Tấn thư - Tứ Di truyện

 

TỨ DI TRUYỆN

Tấn thư – quyển 97

 

***

       


        Thiên đức to lớn, là chốn khởi nguồn của muôn loài; hỗn nghi bao la, là chốn trung tâm của chín phương. Khảo Hy, Hiên ở đời trước, thừa mệnh trời mà trị vật; hỏi Viêm, Hạo ở thời xưa, chế ngự đất mà chia cõi. Mang mũ đai để phân biệt chư Hoa [1], chia yêu hoang [2] để làm rõ xa gần, sự khác nhau trong ngoài đến nay vẫn còn. Cửu Di Bát Địch cậy đồng xanh mà rong ruổi phương bắc; Thất Nhung Lục Man noi cõi tây mà tung hoành cực nam. Chủng loài đông, quân trưởng nhiều, kẻ có đạo thì tuân theo thanh giáo, kẻ vô pháp thì tranh đoạt giết nhau, nổi gió cuốn bụi, đấy là tính thường vậy. Tìm kiếm mưu xa, lựa chọn kế giỏi, chẳng gì bằng dùng ki mi [3] để phòng chúng quấy rối Hoa Hạ.

 

        Vũ đế thụ mệnh từ nhà Ngụy suy, mở cõi đến cả nước Ngô cũ, uy lược đã lớn, chiêu mộ lại đông. Ngăn chặn ý nhiễu loạn, vang tiếng đến phương xa. Vỗ về cũ, thương yêu mới, suốt năm tháng không chây lười. Phàm Tứ Di vào cống có tất cả hai mươi ba nước. Thế rồi Huệ Hoàng thất đức, Trung Tông long đong, hung đồ cát cứ, ngôi trời đổ nát. Đức hóa triều đình chỉ lan tới Trường Giang, lễ nghi dâng cống cũng chỉ dừng ở đấy, còn phong tục xa lạ vẫn chưa tường tận. Thế nên thu nhặt những điều đã biết, viết thành một truyện. Việc Bắc Địch tiếm hiệu ở Trung Thổ đã chép đầy đủ ở trước, còn các bộ lạc chủng loài của chúng nay tóm lược tại đây.

 

***

 

Đông Di

 

Đông Bắc Á vào khoảng thế kỉ 4. Tấn thư dựa trên ghi chép của sử trước chỉ liệt kê Phù Dư (Buyeo) 

phía bắc và Tam Hàn phía nam, mà không đề cập đến Cao Cấu Ly (Goguryeo) hay Bách Tế (Baekje).



Phù Dư

 

Nước Phù Dư nằm cách Huyền Thố hơn 1.000 lí về phía bắc, nam giáp Tiên Ty, bắc có Nhược Thủy [4]. Đất rộng 2.000 lí, hộ 80.000. Có thành ấp, cung thất, hợp trồng ngũ cốc. Người nước này cường dũng, có lễ nghi bái nhường lẫn nhau giống Trung Quốc. Sứ nước này mặc áo gấm, áo len, đeo thắt lưng vàng bạc. Về luật pháp, giết người thì xử chết và tịch thu nhà, ăn trộm thì lấy một đền mười hai, nam nữ dâm loạn hay đàn bà đố kỵ đều giết đi. Nếu có việc quân thì giết bò tế trời, dùng móng để xem lành dữ, móng nứt ra là dữ, khít lại là lành. Có ai chết thì đem người sống tuẫn táng, có quách nhưng không có quan. Việc để tang thì nam nữ đều mặc áo trắng tinh, đàn bà trùm vải che mặt, không đeo ngọc bội. Sản xuất ngựa tốt, chồn, nột [5] và ngọc trai to như quả táo chua. Nước này giàu có, từ đời trước đến nay chưa từng bị đánh phá. Ấn của vương gọi là “Uế vương chi ấn”. Trong nước có thành Cổ Uế, vốn là thành của Uế Mạch (穢貃).

 

Thời Vũ đế, thường đến triều cống. Đến năm Thái Khang thứ 6 (285), bị Mộ Dung Hối đánh úp. Vương nước này là Ỷ Lư (依慮) tự sát, con em chạy về giữ Ốc Trở (沃沮). Hoàng đế vì thế xuống chiếu rằng: “Phù Dư vương nhiều đời giữ trung hiếu, bị giặc dữ diệt, đáng thương xót. Nếu số còn sót đủ để phục quốc, sẽ bày cho phương kế, giúp được tồn lập.” Hữu ty tâu rằng Quyền Đông Di Hiệu úy Tiên Vu Anh không cứu Phù Dư, để mất cơ lược, nên xuống chiếu miễn chức Anh, lấy Hà Khám thay. Năm sau (286), vương sau của Phù Dư là Ỷ La (依羅) khiển người đến chỗ Khám, xin đem người ở đấy về nước cũ và xin cứu viện. Khi Khám tâu lên, khiển Đốc bưu Cổ Trầm đem binh hộ tống, nhưng lại bị Hối chặn dọc đường. Trầm đánh với hắn, đại phá được, Hối phải rút quân. La phục quốc được, nhưng về sau thường bị Hối cướp bóc người trong chủng đem bán cho Trung Quốc. Hoàng đế thương tình, lại phát chiếu lấy của công chuộc về, lệnh hai châu , cấm mua bán người Phù Dư.

 

Tam Hàn

 

Có ba chủng người Hàn: một là Mã Hàn, hai là Thìn Hàn, ba là Biền Hàn.

 

Thìn Hàn nằm phía nam Đái Phương, đông tây đều giáp biển.

 

Mã Hàn nằm giữa núi và biển, không có thành quách. Có tất cả 56 tiểu quốc, nước lớn vạn hộ, nước nhỏ mấy nghìn nhà, đều có cự soái. Tục ít kỷ cương, không có lễ quỳ bái. Nhà ở xây bằng đất, hình dáng như nấm mồ, mở cửa phía trên, cả nhà cùng ở bên trong, không phân biệt lớn nhỏ trai gái. Không biết cưỡi bò hay ngựa, chỉ dùng súc vật để đưa tang. Tục nước này không trọng vàng bạc và gấm len, nhưng quý châu ngọc, dùng chúng để đính áo hoặc xỏ dái tai. Đàn ông để đầu trần, buộc tóc, mặc áo vải, mang giày cỏ, tính hung hãn. Trong nước điều đi lao dịch và xây dựng thành quách, thì kẻ ít tuổi dũng kiện đều chọc thủng da lưng mình rồi xỏ dây thừng qua, buộc dây thừng vào gậy để kéo, cả ngày hoan hô dốc sức, không lấy làm đau. Thường dùng cung, thuẫn, mâu, khiên. Tuy có đấu tranh công chiến, nhưng quý việc khuất phục nhau. Tục tin quỷ thần, thường gieo cấy vào tháng năm, khi xong tụ họp hát múa để tế thần; đến tháng mười việc nông xong cũng như vậy. Các ấp trong nước đều lập một người làm chủ việc tế thiên thần, gọi là thiên quân (天君). Lại đặt ấp riêng tên là tô trà (蘇塗), dựng cây lớn, treo chuông trống. Ý nghĩa của tô trà tựa như phù đồ ở Tây Vực, nhưng cách hiểu về thiện ác có khác. Năm Thái Khang thứ 1 (280) và thứ 2 triều Vũ đế (281), chúa nước này thường khiển sứ vào cống phương vật. Năm thứ 7 (286), thứ 8 (287), thứ 10 (289) lại đến. Năm Thái Chiêu thứ 1 (290), đến chỗ Đông Di Hiệu úy Hà Hấp dâng hiến. Năm Hàm Ninh thứ 3 (401) lại đến. Năm sau (402), lại xin nội phụ.

