Sử ký - Đại Uyển liệt truyện

ĐẠI UYỂN LIỆT TRUYỆN

Sử ký – quyển 123

 

***

"Trương Khiên xuất sứ Tây Vực" (Tranh: Liu Dawei)


Sự tích về Đại Uyển [1] là chép theo lời Trương Khiên. Trương Khiên là người Hán Trung, làm chức lang vào thời Kiến Nguyên (140-135 TCN). Bấy giờ Thiên tử hỏi những người Hung Nô đầu hàng, đều nói Hung Nô phá được Nguyệt Thị vương, lấy đầu hắn làm chén uống rượu. Nguyệt Thị [2] chạy trốn nhưng vẫn oán thù Hung Nô, không ngại cùng đánh Hung Nô. Hán đang tính việc diệt người Hồ, nên nghe những lời ấy thì muốn thông sứ. Đường đi đều nằm trên qua đất Hung Nô, nên mộ sứ giả có thể đi được. Khiên đang làm chức lang thì ứng mộ đi sứ Nguyệt Thị, cùng nô tì người Hồ thuộc thị tộc Đường Ấp (堂邑) là Cam Phụ (甘父) xuất phát từ Lũng Tây. Khi đi qua Hung Nô thì bị Hung Nô bắt, giải đến chỗ Thiền vu. Thiền vu giữ lại, nói rằng: “Nguyệt Thị nằm phía bắc ta, sao Hán lại sai sứ đi? Ta muốn đi sứ Việt, Hán có chịu cho ta đi không?” Khiên bị giữ hơn mười năm, cưới vợ sinh con, nhưng Khiên giữ cờ tiết của Hán không để mất.

 

Ở đất Hung Nô thảnh thơi, Khiên nhân đó cùng những người Nguyệt Thị mất quê chạy về tây, đi mười ngày thì đến Đại Uyển. Đại Uyển nghe nói Hán nhiều của cải, muốn thông sứ mà không được. Khi gặp Khiên thì mừng rỡ, hỏi rằng: “Ông muốn điều gì?” Khiên nói: “Tôi làm sứ Hán sang Nguyệt Thị, nhưng bị Hung Nô chặn đường. Nay trốn được, chỉ mong vương sai người dẫn đường cho tôi. Nếu đến được thì khi về Hán, Hán sẽ tặng của cải cho vương nhiều không kể xiết.” Đại Uyển cho là hay nên cho Khiên đi, cử người dẫn đường. Khi đến Khang Cư [3], Khang Cư dẫn tới Đại Nguyệt Thị. Đại Nguyệt Thị vương đã bị người Hồ giết, lập thái tử làm vương, rồi thu phục đất Đại Hạ [4] mà sống ở đấy. Đất màu mỡ, ít cướp bóc nên có chí an lạc, lại thấy mình ở xa Hán nên chẳng hề có lòng báo thù người Hồ. Khiên từ Nguyệt Thị sang Đại Hạ, rốt cuộc không thuyết phục được Nguyệt Thị. Ở lại hơn một năm thì về, men theo Nam Sơn [5], định đi qua đất người Khương để về nhưng lại bị Hung Nô bắt. Bị giữ hơn một năm thì Thiền vu chết, Tả cốc lê vương tấn công thái tử rồi tự lập, trong nước loạn. Khiên cùng người vợ Hồ và Đường Ấp Phụ đều trốn về Hán. Hán bái Khiên làm Thái Trung đại phu, Đường Ấp Phụ làm Phụng sứ quân.

 

Khiên là người mạnh mẽ, rộng rãi, tin người, được Man Di yêu mến. Đường Ấp Phụ vốn là người Hồ, giỏi bắn tên nên lúc khốn cùng hay nguy cấp bắn được chim thú để làm thức ăn. Lúc Khiên đi, ban đầu có hơn trăm người, 13 năm sau chỉ còn hai người về được.

 

Khiên tự thân đến được Đại Uyển, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, Khang Cư, rồi nghe ngóng về năm sáu nước lớn bên cạnh, kể hết cho Thiên tử rằng:

Đại Uyển nằm ở phía tây nam Hung Nô, chính tây Hán, cách Hán chừng vạn lí. Tục nước này sống định cư, cày ruộng, trồng lúa nước, lúa mạch. Có rượu nho. Nhiều ngựa tốt, ngựa chảy mồ hôi máu [6], tổ tiên là con của ngựa trời. Có thành quách nhà cửa. Các thuộc ấp lớn nhỏ gồm hơn 70 thành, dân chúng chừng mấy chục vạn. Binh lính dùng cung, mâu, kỵ xạ. Phía bắc là Khang Cư, phía tây là Đại Nguyệt Thị, tây nam là Đại Hạ, đông bắc là Ô Tôn [7], đông là Hu Thân (穼), Vu Điền (於填) [8]. Phía tây Vu Điền thì sông đều chảy về tây đến Tây Hải [9]; sông phía đông chảy về đông, đổ vào Diêm Trạch [10]. Diêm Trạch chảy ngầm dưới đất, phía nam nó là đầu nguồn của sông Hà, nhiều ngọc thạch, sông Hà đổ vào Trung Quốc. Còn các ấp Lâu Lan (樓蘭) [11], Cô Sư (姑師) [12] thì có thành quách, nằm ven Diêm Trạch. Diêm Trạch cách Trường An khoảng 5.000 lí. Hữu phương của Hung Nô sống từ phía đông Diêm Trạch đến Trường Thành ở Lũng Tây, phía nam tiếp giáp Khương, cản đường của Hán.

Ô Tôn nằm khoảng 2.000 lí về phía đông bắc Đại Uyển, là nước di cư theo súc vật, tục giống với Hung Nô. Có mấy vạn lính cầm cung, chiến đấu dũng cảm. Xưa quy phục Hung Nô, khi thịnh dứt bỏ trói buộc, không chịu đến triều hội.

Khang Cư nằm khoảng 2.000 lí về phía tây bắc Đại Uyển, là nước di cư, tục giống với Đại Nguyệt Thị. Có tám chín vạn lính cầm cung. Là láng giềng với Đại Uyển. Nước nhỏ, phía nam lệ thuộc Nguyệt Thị, phía đông lệ thuộc Hung Nô.

