An Nam tức sự

 

AN NAM TỨC SỰ

 

- Tác giả: Trần Phu

- Niên đại: cuối thế kỉ XIII-đầu thế kỉ XV

 

***

 

Thánh đức thiên vô ngoại, ân quang chúc hải ngu,

Toại ban Nam Việt chiếu, tải mệnh bắc môn nhu.

Vạn lý thu trì tiết, thiên quân dạ chấp thù,

Tiền thu nghiêm nỗ thi, hậu thoán ủng tiềm tô.

Quyến bỉ Giao Châu vực, sợ vị Hán thị khu,

Lâu thuyền trưng ký khắc, Trưng Trắc bạn hoàn tru.

Ngũ Đại đồi vương nữu, chư phương liệt bá đồ,

Toại lệnh phong khí cách, đốn giác bảng chương thù.

Đinh Liễn tiền xương quyết, Lê Hoàn hậu ký du,

Nhất triều Trần nghiệp cấu, bát diệp Lý tông tồ.

(Dịch:

Đức thánh nhân tỏa khắp bầu trời, ánh sáng ân huệ soi rọi góc biển,

Thế nên ban chiếu xuống Nam Việt, giao mệnh cho nhà Nho ở cửa bắc.

Cầm cờ tiết vượt qua vạn dặm, nghìn quân bắt giặc thù trong đêm,

Trước kia giữ nghiêm tên nỏ, về sau ôm ấp kẻ đốn củi hái rau.

Khi lâu thuyền đến đánh dẹp, kẻ làm phản là Trưng Trắc bị giết.

Thời Ngũ Đại ngôi vua sụt lở, khắp các phương mưu đồ nghiệp bá,

Vì bị mưa gió ngăn cách, nên [An Nam] liền đổi theo tục khác.

Đinh Liễn trước ngang ngược, Lê Hoàn sau tham lam,

Một triều Trần dấy nghiệp, tám đời họ Lý mất cả.)

 

***


 

An Nam vốn là Giao Châu thời Hán. Thời Đường lập Đô hộ phủ. Thời Minh Trinh nhà Lương, thổ hào Khúc Thừa Mĩ chiếm cứ đất này. Dương Diên Nghệ [1], Thiệu Hồng [2], Ngô Xương Ngập, Xương Văn tranh nhau nối tiếp. Đầu thời Càn Đức nhà Tống (963-968), con trai của Đinh Công Trứ là Bộ Lĩnh lập, rồi truyền ngôi cho con là Liễn. Đại tướng Lê Hoàn cướp ngôi, rồi con trai Hoàn là Chí Trung [3] lại bị Lý Công Uẩn soán. Công Uẩn, Đức Chính, Nhật Tôn, Càn Đức, Dương Hoán, Thiên Tộ, Long Cán, Hạo Sảm, truyền được tám đời. Đến năm Ất Dậu thời Gia Định nhà Tống (1225) thì họ Trần đoạt nước.

 

Họ Trần vốn người Mân [4]. Có tên Trần Kinh (ngụy thụy là Văn vương) làm rể họ Lý. Gặp lúc Long Cán già nua, không màn chính sự, Kinh cùng em trai là Bản (ngụy thụy là Khang vương) trộm quyền bính trong nước. Hạo Sảm non nớt, con trai [của Kinh] là Thừa soán lập, tiếm hiệu Thái thượng hoàng, rồi chết [5]. Con trai hắn là Quang Bính lập (tên trong sử Tống là Uy Hoảng), dâng biểu nội phụ, được quốc triều [6] phong làm An Nam quốc vương, rồi chết. Con trai là Nhật Huyên lập [7] (tên trong sử Tống là Chiếu), rồi chết. Nay Nhật Tôn [8] lãnh đạo dân chúng, do đó có được nước đã 69 năm.

 

***

 

  Tục dưới rất sơ sài, không lễ nhạc Trung Hoa

 

Húy ngờ vực họ Nguyễn, ban chế tiếm xưng “cô”

Quốc húy là chữ “Lý”, người họ Lý đều đổi thành Nguyễn. Chép văn làm chữ không thành, lấy cớ cha chết nên tự xưng “cô tử” [9], biểu sớ thư từ và đối đáp với quần thần đều vậy.

 

Tông miếu chẳng tế tự, hôn nhân đều trong tộc

Tuy có tẩm miếu nhưng không làm lễ tế tự hằng năm, chỉ có cúng Phật là tối kính cẩn. Nam nữ quốc tộc kết hôn với người cùng họ, sánh đôi lẫn nhau, chỉ theo tuổi mà không theo thứ bậc. Vợ của tù trưởng [10] hiện nay là con gái của chú mình Hưng Đạo [11]. Vì cướp nước từ họ Lý nên mới cảnh giác vậy.

