Tam quốc chí - Đông Di truyện

ĐÔNG DI TRUYỆN

Tam quốc chí – quyển 30

 

Đông Di truyện là phần thứ hai trong quyển 30 của Tam quốc chí, ghi chép về địa lí, phong tục, lịch sử và tiếp xúc ngoại giao giữa các quốc gia, sắc tộc vùng Đông Bắc Á thời bấy giờ với Trung Hoa. Phạm vi đề cập của liệt truyện này bao hàm vùng đông bắc Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên và quần đảo Nhật Bản ngày nay. Tác giả Trần Thọ sử dụng nhiều đoạn trích từ sách Ngụy lược, mà trong bản dịch dưới đây sẽ được thể hiện bằng chữ màu xanh dương.

 

***

 

Kinh Thư viết: “Đông vượt qua biển, tây đến Lưu Sa [1].” Chế độ cửu phục [2] thời ấy có thể thấy được. Nhưng nằm ngoài cõi hoang, phải lặn lội đến chầu, là nơi chưa có dấu chân hay vết bánh xe, chưa biết được quốc tục xứ ấy khác biệt thế nào. Từ đời Ngu tới Chu, Tây Nhung có hiến vòng ngọc trắng, Đông Di có cống tên Túc Thận (肅慎) [3], nhưng đều sau nhiều đời mới đến lại, vì xa xôi như thế đấy. Đến thời nhà Hán khiển Trương Khiên đi sứ Tây Vực, đến tận đầu nguồn sông Hà, đi khắp các nước, nên đặt Đô hộ thống lĩnh. Nhưng việc Tây Vực về sau vẫn còn đầy đủ, nên sử quan ghi chép rõ được. Nhà Ngụy hưng, Tây Vực tuy không thể đến được, nhưng các nước lớn như Quy Từ, Vu Điền, Khang Cư, Ô Tôn, Sớ Lặc, Nguyệt Thị, Thiện Thiện, Xa Sư không năm nào không dâng triều cống, đại lược như lệ cũ thời Hán. Công Tôn Uyên nhờ ba đời cha ông nắm giữ Liêu Đông, Thiên tử cho là chốn hẻo lánh nên ủy cho việc hải ngoại. Uyên bèn ngăn cản Đông Di, không cho thông với các nước Hoa Hạ. Thời Cảnh Sơ, hưng đại quân đánh dẹp Uyên, lại đem quân vượt biển thu các quận Lạc Lãng, Đái Phương, nên về sau cõi đông yên ổn, Đông Di khuất phục. Về sau Cao Câu Ly (高句麗) bội phản, nên lại khiển biên tướng đi đánh, truy đuổi đến cùng, vượt Ô Hoàn, Cốt Đô (骨都), qua Ốc Trở (沃沮), phá đình của Túc Thận, đến tận biển lớn phía đông. Trưởng lão nói rằng có giống người khuôn mặt kì lạ, sống gần nơi mặt trời mọc. Bèn xem khắp các nước, tìm hiểu về phép tắc, phong tục lớn nhỏ khu biệt, đều có danh hiệu, nên mới chép được rõ. Tuy là nước Di Địch nhưng vẫn còn giữ tục dùng khay đĩa. Những thứ lễ đã mất ở Trung Quốc lại tìm thấy được ở Tứ Di, quả là đúng. Thế nên chọn lựa những điều về các nước ấy, liệt theo theo sự giống và khác, để chép tiếp chỗ chưa đầy đủ của sử trước.

 

Bán đảo Triều Tiên vào khoảng thế kỉ II, với các địa danh trong Tam quốc chí:
Phù Dư (Buyeo), Ấp Lâu (Yilou), Cao Câu Ly (Goguryeo), Đông Ốc Trở
(Dongokjeo), Đông Uế (Dongye), Uế (Ye), Thin Hàn (Jinhan), Biền Hàn
(Byeonhan), Mã Hàn (Mahan), và quận Lạc Lãng (Lelang) của nhà Hán.
 


Phù Dư

 

Phù Dư (夫餘) nằm ở phía bắc Trường Thành, cách Huyền Thố 1.000 lí. Nam giáp Cao Câu Ly, đông giáp Ấp Lâu (挹婁), tây giáp Tiên Ty, bắc có Nhược Thủy [4]. Rộng khoảng 2.000 lí, có 80.000 hộ. Có cung thất, kho tàng, lao ngục. Nhiều núi cao đầm rộng, là nơi bằng phẳng nhất trong cõi Đông Di. Đất đai hợp ngũ cốc, không trồng được ngũ quả [5]. Người nước này to lớn cộc kệch, tính cường dũng nhưng thuần hậu, không làm trộm cướp. Trong nước có quân trưởng, đều lấy lục súc đặt tên quan, như mã gia, ngưu gia, trư gia, cẩu gia, đại sứ, đại sứ giả, sứ giả. Làng ấp có hào trưởng, các hộ bề dưới đều phải làm nô bộc. Các gia làm chủ bốn phương, kẻ lớn làm chủ mấy nghìn nhà, kẻ nhỏ mấy trăm nhà.

 

Khi ăn uống đều dùng khay và đĩa. Khi hội họp, bái lạy, tắm rửa đều vái nhường trên dưới. Tế trời vào tháng mười hai, trong nước mở hội lớn, ăn uống hát múa suốt mấy ngày, gọi là “nghinh cổ” (迎鼓); lúc bấy giờ xét hình ngục, thả tù tội. Trong nước chuộng màu trắng, mặc áo trắng ống tay rộng, áo bào, quấn khố, mang dép da. Khi ra nước ngoài thì chuộng mặc áo lụa thêu hay len gấm; với đại nhân thì khoác thêm áo lông cáo, lông khỉ màu trắng hoặc đen, đính kèm trang sức vàng bạc. Khi người phiên dịch chuyển lời đều quỳ xuống, chống tay xuống đất mà trả lời. Hình pháp rất nghiêm, giết người thì xử tử, tịch thu người nhà làm nô tì; trộm cắp một phải đền mười hai. Nam nữ dâm loạn hay đàn bà đố kỵ đều bị giết cả. Những kẻ rất đố kỵ, thì sau khi giết sẽ phơi thây trên ngọn núi phía nam nước để mục rữa. Khi nhà gái kén rể, phải nộp bò ngựa rồi mới được cho cưới. Anh chết thì em cưới chị dâu, giống với tục Hung Nô.

 

Nước này giỏi chăn nuôi. Sản xuất ngựa tốt, ngọc đỏ, lông chồn, ngọc trai. Ngọc trai có viên lớn như quả táo chua. Dùng cung tên, đao, mâu làm binh khí, nhà nhà đều tự sắm khải trượng. Kỳ lão trong nước tự nói rằng mình là người bỏ trốn thời xưa. Dựng thành rào hình tròn, tựa như lao ngục. Khi đi đường, bất kể sớm tối hay già trẻ đều hát hò, suốt cả ngày không dứt tiếng. Có việc quân cũng tế trời, giết bò xem móng để bói lành dữ, móng nứt ra là dữ, còn nguyên là lành. Có địch thì các gia tự chiến đấu, những hộ bề dưới đều gánh lương theo để lo ăn uống cho họ. Nếu chết vào mùa hè đều dùng băng [ướp xác]. Giết người để tuẫn táng, đông đến mấy trăm người. Việc táng rất hậu, có quách nhưng không có quan. Tục nước này hoãn lễ tang tới năm tháng, vì cho càng lâu là càng vinh. Khi tế người đã mất, có thức ăn sống lẫn đã nấu chín. Chủ nhà có tang không muốn làm gấp nhưng bị người khác ép, thì thường nói thẳng ra, coi đấy là lễ tiết. Khi để tang, nam nữ đều mặc áo trắng tinh, đàn bà đội khăn vải, cởi bỏ vòng ngọc, đại thể phảng phất giống với Trung Quốc.

 

Phù Dư vốn thuộc Huyền Thố. Cuối thời Hán, Công Tôn Độ hùng cứ phía đông biển, uy phục Ngoại Di, nên Phù Dư vương Úy Cừu Hợp (尉仇台) chuyển sang lệ thuộc Liêu Đông. Bấy giờ Câu Ly, Tiên Ty mạnh, Độ thấy Phù Dư nằm giữa hai bọn giặc ấy, nên đem con gái trong họ gả cho. Khi Úy Cừu Hợp chết, chọn Vị Cư (位居) lên ngôi. Vị Cư không có con đích, chỉ có con nhỏ là Ma Dư (麻餘). Khi Vị Cư chết, các gia cùng lập Ma Dư. Con của anh trai viên ngưu gia cũng tên là Vị Cư, làm chức đại sứ, khinh của cải, có tài nghệ, được người trong nước theo về. Vị Cư hằng năm khiển sứ đến kinh đô cống hiến. Thời Chính Thủy (240-249), U châu Thứ sử Quán Khâu Kiệm đánh Câu Ly, khiển Huyền Thố Thái thú Vương Khẩn đến Phù Dư. Vị Cư khiển đại gia ra đón ngoài thành, cung ứng quân lương. Người chú làm chức ngưu gia mang hai lòng, nên Vị Cư giết hai cha con nhà chú mình, tịch thu của cải, khiển sứ đưa đến chỗ quan.