Yêm Thái (奄蔡) [13] nằm khoảng 2.000 lí về phía tây bắc Khang Cư, là nước di cư, tục giống với Khang Cư. Có mười vạn lính cầm cung. Nằm cạnh đầm lớn, không có núi, có lẽ là Bắc Hải.

Đại Nguyệt Thị nằm chừng hai ba nghìn lí về phía tây Đại Uyển, sống ở bắc sông Quy (媯) [14]. Phía nam là Đại Hạ, tây là An Tức [15]. Là nước di cư theo súc vật, tục giống với Hung Nô. Có khoảng 10-20 vạn lính cầm cung. Thời xưa mạnh, khinh Hung Nô. Khi Mặc Đốn lập thì công phá Nguyệt Thị. Đến thời Lão Thượng thiền vu của Hung Nô, giết Nguyệt Thị vương, lấy đầu làm chén rượu. Ban đầu Nguyệt Thị sống ở giữa Đôn Hoàng và Kỳ Liên, khi bị Hung Nô đánh bại bèn chạy xa, đi qua đất Uyển, đánh Đại Hạ ở phía tây rồi bắt làm thần, đóng đô ở bắc sông Quy, lấy làm vương đình. Số nhỏ dân chúng không chạy được sống cạnh người Khương ở Nam Sơn, gọi là Tiểu Nguyệt Thị.

An Tức nằm khoảng mấy nghìn lí về phía tây Đại Nguyệt Thị. Tục nước này sống định cư, cày ruộng, trồng lúa nước, lúa mạch, uống rượu nho. Thành ấp giống như Đại Uyển. Có mấy trăm thành lớn nhỏ lệ thuộc, đất rộng mấy nghìn lí, là nước rất lớn. Ở ven sông Quy có chợ, dân buôn bán dùng thuyền xe đi mấy nghìn lí đến các nước bên cạnh. Dùng bạc làm tiền, tiền giống như mặt vương, vương chết liền đổi tiền noi theo mặt vương [mới]. Viết theo hàng ngang trên da thú để ghi chép. Phía tây là Điều Chi (條枝) [16], phía bắc có Yêm Thái, Lê Hiên (黎軒) [17].

Điều Chi nằm khoảng mấy nghìn lí về phía tây An Tức, ven Tây Hải. Nóng ẩm, cày ruộng, trồng lúa nước. Có chim lớn, trứng to như cái hũ [18]. Dân chúng rất đông. Thường hay có các quân trưởng nhỏ, nhưng bị An Tức dịch thuộc cả, lấy làm ngoại quốc. Trong nước giỏi diễn trò. Trưởng lão An Tức đồn đại rằng Điều Chi có Nhược Thủy [19], Tây Vương Mẫu, nhưng chưa từng thấy.

Đại Hạ nằm hơn 2.000 lí về phía tây nam Đại Uyển, phía nam sông Quy. Tục nước này sống định cư, có thành quách, tục giống với Đại Uyển. Không có quân trưởng lớn, thành ấp thường đặt quân trưởng nhỏ. Binh yếu, sợ chiến đấu, giỏi mua bán. Khi Đại Nguyệt Thị dời về tây thì đánh bại được nước này, bắt Đại Hạ thần phục như súc vật. Dân Đại Hạ đông chừng hơn trăm vạn. Kinh đô là thành Lam Thị (藍市) [20], có chợ mua bán các thứ. Phía đông nam có nước Thân Độc (身毒) [21].”

 

Trung Á vào thế kỉ I TCN, với các địa danh trong Sử ký


Khiên nói:

Thần lúc ở Đại Hạ thấy gậy tre Cùng và vải Thục [22] nên hỏi rằng: ‘Sao có được thứ này?’ Người nước Đại Hạ đáp: ‘Lái buôn nước tôi mua ở Thân Độc.’ Thân Độc nằm khoảng mấy nghìn lí về phía đông nam Đại Hạ. Tục nước ấy sống định cư, lớn ngang Đại Hạ, nhưng ẩm thấp nóng bức. Người dân cưỡi voi chiến đấu. Nước ấy nằm ven sông lớn. “ Theo đo đạc của Khiên thì Đại Hạ cách Hán 12.000 lí, ở phía tây nam Hán. Nay nước Thân Độc lại nằm mấy nghìn lí về đông nam Đại Hạ, có hàng xứ Thục, thì nước ấy cách Thục không xa. Nay đi sứ Đại Hạ phải qua đất Khương hiểm trở, người Khương ghét; đi về bắc thì bị Hung Nô bắt. Nếu đi thẳng từ Thục sẽ không có cướp bóc.”

Thiên tử nghe nói Đại Uyển, Đại Hạ và An Tức đều là nước lớn, nhiều vật lạ, sống định cư, rất giống với với Trung Quốc, nhưng binh yếu, tham của cải Hán; phía bắc có Đại Nguyệt Thị, Khang Cư binh mạnh, khả dĩ biếu tặng để làm lợi cho triều đình. Hơn nữa nếu quả thực có thể dùng nghĩa thu phục thì mở đất thêm vạn lí, đi qua cửu dịch mà đem tục lạ đến [23], uy đức vang khắp bốn biển. Thiên tử mừng rỡ, cho lời Khiên là đúng, bèn lệnh Khiên từ đất Kiền Vi ở Thục ngầm phát sứ đi, cùng xuất theo bốn đường Nhiễm Mang, Tỷ, Cùng, Bặc [24], đều đi một hai nghìn lí. Hướng bắc vấp phải Đê, Khương; hướng nam vấp phải Huề, Côn Minh. Dân Côn Minh không có quân trưởng, giỏi cướp bóc, liền giết hại sứ Hán, rốt cuộc chẳng thông được. Nhưng nghe nói khoảng hơn nghìn lí về phía tây có nước cưỡi voi tên là Điền Việt, mà trong số lái buôn Thục đem hàng ra ngoài có kẻ đến được, vì thế Hán nhân việc tìm đường đến Đại Hạ mà bắt đầu thông sứ với nước Điền. Ban đầu Hán muốn thông sứ với người Di tây nam nhưng tốn nhiều phí, đường không thông, nên bãi. Đến khi Trương Khiên nói khả dĩ thông Đại Hạ, bèn lại tính việc người Di tây nam.