 

Thìn Hàn nằm phía đông Mã Hàn, tự nói mình là người Tần trốn lao dịch chạy sang Hàn, Hàn cắt miền đông cho ở, lập thành lũy. Ngôn ngữ giống với người Tần, vì thế có kẻ gọi là Tần Hàn. Ban đầu có 6 nước, về sau dần chia làm 12. Lại có Biền Thìn cũng có 12 nước, hợp lại được bốn năm vạn hộ, đều có cự soái, lệ thuộc vào Thìn Hàn. Thìn Hàn thường dùng người Mã Hàn làm chúa, tuy đời đời tiếp nối nhưng không tự lập được, vì biết mình là người lưu vong nên bị Mã Hàn khống chế. Đất hợp ngũ cốc, có nhiều dâu tằm, giỏi dệt lụa nhũn, thuần bò, cưỡi ngựa. Phong tục tương tự Mã Hàn, binh khí cũng giống vậy. Khi mới sinh con lấy đá kẹp đầu cho dẹp đi. Ưa múa hát, giỏi đánh đàn sắt; đàn sắt hình dáng tựa cái dầm đất. Năm Thái Khang thứ 1 triều Vũ đế (280), vương nước này khiển sứ hiến phương vật. Năm thứ 2 (281), lại đến triều cống. Năm thứ 7 (286), lại đến.

 

Túc Thận thị

 

Túc Thận thị còn tên là Ấp Lâu, nằm phía bắc núi Bất Hàm (不咸), cách Phù Dư khoảng 60 ngày đường. Đông kề biển lớn, tây giáp nước Khấu Man Hãn (寇漫汗), cực bắc là Nhược Thủy. Địa giới rộng mấy nghìn lí, nằm ở nơi núi non hẻo lánh, đường sá hiểm trở, ngựa xe không thông. Mùa hè thì ở nhà, mùa đông thì ở hang. Cha con đời đời làm quân trưởng. Không có chữ viết, chỉ dùng lời nói làm giao ước. Có ngựa nhưng không cưỡi, chỉ dùng làm của cải mà thôi. Không có bò hay dê. Nhiều lợn, lấy thịt chúng làm thức ăn, lấy da làm áo, tích lông để làm vải. Có cây tên là lạc thường (雒常), nếu như Trung Quốc có thánh đế lên ngôi thì cây ấy thay vỏ mới. Không có giếng hay bếp, làm chạc gốm chứa được bốn năm thưng để nấu ăn. Khi ngồi thì duỗi chân, dùng chân kẹp thịt mà ăn, gặp phải thịt đông thì bỏ lên trên chạc cho tan. Đất này không có muối hay sắt. Người ta đốt cây thành tro, chắt lấy nhựa mà ăn. Ai nấy đều bện tóc. Dùng vải làm xiêm dài hơn 1 thước để che trước sau. Khi cưới xin, người con trai đem lông mao, lông vũ cắm lên đầu người con gái, người con gái bằng lòng thì đem về, rồi sau đấy nộp sính lễ. Đàn bà trinh trắng, không dâm đãng. Quý khỏe mà khinh già. Người chết thì táng ngay ngoài đồng trong hôm ấy, kết gỗ làm quách nhỏ, giết lợn đặt bên trên để làm đồ cúng cho người chết. Tính hung hãn, vì thế không thương yêu lẫn nhau. Cha mẹ chết thì con trai không khóc, ai khóc bị cho là không mạnh mẽ. Trộm cắp nhau thì bất kể ít nhiều đều giết đi, nên tuy sống nơi hoang dã mà không phạm nhau. Có tên mũi đá, giáp bằng da và xương, cung gỗ đàn dài 3 thước 5 tấc, tên làm bằng gỗ cây hộ dài hơn 1 thước. Phía đông bắc nước này có ngọn núi sản sinh thứ đá sắc bén hơn sắt, nếu muốn lấy phải tế thần trước.

 

Thời Chu Vũ vương, nước này hiến loại tên gỗ hộ, mũi làm bằng đá. Đến khi Chu công phò Thành vương, lại khiển sứ vào chúc mừng. Nhưng về sau hơn nghìn năm tuy Tần, Hán thịnh nhưng chẳng hề đến. Khi Văn đế làm tể tướng cuối thời Cảnh Nguyên triều Ngụy (260-268), mới đến cống tên gỗ hộ mũi đá, cung, giáp và lông chồn. Ngụy đế xuống chiếu cho ở phủ tể tướng, ban vương nước ấy là Nục Kê (傉雞) gấm len, tơ lụa. Đến đầu thời Nguyên Khang triều Vũ đế (291-299), lại đến cống hiến. Khi Nguyên đế trung hưng [6], lại đến Giang Tả cống tên mũi đá. Đến thời Thành đế, thông cống cho Thạch Quý Long, bốn năm mới tới. Quý Long hỏi, thì họ đáp rằng: “Mỗi khi thấy bò ngựa hướng về tây nam ngủ ba năm, biết rằng là nơi có nước lớn, nên đến vậy.”

 

Oa

 

Người Oa sống giữa biển phía đông nam Đái Phương, tựa vào đảo núi để dựng nước. Đất nhiều núi rừng, không có ruộng tốt, phải ăn hải sản. Xưa có hơn trăm tiểu quốc cạnh nhau, đến thời Ngụy có 30 nước thông hiếu. Có 70.000 hộ. Đàn ông bất kể lớn nhỏ đều xăm mặt vẽ thân. Tự gọi mình là hậu duệ Thái Bá, lại nói thời thượng cổ sứ đến Trung Quốc đều xưng là “đại phu”. Xưa con trai của Thiếu Khang nhà Hạ được phong ở Cối Kê, buộc tóc xăm mình để tránh giao long làm hại; nay người Oa thích bơi lội bắt cá, cũng xăm mình để trừ thủy quái. Tính đường sá thì nước này nằm về phía đông huyện Đông Trị của Cối Kê. Đàn ông mặc áo khổ ngang, nhưng chỉ buộc dây nối liền chứ không khâu vá. Phụ nữ mặc áo đơn, có lỗ ở giữa để chui đầu qua. Ai nấy đều búi tóc, đi chân đất. Đất này ôn hòa, hợp trồng lúa nước và cây gai. Biết trồng dâu, nuôi tằm và xe sợi. Đất này không có bò hay ngựa. Có đao, khiên, cung, tên, đầu mũi tên làm bằng sắt. Có nhà cửa, cha mẹ anh em ngủ chung một nơi. Ăn uống thì dùng khay và đĩa. Khi cưới xin không dùng tiền lụa mà chỉ lấy áo rước về. Khi chết chỉ có quan, không có quách, đắp đất làm mộ. Lúc mới làm tang thì khóc lóc, không ăn thịt; khi táng xong cả nhà xuống sông tắm rửa sạch sẽ để trừ điều không lành. Khi cử việc lớn liền đốt xương để bói lành dữ. Không biết bốn mùa trong năm, chỉ đếm vụ thu hoạch mùa thu để tính làm một năm. Nhiều người thọ đến trăm tuổi, hoặc 80, 90 tuổi. Trong nước nhiều đàn bà, không dâm loạn hay đố kỵ. Không có tranh tụng, phạm tội nhẹ thì tịch thu vợ con, tội nặng thì diệt cả nhà.

 

Xưa lấy đàn ông làm chúa. Cuối thời Hán, người Oa loạn, đánh nhau không định, bèn lập đàn bà làm vương, tên là Tỳ Mi Hô (卑彌呼). Khi Tuyên đế bình họ Công Tôn, nữ vương nước này khiển sứ đến Đái Phương triều kiến. Về sau cống nạp không dứt. Khi Văn đế làm tể tướng, lại nhiều lần đến. Đầu thời Thái Thủy (265-271), khiển sứ lặn lội vào cống.

