Hung Nô truyện (thượng)
Hán thư – Quyển 94
***
Tượng vàng hình hươu của người Hung Nô.
Tổ tiên Hung Nô là dòng dõi Hạ Hầu thị [1], tên là Thuần Duy (淳維). Thời Đường Ngu [2] về trước có Sơn
Nhung (山戎), Hiểm Duẫn (獫狁),
Huân Chúc (葷粥) sống ở biên giới phía bắc, di cư tìm
nơi có cỏ để chăn súc. Súc vật có nhiều là ngựa, bò, dê; súc vật lạ thì có lạc
đà, lừa, chấp [3] , khoái đề [4], đào dư [5], đàn hề [6]. Di cư theo cỏ nước,
không có thành quách cố định, không có nghiệp cày ruộng, nhưng cũng đều có chia
đất. Không có văn thư, dùng lời nói làm ràng buộc. Trẻ con biết cưỡi dê, cầm
cung bắn chim chuột, lớn một chút thì bắn cáo thỏ kiếm ăn. Lính đủ sức cầm cung
nỏ đều làm giáp kỵ. Tục nước này lúc thảnh thơi thì theo súc vật săn bắn chim
thú làm sinh nghiệp, lúc cấp bách mọi người học chiến công để xâm phạt, đấy là
tính trờivậy. Trường binh dùng cung tên, đoản binh dùng gươm giáo, lợi thì tiến,
bất lợi thì rút, không ngại trốn chạy. Ham lợi trước mắt, không biết lễ nghĩa.
Từ quân trưởng trở xuống ăn thịt súc vật ướp muối, mặc đồ da, mang áo lông.
Trai tráng ăn phần béo tốt, người già ăn uống phần thừa. Quý tráng kiện, khinh
già yếu. Cha chết thì con cưới mẹ kế, anh chết thì em cưới chị dâu. Tục nước
này có danh, không ngại húy, nhưng không có tự.
Khi đạo nhà Hạ suy, Công Lưu mất chức Tắc quan nên bỏ sang
Tây Nhung, ấp ở đất Bân [7]. Hơn 300 năm sau, Nhung Địch tấn công đại vương Đản
Phụ. Đản Phụ bỏ chạy đến chân núi Kỳ [8]. Người Bân đều đi theo Đản Phụ mà lập ấp,
dựng nên nhà Chu.
Hơn trăm năm sau, Chu Tây bá Cơ Xương đánh dẹp Quyến Di (畎夷). Hơn mười năm sau, Vũ vương phạt Trụ rồi đóng dinh ở
Lạc Ấp [9], rồi lại đến sống ở Phong Khao [10], đánh đuổi Nhung Di về phía bắc
sông Kinh, sông Lạc [11]. Chúng có lúc vào cống, nên gọi là “hoang phục” [12].
Hơn 200 năm sau, đạo nhà Chu suy, mà Chu Mục vương đánh dẹp Quyến Nhung (畎戎), bắt được bốn con sói trắng, bốn con hươu trắng rồi
về. Từ đấy về sau hoang phục không đến, vì thế đặt ra phép Lã hình [13]. Đến thời
cháu của Mục vương là Ý vương, vương thất dần suy, Nhung Địch xâm lấn, bạo ngược
Trung Quốc. Trung Quốc chịu khổ, thi nhân mới chán nản mà hát rằng: “Mất nhà mất cửa, là Hiểm Duẫn gây”, hay “Chẳng biết răn mình, khổ vì Hiểm Duẫn.” Đến đời chắt của Ý vương
là Tuyên vương dấy quân mệnh tướng đi chinh phạt, thi nhân thấy công lao to đẹp
nên hát rằng: “Đánh dẹp Hiểm Duẫn, đến tận
Thái Nguyên”, hay “Xe đi ầm ầm, xây thành phương bắc.” Bấy
giờ Tứ Di quy phục, nên gọi là trung hưng.
Đến thời U vương, vì dùng sủng cơ Bao Tự mà có xích mích với
Thân hầu. Thân hầu giận, rồi cùng Quyến Di giết U vương ở chân núi Ly [14], lại
lấy đất nhà Chu, sống ở vùng sông Kinh, sông Vị để cướp bóc, xâm bạo Trung Quốc.
Tần Tương công cứu Chu, vì thế Chu Bình vương bỏ Phong Khao mà dời về đông đến
Lạc Ấp. Bấy giờ Tần Tương công đánh đuổi người Nhung đến đất Cứu, mới được liệt
làm chư hầu.
Sáu mươi lăm năm sau, Sơn Nhung vượt đất Yên đánh Tề. Tề Lí
công đánh với chúng ở ngoài thành Tề. Bốn mươi bốn năm sau, Sơn Nhung đánh Yên.
Yên cáo cấp cho Tề. Tề Hoàn công bắc phạt Sơn Nhung, Sơn Nhung rút chạy.
Hơn 20 năm sau thì Nhung Địch (戎翟)
đến Lạc Ấp đánh Chu Tương vương, Tương vương chạy đến ấp Phiếm của Trịnh. Ban đầu,
Tuyên vương muốn đánh Trịnh nên lấy người con gái dân Địch làm hậu, cùng người
Địch đánh Trịnh. Khi xong chuyện thì ruồng bỏ Địch hậu, nên Địch hậu tức giận.
Mẹ kế của Tương vương là Huệ hậu có con trai là Tử Đái, muốn lập lên. Vì thế Huệ
hậu cùng Địch hậu, Tử Đái làm nội ứng, mở đường cho Nhung Địch. Nhung Địch vì
thế vào được, đánh đuổi Tương vương, rồi lập Tử Đái làm vương. Vì thế Nhung Địch
có kẻ sống ở Lục Hỗn (陸渾) [16], phía đông đến nước Vệ, xâm bạo
rất nhiều. Chu Tương vương sống ở ngoài bốn năm, bèn sai sứ cáo cấp cho Tấn. Tấn
Văn công mới lập, muốn dựng nghiệp bá, bèn hưng quân đánh đuổi Nhung Địch, tru
Tử Đái, đón Chu Tuyên vương về sống ở Lạc Ấp.
Thời bấy giờ, Tần, Tấn là cường quốc. Tấn Văn công đuổi Nhung
Địch về vùng sông Ngân, sông Lạc phía tây sông Hà, gọi là Xích Địch (赤翟), Bạch Địch (白翟).
Khi Tần Mục công có được Do Dư [16], tám nước Tây Nhung quy phục Tần. Thế nên từ
Lũng [17] về tây có người Nhung như Miên Chư (綿諸), Quyến Nhung (畎), Địch Hoàn (狄獂). Ở phía bắc núi Kỳ, đất Lương, sông Kinh, sông Tất có
người Nhung Nghĩa Cừ (義渠), Đại Lệ (大荔),
Ô Thị (烏氏), Cù Diên (朐衍). Phía bắc nước Tấn có người Nhung
Lâm Hồ (林胡), Lâu Phiền (樓煩). Phía bắc nước Yên có Đông Hồ (東胡), Sơn Nhung. Chúng phân tán nơi núi non, tự có quân
trưởng, thỉnh thoảng có tộc Nhung đông đến hơn trăm người, nhưng chẳng thể hợp
nhất.
Từ đấy về sau hơn trăm năm, Tấn Điệu công sai Ngụy Giáng giảng
hòa với Nhung Địch, nên Nhung Địch vào chầu Tấn. Hơn trăm năm sau, Triệu Tương
tử đi qua Câu Chú [18] mà đánh chiếm nước Đại, tiến đến sát Hồ Mạch (胡貉). Về sau cùng Hàn, Ngụy diệt Trí bá, chia đất Tấn rồi
chiếm lấy, thì Triệu có Đại, Câu Chú về bắc, Ngụy có Tây Hà, Thượng Quận là
giáp biên với Nhung.
Về sau, người Nhung Nghĩa Cừ xây thành quách để tự thủ, nhưng
Tần lấn dần như tằm ăn dâu, đến thời Huệ vương đánh phá 25 thành của Nghĩa Cừ. Khi
Tuyên vương phạt Ngụy, Ngụy cắt hết Tây Hà và Thượng Quận nhập vào Tần. Thời Tần
Chiêu vương, Nhung vương của Nghĩa Cừ cùng Tuyên thái hậu dâm loạn, có hai con
trai. Tuyên thái hậu lừa giết Nhung vương của Nghĩa Cừ ở Cam Tuyền [19], rồi khởi
binh đánh diệt Nghĩa Cừ. Vì thế Tần có được Lũng Tây, Bắc Địa, Thượng Quận, xây
Trường Thành để chống người Hồ. Rồi Triệu Vũ Linh vương cũng đổi tục, mặc trang
phục người Hồ [20], học kỵ xạ, phía bắc phá Lâm Hồ, Lâu Phiền, lấy từ đất Đại
và chân núi Âm đến Cao Khuyết [21] làm biên giới, rồi đặt các quận Vân Trung,
Nhạn Môn và Đại. Về sau Yên có hiền tướng Tần Khai làm con tin ở Hồ, người Hồ rất
tin tưởng; khi về thì đánh úp Đông Hồ, đẩy lùi hơn nghìn lí (Tần Vũ Dương cùng
Kinh Kha ám sát Tần vương là cháu của Khai). Yên cũng xây Trường Thành từ Tạo
Dương đến Tương Bình [22], đặt các quận Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình,
Liêu Tây, Liêu Đông để chống Hồ.
Thời bấy giờ, các nước Chiến Quốc mang áo đai có bảy, thì ba
nước giáp với Hung Nô. Về sau vào thời tướng Triệu là Lý Mục, Hung Nô không dám
vào biên giới Triệu. Sau khi Tần diệt sáu nước, Thủy hoàng đế sai Mông Điềm đem
mấy chục vạn quân lên bắc đánh Hồ, lấy hết đất Hà Nam, nương theo sông Hà làm
ranh giới, xây 44 huyện thành ven sông, dời lính thú đến sung vào. Rồi thông đường
thẳng từ Cửu Nguyên [23] đến Vân Dương [24], nương theo núi non, khai thông khê
cốc, chỗ nào sửa được thì sửa, bắt đầu từ Lâm Thao đến Liêu Đông hơn vạn lí. Lại
vượt sông Hà chiếm Giả Trung phía bắc núi Dương.
Thời bấy giờ, Đông Hồ mạnh mà Nguyệt Thị (月氏) thịnh. Hung Nô Thiền vu [25] là Đầu Man (頭曼). Đầu Man không thắng được Tần nên
rút về bắc. Hơn mười năm sau thì Mông Điềm chết, chư hầu phản Tần, Trung Quốc
nhiễu loạn, lính giữ biên mà Tần dời đến đều bỏ về. Vì thế Hung Nô được thảnh
thơi, lại vượt xuống Hà Nam, giáp giới với Trung Quốc ở đất cũ.
Thiền vu có thái tử tên là Mặc Đốn (冒頓). Về sau có người Yên thị (閼氏) [26] sinh con trai nhỏ, Đầu Man muốn bỏ Mặc Đốn mà lập
con nhỏ, bèn sai Mặc Đốn làm tin ở Nguyệt Thị. Khi Mặc Đốn sang làm con tin thì
Đầu Man đánh gấp Nguyệt Thị. Nguyệt Thị muốn giết Mặc Đốn, nên Mặc Đốn trộm ngựa
tốt phi về. Đầu Man cho là giỏi, lệnh cầm vạn kỵ. Mặc Đốn bèn làm tên sáo [27],
phân phát cho xạ kỵ của mình, lệnh rằng: “Tên
sáo bắn ra mà không trúng hết, sẽ chém”. Khi đi săn thú, có kẻ không bắn
tên sáo liền chém đi. Thế rồi Mặc Đốn lấy tên sáo tự bắn con ngựa tốt, tả hữu
có kẻ không dám bắn, Mặc Đốn lập tức chém. Ít lâu sau, lại lấy tên sáo tự bắn
người vợ yêu của mình, tả hữu có kẻ sợ không dám bắn nên lại chém đi. Ít lâu
sau, Mặc Đốn ra ngoài đi săn, lấy tên sáo bắn con ngựa tốt của Thiền vu, tả hữu
đều bắn theo. Vì thế Mặc Đốn biết tả hữu dùng được. Lúc theo cha mình Thiền vu
Đầu Man đi săn, lấy tên sáo bắn Đầu Man, tả hữu đều dùng tên sáo bắn chết Đầu
Man, rồi giết sạch mẹ kế, em trai và các đại thần không chịu theo. Vì thế Mặc Đốn
tự lập làm Thiền vu.
Khi Mặc Đốn lập, Đông Hồ đang mạnh, nghe nói Mặc Đốn giết cha
tự lập, bèn sai sứ nói với Mặc Đốn rằng: “Muốn
lấy con ngựa thiên lí thời Đầu Man.” Mặc Đốn hỏi quần thần, quần thần đều
nói: “Đấy là ngựa quý của Hung Nô, chớ cho.”
Mặc Đốn nói: “Chẳng lẽ với người nước
láng giềng lại tiếc một con ngựa sao?” bèn đem cho. Ít lâu sau, Đông Hồ cho
rằng Mặc Đốn sợ mình, sai sứ nói với Mặc Đốn rằng: “Muốn lấy một người Yên thị của Thiền vu.” Mặc Đốn lại hỏi tả hữu, tả
hữu đều giận nói: “Đông Hồ vô đạo, dám
xin Yên thị! Xin đánh chúng.” Mặc Đốn nói: “Chẳng lẽ với người nước láng giềng lại tiếc một người đàn bà sao?”
bèn lấy người Yên thị yêu quý cho Đông Hồ. Đông Hồ vương càng kiêu ngạo, xâm lấn
phía tây. Vùng tiếp giáp Hung Nô có đất trống hơn nghìn lí chẳng ai ở, hai bên
chỉ sống ở rìa để làm âu thoát [28]. Đông Hồ sai sứ nói với Mặc Đốn: “Hung Nô nơi tiếp giáp với ta có đất hoang âu
thoát, Hung Nô không đến được, nên ta muốn lấy.” Mặc Đốn hỏi quần thần, có
kẻ nói: “Đấy là đất bỏ hoang, cứ cho
chúng.” Vì thế Mặc Đốn cả giận, nói rằng: “Đất là gốc của quốc gia, chẳng lẽ cho người ta!” Những kẻ nói cho đều
bị chém. Mặc Đốn lên ngựa, lệnh trong nước có kẻ nào đi sau thì chém, rồi tiến
về đông tập kích Đông Hồ. Đông Hồ ban đầu khinh Mặc Đốn, không phòng bị. Khi Mặc
Đốn đem binh đến, đại phá diệt Đông Hồ vương, bắt dân chúng, súc vật. Khi về, phía
tây đánh đuổi Nguyệt Thị, phía nam thôn tính Lâu Phiền, Bạch Dương, Hà Nam
vương, lấy lại hết đất cũ mà Tần đã sai Mông Điềm đoạt từ Hung Nô, giáp giới với
Hán ở ải cũ tại Hà Nam đến Triều Na, Phu Thi [], rồi xâm lấn Yên, Đại. Bấy giờ
Hán đang chống nhau với Hạng Vũ, Trung Quốc mỏi mệt vì binh đao, vì thế Mặc Đốn
tự cường, lính cầm cung đến hơn 30 vạn.
