Tam quốc chí - Ô Hoàn, Tiên Ty liệt truyện

 

Ô Hoàn, Tiên Ty liệt truyện

Tam quốc chí – quyển 30

 

Sách Tam quốc chí do Trần Thọ biên soạn, ngoài nội dung chính viết về quá trình hình thành và cục diện phân tranh giữa ba nước Ngụy – Thục – Ngô, còn ghi chép thông tin về các quốc gia và sắc tộc bên ngoài Trung Hoa đương thời. Quyển 30 của sách này bao gồm ba phần: phần thứ nhất viết về các sắc dân du mục Ô Hoàn và Tiên Ty; phần thứ hai viết về Đông Di (vùng bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản); và phần thứ ba trích nguyên văn từ sách Ngụy lược về Tây Vực (miền tây Trung Quốc, Trung Á, Nam Á và Tây Á). Bên dưới là bản dịch phần thứ nhất.

 

***

 


Kinh Thư viết: “Man Di quấy rối nhà Hạ”; Kinh Thi nói: “Hiểm Duẫn [1] ngông cuồng”, tức là từ lâu chúng đã là mối lo với Trung Quốc. Từ thời Tần, Hán trở đi, Hung Nô gây hại ở biên giới lâu năm. Hiếu Vũ đế tuy bên ngoài thu phục Tứ Di, phía đông bình Lưỡng Việt, Triều Tiên, phía tây dẹp Nhị Sư, Đại Uyển, mở đường đến Cùng, Tạc, Dạ Lang, nhưng đều là nằm ngoài cõi hoang phục, không ích lợi được gì cho Trung Quốc. Hung Nô là mối họa lớn nhất với các nước Hạ, mỗi lần kỵ Hồ xâm lấn xuống phía nam thì ba mặt biên giới đều phải gánh chịu. Thế nên nhiều lần khiển các tướng Vệ, Hoắc thâm nhập cõi bắc, đuổi đánh thiền vu, đoạt đất màu mỡ của chúng. Về sau chúng giữ ải xưng phiên, nhiều đời yếu ớt. Thời Kiến An, Nam thiền vu là Hô Trù Tuyền (呼廚泉) vào triều, nên giữ lại làm nội thị, cho Hữu hiền vương cai trị nước ấy. Việc Hung Nô quy phục đã chép trong sách thời Hán. Ô Hoàn, Tiên Ty dần dần cường thịnh, cũng nhân lúc cuối thời Hán loạn lạc, Trung Quốc lắm việc không đánh dẹp bên ngoài được nên chiếm đất Mạc Nam [2] của Hán, cướp bóc thành ấp, giết chóc nhân dân. Biên giới phía bắc vì thế phải chịu khốn. Gặp lúc Viên Thiệu chiếm Hà Bắc, bèn thu phục dân Ô Hoàn ba quận, ưu đãi danh vương [3] của chúng để lấy kỵ tinh nhuệ. Về sau [Hạ Hầu] Thượng và [Viên] Hy lại trốn đến chỗ Đạp Đốn (蹋頓). Đạp Đốn kiêu ngạo vũ dũng, trưởng lão biên giới đều ví hắn với Mặc Đốn. Hắn cậy xa xôi hiểm trở, thu nhận kẻ vong mệnh để làm hùng trưởng Bách Man. Thái Tổ ngầm đem quân Bắc phạt, xuất binh bất ngờ, đánh một trận đã định được, Di Địch quy phục, uy vang đất bắc. Thế rồi dẫn quân Ô Hoàn đi theo chinh thảo, mà dân biên giới cũng được yên ổn. Về sau đại nhân Tiên Ty là Kha Bỉ Năng (軻比能) lại chế ngự được các dân Địch, thu hết đất cũ của Hung Nô, nên từ Vân Trung, Ngũ Nguyên về đông đến sông Liêu đều là cõi của Tiên Ty. Chúng nhiều lần phạm ải cướp biên, các châu U, Tỉnh phải khổ sở, Điền Dự bị vây ở Mã Thành, Tất Quỹ thua trận ở Hình Bắc. Thời Thanh Long, Hoàng đế bèn nghe theo lời Vương Hùng, khiển kiếm khách giết Kha Bỉ Năng. Về sau chủng loài li tán, đánh cướp lẫn nhau, kẻ mạnh thì chạy xa, kẻ yếu thì quy phục. Do vậy biên thùy yên ổn, Mạc Nam ít chuyện, tuy có lúc trộm cướp, nhưng không thể quấy động nhau nữa.

 

Ô Hoàn, Tiên Ty thời xưa gọi là dân Đông Hồ. Tập tục và việc cũ của chúng xét thấy sách Hán ký đã ghi chép rồi, nên chỉ chép thêm từ cuối Hán đến đầu Ngụy trở đi, để ghi đầy đủ về sự thay đổi của Tứ Di.

 

Ô Hoàn

 

Sách Ngụy lược [4] viết:

“Ô Hoàn tức là dân Đông Hồ. Đầu thời Hán, Mặc Đốn của Hung Nô diệt nước này, số còn sót giữ núi Ô Hoàn, nên lấy đấy làm hiệu. Tục thạo xạ kỵ, đi theo cỏ nước để chăn gia súc, không sống định cư. Dựng lều vòm làm nhà, đều quay về hướng đông. Hằng ngày săn bắn chim thú, ăn thịt, uống sữa, dùng lông mao làm áo. Quý trẻ khinh già. Tính khí hung hãn, kiêu ngạo. Giận lên thì giết cả cha anh, nhưng tuyệt không hại đến mẹ, vì mẹ có họ hàng, còn cha anh chỉ có một mình nên không ai báo thù được. Thường suy tôn kẻ dũng kiện, biết xử lí việc tranh tụng hay xâm phạm nhau làm đại nhân. Bộ lạc đều có tiểu soái, nhưng không thế tập. Mấy trăm, mấy nghìn làng tự họp thành một bộ. Đại nhân có kêu gọi việc gì thì khắc gỗ làm tin rồi làng ấp làm theo, không cần văn tự mà bộ chúng chẳng ai dám làm trái. Không có dòng họ cố định, chỉ lấy tên của những đại nhân dũng kiện làm họ. Từ đại nhân trở xuống đều tự chăn súc vật và dựng lều, không lao dịch cho nhau.

