Chân Lạp phong thổ kí

 

CHÂN LẠP PHONG THỔ KÍ

 

- Niên đại: cuối thế kỉ XIII.

- Tác giả: Chu Đạt Quan, sứ thần nhà Nguyên đến Campuchia từ 1296 đến 1297.

- Nguồn Hán văn: Wikipedia.

 

***

 


Tổng tự

 

Nước Chân Lạp (真臘) còn gọi là Chiêm Lạp (占臘). Nước ấy tự xưng là Cam Bột Trí (甘孛智) [1]. Nay thánh triều [2] án theo sách Tây Phiên [3], đặt tên nước ấy là Cám Phố Chỉ (澉浦只), vì cũng gần âm với chữ Cam Bột Trí.

 

Từ Ôn Châu ra khơi, đi theo hướng kim Đinh Mùi [4]. Qua cửa cảng ngoài khơi các châu Mân, Quảng [5], vượt biển Thất Châu [6], qua biển Giao Chỉ là đến Chiêm Thành. Lại từ Chiêm Thành xuôi gió đi khoảng nửa tháng là đến Chân Bồ (真蒲), là cõi nước này. Lại từ Chân Bồ đi theo hướng kim Khôn Thân [7], qua biển Côn Lôn là vào cảng. Có mấy chục cảng, duy cảng thứ tư là vào được, còn lại đều bị cát bồi nên không thông thuyền lớn. Nhưng mà trông xa đều là dây leo, cổ thụ, cát vàng, lau trắng, vội vàng chưa dễ nhận biết, nên người đi thuyền khó tìm được cảng. Từ cửa cảng đi về bắc, xuôi dòng chừng nửa tháng là đến đất Tra Nam (查南), là thuộc quận của nước này. Lại từ Tra Nam đổi sang thuyền nhỏ, xuôi dòng chừng hơn mười ngày, qua thôn Bán Lộ (半路), thôn Phật (), vượt đầm nước mặn là đến đất Can Bàng (干傍), cách thành 50 lí.

 

Xét sách Chư phiên chí, nói rằng đất này rộng 7.000 lí, phía bắc cách Chiêm Thành nửa tháng đi đường, tây nam cách Xiêm La nửa tháng đi đường, nam cách Phiên Ngung [8] 10 ngày đường, phía đông là biển lớn. Xưa kia là nước thông thương qua lại [với Trung Quốc].

 

Thánh triều gánh vác thiên mệnh, che chở bốn biển, lúc Nguyên soái Toa Đô đặt tỉnh ở Chiêm Thành [9] từng khiển một Vạn hộ cầm hổ phù, một Thiên hộ cầm kim bài cùng đến nước này, rốt cuộc bị bắt lại không cho về. Tháng 6 năm Ất Mùi thời Nguyên Trinh (1295), Thánh thiên tử khiển sứ chiêu dụ, sai ta đi cùng. Tháng 2 năm sau Bính Thân (1296), rời Minh Châu [10]. Ngày 20, từ cửa cảng Ôn Châu ra khơi. Ngày 15 tháng 3 đến Chiêm Thành. Giữa đường ngược gió không lợi, tháng 7 mùa thu mới đến, rồi được thần phục. Đến tháng 6 năm Đinh Dậu thời Đại Đức [1297] thuyền về; ngày 12 tháng 8 đến bến Tứ Minh [11]. Phong thổ, quốc sự ở đây tuy không thể biết rõ hết, nhưng cũng thấy được chỗ đại lược.

 

Thành quách

 

Châu thành chu vi chừng 20 lí. Có năm cửa, mỗi cửa đều hai lớp. Chỉ có hướng đông mở hai cửa, các hướng còn lại đều một cửa. Bên ngoài thành đều là hào sâu, bên ngoài hào đều bắc cầu lớn. Hai mạn cầu có 54 pho tượng thần bằng đá, giống như hình thạch tướng quân [12], rất to lớn hung dữ; năm cổng kia cũng tương tự. Lan can cầu đều làm bằng đá, tạc hình rắn năm đầu. Năm mươi tư vị thần đều dùng tay nắm lấy rắn, ý là không để cho chạy thoát. Trên cửa thành có năm cái đầu Phật lớn bằng đá, [bốn đầu] nhìn ra bốn phương, ở giữa đặt một đầu khảm vàng. Hai bên cửa tạc đá thành hình voi. Thành đều xây bằng đá, cao chừng 2 trượng. Đá đặt rất sát nhau và kiên cố, lại không mọc rêu cỏ. Không có nữ tường [13]. Bên trên thành có chỗ trồng cây quang lang, nhiều chỗ có những căn phòng trống. Mặt trong tường dốc xuống, dày hơn 10 trượng. Trên dốc có cửa lớn, ban đêm đóng, rạng sáng mở, cũng có kẻ canh cửa, chỉ có chó là không cho vào cửa. Thành này rất vuông vắn. Bốn hướng đều có một tòa tháp đá. Phạm nhân từng bị chặt ngón chân cũng không được cho vào cửa.

 

Ở giữa quốc đô có một tòa tháp vàng, bên cạnh có hơn 20 tòa tháp đá. Có hơn trăm gian nhà bằng đá, quay mặt về chỗ cây cầu vàng phía đông. Có hai pho tượng sư tử bằng vàng đặt hai bên cầu. Có tám pho tượng Phật vàng đặt trên các gian nhà đá. Cách tòa tháp vàng chừng 1 lí về phía bắc có một tòa tháp đồng, cao hơn so với tháp vàng, trông rất sừng sững, ở dưới cũng có mấy chục gian nhà đá. Lại đi về phía bắc chừng 1 lí là tới chỗ ở của quốc chúa. Nơi tẩm thất [14] cũng có một tòa tháp vàng. Sở dĩ thuyền buôn từ đây về có lời khen “Chân Lạp giàu có” là vì như thế.

 

Có tháp đá nằm ngoài cửa nam hơn nửa lí, tục truyền rằng do Lỗ Ban [15] xây nên trong một đêm. Mộ Lỗ Ban nằm ngoài cửa nam khoảng 1 lí, chu vi khoảng 10 lí, có mấy chục gian nhà đá. Hồ phía đông cách thành 10 lí, chu vi chừng trăm lí, ở giữa có tháp đá, nhà đá. Trong tháp có một pho tượng Phật nằm bằng đồng, ở rốn thường có nước chảy ra, ngọt như rượu Trung Quốc, người ta uống vào dễ say. Hồ phía bắc cách thành 5 lí, ở giữa có một tòa tháp vàng hình vuông và mấy chục gian nhà đá. Tượng sư tử vàng, Phật vàng, voi đồng, bò đồng, ngựa đồng đều có ở đây.

 

Cung thất

 

Cung vua, nhà quan và phủ đệ đều quay mặt về đông. Cung vua nằm về phía bắc tháp vàng và cầu vàng, gần cửa bắc, chu vi chừng năm sáu lí. Phòng chính lợp ngói bằng chì, còn lại đều lợp ngói đất màu vàng. Rường cột rất to, đều chạm vẽ hình Phật. Phòng rất tráng lệ, hàng lang và đường lối dài ngắn không đều, rất có quy mô. Nơi trị sự có khung cửa vàng, hai bên là cột hình vuông, phía trên có khoảng 40-50 chiếc gương bày khắp cạnh khung cửa, bên dưới là hình voi. Nghe nói ở trong đấy cũng có nhiều chỗ kỳ lạ, nhưng cấm đoán rất nghiêm nên không thể xem được.

 

Trong cung có tháp vàng, quốc chúa ban đêm ngủ trên ấy. Thổ nhân đều bảo là trong tháp có tinh rắn chín đầu, làm chủ đất đai một nước, hóa thành hình đàn bà, hằng đêm lại thấy. Quốc chúa lên trước rồi cùng giao cấu, dù là vợ cũng không dám vào. Đến canh hai thì ra, rồi mới được ngủ cùng với thê thiếp. Nếu một đêm không thấy con tinh đâu thì là Phiên vương sắp chết; nếu Phiên vương có đêm nào không đến thì ắt gặp tai vạ.