 

Khiên làm Hiệu úy, theo Đại tướng quân [25] đánh Hung Nô, biết nơi có cỏ nước, quân không thiếu đói, bèn phong Khiên làm Bác Vọng hầu. Năm ấy là năm Nguyên Sóc thứ 6 (123 TCN). Năm sau (122 TCN), Khiên làm Vệ úy, cùng Lý tướng quân [26] xuất phát từ Hữu Bắc Bình đánh Hung Nô. Hung Nô vây Lý tướng quân, quân mất mát nhiều, Khiên đến trễ nên đáng tội chém, nhưng được chuộc làm thứ dân. Năm ấy Hán khiển Phiêu Kỵ [27] phá mấy vạn quân Hung Nô ở Tây Vực, đến núi Kỳ Liên. Năm sau (121 TCN), Hỗn Tà vương đem dân mình hàng Hán, nên từ Kim Thành, Hà Tây về tây và từ Nam Sơn đến Diêm Trạch sạch bóng Hung Nô. Hung Nô bấy giờ có cho người đến dò la, nhưng rất hiếm. Hai năm sau (119 TCN), Hán đánh đuổi Thiền vu về Mạc Bắc.

 

Về sau Thiên tử nhiều lần hỏi Khiên chuyện Đại Hạ. Khiên đã mất tước hầu, nhân đó nói rằng:

Thần sống giữa Hung Nô, nghe nói Ô Tôn vương hiệu là Côn Mạc (昆莫). Vào thời cha của Côn Mạc, [Ô Tôn] là tiểu quốc ở biên giới phía tây Hung Nô. Lúc Hung Nô đánh giết cha mình, Côn Mạc mới sinh, bị bỏ ngoài đồng, được quạ trên đầu mớm sâu, sói đến cho bú. Thiền vu thấy lạ, cho là thần nên đem về nuôi lớn. Khi trai tráng được sai cầm binh, nhiều lần lập công, Thiền vu lại lấy dân của người cha trao cho Côn Mạc, lệnh cầm giữ ở Tây Vực. Côn Mạc nuôi dưỡng dân mình, đánh các ấp nhỏ bên cạnh, có được mấy vạn lính cầm cung, tập công chiến. Khi Thiền vu chết, Côn Mạc bèn đem dân chúng dời đi xa, giữ trung lập, không chịu triều hội Hung Nô. Hung Nô khiển kỳ binh đánh nhưng không thắng, cho là thần rồi rút về, nhân đó ràng buộc [Ô Tôn], không đánh lớn nữa. Nay Thiền vu mới gặp khốn trước Hán, mà đất Hỗn Tà cũ vắng bóng người. Man Di thường tham của cải Hán, nay nếu nhân lúc này mà đút lót hậu cho Ô Tôn, gọi về miền đông sống ở đất cũ của Hỗn Tà, cùng Hán kết anh em, thế ấy rất thuận lợi, nếu Ô Tôn nghe theo thì sẽ cắt được cánh tay phải của Hung Nô. Liên kết được Ô Tôn thì từ Đại Hạ về tây đều có thể gọi đến bắt làm ngoại thần.”

Thiên tử cho là đúng nên bái Khiên làm Trung lang tướng, đem 200 người, mỗi người hai con ngựa, cùng mấy vạn bò dê, hàng nghìn món vàng lụa, cầm cờ tiết Phó sứ và Đạo khả sứ, sai tặng cho các nước bên cạnh.

 

Khi Khiên đến Ô Tôn, Ô Tôn vương Côn Mạc gặp sứ Hán thì hành lễ như với Thiền vu. Khiên rất thẹn, nhưng biết Man Di tham lam, bèn nói: “Thiên tử ban quà đến, vương không bái thì trả quà lại.” Côn Mạc đứng dậy bái quà, còn các lễ khác vẫn như cũ. Khiên dụ sứ chỉ rằng: “Nếu Ô Tôn đến sống ở đất Hỗn Tà phía đông thì Hán sẽ khiển ông chúa [28] làm phu nhân Côn Mạc.” Ô Tôn trong nước chia rẽ, vương đã già, lại ở xa Hán nên chưa biết lớn nhỏ, vốn phục thuộc Hung Nô lâu ngày mà lại ở gần chúng. Các đại thần đều sợ người Hồ nên không muốn dời đi, còn vương không thể chuyên chế, Khiên không thuyết phục được.

 

Côn Mạc có hơn mười con trai. Con giữa tên là Đại Lộc (大祿), mạnh mẽ, giỏi cầm quân, có riêng hơn vạn kỵ. Anh trai Đại Lộc là thái tử. Thái tử có con trai tên Sầm Thú (岑娶). Thái tử chết sớm, lúc sắp chết nói với cha mình Côn Mạc rằng: “Phải lấy Sầm Thú làm thái tử, không được để người khác thay.” Côn Mạc đau buồn nên hứa. Khi mất, lấy Sầm Thú làm thái tử. Đại Lộc oán chuyện không được làm thái tử nên họp các anh em, đem quân làm phản, mưu đánh Sầm Thú và Côn Mạc. Côn Mạc già, thường sợ Đại Lộc giết Sầm Thú nên cho Sầm Thú hơn vạn kỵ sống riêng, còn Côn Mạc giữ hơn vạn kỵ tự phòng bị. Người trong nước chia làm ba, nhưng quyền thống lĩnh chung vẫn thuộc về Côn Mạc. Côn Mạc vì vậy cũng không dám tự giao hẹn với Khiên. Khiên nhân đó khiển phó sứ chia nhau đi sứ Đại Uyển, Khang Cư, Đại Nguyệt Thị, Đại Hạ, An Tức, Thân Độc, Vu Điền, Vu Thân và các nước lân cận. Ô Tôn phát người dẫn đường đưa Khiên về. Khiên cùng sứ giả Ô Tôn mấy chục người, ngựa mấy chục con đến báo tạ [Hoàng đế], nhân đó cho họ xem đất Hán để biết rộng lớn thế nào. Khi Khiên trở về, được bái làm Đại hành, liệt vào hàng cửu khanh. Hơn một năm sau thì mất.

