Hán thư - Hung Nô truyện (hạ)

 

Hung Nô truyện (hạ)

Hán thư – quyển 94

 

***

 


Hô Hàn Tà thiền vu về đình được mấy tháng thì bãi binh, cho về hết đất cũ, rồi tìm anh mình Hô Đồ Ngô Tư (呼屠吾斯) lẩn trong dân gian, lập làm Tả cốc lê vương. [Hô Hàn Tà] sai người báo cho quý nhân của Hữu hiền vương, hòng muốn giết Hữu hiền vương. Mùa đông ấy, Đô Long Kỳ và Tả hiền vương cùng lập Nhật Trục vương Bạc Tư Đường làm Đồ Kỳ thiền vu, phát mấy vạn binh tập kích Hô Hàn Tà thiền vu ở phía đông. Binh của Hô Hàn Tà thiền vu thua chạy. Đồ Kỳ thiền vu trở về, lấy con trai trưởng Đô Đồ Ngô Tây (都塗吾西) làm Tả cốc lê vương, con trai nhỏ Cô Mậu Lâu Đầu (姑瞀樓頭) làm Hữu cốc lê vương, ở lại đình của Thiền vu.

 

Mùa thu năm sau, Đồ Kỳ thiền vu sai anh trai Nhật Trục vương Tiên Hiền Đàn là Hữu Áo Kiện vương, cùng Ô Tịch đô úy (烏藉都尉) mỗi người đem 20.000 kỵ đóng ở miền đông để phòng bị Hô Hàn Tà thiền vu. Bấy giờ Hô Yết vương ở miền tây đến bàn mưu với Duy Lê đương hộ (唯犁當戶), cùng gièm pha Tả hiền vương, nói hắn muốn tự lập làm Ô Tịch thiền vu. Đồ Kỳ thiền vu giết cha con Tả hiền vương; về sau biết là oan, lại giết Duy Lê đương hộ. Vì thế Hô Yết vương lo sợ rồi làm phản, tự lập làm Hô Yết thiền vu. Hữu Áo Kiện vương nghe tin, liền tự lập làm Xa Lê thiền vu (車犁).  Ô Tịch đô úy cũng tự lập làm Ô Tịch thiền vu, tất cả năm Thiền vu.

 

Đồ Kỳ thiền vu tự đem binh đánh Xa Lê thiền vu phía đông, sai Đô Long Kỳ đánh Ô Tịch. Ô Tịch, Xa Lê đều thua, chạy về tây bắc, hợp binh với Hô Yết thiền vu được 40.000 người. Ô Tịch, Hô Yết đều bỏ hiệu Thiền vu, cùng dốc sức tôn phò Xa Lê thiền vu. Đồ Kỳ thiền vu nghe tin nên sai Tả đại tướng, Đô úy đem 40.000 kỵ đóng ở miền đông để phòng bị Hô Hàn Tà thiền vu, rồi tự đem 40.000 kỵ đánh Xa Lê thiền vu phía tây. Xa Lê thiền vu thua, chạy về tây bắc. Đồ Kỳ thiền vu liền dẫn quân về tây nam, ở lại đất Hấp Đôn (闟敦).

 

Năm sau, Hô Hàn Tà thiền vu khiển em trai Hữu cốc lê vương tập kích binh đóng giữ của Đồ Kỳ thiền vu ở phía tây, bắt giết hơn vạn người. Đồ Kỳ thiền vu nghe tin liền tự đem 60.000 kỵ đánh Hô Hàn Tà thiền vu. Đi được 7 lí, chưa đến đất Nhục Cô (嗕姑) thì gặp khoảng 40.000 binh của Hô Hàn Tà thiền vu, nên giao chiến. Đồ Kỳ thiền vu thua trận, tự sát. Đô Long Kỳ bèn cùng con trai nhỏ của Đồ Kỳ là Hữu cốc lê vương Cô Mậu Lâu Đầu (姑瞀樓頭) chạy sang Hán. Xa Lê thiền vu đầu hàng Hô Hàn Tà thiền vu ở phía đông. Tả đại tướng của Hô Hàn Tà thiền vu là Ô Lệ Khuất (烏厲屈) cùng cha là Hô Tốc Lõa Ô Lệ Ôn Đôn (呼遫累烏厲溫敦) đều thấy Hung Nô loạn, nên đem dân chúng mấy vạn người về nam hàng Hán. Phong Ô Lệ Khuất làm Tân Thành hầu, Ô Lệ Ôn Đôn làm Nghĩa Dương hầu.

 

Bấy giờ con trai của Lý Lăng lại lập Ô Tịch đô úy làm Thiền vu. Hô Hàn Tà thiền vu bắt Ô Tịch chém đi, rồi lại đóng đô ở đình của Thiền vu, nhưng mất mấy vạn dân chúng. Em họ Đồ Kỳ thiền vu là Hưu Tuần vương (休旬王) đem năm sáu trăm kỵ dưới trướng đánh giết Tả đại thả cừ, gom binh của hắn rồi đến đất hữu phương, tự lập làm Nhuận Chấn thiền vu (閏振) ở biên giới phía tây. Về sau anh trai Hô Hàn Tà thiền vu là Tả hiền vương Hô Đồ Ngô Tư cũng tự lập làm Chất Chi Cốt Đô Hầu thiền vu ở biên giới phía đông.

 

Hai năm sau, Nhuận Chấn thiền vu đem quân đánh Chất Chi thiền vu phía đông. Chất Chi thiền vu đánh trả, giết được Nhuận Chấn, gom binh của hắn rồi tiến công Hô Hàn Tà. Hô Hàn Tà bị đánh phá, quân bỏ chạy. Chất Chi đóng đô ở đình của Thiền vu.

 

Sau khi Hô Hàn Tà thất bại, Tả Y Trật Ty vương (伊秩訾王) bày kế cho Hô Hàn Tà, khuyên xưng thần vào chầu phụng sự Hán, theo Hán để xin giúp, như vậy Hung Nô mới định. Hô Hàn Tà hỏi các đại thần, họ đều nói:

Không được. Tục của Hung Nô vốn đề cao khí lực mà xem thấp phục dịch, lấy việc chiến đấu trên ngựa để dựng nước, nên có uy danh với Bách Man. Chết khi chiến đấu là cái chết của tráng sĩ. Nay anh em tranh nước, không vào tay anh thì vào tay em, tuy chết vẫn có uy danh, con cháu làm trưởng các nước lâu dài. Hán tuy mạnh vẫn không thể thôn tính Hung Nô. Sao phải vứt bỏ chế độ tiên cổ, thần sự cho Hán, nhục nhã với các Thiền vu trước, bị các nước chê cười! Tuy như vậy là yên, nhưng làm sao làm trưởng Bách Man được nữa!”

Tả Y Trật Ty nói:

Không đúng. Mạnh yếu có lúc, nay Hán đang thịnh, Ô Tôn và các nước thành quách làm thần thiếp. Từ Thả Lặc Hầu thiền vu đến nay, Hung Nô ngày một yếu, không thể thu phục [Ô Tôn]. Tuy quật cường ở đây, nhưng chưa từng một ngày ở yên. Nay phụng sự Hán thì yên ổn, không phụng sự Hán thì nguy vong, còn kế nào hay hơn thế!

Các đại nhân tranh cãi hồi lâu. Hô Hàn Tà nghe theo kế ấy, dẫn dân chúng về nam đến gần biên giới, khiển con trai là Tả hiền vương Thù Lũ Cừ Đường (銖婁渠堂) vào chầu. Chất Chi thiền vu cũng khiển con trai là Tả hiền vương Đại tướng Câu Ư Lợi Ái (駒於利受) vào làm con tin. Năm ấy là năm Cam Lộ thứ 1 (53 TCN).

 

Năm sau (52 TCN), Hô Hàn Tà thiền vu nạp khoản ở ải Ngũ Nguyên [1], xin tháng giêng năm thứ 3 sẽ vào chầu. Hán khiển Xa Kỵ đô úy Vệ Xương đi đón, phát 2.000 kỵ của bảy quận bày trận dọc đường. Thiền vu tháng giêng vào chầu Thiên tử ở cung Cam Tuyền [2]. Hán ban cho lễ đặc biệt, được ngồi trên các chư hầu vương, khi tán tụng hay bái yết chỉ xưng thần mà không nêu tên. Ban cho mũ đai, xiêm áo, tỷ vàng dây thao lục, kiếm nạm ngọc, đao đeo eo, cung 1 cây, tên 4 mũi, mịch kích 10 ngọn, xe có ghế 1 cỗ, yên cương 1 bộ, ngựa 15 con, vàng 20 cân, tiền 20 vạn, y phục 77 bộ, các thứ gấm thêu, nhiễu vóc, lụa là 8.000 tấm, tơ 6.000 cân. Làm lễ xong, sai sứ giả dẫn Thiền vu đi trước, nghỉ lại ở Trường Bình [3]. Hoàng thượng từ Cam Tuyền đến nghỉ ở cung Trì Dương. Khi Hoàng thượng lên Trường Bình, xuống chiếu cho Thiền vu khỏi bái yết, quần thần như tả hữu Đương hộ đều được xếp chỗ xem, cùng với mấy vạn quân trưởng và vương hầu Man Di cùng nghênh đón dưới cầu sông Vị, xếp hàng bên đường. Khi Hoàng thượng lên cầu sông Vị, họ đều hô “Vạn tuế”. Thiền vu tới phủ đệ, ở lại hơn một tháng rồi cho về nước. Thiền vu tự xin nguyện được ở lại ngoài ải Quang Lộc [4], có nguy cấp thì bảo vệ thành Thụ Hàng của Hán. Hán khiển Trường Lạc Vệ úy Cao Xương hầu Đổng Trung, Xa Kỵ Đô úy Vệ Xương đem 16.000 kỵ, lại phát hàng nghìn binh mã các quận biên giới đưa Thiền vu rời ải Kê Lộc ở Sóc Phương [5]. Xuống chiếu cho bọn Trung ở lại bảo vệ Thiền vu, giúp diệt kẻ không phục. Lại chở thóc gạo, lương khô ở biên giới trước sau 34.000 hộc đến cấp để đủ cái ăn.

