, Thiên tử rất hài lòng. Phía đông An Tức là Đại Nguyệt Thị.

 

Nước Đại Nguyệt Thị

 

Đại Nguyệt Thị vương trị thành Giám Thị (監氏) [11], cách Trường An 11.600 lí. Không thuộc Đô hộ. Hộ 100.000, khẩu 400.000, binh lính 100.000 người. Đông cách trị sở Đô hộ 4.740 lí, tây cách An Tức 49 ngày đường, nam giáp Kế Tân. Đất đai, khí hậu, vật loại sở hữu, tục dân, tiền hàng giống với An Tức. Có lạc đà một bướu.

 

Đại Nguyệt Thị vốn là nước di cư, theo súc vật chuyển dời, tục giống với Hung Nô. Lính cầm cung hơn mười vạn, nên coi khinh Hung Nô. Vốn sống ở vùng Đôn Hoàng, Kỳ Liên. Về sau Mặc Đốn thiền vu phá Nguyệt Thị, rồi Lão Thượng thiền vu giết Nguyệt Thị [vương], lấy đầu làm đồ uống rượu. Nguyệt Thị bèn chạy xa, qua Đại Uyển, đánh Đại Hạ phía tây mà rồi làm thần, đóng đô ở phía bắc sông Quy, dựng vương đình. Số ít dân còn lại không chạy được đi theo người Khương ở Nam Sơn, gọi là Tiểu Nguyệt Thị.

 

Đại Hạ vốn không có quân trưởng lớn, thành ấp thường đặt tiểu trưởng. Dân yếu đuối, sợ chiến đấu, nên khi Nguyệt Thị dời đến đều thần phục, cùng thưa bẩm với sứ giả Hán. Có năm Hấp hầu: một là Hưu Mật Hấp hầu (休密翕侯), trị thành Hòa Mặc (和墨), cách Đô hộ 2.841 lí, cách Dương Quan 7.802 lí; hai là Song Mi hấp hầu (雙靡翕侯), trị thành Song Mi, cách Đô hộ 3.741 lí, cách Dương Quan 7.782 lí; ba là Quý Xương hấp hầu (貴霜翕侯), trị thành Hộ Táo (護澡), cách Đô hộ 5.940 lí, cách Dương Quan 7.982 lí; bốn là Hật Đốn hấp hầu (肸頓翕侯), trị thành Bạc Mao (薄茅), cách Đô hộ 5.962 lí, cách Dương quan 8.202 lí; năm là Cao Phụ hấp hầu (高附翕侯), trị thành Cao Phụ, cách Đô hộ 6.041 lí, cách Dương Quan 9.283 lí. Tất cả năm Hấp hầu, đều thuộc Đại Nguyệt Thị.

 

Nước Khang Cư

 

Khang Cư quốc vương mùa đông trị ở đất Lạc Việt Nặc (樂越匿), [mùa hè] đến thành Tỳ Điền (卑闐). Cách Trường An 12.300 lí. Không thuộc Đô hộ. Đi ngựa đến đất Việt Nặc mất 10 ngày đường, đến Phiên Nội (蕃內) nơi vương ở vào mùa hè là 9.104 lí. Hộ 120.000, khẩu 600.000, binh lính 120.000 người. Phía đông cách trị sở Đô hộ 5.550 lí. Tục giống với Đại Nguyệt Thị. Lệ thuộc Hung Nô phía đông.

 

Thời Tuyên đế, Hung Nô loạn lạc, năm Thiền vu tranh nhau. Hán ủng hộ lập Hô Hàn Tà thiền vu, nên Chất Chi thiền vu oán vọng, giết sứ giả Hán, chạy về Khang Cư phía tây. Về sau Đô hộ Cam Diên Thọ, Phó hiệu úy Trần Thang phát binh của Mậu Kỷ hiệu úy và các nước Tây Vực đến Khang Cư tru diệt Chất Chi thiền vu (chép tại truyện về Cam Diên Thọ và Trần Thang). Năm ấy là năm Kiến Chiêu thứ 3 triều Nguyên đế (36 TCN).

 

Đến thời Thành đế, Khang Cư khiển con vào chầu Hán, cống hiến. Nhưng tự cho rằng xa xôi nên vẫn khinh nhờn, không chịu trông theo các nước. Đô hộ Quách Thuấn nhiều lần tâu lên rằng:

Thời Hung Nô còn mạnh vẫn chẳng lấy được Ô Tôn, Khang Cư; đến khi chúng xưng thần thiếp vẫn chẳng phải vì mất hai nước ấy. Hán tuy đều nhận con tin, nhưng ba nước đi lại với nhau, giao thông như trước, cũng dòm ngó nhau, thấy tiện thì phát binh. Hợp mà không thân tín nhau được, li mà không thần dịch nhau nổi. Đem chuyện ngày nay mà nói, thì kết hôn phối Ô Tôn rốt cuộc chưa có ích, chỉ sinh sự ngược cho Trung Quốc. Nhưng Ô Tôn đã kết ước vào thời trước, nay cùng Hung Nô đều xưng thần, theo nghĩa không thể cự tuyệt. Nhưng Khang Cư kiêu ngạo, rốt cuộc không chịu bái sứ giả. Lại viên của Đô hộ đến nước ấy phải ngồi dưới các sứ của Ô Tôn, vương và quý nhân ăn uống xong rồi mới ăn uống cùng lại viên của Đô hộ, nên không có cách gì để mà khoe uy với các nước bên cạnh. Lấy việc đấy xem xét, thì cớ gì lại khiển con vào chầu? Chỉ vì chúng muốn mua bán, nên mới dùng lời dối trá vậy. Hung Nô là nước lớn trong Bách Man, nay phụng sự Hán rất đầy đủ, nếu nghe tin Khang Cư không bái sẽ khiến Thiền vu có ý tự hạ. Nên trả đứa con làm tin về, cắt đứt chớ sai sứ tiếp, để tỏ rõ rằng nhà Hán không thông hiếu với nước vô lễ. Các quận nhỏ Đôn Hoàng, Tửu Tuyền và tám nước đường phía nam cấp ngựa lừa, lạc đà cho sứ giả đi lại, đều phải chịu khổ. Hao tổn quá mức vì chuyện không đâu, đưa đón nước ương ngạnh xa xôi, không phải kế hay vậy.”

Nhà Hán thấy nước ấy mới thông, nên đãi trọng người xa, rốt cuộc vẫn ràng buộc mà không tuyệt giao.

 

Phía tây bắc Khang Cư khoảng 2.000 lí có nước Yêm Thái. Lính cầm cung hơn mười vạn. Tục giống với Khang Cư. Nằm ven đầm lớn, không có núi, có lẽ là Bắc Hải vậy.

 

Khang Cư có năm tiểu vương: một là Tô Trù vương, trị thành Tô Trù (蘇籌), cách Đô hộ 5.776 lí, cách Dương Quan 8.250 lí; hai là Phù Mặc vương, trị thành Phù Mặc (附墨), cách Đô hộ 5.767 lí, cách Dương Quan 8.250 lí; ba là Dũ Nặc vương, trị thành Dũ Nặc (窳匿), cách Đô hộ 5.266 lí, cách Dương Quan 7.525 lí; bốn là Kế vương, trị thành Kế (), cách Đô hộ 6.296 lí, cách Dương Quan 8.555 lí; năm là Áo Kiện vương, trị thành Áo Kiện (奧鞬), cách Đô hộ 6.906 lí, cách Dương Quan 8.355 lí. Tất cả năm vương, thuộc Khang Cư.

 

Nước Đại Uyển

 

Đại Uyển quốc vương trị thành Quý Sơn (貴山), cách Trường An 2.250 lí. Hộ 60.000, khẩu 300.000, binh lính 60.000 người. Phó vương, Phụ Quốc vương mỗi chức 1 người. Đông cách trị sở Đô hộ 4.031 lí, bắc cách thành Tỳ Điền của Khang Cư 1.510 lí, tây nam cách Đại Nguyệt Thị 690 lí. Bắc giáp Khang Cư, nam giáp Đại Nguyệt Thị. Đất đai, khí hậu, vật loại, tục dân giống với Đại Nguyệt Thị, An Tức. Kẻ tả hữu ở Đại Uyển dùng nho làm rượu, người giàu trữ rượu đến hơn vạn thạch, để lâu mấy chục năm cũng không hỏng. Người thích rượu, ngựa thích mục túc.

 

Uyển có hơn 70 thành ấp riêng. Nhiều ngựa tốt, ngựa chảy mồ hôi máu, người ta nói tổ tiên chúng là ngựa trời vậy. Trương Khiên ban đầu nói chuyện ấy với Vũ đế, nên Hoàng thượng khiển sứ giả mang nghìn vàng và ngựa vàng để xin ngựa tốt của Uyển. Uyển vương thấy Hán xa xôi, đại binh không đến được, thích ngựa báu của mình nên không chịu cho. Sứ Hán nói càn, nên Uyển bèn đánh giết sứ Hán, lấy của cải. Vì thế Thiên tử khiển Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi cầm binh trước sau hơn 100.000 người đánh Uyển liên tiếp bốn năm. Người Uyển chém đầu vương Mưu Quả (毋寡), hiến 3.000 con ngựa, quân Hán bèn rút (chép tại truyện về Trương Khiên). Nhị Sư đã chém Uyển vương, bèn lập quý nhân vốn đãi ngộ tốt với Hán tên là Mạt Thái (昧蔡) làm Uyển vương. Hơn một năm sau, tể tướng cùng binh lính giết Mạt Thái, lập em trai Mưu Quả là Thiền Phong (蟬封) làm vương, khiển con trai vào chầu, làm tin ở Hán. Hán nhân đó sai sứ ban thưởng để vỗ về; lại phát hơn mấy chục đoàn đến các nước phía tây Uyển tìm vật lạ, nhân đó rêu rao binh uy phạt Uyển. Sứ Hán lựa giống nho và mục túc đem về. Thiên tử thấy ngựa trời nhiều, sứ ngoại quốc lại đến đông, nên trồng thêm nho và mục túc cạnh cung quán, trải dài tít tắp.