Về cưới xin, đều tư thông trước rồi bắt người con gái đem về, đợi nửa năm hoặc trăm ngày sau sẽ khiển bà mối đem ngựa, bò, dê đến làm sính lễ. Con rể về nhà vợ, thấy ai trong nhà vợ bất kể lớn bè đều đứng lên bái, nhưng không tự bái cha mẹ mình. Làm lụng cho nhà vợ hai năm thì nhà vợ sẽ tặng của hậu hĩnh cho con gái, nên của cải thông thường đều từ nhà vợ mà ra. Thế nên tục dân này nghe theo lời đàn bà, chỉ đến lúc chiến đấu mới tự quyết.

Cha con, trai gái ngồi xổm đối diện nhau, đều cạo đầu để cho gọn gàng. Đàn bà lúc cưới mới nuôi tóc dài, chia thành hai búi, đeo câu quyết (句決) đính vàng ngọc, giống như bộ dao (步搖) [5] ở Trung Quốc vậy. Cha anh chết thì sẽ cưới mẹ kế hay chị dâu, nếu không có chị dâu thì cũng đem vợ thứ của con mình gả cho chú bác, khi người ấy chết thì trở về với chồng cũ. Xem lúc chim thú sinh đẻ để để tính bốn mùa, thường đợi khi đến mùa chim bố cốc gáy mới gieo trồng. Đất đai hợp trồng cây thanh tế, đông tường. Đông tường tựa như cỏ bồng, hoa giống hoa quỳ, mọc vào tháng mười. Biết làm rượu trắng, nhưng không biết làm men. Gạo thường giống như gạo Trung Quốc. Đại nhân biết làm cung tên, yên cương, rèn sắt thành binh khí. Biết vẽ hoa văn lên áo da thuộc và dệt chăn len. Có bệnh thì uống ngải cứu, có khi nung đá để tự chườm mình hay xông đất rồi nằm lên, có khi dùng rao rạch chỗ đau cho chảy máu, và cầu các thần trời đất núi sông, chứ không bốc thuốc.

Kẻ quyền quý chết thì sẽ liệm xác trong quan tài. Lúc mới chết thì khóc lóc, lúc táng thì hát múa đưa tiễn. Nuôi chó cho béo rồi lấy cây rau quàng vào dắt đi, đem cùng với ngựa, đồ đạc, phục sức lúc còn sống của người đã mất đốt cả đễ đưa tiễn. Nhờ cậy vào chó để hộ tống linh hồn người chết về núi Hô Xích (乎赤). Núi Xích nằm cách Liêu Đông mấy nghìn lí về phía tây bắc, giống như người Trung Quốc cho rằng hồn phách của người chết sẽ về núi Thái vậy. Đến ngày táng, thì đêm ấy tụ họp thân cựu ngồi thành vòng tròn, dắt chó và ngựa đi quanh, có khi hát hò khóc lóc, vứt thịt cho chúng ăn. Sai hai người tụng chú để hồn phách người chết được đi sớm, khi qua nơi hiểm trở chớ gặp ma quỷ cản đường. Sau đấy giết chó, ngựa và đốt quần áo. Kính quỷ thần, thờ trời đất, nhật nguyệt, tinh tú, núi sông. Đến như đại nhân đời trước ai nổi tiếng dũng kiện cũng được cúng bằng bò dê, cúng xong đều đốt cả. Trước khi ăn uống đều tế lễ.

Phép tắc của dân này, nếu làm trái lời đại nhân sẽ xử chết, ăn trộm mà không ngăn cũng xử chết. Nếu giết hại lẫn nhau thì cho bộ lạc tự báo thù, nếu báo thù nhau suốt không dứt thì đến chỗ đại nhân phân xử, ai có tội phải đem bò dê đền mạng người chết, rồi thôi. Tự giết cha anh mình thì không có tội. Kẻ làm phản bỏ trốn bị đại nhân lùng bắt thì các làng ấp không dám thu nhận, đều xua đuổi đến chỗ hẻo lánh.

Đất này không có núi. Có sa mạc, sông suối, cây cỏ. Nhiều rắn độc. Nằm ở phía tây nam Đinh Linh, đông bắc Ô Tôn, rất khốn cùng. Từ thời tổ tiên bị Hung Nô đánh phá về sau, dân chúng yếu đuối, phải thần phục Hung Nô, thường nộp bò, ngựa, dê hằng năm, có lúc không đủ phải bắt cả vợ con. Đến thời Nhất Diên Đê thiền vu (壹衍鞮單于) của Hung Nô, Ô Hoàn chuyển mạnh, quật mồ của thiền vu Hung Nô để trả mối nhục bị Mặc Đốn đánh phá. Nhất Diên Đê thiền vu cả giận, phát 20.000 kỵ đi đánh Ô Hoàn. Đại tướng quân Hoắc Quang nghe tin nên khiển Độ Liêu tướng quân Phạm Minh Hữu cầm 30.000 kỵ rời Liêu Đông truy kích Hung Nô. Lúc binh của Minh Hữu đến thì Hung Nô đã trở về. Ô Hoàn mới bị Hung Nô đánh bại, nên Minh Hữu thừa lúc chúng suy yếu mà tiến đánh Ô Hoàn, chém hơn 6.000 thủ cấp, bắt ba vị vương rồi về. Về sau nhiều lần phạm ải, Minh Hữu liền đánh tan chúng. Đến cuối thời Vương Mãng, cùng Hung Nô làm cướp. Khi Quang Vũ định thiên hạ, khiển Phục Ba tướng quân Mã Viện đem 3.000 kỵ theo đường ải Ngũ Nguyên rời biên giới đi đánh, không gặp lợi, nhưng giết được hơn nghìn con ngựa.