 

Thứ đến như nhà của quốc thích, đại thần thì kiểu cách rộng lớn, khác biệt với nhà dân thường. Xung quanh đều lợp mái tranh, chỉ có hai chỗ là miếu thờ và phòng ngủ chính được phép lợp ngói. Cũng tùy theo đẳng cấp các quan mà kiểu cách nhà cửa rộng hẹp khác nhau. Kẻ dưới như bách tích thì nhà chỉ lợp mái tranh, không dám xây bằng gạch ngói. Độ rộng hẹp tuy tùy theo sự giàu nghèo mỗi nhà, nhưng đều không dám bắt chước kiểu cách của phủ đệ.

 

Phục sức

 

Từ quốc chúa trở xuống, nam nữ đều búi tóc vồ, cởi trần, chỉ dùng vải quấn eo. Ra vào thì quấn thêm một tấm vải lớn bên ngoài tấm vải nhỏ. Vải vóc cũng chia theo đẳng cấp, vải quốc chúa mặc có khi đáng giá ba bốn lạng vàng, cực kì hoa lệ tinh mĩ. Trong nước tuy tự biết dệt vải, nhưng cũng có vải Xiêm La và Chiêm Thành, thi thoảng cũng coi vải từ Tây Dương đến là hạng sang, vì chúng tinh xảo, mềm mịn.

 

Chỉ quốc chúa được dùng vải hoa thuần. Đầu đội mũ vàng giống như mũ của tượng Kim Cương [16]; có lúc không đội mũ, chỉ cài hoa thơm giống như hoa nhài, kết thành một vòng quanh búi tóc. Trên đỉnh đầu đeo viên ngọc trai lớn chừng 3 cân. Tay chân và các ngón đều đeo vòng vàng, nhẫn vàng, trên nhẫn đều khảm đá mắt mèo. Đi chân trần, lòng bàn chân và bàn tay đều thoa thuốc màu đỏ. Ra ngoài thì cầm gươm vàng.

 

Với bách tính chỉ đàn bà được thoa [thuốc] lên bàn tay, bàn chân, đàn ông không dám. Đại thần, quốc thích được dùng vải hoa thưa, chỉ có quan nhân được dùng vải hoa hai đầu; bách tính chỉ có đàn bà được dùng vải hoa hai đầu. Nếu người Đường [17] mới đến thì dù dùng vải hoa hai đầu người ta cũng không dám bắt tội, vì cho là “ám-đinh-bát-sát(暗丁八殺). “Ám đinh bát sát nghĩa là kẻ không hiểu thể lệ.

 

Quan thuộc

 

Trong nước cũng có các quan thừa tướng, tướng soái, tư thiên [18]. Bên dưới đều đặt tư lại [19], song danh xưng không giống [Trung Quốc]. Đại để đều là người quốc thích, bằng không thì cũng có con gái được nạp làm phi tần. Nghi tòng khi ra vào đều có đẳng cấp: ai dùng võng cán vàng và bốn chiếc lọng vàng là hạng trên; ai dùng võng cán vàng, hai chiếc lọng vàng là hạng thứ; dùng võng cán vàng, một chiếc lọng vàng là hạng thứ nữa; chỉ dùng một chiếc lọng vàng là càng thứ nữa. Kẻ dưới chỉ dùng lọng bạc mà thôi, cũng có kẻ dùng võng cán bạc. Lọng cán vàng của quan trên đều gọi “ba-đinh (巴丁) hoặc “ám-đinh(暗丁) , lọng bạc gọi là “tư-lạt-đích(廝辣的). Lọng đều làm bằng lụa đỏ của Trung Quốc, chùng sát đất. Loại ô giấy dầu thì đùng lụa màu lục, vạt ngắn ngủn.

 

Tam giáo [20]

 

Gọi người có học là “ban-cật” (班詰), nhà sư là “ninh-cô  (苧姑), thầy cúng là “bát-tư-duy(八思惟).

 

Ban-cật không biết ai là tổ, không có chỗ nào đáng gọi là trường học, cũng khó truy là đọc sách gì. Chỉ thấy ngoài việc mặc vải như người thường ra thì trên cổ đeo một sợi dây trắng, lấy đó để phân biệt là người có học. Ban-cật vào làm quan thì được ngồi hàng trên. Sợi dây ở cổ cả đời không tháo ra.

 

Ninh-cô cạo tóc, mặc đồ vàng, để trần vai bên phải, ở dưới quấn xiêm vải màu vàng, đi chân trần. Chùa cũng được phép lợp ngói, ở trong chỉ có một pho tượng, đứng thẳng giống như hình Phật Thích Ca, gọi là “bột-lại” (孛賴) mặc đồ đỏ, trát bằng bùn, tô màu son và xanh, ngoài ra không có tượng nào nữa. Tượng Phật ở trong tháp lại có tướng mạo khác, đều đúc bằng đồng. Không có chuông, trống, mõ, cũng không có các thứ tràng phướn, tráp báu. Nhà sư đều ăn thịt cá, chỉ không uống rượu, cúng Phật cũng dùng thịt cá. Mỗi ngày ăn chay một bữa, đều lấy từ nhà của chủ đàn chay, vì trong chùa không có bếp núc. Sách tụng kinh rất nhiều, đều chép trên lá cọ, rất thẳng thớm, viết chữ đen. Vì họ không dùng bút mực, nên không biết là viết bằng thứ gì. Nhà sư cũng có người dùng võng vàng, võng bạc và ô. Nếu quốc chúa có việc lớn cũng tìm đến hỏi họ. Không có ni cô.

 

Bát-tư-duy giống như người thường, ngoài đồ vải ra chỉ khoác một tấm vải đỏ hoặc vải trắng trên đầu, giống như mũ cổ-cô của đàn bà Thát Đát nhưng thấp hơn. Cũng có cung quán [21], song so với chùa chiền thì hẹp hơn. Đạo giáo không thịnh bằng tăng giáo. Nơi cúng không có tượng, chỉ có một khối đá giống như đá đặt ở giữa xã đàn ở Trung Quốc. Cũng không biết tổ là ai. Không có đạo sĩ nữ. Cung quán cũng được phép dùng ngói. Bát-tư-duy không ăn thức ăn của người khác, cũng không cho người ta xem mình ăn, và không uống rượu. Chưa từng thấy ai tụng kinh hay làm việc công quả cho người khác.

 

Theo tục, khi trẻ con vào đạo đều trước hết đến nhà thầy để dạy dỗ, lúc lớn mới hoàn tục, còn rõ hơn thì chẳng thể khảo được.

 

Nhân vật

 

Người nước này chỉ biết tục Man. Người ta xấu xí mà đen đúa, còn người sống ở ven biển hay thôn xa và ngõ hẻm bình thường thì không biết thế nào. Đến như cung nhân và đàn bà “nam-bành” 南棚 (“nam-bành” nghĩa là phủ đệ) thì nhiều người trắng như ngọc, vì không gặp ánh nắng. Đại để ngoài một tấm vải quấn eo ra thì bất luận nam nữ đều trần truồng, khoe ngực, búi tóc vồ, đi chân đất, dù là vợ của quốc chúa cũng chỉ như thế.

 

Quốc chúa có năm người vợ, một là chính thất, bốn người kia ở bốn phương. Phi tần bên dưới nghe nói có ba đến năm nghìn người, cũng tự chia đẳng cấp, không dễ được ra ngoài. Mỗi khi ta vào trong đều thấy chúa Phiên đi ra cùng vợ chính, rồi ngồi ở giữa khung cửa vàng tại phòng chính, các cung nhân theo thứ tự đứng ở hai hành lang bên dưới khung cửa, tựa vào đó để dòm ngó, nên ta thấy được cả. Hễ nhà dân có con gái xinh đẹp ắt được triệu vào trong cung. Người ra vào làm việc trong cung gọi là “trần-gia-lan” (陳家蘭), cũng không dưới một hai nghìn người, đều có chồng, sống lẫn trong dân gian. Họ cạo tóc ở trên chóp đầu giống như người đào kênh ở phương Bắc, thoa chu sa bạc trên đấy và hai bên màng tang, lấy đấy để phân biệt là trần-gia-lan. Chỉ có những người đàn bà này được vào cung, còn lại kẻ dưới không ai được vào. Họ xếp thành hàng dài trên đường vào phía trước và phía sau nội cung.