 

Sứ Ô Tôn thấy được sự giàu có của người Hán, về báo cho nước mình, nên nước này càng quý trọng Hán hơn. Hơn một năm sau, các sứ giả Khiên khiển đi thông hiếu các nước như Đại Hạ đều cùng người các nước ấy đến, nhờ đó các nước tây bắc lần đầu thông hiếu với Hán. Nhưng vì Trương Khiên mở lối, nên từ sau sứ giả đến đều xưng là Bác Vọng hầu để làm tin với ngoại quốc, ngoại quốc vì thế tin tưởng.

 

Từ sau khi Bác Vọng hầu Khiên chết, Hung Nô nghe tin Hán thông hiếu Ô Tôn thì tức giận, muốn đánh Ô Tôn. Khi Hán đi sứ Ô Tôn, từ miền nam xứ này có thể đi đến Đại Uyển, Đại Nguyệt Thị. Ô Tôn sợ hãi nên sai sứ hiến ngựa, nguyện lấy nữ ông chúa của Hán và làm anh em. Thiên tử hỏi kế sách quần thần, thì đều nói: “Phải nộp sính lễ trước rồi sau mới khiển con gái.”

 

Ban đầu, Thiên tử phát hiện lời sấm nói rằng “Ngựa thần đang từ tây bắc đến.” Khi có được ngựa Ô Tôn thì ưa thích, đặt tên là “Thiên Mã”. Đến lúc có được ngựa hãn huyết của Đại Uyển thì càng khen ngợi, đổi tên ngựa Ô Tôn thành “Tây Cực”, đặt tên ngựa Đại Uyển là “Thiên Mã”. Rồi Hán bắt đầu xây dựng từ Lệnh Cư [29] về tây, đặt quận Tửu Tuyền để thông với các nước tây bắc. Nhân đó phát thêm sứ giả đến các nước An Tức, Yêm Thái, Lê Hiên, Điều Chi, Thân Độc. Nhưng Thiên tử thích ngựa Uyển, nên sứ giả đi đi về về liên tục. Một đoàn đi sứ ngoại quốc lớn thì mấy trăm, nhỏ thì hơn trăm người, đồ đạc mang theo đều phỏng theo Bác Vọng hầu. Về sau càng quen dần mà giảm bớt. Lính Hán đi theo trung sứ nhiều thì hơn chục người, ít thì năm sáu tên. Đi xa thì tám chín năm, đi gần thì mấy năm là về.

 

Bấy giờ Hán đã diệt Việt, nên người Di phía tây nam Thục đều chấn động, xin được vào chầu. Vì thế đặt quận Ích Châu, Việt Huề, Tang Kha, Trầm Lê, Môn Sơn, hòng nối đất để thông trước đến Đại Hạ. Lại khiển bọn sứ giả Bách Thủy Xương, Lữ Việt Nhân hơn mười đoàn, từ quận mới ấy đến Đại Hạ, nhưng đều bị Côn Minh chặn giết, đoạt của cải, rốt cuộc chẳng thể thông đến Đại Hạ. Vì thế Hán phát tội nhân ở Tam Phụ [30] cùng mấy vạn lính Ba Thục, khiển hai tướng quân Quách Xương, Vệ Quảng đi đánh Côn Minh vì tội cản sứ giả Hán, bắt giết mấy vạn người rồi về. Về sau khiển sứ đi thì lại bị Côn Minh cướp bóc, rốt cuộc chẳng thể thông được. Còn đường phía bắc từ Tửu Tuyền đến Đại Hạ sứ giả đi nhiều, nhưng ngoại quốc chán dần của cải Hán, không quý sản vật nữa.

 

Từ khi Bác Vọng hầu mở đường ra ngoại quốc mà được tôn quý, thì về sau lại tốt đều tranh nhau dâng thư nói chỗ kỳ quái, lợi hại của ngoại quốc để xin đi sứ. Thiên tử thấy rằng xứ ấy xa xôi, không phải chốn an lạc cho người ta nên nghe lời ấy, cho cờ tiết, mộ những quan dân không thắc mắc đi đến đâu để cho đầy đủ người, rồi khiển đi để mở rộng đường ấy. Khi về mà bị cướp bóc của cải hay sứ để mất chỉ, Thiên tử thấy chuyện xảy ra nhiều nên liền khép vào trọng tội, bắt phải chuộc mình, rồi lại tìm sứ mới. Sứ đi lại liên miên mà hay phạm pháp. Bọn lại tốt cũng liền kể lại sự suy thịnh ngoại quốc sở hữu, kẻ nói nhiều được cho cờ tiết, nói ít thì làm phó, nên bọn không đi mà nói càn đều tranh nhau bắt chước theo. Sứ giả đều là con nhà nghèo, mang theo của cải riêng của quan huyện hòng buôn bán với ngoại quốc kiếm lợi riêng. Ngoại quốc cũng ghét việc sứ Hán người người đều nói nặng nói nhẹ, ước chừng Hán binh ở xa không đến được nên cấm đưa thức ăn để làm khổ sứ Hán. Sứ Hán đói khát nên nuôi giận, đến nỗi đánh nhau. Lâu Lan, Cô Sư là nước nhỏ, nhưng vì chắn giữ đường trống nên đánh cướp bọn sứ Hán là Vương Khôi rất nhiều. Kỳ binh Hung Nô cũng thường xuyên chặn đánh người đi sứ các nước phía tây. Sứ giả tranh nhau kể lể tai hại của ngoại quốc, đều nói chúng có thành ấp, binh yếu dễ đánh. Vì thế Thiên tử lấy Tòng Kỵ hầu Phá Nô đem kỵ sáu nước và mấy vạn binh các quận đến sông Hung Hà [31] định đánh người Hồ, người Hồ đều bỏ chạy. Năm sau, đánh Cô Sư. Phá Nô cùng hơn 700 khinh kỵ đến trước, bắt sống Lâu Lan vương rồi phá Cô Sư, nhân đó dùng binh uy đe dọa các nước Ô Tôn, Đại Uyển. Khi về, phong Phá Nô làm Trác Dã hầu. Vương Khôi khi đi sứ nhiều lần bị Lâu Lan làm khổ nên nói với Thiên tử. Thiên tử phát binh, lệnh Vương Khôi, Phá Nô đánh phá, rồi phong Khôi làm Hạo hầu. Vì thế đặt đình ải từ Tửu Tuyền đến Ngọc Môn.