 

Từ Uyển về tây đến nước An Tức, tuy tiếng nói khác nhau nhưng đại đồng, tự hiểu nhau được. Người ở đây đều mũi cao, nhiều râu ria. Giỏi mua bán, tranh cái nhỏ nhặt. Quý đàn bà, đàn bà nói trước rồi đàn ông mới chỉnh sửa. Đất này không có tơ hay sơn. Không biết đúc đồ sắt, khi sứ Hán bỏ sang đầu hàng mới dạy đúc binh khí. Có được vàng bạc của Hán liền lấy làm đồ đùng, không dùng làm tiền.

 

Từ Ô Tôn về tây đến An Tức gần Hung Nô. Hung Nô từng làm khốn Nguyệt Thị, nên khi sứ Hung Nô mang lệnh của Thiền vu đến các nước ấy, các nước nối nhau đưa thức ăn, không dám làm khó. Khi sứ Hán đến, không đem tiền của ra thì không được cấp lương thực, không mua súc vật thì không có ngựa cưỡi. Sở dĩ như vậy vì chúng ở xa Hán, mà Hán nhiều của cải, nên mua hết để thỏa ham muốn. Từ sau khi Hô Hàn Tà thiền vu vào chầu Hán, các nước này đều tôn Hán vậy.

 

Nước Đào Hòe (桃槐)

 

Đào Hòe quốc vương cách Trường An 1.080 lí. Hộ 700, khẩu 5.000, binh lính 1.000 người.

 

Nước Hưu Tuần

 

Hưu Tuần quốc vương trị ở thung lũng Ô Phi (鳥飛). Nằm phía tây Thông Lĩnh, cách Trường An 10.210 lí. Hộ 358, khẩu 1.300, binh lính 480 người. Đông cách trị sở Đô hộ 3.121 lí, cách thung lũng Diên Đôn (衍敦) của Quyên Độc 260 lí, tây bắc cách nước Đại Uyển 920 lí, tây cách Đại Nguyệt Thị 1.610 lí. Tục dân, y phục giống Ô Tôn, vì lùa súc vật theo cỏ nước, vốn là giống người Tắc vậy.

 

Nước Quyên Độc

 

Quyên Độc quốc vương trị ở thung lũng Diên Đôn, cách Trường An 9.860 lí. Hộ 380, khẩu 1.100, binh lính 500 người. Đông cách trị sở Đô hộ 2.861 lí, cách Sớ Lặc … [12]. Miền nam thuộc Thông Lĩnh, không có người dân. Miền tây nằm trên Thông Lĩnh, là Hưu Tuần vậy. Tây bắc cách Đại Uyển 1.030 lí, bắc giáp Ô Tôn. Y phục giống Ô Tôn, đi theo cỏ nước, nương tựa vào Thông Lĩnh, vốn là giống người Tắc.

 

Nước Sa Xa

 

Sa Xa quốc vương trị thành Sa Xa, cách Trường An 9.950 lí. Hộ 2.339, khẩu 16.373, binh lính 3.049 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, tả hữu Kỵ quân, Bị Tây Dạ quân mỗi chức 1 người, Đô úy 2 người, Dịch trưởng 4 người. Đông bắc cách trị sở Đô hộ 1.746 lí, tây cách Sớ Lặc 560 lí, tây nam cách Bạc Lê 740 lí. Có núi sắt, sản sinh ngọc xanh.

 

Thời Tuyên đế, Ô Tôn công chúa có con trai nhỏ là Vạn Niên, được Sa Xa vương yêu quý. Sa Xa [vương] không có con, lúc chết thì Vạn Niên đang ở Hán. Người nước Sa Xa tính kế muốn tự phó thác cho Hán, lại muốn được lòng  Ô Tôn, liền dâng thư xin Vạn Niên làm Sa Xa vương. Hán đồng ý, khiển sứ giả Hề Sung Quốc đưa Vạn Niên về. Vạn Niên mới lập đã tàn bạo, người trong nước không ưa. Em trai Sa Xa vương là Hô Kỳ (呼屠) đánh giết Vạn Niên, rồi giết sứ giả Hán, tự lập làm vương, hẹn với các nước phản lại Hán. Gặp lúc Vệ hầu Phùng Phụng Thế đi sứ tiễn khách Đại Uyển, thấy tiện nên phát binh các nước đánh giết hắn, đổi sang lập con của người em khác làm Sa Xa vương. Khi về, bái Phụng Thế làm Quang Lộc đại phu. Năm ấy là năm Nguyên Khang thứ 1 (65 TCN).

 

Nước Sớ Lặc

 

Sớ Lặc quốc vương trị thành Sớ Lặc, cách Trường An 9.350 lí. Hộ 1.510, khẩu 18.647, binh lính 2.000 người. Sớ Lặc hầu, Kích Hồ hầu, Phụ Quốc hầu, Đô úy, tả hữu Tướng, tả hữu Kỵ quân, tả hữu Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Đông cách trị sở Đô hộ 2.210 lí, nam cách Sa Xa 560 lí. Có chợ búa, nằm trên đường đến Đại Nguyệt Thị, Đại Uyển, Khang Cư phía tây.

 

Nước Úy Đầu (尉頭)

 

Úy Đầu quốc vương trị thành Úy Đầu, cách Trường An 8.650 lí. Hộ 300, khẩu 2.300, binh lính 800 người. Tả hữu Đô úy mỗi chức 1 người, tả hữu Kỵ quân mỗi chức 1 người. Đông cách trị sở Đô hộ 1.411 lí; nam giáp Sớ Lặc, là đường núi nên không thông; tây cách Quyên Độc 1.314 lí, đi đường tắt bằng ngựa mất hai ngày. Chăn súc vật, đi theo cỏ nước, y phục giống Ô Tôn.

 

Nước Ô Tôn

 

Đại côn mi nước Ô Tôn trị thành Xích Cốc (赤谷), cách Trường An 8.900 lí. Hộ 120.000, khẩu 630.000, binh lính 188.800 người. Tể tướng, Đại lộc, tả hữu Đại tướng mỗi chức 2 người, hầu 3 người, Đại tướng, Đô úy mỗi chức 1 người, Đại giám 2 người, Đại lại 1 người, Xá trung đại phu 2 người, Kỵ quân 1 người. Phía đông cách trị sở Đô hộ 1.921 lí, tây cách đất Phiên Nội của Khang Cư 5.000 lí. Đất này là đồng cỏ. Nhiều mưa, hay rét. Núi nhiều cây tùng, cây man. Không làm ruộng hay trồng cây, chỉ theo cỏ nước để chăn súc vật, tục giống với Hung Nô. Nước nhiều ngựa, người giàu có đến bốn năm nghìn con. Dân hung ác, tham lam bất tín, nhiều trộm cướp, là nước rất mạnh. Xưa quy phục Hung Nô, về sau lớn mạnh nên bỏ ràng buộc, không chịu đến triều hội. Đông giáp Hung Nô, tây bắc giáp Khang Cư, tây giáp Đại Uyển, nam giáp các nước thành quách. Vốn là đất người Tắc. Khi Đại Nguyệt Thị chạy về tây đánh đuổi Tắc vương, Tắc vương vượt Huyện Độ đi về nam, nên Đại Nguyệt Thị sống ở đất này. Về sau Côn mi của Ô Tôn đánh phá Đại Nguyệt Thị; Đại Nguyệt Thị dời về tây bắt Đại Hạ làm thần, còn Côn mi của Ô Tôn sống ở đây, nên dân Ô Tôn có cả chủng người Tắc và chủng Đại Nguyệt Thị.

 

Ban đầu Trương Khiên nói Ô Tôn vốn sống cùng Đại Nguyệt Thị ở vùng Đôn Hoàng, nay Ô Tôn lớn mạnh, có thể dùng của cải hậu để chiêu dụ, lệnh về đông sống ở đất cũ, gả công chúa cho, cùng làm anh em để chế ngự Hung Nô (chép tại truyện về Trương Khiên). Vũ đế lên ngôi, lệnh Khiên mang vàng lụa sang. Côn mạc gặp Khiên thì hành lễ như với Thiền vu, Khiên rất thẹn, nói rằng: “Thiên tử ban quà, vương không bái thì trả quà lại.” Côn mạc đứng dậy bái, còn những lễ khác vẫn như cũ.

 

Ban đầu Côn mạc có hơn mười con trai. Con giữa là Đại Lộc (大祿) mạnh mẽ, là tướng giỏi, cầm hơn vạn kỵ sống riêng. Anh trai Đại Lộc là Thái tử. Thái tử có con trai là Sầm Tưu (岑陬). Thái tử chết sớm, nói với Côn mạc rằng: “Phải lấy Sầm Tưu làm thái tử.” Côn mạc đau buồn đồng ý. Đại Lộc tức giận, bèn họp anh em mình, đem quân làm phản, mưu đánh Sầm Tưu. Côn mạc cho Sầm Tưu hơn vạn kỵ, lệnh sống riêng; Côn mạc cũng tự giữ hơn vạn kỵ để tự phòng bị. Nước chia làm ba, nhưng đại thống vẫn thuộc về Côn mạc. Khiên đến ban thưởng, dụ chỉ rằng: “Ô Tôn nếu dời về đông sống ở đất cũ thì Hán khiển công chúa làm phu nhân, kết làm anh em, cùng chống Hung Nô, không thể phá vậy.” Ô Tôn xa Hán, chưa biết lớn hay nhỏ, lại gần Hung Nô, phục thuộc lâu ngày, các đại thần đều không muốn dời đi. Côn mạc tuổi già, nước chia rẽ, không thể chuyên chế, bèn phát sứ tiễn Khiên, nhân đó hiến mấy chục con ngựa để báo tạ. Sứ nước này thấy dân chúng Hán giàu có, sau khi họ về nước thì nước này càng trọng Hán.