 

Đàn bà tầm thường ngoài búi tóc vồ ra không cài trâm hay lược trên đầu, chỉ đeo vòng vàng trên cổ tay và nhẫn vàng trên ngón tay. Trần-gia-lan và cung nhân bên trong cũng đều như thế. Nam nữ thường thoa thuốc thơm trên mình, dùng các thứ đàn hương, xạ hương. Nhà nhà đều thờ Phật. Trong nước có nhiều kẻ ái nam ái nữ, hằng ngày họp bè khoảng chục người đi quanh nơi đồng nội, thường có ý mời gọi người Đường để kiếm chác, vừa xấu vừa ác.

 

Sản phụ

 

Đàn bà người Phiên sau khi sinh liền nấu cơm trộn lẫn muối rồi bỏ vào âm hộ, được một ngày một đêm thì lấy ra. Nhờ thế sinh xong không có bệnh, lại đầy đặn như con gái. Ta ban đầu nghe nói thì kinh ngạc, nghi là không đúng. Thế rồi một nhà chỗ bến sông có người đàn bà sinh con, mới biết là có việc ấy. Hôm sau lại liền ẵm đứa con cùng ra sông tắm rửa, rất quái lạ. Lại từng nghe người ta nói: Đàn bà Phiên đa phần dâm đãng, sau khi sinh một hai ngày lập tức giao hợp với chồng. Nếu gặp lúc chồng không ham muốn thì lập tức vứt bỏ như chuyện Mãi Thần [22]. Nếu gặp lúc chồng đi xa, mấy đêm thì còn được, chứ quá mười đêm thì người đàn bà sẽ nói: “Ta không phải quỷ, sao lại ngủ một mình?” Lòng dâm đãng lớn đến vậy đấy. Nhưng cũng từng nghe nói có người giữ chí. Đàn bà rất chóng già, vì cưới xin sinh đẻ từ sớm nên người 20-30 tuổi đã như người 40-50 tuổi ở Trung Quốc.

 

Con gái

 

Nhà ai sinh con gái thì cha mẹ sẽ khấn rằng: “Mong mày được như người ta, tương lai cưới trăm cưới nghìn thằng chồng.” Con gái nhà giàu từ 7 tuổi đến 9 tuổi, con gái nhà nghèo thì từ 11 tuổi đều giao cho nhà sư, thầy cúng phá trinh đi, gọi là “trần-thảm” (陣毯). Quan lại vào tháng tư hằng năm chọn một ngày để ban bố khắp nước rằng: nhà nào có con gái sắp trần-thảm thì phải báo lên trước cho quan. Quan trước hết cấp cho một ngọn đuốc, trên đuốc khắc vẽ ở một chỗ, hẹn rằng đêm ấy lúc chạng vạng sẽ thắp đuốc, khi cháy đến chỗ khắc vẽ thì là lúc trần-thảm. Trước đấy một tháng, nửa tháng hoặc mười ngày, cha mẹ sẽ chọn một nhà sư hoặc một thầy cúng tùy theo xứ mình; chùa chiền cũng thường có khách hàng riêng. Nhà sư tốt đều được quan lại, nhà giàu chọn trước, không tới lượt người nghèo. Nhà giàu có đem tặng các thứ rượu, gạo, vải lụa, cau, đồ bạc, có khi đến 100 gánh, đáng giá 200-300 lạng bạc ở Trung Quốc; ít hơn thì 30-40 gánh, hoặc 10-20 gánh, tùy theo của cải nhà ấy. Sở dĩ con nhà nghèo đến năm 11 tuổi mới làm việc này là vì khó chuẩn bị những vật ấy. Nhà giàu cũng có khi bố thí tiền để trần-thảm con gái nhà nghèo, coi là làm việc hiếu. Vì trong một năm mỗi nhà sư chỉ có thể lấy một người con gái, nên sư đã nhận nhà nào rồi thì không được làm cho nhà khác nữa.

 

Đêm ấy, bày nhiều rượu thịt, trống nhạc, mời thân thích, láng giềng đến. Ngoài cửa dựng một cái rạp cao, đắp tượng người, tượng thú bằng đất đặt ở trên đấy, có lúc hơn chục pho, hoặc chỉ ba bốn pho; nhà nghèo thì không có. Nhà nào cũng dựa theo tục cũ, đợi sau bảy ngày mới dỡ xuống. Lúc chạng vạng, dùng võng lọng, trống nhạc rước nhà sư ấy về. Dùng lụa ngũ sắc quấn quanh hai cái chòi, một để người con gái ngồi trong, một để nhà sư ngồi, không rõ là nói lời gì. Tiếng trống nhạc huyên náo, đêm ấy không cấm đi đêm. Khi đến giờ thì nhà sư cùng người con gái vào buồng, tự mình dùng tay phá trinh, hòa máu vào rượu. Có người nói cha mẹ và thân thích, láng giềng đều chấm máu thoa trán, có người nói đều chấm vào miệng, có người nói nhà sư và người con gái giao cấu, có người nói không có việc ấy. Song không cho người Đường xem, nên chẳng thể biết được mục đích của họ. Đến lúc trời sắp sáng thì dùng võng lọng trống nhạc tiễn sư đi, sau đấy sẽ đem các thứ vải lụa cho sư chuộc mình, bằng không thì người con gái ấy rốt cuộc sẽ do sư sở hữu, không thể đem gả người khác được. Việc ta thấy là vào đêm mồng 6 tháng 4 năm Đinh Dậu thời Đại Đức (28/4/1297).

 

Trước khi làm việc ấy thì cha mẹ ngủ cùng với con gái, sau khi làm thì tách ra ở ngoài buồng, giữ lấy chỗ ấy, không còn quản thúc giữ gìn gì nữa. Đến lúc cưới xin thì tuy có nạp sính lễ nhưng bất quá chỉ qua loa cho xong việc. Có nhiều người gian dâm trước rồi cưới sau, phong tục nước này không coi là hổ thẹn, cũng không coi là quái lạ. Đêm trần-thảm, trong một ngõ có khi đến hơn mười nhà [cùng làm]. Trong thành những đám rước sư đụng nhau giữa đường; tiếng trống nhạc không đâu không có.

 

Nô tì

 

Nô tì nhà dân đều mua từ dã nhân để sai làm việc, nhiều thì hơn trăm người, ít cũng 10-20 người, còn như nhà nghèo thì không có. Dã nhân là người sống trong núi, chia thành nhiều chủng loài, tục gọi là giặc “Chàng(). Khi đem vào thành đều không dám ra vào nhà người ta. Người trong thành chửi nhau mà có ai gọi mình là “Chàng” thì hận đến xương tủy, mới thấy họ khinh giống người ấy đến như vậy. Kẻ trẻ khỏe đáng giá chừng trăm tấm vải, kẻ già yếu chỉ được khoảng 30-40 tấm. Chỉ cho ngồi nằm ở dưới lầu, nếu theo hầu mới cho lên lầu, cũng đều phải quỳ gối chắp tay làm lễ rồi sau mới dám bước lên. Gọi ông chủ là “ba-đà” (巴駞), bà chủ là “mễ” (). “Ba-đà” nghĩa là cha, “mễ” nghĩa là mẹ. Nếu phạm lỗi, bị đánh roi, thì cúi đầu chịu đòn, không dám cử động. Nô tì trai gái dù phối ngẫu lẫn nhau thì chủ nhân vẫn không cho giao tiếp. Người Đường đến đây ở lại lâu cũng không bị đuổi, nhưng nếu ai giao tiếp với nô tì, chủ nhân nghe được, thì hôm sau không cho ngồi cùng, vì cho là từng giao tiếp với dã nhân. Có kẻ giao cấu với người ngoài đến nỗi mang thai thì chủ nhân cũng không tra hỏi là từ đâu ra, vì cho rằng việc ấy không có gì đáng khinh, lại lợi được đứa con, ngày sau vẫn có thể làm nô tì được. Có kẻ nào bỏ trốn mà bị bắt được sẽ xăm chữ màu xanh trên mặt hoặc đeo khóa sắt trên đầu, có khi đeo ở cánh tay hoặc bắp đùi.