Ô Hoàn thịnh dần, đánh cướp Hung Nô. Hung Nô phải dời đi xa nghìn lí, nên đất Mạc Nam bỏ trống. Năm Kiến Vũ thứ 15 (49), đại nhân Ô Hoàn là bọn Hác Đán (郝旦) đem hơn 9.000 bộ chúng đến cửa quan. Phong hơn 80 cự soái của chúng làm hầu vương, cho sống trong biên giới, phân bố ở thuộc quốc Liêu Đông và các quận Liêu Tây, Hữu Bắc Bình, Ngư Dương, Quảng Dương, Thượng Cốc, Đại Quận, Nhạn Môn, Thái Nguyên, Sóc Phương, chiêu dụ chủng loài, cấp cho cơm áo, đặt Hiệu úy để coi giữ. Chúng giúp Hán trinh sát phòng bị, đánh Hung Nô, Tiên Ty. Đến thời Vĩnh Bình, đại nhân Ô Hoàn ở Ngư Dương là Khâm Chí Bôn (欽志賁) đem dân làm phản, nên Tiên Ty trở lại cướp bóc. Liêu Đông Thái thú Tế Dung Mộ giết Chí Bôn, rồi phá được quân của hắn. Đến thời An đế, dân Ô Hoàn ở Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Nhạn Môn là bọn Vương Vô Hà (王無何) lại hợp với Tiên Ty, Hung Nô, cướp bóc Đại Quận, Thượng Cốc, Trác Quận, Ngũ Nguyên. [Triều đình] bèn lấy Đại tư nông Hà Hy làm Hành quân Kỵ tướng quân, đem binh sĩ năm dinh Tả, Hữu Vũ Lâm và phát binh bảy quận ven biên giới ở dinh Lê Dương [6], hợp được 20.000 người đi đánh. Hung Nô hàng, Tiên Ty, Ô Hoàn đều chạy khỏi ải. Về sau Ô Hoàn lại dần theo về, nên bái đại nhân của chúng là Nhung Mạt Khôi (戎末廆) làm Đô úy. Đến thời Thuận đế, Nhung Mạt Khôi đem bọn tướng vương hầu là Đoát Quy (咄歸), Khứ Diên (去延) theo Ô Hoàn Hiệu úy Cảnh Diệp rời ải đánh Tiên Ty, có công, khi về đều được bái làm Suất Chúng vương, ban lụa là.”

 


Địa bàn cư trú của người Ô Hoàn (Wuhuan) và Tiên Ty (Xianbei) 

vào cuối thời Đông Hán và đầu Tam quốc.

                Một số địa danh ở biên giới phía bắc Trung Hoa:

                - Tên châu: U (You), Ký (Ji), Tỉnh (Bing).

                - Tên quận: Liêu Đông (Liaodong), Liêu Tây (Liaoxi/LX), Hữu Bắc Bình 

                (Youbeiping/YBP), Ngư Dương (Yuyang), Quảng Dương (Guangyang), 

                Thượng Cốc (Shanggu), Đại (Dai), Trác (Zhuo), Trung Sơn (Zhongshan/ZS),

                 Nhạn Môn (Yanmen), Định Tương (Dingxiang), Vân Trung (Yunzhong), 

                Ngũ Nguyên (Wuyuan), Sóc Phương (Shuofang).


Cuối thời Hán, đại nhân Ô Hoàn ở Liêu Tây là Khâu Lực Cư (丘力居) trị hơn 5.000 làng, đại nhân Ô Hoàn ở Thượng Cốc là Nan Lâu (難樓) có hơn 9.000 làng, đều xưng vương; rồi đại nhân Ô Hoàn ở thuộc quốc Liêu Đông là Tô Bộc Đình (蘇僕延) có hơn 1.000 làng cũng tự xưng Tiễu vương, đại nhân Ô Hoàn ở Hữu Bắc Bình là Ô Diên (烏延) có hơn 800 làng tự xưng Hãn Lỗ vương, đều có kế sách dũng kiện. Trung Sơn Thái thú Trương Thuần làm phản, chạy vào đất của Khâu Lực Cư, tự lấy hiệu là Mi Thiên An Định vương, làm nguyên soái của dân Ô Hoàn ba quận, cướp bóc bốn châu Thanh, Từ, U, Ký, giết hại lại dân. Cuối thời Linh đế, lấy Lưu Ngu làm châu mục, mộ người Hồ chém đầu Thuần, thì miền bắc mới yên. Về sau Khâu Lực Cư chết, con trai là Lâu Ban (樓班) còn nhỏ, còn cháu trai là Đạp Đốn có vũ lực nên lên thay, thống lĩnh ba bộ, dân chúng đều nghe theo giáo lệnh của hắn. Viên Thiệu và Công Tôn Toản đánh nhau liên tiếp không thắng, nên Đạp Đốn khiển sứ đến chỗ Thiệu xin hòa thân, giúp Thiệu đánh Toản, phá được. Thiệu làm giả lời chế ban cho Đạp Đốn, ban Tiễu vương và Hãn Lỗ vương ấn thao, đều lấy làm thiền vu.

