Minh sử - An Nam truyện

 

AN NAM TRUYỆN

(Minh sử, quyển 321)

 

Niên đại: 1739

Tác giả: Trương Đình Ngọc

 

***

 


An Nam xưa là Giao Chỉ. Từ thời Đường về trước đều lệ thuộc Trung Quốc. Thời Ngũ Đại, mới bị thổ nhân Khúc Thừa Mĩ chiếm cứ. Đầu thời Tống, phong Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ quận vương, truyền được ba đời thì bị đại thần Lê Hoàn soán ngôi. Họ Lê cũng truyền ba đời thì bị đại thần Lý Công Uẩn soán ngôi. Họ Lý truyền tám đời, không có con trai nên truyền cho con rể Trần Nhật Cự. Thời Nguyên, nhiều lần đánh phá nước này.

 

Năm Hồng Vũ thứ 1 (1368), vương Nhật Khuê nghe tin Liêu Vĩnh Trung bình định Lưỡng Quảng nên khiển sứ nạp khoản, vì thấy Lương vương ở Vân Nam [1] không thành công. Tháng 12, Thái Tổ mệnh Hán Dương Tri phủ Dịch Tế [2] chiêu dụ. Nhật Khuê khiển bọn Thiếu Trung đại phu Đồng Thời Mẫn, Chính đại phu Đoàn Để, Lê An Thế đâng biểu đến triều và cống phương vật. Tháng 6 năm sau (1369), đến kinh sư. Hoàng đế vui mừng, mệnh Thị độc Học sĩ Trương Dĩ Ninh, Điển bộ Ngưu Lượng sang phong làm An Nam quốc vương, ban ấn bạc thếp vàng bạc núm hình lạc đà. Chiếu viết: “An Nam quốc vương Trần Nhật Khuê, nhớ tổ phụ khanh giữ gĩn cõi nam thùy, xưng phiên với Trung Quốc, cung kính phận bề tôi, được phong tước muôn đời. Trẫm gánh vác linh khí trời đất, rửa sạch Hoa Hạ, đưa thư đến báo. Khanh lập tức dâng biểu xưng thần, sai sứ đến triều, theo phép giáo huấn của tiền nhân, giữ yên người dân ở cõi xa. Quyến luyến lòng thành, càng đáng khen ngợi. Vì thế khiển sứ mang ấn, vẫn phong khanh làm An Nam quốc vương. Ô hô! Yêu thương hết thảy, noi theo thịnh điển của triết vương; phong tước ngũ đẳng, khiến tiếng thơm lưu lại đời đời. Nâng cao chí hướng, mãi làm phên dậu. Khâm tai [3]!” Ban Nhật Khuê lịch Đại Thống, 40 tấm vóc, the, là thêu hoa văn vàng; từ Đồng Thời Mẫn trở xuống đều được ban thưởng.

 

Khi bọn Dĩ Ninh đến, Nhật Khuê đã chết. Cháu trai là Nhật Kiên nối ngôi, khiển bề tôi Nguyễn Nhữ Lượng đến đón và xin nhận ấn, nhưng bọn Dĩ Ninh không cho. Nhật Kiên bèn khiển bọn Đỗ Thuấn Khâm xin mệnh từ triều đình, Dĩ Ninh trú lại An Nam đợi mệnh. Bấy giờ An Nam, Chiêm Thành dấy binh, nên Hoàng đế mệnh Hàn lâm Biên tu La Phục Nhân, Binh bộ Chủ sự Trương Phúc dụ phải bãi binh; hai nước đều vâng chiếu.

 

Năm sau (1370), bọn Thuấn Khâm đến báo tin buồn. Hoàng đế mặc áo tang, ngự cửa Tây Hoa gặp mặt, rồi mệnh Biên tu Vương Liêm đi tế, phúng điếu 50 lạng bạc, 50 tấm lụa. Khiển riêng Lại bộ Chủ sự Lâm Đường Thần phong Nhật Kiên làm vương, ban ấn vàng và 40 tấm vóc, the, là thêu hoa văn vàng. Liêm vừa đi, thì Hoàng đế thấy Mã Viện thời Hán dựng cột đồng trấn An Nam, công trạng vĩ đại, nên mệnh Liêm đến tế. Thế rồi ban chiếu khoa cử cho An Nam, lại khiển quan đem chiếu báo cho hai chuyện thay đổi thần hiệu núi sông [4] và quét sạch sa mạc [5]. Nhật Kiên khiển bọn Thượng đại phu Nguyễn Kiêm, Trung đại phu Mạc Quý Long, Hạ đại phu Lê Nguyên Phổ tạ ơn và cống phương vật. Kiêm mất dọc đường. Xuống chiếu ban thưởng cho vương và sứ thần, rồi đưa linh cữu Kiêm về nước. Ít lâu sau, bọn Phục Nhân trở về, nói rằng từ chối không nhận của đút. Hoàng đế khen, ban thưởng thêm bọn Quý Long.

 

Mùa xuân năm thứ 4 (1371), [An Nam] khiển sứ cống voi, chúc mừng bình sa mạc; lại khiển sứ theo bọn Dĩ Ninh đến triều. Mùa đông ấy, Nhật Kiên bị bác là Thúc Minh bức tử. Thúc Minh sợ tội nên cống voi và phương vật. Năm sau (1371), [sứ giả] đến kinh. Lễ quan thấy tên trên biểu không phải Nhật Kiên, hỏi vặn thì biết sự thực, nên xuống chiếu khước từ. Thúc Minh lại triều cống tạ tội và xin phong. Sứ giả nước này đến nói Nhật Kiên thực sự bệnh chết, Thúc Minh lánh mình bên ngoài, được người trong nước suy tôn. Hoàng đế mệnh người nước này để tang Nhật Kiên, còn Thúc Minh tạm lấy ấn của tiền vương mà trông việc.

 

Năm thứ 7 (1374), Thúc Minh khiển sứ tạ ơn, tự xưng rằng mình tuổi già, xin mệnh em trai là Đoan nhiếp chính. [Triều đình] đồng ý. Trần Đoan khiển sứ tạ ơn và hỏi hạn cống. Xuống chiếu rằng ba năm cống một lần, lập vương mới thì mỗi đời triều kiến một lần. Rồi lại khiển sứ cống nạp, Hoàng đế lệnh sở ty dụ từ chối, và quy định sứ giả chớ quá ba bốn người, cống vật không hậu.

 

Năm thứ 10 (1377), Trần Đoan xâm lấn Chiêm Thành, thua trận mà chết. Em trai là lên thay, khiển sứ báo tin buồn. Mệnh trung quan Trần Năng sang tế. Bấy giờ An Nam cậy mạnh muốn diệt Chiêm Thành, bị đánh trả nên thua lớn. Hoàng đế khiển quan dụ tiền vương Thúc Minh không được gây hấn di họa, vì thấy Thúc Minh thực sự làm chủ việc nước. Thúc Minh cống phương vật tạ tội.

 

Thổ quan phủ Tư Minh ở Quảng Tây tố cáo An Nam xâm phạm bờ cõi, An Nam cũng tố Tư Minh quấy nhiễu biên giới [6]. Hoàng đế ra hịch kể tội gian dối của nước này, sắc thủ thần đừng nhận sứ giả. Vĩ sợ nên khiển sứ tạ tội. Năm sau, cống hoạn quan, vàng bạc, chậu vàng ròng, chén rượu vàng, voi ngựa. Hoàng đế mệnh Trợ giáo Dương Bàn đi sứ, lệnh góp quân lương cho Vân Nam. Vĩ liền chở 5.000 thạch đến Lâm An. Năm thứ 21 (1388), Hoàng đế lại mệnh Lễ bộ Lang trung Hình Văn Vĩ đem sắc và tiền lụa đến ban. Vĩ khiển sứ tạ ơn, lại tiến voi. Hoàng đế thấy nước này đi lại chộn rộn, cống vật lại xa xỉ, nên mệnh phải ba năm cống một lần, không tiến tê, voi.

 

Bấy giờ quốc tướng Lê Quý Ly trộm quyền bính, phế chúa là Vĩ rồi giết đi, lập con trai Thúc Minh là Nhật Côn làm chủ việc nước, nhưng vẫn giả tên Vĩ vào cống. Triều đình không biết mà nhận, sau mấy năm mới phác giác, nên mệnh thủ thần Quảng Tây tuyệt giao sứ giả. Quý Ly sợ, năm thứ 27 (1394) theo đường Quảng Đông vào cống. Hoàng đế nổi giận, khiển quan trách cứ, khước từ cống vật. Quý Ly càng sợ, năm sau (1395) lại nói dối vào cống. Hoàng đế tuy ghét chúng thí nghịch, nhưng không muốn nhọc quân viễn chinh, bèn nhận cống.

 

Khi đại quân đánh dẹp Triệu Tông Thọ ở Long Châu, mệnh Lễ bộ Thượng thư Nhậm Hanh Thái, Ngự sử Nghiêm Chấn Trực dụ Nhật Côn để khỏi nghi ngờ. Quý Ly nghe thế dần lấy làm yên tâm. Hoàng đế lại khiển Hình bộ Thượng thư Dương Tĩnh dụ phải chở 80.000 thạch gạo đến cấp quân ở Long Châu. Quý Ly chở 10.000 thạch đến, góp 1.000 lạng vàng, 20.000 lạng bạc, nói rằng đường bộ ở Long Châu hiểm trở nên xin chở đến động Bằng Tường. Tĩnh không chịu, lệnh chở 2.000 thạch đến sông Đà Hải, vì sông cách Long Châu có nửa ngày đường. Tĩnh nhân đó tâu rằng: “Nhật Côn tuổi nhỏ, việc nước đều do cha con Quý Ly quyết, nên mới dám chần chừ như vậy.” Bấy giờ Hoàng đế thấy Tông Thọ nạp khoản nên dời binh đi đánh các dân Man ở Hướng Vũ, bèn dụ Tĩnh lệnh chở 10.000 thạch cấp quân, nhưng miễn phải góp vàng bạc.

 

Năm sau, Quý Ly dâng cáo phó của tiền vương Thúc Minh. Hoàng đế thấy Thúc Minh vốn soán thí, nếu điếu tế thì là khen kẻ làm loạn nên hoãn không đi, gửi hịch cho nước này biết.

 

Thổ quan Tư Minh là Hoàng Quảng Thành tâu: “Từ thời Nguyên đặt Tư Minh Tổng quản phủ, các châu huyện sở hạt ở sông Tả thì phía đông là châu Thượng Tư, phía nam lấy cột đồng làm mốc. Khi triều Nguyên đánh Giao Chỉ, lập Vĩnh Bình trại Vạn hộ phủ cách cột đồng trăm lí, khiển binh đóng giữ, lệnh người Giao cấp [lương] cho quân. Cuối thời Nguyên loạn lạc, người Giao công phá Vĩnh Bình, vượt cột đồng hơn 200 lí, xâm đoạt đất 5 huyện sở thuộc của Tư Minh là Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát [7]. Gần đây chúng lại báo Nhậm thượng thư [8] rằng mình đặt dịch trạm ở trên đất động Tư Minh. Thần từng tâu bày, mong khiển Dương thượng thư [9] khám xét sự thực. Xin răn bảo An Nam trả cho thần 5 huyện, vẫn vẽ cột đồng làm giới.” Hoàng đế mệnh Hành nhân Trần Thành, Lã Nhượng đi dụ, Quý Ly vẫn cố chấp không nghe. Thành tự viết thư dụ Nhật Côn, thì Quý Ly gửi thư lại tranh cãi, đồng thời đem thư của Nhật Côn gửi cho Hộ bộ. Bọn Thành quay về báo cáo. Hoàng đế biết chúng rốt cuộc không chịu trả, bèn nói: “Man Di tranh nhau, từ xưa đã có rồi. Chúng cậy ương ngạnh thì ắt rước họa, cứ tạm đợi vậy.”

 

Năm Kiến Văn thứ 1 (1398), Quý Ly giết Nhật Côn, lập con trai Nhật Côn là Ngung [10]; rồi lại giết Ngung, lập em trai là An. An đang còn nhỏ dại cũng bị giết. [Quý Ly] giết chóc tông tộc họ Trần rồi tự lập, đổi tên họ thành Hồ Nhất Nguyên, đổi tên con trai mình là Thương thành Hồ Đê. Cho rằng là hậu duệ Hồ công dòng Đế Thuấn nên tiếm quốc hiệu Đại Ngu, niên hiệu Nguyên Thánh, rồi tự xưng Thái thượng hoàng, truyền ngôi cho Đê. Triều đình không hay biết.

 

Khi Thành Tổ đã kế thừa đại thống, khiển quan đem chiếu lên ngôi báo cho nước này. Năm Vĩnh Lạc thứ 1 (1403), Đê tự xưng Quyền lý An Nam quốc sự, khiển sứ dâng biểu triều cống, nói rằng: “Thời Cao Hoàng đế, An Nam vương Nhật Khuê khiển người đến tỏ lòng thành trước tiên, không may mất sớm, về sau tuyệt tự. Thần là cháu ngoại họ Trần, được dân chúng suy tôn tạm giữ việc nước, đến nay đã bốn năm. Mong ân trời ban cho tước, thần có chết cũng không hai lòng.” Việc giao xuống Lễ bộ, thì bầy tôi trong bộ nghi ngờ, xin khiển quan xem xét. Bèn mệnh bọn Hành nhân Dương Bột mang sắc dụ bồi thần, phụ lão nước này xem họ Trần có người kế tự hay không, Hồ Đê được suy tôn là thực hay giả, kể thực báo lên. Cho sứ giả của Hồ Đê về, lại mệnh Hành nhân Lã Nhượng, Khâu Trí ban gấm nhung, vóc, the, là thêu hoa văn. Thế rồi sứ của Đê theo bọn Bột quay lại, tiến dâng biểu của bồi thần và phụ lão, [lời lẽ] giống như cách Đê đã dối hoàng đế, xin lập tức ban tước cho Đê. Hoàng đế bèn mệnh Lễ bộ Lang trung Hạ Chỉ Thiện phong làm An Nam quốc vương. Đê khiển sứ tạ ơn, nhưng tự làm đế trong nước như trước.