 

Sang hèn hai chân đất, già trẻ một đầu tròn

Người dân đều đi chân trần, ngoài ra còn mang giày da, đến điện liền bỏ ra. Khi làm lễ tế giao, trăm người mặc bào cầm hốt mà đều đi chân trần thôi. Đàn ông đều cắt tóc, làm quan thì lấy khăn xanh phủ lên. Dân đều như nhà sư vậy.

 

Leo trèo giỏi hơn hươu, bơi lội nhanh tựa vịt

Da chân rất dày, leo núi như bay, gai góc đều không sợ. Cha con, trai gái tắm chung một sông, đông hè đều vậy. Nước tốt, có dòng chảy ngầm mấy trăm dặm.

 

Mũ lụa xanh đính móc, áo là đen cổ cong

Khăn màu xanh đậm, làm từ lụa nhuộm, quấn quanh trán bằng dây sắt, phía trước cao 1 thước, rồi cong xuống cổ, dùng dây đai buộc ngược ra phía sau. Trên đỉnh có móc sắt, người có chức vụ thì thêm dây đai ở trên móc. Ở nhà để tóc xõa, gặp khách mới vấn khăn, đi xa thì có một người bưng khăn đi theo. Chỉ có tù trưởng búi tóc bằng vải là nhuộm thâm, nhìn xa trông như mũ luân cân của Đạo gia, nhưng mở rộng hơn, hai bên buông rũ xuống. Cả nước đều mặc đồ đen, áo thâm bốn vạt, cổ tròn, làm bằng vải là. Đàn bà cũng mặc đồ đen, song áo trong màu trắng, mở rộng ra đường viền, cổ áo rộng 4 tấc, coi đấy là lạ. Màu xanh, đỏ, vàng, tía tuyệt nhiên không có.

 

Nói như én trước sân, đi như quạ trên mái

Ngữ âm kì lạ, gọi thiên là “bột vị”, địa là “đát”, nhật là “phù bột mạt”, nguyệt là “bột văn”, phong là “giáo”, vân là “mai”, sơn là “oát ôi”, thủy là “lược”, nhãn là “mạt”, khẩu là “mãnh”, phụ là “tra”, mẫu là “na”, nam tử là “can đa”, nữ tử là “can cái”, phu là “trùng”, phụ là “đà bị”, hảo là “lãnh”, bất hảo là “trương lãnh”, đại loại như vậy [12]. Âm thanh gấp mà bổng, đại để tựa tiếng chim. Đi đứng nhẹ nhàng, qua lại như gió, một màu đen đậm như muôn con quạ.

 

Để nha lợn nằm ngửa, la ngã cáo cong tay

Người khiêng kiệu dùng một tấm vải dài hơn 1 thước, dùng hai cây gỗ tròn đều dài 5 tấc, buộc vải vào hai đầu, sửa cho dây thừng thiết vào cây gỗ, bên trên dùng cây tre lớn xuyên dây thừng qua, hai người vác. Người nằm trong ấy giống như vác dê lợn vậy, tên là “để nha” [13]. Kẻ quyền quý thì dùng gấm lụa, thanh đòn sơn đen, bên trên phủ tấm mái bằng giấy sơn đen. Mái cao khoảng 4 thước, đỉnh nhọn mà vành rộng. Vành rộng chừng 4 tấc, có mưa liền trương ra, tạnh thì cất đi mà dùng lọng. Tù trưởng ra vào dùng kiệu cán đỏ màn son, tám người khiêng, rất diễm lệ. Trên lưng voi đặt yên cương, chỗ ngồi tên là “la ngã” [14], người ngồi trên ấy tay cong như cáo.

 

Chùa Thiên Linh quê lậu, châu Vạn Kiếp ngu si

Sứ giả trú ở phủ Thái sư, bên trái có cái chùa nhỏ tên Thiên Khởi Thiên Linh. Trước chùa có bia, làm năm Kiến Trung thứ 8 Nhâm Thìn (1234). Khi ông nội [của tù trưởng] tiếm hiệu, làm chùa để truy điệu cho mẹ mình Lý thị được hưởng phúc ở cõi âm. Lý thị mang ngụy thụy là Từ Thuận thái hậu, là con gái của Long Cán [15]. Ngụy Hưng Đạo vương chiếm cứ phủ Vạn Kiếp, tức là châu Lãng thời Đường. Mã Viện trú binh ở đất Tây Lý [châu] Lãng. Rất trọng Phật, nên đặt tên châu là “Vạn Kiếp”.