 

Tục cũ của Phù Dư, khi nước cạn không đầy, ngũ cốc không chín, liền quy tội cho vương, có kẻ nói phải thay, có kẻ nói phải giết. Khi Ma Dư chết, con trai là Y Lư mới 6 tuổi, được lập làm vương.

 

Thời Hán, Phù Dư vương khi táng dùng quan tài bằng ngọc, nên [nhà Hán] thường chuẩn bị sẵn rồi giao cho quận Huyền Thố, khi vương chết thì rước về để táng. Khi Công Tôn Uyên bị diệt, trong kho ở Huyền Thố vẫn còn một cỗ quan tài ngọc. Nay trong kho của Phù Dư có ngọc bích, ngọc khuê, muôi ngọc từ mấy đời trước, là vật báu thế truyền, kỳ lão nói rằng trước kia được ban cho.

 

Nước này giàu có, từ đời trước đến nay chưa từng bị phá hoại. Ấn khắc chữ “Uế vương chi ấn”. Trong nước có thành cũ tên là Uế Thành, vì vốn là đất Uế Mạch (濊貊) mà Phù Dư vương đến ở, tự gọi mình là “vong nhân”, thì cũng tựa vậy.

 

Sách cũ lại nói xưa kia phương bắc có nước Cao Li Chi (高離之). Thị tỳ của vương nước ấy có thai, vương định giết đi, thì người thị tỳ nói: “Có khí hình quả trứng giáng xuống, nên tôi mới có thai.” Về sau sinh con trai, vương vứt ở chuồng lợn thì lợn dùng mõm hà hơi cho; đem sang chuồng ngựa thì ngựa cũng hà hơi, nên không chết. Vương ngờ là con của trời, bèn lệnh người mẹ giữ lấy mà nuôi, tên là Đông Minh (東明), thường sai chăn ngựa. Đông Minh giỏi bắn tên, vương sợ hắn đoạt nước của mình nên định giết. Đông Minh chạy trốn về nam đến sông Thi Yểm (施掩), dùng cung bắn xuống nước thì cá và rùa nổi lên làm cầu. Khi Đông Minh đã qua sông, cá và rùa bèn giải tán, quân đuổi theo không qua được. Đông Minh nhân đó đóng đô làm vương ở đất của Phù Dư.

 

Cao Câu Ly

 

Cao Cao Ly nằm cách Liêu Đông 1.000 lí về phía đông, nam giáp Triều Tiên, Uế Mạch, đông giáp Ốc Trở, bắc giáp Phù Dư. Đóng đô ở chân núi Hoàn Đô (丸都), đất rộng khoảng 2.000 lí, có 30.000 hộ. Nhiều núi cao đầm sâu, không có đồng bằng. Sống ở nơi núi non, uống nước từ khe suối. Không có ruộng tốt, tuy chăm chỉ cày cấy nhưng không đủ để no bụng. Tục nước này ăn uống tiết kiệm, ưa xây cung thất, nhà ở dựng phòng lớn ở hai bên tả hữu. Tế quỷ thần, lại thờ Linh tinh [6], xã tắc. Người nước này tính hung dữ, giỏi trộm cướp. Nước này có vương. Quan gồm có tướng gia (相加), đối lư (對盧), bái giả (沛者), cổ sồ gia (古雛加), chủ bạ, ưu đài thừa (優台丞), sứ giả, tạo y tiên nhân, đều có thứ bậc sang hèn. Người Đông Di xưa kia nói rằng đây là một chủng khác của Phù Dư, các mặt như ngôn ngữ đa phần giống Phù Dư, nhưng tính khí và y phục có chỗ khác. Vốn có năm tộc, gồm bộ Quyên Nô (涓奴), bộ Tuyệt Nô (絕奴), bộ Thuận Nô (順奴), bộ Hoán Nô (灌奴), bộ Quế Lâu (桂婁). Bộ Quyên Nô vốn là vương, sau suy yếu dần, nay bộ Quế Lâu lên thay. Thời Hán được ban cho người chơi trống sáo, thường đến quận Huyền Thố nhận áo mũ triều phục. Cao Câu Ly lệnh họ chủ quản việc sổ sách. Về sau dần kiêu ngạo, không đến quận nữa mà xây thành nhỏ ở miền đông biên giới, [nhà Hán] bỏ áo mũ triều phục ở đấy để hằng năm họ đến lấy. Nay người Hồ vẫn gọi thành ấy là Trách Câu Lâu (幘溝漊). Câu Lâu trong tiếng Câu Ly nghĩa là “thành”.

 

Về đặt quan, có đối lư thì không đặt bái giả, có bái giả thì không đặt đối lư. Tông tộc của vương có ai làm đại gia đều xưng là cổ sồ gia. Bộ Quyên Nô vốn là quốc chúa, nay tuy không làm vương nhưng vẫn là đại nhân chính thống, nên được xưng là cổ sồ gia, lại được lập tông miếu, thờ linh tinh, xã tắc. Bộ Tuyệt Nô nhiều đời kết hôn với vương, nên được gia hiệu cổ sồ. Các đại gia cũng tự đặt sứ giả và tạo y tiên nhân, nhưng đều phải đề đạt tên lên cho vương, giống như gia thần của ngự đại phu [ở Trung Quốc]; khi hội họp không được ngồi hay đứng ngang hàng với sứ giả và tạo y tiên nhân của nhà vương. Những nhà lớn trong nước không làm ruộng vì đã được ăn lộc hơn vạn khẩu, các hộ bề dưới phải gánh thóc gạo cá muối từ xa đến cung cấp.

 

Dân nước này ưa hát múa. Ở các làng ấp trong nước, nam nữ sớm tối tụ họp, cùng nhau hát múa. Không có kho tàng lớn, nhà nhà đều có kho nhỏ, tên là phu kinh (桴京). Người nước này sạch sẽ, vui vẻ, ưa cất rượu. Khi quỳ bái hạ một gối xuống, khác với Phù Dư. Khi đi bộ đều chạy nhanh. Tế trời vào tháng mười, trong nước mở hội lớn tên là Đông Minh. Khi dự hội, y phục đều làm bằng len gấm, mang trang sức vàng bạc. Đại gia và chủ bạ vấn khăn trên đầu, giống như khăn trách nhưng không có phần thừa, các tiểu gia thì đội chiết phong (折風), hình dáng như mũ biền. Phía đông nước này có hang lớn tên là Toại Huyệt (隧穴). Khi nước mở hội lớn vào tháng mười sẽ rước Toại Thần về miền đông nước để tế, dùng gỗ làm ngai cho thần.

 

Không có lao ngục, ai có tội thì các gia sẽ bàn bạc rồi giết đi, tịch thu vợ con làm nô tì. Việc hôn nhân ở nước này, khi đã bàn bạc xong, nhà gái sẽ dựng phòng nhỏ đằng sau nhà chính, gọi là phòng rể. Con rể sáng sớm đến ngoài nhà gái, tự xưng tên và quỳ bái, xin được ở nhờ nhà gái, cứ như vậy hai ba lần thì cha mẹ người con gái sẽ cho vào ở trong căn phòng nhỏ, bỏ tiền lụa bên cạnh. Đến khi sinh con khôn lớn, mới cho vợ về nhà chồng. Tục nước này dâm loạn. Nam nữ đã cưới nhau sẽ dần may áo tang. Việc táng rất hậu, dùng của cải vàng bạc đưa tiễn người chết, chất đá làm mộ, trồng tùng bách cạnh đấy.

 

Ngựa nước này đều nhỏ, nhưng giỏi leo núi. Người trong nước có khí lực, thạo chiến đấu, nên Ốc Trở, Đông Uế đều phải lệ thuộc. Lại có nước Tiểu Thủy Mạch (小水貊). Câu Ly khi dựng nước sống cạnh sông lớn. Phía bắc huyện Tây An Bình có sông nhỏ, chảy về nam đổ ra biển, có một chủng khác của Câu Ly dựa vào sông nhỏ đấy để dựng nước nên gọi là Tiểu Thủy Mạch. Nước này sản xuất cung tốt, nên gọi là cung Mạch vậy.