 

Ô Tôn đem nghìn con ngựa hỏi cưới con gái Hán. Hán khiển con gái tông thất là Giang Đô ông chúa sang gả cho Ô Tôn; Ô Tôn vương Côn Mạc lấy làm Hữu phu nhân. Hung Nô cũng khiển con gái gả cho Côn Mạc; Côn Mạc lấy làm Tả phu nhân. Côn Mạc nói: “Ta đã già”, bèn lệnh cháu là Sầm Thú cưới ông chúa. Ô Tôn nhiều ngựa, kẻ giàu có đến bốn năm nghìn con.

 

Ban đầu, khi sứ Hán đến An Tức, An Tức vương lệnh đem 20.000 kỵ ra biên giới phía đông nghênh đón. Biên giới phía đông cách vương đô mấy nghìn lí, để đi đến phải qua mấy chục thành, người dân chen chúc đông đúc. Khi sứ Hán về thì [An Tức] lại phát sứ đi theo sứ Hán để xem sự rộng lớn của Hán, đem trứng chim lớn và người Lê Hiên giỏi diễn trò hiến cho Hán. Các tiểu quốc phía tây Uyển là Hoan Tiềm (驩潛) [32], Đại Ích (大益) [33], phía đông Uyển là Cô Sư, Vu Thân, Tô Giới (蘇薤) [34] đều theo sứ Hán vào chầu Thiên tử, Thiên tử rất hài lòng.

 

Sứ Hán đi đến đầu nguồn sông Hà. Đầu nguồn bắt đầu ở Vu Điền, núi ấy nhiều ngọc thạch nên nhặt về. Thiên tử xem đồ thư cổ, đặt tên nơi bắt nguồn của sông Hà là Côn Lôn.

 

Bấy giờ Hoàng thượng nhiều lần tuần thú trên biển, bèn đem hết khách ngoại quốc theo, đại để cứ nơi nào nhiều người thì đi qua, phát tiền lụa để ban thưởng, chu cấp rất hậu để tỏ rõ sự giàu có của Hán. Vì thế bày các trò biểu diễn, đem những trò lạ vật quái ra khoe, khi nhiều người đến xem thì tiến hành ban thưởng, rượu tràn như hồ, thịt đầy như rừng. Lệnh khách ngoại quốc xem khắp các kho tàng tích trữ để thấy sự lớn lao của Hán, khiến họ rất choáng ngợp. Lại thưởng công kẻ diễn trò, mà trò biểu diễn lạ hằng năm đều tăng, cực kì hưng thịnh, là bắt đầu từ đấy.

 

Sứ ngoại quốc tây bắc thích thì đến thích thì đi. Các nước phía tây Uyển đều tự cho mình ở xa, chuộng buông thả phóng đãng, chưa thể dùng lễ ràng buộc mà sai bảo. Từ Ô Tôn về tây đến An Tức ở gần Hung Nô. Vì Hung Nô từng làm khốn Nguyệt Thị, nên sứ Hung Nô mang một tin của Thiền vu đến thì nước nước dâng thức ăn, không dám làm khó; còn khi sứ Hán đến, không đem tiền lụa ra thì không có thức ăn, không mua súc vật thì không có ngựa cưỡi. Sở dĩ như vậy vì Hán ở xa, mà Hán nhiều của cải nên chúng đều muốn mua lấy, nhưng sợ Hung Nô hơn sứ Hán.

 

Kẻ tả hữu ở Uyển dùng nho làm rượu. Người giàu trữ rượu đến hơn vạn thạch, để lâu mấy chục năm cũng không hỏng. Người nước này thích uống rượu, ngựa thích cỏ mục túc. Sứ Hán biết được sự thực ấy nên báo lại. Vì thế Thiên tử mới trồng mục túc và nho ở đất màu mỡ. Khi có nhiều ngựa trời, sứ ngoại quốc đến thì rời cung ra xem nho và mục túc, trải xa tít tắp.

 

Từ Đại Uyển về tây đến An Tức, các nước tuy có nhiều ngôn ngữ nhưng phong tục đại đồng, hiểu được lời nhau. Người ta đều mắt sâu, nhiều râu ria, giỏi mua bán, tranh nhau quyết liệt. Tục quý đàn bà, đàn bà nói trước rồi đàn ông mới chỉnh sửa. Đất này không có tơ hay sơn, không biết đúc tiền và làm khí giới. Khi lính trong sứ đoàn Hán trốn sang đầu hàng mới dạy họ chế tạo binh khí. Có được vàng bạc của Hán liền lấy làm đồ dùng, không dùng làm tiền.

 

Từ khi sứ giả Hán đi lại nhiều, bọn lính đi theo dâng lời ngọt cho Thiên tử, nói rằng: “Uyển có ngựa tốt ở thành Nhị Sư (貳師) [35], giấu không chịu cho sứ Hán.” Thiên tử vốn thích ngựa Uyển nên nghe thế mủi lòng, sai bọn tráng sĩ, xa lệnh mang nghìn vàng và ngựa vàng để xin ngựa tốt ở thành Nhị Sư của Đại Uyển. Nước Uyển chê quà Hán, cùng bàn mưu rằng: “Hán cách xa ta mà từng thua nhiều lần ở Diêm Thủy, đi về bắc thì có giặc Hồ, đi về nam thì thiếu cỏ nước. Hơn nữa [Tây Vực] làng ấp rải rác, thức ăn thiếu thốn. Sứ Hán đến chỉ có mấy trăm người mà thường thiếu ăn, người chết quá nửa, thế làm sao đại quân đến nổi? Hán không có gì để đối phó ta. Hơn nữa ngựa Nhị Sư là ngựa quý của Uyển vậy.” Bèn không chịu cho sứ Hán. Sứ Hán tức giận nên nói càn, đập vỡ ngựa vàng rồi về. Quý nhân Uyển giận, nói rằng: “Sứ Hán đến đây khinh ta!” Chúng đuổi sứ Hán về rồi lệnh Uất Thành (鬱成) [36] ở biên giới phía đông chặn đánh giết sứ Hán, cướp lấy của cải. Vì thế Thiên tử cả giận. Bọn từng đi sứ Uyển là Dao Định Hán nói quân Uyển yếu, thành ra đem không quá 3.000 binh Hán, dùng nỏ mạnh bắn thì sẽ phá tan được Uyển. Thiên tử đã từng sai Trác Dã hầu tấn công Lâu Lan, dùng 700 kỵ đi trước bắt vương nước ấy, nên cho lời bọn Định Hán là đúng. Lại nghe theo sủng cơ Lý thị [37] nên bái Lý Quảng Lợi làm Nhị Sư tướng quân, phát 6.000 kỵ các thuộc quốc cùng mấy vạn thiếu niên mắc tội ở các quận quốc để đi đánh Uyển. Vì hẹn đến thành Nhị Sư lấy ngựa tốt, nên gọi là “Nhị Sư tướng quân”. Triệu Thủy Thành làm Quân chính, tiền Hạo hầu Vương Khôi được sai dẫn đường cho quân, còn Lý Xỉ làm Hiệu úy cầm nắm việc quân. Năm ấy là năm Thái Sơ thứ 1 (104 TCN), Quan Đông có nạn châu châu lớn, bay về tây đến Đôn Hoàng.