 

Ngôn ngữ

 

Ngôn ngữ trong nước tự tạo thành âm thanh, tuy gần giống người Chiêm Thành và Xiêm nhưng đều không thông hiểu nhau được. Ví dụ như gọi một là “mai” (), hai là “biệt(), ba là “bì” (), bốn là “ban” (), năm là “bột-lam (), sáu là “bột-lam-mai” (藍梅), bảy là “bột-lam-biệt” (孛藍), tám là “bột-lam-bì” (孛藍), chín là “bột-lam-bàn” (孛藍), mười là “đáp” (). Gọi cha là “ba-đà”, đến như chú bác cũng gọi là “ba-đà”. Gọi mẹ là “mễ”; cô, dì, thím, chị dâu, cho đến hàng xóm cao tuổi cũng gọi là “mễ”. Gọi anh là “bang” (), chị cũng gọi là “bang”. Gọi em là “bổ-ôn” (補溫). Gọi cậu là cật-lại “; chồng của cô, chồng của chị, chồng của dì, chồng của em gái cũng gọi là “cật-lại”. Đại để đa phần lấy chữ dưới đặt ở trên, như nói người này là em của Trương Tam thì gọi là “bổ-ôn Trương Tam”, người kia là cậu của Lý Tứ thì gọi là “cật-lại Lý Tứ”. Lại gọi Trung Quốc là “Bị Thế” (備世), gọi quan nhân là “ba-đinh” (巴丁), gọi tú tài là “cật-ban”. Khi gọi quan nhân Trung Quốc không nói “Bị-Thế ba-đinh” mà nói “ba-đinh Bị-Thế”; gọi tú tài Trung Quốc không nói “Bị-Thế cật-ban“ mà nói “cật-ban Bị-Thế”. Đại để đều như vậy, đấy là đại lược. Còn như quan phủ thì có lời nghị luận của riêng quan phủ, tú tài thì có tiếng văn đàm của riêng tú tài, tăng đạo cũng tự có lời nói của tăng đạo. Ngôn ngữ ở thành thị và thôn xóm đều không giống nhau, cũng không khác gì ở Trung Quốc.

 

Dã nhân

 

Dã nhân có hai giống. Một loại dã nhân biết đi lại nói năng, là loại bị bán vào thành làm nô. Còn một loại dã nhân không biết giáo hóa, không thông ngôn ngữ, thì bọn ấy đều không có nhà ở, chỉ đem gia thuộc mình đi khắp núi non, đầu đội chậu sứ mà đi. Gặp phải dã thú thì bắn tên phóng lao giết đi, rồi đánh lửa bằng đá, cùng nướng thịt mà ăn. Tính chúng rất hung hãn, thuốc của chúng rất độc, kẻ trong đảng thường tự giết chóc nhau. Vùng gần đây cũng có kẻ làm nghề trồng đậu khấu, bông gòn và dệt vải. Vải rất thô và dày, hoa văn rất khác biệt.

 

Văn tự

 

Văn tự bình thường và văn thư quan phủ đều dùng các thứ da hươu, da hoẵng nhuộm đen, tùy theo độ lớn nhỏ rộng hẹp mà tùy ý cắt bớt. Dùng một loại phấn giống như phấn đất trắng ở Trung Quốc, vo thành viên nhỏ, tên là “thoa” (), cầm bằng ngón tay, vẽ lên giấy để thành chữ, mãi không phai mờ; dùng xong thì cài lên trên vành tai. [Dựa vào] nét chữ cũng có thể phân biệt là người nào viết. Xóa đi thì dùng đồ ướt lau chùi là được. Đại để tự dạng tương tự chữ Hồi Cốt [23]. Phàm văn thư đều viết từ đằng sau lên đằng trước, không viết từ trên xuống. Ta nghe Dã Tiên Hải Nha bảo tiếng nói nước này gần giống âm Mông Cổ, song có hai ba chữ không giống. Ban đầu không có ấn tín. Nhà dân cáo trạng cũng không dùng ghi chép.

 

Chính sóc, thời tự

 

Hằng năm lấy tháng mười của Trung Quốc làm tháng một, tháng ấy tên là “giai-đắc” (). Phía trước cung vua dựng một cái giàn lớn, trên giàn chứa được hơn nghìn người, đều treo đèn kết hoa. Chỗ bờ bên kia cách 20-30 trượng thì dùng gỗ nối thành giàn cao như lối xây tháp gác cần câu, cao hơn 20 trượng. Mỗi đêm đặt ba bốn hoặc năm sáu giàn, diễn trò khói lửa pháo tre trên ấy, đều do các thuộc quận và các phủ đệ làm. Đến đêm thì mời quốc chúa ra xem, châm phóng khói lửa pháo tre. Khói lửa dù cách xa trăm dặm vẫn thấy được, pháo tre tiếng to như súng, vang khắp cả thành. Quan thuộc, quý thích mỗi người chia ra cầm đuốc lớn và cau. Trò đấy tốn rất nhiều phí. Quốc chúa cũng mời phụng sứ đến xem. Cứ như thế đến nửa tháng mới thôi.

 

Cứ hằng tháng lại có một trò. Như tháng tư thì chơi ném cầu. Tháng chín thì có “áp-lạp” (壓獵): áp-lạp tức là tụ họp voi cả nước lại, đều đem vào trong thành để duyệt ở trước cung vua. Tháng năm thì có tắm Phật - tụ họp tượng Phật xa gần trong nước đưa ra sông cho quốc chúa lau rửa; và đua thuyền trên cạn – quốc chúa đứng trên lầu xem. Tháng bảy thì có đốt lúa: bấy giờ lúa mới đã chín, rước về ngoài cửa nam đốt đi để cúng các Phật; đàn bà, xe, voi và người đi xem vô số, chỉ quốc chúa là không ra. Tháng tám thì có “ai-lam” (挨藍) (“ai-lam” nghĩa là múa), chọn lựa kĩ nữ hằng ngày vào trong cung vua để ai-lam; lại có đấu lợn, đấu voi, quốc chúa mời phụng sứ đến xem, cứ như thế suốt một tuần. Các tháng còn lại không rõ.

 

Người trong nước cũng có kẻ thông thiên văn, nhật nguyệt tròn khuyết đều suy tính được cả, song độ lớn nhỏ thì chẳng giống với Trung Quốc. Trung Quốc có tháng nhuận thì ở đây cũng đặt tháng nhuận, song chỉ có tháng chín là nhuận, rất lạ không hiểu nổi. Mỗi đêm chỉ chia làm bốn canh. Cứ bảy ngày là một vòng, giống như các ngày khai, bế, kiến, trừ [24] ở Trung Quốc. Người Phiên đã vốn không có tên họ, mà còn không ghi lại ngày sinh. Nhiều người lấy ngày sinh làm tên, có hai ngày là rất may mắn, ba ngày là bình thường, bốn ngày là rất xấu. Ngày nào phải đi hướng đông, ngày nào phải đi hướng tây thì chỉ có đàn bà biết tính. Mười hai con giáp cũng giống Trung Quốc, song gọi bằng tên khác, như gọi ngựa là “bốc-trại” (卜賽), gọi gà là “man” ( ), gọi lợn là “trực-lư” (直盧), gọi bò là “cá” ().

 

Tranh tụng

 

Dân gian tranh tụng, dù là việc nhỏ cũng đều báo lên quốc chúa. Ban đầu không có hình phạt roi trượng, chỉ bắt đền tiền mà thôi. Người nào phạm tội đại nghịch nặng cũng không có chuyện treo cổ hay chém đầu, chỉ đào đất thành hố ở ngoài cửa tây thành, ném tội nhân xuống đấy, lấp lại bằng đất đá, đắp xong rồi bỏ đi. Thứ nữa thì có hình phạt chặt ngón chân, chặt ngón tay và xẻo mũi. Chỉ gian dâm và đánh bạc là không bị cấm. Chồng của gian phụ có biết thì dùng khúc củi xoắn gãy chân gian phu, đau không chịu nổi, phải đem hết của cải cho người chồng thì mới được tha, nhưng cũng có kẻ quanh co dối trá. Có ai chết ở trước cửa nhà mình thì tự dùng dây thừng kéo ra đất trống ngoài thành. Không có việc gì đáng gọi là truy cứu hay kiểm nghiệm.

 

Nhà dân nếu bắt được trộm có thể giam giữ, tra khảo, có một hạng là thu được. Còn như nhà dân mất đồ, nghi người kia là trộm mà không chịu thú nhận, thì dùng nồi nấu dầu lên cho thật sôi, bắt người ấy thò tay vào trong, nếu quả lấy vật ấy thì tay bỏng nát, bằng không thì da thịt nguyên vẹn. Người Phiên có luật pháp lạ như thế đấy.