 

Năm ấy, Chất Chi thiền vu cũng khiển sứ phụng hiến, Hán đãi ngộ rất hậu. Năm sau (51 TCN), hai Thiền vu đều khiển sứ triều hiến, Hán đối đãi sứ của Hô Hàn Tà tốt hơn. Năm sau (50 TCN), Hô Hàn Tà thiền vu lại vào chầu. Ban lễ như trước, gia thêm 110 bộ áo, 9.000 tấm gấm lụa, 8.000 cân tơ. Vì đã có binh đóng giữ, nên không phát kỵ đưa về nữa.

 

Ban đầu Chất Chi thiền vu thấy rằng Hô Hàn Tà hàng Hán, binh yếu không thể tự trở về, liền dẫn dân chúng về tây, định đánh dẹp đất hữu phương. Em trai nhỏ của Đồ Kỳ thiền vu vốn gần gũi Hô Hàn Tà, cũng bỏ sang đất hữu phương, thu binh còn sót của hai anh mình được mấy nghìn người, tự lập làm Y Lợi Mục thiền vu (伊利目). [Y Lợi Mục] giữa đường gặp phải Chất Chi nên giao chiến. Chất Chi giết Y Lợi Mục, gom binh của hắn được hơn 50.000 người. [Chất Chi] nghe tin Hán xuất binh lương giúp Hô Hàn Tà, nên bèn ở lại đất hữu phương; nhưng tự lượng sức mình không đủ định Hung Nô, bèn dời về tây gần Ô Tôn. [Chất Chi] muốn hợp sức với nước ấy nên khiển sứ sang gặp Tiểu côn mi Ô Tựu Đồ (烏就屠). Ô Tựu Đồ thấy Hô Hàn Tà được Hán ủng hộ, Chất Chi là kẻ trốn chạy, muốn đánh Chất Chi để lấy lòng Hán, bèn giết sứ của Chất Chi, đem đầu đến trị sở Đô hộ, rồi phát 8.000 kỵ đón đánh Chất Chi. Chất Chi thấy Ô Tôn binh nhiều, sứ mình lại không trở về, nên đem binh đến đánh Ô Tôn, phá được. Nhân đó đánh Ô Yết (烏揭) phía bắc; Ô Yết hàng. Lại phát binh phá Kiên Côn (堅昆) phía tây, thu hàng Đinh Linh phía bắc, thôn tính hai nước ấy. [Chất Chi] nhiều lần khiển binh đánh Ô Tôn, thường thắng. Kiên Côn cách đình của Thiền vu 700 lí về phía đông, cách Xa Sư 500 lí về phía nam, Chất Tri đóng đô lại ở đấy.

 

Khi Nguyên đế mới lên ngôi, Hô Hàn Tà thiền vu lại dâng thư nói dân chúng đói khổ. Hán xuống chiếu cho các quận Vân Trung, Ngũ Nguyên chở 20.000 hộc ngũ cốc đến cấp. Chất Chi tự thấy đường xa, lại oán Hán ủng hộ Hô Hàn Tà, nên khiển sứ dâng thư xin lấy con mình về. Hán khiển Cốc Cát đưa về, thì Chất Chi giết Cát. Hán không thấy tin tức của Cát, mà người Hung Nô đầu hàng nói rằng đã bị Âu Thoát giết cả. Khi sứ của Hô Hàn Tà thiền vu đến, Hán liền quở trách rất gắt.

 

Năm sau (48 TCN), Hán khiển Xa kỵ Đô úy Vệ Xương, Quang lộc đại phu Trương Mãnh đưa con của Hô Hàn Tà thiền vu về và tìm kiếm bọn Cát; nhân đó xá tội, không để tự nghi ngờ. Xương, Mãnh thấy dân chúng của Thiền vu đông đúc giống như cầm thú ngoài biên giới, Thiền vu đủ sức tự vệ, không sợ Chất Chi. Nghe nói đại thần nước ấy đa phần khuyên Thiền vu trở về bắc, sợ sau khi về bắc lại cắt giao ước, nên Xương, Mãnh liền cùng minh ước rằng: “Từ nay trở đi Hán với Hung Nô hợp thành một nhà, đời đời chớ được lừa nhau hay đánh nhau. Có kẻ trộm cướp thì báo nhau để trị tội đền của; có giặc thì phát binh giúp nhau. Hán và Hung Nô ai bội ước trước, trời đất sẽ không tha. Lệnh con cháu đời đời làm trọn như lời thề.” Xương, Mãnh cùng Thiền vu và đại thần đều lên ngọn núi phía đông sông Nặc (), cắt tiết con ngựa trắng. Thiền vu dùng dao kinh lộ và lưu lê vàng [6] khuấy rượu, lấy chiếc chén làm từ đầu Nguyệt Thị vương từ thời Lão Thượng thiền vu để cùng uống máu ăn thề. Khi Xương, Mãnh về tâu lại việc ấy, công khanh nghị giả cho rằng: “Thiền vu giữ bờ cõi, làm phên dậu, dẫu có muốn về bắc vẫn không thể gây nguy hại. Xương, Mãnh tự tiện đem con cháu đời đời nước Hán ăn thề với Di Địch, bảo Thiền vu đem lời ác cáo lên với trời, là sỉ nhục quốc gia, tổn hại uy trọng, không thể làm được. Nên khiển sứ sang tế cáo trời, cùng giải lời thề. Xương, Mãnh đi sứ không có công trạng, tội rất bất đạo.” Hoàng thượng bỏ qua lỗi lầm, có chiếu cho Xương, Mãnh được chuộc tội, khỏi phải giải lời thề. Sau này Hô Hàn Tà rốt cuộc về đình phía bắc, người dân dần dần về theo, trong nước bèn định.

 

Chất Chi giết sứ, tự biết mình phụ Hán, lại nghe nói Hô Hàn Tà mạnh thêm nên sợ bị tập kích, muốn dời đi xa. Gặp lúc Khang Cư vương nhiều lần bị Ô Tôn làm khó nên cùng bày kế với các Hấp hầu, cho rằng: “Hung Nô là nước lớn, Ô Tôn vốn phải phục thuộc. Nay Chất Chi thiền vu khốn ách ở ngoài, có thể đón về biên giới phía đông, cho hợp binh lấy đất Ô Tôn để lập, về lâu dài không phải lo Hung Nô.” Liền sai sứ đến Côn Kiên thông ngữ với Chất Chi. Chất Chi vốn sợ [Hô Hàn Tà], lại oán Ô Tôn, nên khi nghe kế của Khang Cư thì rất hài lòng, bèn cùng kết minh, dẫn binh về tây. Khang Cư cũng khiển quý nhân đem mấy nghìn con lạc đà, lừa ngựa đón Chất Chi. Dân chúng của Chất Chi dọc đường chết rét, chỉ còn khoảng 3.000 người đến được Khang Cư. Về sau khi Đô hộ Cam Diên Thọ và Phó đô hộ Trần Thang phát binh thì Khang Cư chém Chất Tri, chép ở truyện về Diên Thọ và Khang.

 

Khi Chất Tri đã bị giết, Hô Hàn Tà thiền vu vừa mừng vừa sợ, dâng thư nói rằng: “Thường mong yết kiến Thiên tử, nhưng thấy Chất Chi ở phương tây, sợ hắn cùng Ô Tôn đến đánh thần, vì thế chưa đến Hán được. Nay Chất Chi đã bị diệt, nên nguyện vào triều kiến.” Năm Cảnh Ninh thứ 1 (33 TCN), Thiền vu lại vào chầu. Ban lễ như trước, gia thêm y phục, gấm, lụa, tơ, đều gấp nhiều thời Hoàng Long. Thiền vu tự nói nguyện làm rể họ Hán để thành thân thích. Nguyên đế lấy người con gái nhà lành trong hậu cung là Vương Tường (tự là Chiêu Quân) ban cho Thiền vu. Thiền vu mừng rỡ, dâng thư nguyện giữ cõi từ Thượng Cốc về tây đến Đôn Hoàng, nối truyền không dứt, xin bãi lại tốt phòng bị ở biên giới để nhân dân của Thiên tử nghỉ ngơi. Thiên tử lệnh hữu ty bàn, nghị giả đều cho là tiện. Lang trung Hầu Ứng quen việc biên giới, cho là không thể đồng ý. Hoàng thượng hỏi cớ trạng, thì Ứng nói:

Từ thời Chu, Tần trở đi, Hung Nô bạo kiệt, xâm cướp bờ cõi. Khi Hán hưng, càng bị hại nhiều. Thần nghe nói biên giới phía bắc đến Liêu Đông, bên ngoài có núi Âm, đông tây hơn nghìn lí, cây cỏ um tùm, nhiều cầm thú. Mặc Đốn thiền vu vốn nương tựa trong đấy, sửa sang cung tên, ra ngoài làm cướp, nên đấy là vườn của hắn vậy. Đến đời Hiếu Vũ, xuất quân chinh phạt, đánh chiếm đất ấy, đuổi chúng về Mạc Bắc, dựng ranh giới, xây đình canh, đắp thành ngoài, đặt lính thú để thủ lấy. Nhưng về sau biên cảnh được yên bình nên ít dùng nữa. Mạc Bắc đất bằng, ít cây cỏ, nhiều đồi cát, Hung Nô đến cướp thì thiếu nơi ẩn náu. Từ quan ải về nam phải lặn lội núi non, đi lại khó khăn. Trưởng lão ở biên giới nói sau khi Hung Nô mất núi Âm, lúc đi qua chẳng bao giờ không khóc. Nếu như bãi lính thú phòng bị ở quan ải, rõ ràng là lợi lớn của Di Địch, không thể. Đấy là một điều vậy.