 

Khi quân của Nhị Sư tướng quân đã vượt qua Diêm Thủy, các tiểu quốc dọc đường đều sợ, giữ chặt lấy thành không chịu cấp lương thực. [Quân Hán] tấn công nhưng không hạ được, nếu hạ thì có ăn, không hạ thì sau mấy ngày đi tiếp. Khi đến Uất Thành chỉ còn không quá mấy nghìn lính, đều đói lả. [Quân Hán] tấn công Uất Thành, nhưng Uất Thành đại phá quân Hán, sát thương rất nhiều. Nhị Sư tướng quân cùng bọn Xỉ và Thủy Thành tính kế rằng: “Đến Uất Thành mà vẫn không hạ nổi, huống hồ là đến vương đô nữa?” nên dẫn binh trở về. Cả đi cả về mất hai năm. Khi về đến Đôn Hoàng còn lại không quá một, hai phần mười. [Nhị Sư] sai sứ dâng thư nói: “Đường xa, thức ăn thiếu thốn, hơn nữa sĩ tốt không lo đánh chỉ lo đói. Người ít, không đủ để hạ Uyển. Mong được bãi binh, phát thêm quân rồi đi lại.” Thiên tử nghe tin thì cả giận, sai sứ chặn Ngọc Môn, nói rằng: “Trong quân có kẻ nào dám vào sẽ chém ngay!” Nhị Sư hoảng sợ, vì thế ở lại Đôn Hoàng.

 

Mùa hè ấy, Hán mất 20.000 binh của Trác Dã vào tay Hung Nô. Công khanh và nghị giả đều mong bãi quân đánh Uyển, dốc sức đánh Hồ. Nhưng Thiên tử đã quyết tru Uyển, Uyển là nước nhỏ mà không hạ nổi thì các nước Đại Hạ sẽ khinh Hán, mà ngựa tốt của Uyển không đến thì Ô Tôn, Lôn Đầu (崙頭) [38] dễ làm khổ sứ Hán, làm trò cười cho ngoại quốc. Vì thế bỏ qua lời của bọn Đặng Quang nói đánh Uyển rất bất tiện, rồi xá tội tù nhân, đồ làm tài quan [39], phát thêm bọn thiếu niên mắc tội và kỵ biên giới. Hơn một năm sau 60.000 người rời Đôn Hoàng, không cấp phu khuân vác. Bò 100.000, ngựa hơn 30.000 con, lừa, la, lạc đà đến hàng vạn. Mang nhiều lương, nỏ binh đầy đủ. Thiên hạ tao động. Số vâng mệnh đánh Uyển có tất cả hơn 50 Hiệu úy. Trong thành Uyển vương không có giếng, đều lấy nước từ dòng chảy ngoài thành, vì thế bèn khiển thợ nước dời dòng chảy dưới chân thành để thành cạn nước. Phát thêm 180.000 lính thú mang giáp, từ Tửu Tuyền, Trương Dịch về bắc đặt Cư Diên, Hưu Đồ để bảo vệ Tửu Tuyền. Phát bảy hạng dân khoa dịch [40] trong thiên hạ để gánh lương cấp cho Nhị Sư, người xe nối nhau chuyển đến Đôn Hoàng. Lấy hai người thạo về ngựa làm Chấp khu Hiệu úy, chuẩn bị sau khi phá Uyển sẽ chọn lựa ngựa tốt.

 

Vì thế Nhị Sư lại lên đường. Binh nhiều nên đi đến đâu các tiểu quốc chẳng ai không nghênh đón, xuất lương thực cấp quân. Khi đến Lôn Đầu, Lôn Đầu không hàng, nên tấn công mấy ngày rồi giết sạch. Từ đấy về tây yên bình, đi đến thành của Uyển thì Hán binh còn 30.000 người. Khi quân Uyển đón đánh quân Hán, quân Hán bắn tên đánh bại được, người Uyển chạy vào nấp trong thành. Quân của Nhị Sư muốn đi đánh Uất Thành nhưng sợ dừng lại thì khiến Uyển càng sinh gian trá, bèn đi đến Uyển trước, chặn nguồn nước ở đấy dời đi, nên người Uyển phải chịu khổ sở. Vây đánh thành ấy hơn 40 ngày thì phá được tường thành ngoài, bắt quý nhân Uyển là dũng tướng Tiên Mĩ (煎靡). Người Uyển khiếp sợ, chạy vào thành trong. Quý nhân Uyển cùng bàn mưu rằng:

Hán sở dĩ đánh Uyển là vì vương Mưu Quả (毋寡) giấu ngựa tốt rồi giết sứ Hán. Nay nếu giết vương Mưu Quả mà đem ngựa tốt ra, quân Hán ắt giải vây. Nếu không giải thì dốc sức đánh đến chết cũng chưa muộn.”