 

Châu Lộc, châu Tây Bình, trại Vĩnh Bình thuộc sở hạt của Tư Minh bị xâm đoạt, Hoàng đế dụ [An Nam] phải trả lại nhưng không nghe. Chiêm Thành tố cáo An Nam xâm lược, nên xuống chiếu lệnh giữ hòa hiếu. Đê bên ngoài nói vâng mệnh, nhưng vẫn xâm lược như trước, đồng thời trao ấn chương bắt [Chiêm Thành] nhận, lại đòi đoạt những vật do Thiên triều ban. Hoàng đế căm ghét, sắp khiển quan trách cứ thì cố bồi thần Bùi Bá Kỳ đến cửa khuyết cáo nạn, nói rằng:

Cha ông thần đều là đại phu chấp chính, chết vì nước. Mẹ thần là họ hàng gần của họ Trần, nên thần từ nhỏ theo hầu quốc vương, làm quan ngũ phẩm, về sau làm tỳ tướng dưới quyền Vũ Tiết hầu Trần Khát Chân. Cuối thời Hồng Vũ, thay Khát Chân chống giặc ở biển đông. Nhưng cha con tặc thần Lê Quý Ly giết chúa soán ngôi, giết chóc kẻ trung lương, diệt tộc đến hàng trăm hàng chục người, anh em vợ con của thần đều bị hại. Chúng khiển người bắt thần, hòng muốn băm vằm. Thần bỏ quân chạy trốn, lánh nơi núi non, mong đến được chốn khuyết đình để bày tỏ lòng dạ. Bôn ba mấy năm mới thấy được mặt trời. Trộm nghĩ Quý Ly là con trai Kinh lược sứ Lê Quốc Mao, nhiều đời phụng sự họ Trần, hưởng trộm ân sủng, cùng con trai là Thương đều được quý trọng. Chúng một sớm soán đoạt, đổi họ thay tên, tiếm hiệu cải nguyên, không vâng triều mệnh. Trung thần lương sĩ đầu đau lòng xé, nguyện hưng quân điếu phạt [11], giữ nghĩa kế tuyệt [12], quét sạch gian hung, lập lại hậu duệ họ Trần, thì thần dù chết vẫn bất hủ. Chỉ dám noi theo lòng trung của Thân Bao Tư, khóc than dưới cửa khuyết, mong Hoàng đế soi xét.” Hoàng đế nhận được lời tâu thì cảm động, mệnh sở ty chu cấp cơm áo.

Gặp lúc Lão Qua đưa Trần Thiên Bình đến, nói rằng:

Thần là Thiên Bình, cháu tiền vương Nhật Huyên, con của Mạnh, em của Nhật Khuê. Khi giặc Lê tận diệt tộc Trần, thần chạy ra xứ ngoài nên không bị bắt. Liêu tá của thần hăng hái trung nghĩa, suy tôn thần làm chúa để dẹp giặc. Đang bàn chiêu binh thì quân giặc áp sát, vội vàng chạy ra ngoài, trốn tránh nơi núi non, vạn tử nhất sinh mới đến được Lão Qua. Kính nghe Hoàng đế Bệ hạ nhập chính đại thống, thần có ý theo về nương tựa, nên lê lết muôn dặm đến kêu oan ở triều đình. Hậu duệ họ Trần chỉ còn một mình thần, thần với bọn giặc ấy không đội trời chung. Cúi xin thánh từ thương xót, phát gấp sáu quân, dùng lẽ trời đánh dẹp.”

Hoàng đế càng cảm động, mệnh sở ty tiếp đãi. Khi Đê khiển sứ chúc mừng năm mới, Hoàng đế đưa Thiên Bình ra gặp, [sứ giả] đều kinh ngạc cúi lạy, có kẻ khóc lóc. Bá Kỳ lấy đại nghĩa trách sứ giả, chúng sợ hãi không đáp được. Hoàng đế dụ thị thần: “Cha con Đê bội nghịch, quỷ thần không ai dung, mà thần dân trong nước cùng che giấu thì cả nước đều là tội nhân vậy. Trẫm không thể dung thứ.”

 

Năm thứ 3 (1405), mệnh Ngự sử Lý Kỳ, Hành nhân Vương Xu đem sắc trách Đê, lệnh trình bày thực việc soán thí báo lên. [Thổ quan] châu Ninh Viễn ở Vân Nam lại tố cáo Đê xâm đoạt bảy trại, bắt con rể và con gái mình. Đê khiển bề tôi Nguyễn Cảnh Chân theo bọn Kỳ vào triều tạ tội, đến nói rằng chưa từng tiếm hiệu cải nguyên, xin đón Thiên Bình về tôn làm chúa, đồng thời trả lại châu Lộc và đất Ninh Viễn. Hoàng đế không lường được là dối trá nên đồng ý, mệnh Hành nhân Nhiếp Thông mang sắc đi dụ, nói rằng: “Nếu quả nghênh đón Thiên Bình, phụng sự theo lễ với vua, sẽ lập ngươi làm thượng công, phong cho quận lớn.” Đê lại khiển Cảnh Chân theo bọn Thông về báo, nghênh đón Thiên Bình. Thông ra sức nói rằng Đê thành thực đáng tin. Hoàng đế bèn cho Thiên Bình về nước, sắc Tả phó tướng quân Hoàng Trung, Hữu phó tướng quân Lã Nghị ở Quảng Tây phát 5.000 binh hộ tống.

 

Năm thứ 4 (1406), Thiên Bình vào bệ từ biệt. Hoàng đế ban thưởng hậu, sắc phong Đê làm Thuận Hóa quận công, ăn lộc các châu huyện sở thuộc. Tháng 3, bọn Trung hộ tống Thiên Bình vào ải Kê Lăng, đi đến Cần Trạm thì phục binh của Đê chặn giết Thiên Bình, bọn Trung thua chạy. Hoàng đế cả giận, triệu bọn Thành quốc công Chu Năng vào bàn mưu, quyết ý đánh dẹp. Tháng 7, mệnh Năng đeo ấn Chinh Di tướng quân, sung làm Tổng binh quan; Tây Bình hầu Mộc Thạnh đeo ấn Chinh Di phó tướng quân, làm Tả phó tướng quân; Tân Thành hầu Trương Phụ làm Hữu phó tướng quân; Phong Thành hầu Lý Bân, Vân Dương bá Trần Húc làm Tả, Hữu tham tướng, đốc quân Nam chinh. Năng đến Long Châu thì bệnh mất, Phụ thay cầm quân.

 

Khi vào ải Pha Lũy ở An Nam, truyền hịch kể 12 tội lớn của cha con Nhất Nguyên, dụ người trong nước giúp Phụ lập con cháu họ Trần. Quân đến Cần Trạm, làm cầu phao vượt sông Xương. Quân tiên phong đến huyện Gia Lâm phía bắc sông Phú Lương, còn Phụ theo đường khác phía tây Cần Trạm đến huyện Tân Phúc phủ Bắc Giang. Dò biết quân của Thạnh và Bân cũng từ Vân Nam đến Bạch Hạc, bèn khiển Phiêu Kỵ tướng quân Chu Vinh đến hội. Bấy giờ bọn Phụ chia đường tiến binh, đi đến đâu đều thắng. Giặc bèn dựng hàng rào ven sông, đắp thêm thành đất ở ải Đa Bang, thành trại nối liền hơn 900 lí, phát hơn 200 vạn dân phía bắc sông giữ lấy. Các cửa biển, cửa sông đều đóng cọc gỗ. Ở Đông Đô [13] thủ bị nghiêm ngặt, hòng cầm cự lâu để quan quân mỏi mệt. Bọn Phụ bèn dời doanh trại sang cửa sông chợ Cá Chiêu châu Tam Đái, đóng chiến hạm. Hoàng đế lo giặc trì hoãn quân để đợi chướng lệ, nên sắc bọn Phụ mùa xuân năm sau phải diệt giặc.

 

Tháng 12, Thạnh đến bờ bắc sông Thao, dựng lũy đối diện thành Đa Bang. Phụ khiển Húc tấn công châu Thao Giang, bắc cầu phao đưa quân sang, rồi áp sát chân thành, công hạ được. Giặc chỉ trông cậy vào mỗi thành này, nay bị phá thì mất hết gan góc. Đại quân theo sông Phú Lương đi về nam, rồi đánh Đông Đô. Giặc bỏ thành chạy. Đại quân vào chiếm, áp sát Tây Đô [14]. Các quận huyện nối nhau nạp khoản, kẻ nào kháng cự đều bị đánh phá. Quan dân dâng thư trần tình tội ác của họ Lê, mỗi ngày có hàng trăm tờ.

 

Tháng giêng năm thứ 5 (1407), đại phá Quý Ly ở sông Mộc Hoàn [15], tuyên chiếu tìm kiếm con cháu họ Trần. Vì thế hơn 1.120 kỳ lão đến cửa quân nói rằng: “Họ Trần bị giặc Lê giết sạch, không có ai kế tự được. An Nam vốn là đất Trung Quốc, xin lại nhập vào bản đồ giống như nội quận.” Bọn Phụ báo lên. Thế rồi đại phá giặc ở sông Phú Lương, cha con Quý Ly dùng mấy chiếc thuyền chạy trốn. Các quân thủy lục cùng tiến đến huyện Trà Lung, biết Quý Ly chạy vào Nghệ An, bèn theo sông Cử Quyết đuổi đến cửa biển Kỳ La ở châu Nhật Nam, mệnh Liễu Thăng ra biển đuổi theo. Giặc thua nhiều lần, chẳng còn quân. Tháng 5, bắt Quý Ly và ngụy Thái tử ở núi Cao Vọng. An Nam bình. Quần thần xin làm như lời kỳ lão, đặt quận huyện.

 

Ngày 1 tháng 6, xuống chiếu báo thiên hạ, đổi An Nam làm Giao Chỉ, đặt tam ty [17]. Lấy Đô đốc thiêm sự Lã Nghị làm Chưởng Đô ty sự, Hoàng Trung làm phó; tiền Công bộ Thị lang Trương Hiển Tông, Phúc Kiến Bố chính ty Tả tham chính Vương Bình làm Tả, Hữu bố chính sứ; tiền Hà Nam Án sát sứ Nguyễn Hữu Chương làm Án sát sứ; Bùi Bá Kỳ nhận chức Hữu tham chính; lại mệnh Thượng thư Hoàng Phúc kiêm chức Chưởng Bố, Án nhị ty sự. Đặt 15 phủ Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tam Giang, Kiến Bình, Tân An, Kiến Xương, Phụng Hóa, Thanh Hóa, Trấn Man, Lạng Sơn, Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An, Thuận Hóa, chia nhau quản hạt 36 châu, 181 huyện. Lại đặt 5 châu Thái Nguyên, Tuyên Hóa, Gia Hưng, Quy Hóa, Quảng Oai, lệ thuộc trực tiếp Bố chính ty, chia nhau quản hạt 25 huyện. Những nơi yếu hại khác đều đặt vệ sở khống chế. Lại sắc hữu ty rằng các vương họ Trần bị giết đều được truy tặng thụy, lập đền, sửa mộ, mỗi nơi đặt 20 hộ quét dọn. Người tông tộc bị hại được tặng chức quan, quân dân tử vong ngoài đường được chôn cất. Ai làm quan vẫn giữ chức cũ, giúp các quan mới bổ cai trị. Chính sách hà khắc của họ Lê nhất thiết bãi bỏ, kẻ bị tội đều được phóng thích. Dùng lễ đối đãi các bậc cao niên đức lớn. Vợ góa con côi không ai nuôi thì lập viện dưỡng tế. Kẻ giỏi giang ôm tài chứa đức được đưa đến kinh. Lại xuống chiếu tìm kiếm những người ẩn dật núi rừng, minh kinh bác sĩ, hiền lành ngay thẳng, hiếu đệ lực điền, thông minh chính trực, thanh liêm tài cán, thành thạo việc quan, tinh thông thư toán, hiểu rõ binh pháp, dung mạo khôi ngô, nói năng trôi chảy, khỏe mạnh dũng cảm, âm dương thuật số, bốc thuốc bắt mạch, đều đối đãi chu đáo, đưa đến kinh xét dùng. Vì thế bọn Trương Phụ trước sau cử hơn 9.000 người đến.

 

Tháng 9, cha con Quý Ly và Thương bị bắt đến cửa khuyết cùng bọn ngụy tướng Hồ Đỗ và thuộc lại. Xá tội cho em trai Thương là Vệ Quốc đại vương Trừng, con trai là Nhuế, sở ty cấp cơm áo. Tháng 6 năm thứ 6 (1408), bọn Phụ đem quân về kinh, dâng địa đồ Giao Chỉ, đông tây rộng 1.760 lí, nam bắc rộng 2.800 lí; an phủ nhân dân 3.120.000 có lẻ, bắt người Man hơn 2.087.500; voi, ngựa, trâu hơn 235.900; lúa gạo 13.600.000 thạch; thuyền hơn 8.670 chiếc; quân khí 2.539.800. Vì thế tiến hành phong thưởng lớn, Phụ được tiến làm Anh quốc công, Thạnh làm Kiềm quốc công, còn lại được tặng thưởng có khác nhau.

 

Bấy giờ triều đình đặt quan lại, lo dùng khoan hậu mà đổi mới, nhưng người Man tự cho mình khác loài nên lấy làm sợ hãi. Quan cũ họ Trần là Giản Định ban đầu ra hàng, khi đưa đến kinh sư thì bỏ trốn với bè đảng là Trần Hy Cát, cùng bọn ngụy quan châu Hóa là Đặng Tất, Nguyễn Súy mưu loạn. Định bèn tiếm đại hiệu, lấy kỷ nguyên là Hưng Khánh, tên nước là Đại Việt, lấp ló trong vùng núi Nghệ An, Thuận Hóa, đợi đại quân về liền ra đánh các cửa Bàn Than [18], Hàm Tử, chặn đường lớn ở phủ Tam Giang, cướp vùng ven Giao Châu. Các huyện Từ Liêm, Uy Man, Thượng Hồng, Thiên Đường (?), Ứng Bình, Thạch Thất đều hưởng ứng. Tướng trấn thủ nhiều lần xuất chinh nhưng đều không thành công. Khi việc báo lên, mệnh Mộc Thạnh làm Chinh Di tướng quân, thống lĩnh 40.000 quân Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên, theo đường Vân Nam chinh thảo. Thế rồi khiển sứ đem sắc chiêu hàng, cho làm quan thế tập, nhưng giặc không nghe. Thạnh đánh nhau với chúng ở sông Sinh Quyết, thua lớn, Lã Nghị và Tham tán Thượng thư Lưu Tuấn chết.