Nay thánh đức phủ rộng, trời che chở Hung Nô; Hung Nô nhờ đội ơn mà sống sót, nên dập đầu xưng thần. Tính của Di Địch, lúc khốn thì quy thuận, lúc mạnh thì kiêu nghịch, đấy là tính trời vậy. Trước kia đã bỏ thành ngoài, giảm đình canh, thì nay nên cắt vừa đủ để trông chừng đốt lửa hiệu mà thôi. Người xưa dù ở yên không quên chuyện nguy, nên không thể bãi nữa. Đấy là hai điều vậy.

Trung Quốc có lễ nghĩa giáo hóa, có hình phạt trị tội, mà dân ngu vẫn còn phạm điều cấm, huống hồ gì Thiền vu, làm sao ngăn tất cả dân mình không phạm ước! Đấy là ba điều vậy.

Trung Quốc vẫn xây quan ải, cầu cống là để chế ngự chư hầu, là để cắt đứt kì vọng của bề tôi vậy. Đặt quan ải, xếp lính thú chẳng phải vì một mình Hung Nô không đâu, mà cũng vì hàng dân các thuộc quốc vốn là người Hung Nô cũ, sợ họ nhớ chốn cũ mà trốn về. Đấy là bốn điều vậy.

Gần đây Tây Khương giữ cõi, giao thông với người Hán. Nhưng quan dân hám lợi, xâm cướp súc vật, vợ con của họ, nên [Tây Khương] vì thế mà oán hận, nổi dậy làm phản, đời đời không dứt. Nay bãi đồn trú thì sẽ sinh khinh nhờn, dần dẫn đến phân tranh. Đấy là năm điều vậy.

Trước kia tòng quân nhiều người chết không về được, con cháu nghèo khốn. [Không thể] một sớm vứt bỏ họ, cho Hung Nô làm thân thích. Đấy là sáu điều vậy.

Nô tì của người biên giới sầu khổ, nhiều kẻ muốn trốn, nói rằng ‘Nghe nói ở Hung Nô vui vẻ, không phải trông chừng lúc nào nguy cấp!’ Thế rồi đã có bảy kẻ đã rời cõi. Đấy là bảy điều vậy.

Bọn đạo tặc, kiệt hiệt tụ tập phạm pháp, nếu như cùng quẫn bỏ trốn về bắc thì không thể chế ngự. Đấy là tám điều vậy.

Từ khi dựng quan ải đến nay đã hơn trăm năm, nhưng không phải đều đắp bằng đất. Có nơi nương theo mép núi, cây cối um tùm, đi qua khe động cửa sông, mà cũng dần dần bằng phẳng. Binh lính sửa sang, công phí lâu dài không thể kể hết. Thần e nghị giả không hiểu hết đầu đuôi nên nhất mực muốn bỏ lính thú. Giả như khoảng mười năm trở đi, trăm năm đổ lại có biến, mà quan ải đã đổ nát, đình canh đã mất sạch, phải phát binh sửa chữa, thì công lao nhiều đời không thể khôi phục. Đấy là chín điều vậy.

Nếu như bãi lính thú, bỏ đình canh, cho Thiền vu tự thủ ngự giữ cõi, thì hắn ắt có đức sâu với Hán, rồi sẽ thỉnh cầu không ngừng, dù để mất lòng một chút cũng không thể lường được. Lộ sơ hở cho Di Địch là hỏng sự bền vững của Trung Quốc. Đấy là mười điều vậy.

Thế nên đây không phải là kế sách yên ổn lâu dài, uy chế Bách Man.”

Khi lời tấu đáp lên, Thiên tử có chiếu rằng:

Không được bàn việc bãi quan ải nữa.”

Rồi sai Xa Kỵ tướng quân dụ miệng với Thiền vu rằng:

Thiền vu dâng thư mong bãi lại sĩ đồn thú ở biên giới phía bắc, con cháu đời đời giữ cõi. Thiền vu hướng mộ lễ nghĩa, thế nên tính kế rất hậu cho dân, đúng là sách lược lâu dài. Trẫm rất lấy làm khen ngợi. Trung Quốc bốn phương có thành trì quan ải, không chỉ để phòng bị ngoài cõi, mà cũng đề phòng bọn gian tà trốn khỏi Trung Quốc ra ngoài cướp bóc, nên pháp độ rõ ràng để nắm được lòng dân. Kính dụ ý của Thiền vu, Trẫm không nghi ngờ gì. Vì Thiền vu thấy không bãi ắt cho là quái lạ, nên sai Đại tư mã Xa Kỵ tướng quân báo sớm cho Thiền vu.”

Thiền vu tạ lỗi rằng:

Ngu dốt không biết kế lớn, may thay Thiên tử sai đại thần báo cho, thật hậu!

 

Ban đầu, Tả Y Trật Ty vẽ kế cho Hô Hàn Tà theo về Hán, cuối cùng an định được. Về sau có kẻ gièm pha Y Trật Ty tự cho mình có công, thường hay ương ngạnh, nên Hô Hàn Tà nghi ngờ hắn. Tả Y Trật Ty lo bị diệt, nên đem dân chúng hơn nghìn người hàng Hán. Hán lấy làm Quan nội hầu, thực ấp 300 hộ, cho đeo ấn vương. Đến thời Cảnh Ninh, Hô Hàn Tà đến chầu, gặp nhau với Y Trật Ty, tạ lỗi rằng: “Vương bày kế rất hậu cho ta! Khiến Hung Nô được yên ổn đến nay là nhờ công của vương vậy, đức ấy chẳng thể quên! Ta làm mất lòng vương, khiến vương bỏ đi không ngoảnh nhìn lại, đều là lỗi của ta. Nay muốn biện bạch với Thiên tử, đón vương về đình.” Y Trật Ty nói: “Thiền vu noi theo mệnh trời, tự về với Hán, nên được yên ổn là nhờ thần linh của Thiền vu, nhờ Thiên tử giúp đỡ, ta nào có công! Đã sang hàng Hán lại trở về Hung Nô, đấy là hai lòng vậy. Nguyện làm kẻ hầu của Thiền vu ở Hán, không dám nghe mệnh.” Thiền vu xin bốn lần mà không được, bèn về.

 

Vương Chiêu Quân hiệu là Hồ yên thị, sinh một con trai là Y Đồ Trí Nha Sư (伊屠智牙師), làm Hữu Nhật Trục vương. Hô Hàn Tà thiền vu lập được 28 năm, chết năm Kiến Thủy thứ 2 (31 TCN). Ban đầu Hô Hàn Tà ưa thích hai con gái của anh trai Tả Y Trật Ty là Hô Diên vương. Người con gái lớn làm Chuyên Cừ yên thị (顓渠閼氏), sinh hai con trai: con lớn tên Thả Mạc Xa (且莫車), con thứ tên Nang Tri Nha Tư (囊知牙斯). Người con gái nhỏ làm Đại yên thị, sinh bốn con trai: con lớn là Điêu Đào Mạc Cao (雕陶莫皋), thứ là Thả Mi Tư (且麋胥), đều lớn hơn Thả Mạc Xa; hai con trai nhỏ là Hàm () và Lạc (), đều nhỏ hơn Nang Tri Nha Tư. Lại có hơn mười con trai với các Yên thị khác. Chuyên Cừ yên thị cao quý, Thả Mạc Xa được yêu mến. Khi Hô Hàn Tà bệnh sắp chết, muốn lập Thả Mạc Xa. Người mẹ là Chuyên Cừ yên thị nói: “Hung Nô loạn hơn mười năm, dai dẳng không dứt, nhưng nhờ cậy sức Hán nên lại được yên. Nay bình định chưa lâu, nhân dân e ngại việc chiến đấu. Thả Mạc Xa nhỏ tuổi, bách tính chưa theo, e nước lại nguy. Tôi và Đại yên thị là con một nhà, chi bằng lập Điêu Đào Mạc Cao.” Đại yên thị nói: “Thả Mạc Xa tuy nhỏ, nhưng có đại thần cùng nắm quốc sự. Nay bỏ sang lập hèn, đời sau ắt loạn.” Thiền vu nghe theo kế của Chuyên Cừ yên thị, lập Điêu Đào Mạc Cao, hẹn sẽ truyền nước cho em trai. Khi Hô Hàn Tà chết, Điêu Đào Mạc Cao lập làm Phúc Chu Lũy Nhược Đê thiền vu (複株絫若鞮).

 

Phúc Chu Lũy Nhược Đê thiền vu lập, khiển con trai là bọn Hữu Trí Lư Nhi vương Hề Hài Đồ Nô Hầu (右致盧兒王醯諧屠奴侯) vào làm con tin, lấy Thả Mi Tư làm Tả hiền vương, Thả Mạc Xa làm Tả cốc lê vương, Nam Tri Nha Tư làm Hữu hiền vương. Phức Chu Lũy thiền vu lại cưới Vương Chiêu Quân, sinh hai con gái: con gái lớn Vân () làm Tu Bốc cư thứ (須卜居次), con gái nhỏ làm Đương Vu cư thứ (當于居次).

 

Năm Hà Bình thứ 1 (28 TCN), Thiền vu khiển bọn Hữu Cao Lâm vương Y Tà Mạc Diễn (右皋林王伊邪莫演) phụng hiến ở triều vào tháng giêng. Khi xong, khiển sứ giả đưa đến Bồ Phản (蒱反) [7] Dựa theo việc cũ, nhận người đầu hàng [8]. Quang Lộc đại phu Cốc Vĩnh, Nghị lang Đỗ Khâm cho rằng:

Khi Hán hưng, Hung Nô nhiều lần gây hại ở biên giới, nên dùng vàng bạc chức tước để thưởng cho người đầu hàng. Nay Thiền vu hạ mình xưng thần, liệt làm ngoại phiên, khiển sứ triều hạ, không có hai lòng, nhà Hán tiếp đón, nên dần đổi khác xưa. Nay đã nhận sính cống của Thiền vu làm tin, mà đổi sang đón kẻ bề tôi bỏ trốn của họ, là tham được một người mà mất lòng một nước, giúp bề tôi có tội mà bỏ bậc vua mộ nghĩa vậy. Ví như Thiền vu mới lập, muốn gửi thân vào Trung Quốc nhưng chưa biết lợi hại, nên sai riêng Y Tà Mạc Diễn trá hàng để dò trước lành dữ, thì nhận vào chỉ thiệt đức trở thiện. Nay Thiền vu tự dâng sớ nói không hòa hợp với quan lại biên giới, có kẻ cho là lời phản gián, muốn nhân đó mà sinh hiềm khích. Nhận vào thì hợp với kế sách của chúng, khiến chúng quy tội được rồi đòi hỏi. Đấy thực là nguồn cơn cho an nguy của biên cảnh, là khởi đầu cho động tĩnh của quân lữ, nên không thể không làm rõ. Chi bằng chớ nhận, để tỏ rõ chữ tín như nhật nguyệt, chặn đứng mưu lừa dối, vỗ về lòng nương tựa, là tiện.”