Từ Thuần Duy đến Đầu Man hơn nghìn năm, lúc lớn lúc nhỏ, biệt
tản phân li vẫn vậy, thứ tự thế truyền không thể nắm được. Nhưng đến Mặc Đốn
thì Hung Nô lớn mạnh nhất, thu phục hết Bắc Di, làm địch quốc với người Hạ ở
phía nam. Việc thế tín, quan hiệu [từ đây] có thể ghi chép được.
Thiền vu họ là Luyến Đê (攣鞮), trong nước gọi là “Sanh lê cô đồ Thiền vu” (撐犁孤塗單于). Hung Nô gọi trời là “sanh lê”, gọi con là “cô đồ”. Thiền vu
nghĩa là tướng mạo lớn lao, nên nói rằng thiên tượng thể hiện qua Thiền vu vậy.
Đặt tả hữu Hiền vương, tả hữu Cốc lê (谷蠡), tả hữu Đại tướng, tả hữu Đại đô úy,
tả hữu Đại đương hộ (大當戶), tả hữu Cốt đô hầu (骨都侯). Hung Nô gọi người hiền là “đồ kỳ” (屠耆), nên thường lấy thái tử làm Đồ kỳ vương. Từ tả hữu Hiền
vương trở xuống đến Đương hộ, kẻ lớn hơn vạn kỵ, kẻ nhỏ mấy nghìn, tất cả 24 tôn
trưởng, lập hiệu là “vạn kỵ”. Đại thần đều là quan thế tập. Hô Diên thị (呼衍), Lan thị (蘭), về sau có Tu Bốc thị (須卜), ba họ đấy là cao quý. Các vương tướng bên tả sống ở phương
đông, đối điện miền đông Thượng Cốc, tiếp giáp Uế Mạch, Triều Tiên; các vương
tướng bên hữu sống ở phương tây, đối diện miền tây Thượng Quận, tiếp giáp Đê,
Khương; còn đình của Thiền vu đối điện Đại và Vân Trung. Đều có chia đất, di cư
theo cỏ nước. Nhưng tả hữu Hiền vương, tả hữu Cốc lê hầu lớn nhất trong nước, tả
hữu Cốt đô hầu là phụ chính. Hai mươi tư tôn trưởng đều tự đặt Thiên trưởng,
Bách trưởng, Thập trưởng, Tỳ tiểu vương, Tướng, Đô úy, Đương hộ, Thả cừ (且渠).
Tháng giêng hằng năm, các tôn trưởng mở hội nhỏ ở đình của Thiền
vu. Tháng 5, đại hội ở Long Thành, tế tổ tiên, trờiđất, quỷ thần. Mùa thu khi
ngựa béo thì mở hội lớn ở Trệ Lâm, kiểm đếm người và súc vật. Pháp luật: đâm
người khác thì xử chết, trộm cắp thì tịch thu nhà; người có tội nhỏ thì bị nghiền
mắt cá chân, tội lớn thì xử tử; ở trong ngục lâu không đầy mười ngày, tù nhân cả
nước không quá mấy người. Thiền vu sáng sớm xuất phát từ dinh, bái mặt trời mọc,
chiều tối bái mặt trăng. Khi ngồi, kẻ tôn trưởng ngồi bên trái, quay về hướng bắc.
Mặt trời nằm ở hướng Mậu Kỷ [29]. Khi tiễn đưa người chết, có quan quách, vàng
bạc, xiêm áo, nhưng không có đắp đắt, trồng cây hay mặc tang phục; thần thiếp
thân cận chết theo nhiều lúc đến hàng chục, hàng trăm người. Cử sự thường theo
mặt trăng, trăng tròn thì công chiến, trăng khuyết thì rút quân. Khi công chiến,
nếu chém đầu hay bắt giặc thì được thưởng một chén rượu, rồi lấy những thứ cướp
được ban cho, bắt được người thì lấy làm nô tì. Thế nên khi chiến đấu người người
tự lo kiếm lợi. Giỏi về dụ binh để vây địch, nên đuổi theo cái lợi như chim bâu
mồi, lúc khốn bại như ngói vỡ mây tan. Chiến đấu mà người mình giúp đỡ chết thì
lấy hết gia tài của người đấy.
Về sau phía bắc thu phục các nước Hỗn Dũ (渾窳), Khuất Xạ (屈射), Đinh Linh (丁零), Cách Côn (隔昆), Long Tân Trám (龍新賺). Vì thế quý nhân, đại thần Hung Nô đều
quy phục, coi Mặc Đốn là vua hiền.
Bấy giờ Hán mới định, dời Hàn vương Tín [30] đến đất Đại,
đóng đô ở Mã Ấp [31]. Khi Hung Nô vây đánh Mã Ấp, Hàn Tín hàng Hung Nô. Hung Nô
có được Tín, nhân đó dẫn binh về nam đi qua Câu Chú, tấn công Thái Nguyên, đến
dưới Tấn Dương. Cao đế [32] tự đem binh đi đánh, gặp lúc mùa đông rét lớn, mưa
tuyết, ngón tay quân lính mười ngón rụng mất hai ba ngón. Vì thế Mặc Đốn giả vờ
thua chạy để dụ Hán binh. Hán binh đuổi đánh Mặc Đốn, Mặc Đốn giấu tinh binh, tỏ
vẻ mỏi mệt. Vì thế Hán đem hết binh, đa phần là bộ binh, tổng cộng 320.000 đuổi
theo về bắc. Khi Cao đế đến Bình Thành, bộ binh chưa theo kịp, Mặc Đốn tung hơn
300.000 tinh binh vây Cao đế ở Bạch Đăng [33]. Suốt bảy ngày Hán binh trong
ngoài không tiếp lương thực cho nhau được. Kỵ Hung Nô phía tây đều là ngựa trắng,
phía đông đều là ngựa đốm xanh, phía bắc đều là ngựa ô, phía nam đều là ngựa
lông đỏ. Cao đế bèn sai sứ đút lót Yên thị. Yên thị bèn nói với Mặc Đốn rằng: “Hai chúa không nên làm khốn nhau. Nay có được
đất Hán thì Thiền vu rốt cuộc chẳng ở được. Hơn nữa chúa Hán có thần, Thiền vu
xem xét cho.” Mặc Đốn có hẹn với tướng của Hàn Tín là Vương Hoàng, Triệu Lợi,
mà binh lâu ngày không đến, nên nghi là bày mưu với Hán. [Mặc Đốn] cũng tin lời
Yên thị, bèn giải vây một góc. Vì thế Cao hoàng đế lệnh binh sĩ đều đem nỏ, hướng
tên ra ngoài, theo góc ấy mà ra, hợp được với đại quân. Còn Mặc Đốn dẫn binh về.
Hán cũng dẫn binh về, sai Lưu Kính kết hẹn hòa thân.
Về sau Hàn Tín làm tướng Hung Nô, cùng bọn Triệu Lợi, Vương
Hoàng nhiều lần không chịu giữ giao ước, xâm cướp Đại, Nhạn Môn, Vân Trung. Chưa
được bao lâu, Trần Hy làm phản, cùng Hàn Tín hợp mưu đánh Đại. Hán sai Phàn
Khoái đi đánh, lấy lại các quận huyện Đại, Nhạn Môn, Vân Trung, không rời biên giới. Bấy giờ Hung Nô có nhiều
tướng tốt Hán sang hàng, nên Mặc Đốn thường vãng lai xâm cướp đất Đại. Vì thế Cao
Tổ lo lắng, bèn sai Lưu Kính đưa nữ ông chúa [34] tông thất sang làm Yên thị của
Thiền vu, hằng năm tặng Hung Nô rất nhiều tơ lụa, rượu, gạo, hẹn làm anh em để
hòa thân, Mặc Đốn mới ngưng bớt. Về sau Yên vương Lư Oản lại phản, đem bè đảng
chừng vạn người hàng Hung Nô, vãng lai quấy phá từ Thượng Cốc về đông đến tận
cuối đời Cao Tổ.
Thời Hiếu Huệ đế và Cao hậu, Mặc Đốn dần kiêu ngạo, bèn làm
thư, sai sứ đưa cho Cao hậu, viết rằng:
“Làm
vua cô phẫn [35], sinh giữa nơi trũng
thấp, lớn ở vùng đất bằng cùng bò ngựa, nhiều lần đến biên cảnh, mong thăm thú
Trung Quốc. Bệ hạ độc lập, cô phẫn độc cư. Lưỡng chúa chẳng vui vẻ, không có gì
để yên lòng, nên mong lấy cái có đổi cái không có.”
Cao hậu cả
giận, triệu bọn Thừa tướng Bình và Phàn Khoái, Quý Bố đến, bàn chém sứ giả,
phát binh đi đánh. Phàn Khoái nói:
“Thần nguyện đem mười vạn quân, hoành
hoành giữa đất Hung Nô.”
Hỏi Quý Bố, thì
Bố nói:
“Khoái
đáng bị chém! Trước kia Trần Hy làm phản ở đất Đại, Hán binh ba mươi hai vạn,
Khoái làm Thượng tướng quân. Bấy giờ Hung Nô vây Cao đế ở Bình Thành, Khoái
không cứu viện được. Thiên hạ hát rằng: ‘Bên
dưới Bình Thành cũng thực khổ! Bảy ngày không ăn, không căng nổi nỏ.’ Nay tiếng ca ngâm chưa dứt, kẻ bị thương vừa
khỏi, mà Khoái muốn dao động thiên hạ, nói càn lấy mười vạn quân hoành hành, là
nhờn mặt vậy. Hơn nữa Di Địch ví như cầm thú, nghe được lời tốt cũng không đáng
vui, nghe được lời ác cũng không đáng giận.”
Cao hậu nói:
“Phải.”
Lệnh Đại yết
giả Trương Trạch đáp thư rằng:
“Thiền
vu không quên tệ ấp [36], ban cho thư
ấy, khiến tệ ấp khiếp sợ. Tự suy tính lúc xế chiều, thì thấy tuổi già khí suy,
răng rơi rụng cả, đi lại không vững. Mong Thiền vu bỏ qua, không đáng để bẩn
tay. Tệ ấp vô tội, nên được tha cho. Nay có xe ngự hai cỗ, ngựa tám con, để
dâng làm xa giá.”
Mặc Đốn nhận
thư, lại sai sứ đến tạ ơn rằng:
“Chưa từng nghe đến lễ
nghĩa Trung Quốc, may mà Bệ hạ tha cho.”
Nhân đó hiến
ngựa, rồi hòa thân.
Đến khi Hiếu Văn lên ngôi, lại tu hòa thân. Mùa hè năm thứ 3
(177 TCN), Hữu hiền vương của Hung Nô vào sống ở đất Hà Nam [37] làm cướp. Vì
thế Văn đế xuống chiếu rằng: “Hán với
Hung Nô hẹn làm anh em, không xâm hại bờ cõi, vì thế biếu tặng Hung Nô rất hậu.
Nay Hữu hiền vương rời nước mình, đem dân đến sống ở đất Hà Nam, là chuyện bất
thường. Hắn qua lại ở cửa ải, bắt giết lại dân, đánh đuổi Man Di ở cửa ải Thượng
quận, khiến họ không sống được ở chỗ cũ. Hắn giày xéo lại dân biên giới, vào cướp,
rất kiêu ngạo vô đạo, là không đúng với giao ước. Phát biên lại, ngựa xe tám vạn
đến Cao Nô [38], khiển Thừa tướng
Quán Anh làm tướng đánh Hữu hiền vương.” Hữu hiền vương rút khỏi cửa ải.
Văn đế đến Thái Nguyên. Bấy giờ Tề Bắc vương làm phản. Văn đế trở về, bãi binh
đánh Hồ của Thừa tướng.
Năm sau (176 TCN), Thiền vu gửi thư cho Hán nói rằng:
“Hung
Nô Đại thiền vu do trời lập kính chúc Hoàng đế tốt lành. Thời trước Hoàng đế
nói việc hòa thân, xem thư rất hài lòng. Biên lại của Hán lấn ép Hữu hiền
vương, Hữu hiền vương không báo, nghe theo kế của bọn Hậu Nghĩa Lư hầu Nan Chi (後義盧侯難支), gây thù với quan lại Hán, cắt giao ước của hai chúa, bỏ tình thân của
anh em. Hoàng đế hai lần gửi thư đến trích, định phát sứ đem thư trả lời mà
không đi được, sứ Hán cũng không đến. Hán vì vậy không biết nước láng giềng
không phụ. Nay thấy bọn tiểu lại phá ước, nên phạt Hữu hiền vương, sai sang
phương tây để Nguyệt Thị đánh hắn. Nhờ có phúc trời ban, lại tốt giỏi, sức ngựa
mạnh, nên diệt được người Di Nguyệt Thị, chém giết thu hàng được cả. Lâu Lan (樓蘭) [39], Ô Tôn (烏孫) [40], Hô Yết (呼揭) [41] và 26 nước bên cạnh đều đã là của
Hung Nô, các dân cầm cung đều về một nhà, cõi bắc đã định. Nguyện ngưng binh
nghỉ lính dưỡng ngựa, bỏ qua việc cũ, khôi phục giao ước cũ, để giữ yên dân
biên giới, để ứng với đạo thủy cổ, khiến trẻ con được lớn khôn, người già được
yên nghỉ, đời đời vĩnh lạc. Chưa biết được ý Hoàng đế, nên sai Lang trung Hệ Phục
Tiên (系宓淺) dâng thư xin, hiến lạc
đà 1 con, kỵ mã 2 con, xe 2 cỗ. Hoàng đế nếu không muốn Hung Nô lại gần bờ cõi,
thì nên xuống chiếu cho lại dân lánh xa. Khi sứ giả đến sẽ khiển ngay.”