 

Năm thứ 7 (1409), nghe tin bại trận, nên phát 47.000 quân Nam Kỳ [19], Chiết Giang, Giang Tây, Phúc Kiến, Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây theo Anh quốc công Phụ đi đánh. Phụ cho rằng giặc dựa vào sông biển, không giỏi đánh bộ, bèn trú ở Tiên Du phía bắc sông, đóng nhiều chiến hạm, phủ dụ những kẻ bôn ba chạy giặc, rồi liên tiếp phá doanh trại ở Từ Liêm, Quảng Oai. Dò biết bè đảng chúng là Đặng Cảnh Dị chặn cầu Thái Bình ở sông Lô Độ châu Nam Sách, bèn tiến quân đến cửa Hàm Tử. Ngụy Kim Ngô tướng quân Nguyễn Thế Mỗi cầm 20.000 quân, lập trại bên bờ đối diện, bày hơn 600 chiếc thuyền, đóng cọc phía đông nam để cản trở. Bấy giờ là tháng 8, gió tây bắc thổi gấp, Phụ đốc thúc bọn Trần Húc, Chu Quảng, Du Nhượng, Phương Chính dùng thuyền vượt sông, pháo tên bắn dữ dội. Chém 3.000 thủ cấp, bắt sống bọn ngụy Giám Môn tướng quân Phan Đê hơn 2.000 người, thu thuyền hơn 400 chiếc, rồi tiến đánh Cảnh Dị. Cảnh Dị đã chạy trước, bèn bình định các phủ Giao Châu, Bắc Giang, Lạng Giang, Tân An, Kiến Xương, Trấn Man. Đuổi đánh Cảnh Di đến cửa biển Thái Bình, bắt bè đảng của hắn là Phạm Tất Lật.

 

Bấy giờ bọn Nguyễn Súy suy tôn Giản Định làm Thái thượng hoàng, lập riêng Trần Quý Khoáng làm đế, đổi niên hiệu thành Trùng Quang. [Quý Khoáng] bèn khiển sứ tự xưng là cháu tiền An Nam vương, xin phong tước. Phụ mắng rồi chém đi, theo sông Hoàng, sông A, cửa biển Đại An đi đến sông Phúc Thành [20]. Phụ vào cửa biển Thần Đầu [21], phá hết các hàng cọc gỗ của giặc. Hơn 10 ngày thì đến Thanh Hóa, quân thủy lục hội cả. Định đã trốn vào Diễn Châu, Quý Khoáng chạy đến Nghệ An, bọn Súy và Cảnh Di cũng tản vong. Vì thế đóng quân lại bắt bè đảng còn sót. Định chạy đến sách Cát Lợi huyện Lương, bọn Phụ truy đuổi đến cùng. Định chạy vào núi, lùng tìm không thấy nên vây núi. Định và bọn ngụy tướng Trần Hy Cát, Nguyễn Nhữ Lệ, Nguyễn Án đều bị bắt.

 

Trước kia, đảng giặc Nguyễn Sư Cối tiếm xưng vương, cùng bọn ngụy Kim Ngô thượng tướng quân Đỗ Nguyên Trách chiếm cứ xã Nghi Dương huyện An Lão châu Đông Triều, có hơn 20.000 quân. Tháng giêng năm thứ 8 (1410), Phụ tiến đánh chúng, chém hơn 4.500 thủ cấp, bắt bọn bè đảng Phạm Chi, Trần Nguyên Khanh, Nguyễn Nhân Trụ hơn 2.000 người, đều chém hết, đắp xác thành gò.

 

Phụ sắp đem quân về, tâu rằng: “Quý Khoáng và bọn bè đảng Nguyễn Súy, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Di vẫn còn ở Diễn Châu, Nghệ An, uy hiếp Thanh Hóa. Đặng Dung chặn các cửa sông Thần Đầu, Phúc Thành, chiếm đường hiểm yếu ở Thanh Hóa, lấp ló ở các xứ Nghệ An. Nếu các quân về hết, e binh của Mộc Thanh ít không địch nổi. Xin lưu các quân của bọn Đô đốc Giang Hạo, Đô chỉ huy Du Nhượng, Hoa Anh, Sư Hữu ở lại giúp Thạnh thủ ngự.” [Triều đình] đồng ý.

 

Tháng 5, Thạnh truy đuổi Quý Khoáng đến sông Ngu [22], giặc bỏ trại chạy trốn. Đuổi đến huyện Cổ Linh và các cửa biển Hội Triều, Linh Trường [23], chém hơn 3.000 thủ cấp, bắt ngụy tướng quân Lê Lộng. Quý Khoáng cùng quẫn, dâng biểu xin hàng. Hoàng đế trong lòng biết là dối trá, nhưng tạm đồng ý, xuống chiếu trao hắn chức Giao Chỉ Bố chính sứ; Nguyễn Súy, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Di, Đặng Dung đều làm Đô chỉ huy; Trần Nguyên Tôn làm Hữu tham chính; Phan Quý Hựu làm Án sát phó sứ.

 

Chiếu đã ban xuống nhưng thấy giặc không chịu hối cải, nên vào năm thứ 9 (1411) lại mệnh Phụ đốc 24.000 quân, hợp với Thạnh đánh dẹp. Giặc chiếm cứ sông Nguyệt Thường, đóng cọc suốt hơn 40 trượng, hai bờ dựng hàng rào dài hai ba lí, bày hơn 300 chiếc thuyền, đặt phục binh ở bên phải núi. Mùa thu, bọn Phụ, Thạnh thủy lục cùng tiến. Bọn Nguyễn Súy, Hồ Cụ, Đặng Cảnh Di, Đặng Dung đến chống cự. Phụ lệnh bọn Chu Quảng nối thuyền nhổ cọc để tiến, tự dẫn bọn Phương Chính đem bộ đội tiễu trừ phục binh. Quân thủy lục giáp công, giặc thua lớn, bọn Súy đều chạy trốn. Bắt sống bọn ngụy tướng quân Đặng Tông Tắc, Lê Đức Di, Nguyễn Trung, Nguyễn Hiến, thu 120 chiếc thuyền.

 

Phụ đang đốc thủy quân tiễu trừ Quý Khoáng thì nghe tin ở các châu huyện Thạch Thất, Phúc An bọn ngụy Long Hổ tướng quân Lê Nhị chặt cầu phao qua sông Nhuệ, chặn sông Sinh Quyết và đường đi của Giao Châu Hậu vệ, bèn đến đánh. Nhị và Phạm Khảng đến chống cự, Nhị trúng tên chết. Chém ngụy tướng quân Nguyễn Đà, bắt ngụy tướng quân Dương Nhữ Mai, Phòng ngự sứ Phùng Hấp, chém 1.500 thủ cấp, truy sát tàn dư giặc đến cùng. Khảng và bọn Đỗ Cá Đán, Đặng Minh, Nguyễn Tư Giam cũng bị bắt.

 

Năm thứ 10 (141), Phụ đốc thúc bọn Phương Chính đánh thuyền giặc ở biển Thần Đầu, thắng lớn, bắt bọn ngụy tướng quân Trần Lỗi, Đặng Nhữ Hi. Bọn Nguyễn Suý chạy xa, đuổi theo không kịp. Quân của Phụ đến Thổ Hoàng ở Nghệ An thì bọn ngụy Thiếu bảo Phan Quý Hựu xin hàng, dẫn 21 tên ngụy quan đến bái yết. Phụ dựa theo thể chế trao Quý Hựu chức Án sát phó sứ, Thự Nghệ An phủ sự. Vì thế bọn ngụy Tướng quân, Án sát sứ, An phủ sứ, Chiêu thảo sứ là Trần Mẫn, Nguyễn Sĩ Cần, Trần Toàn Húc, Trần Toàn Mẫn nối nhau đến hàng.

 

Năm sau (1413), Phụ và Thạnh hợp quân đến châu Thuận. Bọn Nguyễn Suý đặt phục binh ở sông Ái Tử, rồi chiếm chỗ hiểm ở núi Côn Truyền, bày trận voi đón đánh. Đại quân đại phá được, bắt sống bọn ngụy tướng quân Phan Kính, Nguyễn Từ 56 người. Truy đuổi đến sông Ái Mẫu thì giặc tan vỡ. Em trai Đặng Dung là ngụy hầu Thiết và bọn tướng quân Phan Lỗ, Phan Cần đầu hàng cả.

 

Mùa xuân năm sau (1414), tiến quân đánh Chính Hòa. Soái giặc là Hồ Đồng đầu hàng, nói rằng ngụy Đại tướng quân Cảnh Di đem bè đảng là bọn Lê Thiềm 900 người trốn đến sách Côn Bồ của người Xiêm Man [24]. [Phụ] bèn tiến đến sông La Mông, bỏ ngựa đi bộ, khi đến thì giặc đã trốn mất. Đuổi đến sách Sất Bồ Nại, lại trốn mất. Trong đêm đi hơn 20 lí, nghe tiếng trống canh, Phụ dẫn bọn Chính ngậm thẻ tre [25] đi gấp, sáng hôm sau đến sách Sất Bồ Can. Giặc ở bờ bắc sông dời trại sang bờ nam. Quan quân vượt sông bao vây, bắn tên trúng sườn Cảnh Di, bắt được hắn. Dung và em trai là Duẫn chạy trốn, [Phụ] đuổi theo bắt được chúng và toàn bộ quân. Phái riêng Chu Quảng truy đuổi ngụy Đại tướng quân Nguyễn Súy đến đất Xiêm Man, lùng tìm các núi ở ải Xiêm Nhân, bắt được gia thuộc của Suý và Quý Khoáng. Súy trốn đến châu Nam Linh, nương tựa thổ quan Nguyễn Trà Hội. Chỉ huy Tiết Tụ đuổi bắt được Suý, chém Trà Hội.

 

Ban đầu, Đặng Dung bị bắt, Quý Khoáng trốn đến núi Trúc Bài ở Nghệ An. Phụ khiển Đô chỉ huy Sư Hựu đánh úp. [Quý Khoáng] chạy sang Lão Qua, Hựu bám sát theo sau. Lão Qua sợ quan quân dày xéo đất mình nên xin tự bắt đem dâng. Phụ ra hịch tìm kiếm, lệnh Hựu thâm nhập. Đánh hạ ba ải, đến ải Kim Lăng thì đảng giặc chạy cả, nên bắt được Quý Khoáng và em trai là ngụy Tướng quốc Hoan Quốc vương Quý Toản. Các bọn giặc khác đều dẹp yên.

 

Tháng 2 năm sau (1415), bọn Phụ, Thạnh đem quân về kinh. Tháng 4, lại mệnh Phụ đeo ấn Chinh Di tướng quân, ra trấn giữ [Giao Chỉ]. Năm thứ 14 (1417), triệu về. Năm sau (1418), mệnh Phong Thành hầu Lý Bân thay trấn giữ.

 

Người Giao vốn ưa làm loạn. Trung quan Mã Kỳ lấy cớ thu nhặt để lùng tìm của báu trong cõi. Nhân tình dao dộng, bị kẻ kiệt hiệt xúi giục nên đại quân vừa về, liền cùng nổi lên làm loạn. Nguyễn Trinh ở Lục Na; Lê Hạch, Phan Cường, thổ quan là Đồng tri Trần Khả Dụ, Phán quan Nguyễn Chiêu, Thiên hộ Trần Hung ở châu Thuận; Phán quan Nguyễn Nghĩ ở châu Nam Linh, Tri huyện Phạm Bá Cao, Huyện thừa Vũ Quảng, Bách hộ Trần Dĩ Luật ở huyện Tả Bình cùng phản một lúc. Bân đều khiển tướng đánh diệt, nhưng kẻ làm phản vẫn không ngớt. Nga Lạc Tuần kiểm Lê Lợi; con trai cố Tứ Mang Tri huyện Xa Miên là Xa Tam; Nghệ An Tri phủ Phan Liêu; Thiên hộ ở châu Nam Linh là Trần Thuận Khánh; Bách hộ ở Nghệ An vệ là Trần Trực Thành cũng thừa cơ làm loạn. Những kẻ gian khác gồm Phạm Nguyễn nổi dậy ở Nga Lạc; Vũ Cống, Hoành Nhữ Khúc nổi dậy ở Kệ Giang; Nùng Văn Lịch nổi dậy ở Khâu Ôn; Trần Mộc Quả nổi dậy ở Vũ Định; Nguyễn Đặc nổi dậy ở Khoái Châu; Ngô Cự Lai nổi dậy ở Thiện Thệ; Trịnh Công Chứng, Lê Chất nổi dậy ở Đồng Lợi; Đào Cường nổi dậy ở Thiện Tài; Đinh Tông Lão nổi dậy ở Đại Loan; Phạm Ngọc nổi dậy ở An Lão. Chúng đều tự xưng quan tước, giết tướng lại, đốt nhà cửa. Có bọn Dương Cung, Nguyễn Đa đều tự xưng vương, gọi bè đảng Vy Ngũ, Đàm Hưng Bang, Nguyễn Gia là Thái sư, Bình chương, cùng nương cậy vào bọn cướp. Rồi Phan Liêu, Phạm Ngọc cũng rất ngang ngạnh. Tên Liêu vốn là con trai Nghệ An Tri phủ Quý Hựu, nối chức cha, không cam chịu Mã Kỳ bạo ngược nên phản; bọn thổ quan là Chỉ huy Lộ Văn Luật, Thiên hộ Trần Đài đi theo. Ngọc là nhà sư ở chùa Đồ Sơn, tự nói rằng trời giáng ấn kiếm, rồi tiếm xưng La Bình vương, đổi niên hiệu thành Vĩnh Ninh, cùng bọn Phạm Thiện, Ngô Trung, Lê Hành, Đào Thừa làm loạn, cho làm Tướng quốc, Tư không, Đại tướng quân, đánh cướp thành ấp. Bân đánh dẹp đông tây, không ngày nào rảnh rỗi. Triều đình thấy giặc lâu ngày chưa bình, nên vào năm thứ 18 (1420) mệnh Vinh Xương bá Trần Trí làm Tả tham tướng giúp Bân. Lại giáng sắc trách Bân rằng: “Bọn giặc làm phản Phan Liêu, Lê Lợi, Xa Tam, Nùng Văn Lịch đến nay chưa bắt được, thì lính bao giờ mới nghỉ, dân bao giờ mới yên? Nên mở rộng phương lược, nhanh chóng dẹp yên.” Bân hoảng sợ, đốc thúc các tướng truy tiễu. Mùa thu năm sau, giặc đều bị tiêu diệt, chỉ có Lê Lợi chưa bắt được.