 

Hung Nô nghe tin [Ô Tôn] thông với Hán, tức giận muốn đánh. Hán đi sứ Ô Tôn, rồi từ phía nam nước này đến Đại Uyển, Nguyệt Thị, nối nhau không dứt. Ô Tôn vì thế sợ, sai sứ hiến ngựa, nguyện được lấy công chúa Hán và làm anh em. Thiên tử hỏi quần thần, thì bàn bạc rằng: “Phải nộp sính lễ trước rồi sau mới khiển con gái đi.” Ô Tôn đem mấy nghìn con ngựa làm sính lễ. Trong thời Nguyên Phong, khiển con gái của Giang Đô vương [Lưu] Kiến là Tế Quân làm công chúa để gả. Ban xe ngựa, y phục, ngự vật, chuẩn bị quan thuộc, hoạn quan, thị ngự mấy trăm người, đưa tiễn rất thịnh. Ô Tôn côn mạc lấy làm Hữu phu nhân. Hung Nô cũng khiển con gái gả cho Côn mạc; Côn mạc lấy làm Tả phu nhân.

 

Công chúa đến nước ấy, tự xây cung thất để ở. Hằng năm cùng Côn mạc mở hội một hai lần, bày rượu ăn uống, lấy tiền lụa ban cho quý nhân và tả hữu của vương. Côn mạc tuổi già, lời nói không thông, công chúa buồn bã nên tự làm bài hát rằng:

Nhà ta gả ta đến một phương,

Nước lạ xa xôi Ô Tôn vương.

Lều vòm làm buồng, len làm vách,

Thịt làm thức ăn, sữa làm tương.

Thường ngày nhớ quê đến da diết,

Nguyện làm hoàng hộc về cố hương.”

Thiên tử nghe tin thì thương xót, hằng năm khiển sứ giả mang màn trướng, gấm thêu biếu tặng.

 

Côn mạc tuổi già, muốn cho cháu mình Sầm Tưu cưới công chúa. Công chúa không chịu, dâng thư kể sự trạng. Thiên tử báo rằng: “Phải theo tục nước ấy, hòng cùng Ô Tôn diệt Hồ.” Sầm Tưu bèn cưới công chúa. Khi Côn mạc chết, Sầm Tưu lên thay. Sầm Tưu là quan hiệu, tên thật là Quân Tu Mĩ (軍須靡). Côn mạc là vương hiệu, tên thật là Lạp Kiêu Mĩ (獵驕靡). Về sau viết là Côn mi.

 

Khi công chúa chết, Hán lại lấy cháu của Sở vương [Lưu] Mậu là Giải Ưu làm công chúa, gả cho Sầm Tưu. Con trai của Sầm Tưu với người vợ Hồ là Ni Mĩ (泥靡) còn nhỏ. Khi Sầm Tưu sắp chết, đem nước giao cho con trai của chú mình Đại Lộc là Ông Quy Mĩ (翁歸靡), nói rằng: “Khi Ni Mĩ lớn, đem nước trả lại.”

 

Ông Quy Mĩ lập, hiệu là Phì vương [13], lại cưới Sở chúa Giải Ưu, sinh được ba trai hai gái. Con trai lớn là Nguyên Quý Mĩ (元貴靡); thứ là Vạn Niên (萬年), làm Sa Xa vương; thứ nữa là Đại Lạc (大樂), làm Tả đại tướng. Con gái lớn Đệ Sử (弟史) làm vợ Quy Cừ vương Giáng Tân (絳賓), con gái nhỏ Tố Quang (素光) làm vợ Nhược Hô Hấp hầu (若呼翕侯).

 

Thời Chiêu đế, công chúa dâng thư nói: “Hung Nô phát kỵ đến Xa Sư, Xa Sư hợp làm một với Hung Nô, cùng xâm Ô Tôn. Chỉ có Thiên tử may ra cứu được!” Hán đang dưỡng sĩ mã, bàn muốn đánh Hung Nô. Gặp lúc Chiêu đế băng, Tuyên đế mới lên ngôi, công chúa và Côn mi đều khiển sứ dâng thư nói: “Hung Nô lại liên tiếp phát đại binh xâm lấn Ô Tôn, lấy đất Xa Diên (車延), Ác Sư (惡師), bắt nhân dân đem về, sai sứ bảo Ô Tôn đem công chúa đến ngay, hòng cắt đứt với Hán. Côn mi nguyện phát một nửa tinh binh trong nước, tự cấp người ngựa năm vạn kỵ, dốc sức đánh Hung Nô. Chỉ có Thiên tử xuất binh mới cứu được công chúa và Côn mi.” Hán phát đại binh 150.000 vạn kỵ, năm tướng quân chia đường cùng xuất (chép tại truyện về Hung Nô). Khiển Hiệu úy Thường Huệ cầm cờ tiết hộ binh Ô Tôn. Côn mi tự đem từ Hấp hầu trở xuống tất cả 50.000 kỵ tiến vào từ phương tây, đến đình của Hữu cốc lê vương, bắt được cha Thiền vu là Hành cùng chị dâu, Cư thứ, Danh vương, Lê Ô Đô úy, Thiên trưởng, Kỵ tướng trở xuống 40.000 người, ngựa, bò, dê, lừa, lạc đà hơn 700.000 con. Ô Tôn đều tự lấy hết những thứ đã bắt được. Khi về, phong Huệ làm Trường La hầu. Năm ấy là năm Bản Thủy thứ 3 (71 TCN). Hán khiển Huệ mang vàng lụa ban cho quý nhân Ô Tôn có công.

 

Năm Nguyên Khang thứ 2 (64 TCN), Ô Tôn côn mi nhờ Huệ dâng thư rằng: “Xin lấy cháu ngoại Hán là Nguyên Quý Mĩ làm người nối dõi, được cho lại cưới công chúa Hán, kết hôn làm thân, chống lại Hung Nô. Sẽ nộp ngựa, la mỗi thứ 1.000 con làm sính lễ.” Xuống chiếu giao công khanh bàn, thì Đại hồng lô Tiêu Vọng Chi cho rằng: “Ô Tôn ở cõi xa, có biến cố sẽ khó giữ, không thể đồng ý.” Hoàng thượng khen Ô Tôn mới lập công lớn, lại kính trọng nghiệp cũ, nên khiển sứ giả đến Ô Tôn nhận sính lễ trước. Côn mi và Thái tử, tả hữu Đại tướng, Đô úy đều khiển sứ, tất cả hơn 200 người vào Hán đón Thiếu chúa. Hoàng thượng bèn lấy cháu gái của Ô Tôn chúa Giải Ưu là Tương Phu làm Thiếu chúa, đặt quan thuộc, thị ngự hơn trăm người, cho ở trong vườn Thượng Lâm để học tiếng Ô Tôn. Thiên tử tự đến Bình Lạc xem, gặp lúc sứ giả Hung Nô và quân trưởng ngoại quốc là Đại Giác (大角) đến, nên bày trò mua vui rồi cho về. Sai Trường Lư hầu Quang Lộc đại phu Huệ làm phó, tất cả 4 người cầm cờ tiết, đưa Thiếu chúa đến Đôn Hoàng. Chưa rời cõi thì nghe tin Ô Tôn côn mi Ông Quý Mĩ chết, quý nhân Ô Tôn cùng theo giao ước gốc lập con trai Sầm Tưu là Ni Mĩ thay làm Côn mi, hiệu là Cuồng vương [14]. Huệ dâng thư nói: “Xin giữ Thiếu chúa lại Đôn Hoàng, cho Huệ phi ngựa đến Ô Tôn trách mắng việc không lập Nguyên Quý Mĩ làm Côn mi, rồi về đón Thiếu chúa.” Việc giao xuống công khanh, thì Vọng Chi lại cho rằng: “Ô Tôn nắm cả hai đầu, khó kết ước. Trước kia công chúa ở Ô Tôn hơn 40 năm, ân ái không thân mật, biên cảnh chưa được yên, đấy là kết quả của việc trước vậy. Nay Thiếu chúa thấy Nguyên Quý Mĩ không lập mà về, không phụ chữ tín với Di Địch, là phúc của Trung Quốc vậy. Nếu Thiếu chúa không dừng lại, thì khi binh dịch dấy ra, nguyên nhân là bắt đầu từ đấy.” Thiên tử nghe theo, gọi Thiếu chúa về.

 

Cuồng vương lại cưới Sở chúa Giải Ưu, sinh một con trai là Si Mĩ (鴟靡). [Cuồng vương] không thân với Công chúa, lại tàn bạo mất lòng dân. Hán sai Vệ tư mã Ngụy Hòa Ý, Phó hầu Nhậm Xương đưa đứa con làm tin về. Công chúa nói rằng Cuồng vương làm Ô Tôn khốn khổ, dễ tru diệt, bèn mưu mở tiệc rượu, khi bãi thì sai lính rút kiếm chém hắn. Cạnh kiếm chém xuống, Cuồng vương bị thương nên lên ngựa chạy trốn. Con trai hắn là Tế Trầm Sấu (細沈瘦) hội binh vây Hòa Ý, Xương và công chúa ở thành Xích Cốc. Mấy tháng sau, Đô hộ Quách Cát phát binh các nước đến cứu, bèn giải vây được. Hán khiển Trung lang tướng Trương Tuân đem thuốc men chữa trị Cuồng vương, ban 20 cân vàng và lụa ngũ sắc; nhân đó bắt trói Hòa Ý và Xương, đưa bằng xe cũi từ Úy Lê đến Trường An, chém đi. Xa Kỵ tướng quân Trưởng sử Trương Ông tra hỏi công chúa và sứ giả về sự trạng mưu giết Cuồng vương; công chúa không phục, khấu đầu tạ lỗi, thì Trương Ông nắm đầu công chúa chửi mắng. Công chúa dâng thư, nên khi Ông trở về phải chịu tội chết. Phó sứ Quý Đô mang riêng thuốc chăm sóc Cuồng vương, được Cuồng vương sai hơn mười kỵ sĩ tiễn về. Đô khi về mới biết Cuồng vương đáng bị tru, thấy tiện mà không ra tay nên bị đày xuống tàm thất.

