Tống sử - Giao Chỉ truyện

GIAO CHỈ TRUYỆN

(Tống sử, Quyển 488)

 

Niên đại: 1343

Tác giả: Thoát Thoát

 

***

 

Sứ đoàn Đại Việt (phải), cùng với Liêu và Tây Hạ trên đường triều cống cho nhà Tống.

("Chức cống đồ", Cừu Loan)


Giao Chỉ vào đầu thời Hán vốn là đất Nam Việt. Khi Hán Vũ đế bình Nam Việt, chia đất ấy làm Đam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, tất cả chín quận, đặt Giao Chỉ thứ sử để thống lĩnh. Về sau Hán đặt Giao châu; Tấn, Tống, Tề, Lương, Trần đều noi theo, lại có quận Giao Chỉ. Khi Tùy bình Trần, bỏ quận đặt châu; đầu thời Dạng đế, bỏ châu đặt quận. Thời Vũ Đức triều Đường (618-626), đổi thành Giao Chỉ Tổng quản phủ; đến thời Chí Đức (756-758) đổi thành An Nam Đô hộ phủ.

 

Thời Trinh Minh triều Lương, thổ hào Khúc Thừa Mĩ nắm giữ đất này, dâng lễ cho Mạt đế, vì thế trao tiết việt [1] cho Thừa Mĩ. Bấy giờ Lưu Trắc chuyên quyền ở ngoài Ngũ Lĩnh, khiển tướng Lý Tri Thuận chinh phạt Thừa Mĩ, bắt được hắn, rồi thôn tính đất này. Về sau có Dương Diên Nghệ [2], Thiệu Hồng [3] đều giữ chức ở Quảng Nam [4], kế vị làm Giao Chỉ Tiết độ sứ. Khi Thiệu Hồng mất, tướng trong châu Ngô Xương Ngập bèn lên thay. Xương Ngập chết, em trai là Xương Văn lên thay. Đầu thời Càn Đức (963), Xương Văn chết. Tham mưu Ngô Xứ Bình [5], Phong châu Thứ sử Kiểu Tri Hộ [6], Vũ Ninh châu Thứ sử Dương Huy [7], nha tướng Đỗ Cảnh Thạc tranh lập, 12 châu trong cõi loạn lớn. Người dân tụ tập, nổi lên làm trộm cướp, tấn công Giao Châu.

 

Trước kia, Dương Đình Nghệ lấy nha tướng Đinh Công Trứ làm Nhiếp Hoan châu Thứ sử kiêm Ngự Phiên Đô đốc, Bộ Lĩnh là con trai hắn. Khi Công Trứ chết, Bộ Lĩnh nối chức. Đến nay, Bộ Lĩnh cùng con trai là Liễn cầm binh đánh bại bọn Xứ Bình. Đảng giặc tan vỡ, trong cõi yên bình. Dân Giao cảm kích, bèn suy tôn Bộ Lĩnh làm soái Giao Châu, hiệu là Đại Thắng vương, trao con trai Liễn chức Tiết độ sứ. Được ba năm thì nhường ngôi cho Liễn. Liễn lập được bảy năm thì nghe tin ngoài cõi Ngũ Lĩnh đã bình [8], bèn khiển sứ cống phương vật, dâng biểu nội phụ. Xuống chế lấy Nhiếp Giao Châu Tiết độ sứ Đinh Liễn làm Kiểm hiệu Thái sư, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ. Lại tiến phong phụng sứ Trịnh Tú, Vương Thiệu Tộ cùng làm Kiểm hiệu Tả tán kỵ thường thị kiêm Ngự sử đại phu.

 

Năm Khai Bảo thứ 8 (976), khiển sứ cống tê, voi, hương dược. Triều đình bàn nên sủng nhậm Bộ Lĩnh, giáng chế rằng:

Rời cõi đến chầu vua thì phải tiếp đãi bằng ân tín, đem tộc phụng sự nước thì nên ban thưởng cho tước phong. Ngoại thần quyến sao Bắc Cực, song thân được hưởng điển chương. Bộ Lĩnh ngươi nhiều đời là hữu tộc [9], giữ gìn phương xa, sớm mộ Hoa phong [10], không quên nội phụ. Cửu Châu [11] đã thống nhất, Ngũ Lĩnh đã quét sạch. Ngươi lặn lội sóng cả, dâng lên vật báu. Ta khen ngợi con ngươi, cho làm phên dậu. Đặc cách ban hồng ân, để nêu cao nghĩa lớn. Thấy ngươi già cả, giáng riêng sủng chương. Được nhận chức Khai phủ nghi đồng tam tư, Kiểm hiệu Thái sư, phong Giao Chỉ quận vương.”

 

Lúc Thái Tông mới lên ngôi (976), Liễn lại khiển sứ đem phương vật đến chúc mừng. Khi Bộ Lĩnh và Liễn chết, em trai là Toàn còn nhỏ, nối ngôi, xưng là Tiết độ Hành quân tư mã Quyền lĩnh quân phủ sự. Đại tướng Lê Hoàn chuyên quyền kết đảng, dần không chế ngự được, ép Toàn dời ra phủ đệ riêng, cử tộc mình cầm giữ, thay thống lĩnh dân chúng. Thái Tông nghe tin thì tức giận, bèn bàn cử binh. Mùa thu năm Thái Bình Hưng Quốc thứ 5 (980), xuống chiếu lấy Lan châu Đoàn luyện sứ Tôn Toàn Hưng, Bát tác sứ Trương Tuyền, Tả giám môn vệ tướng quân Thôi Lượng làm Lục lộ binh mã bộ thự, theo đường Ung Châu tiến vào; Ninh châu Thứ sử Lưu Trừng, Quân khí khố phó sứ Giả Thục, Cung phụng quan Các môn chi hậu Vương Tuân làm Thủy lộ binh mã bộ thự, theo đường Quảng Châu tiến vào.

 

 Mùa đông năm ấy, Lê Hoàn khiển Nha hiệu Giang Cự Hoàng mang phương vật đến cống, lại thay Đinh Toàn dâng biểu nói:

Tộc của thần vốn là tù trưởng Man, lánh nơi góc biển, tu chức cống cho tể lữ [12], giả tiết chế ở một phương. Cha anh của thần thay nhau canh cửa, giữ vững bờ cõi, chẳng dám chây lười. Nên khi mất đi thì nhà cửa đổ nát, tướng lại già cả, đều phụ thuộc vào thần, bắt tạm quản việc quân lữ để giữ yên dân Di Lạc [13]. Thổ tục hung hãn, khẩn nài cầu xin mà họ cự tuyệt không nghe, nên lo sẽ sinh biến. Thần đã tạm giữ chức Tiết độ Hành quân Tư mã Quyền lĩnh quân phủ sự, xin ban phẩm trật thực sự để được coi là phên dậu. Vì mạo phạm đến nhà vua, nên càng phủ phục khiếp sợ.”

Hoàng thượng thấy hắn muốn hoãn quân nhà vua, nên cất đi không trả lời.

 

Quân nhà vua tiến đánh, phá giặc hơn vạn người, chém hơn 2.000 thủ cấp. Mùa xuân năm thứ 6 (981), lại phá giặc ở cửa sông Bạch Đằng, chém hơn 1.000 thủ cấp, thu 200 chiếc chiến hạm, hàng vạn món giáp trụ. Chuyển vận sứ Hầu Nhân Bảo cầm tiền quân tiến trước. Bọn Toàn Hưng dừng binh ở Hoa Bộ 70 ngày để đợi Trừng, Nhân Bảo nhiều lần thúc giục vẫn không tiến. Khi Trừng đến, các quân theo đường thủy đến thôn Đa Lang, không gặp giặc nên lại quay về Hoa Bộ. Hoàn trá hàng để dụ Nhân Bảo, nên [Nhân Bảo] bị sát hại. Chuyển vận sứ Hứa Trọng Tuyên sai người chạy trạm tâu việc ấy, nên rút quân. Hoàng thượng khiển sứ tới hặc tội Trừng, Thục và Tuân: Trừng bị bệnh mà chết; phanh thây bọn Thục ở chợ Ung châu; Toàn Hưng khi đến cửa khuyết cũng bị giao lại viên cấp dưới xử tử; số còn lại khép tội có khác nhau. Nhân Bảo được truy tặng Công bộ Thị lang.