Giữa tháng
6, [sứ giả] đi đến đất Tân Vọng. Thư đến, Hán bàn xem đánh và hòa thân bên nào
tiện hơn, công khanh đều nói: “Thiền vu mới
phá Nguyệt Thị, thừa thắng, không thể đánh. Hơn nữa có được đất Hung Nô thì
cũng là đất trũng mặn chẳng thể sống. Hòa thân rất tiện.” Hán đồng ý.
Năm thứ 6 triều Hiếu Văn đế (173 TCN), gửi thư cho Hung Nô
nói rằng: “Hoàng đế kính chúc Hung Nô Đại
thiền vu tốt lành. Trước sai Hệ Phục Tiên gửi thư cho Trẫm, nói rằng mong ngưng
binh nghỉ lính, bỏ qua chuyện cũ, khôi phục giao ước cũ để giữ yên dân biên giới,
đời đời vĩnh lạc. Trẫm có lời khen, đấy là chí của thánh nhân thời xưa vậy. Hán
và Hung Nô hẹn làm anh em, vì thế biếu Hung Nô rất hậu, còn kẻ bội ước, lìa
tình anh em thường ở phía Hung Nô. Nhưng việc của Hữu hiền vương đã được tha,
chớ phạt nặng. Thiền vu nếu có ý như trong thư thì nên báo rõ cho các quan lại,
để họ không phụ ước, giữ chữ tín như trong thư của Thiền vu. Sứ giả nói Thiền
vu tự làm tướng thôn tính các nước có công, rất khổ việc binh. Áo vóc kép thêu,
áo lót dài, áo bào gấm mỗi thứ 1 chiếc, trâm cài 1 chiếc, đai khảm vàng 1 chiếc,
đai móc vàng 1 chiếc, vải thêu 10 tấm, gấm 20 tấm, lụa đề đỏ, lụa tăng lục mỗi
thứ 40 tấm, sai Trung đại phu Ý, Yết giả lệnh Khiên tặng Thiền vu.”
Ít lâu sau, Mặc Đốn chết, con trai là Kê Chúc (稽粥) lập, hiệu là Lão Thượng Thiền vu. Khi Lão Thượng Kê
Chúc Thiền vu mới lập, Văn đế lại khiển nữ ông chúa trong tông thất làm Yên thị
của Thiền vu, sai hoạn quan người Yên là Trung Hành Thuyết theo ông chúa. Thuyết
không muốn đi, nhưng Hán giục gấp. Thuyết nói: “Ta tất sẽ thành mối hoạn nạn cho Hán.” Trung Hành Thuyết đến nơi,
nhân đó hàng Thiền vu, được Thiền vu yêu quý.
Ban đầu, Thiền vu ưa tơ lụa, thức ăn của Hán. Trung Hành Thuyết
nói: “Người dân Hung Nô không bằng nổi một
quận của Hán, nhưng sở dĩ mạnh mẽ là vì ăn mặc khác, không bắt chước Hán. Nay Thiền
vu đổi tục, ưa sản vật Hán, Hán dùng không quá hai phần mười sản vật thì Hung
Nô đã theo Hán cả rồi. Nay có được tơ lụa Hán thì đem rong ruổi nơi gai góc cho
xiêm áo đều rách nát, để thấy là không bền đẹp bằng áo lông; có được thức ăn
Hán thì đều đổ đi, để thấy là không ngon lành như sữa đông.” Thế rồi Thuyết
dạy cho tả hữu của Thiền vu về ghi chép để kiểm đếm người dân, súc vật. Thư Hán
gửi cho Thiền vu dùng thẻ tre dài 1 thước, lời văn viết “Hoàng đế kính chúc Hung Nô Đại thiền vu tốt lành”, cùng với quà tặng
và ngôn ngữ vân vân. Trung Hành Thuyết lệnh Thiền vu dùng thẻ tre dài 1 thước
2, dấu đóng ấn đều to lớn hơn, lời lẽ ngông nghênh rằng “Hung Nô Đại thiền vu do trờiđất sinh, nhật nguyệt đặt kính chúc Hán hoàng
đế tốt lành”, quà tặng và ngôn ngữ cũng vân vân.
Sứ Hán có kẻ nói tục Hung Nô khinh người già. Trung Hành Thuyết
cãi với sứ Hán rằng:
“Nhưng
trong tục Hán, kẻ sắp phải phát đi tòng quân đồn thú, người thân hắn há không tự
đem những thứ ngon lành béo tốt đưa cho để ăn uống trên đường sao?”
Sứ Hán nói:
“Phải”.
Thuyết nói:
“Hung
Nô coi việc công chiến là trọng. Người già yếu không chiến đấu được, nên lấy phần
béo tốt cho kẻ tráng kiện ăn uống để tự vệ, như vậy cha con đều bảo vệ được
nhau, sao lại nói Hung Nô khinh người già?”
Sứ Hán nói:
“Hung
Nô cha con ngủ chung một túp lều. Cha chết con cưới mẹ kế, anh chết em cưới chị
dâu. Không có khí tiết mũ đai, không có lễ nghi khuyết đình.”
Trung Hành
Thuyết nói:
“Tục
của Hung Nô ăn thịt, uống sữa, mặc da của súc vật. Súc vật ăn cỏ uống nước, tùy
lúc mà chuyển dời. Nên lúc cấp bách thì người ta tập xạ kỵ, lúc thảnh thơi người
ta vui vẻ vô sự. Coi nhẹ ràng buộc nên dễ đi lại; vua tôi đơn giản, nên được bền
lâu. Chính sự cả nước như một thân thể vậy. Cha anh chết thì con em cưới vợ người
ấy, là để tránh mất dòng họ. Thế nên Hung Nô tuy loạn nhưng đều giữ được dòng
giống. Nay Trung Quốc tuy ngoài mặt không dám lấy vợ của cha anh, nhưng thân
thuộc càng xa thì càng giết nhau, đến khi đổi họ đều theo dòng riêng. Hơn nữa
cái tệ của lễ nghĩa là trên dưới oán nhau, mà cái hạn của nhà cửa là sinh lực ắt
kiệt. Ôi kẻ sống trong nhà vách đất, cứ thao thao mà lí nhí, còn nói làm chi!!”
Từ đấy về sau,
sứ Hán muốn bàn luận gì, Trung Hành Thuyết liền nói: “Sứ Hán chớ nói nhiều. Trông qua tơ lụa gạo rượu Hán chở đến Hung Nô đều
đầy đủ, ắt tốt đẹp mà thôi, sao phải nói làm gì? Hơn nữa những thứ được cấp nếu
là đồ tốt thì thôi, nếu là đồ không tốt và thấp kém, thì đợi cuối thu lấy ngựa giày
xéo rồi gặt hái.” Ngày đêm chỉ cho Thiền vu dòm ngó nơi lợi hại.
Năm thứ 14 triều Hiếu Văn đế (163 TCN), 140.000 kỵ của Thiền
vu Hung Nô vào Triều Na, Tiêu Quan, giết Bắc Địa quận úy Ngang, bắt người dân và
súc vật rất nhiều. Thế rồi đến Bành Dương [43], sai kỵ binh vào đốt cung Hồi
Trung, kỵ trinh sát đến tận Cam Tuyền ở đất Ung. Vì thế Văn đế lấy Trung úy Chu
Xá, Lang trung lệnh Trương Vũ làm tướng quân, phát nghìn cỗ xe, 100.000 kỵ,
đóng quân cạnh Trường An để phòng bị giặc Hồ. Lại bái Xương hầu Lư Khanh làm
Thượng Quận tướng quân, Ninh hầu Ngụy Tốc làm Bắc Địa tướng quân, Long Lư hầu
Chu Táo làm Lũng Tây tướng quân, Đông Dương hầu Trương Tương Như làm Đại tướng
quân, Thành hầu Đổng Xích làm Tướng quân, đại phát ngựa xe đi đánh Hồ. Thiền vu
ở lại trong cõi hơn một tháng, quân Hán đuổi ra ngoài cõi rồi về, không giết được.
Hung Nô ngày một kiêu ngạo, hằng năm vào biên giới cướp giết người dân rất nhiều.
Vân Trung, Liêu Đông chịu nặng nhất, trong quận chỉ còn hơn vạn người. Hán rất
lo lắng, bèn sai sứ gửi thư cho Hung Nô. Thiền vu cũng sai Đương hộ báo tạ, lại
nói chuyện hòa thân.
Hiếu Văn đế hai năm sau sai sứ đưa thư cho Hung Nô, nói rằng:
“Hoàng
đế kính chúc Hung Nô Đại thiền vu tốt lành. Sứ giả là Đương hộ thả cừ Điêu Cừ
Nan ( 雕渠難), Lang trung Hàn Liêu đem hai con ngựa tặng cho Trẫm, đã đến, nên kính nhận.
Lời chế của Tiên đế nói: Từ Trường Thành về bắc là nước cầm cung, nghe lệnh
của Thiền vu; từ Trường Thành vào trong là xứ mũ đai, cũng do Trẫm chế ngự, để
muôn dân được cày dệt, săn bắn kiếm cơm áo, cha con khỏi chia lìa, thần chúa được
yên vui, ai nấy không chịu bạo ngược. Nay nghe nói tà ác với dân mà tham lợi tiến
thủ, bội nghĩa tuyệt ước, quên tính mệnh của muôn dân, lìa niềm vui của hai
chúa. Nhưng việc ấy đã qua rồi.
Thư viết ‘Hai nước đã hòa thân,
lưỡng chúa vui mừng, ngưng binh nghỉ lính dưỡng ngựa, đời đời yên vui, bỏ cũ đổi
mới.’ Trẫm có lời khen. Bậc thánh nhân luôn đổi
mới, thay đổi lại từ đầu, để người già được nghỉ ngơi, trẻ con được khôn lớn, cùng
giữ ngôi thủ lĩnh mà đến trọn nghìn năm. Trẫm và Thiền vu đều theo đạo ấy, thuận
trời thương dân, đời đời tương truyền, thực thi không dứt, thiên hạ chẳng đâu
không ca ngợi. Hán và Hung Nô là nước láng giềng ngang hàng. Hung Nô sống ở đất
bắc, khí lạnh giáng sớm, nên xuống chiếu cho lại viên hằng năm tặng Thiền vu rất
nhiều men rượu, vàng, tơ lụa. Nay thiên hạ đại an, muôn dân vui vẻ, chỉ có Trẫm
và Thiền vu là cha mẹ họ. Trẫm nhớ lại chuyện cũ, dù lễ vật bạc bẽo, mưu thần kém
cỏi, cũng đều không đủ chia lìa niềm vui anh em. Trẫm nghe nói trời không
nghiêng ngả, đất không chuyển dời. Trẫm và Thiền vu đều bỏ qua việc nhỏ, dấn
vào đại đạo, phá bỏ hiềm khích cũ để mưu đồ dài lâu, khiến dân hai nước như con
một nhà. Muôn dân trăm họ, cá tôm dưới nước, chim chóc trên trời, đến cả những
loài biết đi lại hít thở cũng chẳng gì không đạt an lợi mà tránh nguy khốn. Thế
nên người đã đi thì không dừng, đấy là đạo của trời vậy. Hãy cùng bỏ qua chuyện
cũ, Trẫm thả dân bỏ trốn và bị bắt, còn Thiền vu không nói đến bọn Chương Ni.
Trẫm nghe rằng đế vương thời xưa giao ước phân minh mà không nuốt lời. Thiền vu
giữ chí ấy thì thiên hạ đại an. Chuyện hòa thân để sau, còn trước hết phải không
vào đất Hán nữa. Thiền vu hãy xem xét.”
Thiền vu đã hẹn hòa thân, vì thế xuống chiếu cho Ngự sử rằng:
“Hung Nô Đại thiền vu gửi thư cho Trẫm
nói hòa thân đã định, còn người bỏ trốn không đáng để tăng dân rộng đất. Hung
Nô không vào cõi, Hán không rời cõi, kẻ nào phạm lệnh ước thì giết, khả dĩ hòa
thân lâu dài, về sau không phải trách móc, đều tiện. Trẫm đã đồng ý. Hãy bố cáo
thiên hạ để biết rõ.”
Bốn năm sau, Lão Thượng Thiền vu chết, con trai là Quân Thần thiền
vu lập, thì Trung Hành Thuyết lại theo giúp. Hán lại hòa thân với Hung Nô.
Quân Thần thiền vu lập được hơn một năm thì Hung Nô lại cắt
hòa thân, tiến vào Thượng Quận, Vân Trung, mỗi nơi 30.000 kỵ, cướp giết rất nhiều.
Vì thế Hán sai ba tướng quân đóng quân tại Bắc Địa, Câu Chú ở Đại và Phi Hồ Khẩu
[44] ở Triệu, ven biên giới đều thủ chặt để phòng bị giặc Hồ. Lại đặt ba tướng
quân đóng quân ở Tế Liễu phía tây Trường An và Cức Môn [45], Bá Thượng [46]
phía bắc sông Vị để phòng bị người Hồ. Kỵ binh Hồ vào biên giới Câu Chú ở đất Đại,
lửa hiệu thông đến tận Cam Tuyền, Trường An. Sau mấy tháng, Hán binh đến biên
giới, Hung Nô lại rút xa khỏi cõi, Hán binh cũng bãi.
Hơn một năm sau, Văn đế băng, Cảnh đế lập. Triệu vương Toại [47]
bèn ngầm sai sứ sang Hung Nô. Khi Ngô, Sở làm phản, [Hung Nô] muốn cùng Triệu hợp
mưu vào biên. Hán đánh phá được Triệu, nên Hung Nô cũng thôi. Từ đấy về sau Cảnh
đế lại hòa thân với Hung Nô, thông quan thị [48], biếu tặng Thiền vu, khiển ông
chúa như giao ước cũ. Cuối đời Cảnh đế, thỉnh thoảng có vào biên cướp bóc nhỏ,
không có cướp lớn.
Khi Vũ đế lên ngôi, làm rõ giao ước hòa thân, đãi ngộ hậu ở
quan thị, tặng quà nhiều. Hung Nô từ Thiền vu trở xuống đều thân Hán, qua lại ở
chân Trường Thành.