 

Ban đầu Phì vương Ông Quy Mĩ có một con trai với người vợ Hồ là Ô Tựu Đồ (烏就屠). Lúc Cuồng vương bị thương, [Ô Tựu Đồ] kinh sợ, cùng các Hấp hầu chạy cả, sống ở giữa Bắc Sơn, nói phao rằng binh Hung Nô nhà mẹ mình đến, nên dân chúng theo về. Sau này bèn tập kích Cuồng vương, tự lập làm Côn mi. Hán khiển Phá Khương tướng quân Tân Vũ Hiền đem 5.000 binh đến Đôn Hoàng, khiển sứ giả xem xét đường sá, đào từ vũng Tỳ Lặc Hầu (卑鞮侯) về tây hòng mở kênh chở ngũ cốc, tích ở kho Cư Lư (居廬) để đánh dẹp hắn.

 

Ban đầu, người hầu của Sở chúa là Phùng Liêu biết văn thư, thạo việc, từng cầm cờ tiết Hán làm sứ cho công chúa đi ban thưởng cho các nước thành quách, được kính trọng tin tưởng, hiệu là Phùng phu nhân, làm vợ Hữu đại tướng của Ô Tôn. Hữu đại tướng và Ô Tựu Đồ quý mến nhau. Đô hộ Quách Cát sai Phùng phu nhân bảo Ô Tựu Đồ rằng Hán binh sắp xuất, tất sẽ bị diệt, chi bằng đầu hàng. Ô Tựu Đồ lo sợ, nói rằng: “Nguyện lấy hiệu nhỏ.” Tuyên đế gọi Phùng phu nhân đến, tự hỏi sự trạng, rồi khiển Yết giả Trúc Thứ, Cơ môn Cam Diên Thọ làm phó, đưa Phùng phu nhân về. Phùng phu nhân ngồi xe gấm, cầm cờ tiết, ban chiếu lệnh Ô Tựu Đồ đến thành Xích Cốc của Trường La hầu. Lập Nguyên Quý Mĩ làm Đại côn mi, Ô Tựu Đồ làm Tiểu côn mi, đều được ban ấn thao. Phá Khương tướng quân chưa rời ải thì đã trở về. Sau này Ô Tựu Đồ không trả lại hết dân chúng cho các Hấp hầu, nên Hán lại khiển Trường La hầu Huệ đem hai Hiệu quân đóng ở Xích Cốc, nhân đó chia tách nhân dân, địa giới nước này. Đại côn mi có hơn 60.000 hộ, Tiểu côn mi có hơn 40.000 hộ, nhưng lòng dân đều theo Tiểu côn mi.

 

Nguyên Quý Mĩ, Si Mĩ đều bệnh chết. Công chúa dâng thư nói tuổi già, nhớ quê, mong được mang hài cốt về táng ở đất Hán. Thiên tử thương xót nên nghênh đón. Công chúa cùng con trai và con gái Ô Tôn ba người đều đến kinh sư. Năm ấy là năm Cam Lộ thứ 3 (51 TCN). Bấy giờ đã gần 70 tuổi. Ban cho công chúa ruộng đất, nô tì, phụng dưỡng rất hậu, nghi trượng khi triều kiến ngang với bậc công chúa. Hai năm sau thì mất, ba người cháu nhân đó ở lại giữ phần mộ.

 

Con trai Nguyên Quý Mĩ là Tinh Mĩ (星靡) thay làm Đại côn mi, nhưng yếu ớt. Phùng phu nhân dâng thư, nguyện đi sứ Ô Tôn trấn phủ Tinh Mĩ. Hán khiển đi, cho trăm lính đưa tiễn. Đô hộ Hàn Tuyên tâu rằng các quan Đại lại, Đại lộc, Đại giám của Ô Tôn đều khả dĩ được ban ấn vàng thao tía để tôn phò Đại côn mi; Hán đồng ý. Về sau Đô hộ Hàn Tuyên lại tâu Tinh Mĩ yếu đuối nên có thể miễn đi, đổi sang lấy người chú là Tả đại tướng Lạc thay làm Côn mi; Hán không đồng ý. Về sau Đoàn Hội Tông làm Đô hộ, gọi những người làm phản bỏ trốn trở về, an định họ.

 

Khi Tinh Mĩ chết, con trai Thư Lật Mĩ (雌栗靡) lên thay. Khi Tiểu côn mi Ô Tựu Đồ chết, con trai Phủ Ly (拊離) lên thay, rồi bị em trai là Nhật Nhị (日貳) giết. Hán khiển sứ giả lập con trai Phủ Ly là An Nhật (安日) làm Tiểu côn mi. Nhật Nhị bỏ trốn đến Khang Cư. Hán dời Kỷ hiệu [úy] đến đóng ở Cô Mặc, hòng dò la xem có tiện đánh không. An Nhật sai bọn quý nhân Cô Mạc Nặc (姑莫匿) ba người giả vờ bỏ trốn theo Nhật Nhị, lén giết được hắn. Đô hộ Liêm Bao ban bọn Cô Mạc Nặc tượng người vàng 20 cân, lụa 300 cân.

 

Về sau An Nhật bị hàng dân giết, Hán lập em trai là Mạt Chấn Tướng (末振將) lên thay. Bấy giờ Đại côn mi Thư Lật Mĩ mạnh mẽ, các Hấp hầu đều úy phục, bảo dân rằng khi chăn ngựa và súc vật không cần cho vào chuồng, trong nước yên bình như thời Ông Quy Mĩ. Tiểu côn mi Mạt Chấn Tướng sợ bị thôn tính, sai quý nhân Ô Nhật Lĩnh (烏日領) trá hàng lén giết Thư Lật Mĩ. Hán muốn đem binh đánh dẹp mà chưa được, nên khiển Trung lang tướng Đoàn Hội Tông mang vàng lụa đến cùng Đô hộ bàn phương lược, lập chú của Thư Lật Mĩ, tức cháu của công chúa [Giải Ưu] là Y Trật Mĩ (伊秩靡) làm Đại côn mi. Hán bắt đứa con làm tin của Tiểu côn mi ở kinh sư làm nô tì. Ít lâu sau, Hấp hầu của Đại côn mi là Nan Tê (難棲) giết Mạt Chấn Tướng, con của An Nhật anh trai Mạt Chấn Tướng là An Lê Mĩ (安犁靡) thay làm Tiểu côn mi. Hán hận không tự tru diệt Mạt Chấn Tướng được, nên lại sai Đoàn Hội Tông chém ngay thái tử của Mạt Chấn Tướng là Phiên Khâu (番丘). Khi [Hội Tông] về, ban tước Quan Nội hầu. Năm ấy là năm Nguyên Diên thứ 2 (11 TCN).

 

Hội Tông thấy Hấp hầu Nan Tê giết Mạt Chấn Tướng, tuy không nhận chỉ từ Hán nhưng hợp với việc dẹp giặc, nên tâu xin lấy làm Vọng thủ Đô úy. Trách bọn Đại lộc, Đại lại, Đại giám ngồi nhìn Thư Lật Mĩ bị giết, đoạt lại ấn vàng thao tía, đổi thành ấn đồng thao đen. Em trai Mạt Chấn Tướng là Tỳ Viên Chí (卑爰疐) vốn cùng mưu giết Đại côn mi, nay đem dân chúng hơn 80.000 người về bắc theo Khang Cư, hòng mưu mượn binh thôn tính hai Côn mi. Hai Côn mi e sợ, nương cậy vào Đô hộ.

 

Năm Nguyên Thọ thứ 2 triều Ai đế (1 TCN), Đại côn mi Y Trật Mĩ cùng Thiền vu vào chầu, được Hán cho là vinh dự. Đến thời Nguyên Thủy, Tỳ Viên Chí giết Ô Nhật Lĩnh để tự hiệu thuận, được Hán phong làm Quy Nghĩa hầu. Hai Côn mi đều yếu, bị Tỳ Viên Chí xâm lăng, nhưng Đô hộ Tôn Kiến tập kích được hắn. Từ sau khi Ô Tôn chia làm hai Côn mi, Hán phải mỏi mệt, không năm nào yên ổn.

 

Nước Cô Mặc

 

Cô Mặc quốc vương trị ở Nam Thành, cách Trường An 8.150 lí. Hộ 3.500, khẩu 24.500, binh lính 4.500 người. Cô Mặc hầu, Phụ Quốc hầu, Đô úy, tả hữu tướng, tả hữu Kỵ quân mỗi chức 1 người, Dịch trưởng 2 người. Đông cách trị sở Đô hộ 1.021 lí, nam cách Vu Điền 15 ngày đi ngựa, bắc giáp Ô Tôn. Sản xuất đồng, sắt, thư hoàng. Phía đông cách Quy Cừ 670 lí. Thời Vương Mãng, Cô Mặc vương Thừa () giết Ôn Túc vương, thôn tính nước ấy.

 

Nước Ôn Túc

 

Ôn Túc quốc vương trị thành Ôn Túc (溫宿), cách Trường An 8.350 lí. Hộ 2.200, khẩu 8.400, binh lính 1.500 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Tướng, tả hữu Đô úy, tả hữu Kỵ quân, Dịch trưởng mỗi chức 2 người. Đông cách trị sở Đô hộ 2.380 lí, tây cách Úy Đầu 300 lí, bắc cách Xích Cốc của Ô Tôn 610 lí. Đất đai, vật loại sở hữu giống với các nước Thiện Thiện. Đông cách Cô Mặc 270 lí.

 

Nước Quy Từ

 

Quy Từ quốc vương trị Diên Thành (延城), cách Trường An 7.480 lí. Hộ 6.970, khẩu 81.317, binh lính 1.076 người. Đại đô úy thừa, Phụ Quốc hầu, An Quốc hầu, Kích Hồ hầu, Khước Hồ đô úy, Kích Xa Sư đô úy, tả hữu Lực Phụ quân mỗi chức 1 người, Đông-Tây-Nam-Bắc bộ Thiên trưởng mỗi chức 2 người, Khước Hồ quân 3 người, Dịch trưởng 4 người. Nam giáp Tinh Tuyệt, đông nam giáp Thả Mạt, tây nam giáp Vu Mi, bắc giáp Ô Tôn, tây giáp Cô Mặc. Biết rèn đúc, có chì. Đông cách trị sở Đô hộ là thành Ô Lũy 350 lí.