 

Mùa xuân năm thứ 7 (982), Hoàn sợ triều đình đánh diệt đến cùng nên lại lấy tên Đinh Toàn để khiển sứ cống phương vật, dâng biểu tạ tội. Năm thứ 8 (983), Hoàn tự xưng Quyền Giao Châu Tam sứ lưu hậu, khiển sứ cống phương vật, đồng thời đem biểu của Toàn dâng lên. Hoàng đế ban chiếu cho Hoàn rằng:

Họ Đinh truyền nối ba đời, nắm giữ một phương. Khanh đã nhận chức thân cận thì phải ghi vào xương cốt, nghe theo thỉnh cầu của người trong nước, không phụ tấm lòng của dòng họ Đinh. Trẫm lại muốn cho Toàn nhận danh thống soái, khanh ngồi chức phó nhị, việc cân nhắc sắp đặt đều phụ thuộc vào khanh. Đợi khi Toàn đã biết đội mũ, có thể giữ ngôi, thì việc giúp sức của khanh lệnh đức sáng ngời, Trẫm cũng tiếc gì mà không khen ngợi trung huân! Còn nếu Đinh Toàn không có tài cán, ngây thơ như cũ, mà đời sau tiếp nối, năm tháng ngắn ngủi, một sớm mất tiết việt, rơi xuống hàng quân ngũ, thì lí đã không tiện, sống cũng chẳng yên. Khi chiếu đến, khanh nên cho mẹ con Đinh Toàn cùng thân thuộc cả nhà sang quy phụ. Đợi khi vào chầu, sẽ chọn ngày thuận tiện để giáng chế, trao cờ tiết cho khanh. Cả hai đường ấy, khanh nên xem xét chọn một. Đinh Toàn đến kinh ắt được gia lễ ưu ái. Nay khiển Cung phụng quan Trương Tông Quyền mang chiếu dụ chỉ, nên hiểu cho lòng của Trẫm.”

Cũng ban Toàn chiếu thư như vậy. Bấy giờ Lê Hoàn đã chiếm cứ đất ấy, nên không nghe mệnh.

 

Tháng 5 năm ấy, [Lê Hoàn] tâu rằng nước Chiêm Thành đem quân thủy lục và voi ngựa hàng vạn đến cướp, mình cầm binh bản bộ đánh đuổi được, bắt giết hàng nghìn. Năm Ung Hy thứ 2 (985), khiển bọn Nha hiệu Trương Thiệu Bằng, Nguyễn Bá Trâm cống phương vật, kế đến là dâng biểu xin được chính thức lĩnh tiết trấn. Mùa thu năm thứ 3 (986), lại khiển sứ cống phương vật. Đam Châu tâu rằng người nước Chiêm Thành là Bồ La Át đem hơn trăm người trong tộc đến nội phụ, nói mình bị Giao Châu bức hiếp.

 

Tháng 10 năm ấy, ra chế rằng:

Kẻ làm vương gắng dựng ngôi hoàng đế, vỗ về các nước Phiên [14]. Dựng nhà khách ở kinh sư là để làm trọn lễ hội đồng; chia đất đai ở phương diện là để biểu dương quyền tiết chế. Huống hồ nay cõi diều hâu rơi ấy [15] đã đến dâng lễ cống lông chim [16]. Khi biết sắp đổi soái thì nhớ đến việc phong hầu, không quên cung kính xin mệnh, nên ban điển chương báo đáp. Quyền tri Giao Châu Tam sứ lưu hậu Lê Hoàn nghĩa dũng đầy đủ, trung thuần bẩm sinh, có được lòng người trong nước, giữ trọn nghi lễ phiên thần. Trước kia Đinh Toàn vẫn còn thơ ấu, không biết vỗ về. Hoàn là kẻ thân cận như ruột thịt, chuyên trách cầm nắm việc quân lữ, tự ban hiệu lệnh, uy ái đủ cả. Toàn bỏ hết quyền Tam sứ [17] để thuận theo mong muốn của dân chúng. Từ xa đến tỏ lòng thành, xin được lĩnh cờ tiết. Sĩ Tiếp sáng suốt, đổi tục Việt mà cai trị; Úy Đà cung thuận, vâng chiếu Hán để vô vi [18]. Nên chính thức ban danh xưng nguyên nhung [19], để xếp vào thứ bậc thông hầu [20] cao quý, khống chế Di Lạc, biểu dương ân trời. Được làm Kiểm hiệu Thái bảo, Sứ trì tiết, Đô đốc Giao Châu chư quân sự, An Nam Đô hộ, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ, Giao Châu quản nội Quan sát xử trí đẳng sứ, phong Kinh Triệu quận hầu, thực ấp 3.000 hộ, lại ban hiệu là Suy Thành Thuận Hóa công thần.”

Khiển Tả bổ khuyết Lý Nhã Chuyết, Quốc tử bác sĩ Lý Giác làm sứ để ban cho Hoàn.

 

Năm Đoan Củng thứ 1 (988), gia Hoàn làm Kiểm hiệu Thái úy, tăng ấp thêm 1.000 hộ, thực phong 500 hộ [21]; khiển Hộ bộ Lang trung Ngụy Tường, Ngu bộ Viên ngoại lang Trực Sử quán Lý Độ đi sứ. Mùa hè năm Thuần Hóa thứ 1 (990), gia Hoàn chữ “Đặc tiến”, ấp 1.000 hộ, thực phong 400 hộ; khiển Tả chính ngôn Trực Sử quán Tống Hạo, Hữu chính ngôn Trực Sử quán Vương Thế đi sứ. Tháng 6 năm sau, về cửa khuyết. Hoàng thượng lệnh trình bày lại hình thế sông núi và sự tích của Lê Hoàn. Bọn Hạo tâu bày rằng:

Mùa thu năm trước, khi chưa đến cõi Giao Châu thì Hoàn sai bọn Nha nội Đô chỉ huy sứ Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền và 300 người đến Thái Bình quân nghênh đón, theo cửa sông ra biển lớn, băng qua sóng gió, vô cùng nguy hiểm. Sau nửa tháng đến Bạch Đằng, vào vụng biển, thừa nước triều mà đi. Những nơi đậu thuyền đều có nhà tranh ba gian, vết xây cất còn mới, coi là quán dịch. Đến Trường Châu là tiềm cận bản quốc. Hoàn khoác lác giả dối, muốn khoe khoang nên đem hết thủy binh, chiến thuyền ra, nói đấy là quân tinh nhuệ. Từ đấy đi một quãng ngắn là đến bờ biển, chỉ cách Giao Châu 15 lí, có cái đình năm gian lợp tranh, đề chữ “Mao Kính dịch”. Đến cách thành 100 lí, [Hoàn] lùa gia súc của người dân ra, nói xằng là trâu của công, số lượng không đầy một vạn mà nói khoác lên mười vạn. Lại bắt người dân đứng lẫn trong quân lữ, mặc áo nhiều màu, cưỡi thuyền đánh trống reo hò. Trên núi gần thành giương nhiều cờ trắng để giả làm cảnh tượng binh lính. Chốc lát sau thì theo Hoàn đến, làm lễ nghênh đón ngoài thành. Hoàn giữ ngựa một bên mình, hỏi thăm sức khỏe Hoàng đế xong thì cầm dây cương cùng đi. Bấy giờ lấy cau mời, ngồi trên ngựa ăn, ý là phong tục đón khách nồng hậu vậy. Trong thành không có cư dân, chỉ có hàng chục, hàng trăm khu nhà tranh tre để làm quân doanh. Nhưng phủ thự chật hẹp, đề trên cửa chữ “Minh Đức môn”.