Hán sai người Mã Ấp là Nhiếp ông Nhất Gian Lan đem hàng ra
giao dịch với Hung Nô, giả vờ bán thành Mã Ấp để dụ Thiền vu. Thiền vu tin lời,
lại tham của cải ở Mã Ấp, bèn đem 100.000 kỵ vào ải Vũ Châu. Hán phục hơn
300.000 binh cạnh Mã Ấp, Ngự sử đại phu Hàn An Quốc làm Hộ Quân tướng quân, đem
4 tướng quân để phục kích Thiền vu. Khi Thiền vu vào đất Hán, còn cách Mã Ấp
hơn trăm lí, thấy súc vật đầy đồng mà không có ai chăn nên nghi ngờ, bèn tấn
công vào đình [49]. Bấy giờ Nhạn Môn úy Sử đi tuần, thấy giặc nên giữ lấy đình ấy.
Thiền vu bắt được, định giết đi. Úy Sử biết mưu của Hán, bèn nói hết cho Thiền
vu. Thiền vu mừng rỡ, nói rằng: “Ta vốn
nghi mà.” Bèn dẫn binh về. Khi rời đi, nói rằng: “Ta có được Úy Sử là nhờ trờivậy”, rồi lấy Úy Sử làm Thiên vương.
Hán binh đợi Thiền vu vào Mã Ấp mới xuất binh, nhưng Thiền vu không đến, thế
nên không đánh được. Tướng quân Vương Khôi từ Đại đi đánh xe hàng của người Hồ,
nghe tin Thiền vu về, binh nhiều, nên không dám đi nữa. Hán thấy Khôi vốn kiến
tạo binh mưu mà không tiến nên xử tử Khôi. Từ đấy về sau Hung Nô cắt hòa thân,
tấn công cửa ải, thường xuyên vào cướp biên giới, không thể đếm xuể. Nhưng Hung
Nô tham lam, vẫn ưa quan thị, thích của cải Hán. Hán cũng giữ lại không bỏ quan
thị để làm trung gian.
Từ lần ra quân ở Mã Ấp, mùa thu năm năm sau (129 TCN) Hán sai
bốn tướng, mỗi người đem 10.000 kỵ đánh người Hồ ở quan thị. Tướng quân Vệ
Thanh từ Thượng Cốc đến Long Thành, bắt giết được 700 người Hồ. Công Tôn Hạ xuất
phát từ Vân Trung, không gặp được ai. Công Tôn Ngạo xuất phát từ quận Đại, bị
người Hồ đánh bại, mất 7.000 quân. Lý Quảng xuất phát từ Nhạn Môn, bị người Hồ
đánh bại, Hung Nô bắt sống Quảng, Quảng trốn về được. Hán bỏ tù Ngao, Quảng.
Ngao Quảng chuộc tiền làm thứ dân. Mùa đông ấy, mấy nghìn người Hung Nô cướp
biên giới, Ngư Dương [mất mát] nặng nề. Hán sai tướng quân Hàn An Quốc đóng ở
Ngư Dương để phòng bị người Hồ.
Mùa thu năm sau (127 TCN), 20.000 kỵ Hung Nô vào đất Hán, giết
Liêu Tây Thái thú, bắt hơn 2.000 người. Lại đánh bại hơn nghìn quân của Ngư
Dương Thái thú, vây tướng quân An Quốc. An Quốc bấy giờ có hơn nghìn kỵ mà cũng
mất sạch. Gặp lúc cứu viện từ Yên đến, Hung Nô bèn rút. Hung Nô lại vào Nhạn
Môn cướp giết hơn nghìn người. Vì thế Hán sai tướng quân Vệ Thanh đem 30.000 kỵ
xuất phát từ Nhạn Môn, Lý Tức xuất phát từ quận Đại đánh Hồ, bắt giết được mấy
nghìn.
Năm sau (126 TCN), Vệ Thanh lại từ Vân Trung đi về tây đến
Lũng Tây, đánh Lâu Phiền, Bạch Dương vương của người Hồ ở Hà Nam, bắt giết được
mấy nghìn người Hồ, hơn trăm vạn người Dương. Vì thế Hán bèn lấy đất Hà Nam đặt
quận Sóc Phương, lại sửa quan ải cũ do Mông Điềm đặt thời Tần, nương theo sông
Hà để thủ. Hán cũng bỏ đất Tạo Dương ở huyện Đấu Tịch quận Thượng Cốc cho người
Hồ. Năm ấy là năm Nguyên Sóc thứ 2 (127 TCN).
Mùa đông sau (126 TCN), Quân Thần thiền vu chết, em trai là Tả
cốc lê vương Y Trĩ Tà (伊稚邪) tự lập làm Thiền vu, đánh bại thái tử của Thiền vu là Ư Đan (於單). Ư Đan chạy sang hàng Hán, Hán phong
Ư Đan làm Trắc An hầu, được mấy tháng thì chết.
Y Trĩ Tà thiền vu vừa lập, thì mùa hè ấy mấy vạn kỵ Hung Nô
vào quận Đại, giết Thái thú Công Hữu, bắt hơn nghìn người. Mùa thu, lại vào Nhạn
Môn, bắt giết hơn nghìn người. Năm sau (125 TCN), lại vào quận Đại, Định Tương,
Thượng Cốc, mỗi nơi đều 30.000 kỵ, bắt giết mấy nghìn người. Hữu hiền vương của
Hung Nô oán Hán đoạt đất Hà Nam mà xây Sóc Phương, nên nhiều lần cướp bóc biên
giới, lại vào Hà Nam xâm lấn Sóc Phương, bắt giết lại dân rất nhiều.
Mùa xuân năm sau (124 TCN), Hán khiển Vệ Thanh đem 6 tướng
quân, hơn 100.000 kỵ xuất phát từ Cao Khuyết ở Sóc Phương. Hữu hiền vương cho rằng
Hán binh không đến được nên uống rượu say. Hán binh rời ải, đi sáu bảy trăm lí,
trong đêm vây Hữu hiền vương. Hữu hiền vương kinh hãi, thoát thân chạy trốn, kỵ
tinh nhuệ theo sau rút chạy. Các tướng quân Hán bắt được bộ chúng của Hữu hiền
vương gồm nam nữ 15.000 người, Tỳ tiểu vương hơn 10 người. Mùa thu ấy, 10.000 kỵ
Hung Nô vào quận Đại, giết Đô úy Chu Anh, bắt hơn 1.000 người.
Mùa xuân năm sau (123 TCN), Hán lại khiển Đại tướng Vệ Thanh đem
6 tướng quân, hơn 100.000 kỵ, xuất phát từ Định Tương lần thứ hai, đi mấy trặm lí
đánh Hung Nô. Bắt giết được trước sau hơn 19.000 người, nhưng Hán cũng mất 2 tướng
quân và hơn 3.000 kỵ. Hữu tướng quân Kiến thoát thân được, nhưng Tiền tướng
quân Hấp hầu Triệu Tín gặp bất lợi nên hàng Hung Nô. Triệu Tín vốn là tiểu
vương người Hồ đã
hàng Hán, Hán phong làm Hấp hầu, lấy làm Tiền tướng quân, cùng với quân của Hữu
tướng quân gặp phải binh của Thiền vu nên mất sạch. Thiền vu có được Hấp hầu, lấy
làm Tự thứ vương, đem chị gái gả cho, cùng mưu đánh Hán. Tín chỉ Thiền vu rút về
hoang mạc phía bắc để dụ Hán bãi binh, giữ lấy cõi xa, chớ lại gần ải. Thiền vu
nghe theo.
Năm sau (122 TCN), mấy vạn kỵ Hồ vào Thượng Cốc giết mấy trăm
người. Mùa xuân năm sau (121 TCN), Hán sai Phiêu Kỵ tướng quân Khứ Bệnh đem 10.000
kỵ xuất phát từ Lũng Tây, đi qua núi Yên Kỳ hơn nghìn lí, bắt giết được hơn
8.000 người Hồ, lấy được tượng người vàng tế trời của Hưu Đồ vương (休屠王). Mùa hè ấy, Phiêu Kỵ tướng quân lại
cùng Hợp Kỵ hầu đem mấy vạn kỵ xuất phát từ Lũng Tây, Bắc Địa, đi 2.000 lí, qua
Cư Diên [50], tấn công núi Kỳ Liên, bắt giết được hơn 30.000 người Hồ, Tỳ tiểu
vương trở xuống hơn 10 người.
Bấy giờ Hung Nô cũng vào quận Đại, Nhạn Môn cướp giết mấy
trăm người. Hán sai Bác Vọng hầu [51] và Lý tướng quân xuất phát từ Hữu Bắc
Bình, đánh Tả Hiền vương của Hung Nô. Tả hiền vương vây Lý Quảng, quân của Quảng
có 4.000 người mà chết đến quá nửa, bắt giết cũng quá tương đương. Gặp lúc quân
của Bác Vọng hầu đến cứu, Lý tướng quân thoát được, nhưng mất hết quân của
mình. Hợp Kỵ hầu đi sau Phiêu Kỵ tướng quân, cùng với Bác Vọng hầu đều đáng tội
chết, nhưng được chuộc làm thứ dân.
Mùa thu ấy, Thiền vu oán việc Hỗn Tà vương (昆邪王), Hưu Đồ vương ở phương tây bị Hán cướp
giết mấy vạn người, nên muốn gọi đến trị tội. Hỗn Tà, Hưu Đồ sợ, mưu hàng Hán.
Hán sai Phiêu Kỵ tướng quân đón về. Hỗn Tà vương giết Hưu Đồ vương, đem bộ
chúng của cả hai hàng Hán, tổng cộng hơn 40.000 người nhưng phao là 100.000. Vì
thế Hán có được Hỗn Tà, nên Lũng Tây, Bắc Đại, Hà Tây giảm bớt giặc Hồ. Dời dân
nghèo các xứ Quan Đông [52] đến Tân Tần ở đất Hà Nam mới đoạt được của Hung Nô
để lấp đầy, giảm một nửa lính thú phía tây Bắc Địa.
Mùa xuân năm sau (120 TCN), Hung Nô vào Hữu Bắc Bình, Định
Tương, mỗi nơi mấy vạn kỵ, bắt giết hơn nghìn người. Mùa xuân năm sau (119
TCN), Hán mưu rằng “Hấp hầu Tín chỉ kế cho Thiền vu sống ở Mạc Bắc [53], cho rằng Hán binh không đến
được”, bèn chuẩn bị gạo và ngựa, phát 100.000 kỵ, ngựa thồ đi theo tổng cộng
140.000 con, lương thực không kể hết. Lệnh Đại tướng quân Vệ Thanh, Phiêu Kỵ tướng
Khứ Bệnh chia quân. Đại tướng quân xuất phát từ Định Tương, Phiêu Kỵ tướng quân
xuất phát từ Đại, cùng hẹn vượt hoang mạc đánh Hung Nô. Thiền vu nghe tin nên dời
xe hàng đi xa, đem tinh binh đợi ở Mạc Bắc, tiếp chiến với Đại tướng quân cả
ngày. Đến chiếu tối gió lớn nổi lên, Hán binh tung hai cánh tả hữu vây Thiền vu.
Thiền vu tự thấy đánh không lại Hán binh, bèn một mình cùng mấy trăm kỵ khỏe
phá vây của Hán, chạy về tây bắc. Hán binh vì trời tối không đuổi theo được. Bắt
giết tổng cộng 19.000 người, tiến về bắc đến thành Triệu Tín ở núi Điền Nhan (填顏) [54] rồi về.
Lược đồ thảo nguyên Mông Cổ vào khoảng thế kỉ I TCN, với một số địa danh trong Hán thư. Vạn Lý Trường Thành được thể hiện bằng đường gạch đỏ. |
Khi Thiền vu bỏ chạy, binh của hắn nhiều kẻ đánh loạn với
quân Hán để theo Thiền vu. Thiền vu lâu ngày không gặp lại được dân chúng, Hữu cốc
lê vương cho rằng Thiền vu đã chết, bèn tự lập làm Thiền vu. [Đến khi] Thiền vu
thật lấy lại được quân, Hữu cốc lê vương bèn bỏ hiệu, trở về vị trí cũ.
Phiêu Kỵ từ Đại đi hơn 2.000 lí, tiếp chiến với Tả vương. Hán
binh bắt giết được tất cả hơn 70.000 người, các tướng của Tả vương đều bỏ chạy.
Phiêu Kỵ tế trờiở núi Lang Cư Tư (狼居胥), Thiện Cô Diên (禪姑衍) [55]
, đến Hàn Hải (臨翰) [56] rồi về.
Sau khi Hung Nô chạy xa, thì ở Mạc Nam không có vương đình.
Hán vượt sông Hà, từ Sóc Phương về tây đến Lệnh Cư khắp nơi đào kênh mở ruộng,
lại tốt năm sáu vạn người, lấn dần như tằm ăn dâu, đất tiếp Hung Nô về phía bắc.
Ban đầu, hai tướng của Hán ra vây Thiền vu, bắt giết tám chín
vạn người, nhưng lính Hán mất mát cũng hàng vạn, ngựa Hán chết hơn mười vạn
con. Hung Nô tuy yếu, chạy xa, nhưng ngựa Hán cũng yếu, không thể đi tiếp. Thiền
vu dùng kế của Triệu Tín, khiển sứ dùng lời ngọt xin hòa thân. Thiên tử giao xuống
bàn, có kẻ nói hòa thân, có kẻ nói nên bắt làm thần. Thừa tướng Trưởng sử Nhậm
Sưởng nói: “Hung Nô mới gặp khốn, nên cho
làm ngoại thần, triều thỉnh ở biên giới.” Hán sai Sưởng đi sứ gặp Thiền vu.
Thiền vu nghe kế của Sưởng thì cả giận, giữ lại không cho về. Trước kia có sứ
giả Hung Nô nào hàng Hán, Thiền vu cũng liền giữ sứ Hán lại ngang bằng. Hán
đang chuẩn bị binh mã thì gặp lúc Phiêu Kỵ tướng quân Khứ Bệnh chết, vì thế Hán
lâu ngày không đánh Hồ.
Mấy năm sau, Y Trĩ Tà Thiền vu lập được 13 năm thì chết, con
trai là Ô Duy lập làm Thiền vu. Năm ấy là năm Nguyên Đỉnh thứ 3 (112 TCN). Khi
Ô Duy thiền vu lập thì Hán Vũ đế bắt đầu tuần thú quận huyện. Về sau Hán tru
hai nước Việt phía nam [57], không đánh Hung Nô, Hung Nô cũng không vào biên giới.