 

Sênh tiêu vây đào xấu, rượu thịt cúng thần dâm

Từng mở yến tiệc ở điện Tập Hiền, nam bè nữ xướng mỗi bên mười người, ngồi cả dưới đất. Có các thứ đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn một dây. Lời hát hòa lẫn với tiếng đàn, khi hát trước hết đệm tiếng “lôn” ở cuối. Dưới điện cắm con rối trên đầu gậy để biểu diễn. Lại có kẻ mặc khố gấm, cởi trần thân trên, nhảy nhót kêu la. Phụ nữ để chân trần, xòe mười ngón chân ra mà múa, xấu xí vô kể. Trước cửa nhà dân đều có miếu nhỏ, thần ở đấy gọi là “Mã đại nhân”, khắc tượng gỗ tục tĩu không ra danh trạng gì. Ngày mồng một thì bày ở đình, già trẻ xúm vào lạy.

 

Quốc úy che mâm xanh, lính canh khua gậy lớn

Gánh vác nước gồm hai người, chú [của tù trưởng] là ngụy Thái sư Trần Khải [16], em trai là ngụy Thái úy Trần Diệp [17]. Việc nước lớn nhỏ Diệp và Khải đều chuyên trách. Mỗi khi đến trước cửa điện, hai người đều cầm tấm gỗ lớn, tròn như gương, màu xanh, rộng 6 thước, bên trên vẽ mặt trời, mặt trăng, Bắc Đẩu, 28 vì sao, ý nói là tự che chở. Mỗi châu huyện đều có quan gọi là “tướng tưu”, lo việc tuần tra, kiêm lĩnh binh sĩ. Có việc gấp thì lùa hết đinh tráng đi, khí giới đều tự chuẩn bị, không có cung tên, chỉ cầm nỏ thuốc và lao, cũng có kẻ mang gậy lớn.

 

Duyệt điều giữ ngục tụng, Minh tự nắm cơ xu

Quan lại từ Tư úy trở xuống có Kiểm pháp, Minh tự, đều là quan chấp chính, nay bọn Đinh Công Văn, Đỗ Quốc Khí, Lê Khắc Phục làm chức ấy. Thứ nữa có Thượng thư, Á khanh, Hàn lâm phụng chỉ, Phán thủ tam ty. Lại có chức Duyệt điều cầm nắm pháp lệnh, hình ngục. Trong tộc có Chiêu Minh, Hưng Đạo, Chiêu Hoài, Chiêu Văn, Tá Thiên, đều tiếm vương hiệu. Ngày mồng 4 tháng giêng, mổ trâu đãi quan thuộc. Lấy ngày 15 tháng 7 làm đại tiết, nhà nhà tặng quà nhau, các quan đều đem một người [nô tì] hiến tù trưởng; ngày 16 mở yến tiệc đáp lễ.

 

Quan trung khách lê lết, tọa thượng nô rối bời

Nô tì đều xăm trán. Viết chữ “quan trung khách” [18] tức là quan nô [19], viết “tọa thượng nô” [20] tức được hầu bên tả hữu tù trưởng, còn lại đều để trống.

 

Phép nước Trung tán xét, thuế ấp Đại liêu thu

Đặt chức Ngự sử trung tán, tức là Trung thừa. Hình pháp rất khốc liệt. Trộm cắp và bỏ trốn đều bị chặt ngón tay ngón chân, người ấy cũng cam tâm; hoặc là cho voi giày chết đi. Trong nước có lầu đặt chuông lớn, dân tố việc thì gõ chuông. Các châu đặt chức An phủ, Thông phán, huyện có Đại liêu. Thu góp nặng nề, cá tôm rau quả phải sung góp hết, đều do Đại liêu làm chủ.

 

Quan đánh thuế trầu cau, dân nộp tô an tức

Sản xuất rất nhiều cau, đánh thuế cũng nặng, chuyên lập quan để thu. Cây an tức lấy nhựa và lá vo thành nắm nhỏ, to mấy tấc, tô lợi hằng năm rất nặng, nhưng không khác gì loại an tức ở Tây Vực.

 

Vàng bạc tội chẳng thoát, lọng tía luật khó cho

Vàng bạc trong dân gian dù ít hay nhiều đều trưng thu về cho quan, có ai dùng riêng thì đáng tội chết. Phẩm quan trên dưới lấy lọng làm thứ phân biệt. Khanh tướng thì dùng ba chiếc lọng màu xanh, thứ đến hai lọng, một lọng, còn lọng màu tía chỉ người thân tộc dùng, kẻ khác không dám dùng.