 

Bì Ly

 

Nước Bì Ly (裨離) nằm phía tây bắc Túc Thận, đi ngựa mất khoảng 200 ngày đường, có 20.000 hộ. Nước Dưỡng Vân (養雲) cách Bì Ly 50 ngày đi ngựa, có 20.000 hộ. Nước Khấu Mạc Hãn cách nước Dưỡng Vân 100 ngày đường, có hơn 50.000 hộ. Nước Nhất Quần (一群) cách Mạc Hãn 150 ngày đường, cách Túc Thận khoảng hơn 50.000 lí. Phong tục, thổ nhưỡng các nước này đều chưa rõ. Năm Thái Thủy thứ 3 (267), cùng khiển tiểu bộ hiến phương vật. Đến đầu thời Thái Chiêu (290), lại có soái nước Mâu Nô (牟奴) là Dật Chi Duy Li (逸芝惟離), soái nước Mô Lư (模盧) là Sa Chi Thần Chi Ư Li (沙支臣芝於離), soái nước Mạt Lợi (末利) là Gia Mâu Thần Chi (加牟臣芝), soái nước Bạc Đô (蒲都) là Nhân Mạt (因末), soái nước Thằng Toàn (繩全) là Mã Lộ (馬路), soái nước Sa Lâu (沙樓) là Sam Gia (釤加) đều khiển chính sứ, phó sứ đến chỗ Đông Di Hiệu úy Hà Hấp để quy hóa.

 

***

Vùng tây bắc Trung Quốc vào thời Tây Tấn, với vị trí của Nam Hung Nô (Southern Xiongnu),

Thổ Dục Hồn (Tuyuhun) và các thành bang vùng bồn địa Tarim.


Tây Nhung

 

Thổ Dục Hồn

 

Thổ Dục Hồn (吐谷渾) là anh thứ trưởng của Mộ Dung Hối (慕容廆), được cha là Thiệp Quy (涉歸) chia 1.700 nhà trong bộ lạc cho. Khi Thiệp Quy mất, Hồn nối ngôi. Khi ngựa của hai bộ lạc đấu nhau, Hối giận, nói rằng: “Trước kia cha chia đặt ở nơi khác, sao lại không tránh xa mà để ngựa đấu nhau!” Thổ Dục Hồn nói: “Ngựa là súc vật, tranh nhau là chuyện thường, sao lại giận người? Muốn khác nhau thì dễ thôi, sẽ cách xa ngươi vạn lí!” Vì thế bỏ đi. Hối hối hận, khiển trưởng sử là Sử Na Lâu Phùng (史那蔞馮) và người kỳ cựu thời cha mình đi gọi về. Thổ Dục Hồn nói: “Trước kia cha ta nói có lời bói rằng sẽ có hai con trai đầy đủ, nối dõi lâu dài. Ta vai thấp bé, theo lí không ngang với anh lớn, nay theo ngựa mà sống chỗ khác là do ý trời vậy. Các ngài cứ lùa ngựa về đông, ngựa chịu về đông thì ta sẽ đi theo.”  Lâu Phùng khiển tùy tùng gồm 2.000 kỵ dắt ngựa về đông, được mấy trăm bước thì chúng liền hí lên chạy về tây, cứ như thế hơn mười lần. Lâu Phùng quỳ xuống nói: “Đây không phải việc của người”, bèn thôi. Tiên Ty gọi anh là a cán (阿幹), Hối nhớ anh nên làm bài “A cán chi ca”, lúc cuối đời thường hát.

 

Thổ Dục Hồn bảo bộ lạc mình rằng: “Anh em ta đều đáng hưởng nước. Hối và con cháu bất quá được trăm năm thôi. Con cháu ta về sau chẳng lẽ kém đông đúc hơn sao?” Bèn đi về tây, nương vào núi Âm. Trong loạn Vĩnh Gia, mới vượt núi Lũng đi về tây. Về sau con cháu chiếm cứ miền Tây Linh, Dĩ Tây, Cam Tùng [7], kéo dài mấy nghìn lí đến Bạch Lan. Nhưng có thành quách mà không ở, chỉ di cư theo cỏ nước, dựng lều làm nhà, dùng thịt và sữa đông làm thức ăn. Quan thì đặt trưởng sử, tư mã, tướng quân, có hiểu biết văn tự. Đàn ông thông thường mặc quần dài, đội mũ hoặc đeo khăn mịch ly (冪蘺). Đàn bà cài hoa vàng trên đầu, bện tóc quấn ra sau, xỏ tai bằng châu báu. Về hôn nhân thì nhà giàu đem nhiều sính lễ đến rồi trộm người con gái về. Cha chết thì con cưới mẹ kế, anh mất thì em cưới chị dâu. Thể chế tang phục thì táng xong là cởi bỏ. Trong nước không thu thuế, quốc dụng không đủ thì liền đòi hỏi các nhà giàu và thương nhân cho đủ mà thôi. Giết người và trộm ngựa là tội đáng chết, những tội khác thì dùng đồ để chuộc. Đất hợp trồng đại mạch, nhưng nhiều su hào, lắm kê đậu. Sản xuất ngựa Thục, bò lông. Chủng tạp phía tây bắc gọi là A Sài Lỗ (阿柴虜), còn gọi là Dã Lỗ (野虜).

 

Thổ Dục Hồn mất năm 72 tuổi, có 60 đứa con. Con lớn là Thổ Diên (吐延), nối dõi cha. Thổ Diên thân cao 7 thước 8 tấc, hùng dũng khôi kiệt, giặc Khương sợ nên gọi là Hạng Vũ. Tính thích thảng, không hợp người khác, từng khảng khái bảo thuộc hạ rằng: “Đại trượng phu không sinh ở Trung Quốc, không ngang thời Cao, Quang, không cùng Hàn, Bành, Ngô, Đặng sánh vai ở Trung Nguyên, không dẹp kẻ thư hùng trong thiên hạ để lưu tên vào tre lụa, không nghe đến lễ giáo ở thượng kinh, không được ghi tên ở thiên phủ, sinh ở chỗ hươu nai tụ họp, chết làm ma mặc áo chiên cừu, nhìn trộm nhật nguyệt mà không thẹn trong lòng sao?” Tính tàn nhẫn, nhưng cậy trí của mình nên không biết thương kẻ dưới, bị tù trưởng Khương là Khương Thông (薑聰) giết, kiếm vẫn còn trên mình. Thổ Diên bảo tướng của mình là Hột Bạt Ni (紇拔泥) rằng: “Thằng nhãi giết ta là lỗi của ta, trên phụ lòng cha ông, dưới làm nhục dân chúng. Sở dĩ khống chế người Khương là nhờ ta, sau khi ta chết phải giúp đỡ Diệp Diên, giữ gấp Bạch Lan.” Nói xong thì mất. Ở ngôi 30 năm, có 12 đứa con, con lớn là Diệp Diên (葉延) nối dõi.

 

Diệp Diên lên 10 tuổi thì cha bị tù trưởng Khương là Khương Thông giết hại, nên hằng ngày bện cỏ làm tượng Khương Thông, vừa khóc vừa bắn, trúng thì kêu khóc, không trúng thì trừng mắt hô lớn. Người mẹ bảo rằng: “Khương Thông đã bị các tướng băm vằm rồi, con làm thế làm gì?” Diệp Diên khóc lóc nói: “Đúng là bắn người cỏ không trả được thù trước, chỉ để bày tỏ ý chí thôi.” Tính hiếu thảo, khi mẹ bệnh năm ngày không ăn, Diệp Diên cũng không ăn. Khi lớn cứng cỏi, ưa hỏi việc tạo hóa của trời đất, lịch sử của đế vương. Tư mã Bạc Lạc Lân (薄洛鄰) nói: “Bọn thần không học, thật chưa rõ Tam Hoàng cha là ai, Ngũ Đế mẹ nào sinh.” Diên nói: “Từ thời Hy Hoàng đến nay phù mệnh, huyền tượng đều nói to thấy rõ, mà bọn khanh mù tịt, kém cỏi làm sao! Có câu: ‘Bọ mùa hè không biết băng mùa đông’, tức là không biết lo xa vậy.” Lại nói: “Kinh Lễ nói con của công tôn được lấy chữ của vua cha làm họ [8]. Tổ tiên ta ban đầu từ Xương Lê đến đây dựng đô, nay lấy Thổ Dục Hồn làm họ là mang nghĩa tôn kính tổ tiên.” Ở ngôi 23 năm thì mất, thọ 33 tuổi. Có 4 đứa con, con lớn là Bách Hề (辟奚) nối dõi.