Khi lời tâu đưa lên, Thiên tử nghe theo, khiển Lang trung tướng Vương Thuấn sang hỏi sự trạng đầu hàng. Y Tà Mạc Diễn nói: “Tôi bị điên nói càn thôi.” Cho hắn về. Khi về, quan vị vẫn như cũ, không chịu cho gặp sứ Hán. Năm sau, Thiền vu dâng thư xin triều kiến vào tháng giêng năm thứ 4 (25 TCN) ở Hà Tây, rồi vào chầu. Ban thêm gấm, vải thêu và tơ lụa 20.000 tấm, tơ 20.000 cân, còn lại như thời Cảnh Ninh.

 

Phức Chu Lũy Thiền vu lập được 10 năm, chết năm Hồng Gia thứ 1 (20 TCN). Em trai là Thả Mi Tư lập làm Sưu Hài Nhược Đê thiền vu (搜諧若鞮).

 

Sưu Hài thiền vu lập, khiển con trai là Tả Chúc Đô Hàn vương Cù Lưu Tư Hầu (左祝都韓王朐留斯侯) vào làm con tin, lấy Thả Mạc Xa làm Tả hiền vương. Sưu Hài thiền vu lập được 8 năm, đến năm Nguyên Diên thứ 2 (12 TCN) lên đường chuẩn bị năm sau vào chầu, nhưng chưa đến cõi thì bệnh chết. Em trai là Thả Mạc Xa lập làm Xa Nha Nhược Đê thiền vu (車牙若鞮).

 

Xa Nha thiền vu lập, khiển con trai Hữu Ư Đồ Cừu Đàn vương Ô Di Đương (右於涂仇撣王烏夷當) vào chầu, lấy Nang Tri Nha Tư làm Tả hiền vương. Xa Nha Thiền vu lập được 4 năm, chết năm Tuy Hòa thứ 1 (8 TCN). Em trai Nang Tri Nha Tư lập làm Ô Chu Lưu Nhược Đê thiền vu (烏珠留若鞮單于).

 

Ô Chu Lưu Thiền vu lập, lấy con trai thứ hai của Yên thị là Lạc () làm Tả hiền vương, lấy con trai thứ năm của Yên thị là Dư (輿) làm Tả hiền vương, khiển con trai là Hữu Cổ Nô vương Ô Đê Nha Tư (右股奴王烏鞮牙斯) vào làm con tin. Hán khiển Trung lang tướng Hạ Hầu Phiên, Phó hiệu úy Hàn Dung đi sứ Hung Nô. Bấy giờ cậu của hoàng đế là Đại tư mã Phiêu Kỵ tướng quân Vương Căn lĩnh việc Thượng thư. Có kẻ nói với Căn rằng:

“Hung Nô có vùng đất giáp quận Trương Dịch của Hán, mọc thứ gỗ lạ, đem làm thân tên thì nhẹ như lông vũ. Nếu như có được, biên giới sẽ rất giàu. Nước nhà mở rộng được đất, thì công lao của tướng quân sẽ truyền đến vô cùng.”

Khi Căn tâu lên cái lợi ấy, Hoàng thượng muốn trực tiếp đòi Thiền vu, nhưng vì sợ hại mệnh tổn uy nên cho là không được. Căn liền lấy chỉ của Hoàng thượng báo cho Phiên, lệnh Phiên thuyết phục để lấy. Phiên đến Hung Nô, dùng lời thuyết phục Thiền vu rằng:

Trộm thấy Hung Nô có vùng đất giáp quận Trương Dịch của Hán. Ba viên Đô úy của Hán sống ở quan ải, sĩ tốt mấy trăm người khổ vì giá rét để canh giữ lâu nay. Thiền vu nên dâng thư hiến đất ấy, trực tiếp cắt bỏ, thì sẽ giảm hai đô úy và mấy trăm sĩ tốt. Biết trả ân hậu của Thiên tử, tất sẽ được đền đáp lớn.

Thiền vu nói:

Đấy là lời chiếu của Thiên tử ư? Sao sứ giả không mang theo để xin?”

Phiên nói:

Là chiếu chỉ, nhưng Phiên cũng vẽ kế hay cho Thiền vu thôi.”

Thiền vu nói:

Hiếu Tuyên, Hiếu Nguyên hoàng đế thương xót cho cha ta là Hô Hàn Tà thiền vu, cho từ Trường Thành về bắc thuộc về Hung Nô. Đấy là đất Ôn Ngẫu Dư vương (溫偶駼王) sống, chưa hiểu hình trạng thế nào, xin khiển sứ hỏi.”

Phiên và Dung về Hán, rồi lại đi sứ Hung Nô, khi đến liền xin đất. Thiền vu nói:

Cha anh ta truyền năm đời, Hán không xin đất ấy; đến khi biết còn mình ta mới xin, là sao vậy? Đã hỏi Ôn Ngẫu Dư vương, chư hầu ở biên giới phía tây Hung Nô khi dựng lều và đóng xe đều dựa vào gỗ ở núi ấy. Hơn nữa là đất ông cha, nên không dám để mất.”

Khi Phiên về, được đổi chức làm Thái Nguyên Thái thú. Thiền vu khiển sứ dâng thư, đem lời xin đất của Phiên báo lại. Xuống chiếu báo Thiền vu rằng:

Phiên tự tiện xưng chiếu với Thiền vu để xin đất, theo phép đáng chết. Rốt cuộc vì đại xá hai lần, nên nay đã đổi Phiên làm Tề Nam Thái thú, không cho lo việc Hung Nô.

Năm sau, người con trai làm tin [của Thiền vu] chết, đưa về táng. [Thiền vu] lại khiển con trai Tả Ư Từ Cừu Đàn vương Kê Lưu Côn (左於駼仇撣王稽留) vào chầu.

 

Đến năm Kiến Bình thứ 2 triều Ai đế (5 TCN), con trai thứ của Ô Tôn [vương] là Hấp hầu Ty Viện Đế (卑援疐) đem bộ chúng vào biên giới phía tây Hung Nô, cướp bóc súc vật, giết chóc người dân. Thiền vu nghe tin, khiển Tả đại đương hộ Ô Di Lệnh (烏夷泠) đem 5.000 kỵ đánh Ô Tôn, giết mấy trăm người, bắt hơn nghìn người, lùa súc vật về. Ty Viện Đế sợ, khiển con trai Xúc Lộc (趨逯) làm con tin ở Hung Nô. Thiền vu nhận, đem sự trạng báo lại [cho Hán]. Hán khiển Trung lang tướng Đinh Dã Lâm, Phó hiệu úy Công Thừa Âm đi sứ Hung Nô quở trách Thiền vu, lệnh phải trả con trai Ty Viện Đế về. Thiền vu nhận chiếu, cho về.

 

Năm Kiến Bình thứ 4 (3 TCN), Thiền vu dâng thư xin năm thứ 5 được vào chầu. Bấy giờ Ai đế bị bệnh, có kẻ nói Hung Nô từ thượng du đến yểm thắng người khác [9], và từ thời Hoàng Long, Cảnh Ninh, mỗi khi Thiền vu vào chầu Trung Quốc đều có đại tang. Hoàng thượng vì vậy thấy khó, đem hỏi công khanh, thì họ cũng cho rằng hư phí kho tàng, chớ nên đồng ý. Sứ Thiền vu trở về, chưa đi, thì Hoàng môn lang Dương Hùng dâng thư can gián rằng:

Thần nghe nói phép cai trị của Lục Kinh [10] quý ở lúc chưa loạn, cách chiến thắng của binh gia quý ở lúc chưa đánh. Hai điều ấy đều nhỏ nhưng là gốc của việc lớn, không thể không xem xét vậy. Nay Thiền vu dâng thư xin vào chầu, nước nhà không đồng ý mà từ chối, thì thần trộm thấy rằng Hán với Hung Nô sẽ từ đấy nảy sinh hiềm khích. Người Địch vốn ở đất bắc, Ngũ Đế không thể thần phục, Tam Vương [11] không thể chế ngự, rõ ràng không thể để sinh hiềm khích được. Thần không dám nói việc xa xôi, xin dẫn chuyện thời Tần đến nay để rõ:

Tần Thủy Hoàng hùng cường, Mông Điềm uy phong, quân mang giáp hơn bốn mươi vạn, nhưng không dám dòm ngó Tây Hà, bèn xây Trường Thành làm ranh giới. Lúc Hán mới hưng, Cao Tổ có uy linh, mà ba mươi vạn quân gặp khốn ở Bình Thành, lính có kẻ bảy ngày không ăn. Bấy giờ mưu sĩ kỳ tài, bề tôi vẽ kế rất nhiều, nhờ thế rốt cuộc thoát được, nhưng cả đời chẳng nói đến nữa. Cao hoàng hậu lại từng oán phẫn Hung Nô, khi quần thần bàn bạc thì Phàn Khoái xin đem mười vạn quân hoành hành giữa Hung Nô. Quý Bố nói: ‘Khoái đáng chém, a dua theo chỉ!” Vì thế các đại thần cân nhắc gửi thư. Nhưng về sau Hung Nô kết ước, nên Trung Quốc yên bình. Đến thời Hiếu Văn, Hung Nô xâm bạo biên giới phía bắc, kỵ trinh sát đến sát Cam Tuyền. Kinh sư khiếp hãi, phát ba tướng quân đóng ở Tế Liễu, Cức Môn, Phách Thượng để phòng bị, mấy tháng mới bãi. Khi Hiếu Vũ lên ngôi, bày kế ở Mã Ấp hòng dụ Hung Nô, sai Hàn An Quốc đem ba mươi vạn quân đóng ở nơi thuận tiện. Hung Nô phát giác mà bỏ đi, nên phí của nhọc quân mà không thấy được một tên giặc nào, huống hồ là thấy mặt Thiền vu! Về sau suy tính kĩ kế cho xã tắc, vạch ra mưu lớn cho muôn đời, bèn dấy mấy chục vạn quân, sai Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh cầm binh, trước sau hơn mười năm. Vì thế vượt Tây Hà, xuyên Đại Mạc, phá Trí Nhan [12], đánh vương đình, đi đến cùng đất ấy, đánh đuổi chúng về bắc, tế trời ở núi Lang Cư Tư, tế đất ở Cô Diên, tới biển Lâm Hàn, bắt danh vương, quý nhân đến hàng trăm. Từ đấy về sau Hung Nô khiếp sợ, càng xin hòa thân, nhưng mà chưa chịu xưng thần.