Sách Anh hùng ký [7] viết:

“Thiệu liền khiển sứ bái ba vương của Ô Hoàn làm thiền vu, đều ban xe có ghế ngồi, lọng hoa, cờ lông vũ, xe mui vàng cắm cờ bên tả. Lời văn viết: “Sứ trì tiết Đại tướng quân, Đốc U, Thanh tịnh lĩnh Ký châu mục, Nguyễn hương hầu Thiệu thừa chế ra chiếu cho Suất Chúng vương Ban Hạ ở thuộc quốc Liêu Đông, Ô Hoàn Suất Chúng vương Đạp Đốn ở Liêu Tây, Suất Chúng vương Lư Duy ở Hữu Bắc Bình rằng: Tổ tiên các vương mộ nghĩa hướng thiện, nạp khoản ở quan ải để nội phụ, phía bắc cản Hiểm Duẫn, phía đông cự Uế Mạch, nhiều đời giữ cõi bắc, che chở cho bách tích. Tuy có lúc xâm phạm phép vua, phải mệnh tướng đánh dẹp trị tội, nhưng chưa bao lâu sau đã hối lỗi sửa chữa. Trong số Ngoại Di, các vương là thông tuệ nhất. Ban đầu có Thiên phu trưởng, Bách phu trưởng để thống lĩnh nhau, biết dùng cả tấm lòng góp công sức cho nước nhà, nên dần được trao mệnh như vương hầu. Từ khi vương thất ta lắm việc, Công Tôn Toản dấy biến, tàn sát quân trưởng đất ấy, dối trời khinh chúa. Thế nên trong vòng bốn biển ai nấy đều phải cầm can qua để bảo vệ xã tắc. Ba vương gắng sức giữ đất, vì lo cho nước mà căm phẫn kẻ gian, lính cầm cung cùng Hán binh kết làm trong ngoài, thực rất trung hiếu, triều đình có lời khen ngợi. Nhưng vì hổ beo rắn rít lúc nhúc đầy quan ải, nên tước mệnh vương quan không truyền đến được. Có công mà không thưởng, sẽ khiến người cần mẫn chây lười. Nay khiển Hành yết giả Dương Lâm mang tỷ thao của thiền vu và xe cộ, y phục đem thưởng công lao của các vương. Các vương đều phải giữ yên bô lạc, dạy dỗ cẩn thận, chớ để chúng dấy hung dấy ác, thì sẽ đời đời giữ ngôi vị, mãi làm trưởng Bách Man. Kẻ nào có lỗi hay làm điều bất lương, sẽ trừ vào lộc ấy, rồi bắt phải đền bù, vậy há có thể không cố gắng sao? Ô Hoàn thiền vu đô hộ bộ chúng, tả hữu thiền vu đều chịu tiết độ, còn lại đều như lệ cũ.”

 

Về sau Lâu Ban khôn lớn, Tiễu vương đem bộ lạc tôn Lâu Ban làm thiền vu, Đạp Đốn làm vương. Đạp Đốn thường hay vẽ kế sách. Người Quảng Dương là Diêm Nhu lúc nhỏ trốn sang cõi Ô Hoàn, Tiên Ty, được các chủng ấy tin cậy. Nhu bèn đem quân Tiên Ty giết Ô Hoàn Hiệu úy Hình Cử rồi lên thay. Thiệu nhân đấy sủng nhậm hắn để giữ yên biên giới phía bắc. Về sau Viên Thượng thua, chạy đến chỗ Đạp Đốn, cậy vào thế của hắn để về vây Ký châu. Gặp lúc Thái Tổ bình Hà Bắc, Nhu đem dân Tiên Ty, Ô Hoàn quy phụ, bèn nhân đấy lấy Nhu làm Hiệu úy, vẫn cầm cờ tiết của sứ Hán, trị Quảng Ninh như cũ. Năm Kiến An thứ 11 (206), Thái Tổ thân chinh Đạp Đốn ở Liễu Thành, ngầm đem quân theo đường vòng, nhưng còn cách hơn trăm lí thì bị giặc phát hiện. Thượng và Đạp Đốn đem quân đánh trả ở Phàm Thành, binh mã rất đông. Thái Tổ lên chỗ cao trông trận giặc, dừng quân chưa tiến để quan sát từng chuyển động nhỏ, rồi đánh phá chúng. Khi lâm trận chém đầu Đạp Đốn, xác chết phủ đầy đồng. Bọn Tốc Phụ Hoàn (速附丸), Lâu Ban, Ô Diên chạy đến Liêu Đông, bị Liêu Đông chém cả, đưa đầu về nộp. Số còn lại chạy tán loạn, đều ra hàng. Dân Ô Hoàn do Nhu thống lĩnh ở U châu, Tỉnh châu có hơn vạn làng, đều dời cả tộc vào ở Trung Quốc, kéo nhau đi theo vương hầu, đại nhân của chúng để theo chinh phạt. Do vậy người Ô Hoàn ba quận nổi danh về kỵ mã trong thiên hạ.

 

Sách Ngụy lược viết: “Mùa thu năm Cảnh Sơ thứ 1 (237), khiển U châu Thứ sử Quán Khâu Kiệm đem quân đánh Liêu Đông. Thiền vu Khấu Lâu Đôn (寇婁敦) của Ô Hoàn ở Hữu Bắc Bình, Đô đốc Suất Chúng vương Hộ Lưu Diệp (護留葉) của Ô Hoàn ở Liêu Tây trước kia theo Viên Thượng chạy đến Liêu Tây, nghe tin quân đến thì đem hơn 5.000 người ra hàng. Em trai Khấu Lâu Đôn là bọn A La Tưởng (阿羅獎), A La Bàn (阿羅槃) đến cửa khuyết triều cống, nên phong hơn 30 cự soái làm vương, ban cho ngựa và lụa có khác nhau.”