Hoàn mặt mũi xấu xí, lại chột mắt. Tự nói rằng năm gần đây khi đánh nhau với giặc Man ngã ngựa bị thương ở chân, nên khi nhận chiếu không lạy. Hai hôm sau thì trải chiếu ăn tiệc. Lại ra vụng biển để làm trò mua vui cho khách. Hoàn đi chân đất, cầm gậy xuống nước xiên cá, mỗi khi trúng một con tả hữu đều reo hò mừng rỡ. Phàm khi có yến hội, kẻ ngồi dự đều được lệnh cởi thắt lưng, đội mũ. Hoàn thường mặc áo thêu hoa và áo màu đỏ, mũ trang trí ngọc trai. Có lúc tự hát mời rượu, chẳng hiểu được lời nào. Từng lệnh mất chục người vác con rắn lớn dài mấy trượng, đến sứ quán tặng, lại nói: “Nếu ăn được thứ này thì sẽ làm cỗ để dâng.” Lại trói hai con hổ đem đến để ngắm, nhưng đều từ chối không nhận. Sĩ tốt gần 3.000 người, đều xăm trán chữ “Thiên tử quân”. Lương bổng thì hằng ngày cấp cho thóc lúa, lệnh tự giã mà ăn. Binh khí chỉ có cung nỏ, khiên gỗ, giáo thoi, giáo tre, yếu không dùng được.

Hoàn khinh người, tàn nhẫn, gần gũi bọn tiểu nhân, có dăm bảy tên hoạn quan tâm phúc đứng nép một bên. Ưa ngồi dưới đất uống rượu, dùng tay lệnh cất nhạc. Phàm quan thuộc giỏi việc thì cất nhắc làm tả hữu thân cận, có lỗi nhỏ cũng giết đi, hoặc đánh vào lưng 100 đến 200 roi. Kẻ phụ tá làm không như ý cũng đánh 30 đến 50 roi, truất làm lính canh; khi hết giận mới triệu vào phục vị. Có tháp gỗ, xây cất quê kệch, Hoàn một hôm mời cùng lên ngắm cảnh. Đất này không có khí lạnh, tháng 11 vẫn mặc áo mỏng, phe phẩy quạt.”

 

Năm thứ 4 (993), tiến phong Hoàn làm Giao Chỉ quận vương. Năm thứ 5 (994), [Hoàn] khiển bọn Nha hiệu Phí Sùng Đức đến tu chức cống. Nhưng Hoàn tính vốn hung ác, cậy núi biển cách trở, thường hay cướp phá, dần mất lễ phiên thần. Mùa xuân năm Chí Đạo thứ 1 (995), Quảng Nam Tây lộ [22] Chuyển vận sứ Trương Quán, Binh mã giám áp ở trấn Như Hồng châu Khâm là Vệ Chiêu Mĩ đều tâu rằng có hơn trăm chiếc chiến thuyền Giao Châu cướp bóc trấn Như Hồng, bắt cư dân, cướp kho tàng rồi về. Mùa hè năm ấy, châu Tô Mậu do Hoàn cai quản lại đem 5.000 hương binh cướp châu Lục do Ung châu cai quản; Đô tuần kiểm Dương Văn Kiệt đánh đuổi được chúng. Thái Tông có ý vỗ về đất hoang phục, không muốn hỏi tội. Quán lại nói: nghe đồn Lê Hoàn bị họ Đinh đánh đuổi nên đem quân còn sót ra giữa núi biển, vì mất chỗ chiếm cứ nên cướp bóc để tự cấp, nay Hoàn đã chết. Quán lại dâng biểu chúc mừng. Xuống chiếu cho Thái thường thừa Trần Sĩ Long, Cao phẩm Vũ Nguyên Cát đi sứ Lĩnh Nam, nhân đấy thăm dò sự việc. Sĩ Long trở về, nói y như Quán. Thực ra Hoàn vẫn còn sống, nhưng lời đồn thổi nhầm lẫn mà Quán không biết thẩm hạch. Chưa được bao lâu thì có nhà buôn lớn từ Giao Chỉ về, kể rằng Hoàn vẫn làm soái như trước. Xuống chiếu hạch tội Quán, nhưng Quán lại bệnh chết; Chiêu Mĩ, Sĩ Long, Nguyên Cát cũng bị khép tội.

 

Trước kia, ba trấn Như Hồng, Đoát Bộ, Như Tích ở châu Khâm đều gần biển. Người dân Triều Dương ở Giao Châu là bọn Bốc Văn Dũng giết người nên đem cả nhà chạy trốn đến trấn Như Tích, được bọn trấn tướng Hoàng Lệnh Đức che giấu. Hoàn lệnh trấn tướng Triều Dương là Hoàng Thành Nhã gửi thư đòi người. Lệnh Đức cố chấp không trả, vì thế hải tặc cướp bóc nhiều năm. Năm thứ 2 (996), lấy Công bộ Viên ngoại lang, Trực Sử quán Trần Nghiêu Tẩu làm Chuyển vận sứ, nhân đó ban chiếu thư cho Hoàn. Nghiêu Tẩu vừa đến liền sai Hải Khang Huyện úy Lý Kiến Trung ở Lôi Châu mang chiếu sang thăm hỏi Hoàn. Nghiêu Tẩu lại đến Như Tích, dò ra được nguyên do là vì che giấu Văn Dũng, nên bắt hết già trẻ trai gái 130 người, gọi lại viên trấn Triều Dương đến giao cho, lại răn dạy chớ được khép hình phạt khốc liệt. Thành Nhã có được người nên đem sự trạng tạ ơn Nghiêu Tẩu. Hoàn bèn dâng biểu chương cảm kích ân huệ, đồng thời bắt 25 tên hải khấu đem đến chỗ Nghiêu Tẩu, lại nói đã bắt ép các thủ lĩnh khe động không được quấy động.

 

Tháng 9, Thái Tông khiển Chủ khách lang, Trực Chiêu Văn quán Lý Nhược Chuyết mang chiếu thư, sung làm Quốc tín sứ, đem đai ngọc đẹp sang ban cho Hoàn. Khi Nhược Chuyết đến, Hoàn ra ngoài thành nghênh đón, nhưng lời lẽ vẫn ngạo mạn, bảo Nhược Chuyết rằng:

Trước kia cướp trấn Như Hồng là do giặc Man ngoài cõi, Hoàng đế có biết đấy không phải binh Giao Châu không? Nếu Giao Châu có phản mệnh thì đầu tiên tấn công Phiên Ngung, sau đấy đánh Mân Việt, há chỉ dừng ở trấn Như Hồng sao?

Nhược Chuyết ung dung bảo Hoàn rằng:

Hoàng thượng ban đầu nghe tin cướp trấn Như Hồng, dù chưa biết do đâu, nhưng thấy túc hạ gốc là nha hiệu Giao Châu, nhận quyền tiết chế, đáng lẽ phải tận trung báo đáp, há lại có ý khác sao. Khi thấy bắt giải hải tặc, việc quả minh bạch. Nhưng mà đại thần cùng bàn, cho rằng triều đình mới dựng tiết soái để giữ yên ngoài biển, nay lại có giặc Man cướp bóc là do sức của Giao Châu không thể một mình chế ngự, xin phát mấy vạn lính giỏi cùng quân Giao trừ diệt, để Giao, Quảng chẳng còn hoạn nạn về sau. Hoàng thượng nói: ‘Chưa thể khinh suất cử binh, lo Giao Châu không lường trước chỉ dụ triều đình, khi đến có kẻ kinh hãi. Chi bằng giao cho Lê Hoàn đánh dẹp, cũng đủ để giữ yên.’ Nên nay không hội binh nữa.”

Hoàn ngạc nghiên đứng dậy, nói:

Hải tặc phạm biên là tội của thủ thần. Thánh quân bao bọc, ơn hơn cha mẹ, chưa gia trách phạt. Từ nay sẽ kính cẩn giữ chức phận, mãi giữ Trướng Hải [23] trong sạch.”

Nhân đó quay về hướng bắc dập đầu tạ ơn.

 

Khi Chân Tông mới lên ngôi (998), tiến phong Hoàn làm Nam Bình vương kiêm Thị trung. Hoàn trước hết khiển Đô tri Binh mã Nguyễn Thiệu Trung, phó sứ Triệu Hoài Đức đem 1 chiếc ghế tựa khảm vàng bạc châu báu, 10 chiếc chậu bạc, 50 cái sừng tê ngà voi, hàng vạn tấm lụa, trù, vải đến cống. Xuống chiếu bày trước linh cữu Thái Tông ở điện Vạn Tuế, cho phép bọn Thiệu Trung bái dâng. Khi về, ban Hoàn ngựa đeo giáp, ra chiếu thư khen ngợi.