Đời trước nào có ham bỏ ra phí vô vạ, bóc lột người vô tội, quyết tâm vì chốn lang sói ở cõi bắc ấy đâu? Chỉ vì không lao khổ một lần thì không thể an nhàn về lâu, không tạm thời hao phí thì không thể yên ổn mãi mãi. Thế nên đành đem trăm vạn quân để khóa miệng hổ đói, chở của kho tàng để lấp vực Lư Sơn [13], mà không hối tiếc. Đến đầu thời Bản Thủy, Hung Nô có dã tâm, cướp bóc Ô Tôn, chèn ép công chúa, nên phát quân của năm tướng gồm mười vạn kỵ đi tuần phía nam nước ấy, rồi Trường La hầu đem năm vạn kỵ Ô Tôn đánh vào mặt tây, đều bắt được con tin rồi về. Bấy giờ bắt được không ít, nên dương cao uy vũ, tỏ rõ rằng Hán binh mạnh như sấm gió. Nhưng vì đi tay trắng về tay trắng, nên xử hai tướng quân. Thế nên Bắc Địch không phục, Trung Quốc chưa được kê cao gối ngủ ngon.

Đến thời Nguyên Khang, Thần Tước, đức hóa anh minh, hồng ân ban khắp, mà Hung Nô nội loạn, năm Thiền vu tranh lập. Nhật Trục, Hô Hàn Tà bỏ nước đến nhận tội, phủ phục xưng thần, nên vẫn trói buộc được chúng, không phải chuyên chế. Từ đấy về sau ai muốn đến chầu thì không cản, ai không muốn thì không ép. Vì sao vậy? Ngoại quốc tính trời hung dữ, tướng mạo khôi kiện, nương cậy sức lực, nên khó giáo hóa theo điều thiện, dễ bắt chước theo cái ác. Kẻ cường bạo thì khó truất bỏ, kẻ hòa hiếu thì khó tìm được. Thế nên lúc chúng chưa phục phải nhọc quân đi đánh xa xôi, dốc sạch của cải trong nước, phơi thây đổ máu để phá tan địch mạnh, như vậy là khó; lúc chúng đã phục, thì úy lạo vỗ về, giao tiếp biếu tặng, uy nghi trọn vẹn, như thế là dễ. Thời trước từng giết sạch thành Đại Uyển, phá tan lũy Ô Hoàn, dò la cõi Cô Tăng [14], giày xéo chốn Đãng Tả [15], đánh đổ nước Triều Tiên, nhổ ngọn cờ Lưỡng Việt. Gần thì phục dịch không hơn một tháng, xa thì lao khổ chẳng quá hai mùa. Vốn đã phá hủy cung đình, quét sạch nhà cửa những nước ấy, đặt làm quận huyện, như khói bay mây tản, chẳng còn mầm mống nào. Chỉ có Bắc Địch là không như vậy, thực là kẻ địch mạnh của Trung Quốc. Ba cõi [16] vẫn còn dở dang, đời trước vẫn còn lo lắng, chưa thể coi dễ.

Nay Thiền vu quy nghĩa, có lòng nạp khoản tỏ thành, muốn rời đình của mình mà đến yết kiến trước mặt [Thiên tử]. Đấy là kế sách mà đời xưa ban tặng, là hi vọng mà thần linh tưởng thưởng, nước nhà dẫu có hao phí cũng là bất đắc dĩ. Cớ gì cho rằng là đến yểm thắng nên phải cản, không có ngày nên phải ngăn, khiến ân đức xưa kia tiêu tan, hiềm khích tương lai nảy nở? Đã nạp khoản mà lại chọc giận, sẽ khiến chúng mang hận trong lòng, phụ lại lời trước, dấn vào lối cũ, nuôi oán với Hán rồi tự tuyệt giao, rốt cuộc không có ý quay mặt về bắc nữa []. Như vậy muốn ra uy cũng không được, muốn chiêu dụ cũng không thể, chẳng phải sẽ thành mối lo lớn sao? Người sáng suốt thấy được cái vô hình, người thông minh biết nghe lời vô thanh. Nếu thực biết lo chuyện chưa xảy đến, thì Mông Điềm, Phàn Khoái cũng không cần tới, Cức Môn, Tế Liễu cũng không cần lo; kế sách ở Mã Ấp nào phải đặt, công trạng của Vệ, Hoắc nào phải dùng, binh uy của năm tướng nào phải dấy nữa? Bằng không, một khi đã có hiềm khích, thì dù là kẻ trí giả cũng phải lao tâm ở trong, kẻ biện sĩ cũng phải chen chúc ở ngoài, chẳng còn như lúc chuyện chưa xảy đến. Hơn nữa thời trước mưu tính việc Tây Vực, chế ngự Xa Sư, đặt ra thành quách, đô hộ ba mươi sáu nước, phí tổn hằng năm đến hàng vạn, há có phải vì lo Khang Cư, Ô Tôn vượt đồi Bạch Long [17] để cướp biên giới phía tây đâu? Đấy là để chế ngự Hung Nô vậy. Lao khổ trăm năm mà để mất trong một ngày, bỏ ra mười mà thu một, thần trộm nghĩ là điều bất an cho nước. Mong Bệ hạ dành chút lưu ý đến lúc chưa loạn chưa chiến, để ngăn mầm họa nơi biên giới.”

Xem qua tấu, Thiên tử hiểu ra, triệu sứ giả Hung Nô trở lại, rồi trả lời cho Hung Nô biết mình đã đồng ý. Ban 50 tấm lụa, 10 cân vàng. Thiền vu chưa đi thì đổ bệnh, nên lại khiển sứ xin đến chầu vào năm sau. Lệ cũ, khi Thiền vu đến chầu, từ danh vương trở xuống và tùy tùng đi theo đều hơn 200 người. Thiền vu lại dâng thư nói rằng: “Được đội ơn từ thần linh của Thiên tử nên nhân dân phồn thịnh. Xin cho 500 người vào chầu, để tỏ rõ thịnh đức của Thiên tử.” Hoàng thượng đều đồng ý cả.

 

Năm Nguyên Thọ thứ 2 (1 TCN), Thiền vu đến triều. Hoàng thượng thấy sao Thái Tuế yểm thắng nơi sở tại, nên nghỉ tại cung Bồ Đào trong vườn Thượng Lâm. Báo cho Thiền vu để tỏ thêm lòng kính trọng, nên Thiền vu cũng hiểu. Ban thêm y phục 370 bộ, gấm thêu, lụa là 30.000 tấm, tơ 30.000 cân, còn những thứ khác như thời Hà Bình. Khi xong, khiển Trung lang tướng Hàn Huống đưa Thiền vu về. Thiền vu rời cõi, đến giếng Hưu Đồn, qua sông Xa Điền Lư (車田盧) đi về phía bắc, đường sá rất quanh co xa xôi. Bọn Huống thiếu ăn, Thiền vu bèn cấp lương cho, về trễ hơn 50 ngày.

 

Ban đầu, Hoàng thượng cho Kê Lưu Chúc về cùng Thiền vu; khi đến nước, lại khiển anh trai cùng mẹ của Kê Lưu Chúc là Hữu Đại Thả Phương (右大且方) cùng vợ vào chầu. Khi cho về, [Thiền vu] lại khiển anh trai của Thả Phương là Tả Nhật Trục vương Đô () cùng vợ vào chầu. Bấy giờ Hán Bình đế còn nhỏ, Thái hoàng thái hậu xưng chế, Tân Đô hầu Vương Mãng nắm chính sự, muốn bảo Thái hậu dùng uy đức để tạo hưng thịnh hơn trước, bèn phao tin để Thiền vu khiển con gái Vương Chiêu Quân là Tu Bốc cư thứ Vân vào chầu. Thái hậu vì thế ban thưởng rất hậu.

 

Bấy giờ Xa Sư Hậu vương Câu Cổ (句姑), Khứ Hồ Lai vương Đường Đâu (唐兜) ở Tây Vực đều oán hận Đô hộ Hiệu úy, đem vợ con, nhân dân sang hàng Hung Nô (chép ở Tây Vực truyện). Thiền vu nhận, bố trí ở đất của Tả cốc lê, khiển sứ dâng thư nói sự trạng rằng:

Thần xin nhận trước.”

Xuống chiếu cho Trung lang tướng Hàn Long, Vương Xương, Phó hiệu úy Chân Phụ, Thị trung Yết giả Bạch Xưởng, Trường Thủy Hiệu úy Vương Hấp đi sứ Hung Nô, báo Thiền vu rằng:

Tây Vực nội thuộc, không thể nhận được, nay phải trả về.”