 

Bách Hề tính nhân hậu thương người. Ban đầu nghe tin Phù Kiên mạnh nên khiển sứ dâng 50 con ngựa, 500 cân vàng bạc. Kiên mừng rỡ, bái làm An Viễn tướng quân. Bấy giờ ba em trai của Bách Hề đều phóng tứ, trưởng sử Chung Ác Địa (鐘惡地) sợ gây hại cho nước, bảo Tư mã Khất Túc Vân (乞宿雲) rằng: “Xưa Trịnh Trang công, Tần Chiêu vương nuông chiều một người em mà dòng dõi khuynh đổ, huống hồ nay ba tên nghiệt tử đều kiêu căng, ắt là mối lo cho xã tắc. Ta với ông gánh vác việc phò tá, nếu giữ khư khư mạng thì đến lúc xuống đất, vua trước có hỏi sẽ biết nói gì? Nay ta nên giết đi.” Túc Vân xin bạch với Bách Hề, thì Ác Địa nói: “Vua ta không quyết đoán, không thể báo được.” Vì thế nhân lúc bọn kẻ dưới vào chầu liền bắt ba người em mà giết đi. Bách Hề ngã quỵ xuống giường, bọn Ác Địa chạy đến đỡ, nói rằng: “Thần trước mơ thấy tiên vương bảo rằng: ‘Ba đứa em sắp làm nghịch loạn, ngươi phải trừ gấp.’ Thần kính vâng mệnh của tiên vương thôi.” Bách Hề vốn nhân ái, vì hoảng hốt mà sinh bệnh, bảo thế tử Thị Liên (視連) rằng: “Ta gây họa diệt máu mủ, xuống đất rồi không biết sẽ thấy gì? Việc nước lớn nhỏ con nên tạm nắm, ta còn mạng tàn vài năm, thoi thóp mà thôi.” Rồi đau buồn mà mất. Ở ngôi 25 năm, thọ 42 tuổi. Có 6 con trai, Thị Liên nối dõi.

 

Thị Liên (視連) đã lập, liền biếu quà cho Khất Phục Càn Quy, được phong làm Hà Nam vương. Thị Liên từ nhỏ đã cẩn thận, có chí khí, thấy cha bệnh mất nên không coi chính sự, không ăn uống chơi bời trong 7 năm. Chung Ác Địa nói rằng:

Ngài là người làm vua, dùng đức để ngự trên đời, dùng uy để cứu dân chúng, sống bằng ngũ vị, vui bằng thanh sắc. Bốn việc đấy thánh đế minh vương trước kia đều làm, mà ngài lại bỏ qua. Xưa Chiêu công tiết kiệm mà chết, Yển vương nhân nghĩa mà vong, vậy thì nhân nghĩa vừa giữ được mình, cũng là làm mất mình. Trị nước phài dùng đức lễ, cứu đời phải dùng hình pháp, hai việc đấy sai sót thì kỷ cương rối loạn. Minh công nhiều đời soi sáng, ân kết Tây Hạ [9], tuy nhân hiếu bắt nguồn từ trời nhưng vẫn nên noi theo Chu, Khổng, không thể chỉ từ tốn đuổi theo cái nhân, khiến hình đức bị bỏ bê mà không dựng.”

Thị Liên khóc nói:

Tiên vương đuổi theo tình bạn hữu đến đau khổ, bi phẫn mà qua đời. Cô [8] tuy nối nghiệp, nhưng xác [tiên vương] còn đấy chưa mất, thanh sắc chơi bời há dám làm sao. Kỷ cương, hình lễ xin giao cho tương lai.

Lúc lâm chung, bảo con trai là Thị Bi (視羆) rằng: “Cao Tổ ta là Thổ Dục Hồn thường nói con cháu ắt có kẻ hưng thịnh, mãi làm phên dậu phía tây cho Trung Quốc, truyền đến trăm đời. Đời ta đã chưa đến, đời con cũng chưa thấy, chỉ trông vào bọn con cháu của con thôi.” Ở ngôi 15 năm thì mất. Có 2 con trai, con lớn là Thị Bi, con nhỏ là Ô Hột Đê (烏紇堤).

 

Thị Bi tính anh minh quyết đoán, có hùng lược, từng nói riêng với Bác sĩ Kim Thành Khiên Bão (金城騫苞) rằng:

Sách Chu Dịch viết: ‘Động tĩnh có thường, cương nhu rành mạch’. Tiên vương lấy nhân trị đời, không dùng uy hình, vì thế chẳng xét đoán cương nhu, xem nhẹ kẻ địch láng giềng. Chẳng lẽ nhân mà không nhượng, há nên chắp tay im lặng sao?”

Bão nói:

Lời của đại vương tóm lược điều cao cả, là nguyện vọng của anh hùng Tần Lũng.”

Vì thế giả vờ phủ nạp, dân chúng theo về. Khất Phục Càn Quy khiển sứ bái làm Sứ trì tiết, Đô đốc Long Hạc-Dĩ Tây chư quân sự, Sa châu mục, Bạch Lan vương. Thị Bi không nhận, bảo sứ giả rằng:

Từ khi nhà Tấn mất kỷ cương, gian hùng tranh nhau, Lưu, Thạch làm loạn, Tần, Yên ngang tàn. Xứ của Hà Nam vương là đất có hình thắng, lẽ ra nên tập hợp nghĩa binh để trừng trị kẻ không thuận, sao lại đặt riêng chức giả, tiếm hiệu như bọn hung ác? Quả nhân thừa hưởng phúc lành của năm đời tổ tiên, lính cầm cung hai vạn, đang muốn quét sạch Tần, Lũng [10], dọn dẹp Sa, Lương [11], rồi sau cho ngựa uống nước Kinh, Vị, giết kẻ tiếm quyền, dùng một nắm bùn lấp Đông Quan, chặn đường của Yên, Triệu [12], đón Thiên tử về Tây Kinh, để làm trọn khí tiết của phên dậu, không như Quý Mạnh, Tử Dương [13] tự cao tự đại. Vì thế ta bạch với Hà Nam vương, sao không lập công cho nhà đế, ghi tên ở phủ vương, dựng công cho ngày trước, lưu tiếng thơm trên cỏ lá!

Càn Quy cả giận, nhưng sợ sức mạnh của Thị Bi nên ban đầu vẫn kết hiếu, về sau mới khiển quân đánh. Thị Bi thua lớn, chạy về giữ Bảo Lan. Ở ngôi 11 năm, thọ 33 tuổi. Con trai Thọ Lạc Can (樹洛幹) còn nhỏ, nên truyền ngôi cho Ô Hột Đê.

 

Ô Hột Đê còn tên là Đại Hài (大孩), tính yếu đuối, đam mê tửu sắc, không màng việc nước. Khi Khất Phục Càn Quy vào Trường An, Ô Hột Đê thường lấn chiếm bờ cõi của hắn. Càn Quy giận, đem kỵ đánh. Ô Hột Đê thua lớn, mất hơn vạn nhân khẩu, về giữ Nam Lương rồi mất ở nước Hồ. Ở ngôi 8 năm, bấy giờ mới 35 tuổi. Con trai của Thị Bi là Thọ Lạc Can lập.