Ô Duy lập được 3 năm thì Hán đã diệt hai nước Việt, khiển cố
Thái bộc Công Tôn Hạ đem 15.000 kỵ xuất phát từ Cửu Nguyên, đi hơn 2.000 lí đến
giếng Phù Tra (浮苴); Tòng Phiêu hầu Triệu Phá Nô đem
hơn 10.000 kỵ xuất phát từ Lệnh Cư, đi mấy nghìn lí đến sông Hung Hà (浮苴) [58], đều không thấy một người Hung Nô nào, rồi về.
Bấy giờ, Thiên tử đi tuần biên giới, đích thân đến Sóc
Phương, bày binh 180.000 kỵ để thể hiện vũ tiết, rồi sai Quách Cát báo cho Thiền
vu. Khi đến Hung Nô, quan Chủ khách của Hung Nô hỏi ai sai đến. Quách Cát dùng
lễ kẻ dưới và lời ngon ngọt nói rằng: “Tôi
thấy Thiền vu thì miệng mới nói.” Thiền vu gặp Cát, Cát nói: “Đầu Nam Việt vương đã treo dưới cửa khuyết bắc
của Hán. Nay Thiền vu nếu đủ sức đánh với Hán thì Thiên tử tự đem binh đợi ở
biên giới; nếu không đủ sức thì quay về nam mà xưng thần với Hán. Việc gì phải
chạy xa, lẩn trốn ở đất Mạc Bắc lạnh giá không có cỏ nước?” Nói xong, Thiền
vu cả giận, lập tức chém Chủ khách Kiến, rồi giữ Quách Cát lại không cho về,
đày đọa ở trên Bắc Hải [59]. Nhưng Thiền vu rốt cuộc không dám cướp bóc biên giới
Hán, chỉ nghỉ ngơi để dưỡng binh mã, tập săn bắn, nhiều lần sai sứ dùng lời
ngon tiếng ngọt xin hòa thân.
Hán sai bọn Vương Ô dò la Hung Nô. Theo phép của Hung Nô, sứ
Hán không bỏ cờ tiết, không lấy mực xăm mặt thì không được vào lều vòm. Vương Ô
là người Bắc Địa, quen tục Hồ, nên bỏ cờ tiết, xăm mặt rồi vào lều. Thiền vu ưa
thích, giả vờ hứa rằng: “Ta sẽ khiển thái
tử làm con tin ở Hán để xin hòa thân.”
Hán sai Dương Tín đi sứ Hung Nô. Bấy giờ Hán đánh dẹp Uế Mạch,
Triều Tiên phía đông, lấy làm quận, mà đặt quận Cửu Tuyền phía tây để cắt đứt
đường thông của người Hồ với người Khương. Lại thông với Nguyệt Thị, Đại Hạ
[60] phía tây, lấy ông chúa gả cho Ô Tôn vương để chia rẽ các nước viện quốc
phía tây Hung Nô. Lại mở rộng ruộng về phía bắc đến Huyễn Vân để làm biên giới,
mà Hung Nô rốt cuộc không dám nói gì.
Năm ấy (111 TCN), Hấp hầu Tín chết. Quan đương nhiệm ở Hán
cho rằng Hung Nô đã yếu, có thể bắt làm thần. Dương Tín là người thẳng thắn quật
cường, vốn không phải quý thần, Thiền vu không ưa. Thiền vu muốn gọi vào, nhưng
Tín không chịu bỏ cờ tiết, bèn ngồi ngoài lều vòm gặp Dương Tín. Dương Tín nói
với Thiền vu rằng: “Nếu muốn hòa thân thì
đem thái tử của Thiền vu làm con tin ở Hán.” Thiền vu nói: “Đấy không phải giao ước cũ. Giao ước cũ, Hán
thường khiển ông chúa, cấp các thứ tơ lụa, thức ăn để hòa thân, thì Hung Nô
cũng không quấy nhiễu biên giới. Nay lại muốn làm trái xưa, lệnh thái tử của ta
làm con tin, không thể được.”
Tục của Hung Nô, khi gặp sứ Hán không phải quý nhân, nếu là
Nho sinh thì cho rằng muốn thuyết giáo nên tranh cãi với họ; nếu là thiếu niên
thì cho rằng thích dễ bị chóc tức nên khiêu khích khí tiết. Mỗi lần Hán binh
vào Hung Nô, Hung Nô liền trả lại. Hán giữ sứ Hung Nô, Hung Nô cũng giữ sứ Hán,
khi nào bằng mới thôi.
Khi Dương Tín trở về, Hán sai bọn Vương Ô sang Hung Nô. Hung
Nô lại nghe lời nịnh nọt, muốn có nhiều của cải Hán, nên lừa Vương Ô rằng: “Ta muốn vào Hán gặp Thiên tử, trực tiếp cùng
kết làm anh em.” Vương Ô về báo Hán, nên Hán xây nhà cho Thiền vu ở Trường
An. Hung Nô nói: “Không gặp được sứ Hán
là quý nhân, ta không tỏ lòng thành.” Hung Nô sai quý nhân của mình đến Hán
nhưng mắc bệnh, cho uống thuốc để chữa trị, không may mà chết. Hán sai Lộ Sung
Quốc đeo ấn thao 2.000 thạch đi sứ, đưa [sứ Hung Nô] về táng, đền bù hậu mấy
nghìn vàng. Thiền vu cho rằng Hán giết quý nhân của mình, bèn giữ Lộ Sung Quốc
lại không cho về. Mọi người đều nói Thiền vu dùng lời suông lừa Vương Ô, chẳng
có ý vào Hán hay khiển thái tử đến làm con tin. Vì thế Hung Nô nhiều lần sai kỳ
binh xâm phạm biên giới Hán. Hán bèn bái Quách Xương làm Bạt Hồ tướng quân,
cùng Trác Dã hầu đóng từ Sóc Phương về đông để phòng bị người Hồ.
Ô Duy Thiền vu lập được 10 năm thì chết, con trai là Chiêm Sư
Lữ (詹師廬) lập, vì còn nhỏ nên gọi là Nhi Thiền vu. Năm ấy là năm
Nguyên Phong thứ 6 (105 TCN). Từ đấy về sau, Thiền vu giữ lấy miền tây bắc,
binh tả phương đối diện Vân Trung, binh hữu phương đối diện Tửu Tuyền, Đôn
Hoàng.
Khi Nhi thiền vu lập, Hán sai hai sứ, một người phúng điếu Thiền
vu, một người phúng điếu Hữu hiền vương, hòng chia rẽ nước này. Sứ giả vào Hung
Nô, Hung Nô đưa hết đến chỗ Thiền vu. Thiền vu giận, rồi giữ hết sứ Hán lại. Sứ
Hán bị giữ lại Hung Nô trước sau hơn mười đoàn, mà sứ Hung Nô đến Hán cũng bị
giữ lại tương đương.
Năm ấy, Hán sai Nhị Sư tướng quân đánh dẹp Đại Uyển phía tây
[61], rồi lệnh Nhân Vu tướng quân xây thành Thụ Hàng. Mùa đông ấy, Hung Nô có
mưa tuyết lớn, súc vật đói rét chết nhiều, mà Thiền vu còn nhỏ, thích đánh giết,
người trong nước đa phần không yên. Tả đại đô úy muốn giết Thiền vu, sai người
báo cho Hán rằng: “Ta muốn giết Thiền vu
rồi hàng Hán, nhưng Hán ở xa. Hán nên đem binh đến gần ta, ta sẽ giết.” Ban
đầu Hán nghe lời ấy nên xây thành Thụ Hàng, nhưng [Tả đại đô úy] vẫn cho là xa.
Mùa xuân năm sau (104 TCN), Hán sai Trác Dã hầu Phá Nô đem 20.000 kỵ xuất phát
từ Sóc Phương, đi về bắc hơn 2.000 lí, hẹn đến núi Tuấn Kê (浚稽) [62] rồi về. Khi Trác Dã hầu đến chỗ hẹn, Tả đại đô úy muốn
ra tay nhưng bị phát giác. Thiền vu giết đi, phát binh đánh Trác Dã hầu. Trác Dã
hầu bắt giết mấy nghìn người. Khi về, còn cách thành Thụ Hàng 400 lí thì bị 80.000
kỵ Hung Nô vây. Trác Dã hầu trong đêm tự ra ngoài kiếm nước, Hung Nô bắt sống
Trác Dã hầu, nhân đó gánh gấp quân Hán. Quân lại sợ mất tướng sẽ bị phạt, chẳng
khuyên nhau trở về, nên quân mất cả vào tay Hung Nô. Thiền vu mừng rỡ, bèn khiển
binh công thành Thụ Hàng nhưng không hạ được, bèn xâm nhập biên giới rồi rút.
Năm sau (103 TCN), Thiền vu muốn tự công thành Thụ Hàng, chưa đến nơi đã mắc bệnh
chết.
Nhi Thiền vu lập được 3 năm thì chết. Con trai còn nhỏ, Hung
Nô bèn lập em trai của người chú Ô Duy thiền vu là Hữu hiền vương Câu Lê Hồ (句黎湖) làm Thiền vu. Năm ấy là năm Thái Sơ
thứ 3 (102 TCN).
Khi Câu Lê Hồ thiền vu lập, Hán sai Quang lộc Từ Tự Vị xuất
phát từ ải Ngũ Nguyên mấy trăm lí, đi xa nghìn lí, xây thành trì và đặt đình đến
tận Lư Cù (盧朐) [63], rồi sai Du Kích
tướng quân Hàn Thuyết, Trường Bình hầu Vệ Kháng đóng bên cạnh, sai Cường Nỗ đô
úy Lộ Bác Đức xây trên đầm Cư Diên.
Mùa thu ấy, Hung Nô vào Vân Trung, Định
Tương, Ngũ Nguyên, Sóc Phương bắt giết mấy nghìn người, đánh bại mấy viên tướng
nhị thiên thạch [64] rồi rút, đến phá đình và đồn mà Quang lộc đã xây. Lại sai
Hữu hiền vương vào Tửu Tuyền, Trương Dịch, cướp giết nghìn người. Gặp lúc Nhậm
Văn đến cứu, chúng bèn bỏ hết những thứ lấy được rồi rút. Thiền vu nghe tin Nhị
Sư tướng quân phá Đại Uyển, chém vương nước ấy rồi về, nên muốn cản đường nhưng
không dám. Mùa đông ấy, bệnh chết.
Câu Lê Hồ thiền vu lập được 1 năm thì
chết, em trai là Tả Đại đô úy Thả Lặc Hầu (且鞮侯) lập làm Thiền vu.
Hán đã tru Đại Uyển, uy chấn ngoại quốc.
Thiên tử có ý muốn dựa vào đó dồn ép người Hồ, bèn hạ chiếu rằng: “Cao Hoàng đế để nỗi nhục Bình Thành lại cho
Trẫm. Thời Cao hậu, Thiền vu viết thư bội nghịch. Xưa Tề Tương công phục thù chín
đời, Kinh Xuân Thu khen ngợi.” Năm ấy là năm Thái Sơ thứ 4 (101 TCN).
Thả Lặc Hầu thiền vu mới lập, sợ Hán tập
kích nên trả hết sứ Hán không chịu hàng là bọn Lộ Sung Quốc cho Hán. Thiền vu
bèn tự nói: “Ta là con trẻ, nào dám trông
theo Thiên tử Hán! Thiên tử Hán là cha của ta.” Hán khiển Lang trung tướng
Tô Vũ biếu tặng hậu cho Thiền vu. Thiền vu càng kiêu ngạo, lễ rất ngông nghênh,
không như Hán mong đợi. Năm sau (100 TCN), Trác Dã hầu Phá Nô trốn được về Hán.
Năm sau (99 TCN), Hán sai Nhị Sư tướng
quân đem 30.000 kỵ xuất phát từ Tửu Tuyền, đánh Hữu hiền vương ở Thiên Sơn, bắt
giết được hơn vạn người rồi về. Hung Nô bao vây Nhị Sư, hầu hết không thoát được,
Hán binh mất mát sáu bảy phần mười. Hán lại sai Nhân Vu tướng quân xuất phát từ
Tây Hà, cùng Cường Nỗ Đô úy hội ở núi Trác Tà (涿邪) [65],
nhưng không đến được. Sai Kỵ đô úy Lý Lăng đem 5.000 bộ binh xuất phát từ Cư
Diên, đi về bắc hơn nghìn lí, lương thực cạn nên định về. Thiền vu vây Lăng,
Lăng hàng Hung Nô, binh lính thoát được về Hán chỉ có 400 người. Thiền vu quý
Lăng, đem con gái gả cho.
Hai năm sau (97 TCN), Hán sai Nhị Sư
tướng quân đem 60.000 kỵ, 70.000 bộ binh xuất phát từ Sóc Phương; Cường Nỗ đô
úy Lộ Bác Đức đem hơn 100.000 người hội với Nhị Sư; Du Kích tướng quân Thuyết đem
30.000 bộ binh xuất phát từ Ngũ Nguyên; Nhân Vu tướng quân Ngao đem 10.000 kỵ, 30.000
bộ binh xuất phát từ Nhạn Môn. Hung Nô nghe tin, đem hết của cải dời về bắc
sông Dư Ngô [66], còn Thiền vu
đem 100.000 quân đợi ở phía nam sông, tiếp chiến với Nhị Sư. Nhị Sư dẫn quân bỏ
về, chiến đấu liên tục hơn mười ngày với Thiền vu. Du Kích không đến hội binh được.
Nhân Vu đánh với Tả hiền vương, bất lợi nên dẫn quân về.
Năm sau, Thả Lặc Hầu thiền vu chết, lập
được 5 năm. Con trai lớn là Tả hiền vương lập làm Hồ Lộc Cô thiền vu (狐鹿姑). Năm ấy là năm
Thái Thủy thứ 1 (96 TCN).
Ban đầu Thả Lặc Hầu có hai con trai,
con lớn làm Tả hiền vương, con thứ làm Tả đại tướng. [Thả Lặc Hầu] bệnh sắp chết,
nói phải lập Tả hiền vương. Tả hiền vương chưa đến, quý nhân cho rằng có bệnh nên
lập Tả đại tướng làm Thiền vu. Tả hiền vương nghe tin, không dám tiến. Tả đại
tướng sai người gọi Tả hiền vương đến rồi nhường ngôi. Tả hiền vương lấy cớ bệnh
từ chối. Tả đại tướng không chịu, nói rằng: “Nếu không may chết thì truyền cho tôi.” Tả hiền vương đồng ý, bèn lập
làm Hồ Lộc Cô thiền vu.