 

Đầu thời Vương Mãng, phát binh Câu Ly để đánh Hồ. Người Câu Ly không chịu đi, khi bị cưỡng ép phải đi thì đều bỏ trốn khỏi quan ải, làm đạo tặc. Liêu Tây Đại doãn Điền Đàm đuổi đánh, bị chúng giết mất. Các châu, quận, huyện quy tội cho Câu Ly hầu Đào (), nhưng Nghiêm Vưu tâu rằng: “Người Mạch phạm pháp, tội không phải bắt nguồn từ Đào, lại nên an ủi. Nay bỗng khép tội lớn cho hắn, e sẽ làm phản.” Mãng không nghe, xuống chiếu cho Vưu đi đánh. Vưu dụ Câu Ly hầu Đào đến rồi chém đi, đưa đầu về Trường An. Mãng cả mừng, bố cáo thiên hạ, đổi tên Cao Câu Ly thành Hạ Câu Ly. Lúc bấy giờ là hầu quốc; đến năm thứ 8 triều Hán Quang Vũ đế (32), Cao Câu Ly vương khiển sứ triều cống, mới lại xưng vương.

 

Đến thời Thương đế, An đế, Câu Ly vương Cung () nhiều lần cướp Liêu Đông, chuyển sang lệ thuộc Huyền Thố. Liêu Đông Thái thú Thái Phong, Huyền Thố Thái thú Dao Quang cho rằng Cung gây hại cho hai quận, nên hưng quân đi đánh. Cung trá hàng xin hòa, nên hai quận không tiến binh. Cung bí mật khiển quân đánh Huyền Thố, đốt Hầu Thành, vào Liêu Toại giết lại dân. Về sau Cung lại xâm phạm Liêu Đông. Thái Phong khinh địch, đem lại sĩ đuổi đánh, quân thua trận.

 

Khi Cung chết, con trai là Bá Cố (伯固) lên thay. Thời Thuận đế Hoàn đế, hắn lại xâm phạm Liêu Đông, cướp Tân An, Cư Hương, lại đánh Tây An Bình, giết Đái Phương lệnh ngay giữa đường, bắt được vợ con Lạc Lãng Thái thú. Năm Kiến Ninh thứ 2 triều Linh đế (169), Huyền Thố Thái thú Cảnh Lâm đánh dẹp chúng, chém mấy trăm thủ cấp giặc. Bá Cố hàng, xin lệ thuộc Liêu Đông. Thời Hy Bình (172-178), Bá Cố xin lệ thuộc Huyền Thố. Khi Công Tôn Độ hùng cứ phía đông biển, Bá Cố khiển bọn đại gia Ưu Cư (優居), chủ bạ Nhiên Nhân (然人) giúp Độ đánh giặc Phú Sơn, phá được.

 

Khi Bá Cố chết, có hai con trai, con lớn là Bạt Kỳ (拔奇), con nhỏ là Y Di Mô (伊夷模). Bạt Kỳ không có tài, nên người trong nước đổi sang lập Y Di Mô làm vương. Từ thời Bá Cố, Câu Ly đã nhiều lần cướp Liêu Đông, lại tiếp nhận hơn 500 nhà người Hồ. Thời Kiến An, Công Tôn Khang xuất quân đánh, phá được nước này, đốt trụi làng ấp. Bạt Kỳ oán việc mình là anh mà không được lập, nên cùng quan gia bộ Quyên Nô mỗi người đem hơn 30.000 hộ đến chỗ Khang xin hàng, về trú ở sông Phất Lưu (沸流). Người Hồ đã hàng cũng phản lại Y Di Mô. Y Di Mô bèn dựng nước mới, nằm ở chỗ ngày nay. Bạt Kỳ trú ở Liêu Đông, có con trai ở lại nước Câu Ly, nay là cổ sồ gia Bác Vị Cư (駮位居). Về sau lại đánh Huyền Thố, nên Huyền Thố cùng Liêu Đông hợp công, đại phá được.

 

Y Di Mô không có con, thông dâm với người bộ Quán Nô, sinh con trai tên là Vị Cung (位宮), khi Y Di Mô chết được lập làm vương, nay là Câu Ly vương Cung vậy. Ông cố hắn tên là Cung, khi mới sinh đã biết mở mắt, nên người trong nước e sợ. Khi khôn lớn, quả nhiên hung ác, hay trộm cướp, tàn phá trong nước. Nay con của vương khi sinh rơi xuống đất, cũng biết mở mắt nhìn người ta. Tiếng Câu Ly gọi tướng mạo tựa nhau là “vị”, vì tựa ông tổ nên đặt tên là Vị Cung. Vị Cung có dũng lực, thạo cưỡi ngựa, giỏi săn bắn. Năm Cảnh Sơ thứ 2 (238), Thái úy Tư Mã Tuyên Vương cầm quân đánh Công Tôn Uyên, Cung khiển chủ bạ đại gia đem mấy nghìn người theo giúp quân. Năm Chính Thủy thứ 3 (242), Cung cướp Tây An Bình. Năm thứ 5 (244), bị U châu Thứ sử Quán Khâu Kiệm đánh phá, đã chép ở truyện về Kiệm.

 

Đông Ốc Trở

 

Đông Ốc Trở nằm ở phía đông núi Cái Mã Đại (蓋馬大) của Cao Câu Ly, sống ven biển lớn. Địa hình nước này đông bắc hẹp, tây nam dài, rộng khoảng nghìn lí, bắc giáp Ấp Lâu, Phù Dư, nam giáp Uế Mạch. Có 5.000 hộ, không có quân trưởng, các làng ấp đời đời đều có trưởng soái. Tiếng nói nước này giống với Câu Ly, nhưng đôi lúc có khác biệt nhỏ.

 

Đầu thời Hán, người đất Yên là Vệ Mãn (衛滿) trốn sang làm vương Triều Tiên, thì bấy giờ Ốc Trở đều lệ thuộc hắn. Năm Nguyên Phong thứ 2 triều Hán Vũ đế (109), đánh Triều Tiên, giết cháu Mãn là Hữu Cừ (右渠), chia đất này làm bốn quận, lấy thành Ốc Trở làm quận Huyền Thố. Về sau bị Di Mạch xâm lấn, nên dời quận đến miền tây bắc Câu Ly, nay gọi là phủ cũ Huyền Thố vậy. Ốc Trở chuyển về lệ thuộc Lạc Lãng. Nhà Hán thấy đất đai xa rộng, nằm ở phía đông dãy núi lớn Đơn Đơn (單單), nên chia đặt Đông bộ Đô úy, trị ở thành Bất Năng (不耐), chủ quản riêng bảy huyện phía đông núi. Bấy giờ đất Ốc Trở cũng đều là huyện cả. Năm thứ 6 triều Hán Quang Vũ (30), giảm các quận biên giới, do vậy Đô úy bị bãi. Về sau đều lấy cự soái các huyện ấy làm huyện hầu, nên các huyện Bất Năng, Hoa Ly, Ốc Trở đều thành hầu quốc. Người Di Địch dần đánh lẫn nhau, chỉ có Bất Năng Uế hầu đến nay vẫn đặt các chức công tào, chủ bạ, đều do dân Uế làm. Cự soái các làng ấp Ốc Trở đều tự xưng là “tam lão”, dựa theo chế độ huyện quốc thời xưa.

 

Nước này nhỏ, nằm giữa các nước lớn, nên thần thuộc Câu Ly. Câu Ly lại lấy đại nhân nước này làm sứ, sai chủ quản nhau, và sai đại gia quản lí việc tô thuế. Người Ốc Trở khuân gánh các thứ vải Mạch, cá muối, hải sản đi nghìn lí đến Câu Ly, lại đưa mĩ nữ của mình sang làm tỳ thiếp, bị đối đãi như nô bộc.

 

Đất đai nước này màu mỡ, tựa vào núi, hướng ra biển, hợp ngũ cốc, giỏi trồng trọt. Người dân tính tình thẳng thắn cường dũng. Ít bò ngựa, nên khi đánh nhau cầm giáo đi bộ. Ăn uống, nơi ở, y phục, lễ tiết đều tựa Câu Ly. Về phép giá thú, con gái lên mười tuổi đã được hứa hôn. Nhà trai đón về, nuôi lớn để làm vợ; khi trưởng thành mới về nhà gái. Nhà gái đòi tiền, khi nộp tiền xong lại trả về nhà trai. Về mai táng, thì làm quách gỗ lớn dài hơn mười trượng, một đầu khoét cửa. Người mới chết đều được chôn tạm, khi xương thịt đã rữa cả mới nhặt xương bỏ vào quách. Cả nhà đều chôn chung một quách, khắc gỗ như hình lúc còn sống, có nhiều người chết theo. Lại có thứ vạc sành để chứa gạo, treo bên cạnh cửa quách.