 

Tiên Ty

 

Sách Ngụy thư viết:

“Tiên Ty cũng là dân Đông Hồ còn sót lại, giữ riêng núi Tiên Ty, nên có tên đấy. Ngôn ngữ, tập tục của dân này giống với Ô Hoàn. Đất này đông giáp sông Liêu, tây kề Tây Thành. Thường mở hội lớn vào tháng cuối xuân, tấu nhạc trên sông. Khi gả con gái hay lấy vợ đều cạo đầu, ăn tiệc. Có những loài thú lạ với Trung Quốc như ngựa hoang, dê núi, đoan ngưu. Sừng đoan ngưu dùng làm cung, người đời gọi là giác đoan [8]. Lại có chồn, nột [9], chuột xám, da và lông rất mềm mại, nên thiên hạ coi là thứ áo lông tốt.

Tiên Ty từ khi bị Mặc Đốn đánh phá chạy xa đến ngoài cõi Liêu Đông, không tranh đoạt với các nước khác, chưa thông hiếu với Hán, nhưng tự giao tiếp với Ô Hoàn. Đến thời Quang Vũ, Nam và Bắc thiền vu công phạt lẫn nhau, Hung Nô suy yếu, còn Tiên Ty thịnh dần. Năm Kiến Vũ thứ 13 (54), đại nhân Tiên Ty là Ư Cừu Bôn (於仇賁) đem người trong chủng đến cửa khuyết triều cống, nên phong Ư Cừu Bôn làm vương. Thời Vĩnh Trung, Sái Dung làm Liêu Đông Thái thú, đút lót cho Tiên Ty, sai chém đầu người Ô Hoàn làm phản là bọn Khâm Chí Bôn. Vì thế đại nhân các làng ấp Tiên Ty từ Đôn Hoàng, Tửu Tuyền trở về đông đều đến Liêu Đông nhận ban thưởng. Hai châu Thanh, Từ mỗi năm cấp chúng 270.000.000 tiền, lấy làm lệ thường. Thời Hòa đế, người Tiên Ty là Đại đô hộ Hiệu úy Hối () đem bộ lạc theo Ô Hoàn Hiệu úy Nhậm Thường đánh kẻ làm phản, nên phong Hiệu úy Hối làm Suất Chúng vương. Thời Diên Bình triều Thương đế, Tiên Ty vào quan ải miền đông, giết Ngư Dương Thái thú Trương Hiển. Thời An đế, đại nhân Tiên Ty là Yên Lệ Dương (燕荔陽) vào triều, được Hán ban cho ấn thao Tiên Ty vương, ban xe có ghế ngồi sơn đỏ, ở tại trị sở của Ô Hoàn Hiệu úy tại Ninh Hạ. Mở chợ với người Hồ, xây chất cung [9] cho hai bộ nam bắc, nhận con tin của các làng ấp gồm 20 người [10]. Về sau có lúc phản, có lúc hàng, có lúc cùng Hung Nô, Ô Hoàn công kích nhau.

Cuối thời An đế, phát hơn 20.000 bộ binh, kỵ binh ven biên giới, đóng ở nơi xung yếu. Về sau tám, chín nghìn kỵ Tiên Ty lọt vào quận Đại và ải Mã Thành, giết hại trưởng lại. Hán khiển Độ Liêu tướng quân Đặng Tuân, Trung lang tướng Mã Tục rời ải đuổi theo, phá được chúng. Đại nhân Tiên Ty là bọn Ô Luân (烏倫), Kỳ Chí Kiện (其至鞬) gồm hơn 7.000 người đến chỗ Tuân hàng. Phong Ô Luân làm vương, Kỳ Chí Thiện làm hầu, ban lụa ngũ sắc. Sau khi Tuân về, Kỳ Chí Thiện lại phản, vây Ô Hoàn Hiệu úy ở Mã Thành. Độ Liêu tướng quân Cảnh Quỳ và U châu Thứ sử đến cứu, giải vây được. Kỳ Chí Thiện dần thịnh, có mấy vạn kỵ cầm cung, mấy lần vào quan ải, đến Ninh Mạch ở Ngũ Nguyên đánh Nam thiền vu của Hung Nô, giết Tả Áo Kiện và Nhật Trục vương. Thời Thuận đế, lại vào ải, giết Đại quận Thái thú. Hán khiển binh của dinh Lê Dương đóng ở Trung Sơn, binh các quận ven biên giới đóng tại cửa ải, điều lính nỏ năm dinh, lệnh tập bắn. Nam thiền vu đem hơn vạn bộ binh, kỵ binh đến giúp Hán đánh đuổi Tiên Ty. Về sau Ô Hoàn Hiệu úy Cảnh Diệp đem Suất Chúng vương rời ải đánh Tiên Ty, chém được nhiều đầu giặc. Vì thế hơn ba vạn làng Tiên Ty dến Liêu Đông hàng.