Hồ Lộc Cô Thiền vu lập, lấy Tả đại tướng
làm Tả hiền vương. Sau mấy năm thì bệnh chết, con trai là Tiên Hiền Đàn (先賢撣) không lên thay được
nên đổi làm Nhật Trục vương. Nhật Trục vương khinh Tả hiền vương, nên Thiền vu
tự lấy con trai mình làm Tả hiền vương.
Thiền vu lập được 6 năm thì Hung Nô
vào Thượng Cốc, Ngũ Nguyên, bắt giết lại dân. Năm ấy, Hung Nô lại vào Ngũ
Nguyên, Tửu Tuyền, giết Đô úy hai bộ. Vì thế Hán khiển Nhị Sư tướng quân đem
70.000 người xuất phát từ Ngũ Nguyên, Ngự sử đại phu Thương Khâu Thành đem hơn 30.000
người xuất phát từ Tây Hà, Trọng Hợp hầu Mãng Thông đem 40.000 kỵ xuất phát từ
Tửu Tuyền, đi hơn nghìn lí. Thiền vu nghe tin Hán xuất nhiều binh, nên đem hết
xe hàng dời đến sông Để Chất Cư (邸郅居) [67] phía bắc thành Triệu Tín. Tả hiền vương
lùa dân mình vượt sông Dư Ngô, đi sáu bảy trăm lí, đến sống ở núi Đâu Hàm (兜銜). Thiền vu tự đem tinh binh, Tả An hầu
vượt sông Cô Thả (姑且).
Quân của Ngự sử đại phu đuổi đến con dốc
nhỏ, không thấy đâu nên quay về. Hung Nô sai đại tướng cùng Lý Lăng đem hơn 30.000
kỵ đuổi theo quân Hán, đến núi Tuấn Kê thì gặp nhau, chiến đấu 9 ngày. Hán binh
hãm trận đẩy lùi địch, bắt giết rất nhiều. Đến sông Bạc Nô (蒲奴) [68], giặc bất lợi nên tháo chạy.
Quân của Trọng Hợp hầu đến Thiên Sơn.
Hung Nô sai Đại tướng Yển Cừ (偃渠) cùng tả, hữu Hô
Tri vương (呼知王) đem hơn 20.000 kỵ
cản Hán binh, nhưng thấy Hán binh mạnh nên dẫn quân rút. Trọng Hợp hầu không mất
một ai. Bấy giờ Hán sợ quân Xa Sư (車師) [69]
chặn
đường Trọng Hợp hầu, bèn khiển Khai Lăng hầu đem binh vây riêng Xa Sư, bắt hết
dân chúng của vương nước ấy rồi về.
Khi Nhị Sư tướng quân rời biên giới,
Hung Nô sai Hữu đại đô úy cùng Vệ Luật đem 5.000 kỵ chặn đánh quân Hán ở hẻm
núi Phu Dương Câu (夫羊句) [70]. Nhị Sư
khiển 2.000 kỵ người Hồ của thuộc quốc lên đánh. Quân giặc tan vỡ, tử thương mấy
trăm người. Quân Hán thừa thắng đuổi về bắc, đến thành Phạm Phu Nhân (范夫人). Hung Nô tháo chạy, chẳng dám chống
cự. Gặp lúc vợ con Nhị Sư gặp phải án Vu cổ [71], [Nhị Sư] nghe tin nên đau buồn.
Viên duyện lại Hồ Á Phu cũng tòng quân để tránh tội, nói với Nhị Sư rằng: “Nhà cửa của phu nhân đều trong tay bọn lại
viên, nếu về mà không nói trước, gặp nhau trong ngục, làm sao thấy được phía bắc
Chất Cư nữa?” Nhị Sư vì thế hồ nghi, muốn kiếm công lớn, bèn đi về bắc đến
đầu nguồn sông Chất Cư. Giặc đã rút, nên Nhị Sư khiển quan Hộ quân đem 20.000 kỵ
vượt sông Chất Cư. Một hôm, đụng độ phải Tả hiền vương, Tả đại tướng, đem 20.000
kỵ đánh với quân Hán suốt một ngày. Quân Hán giết được Tả đại tướng, giặc tử
thương rất nhiều. Quân trưởng Sử và Quyết Khôi Đô úy Huy Cừ hầu mưu rằng: “Tướng quân mang dị tâm, muốn thí quân kiếm
công, e tất bại.” Họ cùng mưu bắt Nhị Sư. Nhị Sư nghe được, chém Trưởng Sử,
rồi dẫn binh về đến núi Tốc Tà Ô Yên Nhiên (速邪烏燕然) [72]. Thiền vu biết quân Hán mỏi mệt, tự đem
50.000 kỵ chặn đánh Nhị Sư, sát thương nhau rất nhiều. Trong đêm đào hào phía
trước quân Hán, sâu mấy thước, rồi đánh gấp phía sau. Quân loạn lớn nên thua trận,
Nhị Sư đầu hàng. Thiền vu vốn biết là đại tướng quý thần của Hán nên lấy con
gái gả cho, tôn sủng cao hơn cả Vệ Luật.
Năm sau (89 TCN), Thiền vu khiển sứ gửi
thư cho Hán rằng:
“Nam có Hán lớn, bắc có Hồ mạnh. Hồ là con
cưng của trời, không vì lễ nhỏ mà vướng bận. Nay muốn cùng Hán mở cửa quan, lấy
con gái Hán làm vợ, hằng năm biếu tặng ta rượu vạn thạch, kê gạo năm nghìn hộc,
lụa tạp vạn tấm, còn lại đều như giao ước cũ, thì biên giới không cướp bóc nhau.”
Hán
khiển sứ giả đưa sứ Hung Nô về. Thiền vu sai tả hữu làm khó sứ giả Hán, nói rằng:
“Hán
là nước lễ nghĩa. Nhị Sư trước theo thái tử mà phát binh làm phản, vì sao vậy?”
Sứ
giả nói:
“Phải. Thừa tướng tranh đấu riêng với Thái tử,
Thái tử phát binh muốn tru Thừa tướng; Thừa tướng vu cáo, nên tru Thừa tướng. Đấy
là con đùa nghịch lính của cha, tội đáng đánh roi, nhưng còn nhỏ nên bỏ qua
thôi. Ai như Mặc Đốn thiền vu tự mình giết cha thay ngôi, cưới mẹ kế như thường,
hành động như cầm thú vậy.”
Thiền
vu giữ sứ giả lại, ba năm sau mới được về.
Nhị Sư ở Hung Nô hơn một năm. Vệ Luật
ghen ghét hắn được sủng ái, gặp lúc mẹ mình Yên thị bệnh, Luật sai thầy cúng
người Hồ vu bảo Thiền vu rằng: “Người Hồ
lúc đi đánh có tế binh, thường nói bắt được Nhị Sư để cúng thần đất, nay cớ gì
không dùng?” Vì thế bắt Nhị Sư. Nhị Sư giận nói: “Ta chết tất sẽ diệt Hung Nô!” Rồi giết Nhị Sư để tế. Gặp lúc mưa
tuyết liền mấy tháng, súc vật chết, người dân bệnh tật, ngũ cốc không chín. Thiền
vu sợ, lập đền thờ cho Nhị Sư.
Từ sau khi Nhị Sư mất, Hán mới mất mấy
vạn sĩ tốt của Đại tướng quân nên không xuất binh nữa. Ba năm sau (87 TCN), Vũ
đế băng. Trước đó Hán binh thâm nhập truy đuổi hơn 20 năm, trẻ con Hung Nô chết
trong bụng mẹ, cực kì khổ sở. Từ Thiền vu trở xuống thường có ý muốn hòa thân.
Ba năm sau, Thiền vu muốn xin hòa
thân, nhưng mắc bệnh chết. Ban đầu, Thiền vu có em trai khác mẹ làm Tả đại đô
úy, là kẻ giỏi, người trong nước hướng về. Người mẹ Yên thị sợ Thiền vu không lập
con mình mà lập Tả đại đô úy, bèn lén sai người giết đi. Anh trai cùng mẹ của Tả
đại đô úy oán, nên không chịu hội ở đình của Thiền vu. Khi Thiền vu bệnh sắp chết,
nói với các quý nhân rằng: “Con ta nhỏ,
không trị quốc được, hãy lập em trai là Hữu cốc lê vương.” Khi Thiền vu chết,
bọn Vệ Luật cùng Chuyên Cừ Yên thị bày mưu, giấu tin Thiền vu chết, làm giả lệnh
của Thiền vu, cùng quý nhân ăn thề, đổi sang lập con trai là Tả cốc lê vương
làm Hồ Diên Đê thiền vu (壺衍鞮). Năm ấy là năm
Thủy Nguyên thứ 2 (85 TCN).
Hồ Diên Đê thiền vu vừa lập đã loan
tin cho sứ giả Hán, nói muốn hòa thân. Tả hiền vương, Hữu cốc lê vương vì không
được lập nên oán vọng, định đem dân chúng của mình về nam theo Hán, nhưng sợ
không tự đến được nên ép Lư Đồ vương (盧屠王), hòng đi sang phía tây hàng Ô Tôn, mưu đánh
Hung Nô. Lư Đồ vương báo lại, nên Thiền vu sai người tra hỏi. Hữu cốc lê vương
không phục, đem tội của mình đổ ngược lên Lư Đồ vương, người trong nước đều bị
lừa cả. Thế rồi hai vương bỏ về sống ở chỗ của mình, chưa từng chịu hội ở Long
Thành.
Mùa thu hai năm sau (83 TCN), Hung Nô
vào đất Đại, giết quan Đô úy. Thiền vu nhỏ tuổi, mới lập, mẹ là Yên thị bất
chính, trong nước chia rẽ, thường sợ Hán binh tập kích. Vì thế Vệ Luật bày mưu
cho Thiền vu rằng: “Đào giếng xây thành,
dựng lầu để trữ ngũ cốc, cùng người Tần thủ. Hán binh đến, sẽ không biết đối
phó sao với ta.” Nên đào mấy trăm giếng, chặt mấy nghìn cây gỗ. Có kẻ nói
người Hồ không thủ thành được, làm thế là biếu không lương thực cho Hán. Vệ Luật
vì vậy ngưng lại, rồi chuyển sang mưu trả bọn sứ Hán không chịu hàng là Tô Vũ,
Mã Hoằng. Mã Hoằng trước kia làm phó cho Quang Lộc đại phu Vương Trung đi sứ
các nước phía tây, bị Hung Nô chặn đường; Trung tử chiến, Mã Hoằng bị bắt sống,
cũng không chịu hàng. Hung Nô trả lại hai người ấy hòng để tỏ thiện ý. Bấy giờ Thiền
vu đã lập được ba năm.
Năm sau (82 TCN), Hung Nô phát 20.000 kỵ
hai bộ tả hữu, chia làm bốn đội, cùng vào biên giới cướp bóc. Hán binh đuổi
theo, bắt giết 9.000 người, bắt sống Âu Thoát vương, Hán không mất một ai. Hung
Nô thấy Âu Thoát vương rơi vào tay Hán, sợ sẽ dẫn đường sang đánh nên rút xa về
tây bắc, không dám di cư theo cỏ nước về nam, phát nhân dân đóng ở Âu Thoát. Năm
sau (81 TCN), lại khiển 9.000 kỵ đóng ở thành Thụ Hàng để phòng bị Hán, xây cầu
ở sông Dư Ngô phía bắc để có thể đi qua, nhằm chuẩn bị lúc rút chạy.
Bấy giờ Vệ Luật đã chết. Lúc Vệ Luật
còn, thường nói đến cái lợi của hòa thân, nhưng Hung Nô không tin. Sau khi [Vệ
Luật] chết, binh nhiều lần khốn đốn, trong nước càng nghèo. Em trai Thiền vu là
Tả cốc lê vương nhớ lời của Vệ Luật, muốn hòa thân mà sợ Hán không chịu, nên
không dám nói trước, thường sai tả hữu loan tin cho sứ giả Hán. Nhưng việc xâm
cướp càng hiếm mà gặp sứ Hán càng nhiều, nên dần có lòng hòa thân, Hán cũng
ràng buộc được. Về sau, Tả cốc lê vương chết.
Năm sau (80 TCN), Thiền vu sai Lê Ô
vương (犁污) dòm ngó biên giới, nói rằng binh ở Tửu
Tuyền, Trương Dịch đã giảm bớt nên xuất binh đánh thử, hi vọng lấy được đất ấy.
Bấy giờ những kẻ trước kia hàng Hán nghe được kế ấy, nên Thiên tử xuống chiếu
cho biên giới phòng bị. Không lâu sau Hữu hiền vương, Lê Ô vương đem 4.000 kỵ,
chia làm ba đội vào Nhật Lặc, Ốc Lan, Phiên Hòa [73]. Trương Dịch thái thú, Thuộc
quốc Đô úy phát binh đánh, đại phá được, mấy trăm tên trốn thoát. Kỵ sĩ của Thuộc
quốc Thiên trưởng Nghĩa Cừ vương bắn chết Lê Ô vương, được ban 200 cân vàng,
200 con ngựa, nhân đó phong [Nghĩa Cừ vương] làm Lê Ô vương. Thuộc quốc Đô úy
Quách Trung được phong Thành An hầu. Từ đấy về sau Hung Nô không dám vào Trương
Dịch.