 

Khi Quán Khâu Kiệm đánh Câu Ly, Câu Ly vương Cung chạy đến Ốc Trở, nên tiến quân đánh nước này. Các làng ấp Ốc Trở đều bị phá tan, hơn 3.000 người bị chém giết và bắt làm tù binh. Cung chạy đến Bắc Ốc Trở. Bắc Ốc Trở còn tên là Trí Câu Lâu (置溝婁), cách Nam Ốc Trở hơn 800 lí, phong tục nam bắc đều giống nhau, tiếp giáp Ấp Lâu. Ấp Lâu giỏi đi thuyền cướp bóc, Bắc Ốc Trở sợ nên cứ mùa hè lại vào hang sâu núi cao thủ bị; mùa đông đóng băng, đường thủy không thông mới xuống ở thôn xóm. Vương Khẩn khiển người truy đánh Cung, đi đến tận biên giới phía đông nước này, hỏi kỳ lão rằng: “Phía đông biển liệu có người chăng?” Kỳ lão nói rằng người trong nước từng đi thuyền đánh cá, gặp bão thổi dạt mấy chục ngày, đến được một đảo phía đông; trên đảo có người, tiếng nói không hiểu được, thường có tục đem bé gái dìm ở biển vào tháng bảy. Lại nói có một nước cũng nằm ngoài biển, toàn đàn bà, không có đàn ông. Lại nói tìm được một chiếc áo vải dạt từ biển vào, thân áo giống như áo người Trung Quốc, nhưng hai ống tay dài ba trượng. Lại tìm được một chiếc thuyền bị đắm, bị sóng đẩy dạt đến ven bờ biển, có một người mang một khuôn mặt trên đỉnh đầu, không hiểu được tiếng nói, không ăn gì rồi chết. Những xứ ấy đều nằm giữa biển lớn phía đông Ốc Trở.

 

Ấp Lâu

 

Ấp Lâu nằm hơn nghìn lí về phía bắc Phù Dư, ven biển lớn, nam giáp Bắc Ốc Trở, chưa biết cực bắc nằm ở đâu. Đất đai nước này nhiều núi non. Người nước này hình thể tựa Phù Dư, nhưng tiếng nói không giống Phù Dư và Câu Ly. Có ngũ cốc, bò, ngựa, vải gai. Người dân rất dũng lực. Không có quân trưởng lớn, nhưng các làng ấp đều có đại nhân. Sống giữa rừng núi, thường ở trong hang, những nhà lớn ở sâu đến chín bậc thang, vì càng nhiều thì càng ưa. Khí hậu lạnh hơn Phù Dư. Tục nước này ưa nuôi lợn, ăn thịt, mặc da của chúng. Mùa đông thi dùng mỡ lợn bôi mình, dày đến mấy phân, để ngừa gió rét. Mùa hè thì cởi trần, dùng một thước vải che đằng trước và sau để khỏi lộ hình thể. Người nước này không sạch sẽ, làm hố xí ở giữa nhà rồi sống quanh mép hố. Cung nước này dài 4 thước, lực mạnh như nỏ; tên làm bằng gỗ hộ, dài 1 thước 8 tấc, mũi làm bằng đá xanh, tức là nước Túc Thận Thị xưa kia. Giỏi bắn tên, bắn ai đều trúng nấy. Mũi tên tẩm độc, ai trúng phải đều chết. Sản sinh ngọc đỏ, lông chồn, mà ngày nay gọi là lông chồn Ấp Lâu.

 

Từ thời Hán đến nay thần thuộc Phù Dư. Phù Dư đánh tô thuế rất nặng, nên vào đầu thời Hoàng Sơ (220-226) làm phản. Phù Dư mấy lần đánh nước này, dân chúng nước này tuy ít nhưng sống ở nơi núi non hiểm trở, người các láng giềng sợ cung tên của họ nên rốt cuộc không khuất phục được. Nước này thường đi thuyền cướp bóc, gây hại cho các nước láng giềng. Người Đông Di khi ăn uống đa phần đều dùng khay và đĩa, chỉ có Ấp Lâu là không. Phép tắc nước này rất vô kỷ cương.

 

Uế

 

Uế phía nam giáp Thìn Hàn (辰韓), bắc giáp Cao Câu Ly, Ốc Trở, đông kề biển lớn. Miền đông Triều Tiên xưa kia nay đều là đất của nước này. Có 20.000 hộ. Xưa kia Cơ Tử đến Triều Tiên, đặt ra tám điều giáo hóa để dạy dân, nên nhà không phải đóng cửa mà dân không trộm cắp. Về sau hơn 40 đời, Triều Tiên hầu Chuẩn () tiếm hiệu xưng vương. Khi bọn Trần Thắng nổi dậy, thiên hạ phản Tần, mấy vạn dân Yên, Tề, Triệu lánh đến Triều Tiên. Người Yên là Vệ Mãn búi tóc, mặc y phục Di, lại đến làm vương đất này. Hán Vũ đế đánh Uế Triều Tiên, chia đất này làm bốn quận, thì từ đấy về sau người Hồ và Hán mới dần khác biệt nhau.

 

Uế không có quân trưởng lớn, từ thời Hán đến nay quan lại có hầu ấp quân, tam lão, thống lĩnh các hộ bên dưới. Kỳ lão nước này xưa kia tự nói rằng mình đồng chủng với Câu Ly. Người nước này tính tình thật thà, ít ham muốn, có liêm sỉ, không xin xỏ. Tiếng nói, phép tắc đại để giống Câu Ly, nhưng y phục có chỗ khác. Nam nữ đều mặc áo cổ cong, áo đàn ông thì đính hoa bạc rộng mấy tấc.

 

Từ dãy Đơn Đơn về tây thuộc Lạc Lãng, còn bảy huyện phía đông do Đô úy làm chủ đều là dân Uế. Về sau bỏ Đô úy, phong cự soái xứ này làm hầu; nay người Uế ở Bất Năng đều là dòng dõi ấy. Cuối thời Hán, lại lệ thuộc Câu Ly.

 

Tục nước này trọng sông núi, sông núi đều có phân chia, không được tự tiện xâm nhập. Người cùng họ không cưới nhau. Hay kỵ húy. Có ai chết vì bệnh tật thì liền vứt bỏ chỗ ở cũ, đi xây nhà mới. Có vải gai, biết nuôi tằm dệt lụa. Thấu hiểu tinh tú, dự đoán được năm nào no đủ, năm nào khốn khó. Không coi châu ngọc là vật báu. Thường làm lễ tế trời vào tháng mười, uống rượu hát múa suốt ngày đêm, gọi lễ ấy là “vũ thiên” (舞天). Lại thờ hổ làm thần. Các làng ấp có xâm phạm nhau thì liền bắt nộp phạt đày tớ và bò ngựa, gọi là “trách họa” (責禍). Ai giết người thì phải đền mạng. Ít trộm cướp. Làm giáo dài 3 trượng, có khi mấy người cùng cầm, dùng để chiến đấu trên bộ. Đàn cung Lạc Lãng là sản xuất ở đất này. Biển ở đây sản sinh thứ cá da đốm. Trên đất liền có nhiều báo gấm, lại sản sinh ngựa quả hạ, vào thời Hán Hòa đế từng dâng hiến [7].

 

Năm Chính Thủy thứ 6 (245), Lạc Lãng Thái thú Lưu Mậu, Đái Phương Thái thú Cung Tuân thấy dân Uế phía đông núi lệ thuộc Câu Ly, nên hưng quân đánh nước này. Bọn Bất Năng hầu đem ấp ra hàng. Năm thứ 8 (247), đến cửa khuyết triều cống, nên xuống chiếu phong làm Bất Năng Uế vương. [Người Uế] sống lẫn lộn trong dân gian, bốn mùa đến quận triều yết. Hai quận khi thu thuế cho việc chinh thảo hay bắt phải cung ứng gì, đều đối đãi như dân [Trung Quốc].