Quý nhân Uyển đều cho là đúng, cùng giết vương Mưu Quả, khiển quý nhân mang đầu hắn đưa đến chỗ Nhị Sư, giao ước rằng:

Hán chớ đánh ta. Ta sẽ xuất hết ngựa tốt cho tha hồ lấy, rồi cấp lương thực cho Hán. Nếu không chịu, ta sẽ giết hết ngựa tốt, mà cứu viện của Khang Cư sắp đến. Khi họ đến, ta ở trong còn Khang Cư ở ngoài đánh với quân Hán. Quân Hán thạo mưu kế, vậy chọn cách nào?”

Bấy giờ Khang Cư dò la quân Hán, thấy quân Hán vẫn thịnh nên không dám tiến. Nhị Sư cùng bọn Triệu Thủy Thành, Lý Xỉ tính kế rằng:

Nghe nói trong thành Uyển mới có được người Tần biết đào giếng, mà lương thực trong ấy vẫn nhiều. Sở dĩ đến là để tru kẻ thủ ác Mưu Quả. Đầu Mưu Quả đã đến mà không chịu giải binh, thì họ ắt thủ chặt, rồi Khang Cư sẽ đợi Hán mỏi mệt để đến cứu Uyển, phá hết quân Hán.”

Quân lại [41] đều cho là đúng, đồng ý giao ước với Uyển. Uyển bèn xuất ngựa tốt cho Hán tự chọn lựa, rồi xuất nhiều lương thực cấp quân Hán. Quân Hán lấy được ngựa tốt mấy chục con, ngựa hạng trung trở xuống đực cái hơn 3.000 con, rồi lập quý nhân Uyển lúc trước đã đãi ngộ sứ Hán tên là Mạt Thái (昧蔡) làm Uyển vương, cùng thề rồi bãi binh. Rốt cuộc không vào được thành trong, bèn bỏ mà dẫn quân về.

 

Ban đầu, Nhị Sư từ Đôn Hoàng đi về tây, cho rằng người nhiều, dọc đường không đủ thức ăn, bèn chia làm mấy cánh quân theo hai đường nam bắc, bọn Hiệu úy Vương Thân Sinh, tiền Hồng lô Hồ Sung Quốc hơn nghìn người đi riêng đến Uất Thành. Uất Thành đóng giữ thành, không chịu cấp lương thực cho quân. Vương Thân Sinh cách đại quân 200 lí, là trinh sát nhưng khinh địch, trách mắng Uất Thành. Uất Thành không chịu xuất lương thực, dò biết quân của Thân Sinh thiếu thốn, lúc sáng sớm đem 3.000 quân tấn công, giết chết bọn Thân Sinh. Quân bị phá, vài người thoát được chạy về với Nhị Sư. Nhị Sư lệnh Sưu Túc Đô úy Thượng Quan Kiệt đi đánh, phá được Uất Thành. Uất Thành vương bỏ chạy sang Khang Cư. Kiệt đuổi đến Khang Cư. Khang Cư nghe nói Hán đã phá Uyển, bèn đem Uất Thành vương ra giao cho Kiệt. Kiệt lệnh bốn kỵ sĩ trói giải về chỗ Đại tướng quân. Bốn người bảo nhau rằng: “Uất Thành vương hãm hại nước Hán, nay các tướng bỏ qua sẽ để mất việc lớn.” Họ định giết nhưng chẳng ai dám đánh trước. Thượng Khuê kỵ sĩ Triệu Đệ nhỏ nhất, rút kiếm chém Uất Thành vương rồi mang đầu về. Bọn Đệ, Kiệt đuổi kịp Đại tướng quân.

 

Ban đầu, sau khi Nhị Sư đi, Thiên tử sai sứ báo Ô Tôn phát binh cùng đánh Uyển. Ô Tôn phát 2.000 kỵ đi, nhưng nuôi hai lòng nên không chịu tiến. Khi Nhị Sư tướng quân về đông, các tiểu quốc dọc đường nghe tin Uyển bị phá nên đều sai con em theo quân vào dâng hiến, yết kiến Thiên tử, nhân đó lấy chúng làm con tin. Khi Nhị Sư đánh Uyển, Quân chính Triệu Thủy Thành ra sức chiến đấu, công rất nhiều, cùng với Thượng Quan Kiệt dám thâm nhập, Lý Xỉ bày mưu kế. Quân vào Ngọc Môn còn hơn vạn người, quân mã hơn nghìn con. Sau khi Nhị Sư đi, quân không thiếu ăn, tử chiến không nhiều mấy, nhưng tướng lại tham lam, đa phần không yêu quý sĩ tốt, xâm cướp họ, vì thế chết chóc nhiều. Thiên tử thấy đi vạn lí mà phạt được Uyển nên không trách lỗi. Phong Quảng Lợi làm Hải Tây hầu, lại phong người tự chém Uất Thành vương là Triệu Đệ làm Tân Trĩ hầu, Quân chính Triệu Thủy Thành làm Quang Lộc đại phu, Thượng Quan Kiệt làm Thiếu phủ, Lý Xỉ làm Thượng Đảng Thái thú. Quan lại trong quân được làm cửu khanh có 3 người; được làm tướng chư hầu hoặc quận thú, ăn lộc 2.000 thạch có hơn trăm người; ăn lộc 1.000 thạch trở xuống hơn nghìn người. Người đi theo biết gắng sức được trao chức quan cao hơn mong muốn, người đi theo có phạm lỗi thì bị truất chức. Sĩ tốt được ban ngay 40.000 vàng. Từ lúc phạt Uyển đến khi trở về, tất cả bốn năm thì xong.

 

Hán đã phạt Uyển, lập Mạt Thái làm Uyển vương rồi về. Hơn một năm sau, quý nhân Uyển cho rằng Mạt Thái giỏi nịnh hót, khiến nước mình bị tàn sát, bèn cùng giết Mạt Thái, lập em trai của Mưu Quả là Thiền Phong (蟬封) làm Uyển vương, rồi khiển con trai hắn vào làm tin ở Hán. Hán nhân đó sai sứ ban thưởng để vỗ về.