Năm sau (79 TCN), hơn 3.000 kỵ Hung Nô
vào Ngũ Nguyên, cướp giết mấy nghìn người. Sau đó mấy vạn kỵ đi săn ở phía nam
cạnh biên giới, tấn công đình trưởng ở ngoài ải, bắt lại dân rồi rút. Bấy giờ các
quận biên giới Hán đốt lửa hiệu báo nhau rõ ràng, Hung Nô cướp bóc biên giới ít
lợi, nên hiếm khi phạm cõi nữa. Hán lại thu hàng được người Hung Nô, nói Ô Hoàn
(烏桓) [74] từng phá mộ Thiền vu trước,
Hung Nô oán hận, đang phát 20.000 kỵ đánh Ô Hoàn. Đại tướng quân Hoắc Quang muốn
phát binh chặn đánh, đem hỏi Hộ quân Đô úy Triệu Sung Quốc, thì Sung Quốc cho rằng:
“Ô Hoàn nhiều lần phạm cõi, nay Hung Nô
đánh chúng là tiện cho Hán. Man Di tự công kích nhau mà phát binh cản trở, vời
giặc sinh sự, không phải kế tốt vậy.” Quang chuyển sang hỏi Trung lang tướng
Phạm Minh Hữu, Minh Hữu nói có thể đánh. Vì thế bái Minh Hữu làm Độ Liêu tướng
quân, đem 20.000 kỵ xuất phát từ Liêu Đông. Hung Nô nghe tin Hán binh đến nên rút
lui. Ban đầu Quang nói với Minh Hữu rằng: “Binh
xuất bất ngờ, theo sau Hung Nô rồi đánh Ô Hoàn.” Ô Hoàn bấy giờ mới gặp
binh Hung Nô, Minh Hữu theo sau Hung Nô, nhân đó thừa lúc Ô Hoàn mỏi mệt mà đánh
chúng, chém hơn 6.000 thủ cấp, bắt 3 vương. Khi về, được phong làm Bình Lăng hầu.
Hung Nô do vậy sợ hãi, không xuất binh
được, liền sai sứ sang Ô Tôn, đòi lấy công chúa Hán. [Hung Nô] đánh Ô Tôn, lấy
đất Xa Diên (車延) [75], Ác Sư (惡師) [76]. Khi công chúa Ô Tôn dâng thư, [Chiêu
đế] giao xuống cho công khanh bàn cách cứu, nhưng chưa quyết thì Chiêu đế đã băng,
Tuyên đế lên ngôi. Côn Mi [77] của Ô Tôn lại dâng thư nói: “Liên tiếp bị Hung Nô xâm lấn, Côn Mi nguyện
phát nửa tinh binh trong nước, ngựa năm vạn con, dốc sức đánh Hung Nô. Chỉ có
Thiên tử xuất binh mới cứu được Công chúa!”
Năm Bản Thủy thứ 2 (72 TCN), Hán phát
lính tinh nhuệ Quan Đông, tuyển lại viên tam bách thạch tráng kiện và thạo kỵ xạ
ở các quận quốc, đều tòng quân. Khiển Ngự sử đại phu Điền Quảng Minh làm Kỳ
Liên tướng quân, đem hơn 40.000 kỵ xuất phát từ Tây Hà; Độ Liêu tướng quân Phạm
Minh Hữu đem hơn 30.000 kỵ xuất phát từ Trương Dịch; Tiền tướng quân Vệ Tăng đem
hơn 30.000 kỵ xuất phát từ Vân Trung; Hậu tướng quân Triệu Sung Quốc làm Bạc Loại
tướng quân, đem hơn 30.000 kỵ xuất phát từ Tửu Tuyền; Vân Trung thái thú Điền
Thuận làm Hổ Nha tướng quân, đem hơn 30.000 kỵ xuất phát từ Ngũ Nguyên. Tất cả
5 tướng quân, binh hơn 100.000 kỵ, rời cõi hơn 2.000 lí. Hiệu úy Thường Huệ sai
phát binh Ô Tôn, Tây Vực. Côn Mi tự đem từ Hấp hầu trở xuống hơn 50.000 kỵ từ
phía tây tiến vào, cùng với năm tướng quân là tổng cộng hơn 200.000 quân. Hung
Nô nghe Hán xuất nhiều binh, kẻ già yếu bỏ chạy, lùa súc vật trốn đi xa, vì thế
năm tướng bắt được ít.
Độ Liêu tướng quân rời cõi hơn 1.200 lí,
đến sông Bạc Li Hầu (蒲離候) [], chém đầu bắt
giặc hơn 700 người, bắt ngựa, bò, dê hơn vạn con. Tiền tướng quân rời cõi hơn
1.200 lí, đến Ô Viên (烏員), chém đầu bắt
giặc đến núi Hầu (候) được hơn trăm
người, bắt hơn 2.000 ngựa, bò, dê. Binh của Bạc Loại tướng quân cùng Ô Tôn hợp
đánh Hung Nô ở đầm Bạc Loại (蒲類) [79], Ô Tôn đến
trước rồi rút, Hán binh không theo kịp. Bạc Loại tướng quân rời cõi hơn 1.800 lí,
đi qua núi Hầu, chém đầu bắt giặc, bắt được sứ giả của Thiền vu từ Bạc Âm vương
trở xuống hơn 200 người, bắt hơn 7.000 ngựa, bò, dê. [Các tướng] nghe tin giặc
đã rút chạy, đều không đến nơi hẹn mà về. Thiên tử bỏ qua lỗi, khoan dung không
bắt tội.
Kỳ Liên tướng quân rời cõi 1.600 lí đến
núi Kê Trật (雞秩), chém đầu bắt
giặc 19 người, bắt bò, ngựa, dê hơn trăm con. Gặp sứ Hán từ Hung Nô về là bọn
Nhiễm Hoằng, nói phía tây núi Kê Trật có quân giặc. Kỳ Liên liền dặn Hoằng nói
không có giặc, hòng dẫn binh về. Ngự sử thuộc Công Tôn Ích Thọ can gián, cho rằng
không được, nhưng Kỳ Liên không nghe, rồi dẫn binh về. Hổ Nha tướng quân rời
cõi hơn 800 lí, đến bờ sông Đan Dư Ngô (丹餘吾) [80] thì dừng binh không tiến, chém đầu bắt
giặc hơn 1.900 người, bắt ngựa, bò, dê hơn 70.000 rồi dẫn binh về. Hoàng thượng
thấy Hổ Nha tướng quân không đến nơi hẹn, tăng khống số bắt được, còn Kỳ Liên
biết chỗ giặc mà dừng lại không tiến, đều giao xuống cho lại viên, bắt phải tự
sát. Cất nhắc Công Tôn Ích Thọ làm Thị ngự sử.
Hiệu úy Thường Huệ cùng binh Ô Tôn đến
đình của Hữu cốc lê vương, bắt cha của Thiền vu là Hành và chị dâu, các quan Cư
thứ, Danh vương, Lê Ô Đô úy, Thiên trưởng, tướng trở xuống hơn 39.000 người, bắt
ngựa, bò, dê, lừa, chấp, lạc đà hơn 70 vạn. Hán phong Huệ làm Trường La hầu. Dân
chúng Hung Nô tử thương rồi bỏ chạy, cùng với súc vật dời đi xa, chết không đếm
xuể. Vì thế Hung Nô suy hao, oán Ô Tôn.
Mùa đông ấy, Thiền vu tự đem 10.000 kỵ
đánh Ô Tôn, bắt nhiều người già yếu rồi về. Gặp lúc trời mưa tuyết lớn, mới một
ngày đã sâu hơn một trượng, người dân và súc vật đóng băng chết, chỉ một phần mười
về được. Vì thế Đinh Linh thừa lúc [Hung Nô] yếu để tấn công ở phía bắc, Ô Hoàn
tiến vào miền đông, Ô Tôn đánh phía tây. Cả ba nước giết mấy vạn người [Hung
Nô], mấy vạn con ngựa, rất nhiều bò, dê. Lại có nhiều kẻ chết đói, người dân chết
đến ba phần mười, súc vật năm phần mười. Hung Nô suy yếu nặng, sự trói buộc với
các nước đều vỡ như ngói, đánh cướp không quản lý được. Về sau Hán xuất hơn
3.000 kỵ, chia làm ba đường cùng vào Hung Nô, bắt được mấy nghìn người rồi về.
Hung Nô rốt cuộc không dám chống cự, càng muốn về hòa thân, nên biên cảnh ít có
chuyện.
Hồ Diên Đê thiền vu lập được 13 năm
thì chết, em trai là Tả hiền vương lập làm Hư Lư Quyền Cừ thiền vu (虛閭權渠). Năm ấy là năm Địa Tiết thứ 2 (68
TCN).
Khi Hư Lư Quyền Cừ thiền vu lập, lấy
con gái Hữu đại tướng làm Đại yên thị, rồi truất Chuyên Cừ Yên thị được Thiền
vu trước sủng hạnh. Cha của Chuyên Cừ Yên thị là Tả đại thả cừ oán vọng. Bấy giờ
Hung Nô không cướp biên giới được, vì thế Hán bỏ các thành ngoài để bách tính
nghỉ ngơi. Thiền vu nghe tin thì mừng rỡ, gọi quý nhân đến bàn mưu, muốn cùng
Hán hòa thân. Tả đại thả cừ có tâm phá hỏng việc ấy, nói rằng: “Trước kia sứ Hán đến, binh đi theo sau. Nay ta
cũng bắt chước Hán phát binh, sai sứ giả vào trước.” Bèn tự xin cùng Hô Lư
Ty vương (呼盧訾王) mỗi người đem 10.000
kỵ đi săn cạnh cửa ải phía nam, gặp nhau rồi cùng vào. Chưa đi đến nơi thì có ba
kỵ sĩ bỏ sang hàng Hán, nói Hung Nô muốn cướp bóc. Vì thế Thiên tử xuống chiếu
phát kỵ biên giới đóng ở nơi yếu hại, sai bốn Đại tướng quân Quân, Giám, Trị,
Chúng đem 5.000 kỵ, chia làm ba đội, rời cõi đi mấy trăm lí, bắt được mấy chục tên
giặc rồi về. Bấy giờ Hung Nô mất ba kỵ sĩ ấy nên không dám vào, dẫn quân về.
Năm ấy (67 TCN), Hung Nô đói kém, người
dân súc vật chết sáu bảy phần mười. Lại phát binh đóng ở hai đồn, mỗi nơi
10.000 kỵ để phòng bị Hán. Mùa thu ấy, dân Tây Nhục (西嗕) trước kia bị Hung Nô bắt rồi cho ở đất
bên tả, từ quân trưởng trở xuống mấy nghìn người đều lùa súc vật đi, đánh nhau
với Âu Thoát, sát thương lúc chiến đấu rất nhiều, rồi về nam hàng Hán.
Năm sau (66 TCN), các thành quách Tây
Vực cùng đánh Hung Nô, chiếm nước Xa Sư, bắt được vương nước ấy và dân chúng rồi
về. Thiền vu lại lấy em của Xa Sư vương là Đâu Mạc (兜莫) làm Xa Sư vương, dời số dân còn lại
về phía đông, không dám sống ở đất cũ. Hán cho đóng thêm quân, chia thêm ruộng ở
đất Xa Sư để lấp đầy nơi ấy. Năm sau (65 TCN), Hung Nô oán các nước cùng đánh
Xa Sư, nên khiển tả, hữu Đại tướng mỗi người đem hơn 10.000 kỵ đóng ở đất Điền
Hữu, hòng xâm bức Ô Tôn, Tây Vực. Hai năm sau (63 TCN), Hung Nô khiển tả, hữu
Áo Kiện (奧鞬)
mỗi
người đem 6.000 kỵ, cùng Tả đại tướng đánh ruộng của Hán ở thành Xa Sư lần thứ hai,
không hạ được.
Năm sau (62 TCN), Đinh Linh liên tiếp ba
năm vào cướp Hung Nô, bắt giết mấy nghìn người dân, lùa ngựa và súc vật về.
Hung Nô khiển hơn 10.000 kỵ sang đánh, không gặp được.
Năm sau, Thiền vu đem hơn 100.000 kỵ
đi săn cạnh ải, hòng vào cướp bóc biên giới. Chưa đến nơi thì gặp lúc dân mình
là Đề Trừ Cừ Đường (題除渠堂) bỏ sang hàng
Hán, kể sự trạng. Hán vì thế báo cho Binh lộc Hề Lư hầu, rồi khiển Hậu tướng
quân Triệu Sung Quốc đem binh hơn 40.000 kỵ đóng ở chín quận ven biên giới
phòng bị giặc, hơn một tháng thì bãi binh. [Hung Nô] bèn sai bọn Đề vương Đô Lê
Hồ Thứ (題王都犁胡次) vào Hán xin hòa thân. Chưa đến nơi
thì Thiền vu đã chết. Năm ấy là năm Thần Tước thứ 2 (60 TCN).
Hư Lư Quyền Cừ thiền vu lập được 19
năm thì chết. Từ khi mới lập đã truất Chuyên Cừ Yên thị, Chuyên Cừ Yên thị liền
cùng Hữu hiền vương tư thông. Hữu hiền vương đến hội ở Long Thành, khi sắp về
thì Chuyên Cừ Yên thị nói Thiền vu đã bệnh nặng, chớ đi xa. Mấy ngày sau Thiền
vu chết. Hác Túc vương Hình Vị Ương (郝宿王刑未央) sai người gọi các vương, chưa đến nơi thì
Chuyên Cừ Yên thị cùng em trai Tả đại thả-cừ Đô Long Kỳ (都隆奇) đã
mưu
lập Hữu Hiền vương Đồ Kỳ Đường (屠耆堂) làm Ác Diên Cù Đê
thiền vu (握衍朐鞮)
.
Ác Diên Cù Đê thiền vu [trước kia] thay cha làm Hữu hiền vương, là cháu bảy đời
của Ô Duy Thiền vu.
Ác Diên Cù Đê Thiền vu lập, lại muốn
hòa thân, khiển em trai Y Tù Nhược vương Thắng Chi (伊酋若王勝之) vào chầu dâng hiến cho Hán. Thiền vu
mới lập, hung ác, giết hết bọn quý nhân Hình Vị Ương nắm quyền thời Hư Lư Quyền
Cừ, rồi tin dùng em trai Chuyên Cừ Yên thị là Đô Long Kỳ; lại truất hết con em,
thân cận của Hư Lư Quyền Cừ, rồi lấy con em mình thay thế. Con trai Hư Lư Quyền
Cừ là Kê Hầu San (稽侯狦)
không
được lập, trốn về nhà cha vợ là Ô Thiền Mạc (烏禪幕). Ô Thiền Mạc vốn là người tiểu quốc ở giữa Ô
Tôn, Khang Cư, nhiều lần bị xâm bạo nên đem dân chúng mấy nghìn người hàng Hung
Nô. Hồ Lộc Cô thiền vu lấy chị gái của cháu trai mình Nhật Trục vương gả cho,
sai làm trưởng dân chúng, sống ở đất bên hữu. Nhật Trục vương Tiên Hiền Đàn (先賢撣) có cha là Tả hiền vương xứng đáng
làm Thiền vu nhưng nhường cho Hồ Lộc Cô thiền vu, nên Hồ Lộc Cô hứa sẽ lập Tiên
Hiên Đàn. Người trong nước vì thế đều nói Nhật Trục vương xứng đáng làm Thiền
vu. Nhật Trục vương vốn có hiềm khích với Ác Diên Cù Đê thiền vu, liền đem dân
chúng mấy vạn kỵ theo về Hán. Hán phong Nhật Trục vương làm Quy Đức hầu. Thiền
vu đổi sang lập anh họ Bạc Tư Đường (薄胥堂) làm Nhật Trục
vương.