 

Lợi ban đầu làm quan cho Trần Quý Khoáng, giữ chức Kim Ngô tướng quân [26]. Về sau quy chính, được dùng làm Tuần kiểm huyện Nga Lạc phủ Thanh Hóa, nhưng bứt rứt không thoả chí. Khi đại quân về thì làm phản, tiếm xưng Bình Định vương, lấy em trai Thạch làm Tướng quốc, cùng bọn bè đảng Đoàn Mãnh, Phạm Liễu, Phạm Án tung binh cướp bóc. Quan quân đánh dẹp, bắt sống bọn Án; Lợi chạy trốn. Ít lâu sau, ra chiếm sách Khả Lam làm cướp. Các tướng Phương Chính, Sư Hựu tiễu trừ, bắt được bọn ngụy tướng quân Nguyễn Cá Lập; Lợi trốn sang Lão Qua. Khi bọn Chính về, Lợi ngầm ra mặt, giết Tuần kiểm ở Ngọc Cục. Thế rồi, lại ra cướp Lỗi Giang, mỗi khi bị truy kích liền chạy trốn. Khi bè lũ bị diệt cả, Lợi càng nấp kín. Bân tâu rằng: “Lợi chạy sang Lão Qua, Lão Qua xin quan quân đừng vào, sẽ phát hết binh bản bộ bắt Lợi. Nay đã lâu chưa thấy đem tới, sự tình khó lường.” Hoàng đế nghi Lão Qua giấu giặc, lệnh Bân đưa sứ thần đến kinh vặn hỏi. Lão Qua bèn đuổi Lợi.

 

Mùa xuân năm thứ 20 (1422), Bân mất. Xuống chiếu cho Trí thay Bân. Năm thứ 21 (1423), Trí truy đuổi Lợi đến huyện Xa Lai châu Ninh Hóa [81], đánh bại được, Lợi lại chạy xa. Mùa thu năm sau (1424), Trí tâu rằng: “Lợi ban đầu trốn sang Lão Qua, về sau bị đuổi nên về huyện Khôi. Khi quan quân tiến đánh, bè đảng của hắn là đầu mục Phạm Ngưỡng đem nam nữ 1.600 người ra hàng. Lợi tuy xin phủ dụ, nguyện đem quân bản bộ đến quy phụ, nhưng dừng ở Nga Lạc không ra, chế tạo quân khí không ngừng, ắt sẽ tiến binh.” Tấu đến, gặp lúc Nhân Tông lên ngôi đại xá thiên hạ, nên sắc Trí phủ dụ. Nhưng Lợi đã cướp châu Trà Long, đánh bại quân của Phương Chính, giết Chỉ huy Ngũ Vân.

 

Lúc Lợi chưa làm phản, có quen với Trấn thủ là trung quan Sơn Thọ. Đến nay Thọ về triều, ra sức nói rằng Lợi tin tưởng mình, nếu được lệnh đi dụ ắt sẽ quy phụ. Hoàng đế nói: “Giặc ấy giảo trá, nếu được đãi tốt thì thế càng mạnh, không dễ chế ngự.” Thọ khấu đầu nói: “Nếu như thần đi dụ mà Lợi không đến thì thần đáng chết vạn lần.” Hoàng đế gật đầu, khiển Thọ mang sắc trao Lợi chức Thanh Hóa Tri phủ, vỗ về hết mức. Sắc vừa giáng, Lợi đã cướp Thanh Hóa, giết Đô chỉ huy Trần Trung. Lợi nhận được sắc, không có ý hàng, liền mượn chuyện phủ dụ lừa thủ thần, nói phao là đợi mùa thu mát mẻ sẽ đến nhận chức quan, nhưng cướp bóc không ngừng.

 

Bấy giờ đổi niên hiệu Hồng Hy, đúc ấn tướng quân ban cho các tướng biên giới. Trí được ấn Chinh Di phó tướng quân, lại mệnh An Bình bá Lý An đến phụ tá. Trí vốn không có tài lược, sợ giặc, nhân đó mượn cớ phủ dụ để lừa triều đình, lại xích mích với Phương Chính nên đóng binh không tiến. Giặc càng không e dè gì, lại vây Trà Long, bọn Trí ngồi nhìn không cứu. Sau bảy tháng, trong thành hết lương. Tuần án Ngự sử báo lên, nhưng khi tấu đến thì Nhân Tông đã băng. Tuyên Tông mới lên ngôi, ra sắc trách Trí và các quan tam ty. Bọn Trí không hợp ý, nên Trà Long bị hạ, Tri châu Cầm Bành chết. Thượng thư Chưởng Bố, Án nhị ty Trần Hiệp tâu: “Lợi tuy xin hàng nhưng bên trong hai lòng, đã hãm Trà Long, lại cấu kết với thổ quan ở Ngọc Ma, tù trưởng ở Lão Qua cùng làm việc ác. Ban đầu nói đợi mùa thu mát mẻ, nay thu đã qua. Lại nói có oán với Tham chính Lương Nhữ Hốt [27], xin được đổi sang nhận chức ở châu Trà Long, nhưng khiển nghịch đảng Phan Liêu, Lộ Văn Luật đến các châu Gia Hưng, Quảng Oai chiêu tập bè lũ, thế lực ngày càng nảy nở. Xin mệnh Tổng binh đến tiễu trừ gấp.” Tấu dâng lên, nên giáng sắc trách cứ, hẹn đến mùa xuân sẽ dẹp giặc.

 

Trí ban đầu sợ, cùng Chính đánh ải Khả Lưu nhưng thua nên bỏ chạy, đến Trà Long lại thua tiếp. Chính dũng cảm mà ít mưu lược, Trí hèn nhát mà hay đố kỵ, vốn không hợp nhau, mà Sơn Thọ chỉ chuyên chiêu dụ, ôm binh ở Nghệ An không cứu, vì thế thua nhiều. Mùa xuân năm Tuyên Đức thứ 1 (1426), tin báo lên, lại giáng sắc trách cứ. Bấy giờ bọn đầu sỏ chưa bình, mà cướp vặt nổi lên: Phan Khả Lợi ở Phù Lưu trợ nghịch; bọn Chu Trang ở Tuyên Hóa, Hoàng Am ở Thái Nguyên cấu kết cùng giặc áo đỏ [28] châu Ninh Viễn ở Vân Nam cướp bóc. Hoàng đế sắc Mộc Thạnh tiễu trừ Ninh Viễn, lại phát 15.000 quân các vệ tây nam và 3.000 lính nỏ sang Giao Chỉ, đồng thời sắc Lão Qua không được chứa chấp kẻ làm phản. Tháng 4, mệnh Thành Sơn hầu Vương Thông làm Chinh Di tướng quân, Đô đốc Mã Anh làm Tham tướng, đi đánh Lê Lợi. Tước chức của Trần Trí, Phương Chính, sung làm vị sự quan [28]. Thông chưa đến, giặc đã phạm Thanh Hóa. Chính không ra đánh, Đô chỉ huy Vương Diễn đánh bại được chúng. Xuống chiếu đại xá tội nhân ở Giao Chỉ, nếu Lê Lợi, Phan Liêu đến hàng cũng được trao chức. Ngưng thu nhặt vàng bạc, hương liệu để mong vỗ yên giặc, nhưng giặc không hối cải. Chính đốc các quân tiến đánh, thì Lý An và bọn Đô chỉ huy Vu Toản, Tạ Phụng, Tiết Tụ, Chu Quảng chạy trước, Chính do vậy thất bại, đều bị giáng làm vị sự quan, lập công chuộc tội.

 

Ít lâu sau, Trí khiển Đô chỉ huy Viên Lượng đánh giặc Lê Thiện ở châu Quảng Oai, muốn qua sông nhưng thổ quan Hà Gia Kháng nói có mai phục. Lượng không nghe, khiển bọn Chỉ huy Đào Sâm, Tiền Phụ qua sông, trúng mai phục nên chết cả, Lượng cũng bị bắt. Thiện bèn chia binh làm ba đạo hãm Giao Châu. Số tấn công Hạ Quan bị Đô đốc Trần Tuấn đánh bại, số tấn công cửa nhỏ ven sông bị Lý An đánh bại, Thiện trong đêm chạy trốn. Thông nghe tin, cũng chia binh làm ba đạo ra đánh. Mã Anh đánh bại giặc ở Quảng Oai, đến Thạch Thất hội với Thông rồi cùng đi tới Ninh Kiều ở Ứng Bình. Sĩ tốt đi giữa bùn lầy, gặp phục binh nên thua lớn. Thượng thư Trần Hiệp chết, Thông cũng chạy về. Lợi ở Nghệ An nghe tin, đi gấp đến Thanh Đàm, tấn công Bắc Giang, tiến vây Đông Quan.

 

Thông vốn không có chiến công, nhờ cha mình là Chân chết mà được phong, triều đình không biết là hèn kèm nên đem dùng. [Thông] đánh một trận đã thua, mất hết gan góc, hành động khác lạ, không vâng mệnh triều đình, tự ý cắt từ Thanh Hóa về nam cho giặc, triệt thoái hết quan lại quân dân về Đông Quan. Chỉ có Thanh Hóa Tri châu La Thông không nghe, Lợi đem binh tấn công nhưng không hạ được. Giặc phân vạn binh vây Ải Lưu quan [30], Bách hộ Vạn Tông gắng đánh, chúng bèn thoái lui.

 

Hoàng đế nghe tin Thông bại thì kinh hãi, mệnh An Viễn hầu Liễu Thăng làm Tổng binh quan, Bảo Định bá Lương Minh làm phó, đốc quân đi đánh; lại mệnh Mộc Thạnh làm Chinh Nam tướng quân, Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung làm Tả, Hữu tướng quân, theo đường Vân Nam tiến binh. Hai quân cộng lại hơn 70.000 người. Lại sắc Thông cố thủ đợi Thăng.

 

Mùa xuân năm thứ 2 (1427), Lợi hãm Giao Châu. Thông đánh nhau với chúng, chém ngụy Thái giám Lê Bí cùng bọn quan Thái úy, Tư đồ, Tư không, thu hàng vạn thủ cấp, Lợi vỡ mật chạy trốn. Các tướng xin thừa thế truy kích, nhưng Thông lại chần chừ mất ba ngày. Giặc biết hắn khiếp sợ, lại lập trại đào hào, cướp bóc bốn bề. Tháng 3, lại phát 33.000 người theo Liễu Thăng, Mộc Thạnh chinh thảo. Giặc phân binh vây Khâu Ôn, Đô chỉ huy Tôn Tụ gắng sức chống cự.

 

Trước kia, giặc thấy Xương Giang là nơi hiểm yếu trên đường đi của đại quân nên phát hơn 80.000 quân đến đánh. Bọn Đô chỉ huy Lý Nhậm gắng sức chống cự, giết giặc rất nhiều. Suốt chín tháng, các tướng trông ngóng mà không thấy cứu. Giặc sợ đại quân của Thăng đến nên ra sức công. Mùa hè, tháng 4, thành bị hãm, Nhậm chết [31].

 

Bấy giờ giặc vây Giao Châu đã lâu, Thông đóng cửa thành không dám ra. Giặc càng cho là dễ nên gửi thư xin hòa. Thông muốn đồng ý, tập hợp mọi người lại bàn. Án sát sứ Dương Thời Tập nói: “Vâng mệnh dẹp giặc nhưng lại hòa với chúng mà tự ý rút quân, thì trốn tội vào đâu?” Thông tức giận, lớn tiếng quát Thì Tập. Mọi người không ai dám nói, nên đem thư của Lợi báo lên.

 

Thăng vâng mệnh đã lâu nhưng đợi các quân tập hợp nên tháng 9 mới đến Ải Lưu quan. Lợi đã cùng Thông giao hẹn, bèn ngụy xưng họ Trần có hậu duệ, sai đầu mục lớn nhỏ đem thư đến chỗ quân của Thăng, xin bãi binh, lập hậu duệ họ Trần. Thăng không mở niêm phong, khiển sứ tâu lên. Chẳng bao lâu sau, Thăng tiến đánh dốc Mã Pha, chết tại trận, hậu quân nối nhau chết cả. Thông nghe tin thì rất sợ, tập hợp quân dân, quan lại ra sông Hạ Tiêu, tự ý ăn thề với Lợi, hẹn rút quân, rồi khiển quan đi cùng sứ của giặc đem biểu và phương vật tiến dâng. Quân của Mộc Thạnh đến Thủy Vĩ, đóng thuyền sắp tiến thì nghe tin Thông nghị hòa, cũng dẫn quân về. Giặc thừa cơ đánh cho đại bại.

 

Hồng lô tự dâng thư của giặc và Thăng, đại lược nói:

Khi Cao hoàng đế lên ngai rồng, An Nam đến đầu triều cống, được hưởng khen thưởng, ban cho ngọc chương. Về sau giặc Lê soán thí, Thái Tông hoàng đế hưng quân đánh diệt, tìm con cháu họ Trần. Tộc Trần tránh họa ở phương xa, nên không nghe tin tìm kiếm. Nay có người kế tự còn sót là Cảo, lánh mình ở Lão Qua hai mươi năm, nhân dân bản quốc không quên ân trạch còn sót của tiên vương, đã tìm về được. Ví như chuyển đạt được đến triều đình, tuân theo minh chiếu của Thái Tông hoàng đế về việc nối họ đã mất, ban lại tước và đất, thì không chỉ là niềm vui của một dòng họ Trần, mà thực là niềm vui của muôn vạn sinh dân nước Man.”

Hoàng đế nhận được thư, gật đầu. Hôm sau, biểu của Cảo cũng đến, xưng rằng “Thần là Cảo, cháu đích ba đời của tiên vương Phủ", lời lẽ đại lược giống với thư của Lợi. Hoàng đế trong lòng biết là dối trá, nhưng muốn dựa vào đấy mà ngưng binh, bèn nhận lời. Ban đầu, Hoàng đế nối ngôi, cùng Dương Sĩ Kỳ và Dương Vinh bàn chuyện Giao Chỉ, liền muốn bỏ đất ấy. Đến nay, đem biểu cho đình thần xem, dụ rằng muốn cho binh bãi dân nghỉ. Sĩ Kỳ và Vinh tán thành, chỉ có Giản Nghĩa, Hạ Nguyên Cát là không. Nhưng ý Hoàng đế đã quyết, nên đình thần không dám tranh cãi.