 

Hán phát hơn mười đoàn sứ đến các nước phía tây Uyển xin vật lạ, nhân đó rêu rao về uy đức trong việc phạt Uyển. Rồi ở Đôn Hoàng đặt Tửu Tuyền Đô úy; từ đấy về tây đến Diêm Thủy có đình rải rác. Ở Lôn Đầu có lính làm ruộng mấy trăm người, nhân đó đặt sứ giả giữ ruộng tích thóc để cấp người đi sứ ngoại quốc.

 

***

Chú thích

1. Đại Uyển: Là một tập hợp các thành bang ở vùng Ferghana, Uzbekistan ngày nay. Vì vùng này chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Hy Lạp sau cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế vào thế kỉ 4 TCN, nên cái tên “Uyển” có khả năng bắt nguồn từ “Yona”, một tên gọi ở Tây và Trung Á dành cho người Hy Lạp.

2. Nguyệt Thị: Một sắc dân du mục, nguyên sinh sống ở vùng Cam Túc, Tân Cương ngày nay, sau di cư sang Trung Á.

3. Khang Cư: Một sắc dân du mục Trung Á, cư trú vào khoảng vùng giữa sông Amu Darya và Syr Darya.

4. Đại Hạ: Tức vùng Bactria ở Trung Á xưa, nay thuộc lãnh thổ các nước Tajikistan, đông nam Uzbekistan và bắc Afghanistan.

5. Nam Sơn: Tức dãy núi Kỳ Liên, là ranh giới phía nam của hàng lang Hà Tây.

6. Mồ hôi máu: Nguyên văn “hãn huyết”. Có giả thuyết cho rằng đây là hiện tượng do loài giun Parafilaria multipapillosa ký sinh trên da ngựa gây ra.

7. Ô Tôn: Một sắc dân du mục cư trú ở miền bắc Tân Cương và đông Kazakhstan.

8. Hu Thân, Vu Điền: Tên thành bang cổ. Nay thuộc Vu Điền, Tân Cương.

9. Tây Hải: Ở đây chỉ biển hồ Aral ở Trung Á.

10. Diêm Trạch: Nghĩa đen là “đầm muối”, tức hồ nước mặn Lop Nur.

11. Lâu Lan: Tên nước cổ. Nằm về phía tây bắc hồ nước mặn Lop Nur, Bayingolin, Tân Cương.

12. Cô Sư: Còn gọi là Xa Sư. Nay thuộc Turpan, Tân Cương.

13. Yêm Thái: Một sắc dân cư trú gần vùng biển hồ Aral.

14. Sông Quy: Tức sông Amu Darya ngày nay, còn gọi là sông Oxus.

15. An Tức: Tức đế quốc Parthia đương thời. Cái tên “An Tức” có lẽ bắt nguồn từ thành phố Antioch Margiana, nay là Merv, Uzbekistan.

16. Điều Chi: Có lẽ là vùng Lưỡng Hà ở Tây Á.

17. Lê Hiên: Chưa xác định được là ở đâu.

18. Tức là chim đà điểu.

19. Nhược Thủy: Theo thần thoại Trung Quốc, Tây Vương Mẫu sống trên núi Côn Lôn ở phương tây, cạnh núi có sông Nhược Thủy.

20. Lam Thị: Có thể là Balkh, Afghanistan ngày nay.

21. Thân Độc: Tức vùng tiểu lục địa Ấn Độ, bao gồm cả Pakistan, Bangladesh ngày nay. “Thân Độc” là phiên âm từ tên sông Indus.

22. Gậy tre cùng, vải Thục: Là các thứ sản vật của vùng Tứ Xuyên. Vùng Tứ Xuyên, Vân Nam từ xưa đã có giao thương với Ấn Độ qua tuyến đường Trà mã đạo.

23. Lấy ý từ điển tích Việt Thường Thị cống chim trĩ trắng cho nhà Chu, phải qua chín lần thông dịch mới tới được Trung Nguyên.

24. Nguyên văn viết là “xuất Mang, xuất Nhiễm, xuất Tỷ, xuất Cùng Bặc”. Theo Tây Nam Di liệt truyện, tên đúng phải là Nhiễm Mang, Tỷ, Cùng và Bặc. Nay sửa lại.

25. Đại tướng quân: Tức Vệ Thanh.

26. Lý tướng quân: Tức Lý Quảng.

27. Phiêu Kỵ: Tức Phiêu Kỵ tướng quân Hoắc Khứ Bệnh.

28. Ông chúa: Tước hiệu phong cho con gái các phiên vương thời Hán.

29. Lệnh Cư: Nay thuộc Vĩnh Đăng, Cam Túc.

30. Tam Phụ: Nguyên chỉ ba chức quan ở kinh đô Trường An thời Hán là Tả nội sử, Hữu nội sử và Chủ tước Trung úy, về sau còn được dùng để chỉ chung vùng kinh kỳ.

31. Sông Hung Hà: Nay là sông Baydrag, Mông Cổ.

32. Hoan Tiềm: Nay nằm ở vùng hạ lưu sông Amu Darya, Uzbekistan.

33. Đại Ích: Tức sắc dân Dahae ở Trung Á, cư trú ở miền tây Turkmenistan ngày nay.

34. Tô Giới: Tức vùng Sogdia ở Trung Á, nằm trên địa phận đông Uzbekistan, tây Kyrgyzstan và Tajikistan ngày nay.

35. Nhị Sư: Nay là Khujand, Tajikistan.

36. Uất Thành: Nay là Uzgen, Kyrgyzstan.

37. Sủng cơ Lý thị: Tức Hiếu Vũ Lý hoàng hậu, vợ Hán Vũ đế, em gái của Lý Quảng Lợi.

38. Lôn Đầu: Nay là Bugur, Bayingolin, Tân Cương.

39. Tài quan: Chỉ quân dự bị ở địa phương thời Hán.

40. Bảy hạng dân khoa dịch: Tức là các hạng người phải chịu phục dịch ở nơi biên viễn vào thời Hán, bao gồm quan lại có tội, người không có hộ tịch, người ở rể, lái buôn, người từng có hộ tịch là lái buôn, người có cha mẹ mang hộ tịch lái buôn, và người có ông bà mang hộ tịch lái buôn.

41. Quân lại: Chỉ chung tướng soái và quan lại trong quân đội.

 

(Dịch thuật và chú thích: Quốc Bảo)

 

Comments