Thiền vu nói:

Hiếu Tuyên, Hiếu Nguyên hoàng đế thương xót, làm ra giao ước, từ Trường Thành về nam thuộc về Thiên tử, Trường Thành về bắc thuộc về Hung Nô. Có ai phạm cõi liền báo sự trạng, có kẻ đầu hàng thì không được nhận. Thần biết cha mình Hô Hàn Tà thiền vu đội ơn không kể xiết, lúc chết để lại lời rằng: ‘Có người theo Trung Quốc đến hàng thì chớ nhận, đưa ngay đến ải để báo đáp ơn sâu của Thiên tử.’ Nhưng đấy là ngoại quốc, thì nhận được.”

Sứ giả nói:

Hung Nô cốt nhục đánh nhau, nước sắp mất, nhờ đội ơn lớn của Trung Quốc nên thoát khỏi nguy vong, vợ con yên ổn, nhiều đời tiếp nối. Nên lấy việc này để báo ơn hậu ấy.”

Thiền vu dập đầu tạ tội, bắt hai tên giặc giao cho sứ giả. Xuống chiếu sai Trung lang tướng Vương Manh đợi ở Ác Đô Nô (惡都奴) trên biên giới Tây Vực để nhận. Thiền vu khiển sứ đưa về nước, nhân đó xin tạ tội. Sứ giả báo lại, nên có chiếu khỏi phải tạ. Thế rồi quốc vương các nước Tây Vực chém bọn ấy để làm gương. Bèn đặt ra bốn điều: người Trung Quốc trốn sang Hung Nô, người Ô Tôn trốn sang hàng Hung Nô, người các nước Tây Vực đeo ấn thao của Trung Quốc hàng Hung Nô, người Ô Hoàn hàng Hung Nô, đều không được nhận. Khiển Trung lang tướng Vương Tuấn, Vương Xương, Phó hiệu úy Chân Phụ, Vương Tầm đi sứ Hung Nô, ban bốn điều ấy cho Thiền vu, bỏ hộp kín giao Thiền vu, lệnh phụng hành; nhân đó lấy hộp chứa lời giao ước thời Tuyên đế đem về.

 

Bấy giờ Mãng tâu rằng người Trung Quốc không thể có hai tên, vì thế sai sứ giả phao tin cho Thiền vu rằng nếu dâng thư mộ hóa, hợp thành một tên, Hán ắt thưởng thêm hậu. Thiền vu nghe theo, dâng thư nói: “May mắn được làm phiên thần, hưởng trộm niềm vui thái bình thánh chế. Thần tên cũ là Nang Tri Nha Tư, nay cẩn kính đổi tên thành Tri.” Mãng rất hài lòng, bạch với Thái hậu. Khiển sứ giả đem dụ trả lời, ban thưởng hậu.

 

Hán đã ban bốn điều, về sau bảo sứ giả Ô Hoàn nói với dân Ô Hoàn chớ được nộp thuế da và vải cho Hung Nô nữa. Hung Nô nhân việc cũ khiển sứ giả thu thuế Ô Hoàn, người dân và đàn bà Hung Nô muốn mua bán đều đi theo. Ô Hoàn cự lại, nói rằng: “Vâng điều chiếu của Thiên tử, không nộp thuế cho Hung Nô.” Sứ Hung Nô oán, bắt tù trưởng của Ô Hoàn, trói lại treo lên. Em trai tù trưởng tức giận, cùng giết sứ Hung Nô và quan thuộc, cướp lấy đàn bà và bò ngựa. Thiền vu nghe tin, khiển sứ phát binh của Tả hiền vương vào Ô Hoàn trách tội giết sứ giả, nhân đó công kích. Ô Hoàn phân tán, có kẻ chạy lên núi, có kẻ về đông giữ cõi. Hung Nô giết chóc người dân, lùa cả nghìn đàn bà và trẻ nhỏ về, bố trí ở đất tả phương, báo cho Ô Hoàn rằng: “Mang ngựa, súc vật, da và vải đến chuộc.” Ô Hoàn thấy số mới bị bắt gồm hơn 2.000 người, nên mang của cải và súc vật sang chuộc. Hung Nô nhận, nhưng giữ lại không cho về.

 

Khi Vương Mãng soán ngôi, vào năm Kiến Quốc thứ 1 (9) khiển Ngũ Uy tướng Vương Tuấn đem bọn Chân Phụ, Vương Táp, Trần Nhiêu, Bạch Xưởng, Đinh Nghiệp 6 người, mang nhiều vàng lụa tặng Thiền vu, dụ cho biết chuyện [Mãng] thụ mệnh thay Hán, nhân đó đổi ấn cũ của Thiền vu. Ấn cũ viết chữ “Hung Nô đại thiền vu tỷ”, Mãng đổi thành “Tân Hung Nô thiền vu chương”. Các tướng đến nơi, trao Thiền vu ấn thao, rồi lệnh dâng ấn thao cũ lên. Thiền vu bái hai lạy, nhận chiếu. Trước khi dịch chiếu, [sứ giả] muốn lấy ấn thao cũ, nên Thiền vu lấy đưa cho. Tả Cô Tịch hầu Tô (左姑夕侯蘇) ở bên cạnh, nói với Thiền vu rằng:

Chưa thấy chữ trên ấn mới, chớ nên đưa.”

Thiền vu ngưng lại, không chịu đưa, mời sứ giả vào ngồi trong lều vòm vì Thiền vu muốn chúc thọ trước. Ngũ Uy tướng nói:

Ấn thao cũ phải dâng lên ngay.”

Thiền vu nói:

 Vâng.”

Rồi lấy đưa cho người phiên dịch. Tô lại nói:

Chưa thấy chữ trên ấn, chớ được đưa.”

Thiền vu nói:

Chữ trên ấn sao đổi khác được!”

Rồi bỏ ấn thao cũ dâng lên, các tướng nhận lấy. [Thiền vu] đeo dây thao mới, không mở xem ấn, ăn uống đến tối mới nghỉ. Hữu suất Trần Nhiêu nói với các tướng rằng:

Lúc nãy Cô Tịch hầu nghi ngờ chữ trên ấn, nên lệnh Thiền vu không đưa cho người. Nếu như để hắn xem ấn, thấy chữ thay đổi, ắt đòi ấn cũ, việc đấy không thể dùng lời lẽ để cự được. Đã lấy được ấn mà lại để mất là làm nhục mệnh vua không nhỏ. Chi bằng đập bỏ ấn cũ để dứt mầm họa.”

Các tướng chần chừ, chẳng có ai hưởng ứng. Nhiêu là quan người Yên, hung hãn, liền lấy búa phá đi. Hôm sau, Thiền vu quả khiển Hữu cốt đô hầu Đương () bạch với các tướng rằng:

Ấn Hán ban cho Thiền vu gọi là “tỷ”, không phải “chương”, lại không có chữ “Hán”, còn các vương trở xuống thì có chữ “Hán”, gọi là “chương”. Nay ấn bỏ chữ “tỷ”, thêm chữ “Tân”, không khác gì bề tôi bên dưới. Mong nhận lại ấn cũ.

Các tướng đem ấn cũ cho xem, nói rằng:

“Nhà Tân thuận trời chế tác, ấn cũ tùy ý các tướng tự phá hoại. Thiền vu nên phụng thiên mệnh, vâng thể chế nhà Tân.”

[Đương] quay về bạch. Thiền vu biết đã không thể làm gì được, lại có được nhiều quà tặng, liền khiển em trai là Tả hiền vương Dư mang bò ngựa theo các tướng vào tạ tội, nhân đó dâng thư xin ấn cũ.

 

Các tướng về đến đất của Tả Lê Hãn vương Hàm (左犁汗王咸), thấy dân Ô Hoàn đông nên hỏi Hàm. Hàm kể hết sự trạng, thì các tướng nói: “Trước giao bốn điều, có điều không được nhận người Ô Hoàn đầu hàng. Phải trả về gấp.” Hàm nói: “Xin mật báo cho Thiền vu, khi nhận được lời sẽ trả.” Thiền vu sai Hàm báo rằng: “Phải trả về ở trong biên giới, hay trả về ở ngoài biên giới đây?” Các tướng không dám tự quyết nên báo lên. Xuống chiếu báo phải trả lại ở ngoài biên giới.

 

Thiền vu ban đầu vì Hạ Hầu Phiên xin đất mà có lời cự Hán. Về sau thấy đòi thuế Ô Hoàn không được nên cướp bóc người dân nước ấy, do vậy sinh hấn; lại thêm việc thay đổi chữ trên ấn nên càng oán hận. [Thiền vu] bèn khiển bọn Hữu đại thả cừ Bạc Hô Lư Ty (蒲呼盧訾) hơn 10 người đem 10.000 kỵ, lấy cớ hộ tống người Ô Hoàn để bày binh dưới cửa ải Sóc Phương. Sóc Phương Thái thú báo lại.

 

Năm sau, Xa Sư Hậu vương Tu Trí Lệ (須置離) ở Tây Vực mưu hàng Hung Nô; Đô hộ Đán Khâm trị tội, chém đi. Anh trai Trí Lệ là Hồ Lan Chi (狐蘭支) dẫn hơn 2.000 dân chúng, lùa súc vật, đem cả nước sang hàng Hung Nô. Thiền vu nhận. Hồ Lan Chi cùng Hung Nô vào cướp, đánh Xa Sư, giết Hậu Thành Trường, đả thương Đô hộ Tư mã, rồi trở về Hung Nô.