 

Ngày 1 tháng 11, mệnh Lễ bộ Tả thị lang Lý Kỳ, Công bộ Hữu thị lang La Nhữ Kính làm chính sứ, Hữu thông chính Hoàng Ký, Hồng lô khanh Từ Vĩnh Đạt làm phó sứ, đem chiếu phủ dụ nhân dân An Nam, xá hết tội trạng, cho phép đổi mới, lệnh chuẩn kể rõ thực sự về hậu nhân họ Trần để báo lên. Nhân đó sắc Lợi về lẽ hưng diệt kế tuyệt, đồng thời dụ Thông và các quan tam ty triệt thoái hết quân dân về bắc. Chiếu chưa đến, Thông đã bỏ Giao Chỉ, theo đường bộ về Quảng Tây; trung quan Sơn Thọ, Mã Kỳ cùng thú lệnh tam ty theo đường thủy về Khâm Châu. Tất cả số quay về là 86.000 người, số bị giặc giết và cầm giữ lại không thể kể hết. Thiên hạ chê trách Thông bỏ đất hại dân, nhưng Hoàng đế thì không giận.

 

Mùa hè năm thứ 3 (1428), bọn Thông đến kinh. Các quan văn võ cùng tâu tội của chúng, triều đình tra hỏi thì nhận tội, nên Thông cùng Trần Trí, Mã Anh, Phương Chính, Sơn Thọ, Mã Kỳ và Bố chính sứ Dặc Khiêm đều bị xử chết hoặc hạ ngục, tịch thu nhà. Hoàng đế rốt cuộc không giết, chỉ bỏ tù lâu rồi treo án mà thôi. Kỳ bạo ngược gây ra biến, tội rất nặng, nhưng Khiêm thực vô tội mà bị khép cùng án, bấy giờ bàn là không đúng. Đình thần lại hặc Mộc Thạnh, Từ Hanh tội chần chừ, thua trận và làm nhục nước, nhưng Hoàng đế không hỏi đến.

 

Khi bọn Kỳ về triều, Lợi khiển sứ dâng biểu tạ ơn, nói dối rằng Cảo đã mất vào tháng giêng, con cháu họ Trần tuyệt tự, người trong nước suy tôn Lợi giữ nước, kính cẩn đợi mệnh triều đình. Hoàng đế cũng biết là dối trá, không muốn phong ngay, lại khiển Nhữ Kính, Vĩnh Đạt dụ Lợi và kẻ dưới phải tìm kiếm họ Trần, đồng thời trả hết quan lại, nhân dân cùng gia quyến của họ.

 

Mùa xuân năm sau (1429), bọn Nhữ Kính về. Lợi lại nói họ Trần không còn sót ai, xin nhận mệnh, nhân đó cống phương vật và người vàng thế thân. Lại nói: “Con gái chín tuổi của thần lúc tao loạn bị li tán, về sau biết Mã Kỳ dắt về sung làm cung tì. Thần nhớ con gái khôn xiết, nên mạo muội xin về.” Hoàng đế trong lòng biết họ Trần ắt có hậu duệ, Lợi không chịu nói, nhưng thấy phong Lợi thì không có tiếng, nên lại mệnh Kỳ và Nhữ Kính sắc dụ tìm lại, và báo rằng con gái Lợi đã bệnh chết.

 

Mùa xuân năm thứ 5 (1430), bọn Kỳ về. Lợi khiển sứ cống đồ vàng bạc và phương vật, lại dâng tấu nịnh nọt và đưa thỉnh cầu của đầu mục kỳ lão xin cho Lợi nhiếp quốc chính. Khi sứ thần về, Hoàng đế lại đem hai việc việc tìm hậu duệ họ Trần và trả người dân Trung Quốc mà dụ hắn, lời lẽ không chắc chắn mấy.

 

Mùa hè năm sau (1431), Lợi khiển sứ tạ tội, lấy lời nịnh trả lời hai việc ấy, lại dâng tấu của đầu mục kỳ lão, vẫn xin phong cho Lợi. Hoàng đế bèn đồng ý, mệnh Lễ bộ Hữu thị lang Chương Sưởng, Hữu thông chính Từ Kỳ mang sắc và ấn, mệnh Lợi tạm nắm việc nước An nam. Lợi khiển sứ mang biểu, đồ vàng bạc và phương vật theo bọn Sưởng vào cống. Tháng 2 năm thứ 7 (1432), đến kinh sư. Khi về, Lợi và sứ thần đều được ban thưởng. Tháng 8 năm sau (1433), đến cống. Mệnh bọn Binh bộ Thị lang Từ Kỳ đi cùng sứ giả, dụ về đạo thuận trời giữ dân. Năm ấy, Lợi mất.

 

Lợi tuy nhận sắc mệnh, nhưng ở trong nước xưng đế, đổi niên hiệu thành Thuận Thiên, dựng hai kinh đô đông, tây. [Nước] chia làm 13 đạo, gồm: Sơn Nam, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, An Bang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Minh Quang [32], Hưng Hóa [33], Thanh Hoa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam, đều đặt Thừa chính ty, Hiến sát ty, Tổng binh sứ ty, phỏng theo tam ty của Trung Quốc [34]. Đông Đô nằm ở phủ Giao Châu, Tây Đô ở phủ Thanh Hoa. Đặt trăm quan, dựng trường học, dùng hai khoa kinh nghĩa, thơ phú để lấy kẻ sĩ, dần dần có phong tục Trung Hoa.

 

[Lợi] tiếm ngôi 6 năm [thì mất], đặt thụy là Thái Tổ. Con trai là Lân kế ngôi. Lân còn tên là Long. Từ đây quân trưởng nước này đều có hai tên, lấy một tên tâu với Thiên triều, cống hiến không dứt như thể chế thường. Lân khiển sứ cáo phó, nên mệnh Thị lang Chương Sưởng, Hành nhân Hầu Tấn sắc dụ Lân tạm nắm việc nước. Năm sau (1434), khiển sứ vào cống tạ ơn. Tháng 4 năm Chính Thống thứ 1 (1436), vì Tuyên Tông về trời, nên khiển sứ dâng hương. Lại vì việc Anh Tông lên ngôi và tôn vị hiệu cho Thượng thái hoàng thái hậu và Hoàng thái hậu mà đều khiển sứ dâng biểu chúc mừng, cống phương vật. Tháng 6 nhuận, lại cống. Hoàng đế thấy tông chi họ Trần đã tuyệt, muốn cho Lân được chính vị nên giao xuống triều đình bàn, thì đều cho là nên. Bèn mệnh Binh bộ Hữu thị lang Lý Uất, Tả tham chính Lý Hanh mang sắc và ấn, phong Lân làm An Nam quốc vương. Năm sau (1437), khiển sứ vào cống tạ ơn.

 

Bấy giờ thổ quan châu Tư Lang của An Nam đánh cướp 2 châu An Bình, Tư Lăng của Quảng Tây, chiếm cứ 2 động, 21 thôn. Hoàng đế mệnh Cấp sự trung Thang Nãi, Hành nhân Cao Dần sắc Lân trả lại đất xâm lấn. Lân vâng mệnh, khiển sứ tạ tội, nhưng tố cáo thổ quan An Bình, Tư Lăng xâm lược Tư Lang. Hoàng đế lệnh thủ thần răn bảo nghiêm.

 

Năm thứ 7 (1442), khi cống sứ An Nam về, lệnh mang mũ bì biện [35] và áo thêu kim tuyến ban cho vương nước mình. Năm ấy, Lân mất, đặt thụy là Thái Tông. Đổi niên hiệu hai lần: Thiệu Bình 6 năm, Đại Bảo 3 năm. Con trai là Tuấn kế ngôi (còn có tên là Cơ Long), khiển sứ cáo phó. Mệnh Quang lộc thiếu khanh Tống Kiệt, Binh khoa Đô cấp sự trung Tiết Khiêm cầm cờ tiết, sách phong làm quốc vương.

 

Tuấn khiển tướng xâm lược Chiêm Thành, đoạt cảng Tân Châu, bắt vương nước ấy là Ma Ha Bí Cai đem về. Hoàng đế lập tân vương Ma Ha Quý Lai, sắc sứ giả An Nam và dụ Tuấn trả lại cố vương nước ấy. Tuấn không vâng chiếu, bắt bớ đến hơn 33.000 nhân khẩu. Chiêm Thành vào tố, nên năm Cảnh Thái thứ 1 (1450) ban sắc răn Tuấn, nhưng vẫn không vâng chiếu.

 

Năm thứ 4 (1453), [An Nam] khiển sứ chúc mừng sách lập Hoàng thái tử. Năm Thiên Thuận thứ 1 (1457), khiển sứ vào cống, xin ban cổn miện như lệ dành cho Triều Tiên; không đồng ý. Sứ giả nước này xin lấy sản vật đổi thư tịch, thuốc men, thì đồng ý. Năm thứ 2 (1458), khiển sứ chúc mừng Anh Tông lên ngôi lại [36].

 

Tháng 10 năm thứ 3 (1459), anh trai thứ của Tuấn là Lạng Sơn vương Tông giết Tuấn rồi tự lập. Tuấn đổi niên hiệu hai lần: Đại Lợi [37] 11 năm, Diên Ninh 6 năm; đặt thụy là Nhân Tông. Tông còn tên là Nghi Dân, soán ngôi 9 tháng, đổi niên hiệu thành Thiên Hưng [38]. Người trong nước giết hắn, biếm làm Lệ Đức hầu, lấy em trai Tuấn là Hạo kế ngôi. Hạo còn tên là Tư Thành.

 

Ban đầu, Tông giết Tuấn, tâu lên là đi chơi hồ chết đuối. Thiên triều không biết nên khiển quan điếu tế. Tông sợ thiên sứ đến sẽ phát giác sự tình, nói rằng theo lễ không phúng điếu người chết đuối nên không dám phiền thiên sứ, Hoàng đế mới thôi. Sứ giả nói Tuấn không có con trai, xin phong Tông, nên mệnh Thông chính Tham nghị Doãn Mân, Lễ khoa Cấp sự trung Vương Dự đi phong. Chưa vào cõi đã nghe tin Tông bị giết, Hạo nối ngôi, liền từ chối rồi quay về. Hạo liên tục khiển sứ triều cống xin phong. Lễ quan nghi hắn dối trá, xin mệnh thủ thần Quảng Tây xét thực tấu thỉnh, nên [Hoàng đế] chấp nhận. Sứ thần nói: “Theo lễ, sống có phong, chết có tế. Nay việc Tuấn chết đã rõ, xin ban tế”, bèn mệnh Hành nhân đi tế. Tháng 2 năm thứ 6 (1462), mệnh Thị độc Học sĩ Tiền Phổ, Cấp sự trung Vương Dự phong Hạo làm quốc vương.

 

Khi Hiến Tông lên ngôi, khiển Thượng bảo khanh Lăng Tín, Hành nhân Thiệu Chấn ban cho vương và phi lụa ngũ sắc. Hạo khiển sứ đến cống, nhân đó xin miện phục. Không đồng ý, chỉ ban mũ bì biện, mũ the và đai da tê. Tháng 8 năm Thành Hóa thứ 1 (1465), vì Anh Tông về trời nên khiển sứ dâng hương. Mệnh [sứ giả] đến Dụ Lăng hành lễ.

 

Hạo hùng kiệt, tự phụ nước giàu binh mạnh, dần kiêu ngạo. Năm thứ 4 (1468), xâm chiếm Bằng Tường ở Quảng Tây. Hoàng đế nghe tin, mệnh thủ thần phòng bị cẩn thận. Năm thứ 7 (1471), đánh phá Chiêm Thành, bắt vương nước này là Bàn La Trà Toàn. Ba năm sau lại đánh phá tiếp, bắt vương Bàn La Trà Duyệt, rồi đổi nước này thành châu Giao Nam, đặt binh đóng giữ.

 

Đường đi cống của An Nam vốn đi qua Quảng Tây. Bấy giờ Vân Nam Trấn thủ là trung quan Tiền Năng tham lam buông thả, khiển Chỉ huy Quách Cảnh đem sắc thu của cải nước này. Hạo vốn muốn dòm ngó Vân Nam, bèn lấy cớ áp giải tội nhân đến Long Châu ở Quảng Tây để theo sau Cảnh, giả vờ theo đường Vân Nam vào kinh, đòi hơn 600 phu, lại phát binh chặn phía sau. Vân Nam nhiễu loạn lớn. Binh bộ nói Vân Nam không phải đường đi cống, tội nhân ở Long Châu nên giải đến Quảng Tây, không nhất thiết phải đem đến kinh; bèn lệnh thủ thần ra hịch dụ và giữ nghiêm phòng bị biên giới.

 

Hạo đã lấy Bằng Tường, diệt Chiêm Thành, bèn xâm lấn [các châu] Quỳnh, Lôi ở Quảng Đông, cướp bãi ngọc trai. Long Châu, Hữu Bình ở Quảng Tây; Lâm An, Quảng Nam, Trấn An ở Vân Nam đều nhiều lần báo biến. Xuống chiếu cho thủ thần vặn hỏi hắn, thì liền lấy lời dối trá mà đáp. Triều đình chỉ lo qua loa, tuy nhiều lần giáng sắc dụ nhưng lời lẽ không gay gắt. Hạo càng khinh nhờn không e sợ gì, nói rằng: “Chiêm Thành vương Bàn La Trà Toàn xâm lấn đạo Hóa Châu, rồi bị em trai mình Bàn La Trà Duyệt giết. [Trà Duyệt] tự lập, lúc sắp nhận phong lại bị con trai mình Trà Chất Đài giết. Nước ấy tự loạn, không phải tội của Hạo thần.” Triều đình biết là dối trá, nhưng không tra hỏi được, chỉ khuyên bảo trả lại đất đai. Hạo tâu rằng: “Chiêm Thành không màu mỡ, trong nhà rất hiếm tích trữ của cải, ngoài đồng chẳng có cây dâu cây gai, trên núi không thu vàng bạc, dưới biển hiếm lợi cá muối, chỉ sản xuất ngà voi, sừng tê, gỗ mun, trầm hương. Có được đất nước ấy cũng không thể ở, có được dân nước ấy cũng không thể sai, có được của nước ấy cũng không đủ giàu, thế thần xâm đoạt Chiêm Thành làm gì? Chiếu chỉ lệnh thần trả lại đất đai, thì xin khiển sứ giả vạch rõ bờ cõi, để biên thùy hai nước yên ổn. Thần rất lấy làm mong mỏi.” Bấy giờ đã chiếm cứ Chiêm Thành đã lâu, mà lời lẽ càn rỡ đến như vậy.