 

Thọ Lạc Can mồ côi năm 9 tuổi. Người mẹ họ Niêm () thông minh, có sắc đẹp. Ô Hột Đê cưới lấy, được ân sủng nên truyền việc nước cho. Lạc Can khi 10 tuổi tự xưng thế tử, năm 16 tuổi nối ngôi, đem bộ lạc mấy nghìn nhà chạy về sông Mạc Hà, tự xưng Đại đô đốc, Xa Kỵ tướng quân, Đại thiền vu, Thổ Dục Hồn vương. Giáo hóa bộ lạc, dân chúng lạc nghiệp, được gọi là Mậu Dần khả hãn (可汗), các chủng tạp ở sa mạc chẳng ai không quy phụ, bèn tuyên ngôn rằng: “Tổ tiên của cô lánh đến đất này, tới cô là đời thứ bảy, so với quần hiền cùng mối tốt lành. Nay binh mã hăng hái, lính cung mấy vạn, cô muốn ra uy với Lương, Ích, xưng bá Tây Nhung, thu binh Tam Tần, vào chầu Thiên tử, các ngài thấy thế nào?” Mọi người đều nói: “Đấy là việc thịnh đức, mong đại vương gắng làm!” Khất Phục Càn Quy càng sợ, đem 20.000 kỵ tấn công ở Xích Thủy. Thọ Lạc Can thua lớn nên hàng Càn Quy. Càn Quy bái làm Bình Nhung tướng quân, Xích Thủy Đô hộ, lại lấy em trai Thọ Lạc Can là Thổ Hộ Chân (吐護真) làm Bộ Lỗ tướng quân, Tằng Thành Đô úy. Về sau Thọ Lạc Can thường bị Khất Phục Sí Bàn đánh phá nên lại giữ Bảo Lan, tủi thẹn đến phát bệnh mà mất. Ở ngôi 9 năm, bấy giờ mới 24 tuổi. Sí Bàn nghe tin Thọ Lạc Can chết, mừng rỡ nói: “Giặc ấy lớn mạnh như thể có móng lợn trắng.” Có 4 con trai, thế tử Kiệp Kiền (拾虔) nối dõi. Đời sau tiếp nối không dứt.

 

Yên Kỳ

 

Nước Yên Kỳ cách Lạc Dương 8.200 lí về phía tây. Đất này nam giáp Úy Lê, bắc giáp Ô Tôn, rộng 400 lí. Bốn mặt có núi lớn, đường hiểm trở, trăm người thủ thì nghìn người không qua nổi. Tục nước này đàn ông cắt tóc, đàn bà mặc áo cánh, quần dài. Việc hôn nhân giống như Hoa Hạ. Thích mua bán, quen gian xảo. Vương có mấy nghìn thị vệ. Người nước này đều ngông nghênh, không có lễ trên dưới.

 

Thời Thái Khang triều Vũ đế (280-289), vương nước này là Long An (龍安) khiển con trai vào chầu. Phu nhân của An là người Hồ [14] quái dị, mang thai 12 tháng, mổ sườn ra thì thấy con, tên là Hội (), được lập làm thế tử. Hội từ nhỏ đã dũng kiệt. Khi An bệnh nặng, bảo Hội rằng: “Ta từng bị Quy Từ vương là Bạch Sơn (白山) làm nhục, trong lòng chưa quên. Con rửa nhục được thì mới là con của ta.” Khi Hội lập, đánh úp diệt Bạch Sơn rồi chiếm nước ấy, khiển con trai Hy () về nước mình làm vương. Hội có gan lớn, mưu lược, nên làm bá Tây Hồ, từ Thông Lĩnh về đông chẳng ai không phục. Nhưng cậy dũng nên khinh suất, thường ra ngoài ở lại, bị người nước Quy Từ là La Vân (羅雲) giết.

 

Về sau Trương Tuấn khiển Sa châu Thứ sử Dương Tuyên đem quân chia nhau trị Tây Vực, Tuyên lấy bộ tướng Trương Thực làm tiền phong, đi trước loan tin. Khi quân đến nước này, Hy đánh trả ở thành Bí Luân (賁侖), bị Thực đánh bại. Thực bấy giờ đóng ở Thiết Môn, cách chưa đầy 10 lí, nên Hy lại đem quân chặn trước để cản trở lương thực. Thực sắp đến thì có kẻ nói rằng: “Hán Tổ sợ ở Bách Nhân [15], Sầm Bành chết ở Bành Vong [16]. Nay nghe tin lương bị chặn, e là sắp có mai phục.” Thực một mình cưỡi ngựa đi xem thử, quả nhiên có phục binh xông ra. Thực cưỡi ngựa đánh bại được chúng, rồi chiếm Úy Lê. Hy đem thuộc hạ 40.000 người cởi trần hàng Tuyên. Khi Lã Quang dẹp Tây Vực, Hy lại hàng Quang. Khi Quang tiếm ngôi, Hy lại khiển con trai vào chầu.

 

Quy Từ

 

Nước Quy Từ cách Lạc Dương 8.280 lí về phía tây. Có thành quách, thành ấy có ba lớp, ở trong có hàng nghìn đài miếu thờ Phật. Người nước này làm ruộng, chăn súc vật để kiếm sống. Nam nữ đều cắt tóc, để rũ xuống cổ. Vương cung tráng lệ, rực rỡ như nơi ở của thần.

 

Thời Thái Khang triều Vũ đế, vương nước này khiển con vào chầu. Cuối thời Huệ đế, Hoài đế, Quy Từ thấy Trung Quốc loạn nên khiển sứ cống phương vật cho Trương Trọng Hoa. Thời Phù Kiên, Kiên khiển tướng Lã Quang đem 70.000 quân đánh. Vương nước này là Bạch Chuẩn chặn đánh không hàng, Quang tiến quân đánh dẹp được.

 

Đại Uyển

 

Nước Đại Uyển cách Lạc Dương 3.350 lí về phía tây, nam giáp Đại Nguyệt Thị, bắc giáp Khang Cư, có hơn 70 thành lớn nhỏ. Đất hợp trồng lúa nước, lúa mạch, có rượu nho. Nhiều ngựa tốt, ngựa chảy mồi hôi máu. Người nước này đều mắt thâm, nhiều râu. Cưới vợ thì trước hết dùng tiền vàng tròn rộng một ngón tay làm sính lễ, lại đem ba người hầu gái ra thử, đàn ông không sinh con được thì không được cưới. Gian dâm mà có con thì bắt người mẹ làm nô tì. Người ta cưỡi ngựa không được, ngã chết, thì chủ ngựa phải đền tiền. Giỏi mua bán, tranh giành từng chút một. Có được vàng bạc Trung Quốc liền lấy làm đồ vật, không dùng làm tiền tệ.

 

Năm Thái Khang thứ 6 (285), Vũ đế khiển sứ Dương Hạo phong vương nước này Lam Dữu (藍庾) làm Đại Uyển vương. Khi Lam Dữu mất, con trai là Ma Chi (摩之) lập, khiển sứ cống ngựa mồ hôi máu.

 

Khang Cư

 

Nước Khang Cư nằm cách Đại Uyển khoảng 2.000 lí về phía tây bắc, giáp giới với Túc Dặc (粟弋), Y Liệt (伊列). Vương nước này sống ở thành Tô Giới (蘇薤). Phong tục, diện mạo, y phục đại lược giống Đại Uyển. Đất ôn hòa, nhiều cây ngô đồng, liễu, nho. Lắm bò ngựa, sản xuất ngựa tốt. Thời Thái Thủy (265-274), vương nước này Na Tỳ (那鼻) khiển sứ dâng thư niêm phong và hiến ngựa tốt.