 

Hàn

 

        Hàn nằm ở phía nam Đái Phương, đông tây đều kề biển, nam giáp Oa, rộng khoảng 4.000 lí. Có ba chủng, một là Mã Hàn (馬韓), hai là Thìn Hàn, ba là Biền Hàn (弁韓). Thìn Hàn xưa là nước Thìn. Mã Hàn nằm phía tây. Dân xứ này sống định cư, trồng trọt, biết trồng dâu nuôi tằm và dệt vải lụa. Mỗi chủng đều có trưởng soái, kẻ lớn tự xưng là thần trí (臣智), thứ đến là ấp tích (邑借). Sống li tán giữa chốn núi non biển cả, không có thành quách. Có nước Viên Tương (爰襄), nước Mâu Thủy (牟水), nước Tang Ngoại (桑外), nước Tiểu Thạch Sách (小石索), nước Đại Thạch Sách (大石索), nước Ưu Hưu Mâu Trác (優休牟涿), nước Thần Phẫn Cô (臣濆沽), nước Bá Tế (伯濟), nước Tốc Lư Bất Tư (速盧不斯), nước Nhật Hoa (日華), nước Cổ Đản Giả (古誕者), nước Cổ Li (古離), nước Nộ Lam (怒藍), nước Nguyệt Chi (月支), nước Tư Li Mâu Lư (咨離牟盧), nước Tố Vị Càn (素謂乾), nước Cổ Viên (古爰), nước Mạc Lư (莫盧), nước Tỳ Li (卑離), nước Chiêm Li Tỳ (占離卑), nước Thần Hấn (臣釁), nước Chi Xâm (支侵), nước Cẩu Lư (狗盧), nước Tỳ Nhi (卑彌), nước Giám Hề Tỳ Li (監奚卑離), nước Cổ Bạc (古蒲), nước Trí Lợi Cúc (致利鞠), nước Nhiễm Lộ (冉路), nước Nhi Lâm (兒林), nước Tứ Lư (駟盧), nước Nội Tỳ Li (內卑離), nước Cảm Hề (感奚), nước Vạn Lư (萬盧), nước Bách Tỳ Li (辟卑離), nước Cữu Tư Ô Đán (臼斯烏旦), nước Nhất Li (一離), nước Bất Nhi (不彌), nước Chi Bán (支半), nước Cẩu Tố (狗素), nước Thiệp Lư (捷盧), nước Mâu Lư Tỳ Li (牟盧卑離), nước Thần Tô Trà (臣蘇塗), nước Mạc Lư (莫盧), nước Cổ Lạp (古臘), nước Lâm Tố Bán (臨素半), nước Thần Vân Tân (臣雲新), nước Như Lai Tỳ Li (如來卑離), nước Sở Sơn Trà Tỳ Li (楚山塗卑離), nước Nhất Nan (一難), nước Cẩu Khê (狗奚), nước Bất Vân (不雲), nước Bất Tư Phẫn Da (不斯濆邪), nước Viên Trì (爰池), nước Càn Mã (乾馬), nước Sở Li (楚離), tổng cộng hơn 50 nước. Nước lớn có hơn vạn nhà, nước nhỏ mấy nghìn nhà, tổng cộng hơn mười vạn hộ. Thìn vương trị ở nước Nguyệt Chi. Thần trí được gia các hiệu như ưu hô (優呼), thần vân (臣雲), khiển chi (遣支), báo an (報安), da túc chi phẫn (邪踧支濆), thần li nhi (臣離兒), bất lệ câu (不例拘), da tần chi liêm (邪秦支廉) [8]. Quan ở đây có Ngụy suất thiện, Ấp quân, Quy Nghĩa hầu, Trung lang tướng, Đô úy, Bách trưởng.

 

        Hầu Chuẩn đã tiếm hiệu xưng vương, nhưng bị người Yên bỏ trốn là Vệ Mãn công đoạt. Xưa Cơ Tử có hậu duệ là Triều Tiên hầu. Khi nhà Chu suy, nước Yên tự tôn làm vương, định chiếm lấy đất miền đông. Triều Tiên hầu cũng tự xưng làm vương, định hưng binh đánh trả Yên để tôn nhà Chu, nhưng viên đại phu là Lễ () can gián nên thôi. Triều Tiên hầu sai Lễ đi về tây thuyết phục Yên, nên Yên cũng ngưng không đánh nữa. Về sau con cháu dần kiêu căng bạo ngược, nước Yên bèn khiển tướng Tần Khai đánh miền tây nước này, thu hơn 2.000 lí đất, lập ranh giới ở Mãn Phiên Hàn (滿番汗). Triều Tiên yếu dần. Đến thời Tần thôn tính thiên hạ, sai Mông Điềm xây Trường Thành tới Liêu Đông. Bấy giờ Triều Tiên vương Bĩ () lên ngôi, sợ Tần đánh úp nên bỏ lệ thuộc Tần, không chịu triều hội. Khi Bĩ chết, con trai là Chuẩn Lập. Hơn 20 năm sau thì Trần [Thắng], Hạng [Vũ] nổi dậy, thiên hạ loạn. Dân Yên, Tề, Triệu sầu khổ, dần dần bỏ sang chỗ Chuẩn. Chuẩn bèn bố trí họ ở miền tây. Khi nhà Hán lấy Lư Oản làm Yên vương, Triều Tiên giáp giới đất Yên tại sông Phối (浿). Khi Oản làm phản chạy sang Hung Nô, người Yên là Vệ Mãn bỏ trốn, mặc y phục Hồ, vượt sông Phối đi về đông đến hàng Chuẩn, thuyết phục Chuẩn cho mình ở miền tây, dùng kẻ vong mệnh Trung Quốc làm phên dậu cho Triều Tiên. Chuẩn tin tưởng sủng nhậm hắn, bái làm bác sĩ, ban cho ngọc khuê, phong cho đất trăm làng, lệnh giữ cõi tây. Mãn dụ bè đảng bỏ trốn, bộ chúng đông dần, bèn giả vờ khiển người đến báo Chuẩn rằng quân Hán chia làm mười đường đến đánh, nên xin vào làm túc về. Thế rồi quay về đánh Chuẩn, Chuẩn đánh với Mãn, không địch nổi, nên đem tả hữu và cung nhân chạy ra biển, sống ở đất Hàn, tự gọi là Hàn vương. Con trai Chuẩn và họ hàng ở lại nước, nhân đấy mạo nhận làm họ Hàn. Chuẩn làm vương giữa biển, không qua lại với Triều Tiên. Về sau tuyệt diệt. Nay người Hàn vẫn còn thờ cúng hắn. Thời Hán, thuộc quận Lạc Lãng, quanh năm triều yết.

 

        Ban đầu, lúc Hữu Cừ chưa thua, tể tướng Triều Tiên là Lịch Hề Khanh (曆谿卿) vì can gián Hữu Cừ không được nên đi về đông đến nước Thìn, bấy giờ có hơn 2.000 hộ dân đi theo, cũng không cống nạp hay qua lại với Triều Tiên. Đến thời Địa Hoàng triều Vương Mãng, Liêm Tư Xỉ (廉斯鑡) là hữu cự soái ở Thìn Hàn, nghe nói đất đai Lạc Lãng đẹp, người dân giàu có, nên muốn trốn sang hàng. Khi đi ra khỏi làng ấp, thấy giữa ruộng có một người đàn ông đang lùa chim sẻ, tiếng nói không giống người Hàn. Khi hỏi, người đàn ông nói rằng: “Bọn ta là người Hán, tên là Hộ Lai (戶來). Bọn ta có 1.500 người, khi đi đốn củi bị người Hàn bắt, nên đều phải cắt tóc làm nô, đã ba năm rồi.” Xỉ nói: “Ta sắp đến Lạc Lãng hàng Hán, ngươi muốn theo không?” Hộ Lai nói: “.”. Xỉ nhân đó đem Hộ Lai tới huyện Hàm Tư. Huyện báo lên quận, thì quận lập tức lấy Xỉ làm phiên dịch, theo Sầm Trung đi thuyền lớn sang Thìn Hàn đón Hộ Lai về. Có 1.000 người là bè đảng [của Xỉ] muốn ra hàng, nhưng 500 người đã chết. Xỉ bấy giờ khiêu khích Thìn Hàn rằng: “Phải trả 500 người đây, bằng không Lạc Lãng sẽ khiển vạn binh đi thuyền đến đánh.” Người Thìn Hàn nói: “Năm trăm người đã chết, ta phải đền mạng cho họ.” Bèn đem 15.000 người Thìn Hàn, 15.000 tấm vải Biền Hàn nộp cho Xỉ để đền bù. Quận biểu dương công lao của Xỉ, ban cho khăn mũ, ruộng đất. Con cháu truyền mấy đời, đến năm Diên Quang thứ 4 triều An đế (125) lại được miễn trừ phú dịch.