 

Khi hai nhà tranh tụng nhau mà không phân được ai đúng ai sai, thì bên bờ kia cung vua có 12 tòa tháp đá nhỏ, lệnh hai người cùng vào ngồi trong tháp. Bên ngoài hai nhà tự đem thân thuộc đến đề phòng lẫn nhau. Có khi ngồi một hai ngày, có khi ba bốn ngày. Kẻ nào sai trái lúc ra ngoài sẽ mắc bệnh, có khi trên mình nổi nhọt, có khi ho ra đờm và phát sốt; kẻ ngay thẳng sẽ chẳng hề hấn gì. Người ta lấy đấy để xét đoán đúng sai, gọi là ngục trời, nói rằng vì đất đai linh thiêng nên có chuyện ấy.

 

Bệnh tật

 

Người trong nước bình thường khi có bệnh hay xuống sông tắm rửa, luôn luôn gội đầu, rốt cuộc tự khỏi. Có nhiều người bị hủi đứng ngoài đường sá. Thổ nhân cho họ cùng ngủ, cùng ăn, cũng không bận tâm đến. Có người nói là vì phong thổ mà mắc bệnh ấy, lại nói rằng từng có quốc chúa bị bệnh ấy, nên người ta không ngại. Trộm nghĩ rằng, vì thường hiếu sắc mà lại xuống sông tắm rửa, nên sinh ra bệnh ấy. Nghe nói thổ nhân vừa làm chuyện sắc dục xong đều xuống sông tắm rửa. Kẻ bị bệnh lị thì chết đến tám, chín phần mười. Cũng có kẻ bán thuốc ở chợ, không giống như loại ở Trung Quốc, không biết là thứ gì. Có một loại sư thầy tu hành cùng người ta, rất là đáng cười.

 

Tử vong

 

Người chết không có quan tài, chỉ quấn trong chiếu manh, trùm lại bằng vải. Khi đưa tang cũng dùng các thứ cờ xí trống nhạc đi trước. Lại dùng hai cái mâm đựng đầy gạo rang, vung vãi khắp đường. Khiêng đến chỗ xa xôi không người ngoài thành thì vứt xuống rồi bỏ đi, đợi cho diều hâu, chó má đến ăn. Nếu trong chốc lát đã ăn hết sạch thì nói là cha mẹ có phúc nên được báo đáp như thế; nếu không ăn hoặc ăn mà không hết, thì về nói cha mẹ có tội mà bị như thế. Nay cũng đã dần có thiêu xác, thường đều là dòng giống người Đường sót lại. Cha mẹ chết cũng không hề mặc áo tang. Đàn ông chết thì [người nhà] cạo sạch tóc, đàn bà chết thì cắt tóc trên chóp đầu như hình đồng tiền lớn, coi đấy là hiếu. Quốc chúa cũng được táng trong tháp, song không biết táng thân hay táng xương.

 

Trồng trọt

 

Đại để trong một năm có thể gieo gặt ba bốn phiên, vì bốn mùa đều như tháng năm tháng sáu, lại không có sương tuyết. Đất này nửa năm có mưa, nửa năm chẳng hề có. Từ tháng tư đến tháng chín hằng ngày đều mưa, sau giờ Ngọ mới tạnh. Đầm nước mặn nước dâng cao đến bảy tám trượng, cây to chìm cả, chỉ còn thấy ngọn mà thôi; nhà dân ai sống ven sông đều dời vào núi. Từ tháng mười đến tháng ba, mưa nhỏ cũng không có. Trong đầm chỉ đi được thuyền nhỏ, chỗ sâu cũng không quá 3 đến 5 thước; nhà dân lại dời xuống núi. Người trồng trọt đợi đến lúc ấy là lúa chín. Bấy giờ nước sông dâng đến chỗ nào thì tùy theo đất ấy mà gieo trồng. Không dùng trâu cày, các thứ lưỡi cày, liềm, cuốc dù khá giống [Trung Quốc] nhưng không cùng cách chế tạo. Lại có một loại ruộng hoang, không trồng cũng tự mọc, nước cao đến 1 trượng mà lúa cũng cao ngang thế, chắc là một giống khác.

 

Việc bón ruộng và trồng rau đều không dùng phân, vì cho là không sạch sẽ. Người Đường đến đây đều không cho nói đến việc bón phân, vì ngại là thô bỉ. Cứ hai ba nhà cùng đào đất thành một cái ao, phủ cỏ lên trên, khi đầy thì lấp đi rồi lại đào ao khác. Hễ đi nhà xí xong đều ra ao rửa ráy, chỉ dùng tay trái, tay phải giữ để ăn cơm. Thấy người Đường đi nhà xí, dùng giấy chùi thì đều cười họ, thậm chí không cho họ vào cửa. Đàn bà cũng có người tiểu đứng, thật buồn cười.

 

Sông núi

 

Từ Chân Bồ đến đây đa phần là rừng rậm cây to, sông lớn kênh rộng, miên man mấy trăm lí. Cổ thụ, dây leo phủ bóng sum suê, tiếng dã thú văng vẳng trong đấy. Đi được nửa kênh mới thấy có đồng ruộng, chẳng hề có một tấc cây, trông xa toàn là lúa má um tùm mà thôi. Trâu rừng tụ bầy đến hàng trăm, hàng nghìn con, họp ở đất này. Lại có đồi tre, cũng kéo dài mấy trăm lí. Đốt tre mọc gai ở giữa, măng có vị rất đắng. Bốn bề đều là núi cao.

 

Sản vật

 

Núi có nhiều cây lạ. Chỗ không có cây là nơi tê, voi tụ họp kiếm ăn. Cầm thú quý hiếm nhiều không kể xiết. Vật quý có lông chim bói cá, ngà voi, sừng tê, sáp vàng; kém hơn thì có giáng chân hương, đậu khấu, thư hoàng, tía tô, đại phong tử du [25].

 

Chim bói cá rất khó bắt được. Vì trong rừng rậm có hồ, trong hồ có cá, nên chim bói cá từ trong rừng bay ra bắt cá. Người Phiên dùng lá cây che mình rồi ngồi cạnh mép nước, bỏ một con chim mái trong lồng để dụ, tay cầm sẵn lưới nhỏ, đợi chim đến thì tóm lấy. Có khi một ngày bắt được dăm ba con, có khi cả ngày không bắt được con nào. Ngà voi thì nhà dân nơi núi non đều có. Cứ khi một con voi chết sẽ lấy được hai cái ngà, truyện xưa kể rằng mỗi năm thay ngà một lần là không đúng. Ngà của voi bị giết bằng lao là hạng trên, của voi tự chết rồi tùy lúc bị người ta lấy là hạng thứ, của voi chết ở trong núi nhiều năm thì chê là hạng dưới. Sáp vàng sinh ra trên cây mục trong thôn xóm, do một loài ong có bụng nhỏ như kiến làm ra. Người Phiên thu lấy sáp, cứ một thuyền có thể thu được hai ba nghìn khối, khối to thì 30-40 cân, nhỏ cũng không dưới 18-19 cân. Sừng tê màu trắng mà có hoa văn là hạng trên, màu đen là hạng dưới.

 

Cây giáng chân mọc trong rừng rậm, người Phiên chặt hạ rất tốn sức, vì hương nằm trong lõi cây. Vỏ ngoài màu trắng, gỗ có thể dày đến 8-9 thước, cây nhỏ cũng không dưới 4-5 thước. Đậu khấu đều do dã nhân trồng trên núi. Thư hoàng là một loại nhựa cây, người Phiên dùng dao đẵn cây từ một năm trước cho nhựa rỉ ra, đến năm sau mới thu. Tía tô mọc trên cành một loại cây, hình dáng giống như tang ký sinh, cũng rất khó lấy được. Đại phong tử du là quả của một loài cây lớn, hình dáng giống quả dừa mà tròn hơn, bên trong có mấy chục hạt. Hồ tiêu nghe nói cũng có ở đây, mọc thành dây leo, bám chặt như cỏ xanh, loại mọc ra màu xanh thì càng cay.

 

Mua bán

 

Giao dịch trong nước đều do đàn bà làm, vì khi người Đường đến đây đều lấy vợ trước để lợi cho việc buôn bán. Mỗi ngày họp chợ một buổi từ giờ Mão đến giờ Ngọ [27] rồi nghỉ. Không có cửa hàng, chỉ dùng chiếu manh bày dưới đất, mỗi người đều có chỗ riêng, nghe nói cũng nộp tiền thuê đất cho quan. Trao đổi nhỏ thì dùng thóc gạo và hàng hóa người Đường, thứ nữa thì dùng vải, nếu giao dịch lớn thì dùng vàng bạc. Trước kia thổ nhân rất chất phác, thấy người Đường thì càng kính sợ, gọi là Phật, gặp nhau thì rạp xuống đất làm lễ. Gần đây cũng có kẻ lừa dối khinh rẻ người Đường, nên nhiều người bỏ đi.