 

Đại Tần

 

Nước Đại Tần còn tên là Lê Kiền (那鼻), nằm phía tây của Tây Hải. Đất này đông tây nam bắc đều rộng mấy nghìn lí. Có thành ấp, thành chu vi hơn trăm lí. Nhà cửa đều dùng san hô làm xà kèo, lưu li làm tường vách, thủy tinh [17] làm cột trụ. Vương nước này có năm cung, mỗi cung cách nhau 10 lí, hằng ngày ở một cung nghe việc, xong hết năm cung lại bắt đầu lại. Nếu trong nước có tai dị liền lập người hiền thay thế, đuổi cựu vương đi, người bị đuổi cũng không dám oán. Có quan coi văn thư, nhưng văn tự giống người Hồ. Cũng có xe nhỏ che mái trắng và các thứ tinh kỳ, và biết đặt bưu đình, dịch trạm y như Trung Châu. Người nước này cao lớn, tướng mạo giống người Trung Quốc nhưng mặc áo Hồ. Đất sản xuất nhiều vàng ngọc châu báu, ngọc trai sáng, vỏ sò lớn. Có ngọc bích dạ quang, tê dọa gà [18] và vải hỏa hoãn [19], lại biết làm vải thêu kim tuyến và len gấm. Dùng vàng bạc làm tiền, 10 tiền bạc ngang 1 tiền vàng. Người An Tức, Thiên Trúc buôn bán với nước này giữa biển, lợi đến trăm lần. Sứ các nước lân cận đến liền được tặng tiền vàng. Cách trở biển lớn, nước biển mặn không ăn được, thương khách đi lại đều phải mang lương đủ ba năm, vì thế hiếm người tới được. Thời Hán, Đô hộ Ban Siêu khiển duyện lại Cam Anh đi sứ nước này, xuống biển thì người trên thuyền nói: “Giữa biển có vật kêu khóc, người đi lại chẳng ai không buồn bã. Nếu sứ Hán không thương cha mẹ vợ con thì mới đi được.” Nên Anh không qua được. Thời Thái Khang triều Vũ đế, vương nước này khiển sứ cống hiến.

 

***

 

Nam Man

 

Đông Nam Á vào thời nhà Tấn, với vị trí của Lâm Ấp (Linyi) và Phù Nam (Funan).

Lâm Ấp

 

Nước Lâm Ấp vốn là huyện Tượng Lâm thời Hán, tức nơi Mã Viện đặt cột đồng [20], cách Nam Hải 3.000 lí. Cuối thời Hậu Hán, Công tào trong huyện họ là Khu () có con trai tên Liên (), giết huyện lệnh rồi tự lập làm vương, con cháu nối dõi. Về sau vương không có thừa tự, cháu ngoại Phạm Hùng (范熊) lên thay. Khi Hùng chết, con trai là Dật () lên ngôi.

 

Tục nước này đều mở cửa về bắc đón mặt trời, còn như nơi ở thì đông tây vô định. Tính người hung hãn, quả cảm khi chiến đấu, quen núi thuộc sông, không thạo đất bằng. Bốn mùa ấm áp, không sương không tuyết, người ta đều cởi trần đi chân đất, coi màu đen là đẹp. Quý nữ khinh nam, người cùng họ cưới nhau, phụ nữ kén rể trước. Lúc con gái cưới thì mặc áo già bàn (迦盤) khổ ngang khâu lại như lan can giếng, đầu đội hoa quý. Có tang thì cắt tóc mái coi là hiếu, đốt xác ngoài đồng coi là táng. Vương đội thiên quan [21], đeo anh lạc [22], mỗi khi nghe chính sự thì con em, thị thần không được ở gần.

 

Từ Tôn Quyền trở đi không chầu Trung Quốc, đến thời Thái Khang triều Vũ đế mới đến cống hiến. Năm Hàm Khang thứ 2 (336), Phạm Dật chết, đày tớ là Văn () nối ngôi. Văn là đày tớ của soái người Di là Phạm Chuy (範椎) ở huyện Tây Quyển quận Nhật Nam. Văn từng chăn trâu trong khe suối, bắt được hai con cá chép, hóa thành sắt, nên dùng để làm đao. Khi đao thành, bèn đối mặt tảng đá lớn mà đọc chú rằng: “Cá chép biến hóa, rèn thành song đao. Tảng đá phá được, là có thần linh.” Khi tiến lên chém, đá liền vỡ như ngói, Văn biết là có thần nên nhớ lấy. Văn theo lái buôn đi lại, thấy chế độ của thượng quốc, khi đến Lâm Ấp bèn dạy cho Dật làm cung thất, thành ấp và khí giới. Dật rất tin yêu, cho làm tướng. Văn bèn gièm pha các con trai của Dật, khiến họ đều bị đày hoặc phải bỏ trốn. Khi Dật chết, Văn bèn tự lập làm vương. Văn đem thê thiếp của Dật nhốt hết trên lầu cao, ai theo thì nạp, không theo thì bỏ đói. Thế rồi tấn công các nước Đại Kỳ Giới (大岐界), Tiểu Kỳ Giới (小岐界), Thức Bộc (式僕), Từ Lang (徐狼), Khuất Đô (屈都), Càn Lỗ (乾魯), Phù Đơn (扶單), thôn tính được, bộ chúng đông đến bốn năm vạn người. Văn khiển sứ thông biểu vào cống cho hoàng đế, thư đều viết chữ Hồ.

 

Đến năm Vĩnh Hòa thứ 3 (347), Văn đem người công hãm Nhật Nam, hại Thái thú Hạ Hầu Lãm, giết năm sáu nghìn người, số còn lại chạy về Cửu Chân. Văn đem xác Lãm tế trời, san bằng thành ở huyện Tây Quyển rồi chiếm cứ Nhật Nam. Văn báo cho Giao châu Thứ sử Chu Phiên, đòi lấy Hoành Sơn ở miền bắc Nhật Nam làm biên giới. Ban đầu, các nước ngoài cõi thường đem vật quý theo đường biển đến mua bán, nhưng Giao châu Thứ sử và Nhật Nam Thái thú đa phần tham lợi nên cướp đoạt, mười phần chỉ còn hai ba phần. Đến thời Thứ sử Khương Trang, cho Hàn Tập lĩnh chức Nhật Nam Thái thú, thì Tập lấy đến hơn một nửa, lại đóng thuyền điều binh, do đó các nước căm giận. Hơn nữa Lâm Ấp ít ruộng nên dòm ngó đất Nhật Nam. Khi Tập chết, Tạ Trạc kế chức, vẫn hà khắc như trước. Khi Lãm đến quận lại đam mê rượu chè, chính giáo càng loạn, nên bị phá diệt.

 

Ít lâu sau Văn về Lâm Ấp. Năm ấy, Chu Phiên sai Đốc hộ Lưu Hùng giữ Nhật Nam, thì Văn lại công hãm. Năm thứ 4 (348), Văn lại tập kích Cửu Chân, hại 18, 19 người thổ dân. Năm sau (349), Chinh Tây Đốc hộ Đằng Tuấn suất binh Giao, Quảng đi đánh Văn ở Lưu Dung, bị Văn đánh bại nên rút về Cửu Chân. Năm ấy, Văn chết, con trai là Phật () nối ngôi.

 

Cuối thời Thăng Bình (357-361), Quảng Châu thứ sử Thắng Hàm đem quân đánh dẹp. Phật sợ nên xin hàng, Hàm cùng thề rồi về. Đến thời Ninh Khang triều Hiếu Vũ đế (373-375), khiển sứ cống hiến. Đến thời Nghĩa Chiêu (405-419), hằng năm lại đến cướp các quận Nhật Nam, Cửu Chân, Cửu Đức, giết chóc rất nhiều, nên Giao châu yếu ớt dần, mà Lâm Ấp cũng mỏi mệt.

 

Khi Phật chết, con trai là Hồ Đạt (胡達) lập, dâng sớ cống các thứ chén vàng và chiêng vàng.

 

Phù Nam

 

Phù Nam cách Lâm Ấp hơn 3.000 lí về phía tây, nằm ven vịnh lớn giữa biển. Bờ cõi rộng 3.000 lí, có thành ấp, cung thất. Người nước này đều đen đúa, búi tóc, cởi trần, đi chân đất. Tính ngay thẳng, không làm trộm cướp, lấy trồng trọt làm nghề, gieo một năm thu hoạch ba năm. Lại thích điêu khắc hoa văn, đồ ăn uống đa phần làm bằng bạc, cống phú thì dùng vàng bạc, ngọc trai, hương liệu. Cũng có kho tàng ghi chép, chữ viết cùng loại như người Hồ. Tang táng, hôn nhân đại lược giống Lâm Ấp.