 

        Cuối thời Hoàn đế, Linh đế, Hàn và Uế cường thịnh, các quận huyện không chế ngự được, nhiều lưu dân bỏ sang nước Hàn. Thời Kiến An (196-220), Công Tôn Khang chia đất hoang từ huyện Đồn Hữu về nam làm quận Đái Phương, khiển bọn Công Tôn Mô, Trương Sưởng tập hợp di dân, hưng binh đánh Hàn và Uế. Dân cũ dần bỏ ra ngoài. Từ đấy về Oa và Hàn lệ thuộc Đái Phương. Thời Cảnh Sơ (237-239), Minh đế mật khiển Đái Phương Thái thú Lưu Hân, Lạc Lãng Thái thú Tiên Vu Tự vượt biển đánh dẹp hai quận. Thần trí các nước Hàn được gia ấn thao Ấp quân, thứ đến gia ấn thao Ấp trưởng. Tục xứ này thích vấn khăn, các hộ bề dưới khi đến quận triều yết đều vấn khăn, có hơn nghìn người tự mang ấn thao và vấn khăn. Bộ tòng sự Ngô Lâm thấy Lạc Lãng vốn thống lĩnh nước Hàn, nên chia cắt tám nước Thìn Hàn cho Lạc Lãng. Quan lại khi phiên dịch có chỗ sai khác, nên các thần trí kích động người Hàn đánh dinh Kỳ Li ở quận Đái Phương. Bấy giờ Thái thú Cung Tuân và Lạc Lãng Thái thú Lưu Mậu hưng binh đánh Hàn. Tuân chết trận, nên hai quận bèn diệt nước Hàn.

 

        Tục xứ này ít có kỉ cương, các ấp trong nước tuy có chủ soái nhưng làng ấp tản mác, không thể chế ngự lẫn nhau. Không có lễ quỳ bái. Nhà ở xây bằng đất, lợp cỏ, hình dáng như nấm mồ. Gia chủ sống ở trên, cả nhà cùng sống ở trong, không phân biệt lớn bé nam nữ. Việc mai táng thì có quách, không có quan. Không biết cưỡi bò ngựa, nên bò ngựa đều đem chôn theo người chết. Dùng ngọc ngà làm của báu, hoặc khâu liền lên áo để trang trí, hoặc đeo ở cổ và dái tai. Không coi vàng bạc, gấm thêu là quý. Người xứ này tính cường dũng, để đầu trần, thắt tóc bím, nếu làm lính thi mặc áo bào vải, mang giày da hay guốc gỗ. Trong nước có công việc gì hay được nhà quan sai đi xây thành quách, thì vì độ tuổi nào cũng thiếu kẻ dũng kiện, nên đều xỏ dây thừng xuyên qua da ở bả vai, lại lấy khúc gỗ dài khoảng một trượng luồn vào [để kéo], cả ngày reo hò dốc sức, không lấy làm mệt mỏi, vì được khuyến khích nên lại lấy làm mừng.

 

        Thường chọn tháng năm để gieo cấy, tế quỷ thần, tụ họp hát múa, uống rượu suốt ngày đêm không nghỉ. Điệu múa của xứ này thì mấy chục người đều đứng lên đi theo nhau, dẫm chân rồi ngửa người ra sau, tay chân tương ứng, tiết tấu có chỗ tựa điệu đạc vũ []. Tháng mười khi làm nông xong cũng lại [mở hội] như thế. Tin quỷ thần, các ấp trong nước đều lập một người làm chủ việc tế thiên thần, gọi là thiên quân (天君). Các nước lại đều có một ấp riêng tên là tô trà (蘇塗), ở đấy dựng cây cột lớn treo chuông trống để thờ quỷ thần. Kẻ nào bỏ trốn đến chỗ ấy đều không trở về, mà hay làm giặc. Việc lập tô trà tựa như phù đồ, nhưng ý nghĩa về thiện ác có khác nhau.

 

        Cầm thú, cây cỏ đại lược giống với Trung Quốc. Sản sinh thứ hạt dẻ lớn to như quả lê. Lại sản sinh loại gà lông mịn, lông đều dài 5 tấc. Đàn ông xứ này thường hay xăm mình.

 

        Lại có xứ Châu Hồ nằm trên đảo phía tây nam Mã Hàn. Người xứ ấy thấp bé, tiếng nói không giống người Hàn, đều cạo đầu như người Tiên Ty, mặc áo da thuộc, ưa nuôi bò và lợn. Áo này chỉ có đoạn trên mà không có phần dưới, đại lược giống như cởi truồng. Thường đi thuyền qua lại mua bán với Hàn.

           

Thìn Hàn nằm phía đông Mã Hàn. Kỳ lão nước này truyền miệng rằng vốn người đi lao dịch cho nhà Tần bỏ trốn đến nước Hàn thời xưa, được Mã Hàn cắt cho đất miền đông. Có thành sách. Tiếng nói không giống với Mã Hàn, gọi nước là bang (), cung là hồ (), giặc là khấu (), uống rượu là hành thương (行觴), kêu gọi nhau là vị đồ (爲徒), tựa như người Tần, không giống với tên gọi ở Yên, Tề. Gọi người Lạc Lãng là a tàn (người phương đông gọi “ta” là a, cho rằng người Lạc Lãng vốn là người tàn dư nước mình [nên gọi là a tàn]). Nay có kẻ gọi nước này là Tần Hàn. Ban đầu có 6 nước, sau dần chia làm 12 nước.

 

Biền Thìn cũng có 12 nước, lại có nhiều biệt ấp nhỏ, đều có cự soái, kẻ lớn gọi là thần trí, thứ đến là hiểm trắc (險側), thứ nữa là phàn uế (樊濊), thứ nữa là sát hề (殺奚), thứ nữa là ấp tích. Có nước Dĩ Để (已柢); nước Bất Tư (不斯); nước Biền Thìn Mi Li Mi Đông (弁辰彌離彌凍); nước Biền Thìn Tiếp Trà (弁辰接塗); nước Cần Kỳ (勤耆) nước Nan Mi Li Mi Đông (難彌離彌凍); nước Biền Thìn Cổ Tư Mi Đông (弁辰古資彌凍); nước Biền Thìn Cổ Thuần Thị (弁辰古淳是); nước Nhiễm Hề (冉奚); nước Biền Thìn Bán Lộ (弁辰半路); nước Biền Lạc Nô (弁樂奴); nước Quân Mi (軍彌), tức Biền Quân Mi (弁軍彌); nước Biền Thìn Mi Ô Da Mã (弁辰彌烏邪馬); nước Như Trạm (如湛); nước Biền Thìn Cam Lộ (弁辰甘路); nước Hộ Lộ (戶路); nước Châu Tiên (州鮮); nước Mã Đình (馬延); nước Biền Thìn Cẩu Da (弁辰狗邪); nước Biền Thìn Tẩu Tào Mã (弁辰走漕馬); nước Biền Thìn An Da (弁辰安邪), tức nước Mã Đình (馬延); nước Biền Thìn Độc Lư (弁辰瀆盧); nước Tư Lư (斯盧); nước Ưu Do (優由). Biền và Thìn Hàn hợp lại có 24 nước, nước lớn có bốn năm nghìn nhà, nước nhỏ có sáu bảy trăm nhà, tổng cộng bốn năm vạn hộ. Mười hai nước này lệ thuộc Thìn vương. Thìn vương thường dùng người Mã Hàn làm bề tôi, đời đời tiếp nối. Thìn vương không được tự lập làm vương, vì biết là kẻ lưu lạc [đến đây], nên bị Mã Hàn khống chế. Đất đai màu mỡ, hợp trồng ngũ cốc và lúa nước. Biết trồng dâu nuôi tằm và làm lụa nhũn. Dùng bò ngựa làm vật cưỡi. Lễ tục cưới xin có phân biệt giữa nam và nữ. Dùng thứ lông chim lớn chôn cùng người chết, ý rằng muốn khiến người chết được bay xa. Nước này khi xây nhà buộc gỗ nằm ngang, tựa như lao ngục. Trong nước sản xuất sắt, người Hàn, Uế, Oa đều đến mua. Việc buôn bán đều dùng sắt, giống như người Trung Quốc dùng tiền, lại đem sắt cung cấp cho hai quận. Tục ưa hát múa, uống rượu. Có đàn sắt, hình dáng tựa cái dầm đất, khi đánh lên cũng có âm khúc. Khi sinh con lấy đá ép đầu, hòng khiến đầu dẹp đi, nên nay người Thìn Hàn đều có đầu dẹp. Nam nữ sống gần Oa cũng xăm mình. Thạo đánh nhau trên bộ, binh khí giống với Mã Hàn. Tục xứ này khi người đi đường gặp nhau đều dừng lại nhường lối.

 

Biền Thìn và Thìn Hàn ở gần nhau, cũng có thành quách. Y phục, nhà ở giống với Thìn Hàn, tiếng nói, phép tắc cũng tương tự, riêng việc thờ cúng quỷ thần là có khác. Bếp đều nằm ở phía tây nhà. Nước Độc Lư tiếp giáp với Oa. Mười hai nước cũng có vương, người dân hình thể đều to lớn, y phục sạch sẽ, để tóc dài. Cũng biết dệt vải mịn khổ ngang. Phép tắc đặc biệt nghiêm khắc.