 

Năm Hàm Bình thứ 4 (1001), [Hoàn] lại khiển Hành quân Tư mã Lê Thiệu, phó sứ Hà Khánh Thường đem 1 con tê thuần, 2 con voi, 2 chiếc ngà voi, 1 chiếc bình vàng khảm châu báu đến. Năm ấy, Khâm Châu tâu rằng người dân trường Hiệu Thành và bọn Đầu thủ bát châu sứ Hoàng Khánh Tập của Giao Châu đem mấy trăm người đến nương nhờ. Xuống chiếu vỗ về, sai trả về bản đạo [24]. Lộ Quảng Nam Tây nói: “Nghinh thụ quan cáo sứ Hoàng Thành Nhã của Lê Hoàn tâu kèm rằng, từ nay khi quốc triều gia ân xin khiển sứ đến bản đạo để giữ yên cõi biển.” Trước kia khi sứ đến Giao Châu, Hoàn liền lấy cớ cung phụng để thu phú thuế. Hoàng thượng nghe tin, chỉ lệnh quan lại biên cương gọi đến trao mệnh, không khiển sứ riêng nữa.

 

Năm Cảnh Đức thứ 1 (1004), [Hoàn] lại khiển con trai là Nhiếp Hoan châu Thứ sử Minh Đề đến cống, khẩn cầu gia ân sai sứ đến bản đạo vỗ về cõi xa. [Triều đình] đồng ý, lại lấy Minh Đề làm Hoan châu Thứ sử. Tết Thượng Nguyên năm thứ 2 (1005), ban tiền cho Minh Đề, lệnh cùng sứ Chiêm Thành, Đại Thực [25] ngắm đèn ăn tiệc. Nhân đó khiển Công bộ Viên ngoại Lang Thiệu Diệp sung làm Quốc tín sứ.

 

Năm thứ 3 (1006), Hoàn mất, lập con trai giữa là Long Việt. Anh trai Long Việt là Long Toàn [26] cướp của trong kho chạy trốn, em trai là Long Đình giết Long Việt tự lập. Anh trai Long Đình là Minh Hộ [27] cầm binh trại Phù Lan đánh hắn. Minh Đề thấy nước loạn không về được, nên đặc cách xuống chiếu cho Quảng châu ưu ái cấp thêm của cải. Tri Quảng châu Lăng Sách nói: “Các con của Hoàn tranh lập, lòng dân li tán. Bọn Đầu thủ Hoàng Khánh Tập, Hoàng Dĩ Man hơn nghìn người vì không chịu sai bảo nên tập hợp thân tộc đến nương nhờ châu Liêm. Xin phát 2.000 người bản đạo [28] đi dẹp, bọn Khánh Tập nguyện làm tiên phong.” Hoàng thượng thấy Hoàn vốn trung thuận, thường tu chức cống, nay có tang mà phạt loạn thì không thể, bèn đổi Quốc tín sứ Thiệu Diệp làm Duyên hải An phủ sứ, lệnh nói rõ cho bọn Khánh Tập, vẫn đếm khẩu mà ban ruộng và lương thực. Diệp bèn gửi thư cho Giao Châu, lấy uy đức triều đình dụ rằng: nếu như tàn hại lẫn nhau, lâu ngày không định ngôi vị, thì khi quân nhà trời đến hỏi tội họ Lê ắt sẽ bị diệt. Minh Hộ sợ, liền tôn Long Đình làm chủ việc quân. Long Đình tự xưng Tiết độ Khai Minh vương, rồi muốn tu cống. Diệp báo lên, thì Hoàng thượng nói: “Đất hoang phương xa tập tục khác biệt, không hiểu sự thể, nào có lạ đâu?” Lệnh đuổi ngụy quan về [29]. Diệp lại nói: "Đầu thủ Hoàng Khánh Tập trước tránh loạn theo về đức hóa, dòng tộc còn đông, nếu lại trả về e rằng sẽ bị giết hại." Xuống chiếu lấy Khánh Tập lệ vào Tam ban [30], làm việc ở Sâm Châu, rồi cho phép vào cống.

 

Năm thứ 4 (1007), Long Đình xưng An Nam Tĩnh Hải quân Lưu hậu, khiển em trai là Phong châu Thứ sử Minh Sưởng, phó sứ An Nam Chưởng thư ký Điện trung thừa Hoành Thành Nhã đến cống. Khi mở tiệc lớn ở điện Hàm Quang, Hoàng thượng thấy Thành Nhã ngồi xa, muốn thăng chỗ ngồi lên trước một chút, mới hỏi tể tướng Vương Đán. Đán nói: “Xưa kia Tử Sản vào chầu nhà Chu, Chu vương dành cho lễ của thượng khanh. Tử Sản từ chối, chỉ nhận lễ của hạ khanh rồi về. Nước nhà vỗ về phương xa, thì việc ưu đãi khách sứ vốn chẳng hiềm gì.” Bèn thăng Thành Nhã lên hàng Thượng thư tỉnh ngũ phẩm. Xuống chiếu bái Long Đình làm Đặc tiến Kiểm hiệu Thái úy, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ quan sát xử trí đẳng sứ, An Nam Đô hộ, kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, lại phong Giao Chỉ quận vương, thực ấp 3.000 hộ, thực phong 1.000 hộ, ban hiệu Suy Thành Thuận Hóa công thần, lại ban tên là Chí Trung, cấp cho cờ tiết. Lại truy tặng Hoàn làm Trung thư lệnh Nam Việt vương. Bọn phụng sứ Lê Minh Sưởng đều được tiến trật.

 

Năm Đại Trung Tường Phù thứ 1 (1008), giáng thiên thư, gia hiệu Dực Đới công thần, thực ấp 700 hộ, thực phong 300 hộ. Phong xong, gia Chí Trung làm Đồng bình chương sự, thực ấp 1.000 hộ, thực phong 400 hộ.

.

Năm thứ 2 (1009), lộ Quảng Nam Tây tâu người Man châu Khâm cướp các hộ người Đản [31] ở cửa biển; trại chủ Như Hồng là Lê Văn Trứ đem khinh binh đuổi theo, giữa dòng trúng tên chết. Xuống chiếu đốc thúc An Nam lùng giặc. Năm sau, bắt 13 người Địch Lão [32] đem hiến. Chí Trung lại khiển Suy quan Nguyễn Thủ Cương đem các thứ sừng tê, ngà voi, vàng bạc, khăn rằn đến cống, đồng thời dâng 1 con tê thuần. Hoàng thượng thấy tê trái thổ tính, không thể nuôi nấng, từ chối không nhận. Nhưng thấy trái ý Chí Trung, nên khi sứ giả về bèn lệnh thả xuống biển.

 

Năm thứ 3 (1010), [Chí Trung] khiển sứ đến triều, dâng biểu xin giáp trụ cho ngựa; xuống chiếu đồng ý lời xin. Lại xin mở chợ ở Ung Châu, Chuyển vận sứ bản đạo [33] báo lên, thì Hoàng thượng nói: “Dân ven biển nhiều lần bị Giao Châu xâm cướp, nên trước kia chỉ cho châu Liêm và trại Như Hồng mở chợ để làm nơi chống giữ biên giới. Nay nếu đi thẳng vào nội địa, việc rất không tiện.” Xuống chiếu lệnh bản đạo theo thể chế cũ mà dụ.

 

Chí Trung tuổi 26, hà ngược không phép, người trong nước không theo. Đại hiệu Lý Công Uẩn là người thân cận của Chí Trung, từng được cho lấy theo họ Lê. Năm ấy, bèn lật Chí Trung, đuổi đi, giết bọn Minh Đề, Minh Sưởng, tự xưng là Lưu hậu, khiển sứ dâng cống. Hoàng thượng nói: “Lê Hoàn bất nghĩa mà có được [nước], Công Uẩn bắt chước theo thì càng ác hơn nữa.” Nhưng thấy rằng tập tục người Man không thể trách được, bèn theo việc cũ của Hoàn, xuống chế trao chức Đặc tiến Kiểm hiệu Thái phó, sung Tĩnh Hải quân Tiết độ quan sát xử trí đẳng sứ, An Nam Đô hộ, kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, phong Giao Chỉ quận vương, thực ấp 3.000 hộ, thực phong 1.000 hộ, ban hiệu Suy Thành Thuận Hóa công thần. Công Uẩn lại dâng biểu xin sách ngự của Thái Tông, nên xuống chiếu ban cho 100 cuộn.