 

Rất muốn có hàng hóa người Đường. Đất này không sản xuất vàng bạc, nên coi vàng bạc của người Đường là hạng nhất, lụa là ngũ sắc là hạng thứ. Thứ đến nữa là chì thiếc Chân Châu, mâm sơn Ôn Châu, đồ sứ trắng Tuyền Châu, cùng thủy ngân, chu sa bạc, giấy, lưu huỳnh, diêm tiêu, xuyên khung, bạch chỉ, xạ hương, vải gai, vải hoàng thảo, lọng che mưa, nồi sắt, mâm đồng, chu sa, dầu ngô đồng, lược bí, lược gỗ và kim. Loại thô kém thì có chiếu Minh Châu. Họ rất muốn có đậu và lúa mạch, nhưng không mua được.

 

Cây cỏ

 

Chỉ có thạch lựu, mía, hoa sen, ngó sen, khoai, đào, chuối, xuyên khung là giống với Trung Quốc. Vải, quýt hình dáng tuy giống nhưng chua hơn, còn lại đều là thứ chưa từng thấy ở Trung Quốc. Cây cối cũng rất khác biệt, hoa cỏ càng nhiều hơn nữa, vừa thơm vừa đẹp. Hoa mọc dưới nước có nhiều tên gọi, đều không biết là tên gì. Còn như đào, mận, hạnh, mơ, tùng, bách, sam, thông, lê, táo, dương liễu, quế, lan, cúc, bạch chỉ đều không có. Vào giữa tháng một cũng có hoa sen.

 

Chim chóc

 

Chim có công, bói cá, vẹt là những thứ Trung Quốc không có. Còn lại như ưng, quạ, cò, sẻ, cốc, khoang, hạc, vịt trời, sẻ vàng thì đều có. Những loài không có là chim khách, hồng, nhạn, vàng anh, đổ vũ, én, bồ câu.

 

Muông thú

 

Thú có tê, voi, trâu rừng, ngựa núi là những loài Trung Quốc không có. Còn lại như hổ, báo, gấu, lợn rừng, hoẵng, hươu, nai, vượn, cáo, khỉ có rất nhiều. Những loài không thấy ở đây là sư tử, tinh tinh [27], lạc đà. Còn gà, vịt, trâu, ngựa, lợn, dê tại đây thì không cần bàn đến. Ngựa rất nhỏ thó. Trâu rất nhiều, khi sống không ai dám cưỡi, chết đi không dám ăn, cũng không dám lột da, chỉ để cho thối rữa mà thôi, vì cho rằng chúng đem sức giúp người, nên chỉ dùng để kéo xe. Trước kia không có ngỗng, gần đây có người đi thuyền từ Trung Quốc đem đến, nên có được giống ấy. Chuột có con to như mèo, lại có một loại chuột đầu giống như chó con mới sinh.

 

Rau củ

 

Rau củ có hành, cải, hẹ, cà, dưa hấu, bí đao, dưa núi, rau dền. Loại không có là củ cải, cải bèo, rau diếp đắng, cải bó xôi. Dưa, cà vào tháng hai cũng có, cây cà sống được mấy năm mà không héo. Cây bông gòn mọc cao hơn nhà, có khi đến hơn mười năm không mục. Có rất nhiều thứ rau không biết tên, rau mọc dưới nước cũng có nhiều loại.

 

Cá tôm

 

Cá tôm thì chỉ có cá chép đen là nhiều nhất, cá khác như cá chép, cá diếc, cá trắm cỏ cũng nhiều. Có cá bống, con lớn nặng  cân trở lên. Những loài cá không biết tên cũng rất nhiều, đều là sống ở đầm nước mặn. Còn như cá ngoài biển thì đầy rẫy. Lươn, cá chình, ếch đồng thì thổ nhân không ăn, đến đêm chúng bò lổm ngồm đầy đường. Ba ba to như hợp ninh [28], dù là rùa sáu tuổi cũng dùng làm thức ăn. Tôm ở Tra Nam nặng một cân trở lên. Rùa Chân Bồ chân dài chừng 8-9 tấc. Cá sấu có con to như thuyền, có bốn chân, giống như rồng nhưng không có sừng, bụng rất mềm. Nghêu sò ốc hến sống trong đầm nước mặn, có thể mò được. Chỉ có cua là không thấy, chắc cũng có nhưng người ta không ăn.

 

Chưng cất rượu

 

Có bốn loại rượu: Loại hạng nhất người Đường gọi là rượu đường mật, lên men bằng thuốc, làm từ mật hòa lẫn với nước. Loại thứ hai thổ nhân gọi là “bằng-nha-tứ” (朋牙四), làm bằng lá cây (“bằng-nha-tứ” là tên một loại lá cây). Loại thứ ba làm bằng gạo hoặc cơm thừa, tên là “bao-lăng-giác” (包稜角), vì “bao-lăng-giác” nghĩa là gạo. Loại kém nhất là rượu đường kính, làm bằng đường. Chỗ ven cửa sông lại có rượu nước dừa, vì có một loại dừa mọc ven sông, nước của nó dùng ủ rượu được.

 

Muối, giấm, tương, men

 

Trong nước không cấm nấu muối, các xứ Chân Bồ, Ba Giản (巴澗) ven biển đều thấy nấu. Vùng núi lại có một loại đá vị mặn như muối, có thể mài dũa để làm đồ dùng. Thổ nhân không biết làm giấm, khi ăn muốn có vị chua thì bỏ lá cây hàm bình vào, nếu cây đã kết trái thì dùng trái. Cũng không biết làm tương, vì không có lúa mạch và đậu. Lại chưa từng làm men, chỉ dùng nước mật và lá cây ủ rượu. Men rượu cũng giống như men rượu trắng ở quê ta.

 

Trồng dâu nuôi tằm

 

Thổ nhân không ai biết trồng dâu nuôi tằm. Đàn bà cũng không hiểu chuyện thêu thùa may vá, chỉ biết dệt vải bông mà thôi. Cũng không biết xe sợi, chỉ dùng tay mấn thành sợi. Không có khung cửi, chỉ nối một đầu sợi vào eo, một đầu cắm vào cửa sổ, dùng một ống tre làm con thoi. Năm gần đây người Xiêm đến ở đây, lấy trồng dâu nuôi tằm làm nghề kiếm sống. Giống dâu, giống tằm đều từ Xiêm mà ra. Cũng không có cây tầm gai, chỉ có gai dầu. Người Xiêm dùng tơ tự dệt thành áo lụa thâm. Đàn bà Xiêm cũng biết may vá, đồ vải của thổ nhân có rách thì đều đem đến nhờ sửa lại.

 

Đồ dùng

 

Nhà dân thường ngoài phòng ốc ra chẳng hề có các thứ bàn, ghế, chậu, thùng. Khi nấu cơm thì dùng một cái niêu đất, nấu canh thì dùng một cái nồi đất. Cắm ba hòn đá xuống đất làm bếp, dùng gáo dừa làm muôi. Mâm cơm thì dùng mâm sành Trung Quốc hoặc mâm đồng; canh thì dùng lá cây làm thành một cái chén nhỏ, dù tràn đầy cũng không rỉ ra. Lại dùng lá dừa làm một cái thìa nhỏ để múc nước đưa lên miệng, dùng xong thì vứt đi. Dù là tế tự thần Phật cũng như vậy. Lại dùng chậu bạc hoặc chậu sành đựng nước đặt bên cạnh, khi dùng bữa thì rửa tay, vì chỉ ăn bốc nên vết dính trên tay không có nước không rửa được. Uống rượu thì dùng chén thiếc, đong được chừng ba bốn chén thường, tên là “cáp” (). Rót rượu thì dùng bình thiếc, người nghèo chỉ dùng bình gốm. Nếu là phủ đệ hay nhà giàu thì dùng bình bạc, có nơi dùng bình vàng. Quốc chúa hay dùng vàng làm đồ dùng, kiểu cách hình dáng càng khác biệt nữa.