 

Trước kia, An Nam lúc vào cống mang nhiều vật riêng, khi đi qua Bằng Tường, Long Châu thiếu người chuyển vận nên dần dấy thù hằn. Gặp lúc khiển sứ chúc mừng lập hoàng thái tử, nên có chiếu răn cấm chúng. Mùa đông năm thứ 10 (1474), Hạo khiển hơn 800 binh vượt biên giới ở Mông Tự thuộc Vân Nam, nói phao là bắt trộm cướp, tự tiện xây dinh dựng nhà để ở. Thủ thần ra sức cản, mới thoái lui.

 

Hạo đã phá Chiêm Thành, ý chí càng lớn, đích thân đốc 90.000 binh, xẻ núi làm ba đường, công phá Ai Lao, xâm lược Lão Qua, lại đại phá được, giết ba cha con Tuyên úy Đao Bản Nhã Lan Chưởng [39], con trai út Phách Nhã Trại [40] chạy sang lánh ở Bát Bách. Hạo lại tích lương luyện binh, ban ngụy sắc cho Xa Lý, trưng binh xứ này hợp công Bát Bách. Tướng sĩ chết bệnh đến mấy nghìn, đều nói là bị sét đánh. Bát Bách bèn chặn đường về của chúng, đánh úp giết hơn vạn người, Hạo mới dẫn quân về. Hoàng đế giao xuống cho triều đình bàn, thì xin lệnh Quảng Tây Bố chính ty kêu gọi Hạo rút binh và lệnh thủ thần Vân Nam, Lưỡng Quảng giới nghiêm phòng bị biên giới mà thôi. Thế rồi Hạo nói chưa từng xâm lược Lão Qua, hơn nữa còn không biết bờ cõi Bát Bách ở đâu, lời lẽ rất dối trá. Hoàng đế lại vỗ về hắn, nhưng vẫn không phụng mệnh.

 

Mùa thu năm thứ 17 (1481), Mãn Lạt Gia cũng báo mình bị xâm phạm [41]. Hoàng đế sắc dụ [An Nam] phải giữ hòa hiếu với nước láng giềng. Chưa được bao lâu sau, sứ thần [An Nam] vào cống, xin ban mũ đai theo lệ giống Xiêm La, Trảo Oa. Đồng ý, nhưng không lấy làm lệ.

 

Khi Hiếu Tông lên ngôi, mệnh Thị độc Lưu Tiễn chiếu dụ nước ấy. Sứ thần đến cống, vì có đại táng nên miễn dẫn tấu.

 

Năm Hoằng Trị thứ 3 (1490), Chiêm Thành vương Cổ Lai nhờ lực của Thiên triều mà về được nước, lại tố cáo An Nam xâm lược [42]. Binh bộ Thượng thư Mã Văn Thăng triệu sứ thần An Nam đến nói: “Về dụ chúa ngươi, giữ lấy cương thổ để hưởng thái bình. Bằng không, triều đình một sớm nổi cơn chấn nộ, thiên binh áp sát bờ cõi như việc triều Vĩnh Lạc, thì chúa ngươi còn không hối cải sao?” An Nam từ đấy mới biết sợ.

 

Năm thứ 10 (1497), Hạo mất, đặt thụy là Thánh Tông. Đổi niên hiệu hai lần: Quang Thuận 10 năm, Hồng Đức 28 năm. Con trai là Huy kế ngôi (còn có tên là Tranh), khiển sứ cáo phó. Mệnh Hành nhân Từ Ngọc đi tế, lại ban cho Huy mũ bì biện, đai da tê vàng. Sứ thần nói quốc chúa nhận tước vương mà trang phục ban cho không khác gì bề tôi dưới, nên xin đổi. Lễ quan nói: “An Nam danh là vương nhưng thực ra là bề tôi Trung Quốc. Tự vương mới lập, ắt ban mũ bì biện nhằm không làm mất sự tôn kính của chúa tể một nước, lại ban thường phục nhất phẩm để không quên đi ý nghĩa thần sự Trung Quốc. Nay xin đổi thì rối loạn chế độ tổ tông, không thể cho phép. Nhưng đây không phải tội của sứ thần, mà do kẻ thông sự nói lại tâu xằng, nên trừng phạt.” Hoàng đế đặc cách tha thứ.

 

Năm thứ 17 (1504), Huy mất, đặt thụy là Hiến Tông, dùng niên hiệu Cảnh Thống. Con trai là Thuần kế ngôi (còn có tên là Kính); vừa được 7 tháng thì mất, đặt thụy là Túc Tông. Em trai là Nghị kế ngôi (còn tên là Toàn).

 

Khi Vũ Tông lên ngôi, mệnh Tu soạn Luân Văn Tự, Cấp sự trung Trương Hoằng Chí dụ nước này. Nghị cũng khiển sứ cáo phó, nên mệnh quan đến tế như lễ thường. Năm Chính Đức thứ 1 (1506), sách phong làm vương.

 

Nghị sủng nhậm bè đảng của mẹ mình là anh em Nguyễn Chủng, Nguyễn Bá Thắng, hoành hành ngang ngược, giết hại họ hàng, hạ độc bà nội. Bọn Chủng cậy ân sủng, trộm quyền bính, vào năm thứ 4 (1509) bức Nghị tự sát [43], ủng lập em trai mình Bá Thắng, biếm Nghị làm Lệ Mẫn vương. Người trong nước là bọn Lê Quảng đánh dẹp chúng, lập cháu Hạo là Trừu, đổi thụy cho Nghị thành Uy Mục đế. Nghị ở ngôi 4 năm, dùng niên hiệu Đoan Khánh.

 

Trừu còn tên là Oanh, vào năm thứ 7 (1512) nhận phong, làm nhiều việc bất nghĩa. Năm thứ 11 (1516), quan đốt hương ở xã đường là Trần Cảo cùng hai con trai Bính, Thăng làm loạn, giết Trừu rồi tự lập [44], giả mạo là hậu duệ tiền vương họ Trần, lại xưng Đại Ngu hoàng đế, đổi niên hiệu thành Ứng Thiên, biếm Trừu làm Linh Ẩn vương. Bề tôi của Trừu là Đô lực sĩ Mạc Đăng Dung ban đầu theo Cảo, về sau cùng đại thần của họ Lê là bọn Nguyễn Hoằng Dụ khởi binh đánh dẹp hắn. Cảo thua chạy, [Đăng Dung] bắt được Bính và bọn bè đảng Trần Toại. Cảo và Thăng chạy đến đạo Lạng Sơn, chiếm cứ ba phủ Trường Ninh [45], Thái Nguyên, Thanh Tiết [46] tự giữ. Bọn Đăng Dung bèn cùng lập cháu trai Trừu là Huệ, đổi thụy cho Trừu thành Tương Dực đế. Trừu ở ngôi 7 năm, dùng niên hiệu Hồng Thuận.

 

Huệ sắp xin phong, thì do nước loạn nên không làm được. Vì Đăng Dung có công nên phong làm Vũ Xuyên bá, cầm hết các quân thủy lục. [Đăng Dung] đã nắm binh quyền, dần sinh chí khác. Bề tôi họ Lê là Trịnh Tuy thấy Huệ chỉ có hư vị, nên lập riêng người trong tộc là Dậu Bảng [47], phát binh công đô thành; Huệ chạy trốn. Đăng Dung đánh phá binh của Tuy, bắt Dậu Bảng giết đi. [Đăng Dung] càng cậy công ngang ngược, rồi ép mẹ của Huệ cưới mình [48], đón Huệ về, tự làm Thái phó Nhân quốc công. Năm thứ 16 (1521), cầm binh tấn công Cảo; Cảo thua chết.

 

Năm Gia Tĩnh thứ 1 (1522), Đăng Dung tự xưng An Hưng vương, mưu giết Huệ. Mẹ của Huệ được báo, bèn cùng bề tôi Đỗ Ôn Nhuận bí mật chạy trốn vào ở Thanh Hoa. Đăng Dung lập em trai thứ của Huệ là Quảng, dời về sống tại phủ Trường Khánh ở Hải Đông. Khi Thế Tông lên ngôi, mệnh Biên tu Tôn Thừa Ân, Cấp sự trung Du Đôn chiếu dụ nước này. Đến Long Châu thì nghe tin trong nước loạn lớn, đường không thông, bèn quay về. Mùa hè năm thứ 4 (1525), Huệ khiển sứ ngầm đi thông cống và xin phong, nhưng bị Đăng Dung cản trở. Mùa xuân năm sau (1526), Đăng Dung hối lộ Khâm châu Phán quan Đường Thanh, xin phong cho Quảng. Tổng đốc Trương Đĩnh bắt Thanh, nên Thanh chết trong ngục.

 

Năm thứ 6 (1527), Đăng Dung lệnh bè đảng Phạm Gia Mô làm giả chiếu nhường ngôi của Quảng để soán ngôi, đổi niên hiệu thành Minh Đức, lập con trai mình Phương Doanh làm Hoàng thái tử. Lại hạ độc giết Quảng, đặt thụy là Cung hoàng đế. Năm sau (1528), khiển sứ đi cống, đến thành Lạng Sơn bị tấn công phải trở về.

 

Năm thứ 9 (1530), Đăng Dung nhường ngôi cho Phương Doanh, tự xưng Thái thượng hoàng, dời đến sống ở Đô Trai tại Hải Dương, làm ngoại viện cho Phương Doanh, ra bản “Đại cáo” 59 điều ban cho người trong nước. Phương Doanh đổi niên hiệu thành Đại Chính. Tháng 7 năm ấy, Lê Huệ mất ở Thanh Hoa, mất nước [49].

 

Mùa đông năm thứ 15 (1536), hoàng tử sinh, nên định ban chiếu cho An Nam. Lễ quan Hạ Ngôn nói: “An Nam không cống đã hai mươi năm. Thủ thần Lưỡng Quảng nói rằng Lê Huệ, Lê Quảng đều không phải con đích do Lê Trừu ứng lập; Mạc Đăng Dung, Trần Cảo cùng là bọn bề tôi soán nghịch ở nước ấy. Nên khiển quan xét hỏi, tìm đúng tên kẻ tội nhân. Hơn nữa sứ giả lần trước đã thấy đường chắn không thông, nay nên tạm ngưng sứ mệnh.” Hoàng đế thấy An Nam phản nghịch rõ ràng, nên khiển gấp quan đi khám xét, mệnh Ngôn cùng Binh bộ bàn việc chinh thảo. Ngôn và bọn Trương Toản nói rằng nghịch thần soán chúa đoạt nước, triều cống không tu, quyết nên đánh dẹp; xin khiển trước hai quan Cẩm Y đến sát hạch sự thực, sắc thủ thần Lưỡng Quảng, Vân Nam chỉnh binh tích lương để đợi thời cơ ra quân. Xuống chế đồng ý, mệnh bọn Thiên hộ Đào Phụng Nghi, Trịnh Tỷ chia nhau đi đến Quảng Tây, Vân Nam, vặn hỏi đúng tên tội nhân; sắc thủ thần Tứ Xuyên, Quý Châu, Hồ Quảng, Phúc Kiến, Giang Tây chuẩn bị binh và lương đợi điều động. Hộ bộ Thị lang Đường Trụ dâng sớ, ra sức trần tình bảy điểu không thể dụng binh, bảo phải làm rõ sự tình nước ấy, cuối cùng nói: “An Nam tuy loạn nhưng vẫn thường dâng biểu chương, trình phương vật, đến cửa ải xin vào. Thủ thần thấy tên họ không đúng nên từ chối. Đấy là họ muốn cống mà không được, không phải cậy mạnh nên không cống.” Tấu chương giao xuống Binh bộ, cũng cho là đúng, mệnh đợi khám quan về sẽ bàn lại.

 

Năm thứ 16 (1537), Lê Ninh [127] nước An Nam khiển người trong nước là bọn Trịnh Duy Liêu đến kinh, trần tình hết việc Đăng Dung soán thí, nói rằng: “Ninh là con của Huệ. Khi Huệ mất, người trong nước lập Ninh làm thế tôn, tạm làm chủ việc nước. Nhiều lần đưa thư cho biên thần báo nạn, đều bị Đăng Dung chặn giết. Xin hưng quân hỏi tội, trừ gấp giặc nước.” Bấy giờ Nghiêm Tung nắm Lễ bộ, cho rằng lời lẽ của chúng chưa thể tin vội nên xin giữ lại, chờ khám quan về tâu. [Hoàng đế] đồng ý, rồi triệu bọn Phụng Nghi về, mệnh hai bộ Lễ, Binh cùng đình thần bàn. [Triều đình] liệt kê mười tội lớn của Đăng Dung, xin vua quyết ngay để kịp thời cơ chinh phạt. Bèn gọi Hữu đô ngự sử Mao Bá Ôn từ nhà vào làm Tham tán quân vụ; mệnh Hộ bộ Thị lang Hồ Liễn, Cao Công đi trước đến Vân Nam, Quý Châu, Lưỡng Quảng điều độ quân lương; lấy Đô đốc Thiêm sự Giang Hoàn, Ngưu Hoàn làm Tả, Hữu phó tổng binh, đốc quân chinh thảo, còn đại tướng thì đợi mệnh sau. Binh bộ lại vâng chiếu trình bày 12 điều cần thiết khi dụng binh. Chỉ có Thị lang Phan Trân không nghe, kháng sớ can gián, Hoàng đế giận nên cách chức Trân. Lưỡng Quảng Tổng đốc Phan Đán cũng dâng sớ xin hoãn mệnh trước, nói rằng: “Triều đình sắp hưng quân hỏi tội, Đăng Dung liền có sứ xin cống. Nên nhân đó đồng ý, giới nghiêm xem biến, để cho nước ấy tự định đoạt.” Nghiêm Tung, Trương Toản xem trộm chỉ của Hoàng đế, ra sức nói không thể tha tội; lại nói rằng Lê Ninh ở Thanh Đô mưu đồ khôi phục, mà Đán xin để nước này tự định, dâng biểu xin cống, thì quyết không thể cho phép. Sớ của Đán bị ỉm đi.

 

Tháng 5, Bá Ôn đến kinh, tâu lên sáu việc phương lược. [Bá Ôn] thấy không thể cộng sự với Đán nên xin đổi đi, ưu ái xuống chỉ đồng ý. Khi lời bàn của Binh bộ dâng lên, Hoàng đế bỗng nhiên đổi ý, cho rằng Lê Ninh thực hay giả chưa thẩm tra được, nên lệnh tạm hoãn việc thủ thần ba phương đi theo các đại thần đánh dẹp, tham tán, đốc lương. Điều Đán đi nơi khác, lấy Trương Kinh thay thế. Bấy giờ Ngự sử Từ Cửu Hao, Cấp sự trung Tạ Đình trình bày về việc tu tỉnh, cũng xin bãi quân nam chinh.