 

Năm thứ 4 (1011), khi tế Hậu ThổPhần Âm, Công Uẩn khiển Tiết độ phán quan Lương Nhậm Văn, Quan sát duyên quan Lê Tái Nghiêm đem phương vật đến cống. Làm lễ xong, gia Công Uẩn làm Đồng bình chương sự, thực ấp 2.000 hộ, thực phong 400 hộ, bọn Nhậm Văn đều được ưu ái tiến trật. Mùa hè năm thứ 5 (1012), lấy Tiến phụng sứ Lý Nhân Mĩ làm Thành châu Thứ sử, Đào Khánh Văn làm Thái thường thừa; tùy tùng có ai bệnh chết dọc đường thì được giúp đưa về nhà. Mùa đông năm ấy, Thánh Tổ giáng chế gia Công Uẩn làm Khai phủ nghi đồng tam tư, thực ấp 700 hộ, thực phong 300 hộ, ban hiệu Dực Đới công thần.

 

Mùa xuân năm thứ 7 (1014), lai gia Bảo Tiết Thủ Chính công thần, thực ấp 2.000 hộ, thực phong 400 hộ. Xuống chiếu rằng khi sứ giả các nước như Giao Chỉ vào cống, các quán [34] sở tại phải lo chuẩn bị đầy đủ thực phẩm. Năm ấy, [Công Uẩn] khiển bọn Tri Đường châu Thứ sử Đào Thạc đến cống. Xuống chiếu lấy Thạc làm Thuận châu Thứ sử, sung An Nam Tĩnh Hải quân Hành quân Tư mã; phó sứ Ngô Hoài Tự làm Trừng châu Thứ sử, sung Tiết độ phó sứ.

 

Trước kia, người Địch Lão ở Giao Châu là Trương Bà Phan chạy trốn tránh tội. Tri Khâm châu Mục Trọng Dĩnh gọi đến, nhưng đến giữa đường lại chống cự. Đô tuần kiểm Tang Tự bèn lệnh trại Như Hồng đem trâu rượu khao. Giao Châu dò biết được việc ấy, nhân cớ lùng bắt Di Lão nên cướp trại Như Hồng, bắt người dân và gia súc rất nhiều. Xuống chiếu cho Chuyển vận ty đốc thúc Công Uẩn truy bắt, nhưng lệnh quan lại biên cương từ nay không được kêu gọi người Man Lão đến sinh sự.

 

Công Uẩn hoặc giữa năm hoặc cuối năm đem phương vật vào cống. Năm Thiên Hy thứ 1 (1017), tiến phong Công Uẩn làm Nam Bình vương, gia thực ấp 1.000 hộ, thực phong 400 hộ. Năm thứ 3 (1019), gia Kiểm hiệu Thái úy, thực ấp 1.000 hộ, thực phong 400 hộ. Mỗi khi gia ân đều khiển sứ cầm mệnh đến biên giới, lại ban ngọc lụa, y phục, đai vàng, ngựa đóng yên.

 

Khi Nhân Tông mới lập (1022), gia Công Uẩn làm Kiểm hiệu Thái sư. [Công Uẩn] khiển Trường châu Thứ sử Lý Khoan Thái, Đô hộ phó sứ Nguyễn Thủ Cương đến cống. Năm Thiên Thánh thứ 6 (1028), khiển Hoan châu Thứ sử Lý Công Hiển đến cống; bổ làm Tự châu Thứ sử. Thế rồi [Công Uẩn] lệnh con em và con rể Thân Thừa Quý [35] đem quân vào cướp, nên xuống chiếu cho Quảng Nam Tây lộ Chuyển vận ty phát đinh tráng khe động dẹp bắt.

 

Không bao lâu sau, [Công Uẩn] mất, thọ 44 tuổi. Con trai là Đức Chính tự xưng Quyền tri lưu hậu sự, đến báo tin buồn. Truy tặng Công Uẩn làm Thị trung, Nam Việt vương. Mệnh Chuyển vận sứ lộ ấy là Vương Duy Chính làm Tế điện sứ, lại cho làm Quan cáo sứ, trao Chính Đức chức Kiểm hiệu Thái úy, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ, Giao Chỉ quận vương. Năm Thiên Thánh thứ 9 (1031), [Đức Chính] khiển bọn Tri Phong châu Thứ sử Lý Ốc Thuyên, Tri Ái châu Thứ sử Nguyễn Nhật Tân [36] đến tạ ơn. Lấy Ốc Thuyên làm Hoan châu Thứ sử, Nhật Tân làm Trân châu Thứ sử. Năm Minh Đạo thứ 1 (1032), cung kính tạ ơn, nên được gia Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự.

 

Thời Cảnh Hựu, người trong quận là bọn Trần Công Vĩnh 600 người đến nội phụ. Đức Chính khiển hơn 1.000 binh lên biên cảnh đuổi bắt. Xuống chiếu trả về, nhưng răn Đức Chính chớ được tự ý giết đi. Thế rồi [Đức Chính] khiển Tĩnh Hải quân Tiết độ phán quan Trần Ứng Cơ, Chưởng thư ký Vương Duy Khánh đến cống. Lấy Ứng Cơ làm Thái tử trung doãn, Duy Khánh làm Đại lý tự thừa; gia Đức Chính làm Kiểm hiệu Thái sư.

 

Năm thứ 3 (1036), người Man động Giáp, châu Lượng, châu Môn, châu Tô Mậu, châu Quảng Nguyên, động Đại Phát và huyện Đan Ba cướp bóc châu Tư Lăng, châu Tây Bình, châu Thạch Tây và các động thuộc Ung Châu, bắt cư dân, ngựa trâu, đốt nhà cửa rồi về. Xuống chiếu trách hỏi, lại lệnh bắt tù trưởng, làm rõ tội trạng báo lên.

 

Năm Bảo Nguyên thứ 1 (1038), tiến phong [Đức Chính] làm Nam Bình vương. Năm Khang Định thứ 1 (1040), [Đức Chính] khiển bọn Phong châu Thứ sử Nguyễn Dụng Hòa [37], Tiết độ phó sứ Đỗ Do Hưng đến cống. Năm Khánh Lịch thứ 3 (1043), lại khiển Tiết độ phó sứ Đỗ Khánh An, Tam ban phụng chức Lương Tài đến; lấy Khánh An làm Thuận châu Thứ sử, Tài làm Thái tử Tả giám môn suất phủ suất. Năm thứ 6 (1046), lại khiển Binh bộ Viên ngoại lang Tô Nhân Tộ, Đông đầu Cung phụng quan Đào Duy Cố đến; lấy Nhân Tộ làm Công bộ Lang trung, Duy Cố làm Nội điện sùng ban. Năm sau (1047), lại khiển Bí thư thừa Đỗ Văn Phủ, Tả thị Cầm Văn Xương đến; lấy Văn Phủ làm Đồn điền Viên ngoại lang, Xương làm Nội điện sùng ban.

 

Ban đầu, Đức Chính phát binh đánh Chiêm Thành. Triều đình nghi hắn nuôi mưu gian, bèn xem các con đường thông từ thời Đường đến nay tất cả 16 nơi, lệnh Chuyển vận sứ Đỗ Kỷ xét chỗ yếu hại mà đóng giữ. Nhưng [Giao Chỉ] về sau cũng chưa từng cướp biên giới, trước sau nhiều lần cống voi thuần.

 

Năm Hoàng Hựu thứ 2 (1050), Ung Châu dụ bọn Vy Thiệu Tự, Thiệu Thâm hơn 3.000 người ở châu Tô Mậu vào ở đất tỉnh [38]. Đức Chính dâng biểu xin nhắc nhở. Xuống chiếu trả hết về, nhưng lệnh Đức Chính quản thúc các hộ biên giới, chớ xâm phạm nhau. Về sau, người Man châu Quảng Nguyên là Nùng Trí Cao làm phản, Đức Chính cầm 20.000 binh theo đường thủy định vào giúp quân nhà vua. Triều đình ưu ái ban thưởng, nhưng từ chối binh ấy.