 

Ô Lũy: Hộ 110, khẩu 1.200, binh lính 300 người. Thành đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người, cùng trị với Đô hộ. Phía nam cách Cừ Lê 330 lí.

 

Cừ Lê: Thành đô úy 1 người, hộ 130, khẩu 1.480, binh lính 150 người. Đông bắc giáp Úy Lê, đông nam giáp Thả Mạt, nam giáp Tinh Tuyệt. Phía tây có sông, cách Quy Từ 580 lí.

 

Từ khi Vũ đế bắt đầu thông Tây Vực, đặt Hiệu úy, làm đồn điền ở Cừ Lê. Bấy giờ quân lữ xuất liên tục, đánh nhau 32 năm, trong nước trống rỗng. Thời Chinh Hòa, Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi đem quân hàng Hung Nô. Hoàng thượng hối hận chinh phạt xa, nhưng Tiêu Túc Đô úy Tang Hoằng Dương và Thừa tướng Ngự sử tâu rằng:

Từ đất Luân Đài cũ về đông, Thiệp Chi (捷枝), Cừ Lê đều là nước cũ, đất rộng, nhiều cỏ nước, có trên năm nghìn khoảnh ruộng. Xứ ôn hòa, ruộng đẹp, có thể đào thêm kênh lạch, trồng ngũ cốc, chín cùng lúc với Trung Quốc. Các nước bên cạnh thiếu đao búa, quý vàng lụa, khả dĩ đổi lương thực, nên đủ cấp không phải lo thiếu. Thần trộm nghĩ rằng có thể khiển lính đồn điền đến vùng phía đông đất Luân Đài cũ, đặt ba viên Hiệu úy chia ra bảo hộ, cùng vẽ lại địa hình, đào thông kênh lạch, chăm lo trồng thêm ngũ cốc đúng lúc. Trương Dịch, Tửu Tuyền thì khiển Kỵ giả tư mã làm trinh sát, thuộc quyền Hiệu úy, việc có tiện nghi thì nhờ kỵ báo lại. Làm ruộng một năm là có ngũ cốc tích trữ, mộ dân tráng kiện có của cải dám đi để đưa đến chỗ ruộng, lấy của tích trữ để làm nghiệp gốc, khai khẩn thêm ruộng, dần xây đình trạm, nối liền thành về tây để ra uy với các nước phía tây, giúp cho Ô Tôn, là tiện. Thần kính cẩn khiển Chinh sự thần Xương Phân Bộ đi đến biên giới, sắc nghiêm các quan Thái thú, Đô úy phải giữ lửa hiệu rõ ràng, tuyển chọn sĩ mã, do thám cẩn thận, tích trữ rơm cỏ. Mong Bệ hại khiển sứ đi các nước phía tây để yên bờ cõi. Thần liều chết thỉnh cầu.”

Hoàng thượng bèn xuống chiếu để trình bày kĩ điều hối tiếc xưa, viết rằng:

Trước kia hữu ty tâu rằng muốn tăng thuế dân thêm ba mươi [tiền] để sử dụng vào việc biên giới, đấy là làm khổ kẻ già yếu cô độc, thế mà nay lại xin khiển lính làm ruộng ở Luân Đài. Từ Luân Đài về tây đến Xa Sư hơn nghìn lí, trước kia lúc Khai Lăng hầu đánh Xa Sư con em sáu nước Nguy Tu, Úy Lê, Lâu Lan ở kinh sư đều về trước, phát súc vật, lương thực đón quân Hán, lại tự đem tổng cộng mấy vạn binh, các vương tự làm tướng cùng vây Xa Sư, thu hàng vương nước ấy. Binh các nước về sau bị bãi, vì sức không đủ để dâng lương thực cho quân Hán trên đường nữa. Quân Hán phá thành, có nhiều lương thực, nhưng không đủ lính tự vác để nuôi trọn toàn quân, khiến kẻ mạnh ăn hết súc vật, kẻ yếu chết dọc đường đến mấy nghìn người. Trẫm phát lừa và lạc đà ở Tửu Tuyền chở lương thực từ Ngọc Môn đến đón quân, lại tốt lên đường ở Trương Dịch, không quá xa, nhưng vẫn tụt lại sau rất nhiều. Trước kia Trẫm không được rõ, thấy Quân hầu Hoằng dâng thư nói Hung Nô trói cả bốn chân ngựa đặt dưới thành, nói rằng: ‘Người Tần, ta xin được như ngựa này!’ Sứ giả Hán lại ở lâu không về, nên mới khiển Nhị Sư tướng quân đi, hòng làm uy trọng cho sứ giả vậy. Xưa kia khanh đại phu khi bàn mưu phải tham khảo đến bói toán, không phải quẻ tốt thì không đi. Mới đây đem thư về chuyện ngựa bị trói cho các quan Thừa tướng, Ngự sử, nhị thiên thạch, đại phu và lang là người có văn học xem cả, thì đến bọn Đô úy các quận quốc và thuộc quốc như Thành Trung, Triệu Phá Nô đều cho rằng: ‘Giặc tự trói mình, bất tường lắm thay!’ Có kẻ cho rằng ‘Muốn tỏ ra mạnh mà không đủ sức, phải coi người ta thừa sức hơn mình.’ Xem Kinh Dịch thì được quẻ “Đại quá” [15], vạch hào nằm ở cửu ngũ, tức là Hung Nô khốn bại. Các quan phương sĩ, thái sử trong quân ngắm sao trông gió, quan Thái bộc xem quẻ bói, đều cho là điềm lành, Hung Nô ắt bị phá, không thể có thời cơ thứ hai vậy. Lại nói: ‘Tướng đi đánh miền bắc, đến Phủ Sơn tất thắng.’ Xem quẻ các tướng thì Nhị Sư có điềm lành nhất, nên Trẫm đích thân sai Nhị Sư đến Phủ Sơn, lệnh rằng chớ được vào sâu. Nay mưu kế và quẻ bói đều trái ngược nhau. Trọng Hợp hầu bắt được trinh sát giặc, nói rằng: ‘Nghe tin quân Hán đang đến, Hung Nô sai thầy phép chôn dê bò ở điểm đầu các con đường và đầu nguồn sông để trù ếm quân. Thiền vu cho Thái tử áo lông ngựa, thường sai thầy phép đọc chú. Việc trói ngựa là để ếm quân vậy.’ Lại bói được rằng: ‘Quân Hán một tướng không gặp may.’ Hung Nô thường nói: ‘Hán rất lớn, nhưng không thể nuốt trọn. Mất một con sói, mà nghìn con dê bỏ chạy.’

Khi Nhị Sư thất bại, quân sĩ chết chóc li tán, trong lòng Trẫm thường rất đau đớn. Nay xin mở ruộng ở Luân Đài xa xôi, muốn dựng đình canh, là phiền nhọc thiên hạ, không phải để lo cho dân vậy. Nay Trẫm không chịu nghe theo, mà bọn Đại hồng lô lại bàn rằng muốn mộ kẻ tù đồ để đưa sứ giả Hung Nô về, phong thưởng rõ ràng để xoa dịu, thì Ngũ Bá cũng chẳng thể làm vậy. Hơn nữa Hung Nô có người Hán theo hàng, thường ra sức tìm kiếm, hỏi han báo lại. Nay biên giới chưa yên, chúng lẻn ra mà không cấm. Trưởng lại ở quan ải lại sai lính săn bắn để lấy da thịt làm lợi, lính khổ cực mà lửa hiệu thiếu, nên có mất người cũng không tập hợp được; về sau kẻ đầu hàng trở về hay bị bắt làm tù binh thì mới biết. Hiện nay đang cấm hà khắc bạo ngược, ngưng tự tiện đánh thuế, dồn sức cho nghề nông, nuôi dưỡng ngựa theo lệnh để bổ vào chỗ khuyết, chớ để thiếu vũ bị mà thôi. Các quan nhị thiên thạch ở quận quốc đều phải tiến dâng súc vật và phương lược để lo toan chuyện giới, cùng nhau tính kế.”

Vì thế không được xuất quân, nhưng phong Thừa tướng Xa Thiên Thu làm Phú Dân hầu để tỏ rõ ý muốn nghỉ ngơi, làm giàu cho dân.

 

Ban đầu Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi đánh Đại Uyển, khi về qua Vu Mi. Vu Mi khiển thái tử Lại Đan (賴丹) làm con tin ở Quy Từ, nên Quảng Lợi trách Quy Từ rằng: “Ngoại quốc đều thần thuộc Hán, sao Quy Từ lại được nhận con tin của Vu Mi?” Liền đưa Lại Đan đến kinh sư. Chiêu đế bèn nghe theo kiến nghị trước kia của Tang Hoằng Dương, lấy Vu Mi thái tử Lại Đan làm Hiệu úy, đem quân mở ruộng ở Luân Đài, nên đất Luân Đài và Cừ Lê đều nối liền nhau vậy. Quý nhân Quy Từ là Cô Dực bảo vương nước mình rằng: “Lại Đan vốn thần thuộc nước ta, nay đeo ấn thao của Hán đến, ép nước ta mở ruộng, ắt là mối hại.” Vương liền giết Lại Đan, rồi dâng thư tạ lỗi với Hán. Hán chưa chinh phạt được.