 

Cầu An Hóa cao ngất, gác Minh Linh vời vợi

Từ sứ quán đi 60 lí qua cầu An Hóa, lại đi 1 lí đến phía bắc cầu Thanh Hóa, phía trên làm 19 gian nhà. Đến nơi ở của tù trưởng, trước cửa viết “Dương Minh môn”, bên trên có gác viết “Triều Thiên các”, cửa nhỏ bên trái viết “Nhật Tân môn”, cửa nhỏ bên phải viết “Vân Hội môn”. Giếng trời ở trong cửa rộng mấy chục thước, lên xuống bằng bậc thềm. Biển trên gác viết “Tập Hiền điện”, trên có gác lớn viết “Minh Linh các”, cửa trái viết “Đồng Lạc môn”, cửa phải viết “Kiều Ứng môn”, biển đều viết chữ vàng.

 

Khúc ca thán thời thế, nhạc tấu “Nhập hoàng đô”

Hơn mười người đàn ông đều cởi trần thân trên, nắm tay dẫm chân, đi vòng quanh mà hát hồi lâu. Khi một người giơ tay thì mười người đều giơ tay, khi hạ tay cũng vậy. Lời ca có các khúc “Trang Chu mộng điệp”, “Bạch Lạc Thiên Mẫu biệt tử”, “Vy sinh ngọc tiêu”, “Đạp ca”, “Hạo ca”. Chỉ có hát than vãn thời thế là nghe đau buồn nhất, nhưng không hiểu được. Khi mở yến tiệc trên điện, đại nhạc liền tấu ở sau nhà vu, nhạc khí và người đều không thấy đâu. Mỗi khi rót rượu liền hô lớn “nhạc tấu mỗ khúc”, dưới nhà vu vâng dạ rồi tấu. Các khúc nhạc gồm “Giáng hoàng long”, “Nhập hoàng đô”, “Yến dao trì”, “Nhất giang phong”, âm điệu cũng gần cổ xưa, song ngắn ngủi.

 

Nhụy hoa rồng xuyên tường, trầu không chẳng rời chén

Lấy nhụy hoa rồng hòa với dầu an tức hương, vò thành thỏi như cây đũa, dài chừng một thước, cắm trên tường, cả ngày không hết thơm, hương thơm ngạt ngào. Người Mân, Quảng đều ăn cau khô, lấy lá trầu hòa với đá tro. Người Giao chỉ ăn cau mềm, lấy mầm mới hái, dùng hai tấc lá trầu, thoa tro của kén sâu lên mà ăn. Người quyền quý dùng hộp màu vàng bạc, dắt theo đứa hầu không khi nào rời tả hữu, cả ngày nhai không ngừng nghỉ.

 

Đồi mồi cài tóc ngắn, sâu bọ khắc da dày

Phụ nữ cắt tóc ngắn, giữ lại ba tấc cột trên đỉnh đầu, cong ra sau, lại buộc thành hình cây bút. Không để tóc mai sau, cũng không bôi dầu, gội đầu hay đeo khuyên tai. Người giàu xỏ tai bằng đồi mồi hay bằng xương, sừng mà thôi, một tí vàng ngọc cũng không có. Người ta đều xăm mình, dùng móc câu cong mà xăm, giống như khắc chữ trên lư đỉnh đồng thời xưa. Lại xăm chữ đen trên ngực, viết “nghĩa dĩ quyên khu, hình ư báo quốc” [21], dù đã có con cháu cũng vậy.

 

Mọi nhà đều đục lỗ, không giường nào thiếu lò

Trong nhà không làm gác, từ nóc ra tới hiên mái dốc thẳng xuống. Nóc tuy cao nhưng mái hiên chỉ gần bốn năm thước, lại có chỗ thấp nên đều tối tăm. Làm cửa sổ ở sát đất, giống như lỗ chó vậy. Người ta trải chiếu ngồi đất, quay về hướng sáng. Một bên giường ngủ luôn có lò than cháy, trời nóng cũng vậy, để xua đi khí ẩm thấp.

 

Thuyền Tinh Hoa họp chợ, sông Hoa Phúc chia khu

Phủ Tinh Hoa tức châu Hoan thời Đường, cách thành Giao Châu hơn 200 lí. Thuyền bè các nước Phiên hải ngoại tụ tập, họp chợ trên thuyền rất đông, tổ miếu và của cải của chú tù trưởng là Chiêu Văn đều ở đây, thực là một trấn lớn. Giao Châu không có thành quách, chỉ có tường đất thấp bé mà thôi. Phía tây có châu Hoa Phúc, nước vây quanh, phía trước có bốn cây cầu Mạc Kiều, Tây Dương, Ma Đà, Lão Biên dùng để ra vào.