Sau khi Hung Nô và Bắc thiền vu chạy trốn, các chủng còn sót gồm hơn 100.000 làng đến sống rải rác ở Liêu Đông, đều tự gọi là binh Tiên Ty. Đầu Lộc Hầu (投鹿侯) tòng quân cho Hung Nô ba năm, vợ hắn ở nhà có con. Khi Đầu Lộc Hầu về, cho là quái lạ nên định giết đi. Người vợ nói: “Có lần nghe tiếng sấm giữa ban ngày, ngẩng nhìn trời thì có mưa đá rơi xuống miệng nên nuốt lấy, rồi có thai, sau mười tháng thì sinh. Đứa con này tất có điều kỳ dị, hơn nữa đã lớn rồi.” Đầu Lộc Hầu cố chấp không tin. Người vợ bèn bảo nhà mình nhận về nuôi, gọi là Đàn Thạch Khối (檀石槐). Đàn Thạch Khối cao lớn dũng kiện, trí lược xuất chúng. Năm 14-15 tuổi, đại nhân bộ khác là Bốc Bôn Ấp (卜賁邑) cướp lấy bò dê nhà ngoại hắn, nên Đàn Thạch Khối cưỡi ngựa đuổi đánh, đi đến đâu cũng thắng cả, lấy được hết những thứ đã mất. Do vậy bộ lạc úy phục. Đàn Thạch Khối tuân phép tắc, xét đúng sai, chẳng ai dám phạm, nên được suy tôn làm đại nhân. Đàn Thạch Khối vừa lập, bèn xây đình ở sông Xuyết Cừu (啜仇) cạnh núi Đàn Hãn (彈汗), cách Cao Liễu hơn 300 lí về phía bắc. Các đại nhân Đông bộ và Tây bộ đều theo về, binh mã rất thịnh, phía nam cướp đất Hán, phía bắc cự Đinh Linh, phía đông đuổi Phù Dư, phía tây đánh Ô Tôn, lấy hết đất cũ của Hung Nô, đông tây rộng hơn 12.000 lí, nam bắc hơn 7.000 lí, bao trùm sông núi, đầm lầy, hồ muối, rất rộng lớn. Nhà Hán lo sợ, vào thời Hoàn đế sai Hung Nô Trung lang tướng Trương Hoán đi đánh, không thắng được, bèn đổi sang khiển sứ giả mang ấn thao đến phong Đàn Thạch Khối làm vương, định cho hòa thân. Đàn Thạch Khối cự lại, không chịu nhận, rồi càng cướp bóc nhiều. Đàn Thạch Khối chia đất mình thành ba bộ trung, đông và tây. Từ Hữu Bắc Bình về đông đến sông Liêu, giáp Phù Dư, Uế Mạch phía đông là Đông bộ, có hơn 20 ấp, đại nhân là Mi Gia (彌加), Khuyết Cơ (闕機), Tố Lợi (素利), Hòe Đầu (槐頭). Từ Hữu Bắc Bình về tây đến Thượng Cốc là Trung bộ, có hơn 10 ấp, đại nhân là bọn Kha Tối (柯最), Khuyết Cư (闕居), Mộ Dung (慕容), là đại soái. Từ Thượng Cốc về tây đến Đôn Hoàng, giáp Ô Tôn phía tây là Tây bộ, có hơn 20 ấp, đại nhân là bọn Trí Kiện Lạc La (置鞬落羅), Luật Suy Diễn (律推演), Yến Lệ Du (宴荔游), đều là đại soái. Nhưng tất cả đều phục thuộc Đàn Thạch Khối.

Đến thời Linh đế, chúng cướp bóc lớn ở hai châu U, Tỉnh, các quận ven biên giới không năm nào không gặp hại. Năm Hy Bình thứ 6 (177), khiển Hộ Đô Hoàn Hiệu úy Hạ Dục, Phá Tiên Ty Trung lang tướng Điền Án, Hung Nô Trung lang tướng Tàng Mân cùng Nam thiền vu xuất phát từ ải Nhạn Môn, chia ba đường cùng tiến, vượt hơn 2.000 lí đánh chúng. Đàn Thạch Khối đem bộ chúng chặn đánh, bọn Án thua chạy, chỉ còn một phần mười binh mã trở về mà thôi. Dân Tiên Ty ngày một đông, tuy làm ruộng, chăn súc vật và săn bắn nhưng không nuôi đủ được nữa. Về sau Đàn Thạch Khối bèn đi xem xét sông Ô Hầu Tần (烏侯秦), thấy sông rộng mấy trăm lí, nước ngưng đọng không chảy, giữa sông có cá nhưng không bắt được. Đàn Thạch Khối nghe nói người Hãn () giỏi đánh cá, vì thế đi đánh nước Hãn phía đông, bắt được hơn nghìn nhà, dời họ đến sông Ô Hầu Tần, sai đánh cá để trợ lương. Đến ngày nay, ở sông Ô Hầu Tần vẫn còn mấy trăm hộ người Hãn.

Đàn Thạch Khối chết năm 45 tuổi, con trai là Hoà Liên lên thay (和連). Hòa Liên tài lực không bằng cha nhưng tham lam dâm loạn, cai trị bất bình, nên dân chúng làm phản đến một nửa. Những năm cuối triều Linh đế, hắn mấy lần cướp bóc, tấn công Bắc Địa. Thứ dân ở Bắc Địa giỏi bắn nỏ, bắn trúng Hòa Liên, khiến Hòa Liên chết ngay. Con trai là Khiên Mạn (騫曼) còn nhỏ, nên con của anh là Khôi Đầu (魁頭) lên thay. Sau khi Khôi Đầu lập thì Khiên Mạn khôn lớn, tranh nước với Khôi Đầu, dân chúng li tán. Khi Khôi Đầu chết, em trai là Bộ Độ Căn (步度根) lên thay. Từ sau khi Đàn Thạch Khối chết, các đại nhân mới được thế tập.”

 

Khi Bộ Độ Căn lên ngôi, dân chúng dần suy yếu. Người anh giữa là Phù La Hàn (扶羅韓) cũng giữ riêng mấy vạn người, làm đại nhân. Thời Kiến An, Thái Tổ định U châu; Bộ Độ Căn và bọn Kha Bỉ Năng nhờ Ô Hoàn Hiệu úy Diêm Nhu dâng cống thay. Về sau người Ô Hoàn ở quận Đại là bọn Thần Đê (臣氐) làm phản, xin lệ thuộc Phù La Hàn. Phù La Hàn đem hơn vạn kỵ đón hắn. Đi đến Tang Càn, bọn Đê bàn rằng bộ của Phù La Hàn pháp lệnh khoan dung, e không giúp đỡ được mình, nên đổi sang khiển người đến gọi Kha Bỉ Năng. Bỉ Năng liền đem hơn vạn kỵ đến, cùng lập lời thề. Bỉ Năng nhân lúc giữa hội giết Phù La Hàn. Con trai Phù La Hàn là Tiết Quy Nê (泄歸泥) và bộ chúng đều lệ thuộc Bỉ Năng. Bỉ Năng tự thấy mình đã giết cha Quy Nê, nên đãi ngộ hắn rất tốt. Bộ Độ Căn do vậy sợ Bỉ Năng.