 

Oa

 

Người Oa sống giữa biển lớn phía đông nam Đái Phương, các ấp trong nước đều tựa vào núi và đảo. Xưa có hơn trăm nước, thời Hán có kẻ triều kiến. Nay [nhà Ngụy] thông sứ với 30 nước.

 

Từ quận đến Oa đi đường thủy ven bờ biển, qua nước Hàn, đi về nam rồi rẽ sang đông là đến nước Cẩu Da Hàn (狗邪韓) ở bờ bắc xứ này, mất hơn 7.000 lí. Vượt qua biển hơn 1.000 lí nữa là đến nước Đối Mã (對馬). Đại quan nước này gọi là tì cẩu (卑狗), phó gọi là tì nô mẫu li (卑奴母離). Sống ở đảo xa, rộng chừng 400 lí, đất đai hiểm trở, nhiều rừng sâu, đường xá như lối chim thú đi. Có hơn 1.000 hộ, không có ruộng tốt, ăn hải sản để sống, dùng thuyền mua thóc từ miền nam và bắc.

 

Lại đi về nam hơn 1.000 lí qua một biển tên là Hãn Hải (瀚海) là đến một nước lớn. Quan cũng gọi là tì cẩu, phó là tì nô mẫu li. Rộng khoảng 300 lí, nhiều rừng rậm tre gỗ. Có khoảng 3.000 nhà, [mỗi nhà] có ruộng đất khác nhau, cày ruộng cũng không đủ ăn, lại phải mua thóc từ miền nam và bắc.

 

Lại qua một biển hơn 1.000 lí là đến nước Mạt Lư (末盧). Có hơn 4.000 hộ, sống gần biển và núi, cây cỏ rậm rạp, khi đi đường không thấy được người phía trước. Thích bắt cá và hàu, bất kể nước nông sâu đều lặn xuống lấy.

 

Đi đường bộ về đông nam 500 lí là đến nước Y Đô (伊都). Quan gọi là nhĩ chi (爾支), phó gọi là tiết mô cô (泄謨觚), bính cừ cô (柄渠觚). Có hơn 1.000 hộ, nhiều đời có vương, đều thống thuộc vào nước Nữ Vương. Sứ giả của quận thường đến trú ở đây.

 

Đi về đông nam 100 lí là đến nước Nô (). Quan gọi là hủy mã cô (兕馬觚), phó gọi là tì nô mẫu li. Có hơn 20.000 hộ.

 

Đi về đông 100 lí đến nước Bất Mi (不彌). Quan gọi là đa mô (多模), phó gọi là tì nô mẫu li. Có hơn 1.000 nhà.

 

Đi về nam là đến nước Đậu Mã (投馬), phải đi đường thủy 20 ngày. Quan gọi là mi mi (彌彌), phó gọi là mi mi na lợi (彌彌那利). Có khoảng hơn 50.000 hộ.

 

Đi về nam đến nước Da Mã Đài (邪馬壹), là nơi đóng đô của Nữ vương, đi đường thủy mất 10 ngày, đường bộ mất 1 tháng. Quan có y chi mã (伊支馬), thứ đến có mi mã thăng (彌馬升), thứ nữa có mi mã hoạch chi (彌馬獲支), thứ nữa có nô giai đê (奴佳鞮). Có khoảng hơn 70.000 hộ.

 

Từ nước Nữ Vương về bắc, số hộ và đường sá có thể ghi chép được, còn các nước bên cạnh xa xôi, không thể kể hết. Thứ nữa có nước Tư Mã (斯馬), nước Dĩ Bách Chi (已百支), nước Y Da (伊邪), nước Đô Chi (都支), nước Mi Nô (彌奴), nước Hiếu Cổ Đô (好古都), nước Bất Hô (不呼), nước Tả Nô (姐奴), nước Đối Tô (對蘇), nước Tô Nô (蘇奴), nước Hô Ấp (呼邑), nước Hoa Nô Tô Nô (華奴蘇奴), nước Quỷ (), nước Ngô (), nước Quỷ Nô (鬼奴), nước Da Mã (邪馬), nước Cung Thần (躬臣), nước Ba Li (巴厘), nước Chi Suy (支惟), nước Ô Nô (烏奴), nước Nô (). Đấy đều là bờ cõi của Nữ Vương. Phía nam có nước Cẩu Nô (狗奴), đàn ông làm vương, quan có cẩu cổ trí tì cẩu (狗古智卑狗), không thuộc Nữ Vương. Từ quận đến nước Nữ Vương là hơn 2.000 lí.

 

Đàn ông bất kể lớn nhỏ đều vẽ mặt, xăm thân. Từ xưa đến nay, sứ nước này khi đến Trung Quốc đều tự xưng “đại phu”. Con trai của Hạ Hầu Thiếu Khang được phong ở Cối Kê, cắt tóc xăm mình để tránh giao long làm hại. Nay người Oa thích bơi lội, bắt cá và hàu, cũng xăm mình để áp chế cá lớn và thủy cầm, về sau dần trở thành lối làm đẹp. Cách xăm mình ở mỗi nước đều khác, hoặc bên trái hoặc bên phải, hoặc lớn hoặc nhỏ, kẻ sang hèn cũng khác nhau. Tính theo đường sá, thì nằm khoảng phía đông huyện Đông Trị quận Cối Kê.

 

Phong tục nước này không buông thả. Đàn ông đều búi tóc, dùng vải bông vấn đầu. Mặc áo khổ ngang, nhưng thắt dây nối liền chứ không may. Đàn bà vấn tóc, thắt bím cong. Áo may như hình cái túi, ở giữa có lỗ, xỏ qua đầu để mặc. Trồng lúa nước và cây gai. Biết trồng dâu nuôi tằm và xe sợi. Sản xuất vải gai mịn và tơ lụa. Đất này không có trâu, ngựa, hổ, báo, dê và chim khách. Binh khí có mâu, khiên, cung gỗ. Cung gỗ phần dưới ngắn, phần trên dài, dùng tên bằng tre, sắt hoặc xương, không giống với ở Đam Nhĩ, Châu Nhai.

 

Đất Oa ấm áp, đông và hè rau cỏ vẫn mọc. Ai nấy đều đi chân đất. Có nhà cửa, cha mẹ anh em nằm chỗ khác nhau. Dùng chu đan bôi lên thân thể, như cách người Trung Quốc dùng phấn vậy. Khi ăn uống dùng bát bằng tre gỗ, bốc bằng tay. Khi chết, có quan nhưng không quách, lấp đất làm mồ. Mới chết thì đình táng hơn mười ngày, bấy giờ không ăn thịt, tang chủ khóc lóc, những người khác đến múa hát, uống rượu. Táng xong, đem cả nhà ra sông tắm táp để tẩy rửa.

 

Khi vượt biển đi đến Trung Quốc, thường sai một người không chải đầu, không tẩy chấy rận, y phục cáu bẩn, không ăn thịt, không gần đàn bà, như thể người đang để tang, gọi là trì suy (持衰). Nếu người đi cùng yên lành thì sẽ cùng chia đày tớ và của cải, nếu có bệnh tật hay gặp bạo hại thì tiện tay giết đi, nói là do trì suy bất cẩn.

 

Sản xuất ngọc trai, ngọc xanh. Núi ở đây có chu đan. Cây cối có nam mộc, bưởi, dự chương, nhu lịch, đầu cương, ô hiệu, phong hương. Tre nước này nhỏ thấp, cành giống cây đào. Có gừng, quýt, tiêu, nhương hà, nhưng không biết dùng làm gia vị. Có khỉ, gà đen.

 

Tục nước này khi cử sự, đi lại hay làm gì nói gì, liền đốt xương mà bói để xem lành dữ, đoán trước điềm báo, cách thức giống như phép bói mai rùa, xem vết nứt do lửa để đoán điềm. Khi tụ họp, cha con nam nữ đứng ngồi không khác gì nhau. Người ta thích uống rượu.

 

Tục nước này không biết ngày đầu năm và bốn mùa, chỉ ước chừng mùa xuân gieo, mùa thu gặt là một năm. Gặp đại nhân thì kính cẩn, chỉ chắp tay để thay quỳ lạy. Người nước này rất thọ, có kẻ trăm tuổi, có kẻ 80, 90 tuổi. Tục nước này: Đại nhân trong nước đều có bốn năm vợ, các hộ bề dưới có hai ba vợ. Phụ nữ không dâm đãng hay đố kị. Không trộm cắp, ít tranh tụng. Kẻ phạm pháp, nhẹ thì mất vợ con, nặng thì mất nhà cửa. Trong tông tộc đều có thứ tự sang hèn khác nhau, thần phục lẫn nhau. Có thu tô phú, xây lầu gác. Mỗi nước đều có chợ, việc giao dịch lúc có lúc không, đều do Đại Oa giám sát. Từ nước Nữ Vương về bắc đặt riêng một viên Đại suất kiểm sát các nước, nên các nước đều e sợ, thường trị ở nước Y Đô, giống như Thứ sử ở Trung Quốc. Khi vương khiển sứ đến kinh đô, quận Đái Phương và các nước Hàn, hoặc khi quận sai sứ sang nước Oa thì đều đi ven bờ, mang văn thư, quà tặng đến chỗ Nữ vương, không được sai khác. Kẻ bề dưới gặp đại nhân ngoài đường phải lùi lại nép vào bụi cỏ. Khi kể chuyện hay bàn việc thì ngồi xổm hoặc quỳ, hai tay tựa xuống đất để cho cung kính. Tiếng đối ứng là ái (), nghĩa là bằng lòng.