 

Núi đột ngột chia Lạp, sóng mênh mông đổ Lô

Nước này bốn bề đều là núi, trong cõi chỉ có các núi Ký Lang, Bảo Đài, Phật Tích, Mã Yên là cao. Huyện Thiện Nhữ phía tây nam có núi Xích Thổ, cao vạn thước đến tận trời, kéo dài hàng trăm dặm… [22] Đi bè qua sông Nam Phan rồi đi tiếp 40 lí là đến sông Phú Lương, nước chảy xiết, không rộng lắm. Phía nam sông tên là Chợ Cầu, cư dân rất đông. Lại đi tiếp 40 lí là đến sông Quy Hóa, còn gọi là sông Lô, rộng như các sông Mạc, Ngạc. Sông này từ phía tây Đại Lý chảy xuống, đông nam đổ ra biển, tức là hạ lưu sông Lô mà Gia Cát Vũ hầu từng qua [23]. Có bốn bến thuyền, thủy triều bất thường.

 

Cửa Thử rừng chen chúc, ải Lang núi quanh co

Đi về phía đông nam Khâu Ôn mấy chục lí, trèo đèo vượt núi. Đi về hướng tây nam, ở giữa hai núi nơi nào thấy tre lá vàng thì là rừng sâu tươi tốt. Sông rộng không quá mấy thước, nhưng quanh co trăm lần, có chỗ phải lội trăm bước, có chỗ phải lội nửa . Đi tiếp 60, 70 lí lại phải vượt một dãy núi. Ven đường đều là rừng cổ xum xuê, có tảng đá lớn trồi ra, bụi tre rậm rạp, rất hiểm trở, tên là Lão Thử quan. Đi về hướng tây có đỉnh núi trải dài miên man không ngớt, gọi là núi Ký Lang. Sườn núi xanh thẳm, cây lạ chen chúc, chim vẹt chim công bay hót cùng nhau, khỉ vượn vô số. Đi tiếp 30 lí là đến Lạt Trúc quan. Bên dưới có lính canh giữ, trên cửa quan hai sườn núi giao nhau, gần với đường ngựa chạy. Tre lớn đều chu vi hai thước, trên thân có gai sắc. Đây có lẽ là đất khống ách của nước này.

 

Miếu Sĩ Tiếp vẫn còn, tháp Cao Biền chưa hoang

Sĩ Tiếp thời Ngô là người quận Thương Ngô. Anh em bốn người, một làm Hợp Phố Thái thú, một làm ở Cửu Chân, một làm ở Nam Hải. Sĩ Tiếp làm Giao Chỉ Thái thú, chính trị sáng suốt, khi chết táng ở đây, thổ nhân thờ cúng rất kính cẩn. Cao Biền bình định xong Giao Châu bèn lập tháp đá ở bên trái chợ Thượng Kiều bên sông Phú Lương, vẫn còn sừng sững.

 

Thuyền sắt bóng còn thấy, cột đồng vết đất khô

Mã Viện khi đánh dẹp Trưng Trắc đóng thuyền sắt, bốn chiếc chìm ở biển, nay khi nước trong vẫn thấy được bóng. Cột đồng do Viện dựng phô ra ở đất khô, khắc chữ rằng: “Đồng trụ chiết, Giao nhân diệt [24]. Nay Trần Nhật Huyên lấy đất lấp đi, bên trên thấy có miếu Phục Ba [25].

 

Xóm chợ bày nhiều sạp, chân núi hay đổi đường

Thôn xóm có chợ phiên, mỗi mồng 2 họp một lần, bách hóa tràn đầy. Đi 5 lí thì thấy ngôi nhà ba gian, bốn mặt dựng sạp, hẳn là chỗ họp chợ. Khi sứ thần đến thì nước này không cho đi lại lối cũ, đều xẻ núi mở đường, lặn lội lòng vòng, ý là tỏ rõ xa xôi hiểm trở vậy.

 

Nghìn thuyền đậu đất mặn, bốn mùa gạo đong đầy

Trong nước không tích trữ, chỉ cậy vào thuyền bè buôn bán. Lúa hằng năm chín bốn lần (?), dù giữa đông mạ vẫn tươi tốt.

 

Dâu vườn ươm ngắn ngủn, tre ngã tư um tùm

Cây dâu trồng hằng năm để cho tằm ăn, mỗi nhà ba bốn mẫu, quấn quanh giàn tre. Tre gai cây to đường kính bảy tám tấc, gai cứng như sắt, chặt ra rồi giâm liền mọc mới.