 

Tháng 8, Vân Nam Tuần phủ Uông Văn Thịnh báo rằng bắt được gián điệp của Đăng Dung và bản “Đại cáo” hắn làm ra. Hoàng đế cả giận, mệnh thủ thần vẫn tuân theo chiếu trước mà chinh thảo. Bấy giờ Văn Thịnh chiêu nạp cựu thần họ Lê là Vũ Văn Uyên, có được địa đồ tiến binh, cho rằng sẽ phá được Đăng Dung, bèn dâng lên triều đình. Quảng Đông Án thần [50] Dư Quang nói: “Mạc soán Lê, mà Lê lại soán Trần, không khác gì nhau. Song tội không lớn, nên bắt xưng thần tu cống, không nhất thiết viễn chinh, làm mệt nhọc Trung Quốc. Thần đã khiển sứ tuyên dụ, nếu như chúng đến quy phụ thì nên nhân đó thu nạp.” Hoàng đế thấy Quang khinh suất nên tước bổng lộc một năm. Văn Thịnh liền truyền hịch cho An Nam, rằng nếu Đăng Dung biết trói mình quy mệnh, dâng sổ sách và bản đồ, sẽ được tha chết. Vì thế cha con Đăng Dung khiển sứ dâng biểu xin hàng, lại đưa thư cho Văn Thịnh và Kiềm quốc công Mộc Triều Phụ, thuật lại việc họ Lê suy loạn, Trần Cảo phản nghịch, mình và Phương Doanh có công nên được người trong nước quy phụ, đất đai sở hữu đã chép trong sách Nhất thống chí [51], xin được tha tội, tu cống theo thể chế. Bọn Triều Phụ vào tháng 3 năm thứ 17 (1538) tâu lên. Nhưng Lê Ninh nhận chiếu trước, sợ Thiên triều cuối cùng thu hàng Đăng Dung nên trình bày đầu đuôi việc soán thí ở nước mình, số lượng quân mã và đường tiến binh thủy lục để đem dâng. Giao tất cả xuống Binh bộ, tập hợp đình thần bàn. Khiêm nói tội của họ Mạc không thể xá, nên tiến quân gấp, xin lấy Nguyên Suy Hàm Ninh hầu Cừu Loan làm Tổng đốc quân vụ, Bá Ôn vẫn làm Tham tán theo giúp.

 

Trương Kinh tâu rằng:

Có sáu đường tiến binh sang An Nam, binh cần dùng 300.000 [người], lương thực một năm cần dùng 1.600.000 [thạch], các thứ phí đóng thuyền, mua ngựa, chế vũ khí, khao quân lại cần hơn 700.000 [lạng bạc]. Huống hồ ta điều đại quân vượt biển nóng, còn chúng có thế dĩ dật đãi lao, nên không thể không thẩm tra kĩ.”

Sớ vừa dâng lên thì Khâm châu Tri châu Lâm Hy Nguyên lại ra sức trình bày rằng với tình trạng của Đăng Dung có thể thắng được. Binh bộ không quyết được, lại xin triều đình bàn. Khi lời bàn dâng lên, Hoàng đế không bằng lòng, nói rằng:

Trẫm nghe khanh sĩ đại phu bàn riêng, đều bảo không đáng hưng quân. Bọn ngươi nắm giữ việc nước mà không chịu chủ trì, đùn đẩy cho hội nghị, không hiệp tâm mưu quốc, thật quá lắm! Loan và Bá Ôn sẽ được dùng vào việc khác.”

 

Năm thứ 18 (1539), sách lập Hoàng thái tử, vẫn ban chiếu cho An Nam. Đặc cách cất nhắc Hoàng Oản làm Lễ bộ Thượng thư, Học sĩ Trương Trì làm phó, đi sứ nước này. Mệnh vừa mới ban xuống, Phương Doanh đã khiển sứ dâng biểu xin hàng và ghi chép đất đai, hộ khẩu của mình, đợi Thiên triều phân định, gồm 53 phủ, 49 châu, 176 huyện. Hoàng đế nhận lấy, giao xuống cho hai bộ Lễ, Binh cùng bàn. Đến tháng 7, Oản vẫn chưa đi. Thấy hắn làm trái chỉ không tròn chức, bèn hoãn sứ mệnh. Ban đầu, lời bàn chinh thảo bắt nguồn từ Hạ Ngôn. Hoàng đế trách Oản xong thì nhân đó nổi giận nói: “Chuyện An Nam vốn do một người xướng, cả lũ hùa theo, rồi giễu ta nghe theo kế của Ngôn nên cùng bày lời xằng. Nước ấy bỏ hay đánh, nên bàn cho chắc. Binh bộ phải lập tức họp bàn rồi báo lên.” Vì thế Toản và đình thần hoảng sợ, xin làm như chiếu trước, vẫn khiển Loan và Bá Ôn nam chinh; nếu như cha con Đăng Dung trói tay quy mệnh, không có lòng khác thì được tha tội chết. [Hoàng đế] đồng ý. Đăng Dung nghe tin thì mừng rỡ.

 

Năm thứ 19 (1540), bọn Bá Ôn đến Quảng Tây, lấy ý nạp khoản tha tội để truyền hịch dụ. Bấy giờ Phương Doanh đã mất, Đăng Dung liền khiển sứ xin hàng. Tháng 11, [Đăng Dung] đem con trai Văn Minh và bộ mục 42 người vào Trấn Nam quan, xõa tóc rối, đi chân đất, lê lết khấu đầu trên đàn, dâng biểu xin hàng. Bá Ôn theo chiếu xá tội. [Đăng Dung] lại đến cửa quân lê lết bái lạy, dâng sổ sách đất đai, quân dân, xin vâng chính sóc, mãi làm phiên thần. Bọn Bá Ôn tuyên rõ uy đức, lệnh về nước đợi mệnh. Khi sớ báo lên, Hoàng đế vui mừng, mệnh hạ An Nam quốc thành An Nam Đô thống sứ ty, trao Đăng Dung chức Đô thống sứ, trật tòng nhị phẩm, ấn bạc. Những chế độ trước kia tiếm đoạt bắt chước đều trừ bỏ. Đổi 13 đạo thành 13 Tuyên phủ ty, đều đặt Tuyên phủ, Đồng tri, Phó sứ, Thiêm sự, do Đô thống thăng giáng. Quảng Tây hằng năm cấp cho lịch Đại Thống, vẫn ba năm cống một lần như thường. Ra lệnh sát hạch Lê Ninh thật hay giả, nếu quả thực là hậu duệ họ Lê thì cắt cho 4 phủ đã chiếm để lo việc tế tự, nếu không thì thôi. Chế ban xuống, Đăng Dung kính sợ nhận mệnh.

 

Năm thứ 22 (1543), Đăng Dung mất, con trai của Phương Doanh là Phúc Hải nối chức, khiển bọn Tuyên úy Đồng tri Nguyễn Điển Kính đến triều. Năm thứ 25 (1546), Phúc Hải mất, con trai là Hoành Dực nối chức.

 

Ban đầu, Đăng Dung nhận người [huyện] Thạch Thất là Nguyễn Kính làm con nuôi, phong Tây Ninh hầu. Kính có con gái gả cho con trai thứ của Phương Doanh là Kính Điển, nhân đó thông đồng với vợ của Phương Doanh là Vũ thị, nắm được binh quyền. Hoành Dực khi lập mới 5 tuổi, Kính càng chuyên quyền ngang ngược. Con trai thứ của Đăng Dung là Chính Trung và Văn Minh lánh ở Đô Trai, bọn cùng lứa Nguyễn Như Quế, Phạm Tử Nghi cũng lánh ở thôn quê. Kính cử binh áp sát Đô Trai, bọn Chính Trung, Như Quế, Tử Nghi chống cự nhưng không thắng. Chính Trung, Văn Minh đem gia thuộc chạy sang châu Khâm, Tử Nghi thu tàn binh chạy đến Hải Đông. Kính phao tin Hoành Dực đã mất, lấy cớ đón Chính Trung về lập để xâm phạm châu Khâm, bị Tham tướng Du Đại Du đánh bại rồi xử tử.

 

Lúc Hoành Dực mới lập, khiển sứ Lê Quang Bí đi cống. Đến Nam Ninh thì thủ thần báo lên. Lễ quan thấy nước này nội loạn, danh chưa phân định, nên ngăn sứ không cho tiến dâng, rồi lệnh thủ thần sát hạch ai là kẻ đang ở ngôi. Đến năm thứ 30 (1551) sự đã rõ, nên mệnh Hoành Dực nhận chức Đô thống sứ, lên cửa quan lĩnh điệp. Gặp lúc bộ mục Lê Bá Ly và bề tôi của Lê Ninh là Trịnh Kiểm hợp binh đến đánh, Hoành Dực chạy ra Hải Dương, không đi được. Bọn Quang Bí ở lại Nam Ninh 15 năm, số người và của cải trong sứ đoàn còn quá nửa. Hoành Dực nhờ thủ thần xin thay cho mình, nên xuống chiếu cho vào kinh, còn giấy cáo thân [132] Đô thống thì đợi Hoành Dực đến cửa quan sẽ cấp.

 

Năm thứ 43 (1564), Hoành Dực mất, con trai là Mậu Hợp nối chức. Năm Vạn Lịch thứ 1 (1573), nhận chức Đô thống sứ. Năm thứ 3 (1575), khiển sứ tạ ơn và chúc mừng lên ngôi, dâng phương vật, lại bổ sung cống phẩm mấy năm trước thiếu.

 

Bấy giờ họ Mạc suy dần, họ Lê phục hưng, dấy binh đánh lẫn nhau, nước này thêm khốn khổ. Ban đầu Lê Ninh chiếm cứ Thanh Hoa, vẫn tiếm đế hiệu, vào năm Gia Tĩnh thứ 9 (1530) đổi niên hiệu thành Nguyên Hòa [53]. Ở ngôi bốn năm thì bị Đăng Dung tấn công nên chạy đến biên giới Chiêm Thành. Người trong nước lập em trai là Hiến, đổi niên hiệu thành Quang Chiếu [54]. Năm thứ 15 (1537), biết chỗ của Ninh, nên đón về Thanh Hoa, về sau dời đến sông Tất Mã. Khi Ninh mất, bề tôi Trịnh Kiểm lập con trai Ninh là Sủng. Khi Sủng mất, người trong nước cùng lập cháu bốn đời của Lê Huy là Duy Bang. Khi Duy Bang mất, con trai Kiểm là Tùng lập con trai Duy Bang là Duy Đàm. Đời đời ở Thanh Hoa, tự làm một nước.

 

Năm Vạn Lịch thứ 19 (1591), Duy Đàm mạnh dần, cử binh tấn công Mậu Hợp. Mậu Hợp thua, chạy đến huyện Gia Lâm. Mùa đông năm sau (1592), Tùng dụ thổ nhân làm nội ứng [55], đánh úp giết Mậu Hợp, đoạt ấn Đô thống sứ, thân đảng đa phần bị hại. Có tên Mạc Đôn Nhượng chạy đến Phòng Thành cáo nạn, Tổng đốc Trần Cừ báo lên. Tùng lại bắt được Đôn Nhượng, thế càng mạnh. Con trai Mậu Hợp là Kính Cung và họ hàng là bọn Lí Tốn chạy đến châu Tư Lăng ở Quảng Tây; Mạc Lí Cơ chạy đến châu Khâm. Một mình Mạc Kính Bang [56] có hơn mười vạn quân, nổi dậy ở đạo Kinh Bắc, đánh đuổi các quân của bè đảng họ Lê là Phạm Bội Thúy, Phạm Bách Lộc, đem được Đôn Nhượng về. Dân chúng bèn suy tôn Kính Bang giữ chức Đô thống, số lưu ngụ ở Tư Lăng và châu Khâm đều trở về. Quân Lê tấn công châu Nam Sách, Kính Bang bị giết, thế họ Mạc càng suy. Kính Cung, Kính Dụng đóng ở Lạng Sơn, Cao Bằng; Kính Chương đóng ở Đông Hải, Tân An, sợ quân Lê truy đuổi nên chạy đến biên giới Long Châu, Bằng Tường. [Triều đình] lệnh thổ quan liệt kê sự trạng báo cáo quan đương nhiệm. Duy Đàm cũng lên cửa quan khấu đầu, xin thông cống và đúc cho ấn vàng quốc vương.

 

Năm thứ 21 (1593), bọn Quảng Tây Tuần phủ Trần Đại Khoa tâu lên: “Nước Man đổi họ như đánh cờ, không nên xét việc chúng phản phục nhau theo lẽ thuận nghịch, chỉ nên xét việc chúng phản phục ta theo lẽ thuận nghịch. Nay Duy Đàm tuy mưu đồ khôi phục, nhưng Mậu Hợp vốn là ngoại thần của Thiên triều, sao hắn được phép không xin mệnh mà thản nhiên giết đi? Trộm nghĩ họ Lê có tội tự tiện nổi lên, không thể không hỏi đến. Tàn dư họ Mạc trơ trọi, cũng không thể không giữ lại. Chi bằng như việc cũ của triều trước, cho họ Lê nạp khoản mà vẫn giữ họ Mạc, như chuyện sông Tất Mã, cũng không cắt đứt tế tự, theo kế ấy là tiện.” Triều đình bàn nên làm theo lời ấy.

 

Năm sau (1594), Đại Khoa vừa khiển quan đến xem xét, Kính Dụng liền khiển sứ đến cửa quân khấu đầu cáo nạn, lại xin binh. Mùa thu năm sau (1595), Duy Đàm cũng khiển sứ tạ tội, xin nạp khoản. Bấy giờ Đại Khoa đã là Lưỡng Quảng Tổng đốc, cùng Quảng Tây Tuần phủ Đới Diệu đều hỏi Tả Giang phó sứ Dương Dần Thu. Dần Thu hiến kế rằng: “Không chống Lê, cũng không bỏ Mạc, sách lược của ta sẽ định.” Hai lần khiển quan đi hỏi, đem việc bọn Kính Cung nguyện ở Cao Bằng báo lên, mà sứ giả của Đàm cũng mấy lần đến xin nạp khoản. Dần Thu bèn hẹn với chúng rồi báo cho Tổng đốc, Tuần phủ. Gặp lúc Kính Chương đem quân đến Vĩnh An, bị quân họ Lê đánh bại, đất Đông Hải, Tân An mất hết, vì thế càng quyết cho nạp khoản.