 

Khi Văn đế lên ngôi, Điền Dự làm Ô Hoàn Hiệu úy, cầm cờ tiết bảo hộ cả Tiên Ty, đóng ở Xương Bình. Bộ Độ Căn khiển sứ dâng ngựa, được Hoàng đế phong làm vương. Về sau nhiều lần cùng Kha Bỉ Năng công kích lẫn nhau, nhưng bộ chúng của Bộ Độ Căn suy yếu dần, nên đem hơn vạn làng đến giữ các quận Thái Nguyên, Nhạn Môn. Bộ Độ Căn sai người kêu gọi Tiết Quy Nê rằng: “Cha ngươi bị Bỉ Năng giết, sao không lo báo thù mà lại lệ thuộc nhà oan gia? Nay tuy hậu đãi ngươi, nhưng chỉ là kế để hòng sắp giết ngươi thôi. Chi bằng về với ta, ta sẽ cùng ngươi kết thân như ruột thịt, đâu có như bọn cừu thù ấy?” Do vậy Quy Nê đem bộ lạc của mình trốn về với Bộ Độ Căn; Bỉ Năng đuổi theo mà không kịp. Đến năm Hoàng Sơ thứ 1 (224), Bộ Độ Căn đến cửa khuyết cống hiến, được ban thưởng hậu. Từ đấy về sau một lòng giữ biên, không làm cướp hại, nhưng bộ chúng của Kha Bỉ Năng cũng cường thịnh dần. Khi Minh đế lên ngôi, muốn vỗ yên Nhung Địch để ngưng chinh phạt, chỉ ki mi hai bộ mà thôi. Đến năm Thanh Long thứ 1 (233), Bỉ Năng dụ Bộ Độ Căn kết hòa thân. Vì thế Bộ Độ Căn đem Tiết Quy Nê và bộ chúng trả về cho Bỉ Năng, rồi cướp bóc Tỉnh châu, bắt giết lại dân. Hoàng đế khiển Phiêu Kỵ tướng quân Tần Lãng đi đánh. Quy Nê phản lại Bỉ Năng, đem bộ chúng đầu hàng, được phong làm Quy Nghĩa vương, ban cho cờ xí, lọng cán cong, trống kèn, cho ở Tỉnh châu như cũ. Bộ Độ Căn bị Bỉ Năng giết.

 

Kha Bỉ Năng vốn là người một chủng nhỏ của Tiên Ty, nhờ dũng kiện, cai trị ngay thẳng, không tham của cải nên được dân chúng suy tôn làm đại nhân. Bộ lạc của hắn sống gần ải. Từ khi Viên Thiệu chiếm cứ Hà Bắc, nhiều người Trung Quốc làm phản bỏ trốn sang đấy, dạy làm binh khí, khiên giáp, dần biết chữ nghĩa. Thế nên hắn thống ngự bộ chúng, bắt chước theo Trung Quốc, khi ra vào hay đi săn đều giương cờ xí, dùng nhịp trống để ra lệnh tiến lui. Thời Kiến An, hắn nhờ Diêm Nhu dâng cống thay. Khi Thái Tổ đi đánh Quan Trung ở miền tây, Điền Ngân chạy về vùng sông Hà, thì Bỉ Năng đem 3.000 kỵ đi theo Nhu đánh phá Ngân. Về sau người Ô Hoàn ở quận Đại làm phản, Bỉ Năng lại giúp chúng cướp bóc. Thái Tổ lấy Yển Lăng hầu [Tào] Chương làm Phiêu Kỵ tướng quân đi đánh miền bắc, đại phá được. Bỉ Năng chạy khỏi ải. Về sau lại thông cống hiến. Đầu thời Diên Khang, Bỉ Năng khiển sứ dâng ngựa, nên Văn đế cũng lập Bỉ Năng làm Phụ Nghĩa vương. Năm Hoàng Sơ thứ 2 (221), Bỉ Năng thả người Ngụy ở đất Tiên Ty gồm hơn 500 nhà, cho về ở quận Đại. Năm sau (222), Bỉ năng đem các đại nhân trong bộ lạc, con trai nhỏ và người Ô Hoàn ở quận Đại là bọn Tu Vũ Lư (脩武盧) gồm hơn 3.000 kỵ, lùa hơn 70.000 con bò ngựa đến mua bán, và trả người Ngụy gồm hơn 1.000 nhà về Thượng Cốc. Về sau cùng đại nhân Tố Lợi ở Đông bộ của Tiên Ty và ba bộ của Bộ Độ Căn tranh đấu, công kích lẫn nhau. Điền Dự hòa giải chúng, lệnh không được xâm lấn nhau. Năm thứ 5 (224), Bỉ Năng lại đánh Tố Lợi. Dự cầm khinh kỵ đi đường tắt đến chặn phía sau hắn. Bỉ Năng sai tiểu soái Tỏa Nô (瑣奴) chống cự Dự. Dự tiến đánh, phá tan được chúng. Do vậy Bỉ Năng mang hai lòng, bèn gửi thư cho Phụ Quốc tướng Tiên Vu Phụ nói rằng:

Di Địch không biết chữ nghĩa, nên Hiệu úy Diêm Nhu nói giúp cho ta với Thiên tử. Ta và Tố Lợi là kẻ thù, năm trước công kích hắn nhưng Điền hiệu úy lại giúp Tố Lợi. Ta lúc lâm trận sai Tỏa Nô đi, thì nghe tin sứ quân đến, nên liền dẫn quân về. Bộ Độ Căn nhiều lần cướp bóc, lại giết em trai ta, rồi vu cáo ta trộm cướp. Ta tuy là Di Dịch không biết lễ nghĩa, nhưng anh em con cháu đều đã nhận ấn thao từ Thiên tử. Bò ngựa còn biết đâu là cỏ ngon nước tốt, huống hồ là kẻ có tình người như ta! Tướng quân phải nói rõ giúp ta với Thiên tử.”