 

Chuối trâu rũ tựa kiếm, vải rồng kết như ngọc

Chuối cực lớn, mùa đông không tàn, từ trong nhú ra một chùm, có hoa nối nhau. Hoa nặng thì khô rồi rụng. Khi kết quả thì rũ xuống, một buồng có hàng chục trái, dài mấy tấc, giống như trái bồ kết. Lột vỏ ra thì mềm dẻo như trái hồng non, cực kì ngọt mát, còn gọi là chuối trâu. Vải rồng thực ra giống quả vải nhỏ, vị như long nhãn, cây và lá cũng tương tự. Hai quả này thời xưa coi là thứ quả lạ. Có quả mít, to như quả bầu, thịt kết múi như tóc Phật, vị cực ngọt, trong ruột hình mặt người, chua ngọt, hai hạt có đủ mắt mũi miệng. Lại có quả dừa, nhót, me, đều có vị lạ nhưng ăn được.

 

Chén quý ốc anh vũ, danh hương chim đa đa

Ốc anh vũ màu đỏ như đá vân mẫu, hình tựa như mỏ và cánh chim anh vũ, nên có tên ấy. Loại hương nhiều nhất là thủy trầm [25], cũng có chiên đàn, loại có đốm như lông chim đa đa được coi là quý.

 

Treo cờ vẽ hình quỷ, đánh mõ gọi binh lính

Tinh kỳ có bốn loại vàng đen xanh đỏ đủ màu, ở giữa vẽ tinh quan, thiên thần hoặc hình la sát. Khi kêu gọi bè lũ liền lấy đốt tre lớn làm mõ, gõ lên thì dù ở xa cũng nghe thấy.

 

Uống nước mũi như vò, đầu bay tựa con lăn:

Tập uống nước bằng mũi giống như trâu, dùng ống nhỏ hút rượu vào. Dân các động đầu có thể bay được, dùng hai tai làm cánh, ban đêm bay ra mép biển đớp tôm cá mà ăn, trời sáng quay về hoàn thân như cũ, song dưới cổ có sẹo như sợi chỉ đỏ [26].

 

Da trăn căng trống to, râu tôm làm gậy chống:

Loài trăn lớn quấn quanh thân cây, rất dài. [Người ta] lột da nó, cạo hết vảy, đem căng mặt trống, rộng mấy thước, chỉ dùng da lưng chứ không dùng da bụng. Đem ra nơi sáng xem thì chỗ trắng chỗ đen như tóc hoa râm, người Giao khi chơi nhạc đem đặt phía trước. Tôm lớn to như cây cột, có con râu dài bảy tám thước, người ven biển lấy làm gậy chống rất tốt.

 

Nhà nhà đều nấu rắn, lắm người biết hóa hổ

Rắn núi rắn nước đều là món ăn thường, dân gian lấy đem phơi ướp. Dân các động có yêu thuật, tụng chú tu luyện rồi biến hình thành hổ, vồ hươu nai ăn sống, nhưng không thường hay có.

 

Ngói mái hiên vảy cá, bè vượt biển đuôi chim

Ngói hình như tấm ván, bên trên nhọn bằng một nửa bên dưới, giống như ngọc khuê thời xưa. Treo ngang nửa cây tre làm khung, dùng đinh tre đóng ngói ấy lên trên khung, từ mái hiên chồng lên nhau tới nóc nhà, uốn như vẩy cá. Thuyền nhẹ mà dài, ván rất mỏng, đuôi như cánh uyên ương, hai đầu cao lên. Dùng 30 người chèo, có khi nhiều đến trăm người, lướt đi như bay.

 

Thủy nỗ ngậm cát rơi, sơn tham ở hang thô

Con “thủy nỗ” [27] còn gọi là “hàm sa xạ công”, dùng khí phun [độc] đi xa 30 bước. Khi bắn trúng bóng người chỉ thấy đỏ ngứa, phải lấy dao cắt bỏ thịt ngay nếu không sẽ chết. Đại khái độc trùng độc dược từ Quảng về nam có nhiều, người Trung Châu đến đấy không bảo hộ tốt tất sẽ bị hại. “Sơn tham” còn gọi là “sơn đô” [28], làm tổ sống trên cây lớn, hoặc sống trong hang động, một chân nhún nhảy, biết huyễn hoặc người, là loài sơn quỷ thủy quái vậy.

 

Tiếng cá sấu như sét, khí sò nhả tựa chùa

Cá sấu con lớn dài ba bốn trượng, có bốn chân, tựa như thằn lằn, đuôi màu vàng, miệng đầy răng cưa, còn tên là “hốt lôi” vì tiếng kêu như sét đánh. Hươu chạy lên bờ, nghe tiếng rống thì sợ mà gục ngã, phần lớn bị cá sấu ăn thịt. Dưới biển có nhiều cá lớn, duy cá voi là to nhất, con nhỏ cũng dài mấy chục thước, có thuyết nói nuốt được thuyền cũng không phải hư cấu vậy. Sò giữa mùa xuân hè nhả khí ngút trời, giống như lâu đài cung thất, cũng có chỗ giống cái tháp bảy tầng, người ta thi thoảng lại thấy [29].