 

Thời Tuyên đế, Trường La hầu Thường Huệ đi sứ Ô Tôn về, tiện đó phát binh các nước, hợp được 5.000 người để tấn công Quy Từ, trách tội trước kia giết Hiệu úy Lại Đan. Quy Từ vương tạ lỗi rằng: “Thời tiên vương của tôi bị quý nhân Cô Dực (姑翼) mê hoặc, tôi vô tội.” Bắt Cô Dực đến chỗ Huệ, Huệ chém đi. Bấy giờ Ô Tôn công chúa khiển con gái đến kinh sư học đàn trống. Hán khiển Thị lang Lạc Phụng đưa con gái công chúa về, đi qua Quy Từ. Quy Từ trước kia khiển người đến Ô Tôn hỏi cưới con gái công chúa, chưa về. Gặp lúc người con gái đi qua Quy Từ, Quy Từ vương giữ lại không cho về, lại sai sứ báo cho công chúa; công chúa đồng ý. Về sau công chúa dâng thư xin cho con gái vào chầu như các tông thất, nhưng Quy Từ vương Giáng Tân cũng yêu mến phu nhân mình, dâng thư nói rằng mình được cùng cháu ngoại Hán [16] làm anh em, nguyện cùng con gái công chúa vào chầu. Năm Nguyên Khang thứ 1 (65 TCN), bèn đến triều hạ. Vương và phu nhân đều được ban ấn thao. Phu nhân được xưng hiệu công chúa, ban cho ngựa xe cờ trống, nhạc công mấy chục người, vóc, vải thêu, lụa là, vật báu tổng cộng mấy nghìn vạn. Ở lại gần một năm, tặng hậu rồi đưa về. Về sau đến triều hạ nhiều lần, ưa y phục, chế độ Hán, khi về nước mình xây cung thất, dựng kiêu đạo, chu vệ, ra vào thì truyền hô, đánh chuông trống như lễ nghi nhà Hán. Người Hồ ngoại quốc đều nói: “Lừa không ra lừa, ngựa không ra ngựa, như Quy Từ vương, gọi là la vậy.” Khi Giáng Tân chết, con trai là Thừa Đức (丞德) tự gọi mình là cháu ngoại Hán. Khi lớn, đi lại [sang Hán] nhiều lần vào thời Ai đế, Hán đãi ngộ cũng rất thân mật.

 

[Quy Từ] phía đông cách Úy Lê 650 lí.

 

Nước Úy Lê

 

Úy Lê quốc vương trị thành Úy Lê, cách Trường An 6.750 lí. Hộ 1.200, khẩu 9.600, binh lính 2.000 người. Úy Lê hầu, An Quốc hầu, tả hữu Tướng, tả hữu Đô úy, Kích Hồ quân mỗi chức 1 người, Dịch trưởng 2 người. Tây cách trị sở Đô hộ 300 lí, nam giáp Thiện Thiện, Thả Mạt.

 

Nước Nguy Tu

 

Nguy Ty quốc vương trị thành Nguy Tu, cách Trường An 7.290 lí. Hộ 700, khẩu 4.900, binh lính 2.000 người. Kích Hồ hầu, Kích Hồ đô úy, tả hữu tướng, tả hữu Đô úy, tả hữu Kỵ quân, Kích Hồ quân, Dịch trưởng đều 1 người. Tây cách trị sở Đô hộ 500 lí, cách Yên Kỳ 100 lí.

 

Nước Yên Kỳ

 

Yên Kỳ quốc vương trị thành Viên Cừ (員渠), cách Trường An 7.300 lí. Hộ 4.000, khẩu 32.100, binh lính 6.000 người. Kích Hồ hầu, Khuớc Hồ hầu, Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, tả hữu Đô úy, Kích Hồ tả hữu quân, Kích Xa Sư quân, Quy Nghĩa Xa Sư quân mỗi chức 1 người, Kích Hồ đô úy, Kích Hồ quân mỗi chức 2 người, Dịch trưởng 3 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 400 lí, nam cách Úy Lê 100 lí, bắc giáp Ô Tôn. Gần biển, nhiều cá.

 

Nước Ô Tham Ti Lệ

 

Ô Tham Ti Lệ quốc vương trị thành Ư Lũ (於婁), cách Trường An 10.330 lí. Hộ 410, khẩu 232, binh lính 570 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Đô úy mỗi chức 1 người. Đông giáp Đơn Hoàn (單桓), nam giáp Thả Mi (且彌), tây giáp Ô Tôn.

 

Nước Tỳ Lục (卑陸)

 

Tỳ Lục quốc vương trị thành Càn Đương (乾當) phía đông Thiên Sơn, cách Trường An 8.680 lí. Hộ 227, khẩu 1.387, binh lính 422 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, tả hữu Đô úy, tả hữu Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.287 lí.

 

Nước Tỳ Lục Hậu (卑陸後)

 

Tỳ Lục Hậu quốc vương trị ở thung lũng Phiên Cừ Loại (番渠類), cách Trường An 8.710 lí. Hộ 462, khẩu 1.137, binh lính 350 người. Phụ Quốc hầu, Đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người, tướng 2 người. Đông giáp Uất Lập Sư (郁立師), bắc giáp Hung Nô, tây giáp nước Kiếp (), nam giáp Xa Sư.

 

Nước Uất Lập Sư

 

Uất Lập Sư quốc vương trị ở thung lũng Nội Đoát (內咄), cách Trường An 8.830 lí. Hộ 190, khẩu 1.445, binh lính 331 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Đông giáp đất của Xa Sư Hậu Thành trưởng, tây giáp Tỳ Lục, bắc giáp Hung Nô.

 

Nước Đơn Hoàn

 

Đơn Hoàn quốc vương trị thành Đơn Hoàn, cách Trường An 8.870 lí. Hộ 27, khẩu 194, binh lính 45 người. Phụ Quốc hầu, tướng, tả hữu Đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người.

 

Nước Bạc Loại

 

Bạc Loại quốc vương trị ở thung lũng Sớ Du (疏榆) phía tây Thiên Sơn, cách Trường An 8.360 lí. Hộ 325, khẩu 2.032, binh lính 799 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Tướng, tả hữu Đô úy mỗi chức 1 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.387 lí.

 

Nước Bạc Loại Hậu

 

Bạc Loại Hậu quốc vương cách Trường An 8.630 lí. Hộ 100, khẩu 1.070, binh lính 334 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người.

 

Nước Tây Thả Mi

 

Tây Thả Mi quốc vương trị thung lũng Ư Đại (於大) phía đông Thiên Sơn, cách Trường An 8.670 lí. Hộ 332, khẩu 1.926, binh lính 738 người. Tây Thả Mi hầu, tả hữu tướng, tả hữu Kỵ quân mỗi chức 1 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.487 lí.

 

Nước Đông Thả Mi

 

Đông Thả Mi quốc vương trị thung lũng Duệ Hư (兌虛) phía đông Thiên Sơn, cách Trường An 8.250 lí. Hộ 191, khẩu 1.948, binh lính 572 người. Đông Thả Mi hàu, tả hữu Đô úy mỗi chức 1 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.587 lí.

 

Nước Kiếp

 

Kiếp quốc vương trị thung lũng Đan Cừ (丹渠) phía đông Thiên Sơn, cách Trường An 8.570 lí. Hộ 99, khẩu 500, binh lính 115 người. Phụ Quốc hầu, Đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.487 lí.

 

Nước Hồ Hồ (狐胡)

 

Hồ Hồ quốc vương trị thung lũng Xa Sư Liễu (車師柳), cách Trường An 8.200 lí. Hộ 55, khẩu 264, binh lính 45 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu Đô úy đều 1 người. Tây cách trị sở Đô hộ 1.147 lí, cách Yên Kỳ 770 lí.

 

Nước Sơn ()

 

Sơn quốc vương cách Trường An 7.170 lí. Hộ 450, khẩu 5.000, binh lính 1.000 người. Phụ Quốc hầu, tả hữu tướng, tả hữu Đô úy, Dịch trưởng mỗi chức 1 người. Tây cách Úy Lê 240 lí, tây bắc cách Yên Kỳ 160 lí, tây cách Nguy Tu 260 lí, đông nam giáp Thiện Thiện, Thả Mạt. Núi sản xuất sắt, dân sống trong núi, cày nhờ ruộng và mua ngũ cốc ở Yên Kỳ, Nguy Tu.

 

Nước Xa Sư

 

Nước Sa Xư Tiền: Vương trị thành Giao Hà (交河). Nước sông chia dòng chảy quanh chân thành, nên gọi là Giao Hà. Cách Trường An 8.150 lí. Hộ 700, khẩu 6.050, binh lính 1.065 người. Phụ Quốc hầu, An Quốc hầu, tả hữu tướng, Đô úy, Quy Hán đô úy, Xa Sư quân, Thông Thiện quân, Hướng Thiện quân mỗi chức 1 người, Dịch trưởng 2 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.800 lí, cách Yên Kỳ 835 lí.

 

Nước Xa Sư Hậu: Vương trị thung lũng Vụ Đồ (務塗), cách Trường An 8.950 lí. Hộ 595, khẩu 4.774, binh lính 1.890 người. Kích Hồ hầu, tả hữu Tướng, tả hữu Đô úy, Đạo Dân quân, Dịch trưởng đều 1 người. Tây nam cách trị sở Đô hộ 1.237 lí.

 

Nước của Xa Sư Đô úy: Hộ 40, khẩu 333, binh lính 84 người.

 

Nước của Xa Sư Hậu Thành trưởng: Hộ 154, khẩu 960, binh lính 260 người.

 

Năm Thiên Hán thứ 2 triều Vũ đế (99 TCN), lấy người đầu hàng Hung Nô là Giới Hòa vương làm Khai Lăng hầu, đem binh nước Lâu Lân đánh Xa Sư lần đầu. Hung Nô khiển Hữu hiền vương đem mấy vạn kỵ đến cứu, Hán binh bất lợi nên rút lui. Năm Chinh Hòa thứ 4 (89 TCN), khiển Trọng Hợp hầu Mã Thông đem 40.000 kỵ đánh Hung Nô, đi qua miền bắc Xa Sư. Lại khiển Khai Lăng hầu đem binh sáu nước gồm Lâu Lan, Úy Lê, Nguy Tu đánh riêng Xa Sư, chớ được để chúng cản đường Trọng Hợp hầu. Binh các nước cùng vây Sa Xư; Xa Sư vương hàng phục, thần thuộc Hán.