 

Bấy giờ bọn Mậu Kỷ Hiệu úy Sử Trần Lương, Chung Đái, Tư mã thừa Hàn Huyền, Hữu Khúc hầu Nhậm Thương thấy Tây Vực hay bội phản, nghe tin Hung Nô muốn xâm lấn lớn, sợ chết cả lũ nên liền mưu cướp bắt mấy trăm lại tốt, cùng giết Mậu Kỷ Hiệu úy Đao Hộ, rồi khiển người báo lại cho Nam Lê Hãn vương Nam tướng quân của Hung Nô. Nam tướng quân của Hung Nô đem 2.000 kỵ vào Tây Vực đón bọn Lương. Bọn Lương cướp bắt lại tốt, nam nữ của Mậu Kỷ Hiệu úy được hơn 2.000 người, đem vào Hung Nô. Huyền, Thương ở lại chỗ của Nam tướng quân, Lương, Đái đi đến đình của Thiền vu, dân chúng bị bố trí riêng ở Điền Cư (田居) trên sông Linh Ngô (零吾). Thiền vu đặt hiệu cho Lương và Đái là Ô Hoàn Đô tướng quân, giữ lại chỗ của mình, nhiều lần gọi đến ăn uống cùng.

 

Tây Vực Đô hộ Đán Khâm dâng thư nói Nam tướng quân Hữu Y Trật Ty của Hung Nô đem dân mình đánh cướp các nước. Mãng vì thế chia tách Hung Nô làm 15 Thiền vu, khiển Trung lang tướng Lận Bao, Phó hiệu úy Đái Cấp đem 10.000 kỵ, mang nhiều thứ quý giá đến ải Vân Trung, chiêu dụ các con của Hô Hàn Tà thiền vu, hòng ban cho. Sứ giả rời cõi dụ Hữu Lê Hãn vương Hàm và con trai Hàm là Đăng, Trợ 3 người. Khi đến nơi, liền ép phong Hàm làm Lý thiền vu, ban xe có ghế, xe chở trống mỗi thứ 1 chiếc, vàng 1.000 cân, lụa là 1.000 tấm, kích 10 ngọn. Phong Trợ làm Thuận thiền vu, ban vàng 500 cân; đưa Trợ và Đăng về Trường An. Mãng phong Bao làm Tuyên Uy công, cho làm Hổ Nha tướng quân; phong Cấp làm Dương Uy công, cho làm Hổ Bôn tướng quân. Thiền vu nghe tin thì nổi giận, nói rằng: “Trước kia Thiền vu nhận ơn Hán Tuyên đế, không thể đáp đủ. Nay Thiên tử không phải cháu Tuyên đế, sao lại được lập?” Rồi khiển Tả cốt đô hầu, Hữu Y Trật Lê vương Hô Lư Ty và Tả hiền vương Lạc () đem binh vào ải Ích Thọ ở Vân Trung, giết chóc lại dân. Năm ấy là năm Kiến Quốc thứ 3 (11).

 

Về sau Thiền vu báo khắp cho Đô úy các bộ tả hữu và các vương ở biên giới, vào cõi cướp bóc, đoàn lớn hơn vạn, đoàn vừa mấy nghìn, nhỏ mấy trăm. Giết Thái thú, Đô úy ở Nhạn Môn, Sóc Phương, cướp lại dân, súc vật không thể đếm xuể, dọc biên giới mất mát nhiều. Mãng mới lên ngôi, cậy kho tàng giàu có nên muốn lập uy, bèn cho tướng soái 12 bộ [18] phát dũng sĩ các quận quốc và tinh binh ở Vũ khố, đều chia nơi đồn thú, chuyển hết đến biên giới. Tổng cộng 300.000 quân, mang 300 ngày lương, cùng lúc theo mười đường tiến ra truy đuổi Hung Nô, đến tận đất Đinh Linh. Nhân đó chia đất ấy, lập 15 người con của Hô Hàn Tà.

 

Tướng của Mãng là Nghiêm Vưu can gián rằng:

Thần nghe nói Hung Nô là mối hại, nhưng chúng đi theo đã lâu. Chưa nghe nói đời thượng cổ có ai đánh dẹp được. Đời sau ba nhà Chu, Tần, Hán đánh dẹp nhưng đều chưa có được thượng sách, Chu có trung sách, Hán có hạ sách, Tần không có kế sách nào.

Ở thời Chu Tuyên vương, Hiểm Duẫn nội xâm đến tận Kinh Dương, mệnh tướng đánh dẹp đến tận cõi rồi về. Nhà Chu thấy Nhung Địch xâm lăng ví như ruồi muỗi chích, chỉ cần xua đi mà thôi, thế nên thiên hạ gọi là “minh”. Đấy là trung sách.

Hán Vũ đế tuyển tướng luyện binh, hẹn mang lương nhẹ, thâm nhập cõi xa, tuy có công  bắt giết, nhưng người Hồ liền báo thù. Việc binh kéo dài hơn ba mươi năm, Trung Quốc hao tổn, Hung Nô cũng chịu thương tích, mà thiên hạ gọi là “vũ”. Đấy là hạ sách.

Tần Thủy Hoàng không chịu được cái sỉ nhỏ mà khinh rẻ sức dân, xây Trường Thành cố thủ, kéo dài vạn lí, tiến hành chuyên chở, bắt đầu ở ven biển. Bờ cõi đã toàn vẹn, nhưng Trung Quốc kiệt quệ bên trong, nên đánh mất xã tắc. Đấy là vô sách.

Nay thiên hạ chịu ách dương cửu [19], năm gần đây thiếu đói, biên giới tây bắc càng bị nặng. Phát 30 vạn quân, đủ lương 300 ngày, phía đông ứng viện Hải Đại, phía nam thu lấy Giang Hoài, rồi sau mới phòng bị. Xem xét đường sá thì cả năm vẫn chưa tập hợp, binh đến trước gặp phải mưa gió, quân lính mệt, khí giới cùn, thế ấy không thể dùng được. Đấy là cái khó thứ nhất vậy.

Biên giới đã trống rỗng, không lo được quân lương, phải điều từ quận quốc thì không liên tục được. Đấy là cái khó thứ hai vậy.

Tính rằng một người ăn trong 300 ngày phải dùng 18 hộc lương, không có sức trâu bò thì không vác nổi. Trâu bò lại cần mang thức ăn riêng thêm 20 hộc, rất nặng. Đất Hồ là cát mặn, hay thiếu cỏ nước, xét việc cũ là thấy ngay. Xuất quân chưa đầy trăm ngày ắt trâu bò đã chết hết, lương thực còn lại nhiều, người không vác nổi. Đấy là cái khó thứ ba vậy.

Đất Hồ mùa thu đông rất rét, xuân hè lắm gió, mang nhiều nồi chảo, củi than thì nặng không vác nổi. Nếu chỉ ăn cơm khô và uống nước để qua bốn mùa, thì trong quân có mối lo về bệnh dịch. Nên đời trước phạt Hồ không quá trăm ngày thì chẳng ham nữa, là vì sức không đủ gánh vác. Đấy là cái khó thứ tư vậy.

Xe hàng tự đi theo thì lính tinh nhuệ ít, không đi nhanh được. Giặc thong thả trốn tránh, không thể theo kịp, còn may mắn gặp giặc thì lại vướng xe hàng. Nếu như qua nơi hiểm trở mà đầu đuôi kéo dài, giặc cản đường trước sau thì nguy khốn không lường hết. Đấy là cái khó thứ năm vậy.

Dùng nhiều sức dân thì không thể không lập công, thần rất lấy làm lo lắng. Nay đã phát binh, nên tung ra số đến trước, lệnh bọn thần Vưu đánh nhanh như chớp để sát thương giặc Hồ.”

Mãng không nghe lời Vưu, vẫn chuyển binh lương như trước, thiên hạ tao động.

 

Hàm sau khi nhận hiệu Lý thiền vu của Mãng thì chạy khỏi biên giới quay về đình, đem hết sự trạng bị ép buộc bạch với Thiền vu. Thiền vu đổi cho làm Ư Túc Trí Chi hầu (於粟置支侯), là chức quan hèn mọn của Hung Nô. Về sau Trợ bệnh chết, Mãng lấy Đăng thay Trợ làm Thuận Thiền vu.

 

Yểm Nan tướng quân Trần Khâm, Chấn Địch tướng quân Vương Tuần đóng ở ải Cát Tà [] tại Vân Trung. Bấy giờ Hung Nô nhiều lần cướp bóc biên giới, giết tướng soái lại sĩ, cướp người dân, lùa súc vật về rất nhiều. Bắt sống được giặc để xét hỏi, đều nói con trai Lý thiền vu Hàm là Giác () nhiều lần vào cướp. Hai tướng báo lại. Năm thứ 4 (12), Mãng họp các [sứ giả] Man Di, chém con trai Hàm là Đăng ở chợ Trường An.

 

Ban đầu, biên giới phía bắc từ thời Tuyên đế đến nay nhiều đời không thấy lửa hiệu, người dân đông đúc, bò ngựa đầy đồng. Khi Mãng dấy loạn với Hung Nô, cùng chúng gây nạn, nên dân biên giới bị tử vong, bắt bớ. Binh 12 bộ lại đóng lâu không xuất, lại sĩ đổ đốn. Trong vòng mấy năm biên giới phía bắc trống không, xương phơi đầy đồng.

 

Ô Chu Lưu thiền vu lập được 21 năm, chết năm Kiến Quốc thứ 5 (13). Đại thần nắm quyền ở Hung Nô là Hữu cốt đô hầu Tu Bốc Đương (須卜當), tức con rể của Y Mặc cư thứ Vân, con gái Vương Chiêu Quân. Vân thường muốn hòa thân với Trung Quốc, lại vốn thân quen với Hàm, thấy Hàm trước sau bị Mãng ép nhận phong, nên bèn bỏ qua Dư mà lập Hàm làm Ô Lõa Nhược Đê thiền vu (烏累若鞮).