 

Nước này vốn cũng lấy đàn ông làm vương. Được 70, 80 năm, nước Oa loạn, công phạt nhau nhiều năm, bèn cùng lập một người đàn bà làm vương, tên là Tỳ Mi Hô (卑彌呼). Tỳ Mi Hô thờ đạo quỷ, biết mê hoặc dân chúng, tuổi đã rất lớn, không có chồng, có em trai giúp trị nước. Từ khi làm vương đến nay ít ai được gặp. Có nghìn người hầu gái, chỉ có một người đàn ông lo việc ăn uống, truyền đạt lời lẽ ra vào. Cung thất có lầu cao, thành trì nghiêm chỉnh, thường có người cầm binh thủ vệ.

 

Từ nước Nữ Vương vượt biển đi về đông hơn 1.000 lí lại có nước khác, đều thuộc Oa. Lại có nước người lùn ở phía nam, người cao ba bốn thước, cách Nữ Vương hơn 4.000 lí. Lại có nước trần truồng, nước răng đen nằm phía đông nam, đi thuyền một năm mới đến. Xét khắp đất Oa thì đều ở trên đảo ngoài biển xa, hoặc xa hoặc gần, chu vi khoảng hơn 5.000 lí.

 

Tháng 6 năm Cảnh Sơ thứ 2 (238), Oa nữ vương khiển bọn đại phu Nan Thăng Mễ (難升米) đến quận, xin đến chỗ Thiên tử triều hiến. Thái thú Lưu Hạ khiển lại viên đưa đến kinh đô. Tháng 12 năm ấy, ra chiếu thư báo cho Oa nữ vương rằng:

Chế chiếu cho Thân Ngụy Oa nữ vương Tỳ Mi Hô:

Đái Phương thái thú Lưu Hạ khiển sứ đưa đại phu Nan Thăng Mễ của ngươi, thứ nữa sai Đô Thị Ngưu Lợi (都巿牛利) dâng lên đồ hiến của ngươi là 4 người đàn ông, 6 người đàn bà và 2 tấm vải đốm 2 trượng. Ngươi ở chốn xa mà biết khiển sứ cống hiến, thì ngươi thực có trung hiếu, nên ta rất thương ngươi. Nay lấy ngươi làm Thân Ngụy Oa vương, ban ấn vàng thao tía, niêm phong giao Đái Phương Thái thú trao cho ngươi. Ngươi phải vỗ về chủng nhân, gắng sức hiếu thuận. Sứ của ngươi Nan Thăng Mễ, Ngưu Lợi lặn lội xa xôi, cần lao trên đường, nên nay lấy Nan Thăng Mễ làm Suất Thiện Trung lang tướng, Ngưu Lợi làm Suất Thiện Hiệu úy, ban ấn bạc thao xanh, thưởng công lao đến chầu rồi cho về. Nay lấy 5 tấm gấm dày đỏ thẫm thêu hình giao long, 10 tấm len mịn đỏ thẫm, 50 tấm gấm đỏ thẫm, 50 tấm gấm xanh biếc để đáp lại đồ cống hiến của ngươi. Lại đặc cách ban ngươi 3 tấm gấm dày xanh biếc thêu hoa văn móc câu, 5 tấm len mịn thêu hoa, 50 tấm lụa trắng, 8 lạng vàng, 2 thanh đao 5 thước, 100 chiếc gương đồng, ngọc trai, diên sa mỗi thứ 50 cân, đều niêm phong giao Nan Thăng Mễ, Ngưu Lợi mang về trao cho. Vì muốn cho người trong nước ngươi biết nước nhà thương ngươi, nên trịnh trọng ban ngươi vật tốt vậy.”

 

Năm Chính Thủy thứ 1 (240), Thái thú Cung Tuân khiển bọn Trung hiệu úy Thê Tuấn mang chiếu thư, ấn thao đến nước Oa ban cho Oa vương, đồng thời mang chiếu thư và các vật vàng, lụa, gấm, len, đao, gương. Oa vương nhân đó sai sứ dâng biểu đáp tạ ân chiếu.

 

Năm thứ 4 (243), Oa vương lại khiển sứ là bọn đại phu Y Thanh Kỳ (伊聲耆), Dịch Da Cẩu (掖邪狗) gồm 8 người dâng hiến nô tì, gấm Oa, lụa nhũn xanh và đỏ, áo bông, vải lụa, gỗ son, phụ, cung tên ngắn. Bọn Dịch Tà Cẩu được ban ấn thao Suất Thiện Trung lang tướng. Năm thứ 6 (245), xuống chiếu ban lọng vàng cho Nan Mễ Thăng, giao quận đem cho.

 

Năm thứ 8 (247), Thái thú Vương Khẩn đến nhận chức. Oa nữ vương Tỳ Mi Hô cùng nam vương nước Cẩu Nô là Tỳ Mi Cung Hô (卑彌弓呼) vốn không biết, khiển bọn Oa Tải Tư (倭載斯), Ô Việt (烏越) đến quận, kể sự trạng công kích nhau. Khiển bọn Tắc Tào duyện lại Trương Chính nhân đó mang chiếu thư, lọng vàng ban cho Nan Thăng Mễ, đem hịch cáo dụ. Tỳ Mi Hô khi chết làm nấm mồ lớn, đường kính hơn trăm bộ, nô tì tuẫn táng hơn trăm người. Lập đàn ông làm vương, nhưng trong nước không phục nên chuyển sang tru sát nhau, bấy giờ giết chết hơn nghìn người. Lại lập con gái Tỳ Mi Hô là Nhất Dư (壹與) mới 13 tuổi làm vua, thì trong nước mới định. Bọn Chính đem hịch cáo dụ Nhất Dư, nên Nhất Dư khiển bọn đại phu người Oa là Suất Thiện Trung lang tướng Dịch Tà Cẩu 20 người đưa bọn Chính về, nhân đó đến triều, dâng Hoàng thượng 30 người hầu nữ, 5.000 viên ngọc trai trắng, 2 viên ngọc trai xanh lớn hình móc câu có lỗ, 20 tấm gấm tạp thêu nhiều loại hoa văn.

 

***

Chú thích:

1. Lưu Sa: Là một địa danh trong huyền sử Trung Quốc, nằm ở vùng viễn tây, gần núi Côn Lôn.

2. Cửu phục: Thời Chu, các vùng đất trong thiên hạ được phân loại dựa theo vị trí xa hay gần kinh đô của thiên tử, lần lượt gồm vương kỳ, hầu phục, điện phục, nam phục, thái phục, vệ phục, Man phục, Di phục, trấn phục, phiên phục, gọi là “cửu phục”.

3. Túc Thận: Một sắc dân sinh sống ở vùng đông bắc Trung Quốc vào thời cổ, được biết đến qua việc cống nạp loại tên với phần mũi làm bằng đá cho nhà Chu.

4. Nhược Thủy: Tên một dòng sông trong huyền sử Trung Hoa.

5. Ngũ quả: Gồm năm loại quả táo, mận, hạnh, dẻ, đào.

6. Linh tinh: Tên một ngôi sao trong thiên văn học Trung Hoa cổ, còn gọi là Long tinh hay Điền tinh, được cho là chủ quản nghề nông.

7. Chú thích gốc của Bùi Tùng Chi (372-451), sử gia thời Lưu Tống: “Thần Tùng Chi xét rằng: Ngựa quả hạ cao ba thước, cưỡi nó thì có thể đi qua dưới tán cây ăn quả, nên gọi là quả hạ. Chép ở sách Bác vật chí, Ngụy đô phú.”

8. Ở đây tác giả Trần Thọ dùng Hán tự để ký âm các từ đa âm tiết trong ngôn ngữ nước ngoài, nhưng vì trong thư tịch cổ không có dấu phẩy để phân cách giữa các từ, nên ta không biết chính xác được đâu là từ gốc. Người dịch xin phép tự tách từ dựa theo phỏng đoán của mình.

Comments