 

Vương nước này vốn là đàn bà, tên là Diệp Liễu (葉柳). Bấy giờ có người nước ngoài là Côn Hội (混潰), trước kia thờ thần, mơ thấy thần ban cho cung, lại dạy lái thuyền vượt biển. Côn Hội sáng sớm đến miếu thần thì thấy cung, bèn theo lái buôn vượt biển đến ấp ngoài Phù Nam. Diệp Liễu đem người ra chống cự. Côn Hội giương cung, Diệp Liễu sợ, bèn đầu hàng. Do đó Côn Hội nạp làm thê, rồi chiếm cứ nước này. Về sau dòng dõi suy vi, con cháu không nối được, tướng là Phạm Tầm (範尋) lại thay làm vương Phù Nam.

 

Đầu thời Thái Thủy triều Vũ đế, khiển sứ cống hiến. Trong thời Thái Khang, lại thường đến. Đầu thời Thăng Bình triều Mục đế (357-361), lại có Trúc Chiên Đàn (竺旃檀) xưng vương, khiển sứ cống voi thuần. Hoàng đế cho là thú lạ phương xa, sợ gây họa cho người nên xuống chiếu trả lại.

 

***

 

Bắc Địch

 

Hung Nô

 

Chủng loài Hung Nô gọi chung là Bắc Địch. Đất Hung Nô phía nam giáp Yên, Triệu, phía bắc đến sa mạc, phía đông liền Cửu Di, phía tây kề Lục Nhung [23]. Đời đời tự làm vua tôi cho nhau, không vâng chính sóc Trung Quốc. Thời Hạ gọi là Huân Dục, thời Ân gọi là Quỷ Phương, thời Chu gọi là Hiểm Duẫn, thời Hán gọi là Hung Nô. Mạnh yếu, thịnh suy, phong tục ưa thích, khu vực sở tại đều liệt kê trong sử trước.

 

Cuối thời Tiền Hán, Hung Nô loạn lớn, năm thiền vu tranh lập, rồi Hô Hàn Tà thiền vu mất nước nên đem bộ lạc vào làm thần cho Hán. Hán khen ý ấy, cắt ranh giới ở Tỉnh châu để an trí. Vì thế hơn 5.000 bộ lạc Hung Nô vào ở các quận Sóc Phương, sống lẫn với người Hán. Hô Hàn Tà cảm ân Hán nên đến chầu. Hán nhân đó giữ lại, ban cho phủ đệ, vẫn theo hiệu gốc mà cho gọi là “thiền vu”, hằng năm cấp bông, lụa, tiền, gạo giống như cho các liệt hầu. Con cháu truyền nối nhiều đời không dứt. Bộ lạc đi theo đến sống gần quận huyện, chăn thả giống như các hộ dân, nhưng không nộp cống phú. Nhiều năm sau hộ khẩu dần nảy nở, tràn đầy phương bắc, nên khó ngăn cấm được.

 

Cuối thời Hậu Hán, thiên hạ dao động, quần thần tranh nhau bàn rằng người Hồ đông đúc, e ắt làm giặc, nên đề phòng trước. Trong thời Kiến An (196-220), Ngụy Vũ đế mới chia dân ấy thành năm bộ, trong bộ lập người cao quý làm soái, tuyển người Hán làm Tư mã để coi sóc. Cuối thời Ngụy, lại đổi chức soái thành Đô úy. Tả bộ Đô úy thống lĩnh khoảng hơn 10.000 bộ lạc, sống ở huyện Tư Thị cũ tại Thái Nguyên; Hữu bộ Đô úy có khoảng hơn 6.000 bộ lạc, sống ở huyện Kỳ; Nam bộ Đô úy có khoảng hơn 3.000 bộ lạc, sống ở huyện Bồ Tử; Bắc bộ Đô úy có khoảng hơn 4.000 bộ lạc, sống ở huyện Tân Hưng; Trung bộ Đô úy có khoảng hơn 6.000 bộ lạc, sống ở huyện Đại Lăng.

 

Sau khi Vũ đế lên ngôi, người Hung Nô ngoài ải gặp lũ lớn, nên hơn 20.000 bộ lạc như Tắc Ni (塞泥), Hắc Nan (黑難) đều quy hóa. Hoàng đế lại nhận vào, cho ở dưới thành Nghi Dương cũ ở Hà Tây. Về sau lại có người Tấn sống lẫn, vì thế các quận Bình Dương, Tây Hà, Thái Nguyên, Tân Hưng, Thượng Đảng chẳng đâu không có. Năm Thái Thủy thứ 7 (271), Thiền vu Mãnh () làm phản, đóng ở thành Khổng Tà. Vũ đế khiển Lũ hầu Hà Trinh cầm cờ tiết đánh dẹp. Trinh vốn có mưu lược, thấy Mãnh hung hãn, binh ít không chế ngự được, nên ngầm dụ Tả bộ đốc của Mãnh là Lý Khách (李恪) giết Mãnh. Vì thế Hung Nô quy phục, suốt nhiều năm không dám phản nữa.

 

Về sau Hung Nô lại vì oán hận mà giết hại trưởng lại, dần thành mối nạn nơi biên giới. Tây Hà Thị ngự sử Quách Khâm dâng sớ rằng:

Nhung Địch lớn mạnh, từ xưa đã là mối lo. Đầu thời Tấn ít dân, các quận tây bắc đều do người Nhung ở. Nay chúng tuy theo về nhưng trong vòng trăm năm lại có chuyện gió bụi. Kỵ Hồ từ Bình Dương, Thượng Đảng cứ ba ngày lại đến Mạnh Tân, Bắc Địa, Tây Hà, Thái Nguyên, Phùng Dực, An Định, Thượng Quận, đều thành chốn người Địch cả. Nên nhân uy mới bình Ngô, theo sách lược của mưu thần, mãnh tướng mà xuất quân ra Bắc Địa, Tây Hà, An Định, khôi phục Thượng Quận, lấy hết Phùng Dực, các huyện từ Bình Dương về bắc mộ lấy tử tù, đồ bốn vạn binh sĩ hiện các nhà ở Tam Hà, Tam Ngụy để sung quân. Đến khi chúng không làm loạn Hoa nữa, thì đồ dần người Hồ đến sống lẫn ở Bình Dương, Hoằng Nông, Ngụy Quận, Kinh Triệu, Thượng Đảng, canh phòng nghiêm việc Tứ Di ra vào, làm sáng rõ chế độ hoang phục của tiên vương. Đấy là kế sách lâu dài của muôn đời vậy.”

Hoàng đế không nghe.

 

Đến năm Thái Khang thứ 5 (284), lại có người Hung Nô là Hồ Thái A (胡太阿) nguyện đem bộ lạc gồm 29.300 khẩu quy hóa. Năm thứ 7 (286), lại có người Hung Nô là bọn Hồ Đô Đại Truyền (胡都大博) và Nuy Sa Hồ (萎莎胡) cùng đem chủng loài lớn nhỏ tất cả hơn 100.000 khẩu đến chỗ Ung châu Thứ sử Phù Phong và Vương Tuấn hàng phụ. Năm sau (287), bọn Đô đốc Đại Đậu Đắc Nhất Dục Cúc (大豆得一育鞠) của Hung Nô lại đem bộ lạc lớn nhỏ gồm 11.500 khẩu, bò 22.000 đầu, dê 15.000 con, lừa kéo xe, của cải nhiều không đếm xuể đến hàng, đều cống phương vật. Hoàng đế an phủ chiêu nạp cả.