 

Ô Lõa Nhược Đê thiền vu lập, lấy em trai Dư làm Tả cốc lê vương, con trai Ô Chu Lưu Thiền vu là Tô Đồ Hồ Bản (蘇屠胡本) làm Tả hiền vương, lấy em trai tức con Đồ Kỳ Yên thị là Lư Hỗn (盧渾) làm Tả hiền vương. Vào thời Ô Chu Lưu thiền vu nhiều Tả hiền vương chết, nên cho rằng cái hiệu ấy không may, đổi sang gọi Tả hiền vương là “Hộ Ư” (護於) . Hộ Ư là tôn quý nhất, theo thứ bậc sẽ được làm Thiền vu, nên Ô Chu Lưu thiền vu cho con trai lớn làm Hộ Ư, muốn truyền nước cho. Hàm oán Ô Chu Lưu thiền vu giáng hiệu mình xuống thấp, không muốn truyền nước [cho Hộ Ư]. Khi lập, biếm Hộ Ư làm Tả đồ kỳ vương. Vân và Đương bèn khuyên Hàm hòa thân.

 

Năm Thiên Phụng thứ 1 (14), Vân và Đương khiển người đến cửa ải Hổ Mãnh Chế Lỗ [] ở Tây Hà, báo với quan lại ở ải rằng muốn gặp Hòa Thân hầu. Hòa Thân hầu Vương Hấp là con trai của anh Vương Chiêu Quân. Trung bộ Đô úy báo lại. Mãng khiển Hấp và em trai Kỵ đô úy Triển Đức hầu Táp đi sứ Hung Nô, chúc mừng Thiền vu mới lập, ban vàng, y phục và tơ lụa, nói dối là con trai hắn Đăng còn sống, nhân đó đòi bọn Trần Lương, Chung Đái. Thiền vu đem hết bốn người ấy và tên giặc đã giết Hiệu úy Đao Hộ là Chi Âm cùng vợ con trở xuống 27 người, đều nhốt vào cũi rồi giao sứ giả, khiển bọn Trù Duy Cô Tịch vương Phú (廚唯姑夕王富) 40 người giải đến chỗ Hấp và Táp. Mãng đặt ra hình phạt thiêu sống, thiêu chết bọn Trần Lương, rồi bãi binh đóng giữ của các tướng, nhưng vẫn đặt chức Du kích Đô úy. Thiền vu tham quà tặng của Mãng, nên ngoài mặt không làm trái lệ cũ của Hán, nhưng bên trong hám lợi cướp bóc. Khi sứ về, [Thiền vu] biết con trai mình là Đăng đã chết nên oán hận, từ đất tả phương vào cướp bóc không dứt. Sứ giả hỏi Thiền vu, liền nói: “Bọn dân gian xảo của Ô Hoàn và Hung Nô cùng vào cõi cướp bóc, ví như ở Trung Quốc có đạo tặc thôi! Hàm mới lên nắm nước, uy tín vẫn thấp, nhưng dốc sức cấm cản, không dám mang hai lòng.”

 

Tháng 5 năm Thiên Phụng thứ 2 (15), Mãng lại khiển Hấp và Ngũ uy tướng Vương Hàm đem bọn Phục Ảm, Đinh Nghiệp 6 người, sai đưa tiễn Hữu Trù Duy Cô Tịch vương, nhân đó đưa người con làm tin đã bị chém là Đăng và các quý nhân đi theo về táng, đều chở bằng xe nghi trượng. Khi đến biên giới, Thiền vu khiển Vân và con trai Đương là bọn Đại thả cừ Xa đến ải đón. Bọn Hàm đến, tặng Thiền vu nhiều của cải, nhân đó dụ bảo đổi hiệu, gọi Hung Nô là “Cung Nô” (恭奴), Thiền vu là “Thiện vu” (善于) [20], ban ấn thao. Phong Cốt đô hầu Đương làm Hậu An công, con trai Đương là Nam Xa (男奢) làm Hậu An hầu. Thiền vu tham vàng lụa của Mãng nên miễn cưỡng nghe theo, nhưng vẫn cướp bóc như trước. Hàm, Ấp lại lấy vàng của bọn Trần Lương đưa cho Vân và Đương, lệnh tự chia nhau. Tháng 12, trở về cõi. Mãng mừng rỡ, ban Hấp 200 vạn tiền, bọn Ảm đều được phong.

 

Thiền vu Hàm lập được 5 năm, chết năm Thiên Phụng thứ 5 (18). Em trai là Tả hiền vương Dư lập làm Hô Đô Nhi Đạo Cao Nhược Đê thiền vu (呼都而屍道皋若鞮). Hung Nô gọi hiếu là “nhược đê”; từ Hô Hàn Tà về sau thân mật với Hán, thấy Hán đặt thụy hoàng đế là “hiếu” thì bắt chước, nên đều gọi là “nhược đê.”

 

Hô Đô Nhi Đạo Cao Nhược Đê thiền vu Dư lập, tham mối lợi từ ban thưởng nên khiển Đại thả cừ Xa và Hề Độc vương (醯櫝王) - con trai của em gái Vân là Đương Ư cư thứ, cùng đến Trường An phụng hiến. Mãng khiển Hòa Thân hầu Hấp cùng bọn Xa đến ải Chế Lỗ gặp Vân và Đương, nhân đó đem binh uy hiếp, đưa đến Trường An. Vân và con trai nhỏ của Đương từ biên giới thoát được về Hung Nô. Khi Đương đến Trường An, Mãng phong làm Tu Bốc thiền vu, muốn xuất đại binh để đưa lên ngôi. Binh được điều chưa hợp thì Hung Nô đã nổi giận, tiến vào biên giới phía bắc. Biên giới phía bắc do vậy đều tiêu điều. Gặp lúc Đương bệnh chết, Mãng lấy con gái thứ của hắn là Lục Lộc Nhậm (陸逯任) gả cho An công Xa, tôn sủng rất hậu, cuối cùng muốn xuất binh lập lên ngôi. Gặp lúc Hán binh tru Mãng, Vân và Xa cũng chết.

 

Mùa đông năm Canh Thủy thứ 2 (24), Hán khiển Trung lang tướng Quy Đức hầu Táp, Đại tư mã Hộ quân Trần Tuân đi sứ Hung Nô, trao Thiền vu tỷ thao theo chế độ cũ của Hán, vương hầu trở xuống nhận ấn thao. Nhân đó đưa thân thuộc, quý nhân đi theo Vân và Đương còn sót trở về. Thiền vu thêm kiêu ngạo, nói với Tuân và Táp rằng: “Hung Nô vốn là anh em với Hán. Khi Hung Nô loạn, Hiếu Tuyên hoàng đế giúp lập Hô Hàn Tà thiền vu, nên xưng thần để tôn Hán. Nay Hán cũng đại loạn, bị Vương Mãng soán ngôi, Hung Nô cũng xuất binh đánh Mãn, quét sạch biên cảnh, khiến thiên hạ tao động mà nhớ Hán. Mãng rốt cuộc bại mà Hán lại hưng, cũng là nhờ sức ta vậy. Phải tôn ta lại.” Tuân cự lại với chúng, nhưng Thiền vu rốt cuộc giữ lời ấy. Mùa hè năm sau, [Tuân] trở về. Gặp lúc quân Xích My [21] vào Trường An, Canh Thủy đế bại vong.

 

***

Chú thích:

1. Ngũ Nguyên: Tên quận thời Hán, nay nằm trên vùng đông Ordos và nam Bao Đầu, Nội Mông, Trung Quốc.

2. Cam Tuyền: Nay thuộc Hàm Dương, Thiểm Tây.

3. Trường Bình: Nay thuộc Cao Bình, Sơn Tây.

4. Ải Quang Lộc: Nay thuộc Cố Dương, Bao Đầu, Nội Mông.

5. Kê Lộc: Nay thuộc Đặng Khẩu, Bayan Nur, Nội Mông.

6. Dao kinh lộ, lưu lê vàng: Đây đều là những từ đặc thù xuất hiện trong Hán thư, không có miêu tả cụ thể. Có lẽ đều là từ vựng gốc Hung Nô.

7. Bồ Phản: Nay thuộc Vĩnh Tế, Sơn Tây.

8. Đoạn này chép sót một câu nói về việc Y Tà Mạc Diễn xin đầu hàng Hán.

9. Yểm thắng: Tức là dùng bùa phép để vượt trội hơn người khác, thuộc quan niệm mê tín xưa.

10. Lục Kinh: Tức là sáu bộ sách Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch, Kinh Thi, Kinh Nhạc Kinh Xuân Thu. Vì Kinh Nhạc thất lạc vào thời Hán, nên về sau chỉ còn lại Ngũ Kinh.

11. Tam Vương: Tức ba triều đại Hạ, Thượng, Chu.

12. Trí Nhan: Chép nhầm từ chữ “Điền Nhan”. Xem Hung nô truyện (thượng).

13. Lư Sơn: Tên núi, nay thuộc Cửu Giang, Giang Tây.

14. Cô Tăng: Tên một sắc dân ở vùng tây nam Trung Quốc. Xem Tây Nam Di truyện.

15. Đãng Tả: Một trong các sắc dân Khương ở miền tây Trung Quốc.

16. Ba cõi: Ở đây chỉ ba phía đông, tây và nam Trung Quốc.

17. Đồi Bạch Long: Nằm ở phía đông bắc Lop Nur, Tân Cương.

18. Mười hai bộ: Tức là 12 châu của Trung Quốc lúc bấy giờ.

19. Dương cửu: Một khái niệm trong thuật số của Đạo giáo Trung Quốc, ở đây chỉ những năm có hạn hán.

20. Cung Nô, Thiện vu: “Cung Nô” nghĩa đen là nô tì cung kính; “thiện” trong Thiện vu nghĩa là điều tốt, điều hay. Vương Mãng thay đổi những danh xưng này nhằm thể hiện quan điểm coi Hung Nô là phiên thần.

21. Quân Xích My: Là một trong các thế lực nổi dậy ở Trung Quốc lúc bấy giờ, ban đầu lấy danh nghĩa chống Vương Mãng. Sau khi Canh Thủy đế Lưu Huyền lật đổ Vương Mãng, quân Xích My lại nảy sinh mâu thuẫn với Lưu Huyền, rồi tiến vào Trường An giết vị vua này.

 

***

 

Phụ lục: Thế thứ các đời thiền vu Hung Nô

 


Comments