 

***

 

Ngụ huyện thương phân trở, sinh linh khốn độc phô,

Vũ giai do vị cách, chiết giản khởi năng hô?

Đại xã sơ truyền mã, viên môn hợp thụ phu,

Tỳ hưu vy yển tập, xà thỉ ngẫu đào bô.

Thiên dĩ tồ cự ác, dân do phụng tiếm sồ,

Thế như Thuần cứ Lũng, chính dĩ Hạo vong Ngô.

Phượng trát trọng tuyên lệnh, lang tâm canh phục cô,

Hạnh năng khoan phủ chất, do tự luyến nê đồ.

Hiến tụng tôn thiên tử, đằng chương khiển đại phu,

Tượng đê ngôn khả đính, đố sách sự phi vu.

Công dục thu biên kiêu, uy tu trượng miếu mô,

Mộc huân trần thử thập, Lễ bộ tiểu thần Phu.

 

(Dịch:

Người ngụ huyện đau đớn vì cách trở, sinh linh chịu khốn khổ vì độc hại,

Múa trước thềm mà chưa ai đến [30], thẻ tre gãy biết làm sao đây [31]?

Lập xã đàn tế thần đất, ghép xe thành trại để bắt giặc.

Tỳ hưu [32] thôi nép mình một chút, rắn lợn đã bỏ trốn ngay.

Trời đã ghét bọn thủ ác, nhưng dân vẫn thờ kẻ tiếm hiệu,

Vị thế như Trần Thuần chiếm cứ Lũng [33], chính sự như Tôn Hạo sắp mất Ngô [34]

Dùng thẻ phượng [35] ban mệnh lệnh, kẻ có lòng chó sói liền nhận tội.

Ca tụng để tôn thiên tử, sai đại phu vào dâng tấu.

Quan tượng đê [36] nói là định được, sách bị mọt ăn nhưng việc vẫn còn ghi.

Muốn lập công ở nơi biên ải thì không thể đợi hoạch mưu,

Tiểu thần Lễ bộ là Phu sau khi tắm gội xin trình lên tập sách này [37].)

 

***

Chú thích

1. Dương Diên Nghệ: Tức Dương Đình Nghệ. Chữ “đình” và chữ “diên () có tự dạng gần giống nhau

2. Thiệu Hồng: Theo sử nhà Tống là một người kế tục Dương Đình Nghệ. Có thể là tên khác của Dương Tam Kha

3. Chí Trung: Tên do nhà Tống ban cho Lê Long Đĩnh.

4. Mân: Tức Phúc Kiến ngày nay.

5. Thế thứ tổ tiên các vua Trần là Trần Kinh – Trần Hấp – Trần Lý – Trần Thừa – Trần Nhật Cảnh (Thái Tông) – Trần Uy Hoảng (Thánh Tông). Ở đây tác giả kể thiếu, chỉ có ba đời, nên cũng nhầm lẫn các nhân vật với nhau.

6. Quốc triều: Chỉ nhà Nguyên.

7. Nhật Huyên: Tức Trần Nhân Tông. Các tác giả nhà Nguyên thường nhầm lẫn giữa Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông, nên cho rằng Nhật Huyên là tên của Thánh Tông.

8. Nhật Tôn: Là tên khác mà Trần Nhân Tông sử dụng.

9. Cô tử: Nghĩa đen là đứa con mồ côi, đồng thời là từ khiêm xưng mà vua chúa thời xưa sử dụng.

10. Tù trưởng: Ở đây chỉ vua Trần.

11. Tức là Bảo Thánh hoàng hậu, con gái Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, vợ của Trần Nhân Tông.

12. Xem phần phụ lục ở cuối.

13. Để nha: Tức là cái võng. Đại Việt sử ký toàn thư còn ký âm là “để nha”.

14. La ngã: Tức là bành voi. Đây là từ mượn gốc Chăm, Đại Việt sử ký toàn thư viết là “bồng la nga”.

15. Tức Hiển Từ Thuận Thiên hoàng hậu, con gái Lý Huệ Tông, vợ của Trần Liễu rồi sau là Trần Thái Tông.

16. Trần Khải: Tức Trần Quang Khải.

17. Trần Diệp: Tức Trần Đức Diệp, em trai Trần Nhân Tông.

18. Quan trung khách: Nghĩa là “khách trong nhà quan”.

19. Quan nô: Nô tì thuộc sở hữu của nhà nước.

20. Tọa thượng nô: “Nô tì được ngồi trên cao”.

21. Nghĩa dĩ quyên khu, hình ư báo quốc: “Vì nghĩa quên mình, đem thân đền nước”.

22. Nguyên văn sót một câu. Dựa theo nhan đề đoạn này thì ở đây hẳn miêu tả về một ngọn núi tên là “Lạp”.

23. Đồng trụ chiết, Giao nhân diệt: “Cột đồng gãy, người Giao diệt”.