 

Bày chiếu manh Minh Châu ngồi dưới đất, có khi dùng da hổ báo hươu nai hoặc chiếu mây. Gần đây mới dùng ghế thấp, cao chừng một thước. Khi ngủ dùng chiếu tre nằm dưới đất. Gần đây lại dùng giường thấp, thường đều do người Đường chế tác. Ban đêm có nhiều muỗi, nên cũng dùng màn vải. Trong cung của quốc chúa dùng màn lụa thêu kim tuyến, đều do thuyền buôn biếu cho. Không xay thóc, chỉ giã bằng chày.

 

Xe, võng

 

Cách làm võng: Dùng một khúc gỗ cong ở giữa, hai đầu dựng đứng, điêu khắc hoa văn, khảm bằng vàng bạc, đấy là kiệu cán vàng, cán bạc vậy. Cách mỗi đầu một thước đóng một cái móc, dùng một tấm vải lớn nhiều lớp buộc bằng dây thừng vào móc ở hai đầu. Người ta nằm trong tấm vải, dùng hai người khiêng đi. Bên ngoài võng lại đính một thứ giống như cánh buồm thuyền nhưng rộng hơn, trang trí tua rua ngũ sắc, bốn người vác đi theo võng. Nếu đi gần cũng có khi cưỡi voi, cưỡi ngựa, cũng có khi dùng xe. Cách đóng xe cũng giống như những nơi khác. Ngựa không thắng yên, voi thì có bành để ngồi.

 

Thuyền bè

 

Thuyền lớn đóng bằng ván gỗ cứng. Thợ không có cưa, chỉ dùng búa tạc gỗ thành ván, vừa phí gỗ vừa phí công, thật vụng về. Phàm cắt gỗ thành khúc cũng chỉ đục khoét cho đứt, xây nhà cũng vậy. Thuyền cũng dùng đinh sắt, bên trên lợp mái bằng lá dừa, rồi dùng ván gỗ cau đè lên. Thuyền ấy tên là “tân-nã” (新拿) dùng mái chèo, phết bằng dầu cá, trát vữa bằng đá vôi. Thuyền nhỏ chỉ dùng một khúc gỗ lớn tạc thành hình cái máng, hun lửa cho mềm, khung làm bằng gỗ; đáy thuyền lớn, hai đầu nhọn, không có buồm, chở được mấy người, chỉ dùng mái chèo, tên là bị-lan (皮闌).

 

Thuộc quận

 

Có hơn 90 thuộc quận, gồm Chân Bồ, Tra Nam, Ba Giản, Mạc Lương(莫良), Bát Tiết(八薛), Bồ Mãi(蒲買), Trĩ Côn (雉棍), Mộc Tân Ba (木津波), Lại Cảm Khanh (賴敢坑), Bát Tư Lí (八廝里), còn lại không chép hết được. Mỗi nơi đều đặt quan thuộc, dùng hàng rào gỗ làm thành.

 

Thôn xóm

 

Cứ một thôn lại có chùa hoặc tháp. Nhà dân rất đông đúc. Cũng có quan trấn thủ, tên là “mãi-tiết” (買節). Trên đường lớn có chỗ nghỉ chân tránh hổ, giống như bưu đình [29], tên là “sâm-mộc” (森木). Vì nhiều lần dấy binh với người Xiêm, nên đều thành đất hoang.

 

Lấy mật

 

Trước kia, vào tháng tám người ta lấy mật, vì chúa Chiêm Thành hằng năm đòi một hũ mật người, cần hơn nghìn quả mật. Đêm đến khắp nơi lệnh người vào thành và thôn xóm, gặp ai đi đường ban đêm thì lấy thòng lọng trói đầu, dùng dao nhỏ mổ sườn bên phải lấy mật. Đợi khi đủ, sẽ đem nộp cho chúa Chiêm Thành. Chỉ có người Đường không bị lấy mật, vì có một năm lấy một quả mật người Đường bỏ lẫn vào trong hũ thì khiến cho mật trong hũ đều thối rữa không dùng được. Gần đây đã bỏ việc lấy mật, đặt riêng một quan lấy mật, sống ở gần cửa bắc.

 

Chuyện lạ

 

Chỗ cửa đông thành có người Man gian dâm với em gái, da thịt dính vào nhau không gỡ ra được, sau ba ngày không ăn được nên đều chết. Có người họ Tiết quê ta sống ở đất Phiên 35 năm, bảo rằng từng hai lần thấy chuyện ấy. Vì thánh phật nước này linh thiêng, nên mới như thế.

 

Tắm rửa

 

Đất này nóng bức, nên hằng ngày không tắm mấy lần thì không chịu được, ban đêm cũng phải tắm hai ba lần. Không có nhà tắm hay thùng chậu, mỗi nhà chỉ có một cái ao, bằng không thì cũng hai ba nhà chung một ao. Bất kể trai gái đều trần truồng xuống ao. Cha mẹ và người cao tuổi xuống ao thì con cái, trẻ em không dám xuống. Có khi trẻ con xuống ao trước, thì người già cũng tránh xuống mà đợi chúng lên. Còn như ngang hàng thì không câu nệ gì, chỉ dùng tay trái che chỗ kín rồi xuống nước mà thôi. Cứ ba bốn hoặc năm sáu ngày, đàn bà trong thành tụm ba tụm năm đi ra sông ngoài thành tắm rửa, đến ven sông thì cởi vải che mình rồi xuống nước. Số tụ họp ở sông đông đến mấy nghìn người, dù là đàn bà phủ đệ cũng tham dự, không lấy làm hổ thẹn. Từ gót chân đến đỉnh đầu đều nhìn rõ được hết. Sông lớn ngoài thành không ngày nào không có người. Người Đường lúc rảnh rỗi ra xem làm trò vui. Nghe nói cũng có kẻ làm tình dưới sông. Nước thường ấm như nước sôi, chỉ vào canh năm mới hơi lạnh, khi mặt trời mọc lại ấm.

 

Lưu ngụ

 

Người Đường làm thủy thủ, thấy nước này không mặc áo quần, lại dễ kiếm cơm gạo, dễ kiếm đàn bà, dễ mua nhà cửa, dễ sắm đồ đạc, dễ làm việc mua bán, nên đều thường lảng vảng đến đây.

 

Quân mã

 

Quân lính cũng trần truồng, đi chân đất, tay phải cầm lao, tay trái cầm khiên chiến, chẳng có thứ gì đáng gọi là cung tên, máy bắn đá hay giáp trụ. Nghe đồn khi đánh nhau với người Xiêm đều lùa bách tính đi đánh, cũng không có kẻ trí lược hoạch mưu.

 

Quốc chúa ra vào

 

Nghe nói quốc chúa đời trước [khi đi lại] chưa từng để lại dấu bánh xe, vì đề phòng có biến bất trắc. Chúa mới là con rể quốc chúa cũ, vốn nhờ cầm quân mà được nhận chức. Khi cha chết, con gái bí mật đem gươm vàng trao cho chồng, vì thế con ruột không được thừa kế. [Đứa con ruột] từng mưu khởi binh nhưng bị chúa mới phát giác, chặt ngón chân rồi an trí ở phòng kín. Chúa mới thân cứng như sắt, sai người chém đao, bắn tên vào mình cũng không hề gì, nên nhờ thế mới dám ra ngoài. Ta lưu ngụ hơn một năm, thấy hắn ra ngoài bốn năm lần. Hễ lúc ra thì các quân đi trước, cờ xí trống nhạc kéo theo sau. Ba trăm đến năm trăm cung nữ mặc áo hoa, cài hoa trên búi tóc, tay cầm đuốc lớn, tự hợp thành một đội, dù là ban ngày cũng thắp đuốc. Lại có cung nữ cầm đồ vàng bạc và đồ chạm hoa văn trong cung, kiểu cách đều khác biệt, không biết là dùng làm gì. Lại có cung nữ cầm lao và khiên làm nội binh, cũng hợp thành một đội. Lại có xe dê kéo, xe hươu kéo, xe ngựa kéo, đều khảm vàng. Các thần liêu, quốc thích đều cưỡi ngựa đi trước, trông từ xa thì tán lọng đỏ nhiều không đếm xuể. Thứ nữa là thê thiếp của quốc chúa, có người ngồi võng, có người đi xe, với hơn trăm chiếc lọng tán thếp vàng. Phía sau là quốc chúa, đứng trên voi, tay cầm gươm vàng, ngà voi cũng bịt vàng. Có hơn 20 chiếc lọng tán trắng dát vàng, cán lọng đều làm bằng vàng. Xung quanh có rất nhiều voi chen chúc, lại có người, ngựa hộ vệ. Nếu đi đến nơi gần chỉ dùng võng vàng, đều do cung nữ khiêng. Có việc ra vào lớn thì đều rước tượng Phật vàng ở tháp vàng nhỏ đến trước cung, người xem đều phải quỳ xuống đất hành lễ, gọi làm “tam-bãi” (三罷), bằng không thì sẽ bị quan bắt, không biết bao giờ mới thả.

