AN NAM TẠP KỶ
Tác giả: Lý Tiên Căn
Niên đại: thế kỉ 17
***
Đất
Giao Chỉ tức An Nam, tức Giao Châu, tức Nhật Nam. Phía tây bắc từ Giao Cương đến [1], nên gọi là Giao Chỉ. Đông bắc giáp Quảng Tây;
đông giáp Quảng Đông; tây giáp Vân Nam; tây nam giáp Lão Qua, tức Ai Lao xưa;
nam kề biển lớn, thông đến Chiêm Thành. Thời Tần, Hán đều là quận huyện. Họ Lê
làm vương nước này ở phía tây sông Phú Lương [2],
bên tả là núi Tam Phong, bên hữu là núi Yên Tử. Núi Tản Viên cao đến tận mây,
sông Phú Lương quấn quanh tả hữu trước khi đổ ra biển lớn. Cũng là một nơi đô hội
ở đất hoang phương nam. Có 13 đạo, 52 phủ, 219 châu huyện sở thuộc. Đô thống họ
Mạc chỉ giữ 1 phủ 4 châu Cao Bằng, nằm ở góc đông bắc. Đều không có thành
quách.
Người
nước này vấn tóc, dùng sáp thơm chải nên không xõa ra. Đi chân đất, chân không
dơ bẩn vì mặt đất đều là cát sạch. Nam nữ đều mặc áo đại lĩnh, không khác gì
nhau. Không có quần, phụ nữ mặc váy tròn xếp nếp. Vương và quan nước này có lúc
đội mũ, đeo đai, mang ủng tất, nhưng không ưa thích. Gọi quý nhân là “ông
già” [3]. “Ông già” tức là quan lớn.
Bò,
dê, lợn ở đây [người ta] thui cho trụi lông rồi cắt mà ăn. Chỉ có rượu trắng.
Ăn trầu cau luôn mồm, chỉ khi ngủ mới ngừng nhai. Hay dùng thuốc bôi lên răng, răng
đen mà bóng, thấy ai răng trắng thì cười họ. Chỉ có vương cung dùng ngói vàng;
quan và dân không dám dùng ngói mà lợp cỏ rơm, cột kèo làm bằng tre. Mái hiên cao chừng 4 thước, cửa cao
không quá 3 thước, phải cúi đầu cong lưng mới ra vào được. Điện của vương hiên
cao không quá 1 trượng.
Bên
ngoài nhà có nhiều cây tre gai, chuối ngọt, dừa, những quả ấy bốn mùa sinh trưởng
vô định. Khí hậu thường ấm, thổ sản chỉ có lúa nước, không có đại mạch, tiểu mạch.
Vải dệt rất
nhẹ. Có nghề trồng dâu nuôi tằm, lụa trù gọi là “giao duệ” (?),
thô như thứ
lụa để
vẽ tranh,
dày 2 tấc. Nhiều cây đa, cam, quýt. Có cây mít,
quả giống trái bí ngô, vị rất ngọt, bên trong có hạt như hạt đậu dao, đều ăn được.
Các thứ ngà voi, trầm hương, bông, hồ tiêu, hồi hương, tương giấm ở nước này đều
là đem từ bên ngoài đến.
Không
có bàn ghế, vì sứ thần mới đặc biệt làm hai chiếc ghế công,
rất cao lớn. Bàn yến tiệc hình tròn, sơn vàng, cao chừng 1 thước, mép tựa như
cánh hoa. Văn tự nước này giống với Trung Thổ, nhưng tạo riêng mấy chục chữ,
thêm nhiều bộ bản địa, văn thư trao đổi với sứ thần thì không dùng. Công quán
Lâm Hạ nằm ở phía đông sông Phú Lương, cách nước khoảng 20 lí, dùng tre làm tường. Mỗi lần thiên sứ [4] đến thì cắm thêm một lớp tre.
Phong
tục nước này buông thả không biết xấu hổ. Khi tắm rửa hay phóng uế, nam nữ trần truồng đi lại ngồi đứng, không
tránh né nhau, dù là nhà quyền quý cũng vậy. Nhà phú hào mới có giường và nệm,
bình dân thì không. Người quyền quý dùng lưới làm võng, hai người khiêng đi. Người rất quyền quý có kiệu
tựa như xe, ngồi khoanh chân trên kiệu, dùng tám người hoặc bốn người khiêng. Đáng buồn cười nhất là, phu cầm
lọng, cầm quạt, khiêng kiệu của vương nước này cả người trần truồng, chỉ dùng một
tấm vải xanh quấn eo, từ xương cụt luồn xuống rồi dắt lên rốn. Dù trời lạnh
cũng không mặc một tấc áo, lại đều có hình trạng béo tốt, gọi là “hảo hán”,
nghe nói đa phần là bọn giết người được xá tội [5].
Binh lính chỉ có một hai chiếc áo xanh ống tay rộng, trời nóng liền cởi trần, đều
không có giáp trụ. Khí giới gồm các thứ súng, khiên mây, thương, đao, trang trí
rất tinh xảo, nhưng sử dụng nhiều e là không đủ.
Ảnh: Đoàn rước kiệu của vua Lê trên đường đi làm lễ tịch điền
(Tranh: Samuel Baron)
Ham
đọc sách, biết viết chữ, nhưng thích cái quái dị, không có truyền thụ, nên chẳng
hề hiểu thấu. Chuộng thờ quỷ, không vâng lời dạy của hai họ [6]. Coi kẻ biết nói cứng là giỏi. Nên Căn này
phê bình bốn chữ: ngu – nghi – trá – ngạo. Ngu tức không hiểu lí; nghi tức không
tin lời người; trá tức lời của chúng không tin được; ngạo tức tự cho mình vô tội.
Bốn chữ ấy như tường đồng vách sắt, vững không thể phá. Cốt ở triều đình tính
toán, quan lại biên giới xếp đặt uy phong, thì sẽ làm chúng kinh sợ thôi.
***
Chú thích:
1. Giao Cương: là một tên gọi xưa chỉ chung vùng núi tây bắc nước ta.
2. Sông Phú Lương: Chỉ sông Hồng ngày nay.
3. Ông già: Nguyên văn kí âm là “ông trà” (翁茶). “Ông già” là tiếng xưng hô với người quyền quý
ở nước ta lúc bấy giờ
4. Thiên sứ: Chỉ sứ giả Trung Quốc.
5. Việc dùng tội nhân làm phu kiệu được
ghi nhận trong Đại Việt sử ký toàn thư
6. Lời dạy của hai họ: Tức họ Thích và họ
Lão, chỉ Phật giáo và Đạo giáo.
(Dịch thuật và chú thích: Quốc Bảo)
Comments
Post a Comment