 

Năm Chí Hòa thứ 2 (1055), [Đức Chính] mất, con trai là Nhật Tôn khiển người báo tin buồn. Mệnh Quảng Nam Tây lộ Chuyển vận sứ, Thượng thư, Đồn điền Viên ngoại lang Tô An Thế làm Điếu tặng sứ, truy tặng Đức Chính làm Thị trung, Nam Việt vương, đồ phúng điếu rất hậu. Lại trao Nhật Tôn chức Đặc tiến Kiểm hiệu Thái úy, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, An Nam Đô hộ, phong Giao Chỉ quận vương.

 

Năm Gia Hựu thứ 3 (1058), cống hai con thú lạ. Năm thứ 4 (1059), cướp quản Tư Lẫm ở châu Khâm. Năm thứ 5 (1060), cùng giặc động Giáp cướp Ung Châu. Xuống chiếu cho Tri Quế châu Tiêu Cố phát binh bản bộ, cùng Chuyển vận sứ Tống Hàm, Đề điểm hình ngục Lý Sư Trung bàn đánh úp, lại xuống chiếu cho bọn An phủ sứ Dư Tĩnh phát binh đánh dẹp. Tĩnh gửi thư dụ Chiêm Thành cùng binh giáp của lộ Quảng Nam Tây đánh Giao Chỉ. Nhật Tôn sợ hãi dâng biểu tạ tội. Xuống chiếu chưa được cử binh, cho cống sứ của Nhật Tôn đến kinh sư.

 

Năm thứ 8 (1063), [Nhật Tôn] khiển Văn tư sứ Mai Cảnh Tiên, phó sứ Đại lý bình sự Lý Kế Tiên cống 9 con voi thuần. Năm thứ 9 Mậu Dần (1064), lấy chiếu thư và di vật của Đại Hành hoàng đế [39] ban cho Nhật Tôn, gia Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự. Hôm ấy, sứ Giao Chỉ từ biệt. Mệnh Nội thị tỉnh Áp ban Lý Kế Hòa dụ rằng: “Thân Thiệu Thái vào cướp, bản lộ [40] nhiều lần xin thảo phạt, nhưng triều đình cho rằng Thiệu Thái là một kẻ điên cuồng, bản đạo lại đã khiển sứ tạ tội, nên chưa muốn hưng binh.

 

Đầu thời Trị Bình (1064), Tri Quế châu Lục Sân tâu rằng Giao Châu đến xin lại con trai của Nùng Tông Đán [41] là Nhật Tân và muốn lấy đất động Ôn Môn. Hoàng đế hỏi Giao Chỉ cát cứ từ năm nào, phụ thần [42] đáp rằng: “Từ thời Chí Đức triều Đường đổi làm An Nam Đô hộ phủ; trong thời Trinh Minh nhà Lương thổ hào Khúc Thừa Mĩ chiếm giữ đất ấy.” Hàn Kỳ nói: “Trước kia Lê Hoàn phản mệnh, Thái Tông khiển tướng thảo phạt mà không phục, về sau khiển sứ chiếu dụ mới hiệu thuận. Đường núi Giao Châu hiểm trở, nhiều khí sương mù chướng độc, dù có được đất ấy e cũng không giữ nổi.

 

Khi Thần Tông mới lên ngôi, tiến phong Nhật Tôn làm Nam Bình vương. Năm Hy Ninh thứ 1 (1068), gia Khai phủ nghi đồng tam tư. Năm thứ 2 (1069), [Nhật Tôn] dâng biểu nói: “Nước Chiêm Thành lâu ngày bỏ cống, thần tự cầm binh đánh dẹp, bắt vương nước ấy.” Xuống chiếu lấy sứ giả Quách Sĩ An làm Lục trạch, phó sứ Đào Tông Nguyên làm Nội điện Sùng ban.

 

Nhật Tôn tự làm đế trong nước, tiếm xưng là Pháp Thiên Ứng Vận Sùng Nhân Chí Đạo Khánh Thành Long Tường Anh Vũ Duệ Văn Tôn Đức Thánh Thần hoàng đế, tôn Công Uẩn làm Thái Tổ Thần Vũ hoàng đế, quốc hiệu là Đại Việt, đổi niên hiệu thành Bảo Tượng, lại đổi thành Thần Vũ.

 

Tháng 3 năm thứ 5 (1072), Nhật Tôn mất. Mệnh Quảng Nam Tây lộ Chuyển vận sứ Khang Vệ làm Điếu tặng sứ, […] [43] cho các châu huyện đã đoạt. Xuống chiếu đáp rằng: “Khanh nắm giữ Nam Giao, đời đời nhận vương tước, nhưng lại bội đức gian mệnh, cướp hại thành biên giới, quên ý trung thuận của cha ông, phiền triều đình cử binh thảo phạt. Khi quân xâm nhập vào, thấy tình thế cấp bách mới quy phục. Xét khanh tội nặng, đáng phải truất giáng. Nay khiển sứ tu cống, dâng biểu chương cung kính, xem qua lời lẽ thì thấy đã hối cải. Trẫm vỗ về muôn nước, không phân biệt xa gần. Song thấy dân Ung, Khâm bị dời đến nơi nóng bức, mất xóm làng đã lâu, nên đợi trả hết về biên giới tỉnh sẽ lập tức đem Quảng Nguyên ban cho Giao Châu.” Càn Đức ban đầu hứa trả 1.000 quan lại ba châu, nhưng hồi lâu sau chỉ đưa 221 người dân về. Nam giới trên 15 tuổi đều xăm trán chữ “Thiên tử binh”, trên 20 tuổi xăm “Đầu Nam triều” [44], phụ nữ xăm vào tay trái chữ “Quan khách” [45]. Lấy thuyền chở đi, nhưng trát bùn cửa sổ, bên trong đặt đèn đuốc, mỗi ngày đi 10 đến 20 lí lại dừng, nhưng giả vờ đánh trống canh để báo, mất nhiều tháng mới đến, vì muốn lừa dối là đường biển xa xôi. Châu Thuận [46] nằm sâu trong đất nam, khi đặt lính thú trấn thủ thì bị trúng sương gió nên chết bệnh nhiều, Đào Bật là quan cuối cùng. Triều đình biết là vô dụng, bèn lấy 4 châu 1 huyện trả về. Nhưng Quảng Nguyên xưa lệ thuộc vào ki mi [47] của Ung quản, vốn không phải do Giao Chỉ sở hữu.

 

Năm Nguyên Phong thứ 5 (1082), hiến 2 con voi thuần, 100 chiếc sừng tê, ngà voi. Năm thứ 6 (1083), lấy cớ truy bắt Nùng Trí Hội để xâm phạm châu Quy Hóa. Lại khiển bề tôi Lê Văn Thịnh đến Quảng Tây bàn bạc về ranh giới Thuận An, Quy Hóa. Kinh lược sứ Hùng Bản khiển Tả giang Tuần kiểm Thành Trác cùng bàn, thì Văn Thịnh nói mình là bồi thần, không dám tranh chấp. Xuống chiếu rằng Văn Thịnh biết tuân theo ý cung thuận của Càn Đức, nên ban cho áo bào, thắt lưng và 500 tấm lụa; lại lấy 6 huyện gồm huyện Bảo Lạc, 2 động gồm động Túc Tang ở ngoài tám ải cho Càn Đức.

 

Khi Triết Tông lên ngôi (1086), gia Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự. Thời Nguyên Hựu, [Càn Đức] lại nhiều lần dâng biểu xin đất động Vật Ác, Vật Dương; xuống chiếu không cho. Năm thứ 2 (1087), [Càn Đức] khiển sứ vào cống, được tiến phong Nam Bình vương. Thời Huy Tông, gia Khai phủ nghi đồng tam tư, Kiểm hiệu Thái sư.

 

Đầu thời Đại Quán (1107), cống sứ đến kinh xin mua thư tịch. Hữu ty nói pháp luật không cho. Xuống chiếu khen vì biết mộ nghĩa nên trừ sách cấm, xem bói, âm dương, lịch toán, thuật số, binh thư, sắc lệnh, thời vụ, biên cơ, địa lí ra, thì các sách còn lại cho phép mua. Cuối thời Chính Hòa (1118), lại xuống chiếu cho rằng người Giao từ thời Hy Ninh đến nay hoàn toàn không sinh sự, đặc cách khoan thư cho mua sách cấm.