 

Hằng ngày quốc chúa lên nha trị sự, cũng không có ghi chép. Phàm bề tôi và bách tích muốn gặp quốc chúa đều ngồi dưới dất để đợi, chốc lát sau nghe trong cung có tiếng nhạc văng vẳng thì bên ngoài mới thổi tù và mời vào. Nghe nói chỉ dùng xe vàng, vì đi vào hơi xa. Đợi một lát thì thấy hai cung nữ dùng tay kéo rèm ra, rồi quốc chúa cầm kiếm đứng giữa khung cửa vàng. Từ thần liêu trở xuống đều chắp tay khấu đầu, tiếng tù và dứt mới được ngẩng đầu. Tùy tùng của quốc chúa cũng đến ngồi. Nghe nói chỗ ngồi có một tấm da sư tử, là vật báu truyền quốc. Nói chuyện xong rồi, quốc chúa lập tức trở vào, hai cung nữ lại rủ rèm xuống, mọi người đều đứng dậy. Xem qua việc ấy, thì dù là nước Man Mạch nhưng cũng biết là có vua vậy.

 

***

 

Chú thích

1. Cam Bột Trí: Phiên âm từ tiếng Khmer “Kampuchea”.

2. Thánh triều: Chỉ nhà Nguyên.

3. Tây Phiên: “Phiên” là một trong những tên gọi chung dành cho người nước ngoài ở Trung Hoa xưa. Tây Phiên tức các nước nằm về phía tây Trung Quốc.

4. La bàn truyền thống của người Trung Quốc sử dụng Bát quái và Can chi để đặt cho các phương hướng. Hướng Đinh Mùi tức hướng nam-tây nam.

5. Mân, Quảng: Tức vùng Phúc Kiến và Quảng Đông ngày nay.

6. Thất Châu: Tên một vùng biển nằm ở phía đông bắc đảo Hải Nam.

7. Khôn Thân: Tức hướng tây-tây nam.

8. Phiên Ngung: Tức Quảng Châu, Quảng Đông ngày nay.

9. Chỉ cuộc xâm lược Champa từ năm 1282 đến 1285 của nhà Nguyên.

10. Minh Châu: Nay thuộc Ninh Ba, Chiết Giang.

11. Tứ Minh: Tên núi, thuộc Ninh Ba, Chiết Giang.

12. Thạch tướng quân: Chỉ chung các pho tượng đá tạc hình tướng soái ở Trung Quốc.

13. Nữ tường: Phần tường bao trên mặt thành trì, đóng vai trò phòng thủ.

14. Tẩm thất: Phòng nghỉ của vua chúa.

15. Lỗ Ban: Người nước Lỗ thời Xuân Thu, nổi tiếng nhờ tài xây dựng và thiết kế. Về sau có nhiều phát minh và công trình được gán với tên tuổi của ông, cho dù sai lệch về niên đại trên thực tế.

16. Kim Cương: Tức Kim Cương Hộ Pháp, hai vị thần bảo hộ trong quan niệm Phật giáo, thường được tạc tượng trước cổng đền chùa.

17. Người Đường: Chỉ người Trung Hoa lưu ngụ ở nước ngoài lúc bấy giờ.

18. Tư thiên: Tức là chức trông coi thiên văn.

19. Tư lại: Còn gọi là thư lại, là chức phụ tá giúp đỡ công việc giấy tờ cho quan trên.

20. Tam giáo: Nghĩa gốc chỉ Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Trong ngữ cảnh này, mặc dù Nho giáo và Đạo giáo Trung Quốc không hiện diện Campuchia, nhưng tác giả đã mượn những từ “nho”, “đạo” để chỉ tầng lớp trí thức và brahmin (bà-la-môn) bản xứ.

21. Cung quán: Nghĩa gốc chỉ nơi thờ tự của Đạo giáo. Ở đây chỉ các đền thờ Hindu giáo.

22. Mãi Thần: Tức Chu Mãi Thần, người thời Hán. Theo sự tích, Mãi Thần vì nghèo khó mà bị vợ bỏ.

23. Chữ Hồi Cốt: Ở đây chỉ chung những hệ thống chữ viết của các sắc dân Trung Á và Tây Á.

24. Khai, bế, kiến, trừ: Là các yếu tố trong Thập nhị kiến trừ, một cách phân định ngày tháng trong quan niệm Trung Hoa.

25. Đại phong tử du: Tên một loài thực vật, tên khoa học là Hydnocarpus wightianus.

26. Tức từ khoảng sáng sớm đến giữa trưa.

27. Tinh tinh: Nguyên gốc chỉ một loài linh trưởng ở miền nam Trung Quốc. Đến thời hiện đại mới được tái sử dụng để chỉ loài chimpanzee ở châu Phi.

28. Không rõ là thứ gì.

29. Bưu đình: Là nơi nghỉ chân cho người đi đưa công văn ở Trung Hoa xưa.

***

 

Phụ lục: Từ vựng Khmer được kí âm trong tác phẩm

 

Chữ Hán kí âm

Phát âm Hán-Việt

Từ vựng Khmer tương ứng

Nghĩa

mai

មួយ។ (muoy)

một

biệt

ពីរ (pir)

hai

បី (bei)

ba

ban

បួន (buon)

bốn

孛藍

bột lam

ប្រាំ (bram)

năm

孛藍梅

bột lam mai

ប្រាំមួយ។ (bramuoy)

sáu

孛藍别

bột lam biệt

ប្រាំពីរ (brapir)

bảy

孛藍卑

bột lam bì

ប្រាំបី (brabei)

tám

孛藍般

bột lam ban

ប្រាំបួន (brabuon)

chín

đáp

ដប់ (dab)

mười

巴駞

ba đà

ប៉ា (ba)

cha, chú, bác; ông chủ

mễ

ម៉ាក់ (meak)

mẹ, cô, dì, thím; bà chủ; phụ nữ lớn tuổi

bang

បង (baang)

anh, chị

補溫

bổ ôn

ប្អូន (baaun)

em

吃賴

cật lại

?

cậu, dượng, anh rể, em rể

班詰

ban cật

?

người có học

苧姑

ninh cô

?

nhà sư

八思惟

bát tư duy

?

thầy cúng

巴丁

暗丁

ba đinh

ám đinh

?

lọng của quan lớn; quan lớn

廝辣的

tư lạt đích

?

lọng của dân thường

買節

mãi tiết

?

quan cai trị ở địa phương

陳家蘭

trần gia lan

?

thị nữ trong cung vua

孛賴

bột lại

?

tượng Phật

南棚

nam bành

?

phủ đệ

森木

sâm mộc

?

chỗ nghỉ chân dọc đường

新拿

tân nã

?

thuyền lớn

皮闌

bì lan

?

thuyền độc mộc

cáp

កែវ (kaev)

chén uống rượu

thoa

?

viên phấn

挨藍

ai lam

រាំ (roam)

múa

三罷

tam bãi

?

quỳ lạy

卜賽

bốc trại

?

ngựa

man

មាន់ (mean)

直盧

trực lư

ជ្រូក (chrouk)

lợn

កា (kaa)

tiền tố dùng trong tên các loài cá

包稜角

bao lăng giác

?

gạo

朋牙四

bằng nha tứ

?

tên một loại lá cây

暗丁八殺

ám đinh bát sát

?

người không hiểu thể lệ

佳得

giai đắc

?

tháng đầu năm

壓獵

áp lạp

?

một ngày lễ vào tháng chín âm lịch

陣毯

trần thảm

?

lễ phá trinh trẻ em gái

Chàng

?

một sắc dân miền núi

備世

Bị Thế

?

Trung Hoa

 

(Dịch thuật và chú thích: Quốc Bảo)

Comments