 

Bắc Địch coi bộ lạc là chủng loài. Số vào sống trong ải có chủng Đồ Các (屠各), chủng Tiên Chi (鮮支), chủng Khấu Đầu (寇頭), chủng Ô Đàm (烏譚), chủng Xích Lặc (赤勒), chủng Hãn Điệt (捍蛭), chủng Hắc Lang (黑狼), chủng Xích Sa (赤沙), chủng Uất Bính (鬱鞞), chủng Nuy Soa (萎莎), chủng Ngốc Đồng (禿童), chủng Bột Miệt (勃蔑), chủng Khương Cừ (羌渠), chủng Hạ Lại (賀賴), chủng Chung Kì (鐘跂), chủng Đại Lâu (大樓), chủng Ủng Khuất (雍屈), chủng Thực Thụ (真樹), chủng Lực Kiết (力羯), tất cả 19 chủng, đều có bộ lạc, không lẫn vào nhau. Đồ Các giàu có nhất nên được làm thiền vu, thống lĩnh các chủng. Hiệu trong nước có Tả Hiền vương, Hữu Hiền vương, Tả Dịch Lê vương, Hữu Dịch Lê vương, Tả Vu Lăng vương, Hữu Vu Lăng vương, Tả Tiềm Thượng vương, Hữu Tiềm Thượng vương, Tả Sóc Phương vương, Hữu Sóc Phương vương, Tả Độc Lộc vương, Hữu Độc Lộc vương, Tả Hiển Lộc vương, Hữu Hiển Lộc vương, Tả An Lạc vương, Hữu An Lạc vương, tất cả 16 bậc, đều là con em thân thích của thiền vu. Tả Hiền vương là cao quý nhất, chỉ có thái tử được làm. Có bốn họ là Hô Diên thị (呼延), Bốc thị (), Lan thị (), Cảo thị (). Hô Diên thị là cao quý nhất, có Tả Nhật Trục, Hữu Nhật Trục, đời đời làm tể tướng; Bốc thị có Tả thả lặc (沮渠), Hữu thả lặc; Lan thị có Tả đương hộ (當戶), Hữu đương hộ; Cảo thị có Tả đô hầu (都侯), Hữu đô hầu. Lại có các hiệu tạp như xa dương (車陽), thả cừ, dư địa (餘地), giống như trăm quan ở Trung Quốc. Người trong nước có Kỳ Mưu thị (綦毋), Lặc thị (), đều dũng kiện, ưa làm phản. Thời Vũ đế, có Kỵ đốc Kỳ Mưu Chiêm Tà (綦毋伣邪) có công đánh Ngô, được thăng làm Xích Sa Đô úy.

 

Trong thời Nguyên Khang triều Huệ đế (291-300), người Hung Nô là Hác Tản (郝散) tấn công Thượng Đảng, giết trưởng lại, vào giữ Thượng Quận. Năm sau, em trai Tản là Độ Nguyên lại đem người Khương, Hồ ở Phùng Dực, Bắc Địa công phá hai quận ấy. Từ đấy về sau Bắc Địch thịnh dần, Trung Nguyên chịu loạn.

 

***

Chú thích

1. Chư Hoa: Chỉ chung các thực thể chính trị nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Hoa Hạ

2. Yêu hoang: Tức yêu phục và hoang phục. Thời Chu, dựa theo vị trí xa gần so với đất của thiên tử mà các nước chư hầu được chia làm năm bậc, gồm điện phục, hầu phục, tuy phục, yêu phục và hoang phục. “Yêu hoang” ở đây chỉ những xứ xa xôi hẻo lánh, cách xa trung tâm văn minh Trung Hoa.

3. Ki mi: Nghĩa đen là “ràng buộc”, chỉ mối quan hệ lỏng lẻo giữa triều đình Trung Hoa với các sắc dân thiểu số vùng biên viễn xưa kia.

4. Nhược Thủy: Tên một con sông trong truyền thuyết Trung Hoa, ở đây được tác giả dùng để chỉ một con sông ở vùng Mãn Châu ngày nay.

5. Nột: Tên một loài thú trong truyền thuyết Trung Hoa, hình dáng tựa hải cẩu nhưng có vằn trên thân, có sừng và hai chân.

6. Nguyên đế trung hưng: Chỉ việc Tấn Nguyên đế tái lập nhà Tấn tại miền nam Trung Quốc sau khi triều đình Tây Tấn bị các dân tộc Ngũ Hồ lật đổ.

7. Tây Linh, Dĩ Tây, Cam Tùng: Tên các bộ lạc người Khương ở miền tây Trung Quốc đương thời.

8. Thời Chu, con trai các quân chủ nhà Chu được gọi là “công tử”, con cái của họ gọi là “công tôn”, về sau lấy chữ Công Tôn này làm họ cho mình.

9. Tây Hạ: Tức là miền tây Hoa Hạ, không nên nhằm với nước Tây Hạ sau này.

10. Tần, Lũng: Tên thường gọi của vùng phía nam tỉnh Thiểm Tây và một phần Cam Túc ngày nay.

11. Sa, Lương: Tên châu cũ, nằm trên địa phận các tỉnh Cam Túc và Ninh Hạ ngày nay.

12. Yên, Triệu: Ở đây chỉ chung các thế lực tại vùng đông bắc Trung Hoa đương thời. Vào thời điểm Thị Bi tại vị (391-400) có tới hai nước cùng mang tên “Yên”, sau này gọi là Hậu Yên và Nam Yên, tuy nhiên không có nước nào tên là “Triệu”.

13. Quý Mạnh, Tử Dương: Quý Mạnh tức hai gia tộc Quý và Mạnh ở nước Lỗ thời Xuân Thu, cùng với họ Trọng gọi chung là “Tam Hoàn”, từng có giai đoạn chuyên quyền lấn át vua Lỗ. Tử Dương tức Tứ Tử Dương, tể tướng nước Trịnh thời Xuân Thu-Chiến Quốc, vì chuyên quyền trong triều mà sau bị giết.

14. Người Hồ: Tên gọi chung các sắc dân du mục ở phía bắc Trung Hoa xưa, về sau còn được áp dụng với cả người Trung Á, Nam Á và Tây Á.

15. Điển tích thời Hán. Năm 200 TCN, nhân lúc Lưu Bang (tức Hán Cao Tổ) đi qua đất Triệu, tể tướng Triệu là Quán Cao sai người phục ở huyện Bách Nhân để ám sát Lưu Bang. Lưu Bang hỏi người địa phương, biết tên huyện là Bách Nhân thì nói rằng: “Bách nhân là bức bách người ta! Cứ đi tiếp đừng dừng lại”, nhờ đấy mà thoát mạng.

16. Điển tích thời Hán. Sầm Bành là một trong Vân Đài nhị thập bát tướng của Hán Quang Vũ đế. Năm 35, Sầm Bành được sai đánh dẹp Công Tôn Thuật ở Ích Châu. Bành đóng quân ở đất Bành Vong (nghĩa đen là “Bành mất”), cho là điềm không lành nên định dời đi nơi khác, nhưng chưa kịp đã bị thích khách của phe Công Tôn Thuật ám sát.

17. Thủy tinh: Ở đây chỉ chung các loại đá quý có độ trong suốt cao.

18. Tê dọa gà: Quan niệm Trung Hoa xưa coi sừng tê là vật linh dị, gà không dám đến gần.

19. Vải hỏa hoãn: Tức loại vải dệt từ sợi amiang, có độ kháng lửa cao nên khi đốt vết bẩn sẽ bị tẩy đi mà vải vẫn không cháy. Người Trung Hoa xưa gọi đấy là “hỏa hoãn” (giặt bằng lửa).

20. Về vị trí của cột đồng Mã Viện có nhiều quan điểm khác nhau. Đây chỉ là ý kiến của cá nhân tác giả Tấn thư.

21. Thiên quan: Có lẽ là loại mũ cao nhiều tầng, giống như trong tranh vẽ hoặc điêu khắc về các vị thần Hindu.

22. Anh lạc: Một loại trang sức cổ.

23. Cửu Di, Lục Nhung: Đều là những tên gọi khái quát chỉ chung các sắc dân “phi-Hoa Hạ”.

 

Comments