 

Năm Tuyên Hòa thứ 1 (1119), gia Càn Đức làm Tư không. Năm Kiến Viêm thứ 1 (1127), xuống chiếu cho Quảng Tây Kinh lược an phủ ty cấm dân biên giới nhận người chạy trốn từ An Nam, theo lời xin của chúa nước ấy Càn Đức. Năm thứ 4 (1130), An Nam vào cống; xuống chiếu từ chối những thứ phương vật hoa mĩ, ban sắc thư, tặng lại hậu để vỗ về.

 

Năm Thiệu Hưng thứ 2 (1132), Càn Đức mất. Tặng chức Thị trung, truy phong Nam Việt vương. Con trai là Dương Hoán nối ngôi, được trao chức Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, Đặc tiến Kiểm hiệu Thái úy, phong Giao Chỉ quận vương, ban hiệu Suy Thành Thuận Hóa công thần.

 

Năm thứ 8 (1138), Dương Hoán mất. Lấy Chuyển vận phó sứ Chu Phí sung làm Điếu tế sứ, tặng Dương Hoán chức Khai phủ nghi đồng tam tư, truy phong Nam Bình vương. Con trai là Thiên Tộ nối ngôi, được nhận chức quan như chế độ ban đầu phong cho cha mình.

 

Năm thứ 9 (1139), xuống chiếu cho Quảng Tây Soái ty [48] không nhận Triệu Trí Chi [49] vào cống. Ban đầu, Càn Đức có đứa con của vợ bé chạy sang Đại Lý, đổi tên họ thành Triệu Trí Chi, tự xưng Bình vương. Nghe tin Dương Hoán chết, Đại Lý cho về. [Trí Chi] tranh lập với Thiên Tộ, xin vào cống, muốn mượn binh thu nạp, nhưng Hoàng đế không cho.

 

Năm thứ 17 (1147), xuống chiếu cho Văn tư viện chế tạo yên ngựa, đem ban Thiên Tộ. Năm thứ 21 (1151), gia Thiên Tộ làm Sùng Nghĩa Hoài Trung Bảo Tín Hương Đức An Viễn Thừa Hòa công thần. Năm thứ 25 (1155), xuống chiếu cho sứ giả An Nam ở dịch trạm Hoài Viễn, ban yến, để tỏ rõ là đối đãi khác thường. Tiến phong Thiên Tộ làm Nam Bình vương, ban y phục, đai vàng, ngựa đóng yên.

 

Năm thứ 26 (1156), mệnh Hữu ty Lang trung Uông Ứng Thìn đãi yến sứ giả An Nam ở vườn Ngọc Tân. Tháng 8, Thiên Tộ khiển bọn Lý Quốc đem vàng ngọc, trầm hương, lông chim bói cá, ngựa tốt, voi thuần đến cống. Xuống chiếu gia Thiên Tộ làm Kiểm hiệu Thái sư, tăng thực ấp. Năm Long Hưng thứ 2 (1164), Thiên Tộ khiển bọn Doãn Tử Tư, Đặng Thạc Nghiễm cống vàng bạc, ngà voi, hương vật. Năm Càn Đạo thứ 6 (1170), gia Thiên Tộ làm Quy Nhân Hiệp Cung Kế Mĩ Tuân Độ Lý Chính Chương Thiện công thần.

 

Hoàng đế từ khi lên ngôi nhiều lần giục An Nam cống sứ. Năm thứ 9 (1173), Thiên Tộ lại khiển Doãn Tử Tư, Lý Bang Chính xin vào cống. Hoàng đế khen ngợi lòng thành nên cho phép, xuống chiếu cho ở dịch trạm Hoài Viễn. Quảng Nam Tây lộ Kinh lược an phủ sứ Phạm Thành Đại nói: “Bản ty kinh lược các dân Man, An Nam dù nằm trong vòng vỗ về, nhưng bồi thần há được hưởng lễ ngang với vương quan Trung Quốc ư? Thời Chính Hòa, cống sứ vào cõi đều vào đình tham kiến, không chịu báo yết. Nên theo thể chế cũ, giữ đúng với lễ.” Triều đình làm theo thỉnh cầu ấy.

 

Tháng 2 năm Thuần Hy thứ 1 (1174), tiến phong Thiên Tộ làm An Nam quốc vương, gia hiệu Thủ Khiêm công thần. Năm thứ 2 (1175), ban An Nam quốc ấn. Năm thứ 3 (1176), ban An Nam quốc lịch.

 

[Năm ấy], Thiên Tộ mất. Năm sau (1117), con trai là Long Cán nối ngôi. Trao chức Tĩnh Hải quân Tiết độ quan sát xử trí đẳng sứ, Đặc tiến Kiểm hiệu Thái úy, kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, đặc phong An Nam quốc vương, tăng thực ấp; vẫn ban hiệu Suy Thành Thuận Hóa công thần. Lời chế viết: “Phong tước để nước yên vui, đã theo thế tập; ban mệnh cho bậc chân vương, nào đãi kém đâu?” nhằm tỏ rõ là lễ đặc biệt vậy. Năm thứ 5 (1178), [Long Cán] hiến phương vật, dâng biểu tạ ơn.

 

Năm thứ 9 (1182), xuống chiếu từ chối voi do An Nam cống, cho rằng vô dụng mà phiền dân, các thứ khác chỉ nhận một phần mười. Năm thứ 16 (1189), gia Long Cán làm Phủ Nghi Phụng Quốc Lí Thường Hoài Đức công thần.

 

Khi Quang Tông mới lên ngôi (1189), [Long Cán] dâng biểu vào cống chúc mừng. Triều Ninh Tông, ban áo đai, ngọc lụa, gia Cẩn Độ Tư Trung Tế Mĩ Cần Lễ Bảo Tiết Quy Nhân Sùng Khiêm Hiệp Cung công thần và thực ấp.

 

Năm Gia Định thứ 5 (1212), Long Cán mất. Xuống chiếu cho Quảng Tây Vận phán Trần Khổng Thạch sung làm Điếu tế sứ, đặc cách truy tặng Thị trung. Dựa theo thể chế trước của An Nam quốc vương, lấy con trai Long Cán là Hạo Sảm tập phong tước vị, cấp ban như thể chế đã phong cho Long Cán, vẫn ban hiệu Suy Thành Thuận Hóa công thần. Về sau không dâng biểu tạ ơn, nên thôi gia ân.

 

Hạo Sảm mất, không có con trai nên lấy con gái là Chiêu Thánh làm chủ việc nước, rồi bị con rể Trần Nhật Cảnh chiếm lấy. Họ Lý có nước từ Công Uẩn đến Hạo Sảm tất cả tám đời, hơn 220 năm thì mất nước.

 

Năm Thuần Hựu thứ 2 (1242), xuống chiếu rằng An Nam quốc vương Trần Nhật Cảnh vốn được ban hiệu Trung Thuận Hóa Bảo Tiết công thần, nay tăng thêm hai chữ “Thủ Nghĩa”.

 

Năm Bảo Hựu thứ 6 (1258), xuống chiếu cho An Nam biết tình trạng khó lường, nên chỉnh đốn phòng bị ở biên giới [50].

 

Năm Cảnh Định thứ 2 (1261), cống 2 con voi. Năm thứ 3 (1262), dâng biểu xin thế tập. Xuống chiếu cho Nhật Cảnh nhận chức Kiểm hiệu Thái sư, An Nam quốc đại vương, tăng thực ấp; con trai là Uy Hoảng nhận chức Tĩnh Hải quân Tiết độ quan sát xử trí sứ, Kiểm hiệu Thái úy, kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, An Nam quốc vương, Hiệu Trung Thuận Hóa công thần, ban đai vàng, ngọc lụa, ngựa đóng yên. Năm Hàm Thuần thứ 5 (1269), xuống chiếu tăng thực ấp cho vương phụ nước An Nam là Nhật Cảnh, quốc vương là Uy Hoảng. Năm thứ 8 (1272), làm lễ ở triều đường xong thì Nhật Cảnh, Uy Hoảng đều được gia thực ấp, ban ngựa đóng yên và các thứ khác.