Phụ đem thư báo cho Hoàng đế, nên Hoàng đế lại sai Dự chiêu nạp an ủi hắn. Bộ chúng của Bỉ Năng dần cường thịnh, có hơn mười vạn kỵ cầm cung. Mỗi khi cướp được của cải đều chia đều cho nhau, quyết định ngay trước mắt [mọi người], hoàn toàn không lấy gì riêng. Thế nên dân chúng liều chết dốc sức, đại nhân các bộ khác đều kính sợ, nhưng vẫn chưa sánh bằng Đàn Thạch Khối.

 

Năm Thái Hòa thứ 2 (228), Dự khiển dịch giả Hạ Xá đến bộ của con rể Bỉ Năng là Uất Trúc Kiện (鬱築鞬), thì Xá bị Kiện giết. Mùa thu ấy, Dự đem người Tiên Ty ở Tây bộ là Tỳ Bạc Đầu (卑蒲頭), Tiết Quy Nê rời ải đánh Uất Trúc Kiện, đại phá được. Khi về đến Mã Thành, Bỉ Năng tự đem 30.000 kỵ vây Dự suốt bảy ngày. Thượng Cốc Thái thú Diêm Chí là em trai Nhu, vốn được người Tiên Ty tin cậy, nên khi Chí đến dụ chúng liền giải vây rồi bỏ về. Về sau U châu Thứ sử Vương Hùng kiêm lĩnh chức Hiệu úy, dùng ân tín vỗ về. Bỉ Năng mấy lần nạp khoản ở quan ải, đến chầu dâng cống hiến. Đến năm Thanh Long thứ 1 (233), Bỉ Năng chiêu nạp Bộ Độ Căn, cùng kết hòa thân, sai đánh Tỉnh châu, rồi tự đem vạn kỵ đón đánh xe hàng của Hán ở Hình Bắc. Tỉnh châu Thứ sử Tất Quỹ khiển bọn tướng Tô Thượng, Đổng Bật đi đánh. Bỉ Năng khiển con trai đem kỵ giao chiến với bọn Thượng ở Lâu Phiền, giết hại Thượng và Bật tại trận. Đến năm thứ 3 (235), Hùng khiển dũng sĩ Hàn Long ám sát Bỉ Năng, rồi đổi sang lập em trai hắn.

 

Tố Lợi, Mi Gia, Quyết Cơ đều là đại nhân, ở ngoài cõi Liêu Tây, Hữu Bắc Bình, Ngư Dương, đường xa nên ban đầu không gây hại cho biên giới, nhưng bộ chúng đa phần đi theo Bỉ Năng. Thời Kiến An, chúng nhờ Diêm Nhu dâng cống thay, xin mở chợ, nên Thái Tổ đều sủng nhậm, lấy làm vương. Khi Quyết Cơ chết, lại lập con trai là Sa Mạt Hãn (沙末汗) làm Thân Hán vương. Đầu thời Diên Khang, cả ba lại đều khiển sứ dâng ngựa. Văn đế lập Tố Lợi và Mi Gia làm Quy Nghĩa vương. Tố Lợi và Bỉ Năng công kích lẫn nhau. Năm Thái Hòa thứ 2 (228), Tố Lợi chết. Con trai còn nhỏ, nên lấy em là Thành Luật Quy (成律歸) làm vương, thay trị dân chúng.

 

***

Chú thích

1. Hiểm Duẫn: Tên một sắc dân du mục thời Tây Chu, cư trú ở miền tây Trung Hoa. Các bộ sử Trung Quốc về sau thường coi Hiểm Duẫn là tổ tiên của các sắc dân du mục phương bắc như Hung Nô.

2. Mạc Nam: Tức vùng phía nam sa mạc Gobi, ngày nay chủ yếu nằm trên địa bàn khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc.

3. Danh vương: Một tên gọi mà sử Trung Hoa dành chung cho các tiểu thủ lĩnh của các sắc dân du mục.

 4. Ngụy lược: Bộ sách lịch sử về thời Tam quốc do Ngư Hoàn biên soạn. Phần lớn sách đã thất lạc, trừ các đoạn trích còn lưu lại trong Tam quốc chí.

5. Bộ dao: Tên một loại trâm cài tóc thời xưa ở Trung Hoa, phần chuôi đính nhiều sợi dây xỏ ngọc.

6. Dinh Lê Dương: Tên đơn vị quân sự thời Hán, đóng tại Lê Dương (nay là huyện Tuấn, Hà Nam, Trung Quốc).

7. Anh hùng ký: Còn gọi là Hán mạt anh hùng ký, là tác phẩm do Vương Xán biên soạn vào thời Tam quốc, viết về hành trạng của một số nhân vật đương thời.

8. Giác đoan: Có khả năng viết nhầm từ “lộc đoan” (chữ “lộc” 甪 và chữ “giác” 角 gần giống nhau), tên một loài thú trong truyền thuyết Trung Hoa, hình dáng tựa kỳ lân.

9. Nột: Tên một loài thú trong truyền thuyết Trung Hoa, mình có đốm như báo, đầu có sừng, không có chân trước. Có thuyết cho là hải cẩu.

10. Chất cung: Nơi ở dành cho con cái quân chủ các nước chư hầu phải làm con tin ở kinh đô Trung Hoa xưa kia.

11. Nguyên văn viết “nhị thập bộ” có lẽ là nhầm, nay sửa lại.

 

Comments