 

Bấy giờ Duy Đàm mưu đồ phục danh, không muốn chịu như Đăng Dung, không có ý trói thân vào ải. Dần Thu lại khiển quan dụ hắn. Sứ giả đến báo như giao ước, nhưng tới hẹn bỗng nói với lại viên ở cửa quan rằng: “Sĩ tốt đói bệnh, chưa chuẩn bị lễ nghi nạp khoản. Hơn nữa họ Mạc là cừu thù của tôi, vẫn còn ở Cao Bằng, chưa dám nghe mệnh.” Rồi bỏ trốn giữa đêm. Bọn Đại Khoa dâng sớ, nói rằng vì bề tôi nước ấy Trịnh Tùng chuyên quyền nên mới làm vậy. Duy Đàm lại khiển sứ lên cửa quan khấu đầu, bạch rằng mình không trốn. Bọn Đại Khoa khiển quan dụ lần nữa, thì Duy Đàm nghe mệnh.

 

Năm thứ 25 (1597), khiển sứ xin hẹn. Dần Thu nói rằng lấy tháng 4. Đến hẹn, Duy Đàm đến ngoài cửa ải. Dịch giả vặn hỏi sáu việc. Đầu tiên hỏi việc giết Mậu Hợp, đáp rằng: “Phục thù gấp, không kịp xin mệnh.” Thứ đến hỏi tông phái của Duy Đàm, đáp: “Là cháu ruột, ông tổ là Huy, Thiên triều từng ban mệnh.” Thứ đến hỏi về Trịnh Tùng, đáp: “Đấy là bề tôi nhiều đời của họ Lê, không phải làm loạn họ Lê.” Thế giữa đêm trốn đi đâu, đáp: “Thấy nghi thức không cấm, không phải trốn.” Tại sao dùng biểu chương của bậc vương, đáp: “Tạm phỏng theo vậy, khi lập sẽ bỏ đi.” Chỉ có việc cắt Cao Bằng cho họ Mạc là vẫn kiên trì không chịu, nên lại dụ rằng: “Đều là cống thần, Lê trước ở sông Tất Mã được, Mạc lại không thể ở Cao Bằng sao?” Bèn nghe mệnh. Trao cho hắn nghi tiết nạp khoản ở cửa quan để tập theo. Duy Đàm dẫn thuộc hạ vào cửa quan bái yết màn ngự, giống như nghi thức cũ của Đăng Dung. Khi lui ra yết kiến Dần Thu thì xin dùng lễ giữa chủ và khách; Dần Thu không đồng ý, nên bái bốn lần rồi lui. An Nam lại yên. Xuống chiếu trao Duy Đàm chức Đô thông sứ, ban lịch nộp cống, giống như việc cũ của họ Mạc.

 

Trước kia, người vàng thế thân do Lê Lợi và Mạc Đăng Dung dâng đều xõa tóc trói quặt tay. Duy Đàm thấy đã khôi phục danh chính nên [làm tượng] đứng thẳng, dung mạo nghiêm chỉnh. Quan đương nhiệm ngờ hắn ngạo mạn, lệnh phải đổi kiểu khác. [Duy Đàm] bèn làm hình dạng phủ phục, khắc trên lưng rằng: “Cháu ruột họ Lê nước An Nam là bề tôi Lê Duy Đàm không lê lết đến cửa trời được, nên cung tiến người vàng thế thân, hối tội xin ơn.” Từ đấy An Nam lại là của họ Lê, nhưng họ Mạc vẫn giữ một quận Cao Bằng.

 

Năm thứ 27 (1599), Duy Đàm mất, con trai Duy Tân nối chức. Trịnh Tùng thâu tóm quyền bính. Gặp lúc tù trưởng Phan Ngạn dấy loạn, Duy Tân và Tùng chạy về giữ Thanh Hóa. Năm thứ 34 (1606), khiển sứ vào cống, nên mệnh trao chức Đô thống sứ. Bấy giờ tông đảng họ Mạc đa phần bỏ xứ đến nơi góc bể, thường hay tiếm xưng danh hiệu công hầu bá, xâm lấn biên cảnh, Duy Tân cũng không chế ngự được. Thủ thần ra hịch hỏi, mấy lần phát binh đến tiễu trừ. Tuy có lúc phá diệt được, nhưng cõi biên chịu hại rất nhiều.

 

Khi Duy Tân mất, con trai là Duy Kỳ nối chức. Năm Thiên Khải thứ 4 (1624), phát binh đánh Mạc Kính Khoan, thắng được, giết con trai lớn của hắn, bắt thê thiếp và con trai út đem về. Kính Khoan và con trai thứ trốn vào trong núi, rồi lại quay về Cao Bằng, thế càng yếu. Nhưng suốt đời Minh hai họ chia nhau cát cứ, cuối cùng vẫn không quy về một mối.

 

Kinh đô An Nam nằm ở Giao Châu, tức là trị sở đô hộ thời Đường. Cương vực nước này phía đông kề biển, phía tây tiếp giáp Lão Qua, phía nam cách biển là Chiêm Thành, phía bắc nối liền Tư Minh, Nam Ninh của Quảng Tây và Lâm An, Nguyên Giang của Vân Nam. Đất màu mỡ, khí hậu nóng, trồng hai vụ một năm. Tính người hung hãn. Hai châu Hoan, Diễn nhiều người có văn học, hai châu Giao, Ái nhiều kẻ tài giỏi [57], coi miền khác là lạ.

 

***

 Chú thích:

1. Lương vương: Tức Basalawarmi (?-1382), tông thất nhà Nguyên, cát cứ Vân Nam sau khi triều đình Nguyên sụp đổ ở Trung Hoa.

2. Dịch Tế: Đại Việt sử ký toàn thư viết là Dịch Tế Dân.

3. Khâm tai: Dùng ở cuối các chiếu chỉ của vua chúa xưa kia, có nghĩa là “hãy nhớ lấy mà làm theo”.

4. Nguyên văn là “nhạc độc”, tức Ngũ nhạc tứ độc, gồm 5 ngọn núi Thái, Hoa, Tung, Hằng, Hoành và 4 con sông Hà, Giang, Hoài, Tế, những địa danh linh thiêng trong quan niệm người Trung Hoa.

5. Chỉ chiến dịch đánh dẹp tàn dư triều Bắc Nguyên ở vùng sa mạc Gobi, Mông Cổ.

6. Theo Minh thực lục, sự kiện này diễn ra vào năm 1380.

7. Khâu Ôn, Như Ngao, Khánh Viễn, Uyên, Thoát: Đều thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

8. Nhậm thượng thư: Tức Nhậm Hanh Thái nhắc đến ở trên.

9. Dương thượng thư: Tức Dương Tĩnh nhắc đến ở trên.

10. “Nhật Côn” và “Ngung” thực ra đều là tên của Trần Thuận Tông, nhưng ở đây sử Minh nhầm thành hai người.

11. Điếu phạt: Tức “điếu dân phạt tội”, nghĩa là vì dân mà đánh dẹp kẻ có tội.

12. Kế tuyệt: Lấy từ câu “Hưng diệt quốc, kế tuyệt thế” trong sách Luận ngữ, nghĩa là giúp đỡ khôi phục lại đất nước đã bị tiêu diệt và tiếp nối dòng dõi đã bị cắt đứt.

13. Đông Đô: Tức kinh thành Thăng Long cũ, sau khi nhà Hồ dời đô về Thanh Hóa thì đổi tên thành Đông Đô.

14. Tây Đô: Ở đây chỉ phủ Lị Nhân (Phủ Lý, Hà Nam ngày nay), không phải thành nhà Hồ ở Thanh Hóa.

15. Sông Mộc Hoàn: Đoạn sông Hồng chảy qua Phú Xuyên, Hà Nội.

16. Cửa biển Kỳ La: Nay là cửa Nhượng, Hà Tĩnh.

17. Tam ty: Là các cơ quan chức năng cấp tỉnh thời Minh, gồm Thừa tuyên bố chính sứ ty (phụ trách hành chính, hộ tịch, thuế khóa), Đề hình án sát sứ ty (phụ trách xét xử, kiện tụng) và Đô chỉ huy sứ ty (phụ trách an ninh, quân sự).

18. Bàn Than: Tức Bình Than, nằm ở khoảng hợp lưu giữa sông Đuống và sông Thái Bình.

19. Nam Kỳ: Một tỉnh thời Minh, còn gọi là Nam Kinh hay Nam Trực Lệ. Nay thuộc địa bàn Giang Tô và An Huy.

20. Sông Hoàng, sông A, sông Phúc Thành: Thuộc vùng hạ lưu sông Đáy.

21. Cửa biển Thần Đầu: Cửa biển xưa, nằm ở vùng giáp ranh giữa huyện Yên Mô tỉnh Ninh Bình và huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, nay đã bị bồi lấp.

22. Sông Ngu: Tức đoạn sông Mã chảy qua huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa.

23. Hội Triều, Linh Trường: Hội Triều tức cửa chính của sông Mã, Linh Trường tức cửa Lạch Trường.

24. Xiêm Man: Ở đây chỉ các sắc dân thiểu số ở miền núi phía tây Bình-Trị-Thiên, không nên nhầm lẫn với nước Xiêm La (Thái Lan).

25. Nguyên văn là “hàm mai” (銜枚), nghĩa là bắt quân sĩ ngậm một vật gì đó trong miệng (thường là thẻ bằng tre, gỗ) để giữ im lặng khi hành quân.

26. Các nguồn sử sách nước ta không đề cập đến việc này.

27. Lương Nhữ Hốt: Người Thanh Hóa, làm quan cho Minh đến chức Bố chính ty Tham chính. Về sau bị vua Lê xử tử.

28. Giặc áo đỏ: Là các nhóm sắc tộc thiểu số nổi dậy ở vùng núi Tây Bắc Bộ từ cuối thời Trần cho đến thời thuộc Minh. Theo Minh thực lục, trang phục truyền thống của họ có màu đen, riêng phần ngực màu đỏ, nên có tên này.

29. Vị sự quan: Quan lại phạm lỗi bị giáng chức, chờ lập công chuộc tội.

30. Ải Lưu quan: Một cửa ải nằm về phía bắc Chi Lăng quan, thuộc địa phận huyện Chi Lăng, Lạng Sơn ngày nay.

31. Trên thực tế thành Xương Giang bị hạ vào tháng 9 âm lịch năm ấy. Tháng 4 là thời điểm tin Xương Giang bị vây truyền về Minh, nên sử đã chép nhầm.

32. Minh Quang: Tức là Tuyên Quang.

33. Hưng Hóa: Nguyên văn viết nhầm thành Lạng Hóa.

34. Trên thực tế danh sách 13 đạo này và thể chế tam ty chỉ được áp dụng từ thời Lê Thánh Tông. Minh sử chép vào đoạn này là không chính xác.

35. Bì biện: Loại mũ cổ dành cho vua quan, may bằng da hươu.

36. Minh Anh Tông cai trị lần thứ nhất từ năm 1435 đến 1449 thì bị quân Mông Cổ bắt tại trận Thổ Mộc. Minh Đại Tông lên thay, nhưng chỉ một năm sau Anh Tông được thả về. Đến năm 1457, Anh Tông lại soán ngôi Đại Tông để cai trị lần thứ hai.

37. Nguyên văn chép nhầm chữ “Thái Hòa” (太和) thành “Đại Lợi” (大利).

38. Nguyên văn chép nhầm chữ “Thiên Hưng” (天興) thành “Thiên Dư” (天與).

39. Đao Bản Nhã Lan Chưởng: Phiên âm từ danh hiệu “Tao Phanya Lan Sang” trong tiếng Lào, nghĩa là “vua của nước Lan Xang”. Vua Lan Xang lúc bấy giờ là Chakkaphat, khi bị quân Đại Việt tiến đánh thì bỏ kinh đô Luang Prabang chạy đến Vientiane, rồi mất ở đấy.

40. Phách Nhã Trại: Có lẽ là Souvanna Banlang, kế vị ngôi vua Lan Xang từ cha mình.

41. Theo Minh thực lục, một sứ đoàn Malacca trôi dạt vào bờ biển Đại Việt năm 1470 đã bị giết hại và bắt làm nô tì.

42. Về việc Cổ Lai dựa vào thế lực nhà Minh để lên ngôi vua Champa, xem Chiêm Thành truyện.

43. Trên thực tế vua Uy Mục bị quân nổi dậy của Lê Oanh (tức vua Tương Dực) lật đổ rồi bắt giết.

44. Trên thực tế vua Tương Dực bị Trịnh Duy Sản giết.

45. Trường Ninh: Đúng ra là Trường Khánh. Phủ Trường Khánh thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn ngày nay.

46. Thanh Tiết: Không rõ là địa danh nào.

47. Lê Dậu Bảng: Tức Lê Bảng, cháu năm đời của Lê Thái Tông, thuộc dòng dõi của Cung vương Lê Khắc Xương. Lê Bảng được Trịnh Tuy lập lên ngôi để tranh đoạt với Lê Chiêu Tông, nhưng sau nửa năm bị Tuy phế, thay bằng em trai là Lê Do.

48. Sử sách nước ta không chép việc này.

49. Theo sử sách nước ta, Lê Chiêu Tông bị quân họ Mạc bắt ở Thanh Hoa vào năm 1525, rồi bị giết hại năm 1527.

50. Án thần: Tức là quan ở Án sát sứ ty các tỉnh.

51. Nhất thống chí: tức Đại Minh nhất thống chí (1461), ghi chép địa lý chính thức của triều đình Minh.

52. Cáo thân: Văn bằng do triều đình cấp để bổ nhiệm hay phong thưởng quan chức.

53. Trên thực tế Lê Trang Tông đã dùng niên hiệu Nguyên Hòa từ năm 1533.

54. Sử sách nước ta không ghi nhận việc này.

55. Chỉ việc Bùi Văn Khuê bỏ nhà Mạc theo về quân Lê.

56. Mạc Kính Bang: Con trai út của Khiêm vương Mạc Kính Điển. Theo sử sách nước ta thì anh cả của Kính Bang là Kính Chỉ mới là thủ lĩnh lực lượng họ Mạc ở Kinh Bắc.

57. Câu này trích lại từ sách An Nam chí lược thời Nguyên.


(Dịch thuật và chú thích: Quốc Bảo)

Comments