 

***

Chú thích:


1. Tiết việt: Nghĩa là cờ tiết và rìu việt. Thời cổ, tướng soái khi ra trận được vua ban cho những vật này để biểu thị việc giao phó quyền hành. Ở đây chỉ chung việc thụ phong chức tước.

2. Dương Diên Nghệ: Tức Dương Đình Nghệ. Chữ “diên” (延) và “đình” (廷) có tự dạng gần giống nhau.

3. Thiệu Hồng: Sử sách Trung Hoa không nói rõ về nhân vật Thiệu Hồng này, nhưng dựa vào thế thứ thì có thể đây là tên khác của Dương Tam Kha.

4. Quảng Nam: Ở đây là lộ Quảng Nam, một trong các đơn vị hành chính đầu thời Tống, tương ứng với lãnh thổ nước Nam Hán cũ.

5. Ngô Xứ Bình: Sử sách nước ta không nhắc đến nhân vật này.

6. Kiểu Tri Hộ: Đại Việt sử ký toàn thư đề cập đến sứ quân Kiểu Thuận cát cứ vùng Phong châu, có khả năng là một với Kiểu Tri Hộ ở đây.

7. Dương Huy: Sử sách nước ta không nhắc đến nhân vật này.

8. Chỉ việc nhà Tống tiêu diệt nước Nam Hán.

9. Hữu tộc: Dòng họ có thế lực lớn, giống như thế tộc hay vọng tộc.

10. Hoa phong: Tức phong tục, văn hóa Trung Hoa.

11. Cửu Châu: Theo huyền sử, vua Hạ Vũ chia thiên hạ làm chín vùng đất lớn, gọi là Cửu Châu. Về sau được dùng để chỉ chung vùng lãnh thổ cốt lõi của các nhà nước Trung Hoa.

12. Tể lữ: Thuộc quan của tể tướng. Ở đây chỉ triều đình nhà Tống.

13. Di Lạc: Chỉ chung các sắc dân thiểu số vùng biên viễn.

14. Nước Phiên: Chữ “phiên” (番) nghĩa đen là “hàng rào”. Quan niệm xưa coi các nước chư hầu giống như phên dậu bảo vệ cho thiên tử khỏi kẻ thù bên ngoài, nên người Trung Hoa còn gọi các nước láng giềng là “Phiên”.

15. Cõi diều hâu rơi: Mã Viện khi đánh nước ta đóng quân ở Lãng Bạc, thấy diều hâu đang bay rơi xuống sông nên cho đây là đất lam chướng

16. Lễ cống lông chim: Lông chim bói cá là một trong những sản vật của nước ta xưa kia, thường được cống cho các triều đại Trung Hoa.

17. Tam sứ: Tức ba chức vị Tiết độ sứ, Quan sát sứ và Xử trí sứ.

18. Vô vi: Khái niệm của Đạo giáo, ở đây chỉ việc các bậc minh quân có thể giữ đất nước ổn định mà không cần đến hành động quyết liệt.

19. Nguyên nhung: Chỉ chức vị tướng soái.

20. Thông hầu: Bậc cao nhất trong các tước hầu thời Hán. Ở đây chỉ chung chức tước cao

21. Thực phong: Thể chế phong thưởng xưa, khi quy mô đất ăn lộc (“thực ấp”, 食邑) ban cho quan lại trên thực tế luôn thấp hơn với con số trong sắc phong, gọi là “thực phong” (實封)

22. Quảng Nam Tây lộ: Một trong các lộ thời Tống, thường gọi tắt là Quảng Tây. Địa bàn phần lớn thuộc các tỉnh Quảng Tây và Hải Nam ngày nay.

23. Trướng Hải: Một tên xưa dành cho vùng biển phía nam Trung Quốc

24. Bản đạo: Ở đây chỉ nước ta. Đạo hay lộ là đơn vị hành chính cao nhất ở Trung Quốc từ thời Đường đến Tống. Nhà Tống bấy giờ trên danh nghĩa vẫn coi nước ta là một phần lãnh thổ của mình, nên gọi là “đạo” thay vì “quốc”.

25. Đại Thực: Tên gọi của sử Trung Hoa xưa dành cho người Arab

26. Long Toàn: Trong các anh của Lê Long Việt thì hoàng trưởng tử Lê Thau đã mất sớm, nên Long Toàn có lẽ là hoàng tử thứ hai Lê Ngân Tích.

27. Minh Hộ: Có khả năng là Ngự Bắc vương Lê Cân, được phong ở trại Phù Lan (nay là Mĩ Hào, Hưng Yên), sau đầu hàng Lê Long Đĩnh.

28. Bản đạo: Trong ngữ cảnh này chỉ Quảng Tây.

29. Bấy giờ Lê Long Đĩnh chưa được nhà Tống phong vương, nhưng lại tự dùng tước hiệu trong nước là Khai Minh vương để xin vào cống, nên không được chấp nhận.

30. Tam ban: Chỉ chung ba chức Cung phụng quan, Tả ban điện trực và Hữu ban điện trực, là các chức hầu hạ trong cung thời Tống.

31. Người Đản: Một sắc dân sinh sống trên thuyền chài ở vùng ven biển đông nam và nam Trung Quốc.

32. Địch Lão: Ở đây chỉ chung các sắc dân thiểu số vùng biên viễn.

33. Bản đạo: Ở đây chỉ Quảng Tây.

34. Quán: Chỉ các cơ sở dành cho sứ giả nước ngoài tạm trú.

35. Thân Thừa Quý: Tù trưởng vùng Lạng Sơn nước ta. Theo Tục tư trị thông giám trường biên, Thân Thừa Quý đem binh xâm phạm đất Tống vào năm 1028.

36. Nguyễn Nhật Tân: Nguyên văn là Soái Nhật Tân. Chữ “soái” (帥) và chữ “nguyễn” (阮) tự dạng gần giống nhau, nên hẳn là chép nhầm. 

37. Nguyễn Dụng Hòa: Nguyên văn là Soái Dụng Hòa, hẳn cũng là chép nhầm.

38. Đất tỉnh: Chỉ vùng nội địa Trung Hoa.

39. Đại Hành hoàng đế: Ở đây chỉ Tống Nhân Tông, mất năm 1063. Vua chúa xưa khi mới mất, chưa truy phong thì tạm gọi là “đại hành”.

40. Bản lộ: Tức lộ Quảng Tây.

41. Nùng Tông Đán: Còn viết là Tông Đản, là thổ hào vùng Lạng Sơn nước ta.

42. Phụ thần: Tức tể tướng.

43. Ở đây Tống sử đã chép sót giai đoạn từ 1072 đến 1077. Việc trao trả đất đai và tù binh viết ở sau diễn ra sau cuộc chiến Tống-Việt 1075-1077.

44. Đầu Nam triều: Nghĩa là “đầu hàng triều đình nước Nam”.

45. Quan khách: Nghĩa đen là “khách trong nhà quan”. Thời Lý-Trần, nô tì do nhà nước sở hữu bị xăm chữ này để đánh dấu.

46. Châu Thuận: Tức châu Quảng Nguyên, nay thuộc địa bàn tỉnh Cao Bằng. Quân Tống sau khi chiếm đóng vùng này năm 1076 đổi tên thành châu Thuận.

47. Ki mi: Nghĩa đen là “ràng buộc”, chỉ quan hệ giữa chính quyền trung ương với các tù trưởng vùng biên viễn ở Đông Á xưa kia.

48. Soái ty: Tên gọi khác của Kinh lược an phủ sứ ty, cơ quan hành chính cấp lộ thời Tống.

49. Triệu Trí Chi: Tức Thân Lợi, thủ lĩnh cuộc nổi dậy chống nhà Lý ở Thái Nguyên năm 1139. Theo sử sách nước ta, Thân Lợi tự xưng là con của Lý Nhân Tông từ nước Đại Lý trở về, hòng tranh ngôi với Lý Anh Tông.

50. Ý nói đến các cuộc tấn công của Mông Cổ vào Đại Việt và biên giới tây nam Tống lúc bấy giờ.


(Người dịch: Quốc Bảo)

Comments