24. Phục Ba: Tức Phục Ba tướng quân, chức vị của Mã Viện.

25. Thủy trầm: Tức là trầm hương. Loại gỗ dó có hàm lượng nhựa cao khi thả vào nước sẽ chìm, nên có tên này.

26. Đoạn này ắt hẳn dựa theo quan niệm mê tín về ma lai ở nước ta thời bấy giờ.

27. Thủy nỗ: Tên một loài côn trùng độc trong sách Trung Hoa xưa.

28. Sơn tham, sơn đô: Chỉ một loài linh trưởng, không rõ là con gì.

29. Ở đây tác giả đang miêu tả hiện tượng Fata Morgana, khi ánh sánh bị khúc xạ trên mặt biển tạo ra ảo ảnh hình nhà cửa. Quan niệm Trung Hoa xưa cho rằng đấy là do một loài sò khổng lồ dưới biển (“thận”) nhả khí mà tạo thành.

30. Dựa theo điển tích vua Thuấn bày lễ múa trước sân điện để dụ nước Hữu Miêu đến chầu.

31. Thư tịch Trung Hoa xưa được viết trên thẻ tre, nên dùng thẻ ngắn bị coi là thiếu tôn trọng.

32. Tỳ hưu: Một loài thú tưởng tượng trong thần thoại Trung Hoa, được dùng để tượng trưng cho quân đội của nhà vua.

33. Trần Thuần là thủ lĩnh nổi loạn đầu thời Đông Hán, cát cứ vùng Lũng Tây.

34. Tôn Hạo là vua cuối cùng của nước Ngô thời Tam Quốc.

35.  Thẻ phượng: Lấy ý từ câu “phượng trát long thư”, chữ viết đẹp như rồng phượng. Ở đây chỉ chiếu chỉ của triều đình nhà Nguyên.

36. Tượng đê: Chức quan thời cổ, phụ trách ngoại giao với các nước phương nam.

37. Đoạn thơ này thể hiện cho tư tưởng của Trần Phu lúc bấy giờ, cho rằng nhà Trần nước ta ngấm ngầm mang lòng chống đối nhà Nguyên, nên có ý khuyên nhà Nguyên sớm sử dụng vũ lực để giải quyết.

 

***

 

Phụ lục:

Trong sách này tác giả đã sử dụng chữ Hán để kí âm lại một số từ vựng của tiếng Việt, ít nhiều cho biết về bộ mặt ngôn ngữ nước ta đương thời. Tuy nhiên, vì mỗi ký tự chữ Hán có thể mang nhiều phát âm tùy theo ngôn ngữ (ví dụ trong Hán-Việt đọc là “quốc”, nhưng tiếng Quan thoại đọc là “guó”, tiếng Quảng Đông là “gwol”…) nên chúng ta không nắm được chính xác tác giả phát âm những từ đấy như thế nào. Nhằm dễ xác định, những từ tác giả kí âm sẽ được chuyển về phát âm Hán trung đại, rồi đối chiếu với kí âm bằng chữ Quốc ngữ sau này, để phỏng đoán về phát âm vào thế kỉ XIII.


Chữ Hán kí âm

Nghĩa tiếng Hán

Phát âm Hán trung đại

Phỏng đoán phát âm thời Trần

勃未

thiên ()

/buət̚mʉi/

bmời

địa ()

/tɑt̚/

đất

浮勃未

nhật ()

/bɨubuət̚mʉi/

?

勃文

nguyệt ()

/buət̚mɨun/

bmăng

phong ()

/kˠau/

gió

vân ()

/muʌi/

mây

斡隈

sơn ()

/uɑt̚uʌi/

?

thủy ()

/lɨɐk̚/

lước/nước

nhãn ()

/muɑt̚/

mắt

khẩu ()

/mˠiæŋ/

miệng

phụ ()

/ʈˠa/

cha

mẫu ()

/nɑ/

na

干多

nam tử (男子)

/kɑntɑ/

con đực?

干蓋

nữ tử (女子)

/kɑnkɑi/

con cái

phu ()

/ɖɨoŋ/

chồng

陀被

thê ()

/dɑbˠiᴇ/

?

hảo ()

/liᴇŋ/

lành

張領

bất hảo (不好)

/ʈɨɐŋliᴇŋ/

chẳng lành

 

(Dịch thuật và chú thích: Quốc Bảo)

Comments