Năm sau, Thiền vu lại giết hai em trai
của Tiên Hiền Đàn. Ô Thiền Mạc xin tha mà không Thiền vu nghe, nên trong lòng
oán giận. Về sau Tả Áo Kiện vương chết, Thiền vu tự lập con trai nhỏ làm Áo Kiện
vương, giữ lại ở đình. Quý nhân Áo Kiện cùng lập con trai Áo Kiện vương cũ làm
vương, cùng dời về đông. Thiền vu khiển Hữu thừa tướng đem 10.000 kỵ đi đánh, mất
mát mấy nghìn người mà không thắng. Bấy giờ Thiền vu đã lập được hai năm, giết
chóc bạo ngược, trong nước không theo.
Thái tử và Tả hiền vương nhiều lần
gièm pha quý nhân đất bên tả, quý nhân bên tả đều oán. Năm sau, Ô Hoàn đánh Cô
Tịch vương ở miền đông Hung Nô, bắt nhiều người dân, nên Thiền vu tức giận. Cô
Tịch vương lo sợ, liền cùng Ô Thiền Mạc và quý nhân đất bên tả cùng lập Kê Hầu
San làm Hô Hàn Tà thiền vu (呼韓邪), phát binh đất
tả bốn năm vạn người đánh Ác Diên Cù Đê thiền vu ở phía tây. Đến phía bắc sông
Cô Thả, chưa đánh thì binh của Ác Diên Cù Đê thiền vu đã thua chạy. [Ác Diên Cù
Đê] sai người báo em trai mình là Hữu hiền vương rằng: “Hung Nô tấn công ta, ngươi có chịu phát binh giúp ta không?” Hữu hiền
vương nói: “Ngươi không yêu người, giết
anh em và các quý nhân. Tự chết ở xứ ngươi đi, đừng đến vấy bẩn đất ta.” Ác
Diên Cù Đê thiền vu oán hận, tự sát. Tả đại thả cừ Đô Long Kỳ trốn về chỗ của Hữu
hiền vương, dân chúng của hắn đều hàng Hô Hàn Tà thiền vu. Năm ấy là năm Thần
Tước thứ 4 (58 TCN). Ác Diên Cù Đê Thiền vu lập được ba năm thì bại.
***
Chú thích
1. Hạ Hầu thị: Tức là
dòng dõi các vua nhà Hạ.
2. Đường Ngu: Tức Đào Đường
- thị tộc/bộ lạc của vua Nghiêu, và Hữu Ngu – thị tộc của vua Thuấn.
3. Chấp: Không rõ là con
gì. Đoạn này trong Sử ký viết là con la.
4. Khoái đề: Con lai giữa
ngựa đực và lừa cái.
5. Đào dư: Giống ngựa
hoang có lông ánh xanh.
6. Đàn hề: Giống ngựa có
vó chân trước màu trắng.
7. Bân: Nay thuộc Bân
Châu, Thiểm Tây, Trung Quốc.
8. Núi Kỳ: Nay thuộc Bảo
Kê, Thiểm Tây, Trung Quốc.
9. Lạc Ấp: Nay là Lạc
Dương, Hà Nam, Trung Quốc.
10. Phong Khao: Nay thuộc
Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc.
11. Sông Kinh, sông Lạc:
Là phụ lưu của Hoàng Hà, chảy qua địa phận Ninh Hạ, Cam Túc và Thiểm Tây ngày
nay.
12. Hoang phục: Trong thể
chế thời Chu, các nước chư hầu được chia làm năm bậc gồm điện phục, hầu phục,
tuy phục, yêu phục và hoang phục, gọi chung là “ngũ phục”.
13. Lã hình: Là các loại
hình phạt thời Chu, gồm xăm mực, xẻo mũi, chặt chân, thiến và xử tử. Vì do Lã hầu
đặt ra nên có tên này.
14. Núi Ly: Nay thuộc Tây
An, Thiểm Tây, Trung Quốc.
15. Lục Hỗn: Tên bộ lạc cổ,
ban đầu cư trú ở vùng Thiểm Tây ngày nay, sau dời đến Hà Nam.
16. Do Dư: Người nước Tấn
thời Xuân Thu. Khi nước Tấn loạn, Do Dư bỏ sang làm quan cho nước Miên Chư, rồi
được sai đi sứ Tần. Tần Mục công lấy Do Dư làm thượng khanh, sai đánh dẹp các
dân Nhung Địch.
17. Lũng: Tức núi Lũng Thạch,
nay là núi Đại Bàn, nằm ở miền nam Ninh Hạ, Trung Quốc.
18. Câu Chú: Nay thuộc
huyện Đại, Sơn Tây, Trung Quốc.
19. Cam Tuyền: Nay thuộc
Diên An, Thiểm Tây, Trung Quốc.
20. Hồ: Tên gọi chung
dành cho các sắc dân du mục ở phía bắc và tây bắc Trung Quốc thời cổ, về sau
còn được áp dụng với người Trung Á và Tây Á.
21. Cao Khuyết: Nay thuộc
Bayan Nur, Nội Mông, Trung Quốc.
22. Tương Bình: Nay thuộc
Trương Gia Khẩu, Hà Bắc, Trung Quốc.
23. Cửu Nguyên: Nay thuộc
Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc.
24. Vân Dương: Nay thuộc
Hàm Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc.
25. Thiền vu: Danh xưng của
thủ lĩnh Hung Nô.
26. Yên thị: Danh xưng
dành cho vợ thủ lĩnh Hung Nô.
27. Tên sáo: Lại tên
khoét lỗ trên thân, khi bắn đi phát ra tiếng rít như tiếng sáo.
28. Âu thoát: Công trình
xây dựng bằng đất, làm nơi canh giữ biên giới.
29. Trung Hoa xưa lấy 10
Thiên Can để định phương hướng, thì Mậu và Kỷ nằm ở giữa.
30. Hàn vương Tín: Tên đầy
đủ là Hàn Tín, người đất Hàn thời Hán-Sở tranh hùng, nhờ đi theo Lưu Bang nên
được phong làm Hàn vương. Không nên nhầm với danh tướng cùng tên là Tề vương
Hàn Tín.
31. Mã Ấp: Nay thuộc Sóc
Châu, Sơn Tây, Trung Quốc.
32. Cao đế: Tức Hán Cao Tổ
Lưu Bang.
33. Bình Thành, Bạch
Đăng: Nay đều thuộc Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc.
34. Ông chúa: Tước hiệu
phong cho con gái các thân vương thời Hán.
35. Cô phẫn: Nghĩa là yếu
đuối không tự đứng vững được, dùng làm từ khiêm xưng của vua chúa.
36. Tệ ấp: Nghĩa đen là
nơi làng xóm heo hút, dùng làm từ khiêm xưng chỉ nước mình trong ngoại giao xưa.
37. Hà Nam: Ở đây chỉ miền
bắc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, vì nằm về phía nam sông Hoàng Hà nên có tên này.
Không nên nhầm với tỉnh Hà Nam.
38. Cao Nô: Nay thuộc
Diên An, Thiểm Tây, Trung Quốc.
39. Lâu Lan: Tên một
thành bang cổ ở vùng bồn địa Tarim, nay thuộc Bayingolin, Tân Cương, Trung Quốc.
40. Ô Tôn: Một sắc dân
sinh sống ở vùng bắc Tân Cương và đông Kazakhstan ngày nay.
41. Hô Yết: Một sắc dân
sinh sống vùng Đáp Thành, Tân Cương ngày nay.
42. Triều Na, Tiêu Quan:
Nay thuộc Cố Nguyên, Ninh Hạ, Trung Quốc.
43. Bành Dương: Nay thuộc
Cố Nguyên, Ninh Hạ.
44. Phi Hồ Khẩu: Nay thuộc
Trương Gia Khẩu, Hà Bắc, Trung Quốc.
45. Cức Môn: Nay thuộc
Hàm Dương, Thiểm Tây.
46. Bá Thượng: Nay thuộc
Tây An, Thiểm Tây.
47. Triệu vương Toại: Tức
Lưu Toại, tông thất nhà Hán, được phong ở đất Triệu. Trong Loạn thất quốc, Lưu
Toại cùng các phiên vương khác nổi dậy chống nhà Hán nhưng thất bại.
48. Quan thị: Nghĩa là chợ
ở các cửa khẩu biên giới.
49. Đình: Nơi đóng quân của
dân binh để phòng đạo tặc.
50. Cư Diên: Nay thuộc
Ejin, Nội Mông, Trung Quốc.
51. Bác Vọng hầu: Tức
Trương Khiên.
52. Quan Đông: Chỉ chung
vùng phía đông ải Hàm Cốc, nay là Sơn Tây và Hà Nam.
53. Mạc Bắc: Tức vùng
phía bắc hoang mạc Gobi, thuộc Mông Cổ ngày nay.
54. Núi Điền Nhan: Thuộc
dãy núi Khangai ở Mông Cổ.
55. Núi Lang Cư Tư, Thiện
Cô Diên: Thuộc dãy núi Khentili ở Mông Cổ.
56. Hàn Hải: Tức hồ
Baikal ở Nga ngày nay.
57. Hai nước Việt: Tức
Mân Việt và Nam Việt
58. Sông Hung Hà: Nay là
sông Baydrag ở Mông Cổ.
59. Bắc Hải: Tức hồ
Baikal.
60. Đại Hạ: Tức vùng
Bactria ở Trung Á, nay nằm trên lãnh thổ các nước Tajikistan, Kyrgyzstan và
Afghanistan.
61. Đại Uyển: Tức vùng
thung lũng Ferghana ở Trung Á, nay thuộc Uzbekistan. Xem thêm Đại Uyển liệt
truyện.
62. Núi Tuấn Kê: Nay thuộc
Ejin, Nội Mông, Trung Quốc.
63. Lư Cù: Tên sông. Nay
là sông Kherlen, chảy qua Mông Cổ và Trung Quốc.
64. Nhị thiên thạch: Nhà
Hán dùng lương thực làm bổng lộc cho quan, nên “nhị thiên thạch” nghĩa là chức
quan được hưởng lương 2.000 thạch.
65. Núi Trác Tà: Nay thuộc
Tsersetleg, Mông Cổ.
66. Sông Dư Ngô: Nay là
sông Tuul, Mông Cổ.
67. Để Chất Cư: Nay là
sông Selenge, Mông Cổ.
68. Sông Bạc Nô: Nay là
sông Ongin, Mông Cổ.
69. Xa Sư: Tên tiểu quốc,
nay thuộc Turpan, Tân Cương, Trung Quốc.
70. Phu Dương Câu: Nay
thuộc Dalanzadgad, Mông Cổ.
71. Án vu cổ: Năm 91 TCN,
Thái tử nhà Hán là Lưu Cứ bị vu cáo dùng bùa phép (“vu cổ”) hãm hại cha mình là
Hán Vũ đế. Lưu Cứ cùng quẫn nên khởi binh làm loạn, đánh nhau với Thừa tướng
Lưu Khuất Li, nhưng rốt cuộc thất bại nên phải tự sát. Về sau Vũ đế phát hiện
Lưu Cứ bị hãm hại nên xử tử Khuất Ly và bè đảng. Gia đình Lý Quảng Lợi vì là
thông gia với Khuất Ly nên cũng bị bắt giam.
72. Tốc Tà Ô Yên Nhiên:
Nay là núi Delgerkhangai, Mông Cổ.
73. Nhật Lặc, Ốc Lan,
Phiên Hòa: Nay thuộc Cam Túc, Trung Quốc.
74. Ô Hoàn: Một sắc dân
du mục từng sinh sống ở miền đông Mông Cổ và vùng Mãn Châu ngày nay, được cho
là tổ tiên của người Mông Cổ sau này.
75. Xa Diên: Nay thuộc Sa
Loan, Đáp Thành, Tân Cương.
76. Ác Sư: Nay là Yên Kỳ,
Bayingolian, Tân Cương.
77. Côn Mi: Là danh hiệu
của thủ lĩnh người Ô Tôn.
78. Sông Bạc Li Hầu: Nay
nằm phía tây nam Mông Cổ.
79. Đầm Bạc Loại: Nay là
hồ Barkol, Tân Cương, Trung Quốc.
80. Sông Đan Dư Ngô: Nay
nằm ở tây nam Mông Cổ, khác với sông Dư Ngô là sông Tuul ở bắc Mông Cổ.
***
Phụ lục: Từ vựng tiếng Hung Nô
Kí âm chữ Hán |
Phát âm Hán-Việt |
Phát âm Hán cổ |
Phỏng đoán từ gốc trong tiếng Hung Nô |
Nghĩa |
單于 |
thiền vu |
/*ta:n ɢʷa/ |
tanqa |
tướng mạo lớn lao; danh xưng của thủ lĩnh. |
閼氏 |
yên thị |
/*qa:d ɡje/ /*q:en gje/ |
qatje/enje |
danh xưng của vợ thủ lĩnh. |
屠耆 |
đồ kỳ |
/*da: ɡri/ |
dagri |
tài giỏi; danh xưng của con trai thủ lĩnh. |
谷蠡 |
cốc lê |
/*klo:ɡ re:l/ |
kogreg |
|
當戶 |
đương hộ |
/*ta:ŋ ɡʷa/ |
tanga/danga |
|
骨都 |
cốt đô |
/*kut ta/ |
kutta |
|
且渠 |
thả cừ |
/*tsʰa ɡa/ |
tsaga/shaga |
|
撐犁 |
sanh lê |
/tʰaːŋ ril/ |
tengri |
trời |
孤塗 |
cô đồ |
/*kʷa l'a/ |
qala |
con |
駃騠 |
quyết đề |
/*kʷeːd de/ |
qetde |
con lai giữa ngựa đực và lừa cái |
騊駼 |
đào dư |
/*l'uː l'aː/ |
lula |
ngựa có lông ánh xanh |
驒奚 |
đàn hề |
/*teːn ge:/ |
tenge |
ngựa có vó chân trước màu trắng |
(Dịch thuật và chú thích: Quốc Bảo)
Comments
Post a Comment