 

Thời Chiêu đế, Hung Nô lại sai 4.000 kỵ làm ruộng ở Xa Sư. Khi Tuyên đế lên ngôi, khiển năm tướng đem binh đánh Hung Nô, kẻ làm ruộng ở Xa Sư kinh hãi bỏ chạy. Sa Xư lại thông sứ với Hán. Hung Nô giận, triệu thái tử nước ấy là Quân Túc (軍宿) đến, hòng lấy làm con tin. Quân Túc là cháu ngoại [vương] nước Yên Kỳ, không dám làm con tin ở Ô Tôn nên bỏ trốn sang Yên Kỳ. Xa Sư vương đổi sang lập con mình Ô Quý (烏貴) làm thái tử. Đến khi Ô Quý lên ngôi vương, lại cùng Hung Nô kết hôn nhân, chỉ cho Hung Nô chặn đường của Hán sang Ô Tôn.

 

Năm Địa Tiết thứ 2 (68 TCN), Hán khiển Thị lang Quách Cát, Hiệu úy tư mã Thiện đem tội nhân được miễn hình phạt đến làm ruộng ở Cừ Lê, trữ ngũ cốc, hòng để đánh Sa Xư. Đến vụ gặt mùa thu, Cát và Thiện phát hơn 10.000 binh các nước, cùng với 1.500 lính làm ruộng đánh Xa Sư, vây thành Giao Hà, phá được. Vương nước ấy vẫn còn ở trong thành đá phía bắc, chưa bắt được. Gặp lúc quân lương cạn, bọn Cát bèn bãi binh, trở về ruộng ở Cừ Lê. Khi gặt lúa xong, lại phát binh đánh Xa Sư vương ở thành đá. Vương nghe tin Hán binh sắp đến nên chạy về bắc cầu cứu Hung Nô. Hung Nô chưa chịu phát binh, nên vương bỏ về, cùng quý nhân Tô Do (蘇猶) bàn rằng muốn hàng Hán nhưng sợ Hán chưa tin. Tô Do bảo vương nên đánh nước nhỏ Bạc Loại ở biên giới Hung Nô, chém đầu, bắt nhân dân nước ấy để ra hàng Cát. Nước nhỏ Kim Phụ (金附) nằm cạnh Xa Sư theo quân Hán cướp bóc đằng sau quân Xa Sư, nên Xa Sư lại tự xin đánh phá Kim Phụ.

 

Hung Nô nghe tin Xa Sư hàng Hán nên phát binh đánh Xa Sư. Cát và Thiện dẫn binh đi về bắc thì gặp chúng, nhưng Hung Nô không dám xông lên trước. Cát và Thiện liền để lại một trinh sát và 20 lính để bảo vệ vương, rồi bọn Cát dẫn binh về Cừ Lê. Xa Sư vương sợ binh Hung Nô lại đến giết mình, bèn cưỡi ngựa nhẹ chạy đến Ô Tôn. Cát liền đón vợ con hắn về Cừ Lê. Khi [Cát] về đông tâu việc, đi đến Tửu Tuyền thì có chiếu lệnh trở lại làm ruộng ở Cừ Lê và Sa Xư, tích thêm ngũ cốc để giữ yên các nước phía tây, xâm lấn Hung Nô. Cát trở về, sai người giải vợ con Xa Sư vương đến Trường An. Ban thưởng họ rất hậu, mỗi khi triều hội Tứ Di thường được tôn kính để tỏ rõ vinh hiển. Vì thế Cát mới sai 300 lại tốt làm ruộng riêng ở Xa Sư. Bắt được người đầu hàng, kể rằng Thiền vu và đại thần đều nói: “Đất Xa Sư màu mỡ, gần Hung Nô. Để Hán lấy được thì chúng có nhiều ruộng, trữ ngũ cốc, tất sẽ làm hại nước khác. Không thể không tranh vậy.” [Hung Nô] quả nhiên khiển kỵ đến đánh ruộng ấy. Cát bèn cùng Hiệu úy đem hết 1.500 lính làm ruộng ở Cừ Lê đến ruộng ấy. Hung Nô lại khiển nhiều kỵ đến, lính làm ruộng của Hán ít không chống nổi nên chạy vào giữ thành Xa Sư. Tướng Hung Nô liền đến chân thành bảo Cát rằng: “Thiền vu tất tranh đất này, không được làm ruộng.” Chúng vây thành mấy ngày rồi bỏ đi. Về sau thường sai mấy nghìn kỵ vãng lai đến Xa Sư, nên Cát dâng thư nói rằng: “Xa Sư cách Cừ Lê hơn nghìn lí, cách trở sông núi, phía bắc gần Hung Nô. Hán binh ở Cừ Lê thế không thể cứu nhau. Xin tăng thêm lính làm ruộng.” Công khanh bàn rằng vì đường xa tổn phí, nên lại bãi ruộng ở Xa Sư. Xuống chiếu khiển Trường La hầu đem kỵ ở Trương Dịch, Tửu Tuyền đi về phía bắc Xa Sư hơn nghìn lí, dương uy vũ với [các nước] bên cạnh Xa Sư. Kỵ Hồ rút lui, nên Cát thoát được về Cừ Lê, phàm ba Hiệu úy đồn điền [18].

 

Khi Xa Sư vương chạy sang Ô Tôn, Ô Tôn giữ lại không cho về, khiển sứ dâng thư xin giữ Xa Sư vương để phòng lúc nước có nguy cấp, sẽ theo đường phía tây đánh vào Hung Nô. Hán chấp thuận. Vì thế Hán triệu thái tử cũ của Xa Sư là Quân Túc ở Yên Kỳ về lập làm vương, dời hết dân nước Xa Sư đến sống ở Cừ Lê, rồi lấy đất cũ của Xa Sư cho Hung Nô. Xa Sư vương được ở gần quan trông ruộng của Hán nên tuyệt giao với Hung Nô, rồi cũng an lạc thân Hán. Về sau Hán sai Thị lang Ân Quảng Đức trách Ô Tôn, đòi Xa Sư vương Ô Quý, đem đến cửa khuyết. Ban cho [Ô Quý] phủ đệ để sống cùng vợ con. Năm ấy là năm Nguyên Khang thứ 4 (62 TCN). Về sau đặt Mậu Kỷ Hiệu úy làm đồn điền, sống ở đất cũ của Xa Sư.

 

Thời Nguyên Thủy, nước của Xa Sư Hậu vương có đường mới từ Ngũ Thuyền đi về bắc, thông đến Ngọc Môn quan, đi lại gần hơn. Mậu Kỷ Hiệu úy Từ Phổ muốn dùng đường ấy để giảm bớt nửa hành trình, tránh phải qua đồi Bạch Long nguy hiểm. Xa Sư Hậu vương Cô Câu (姑句) thấy đường của mình bị kiểm soát nên trong lòng không ưa. Đất ấy lại tiếp giáp với đất của Nam tướng quân của Hung Nô, [Từ Phổ] từng định chia rõ cương giới rồi tâu lên sau, nên triệu Cô Câu đến làm chứng. [Cô Câu] không chịu, nên bị giữ lại. Cô Câu nhiều lần đem bò dê đút lót lại viên để xin thả mà không được. Mũi giáo ở nhà Cô Câu tự bốc lửa, vợ hắn là Cổ Tử Tưu (股紫陬) bảo Cô Câu rằng: “Mũi giáo bốc lửa là do điềm dấy binh, nếu dụng binh sẽ được lợi. Trước kia Xa Sư Tiền vương bị quan Tư mã của Đô hộ giết, nay ta bị giữ lâu tất sẽ chết. Chi bằng hàng Hung Nô.” [Cô Câu] liền phi ngựa xông ra thành Cao Xương, chạy vào Hung Nô.

 

Lại có Khứ Hồ Lai vương Đường Đâu (唐兜), nước nằm kề đại chủng Xích Thủy Khương (赤水羌), nhiều lần tranh giành lẫn nhau mà ko thắng nên cáo cấp cho Đô hộ. Đô hộ Đán Khâm không cứu trợ kịp thời, Đường Đâu nguy khốn nên oán Khâm, đi về đông đến Ngọc Môn quan. [Người ở] Ngọc Môn quan không cho vào, nên liền đem vợ con và nhân dân hơn nghìn người bỏ sang hàng Hung Nô. Hung Nô thu nhận, rồi khiển sứ dâng thư kể sự trạng. Bấy giờ Tân Đô hầu Vương Mãng chấp chính, khiển bọn Trung lang tướng Vương Xương đi sứ Hung Nô, bảo Thiền vu rằng Tây Vực nội thuộc [Hán], không thể nhận được. Thiền vu tạ lỗi, bắt hai vương đem giao sứ giả. Mãng sai Trung lang tướng Vương Manh đợi tại đất Ác Đô Nô (惡都奴) ở biên giới Tây Vực để đón nhận. Thiền vu khiển sứ đưa về, nhân đó xin nhận tội. Sứ giả báo lên, nhưng Mãng không nghe, xuống chiếu cho các quốc vương Tây Vực bày quân, rồi chém Cô Câu, Đường Đâu để làm gương.

 

Đến khi Mãng soán ngôi, vào năm Kiến Quốc thứ 2 (10) lấy Quảng Tân công Chấn Phong làm Hữu bá, đến giữ Tây Vực. Xa Sư Hậu vương Tu Trí Li (須置離) nghe tin, cùng với Hữu tướng Cổ Đê (股鞮), Tả tướng Thi Nê Chi (屍泥支) mưu rằng: “Nghe nói Chấn công sắp đến làm Thái bá của Tây Vực. Lệ cũ phải cấp sứ giả bò dê, ngũ cốc, cỏ rơm, người dẫn đường và thông dịch. Trước kia Ngũ Uy tướng đi qua, việc cấp sứ vẫn chưa chuẩn bị đủ. Nay Thái bá lại đến, nước sẽ càng nghèo, e không lo nổi.” [Vì thế] muốn bỏ sang Hung Nô. Mậu Kỷ Hiệu úy Đao Hộ nghe tin, triệu Trí Li đến tra hỏi. Hắn nhận tội, nên đóng cũi đem đến chỗ Đô hộ Đán Khâm ở thành Liệt Lâu (埒婁). Người dân của Trí Li biết hắn không về được, đều than khóc đưa tiễn. Khi đến nơi, Khâm liền chém Trí Li. Anh trai Trí Li là Phụ Quốc hầu Hồ Lan Chi (狐蘭支) dẫn hơn 2.000 dân chúng của Trí Li, lùa súc vật, đem cả nước bỏ sang hàng Hung Nô.

 

Bấy giờ Mãng đổi tỷ ấn của Thiền vu, Thiền vu oán hận nên nhận Hồ Lan Chi, khiển binh cùng đánh Xa Sư, giết Hậu Thành trưởng, đả thương Đô hộ Tư mã, rồi cùng binh của Hồ Lan Chi trở về Hung Nô. Bấy giờ Mậu Kỷ Hiệu úy Đao Hộ bị bệnh, khiển Sử Trần Lương đóng ở thung lũng Hoàn Thả (桓且) để phòng bị Hung Nô cướp bóc. Sử [Trần Lương] rốt cuộc đem hết lương thực theo. Tư mã thừa Hàn Huyền lĩnh các thành, Hữu điển Hầu Nhậm Thương lĩnh các lũy, cùng nhau mưu rằng: “Các nước Tây Vực hay bội phản, Hung Nô định xâm lấn lớn. [Bọn ta] chết chắc. Nên giết Hiệu úy, đem dân chúng hàng Hung Nô.” Rồi đem mấy nghìn kỵ đến phủ Hiệu úy, ép các quan đình lệnh đốt củi dự trữ, chia nhau đi báo các thành rằng: “Mười vạn kỵ Hung Nô sắp đến. Lại sĩ đều phải cầm binh khí, ai đi sau sẽ chém!” Họp được ba bốn trăm người, còn cách phủ Hiệu úy mấy lí thì dừng, đợi lửa cháy. Hiệu úy mở cửa đánh trống, thu lấy lại sĩ. Bọn Lương đi theo, rồi giết Hiệu úy Đao Hộ, bốn người con trai, các em trai và con trai họ, chỉ tha cho đàn bà và trẻ nhỏ. Chúng ở lại thành của Mậu Kỷ Hiệu úy, khiển người đến báo cho Nam tướng quân của Hung Nô. Nam tướng quân đem 2.000 kỵ đến đón bọn Lương. Bọn Lương ép tất cả lại sĩ, nam nữ của Mậu Kỷ Hiệu úy gồm hơn 2.000 người vào Hung Nô. Thiền vu lấy Lương, Đái làm Ô Bôn Đô úy.

 

 Năm Thiên Phụng thứ 3 (16), khiển Ngũ Uy tướng Vương Tuấn, Tây Vực Đô hộ Lý Sùng đem Mậu Kỷ Hiệu úy [Quách Khâm] đến Tây Vực. Các nước đều nghênh đón ngoài thành, cấp ngũ cốc cho binh. Yên Kỳ trá hàng rồi họp binh tự thủ. Bọn Tuấn đem hơn 7.000 binh Sa Xa, Quy Từ, chia làm mấy bộ vào Yên Kỳ. Yên Kỳ phục binh chặn đường Tuấn. Gặp lúc binh các nước Cô Mặc, Úy Lê, Nguy Tu làm phản gián, quay về cùng đánh bọn Tuấn, nên đều chết cả. Chỉ có Mậu Kỷ Hiệu úy Quách Khâm cầm binh riêng, đến Yên Kỳ sau. Binh Yên Kỳ chưa về, nên Khâm đánh giết kẻ già yếu của chúng rồi dẫn binh về. Mãng phong Khâm làm Sam Hồ tử. Lý Sùng thu tàn quân về giữ Quy Từ. Mấy năm sau Mãng chết, Sùng cũng mất. Tây Vực vì thế tuyệt giao.

 

[Tây Vực] lúc nhiều nhất gồm 50 nước. Từ dịch trưởng, thành trưởng, quân, giám, lại, đại lộc, bách công, thiên trưởng, đô úy, thả cừ, đương hộ, tướng, tể tướng cho đến hầu, vương đều đeo ấn thao của Hán, tổng cộng 376 người. Còn Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, An Tức, Kế Tân, Ô Dặc đều xa xôi, không nằm trong số ấy, ai đến cống hiền thì báo tạ nhau, chứ không có ghi chép hay thống lĩnh.

 

***

Chú thích

1. Khứ Hồ Lai vương: Nghĩa là “vị vương bỏ người Hồ (Hung Nô) để đi theo [Hán]”.

2. Tàm thất: Nghĩa gốc là buồng ấp kén tằm, còn dùng để chỉ hình phạt cắt bộ phận sinh dục (cung hình) ở Trung Hoa xưa kia. Theo quan niệm bấy giờ, người sau khi bị hoạn phải được đưa vào phòng kín nghỉ ngơi để tránh gió độc, giống như kén tằm được hun trong buồng, nên mới có tên gọi này.

3. Thị tử: Con cái vua các nước chư hầu được đưa đến làm con tin ở triều đình Trung Hoa dưới danh nghĩa hầu hạ cho hoàng đế.

4. Tế thần đường: Nguyên văn là “tổ” (). Phong tục Trung Hoa xưa, tức là cúng tế thần linh trước khi lên đường để mong an lành.

5. Nguyên văn viết nhầm thành “Trữ Mi” (抒彌), nay sửa lại.

6. Kẻng: Nguyên văn là “đao đâu” (刀斗), một dụng cụ nấu ăn dùng trong quân đội ở Trung Hoa xưa, hình dáng như cái vạc ba chân nhưng có cán để cầm, ngoài công dụng nấu ăn còn có thể dùng để gõ làm tiếng báo hiệu.

7. Những địa danh “Đầu Thống”, “Thân Nhiệt” ở đây nghĩa đen là “đau đầu” và “sốt trong người”, hàm ý đây là những nơi lam chướng, người đi qua dễ đổ bệnh.

8. Cửu Châu: Chín vùng đất lớn cấu thành nên vùng lãnh thổ trung tâm của Trung Hoa xưa, tương truyền do vua Hạ Vũ đặt ra. Ngũ phục: Phân loại các nước chư hầu thời Chu, gồm điện phục, hầu phục, tuy phục, yêu phục và hoang phục.

9. Đào bạt: Một loài động vật thuộc họ hươu nai.

10. Đại mã tước: Tức chim đà điểu.

11. Giám Thị: Sử ký viết là Lam Thị.

12. Nguyên văn sót chữ.

13. Phì vương: Nghĩa là “vua béo”.

14. Cuồng vương: Nghĩa là “vua điên”.

15. Đại quá: Một trong 64 quẻ của Kinh Dịch, mang ý nghĩa là thuận lợi để tiến hành công việc.

16. Cháu ngoại Hán: Tức là Nguyên Quý Mĩ nhắc đến ở trên.

 

Danh sách các nước Tây Vực

 

Chữ Hán ký âm

Phát âm Hán-Việt

Phục dựng phát âm Hán cổ

Tên khác

婼羌

Nhược Khương

/*njaɡ kʰlaŋ/

Qakilik

鄯善

Thiện Thiện

/*djenʔ ɡjenʔ/

Lâu Lan/Krokan

且末

Thả Mạt

/*tsʰAʔ mˤat/

Cherchen

精絕

Tinh Tuyệt

/*tseŋ [dz]ot/

Niya

戎盧

Nhung Lư

/*njuŋ b·raː/

 

杅彌

Vu Mi

/*ɢʷa mnel/

 

渠勒

Cừ Lặc

/*ɡa [r]ˤək/

 

于闐

Vu Điền

/*ɢʷa diːn/

Khotan

皮山

Bì Sơn

/*bral sreːn/

 

烏秅

Ô Trà

/*qaː [d]ˤra/

 

西夜

Tây Dạ

/*sɯːl laːɡs/

Kargilik

蒲犁

Bạc Lê

/*baː ril/

Tashkurgan

依耐

Y Năng

/*ʔəj nˤə-s/

 

無雷

Vô Lôi

/*mo ruːl/

 

難兜

Nan Đâu

/*n̥ʰaːn toː/

 

桃槐

Đào Hòe

/*l'aːw ɡuːl/

 

休循

Hưu Tuần

/*qʰu ljun/

 

捐毒

Quyên Độc

/*ɢʷen [d]ˤuk/

 

莎車

Sa Xa

/*soːl kʰlja/

Yarkant

疏勒

Sớ Lặc

/*sra [r]ˤək/

Kashgar

姑墨

Cô Mặc

/*kaː mˤək/

Aksu

尉頭

Úy Đầu

/*quds doː/

 

溫宿

Ôn Túc

/*quːn suɡ/

 

龜茲

Quy Từ

/*[k]ʷə ʔsɯ/

Kucha

尉犁

Úy Lê

/*quds ril/

Korla

危須

Nguy Tu

/*ŋrol so/

 

焉耆

Yên Kỳ

/*ʔa[n] [ɡ]rij/

Arshi, Karasahr

烏貪訾離

Ô Tham Ti Lệ

/*qaː kʰl'uːm ʔseʔ rel/

 

卑陸

Tỳ Lục

/*pe [r]uk/

 

郁立師

Uất Lập Sư

/*qʷək k.rəp srij/

 

單桓

Đơn Hoàn

/*taːn ɡʷaːn/

 

蒲類

Bạc Loại

/*baː ruːls/

Barkol

且彌

Thả Mi

/*tsʰAʔ mnel/

 

Kiếp

/*kab/

 

Sơn

/*sreːn/

 

狐胡

Hồ Hồ

/*ɡʷaː ɡaː/

 

車師

Xa Sư

/*kʰlja srij/

Yarkhoto

烏孫

Ô Tôn

/*qaː suːn/

 

大宛

Đại Uyển

/*qonʔ/

Yona

康居

Khang Cư

/*kʰlaːŋ kas/

Sogdia

月氏

Nguyệt Thị

/*[ŋ]ʷat ɡjeʔ/

Tokhara, Quý Xương/Kushana

罽賓

Kế Bân

/*krads pin/

 

烏弋山離

Ô Dặc Sơn Lệ

/*qaː lək sreːn rel/

Alexandria Prophthasia

安息

An Tức

/*qaːn sək/

Parthia

 

 

 

 

 

Comments